Sau khi hạ phủ Đại Đồng, thế quân Tây Bắc như chẻ tre, nội trong ba ngày đã chiếm phủ Lâm Triệu.
Trong ngoài triều đình nước Liêu bàng hoàng, nhốn nháo cả lên.
Vua Liêu vừa mới băng hà, chiến sự giữa hai nước căng thẳng, nước Liêu đã lâm vào cảnh ngoài trong cùng loạn hết sức bất ổn.
Mười vạn quân Sói Đen đổ vào cuộc chiến ở phủ Đại Đồng giờ chỉ còn chưa đầy bốn vạn.
Vương tử Thái sư Gia Luật Định nén giận, y như một con mãnh hổ ẩn núp rình mồi, chỉ chờ đúng thời cơ để vồ một cú trí mạng.
Vì vua Liêu qua đời chưa được bao nhiêu lâu mà chiến trường miền Nam thì thảm bại, quan lại nước Liêu rối rít dâng thư xin Vương tử Thái sư ra quyết định hòa đàm với nước Tống sớm nhất có thể.
Hai mươi sáu năm về trước, Đại Tống và Liêu cứ đánh rồi lại ngừng suốt mười năm ròng.
Cuối cùng, Đại Tống đã giành chiến thắng, nhưng đến lúc nghị hòa nước Liêu vẫn tỏ ra nghênh ngang hống hách, không hề có vẻ nhục nhã, khiếp nhược của một nước chiến bại.
Hôm nay, sứ đoàn nước Liêu gấp rút tới Thịnh Kinh, Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng lại đảm nhiệm vị trí sứ thần tiếp đón.
Sứ Liêu không còn vênh váo, ngang ngược như xưa.
Lúc xin vào gặp vua Tống, sứ Liêu bị Mạnh Lãng từ chối thẳng thừng.
“Mấy hôm nữa là đến dịp thiên đản1 của hoàng đế Đại Tống ta, sứ Liêu đã sắp sửa lễ vật chưa?”
Viên sứ thần lĩnh đoàn sửng sốt: “Chẳng phải một tháng nữa mới đến sinh nhật hoàng đế nước Tống ư?”
Mắt Mạnh Lãng chói rực, ông ta lên giọng quở trách: “Thế tức là không có lễ vật chứ gì? Lễ vật chẳng có, tay không đến diện kiến hoàng đế Đại Tống chúng ta.
Sứ Liêu không biết Đại Tống ta là đất nước trọng lễ nghi hay sao? Tức là qua lại với nhau không thể vô lễ2.
Đằng này đã chưa có ‘qua’ thì tất nhiên không thể có ‘lại’ rồi.”
Sứ Liêu cùng đường bí lối, đành phải sai người về nước sửa soạn lễ vật tặng vua Tống.
Đến hạ tuần tháng Chín thì hai bên đàm phán chuyện đình chiến, tái ký kết hiệp ước hòa bình.
Sứ Liêu tức tối nói: “Phủ Đại Đồng và phủ Lâm Triệu đều bị chiếm lĩnh đã đành, nhưng phủ Kim Hi thuộc lãnh thổ Đại Liêu chúng ta, lí nào lại giao cho người Tống các ngươi?”
Mạnh Lãng cười khẩy, lí luận đanh thép: “Một trăm lẻ bốn năm về trước, các phủ Đại Đồng, Lâm Triệu và Kim Hi mà sứ Liêu nhắc đến làm gì có tên như thế? Tên những vùng đó là Tiêu châu, Hàm châu, Định châu! Đã là lãnh thổ Đại Tống từ xưa, cớ gì không trả về cho Đại Tống chúng ta?”
Sứ Liêu mỉa mai: “Sao nào? Quan bác không biết quân Tây Bắc nước Tống các vị đánh phủ Kim Hi nửa tháng mà không sờ vào nổi cái cổng thành à?”
Phủ Kim Hi là nơi dễ thủ khó công nhất trong ba phủ, ba mặt toàn núi non, mặt còn lại thì giáp sông.
Chắn giữa phủ Kim Hi và phủ Lâm Triệu là con sông Hi lớn nhất vùng Tây Bắc Trung Nguyên.
Quân Tống muốn vượt sông phải mất rất nhiều công sức, tổn thất nặng nề.
Muốn đánh chiếm phủ Kim Hi lần nữa khó như giữ đóm đêm mưa.
Xưa kia vua Tống Thái Tổ sửa tên nơi này thành “Định châu” cũng vì lẽ đó.
Chiếm thì chiếm được, nhưng sẽ tiêu tốn cơ man sức người sức của.
Làm sao Mạnh Lãng không biết điều ấy chứ?
Ông ta cũng hiểu, nếu hôm nay mình không thể giành lấy Định châu, ngày mai, Lý Cảnh Đức sẽ dẫn mười vạn đại quân tấn công Định châu một lần nữa.
Lúc Lý Cảnh Đức về kinh từng chế nhạo ông ta rằng quan văn các ông chỉ được cái võ mồm võ bút.
Thế nhưng khi Mạnh Lãng nhắm mắt lại rồi mở mắt ra, ông ngỡ mình đang trông thấy chiến trường bốn bề dậy tiếng sát phạt trên chiếc bàn rất dài này.
Giữa khoảng trời đất mù mịt cát vàng, đao kiếm đối đầu, máu thịt vung vãi, xác thây lạnh ngắt.
Mạnh Lãng trấn tĩnh, khẽ mỉm cười, nói: “Sao? Bản quan được biết, hôm nay Nhị hoàng tử Gia Luật Xá Ca của nước Liêu vừa mới về Thượng Kinh phải không?”
Sứ Liêu tái mặt.
“Vua Liêu băng hà, nước Liêu đang lâm vào cảnh loạn trong giặc ngoài.
Đại Tống ta có binh khỏe ngựa hay, dân giàu nước mạnh, phủ Kim Hi tuy dễ thủ khó công, nhưng trước sức công như vũ bão tất sẽ về với Đại Tống.
Chẳng qua tới lúc ấy, chiếm xong phủ Kim Hi xương xẩu nhất rồi, dễ là thiết kị Đại Tống sẽ ngược bắc luôn thể, thừa thắng xông lên.”
“Ông dám!”
Mạnh Lãng quắc mắt: “Nam nhi Đại Tống ta xông pha trận mạc, da ngựa bọc thây, quyết tiến không lùi.
Có gì mà không dám!”
Ngày hai mươi chín tháng Chín năm Khai Bình thứ ba mươi sáu, hai nước Tống Liêu kí hiệp ước.
Nước Liêu trả lại Tiêu châu, Hàm châu, Định châu về cho nước Tống, đồng thời bồi thường hai trăm vạn lạng bạc trắng, một trăm thớt ngựa quý.
Hiệp ước kí xong, cả nước tưng bừng nhộn nhịp.
Hoàng đế trọng thưởng Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng, phong làm Đại học sĩ Văn điện, kiêm Thượng thư bộ Lễ.
Đường Thận lấy làm kinh ngạc lắm.
Bấy giờ Mai Thắng Trạch vừa mới về U châu nhậm chức mới để tránh ồn ào, Đường Thận đã tìm ngay cơ hội điều anh về Thịnh Kinh giữ chức Lang trung ngũ phẩm ở bộ Công.
Đường Thận vốn định đưa cả Vương Tiêu về kinh thành, nhưng Vương Tiêu đã chọn ở lại U châu làm việc tiếp.
Tây Bắc thắng to, bá quan mừng rỡ, Mai Thắng Trạch cũng không giấu được niềm vui.
Đường Thận nói: “Ba châu về với Tống như ván đã đóng thuyền, ta không ngờ Mạnh đại nhân còn cạy thêm được khoản bồi thường từ miệng người Liêu đấy.”
Mai Thắng Trạch: “Hai trăm vạn lạng bạc cũng nhiều, nhưng cũng chỉ bằng tiền thuế một năm với Đại Tống mà thôi.
Riêng ngựa báu khó cầu, một trăm thớt Hãn huyết bảo mã kia mới thực là của báu.”
“Há chỉ có vậy?” Đường Thận cảm khái, “Mạnh đại nhân thật sự đã trổ hết bản lĩnh rồi đấy.
Hai trăm vạn lạng bạc và một trăm thớt ngựa ấy không chỉ là của cải đâu.
Ngàn năm sau trông lại, ngày hôm nay là khởi đầu cho một kỉ nguyên mà Đại Tống ta không còn phải khiếp sợ nước Liêu nữa!”
Muôn sự nghìn năm chỉ gói gọn vào một chữ trên trang sử.
Đường Thận đã đọc lịch sử, làm sao không biết Hiệp ước Tiêu châu sẽ trở thành một nét mực in đậm sử xanh.
Cứ thế, đại quân Tây Bắc khải hoàn về triều.
Mùng bốn tháng Mười, hoàng đế thân chinh ra cổng thành nghênh đón.
Sự kiện này đã từng diễn ra vào hai mươi sáu năm về trước, khi Đại Tống chiến thắng đầy chật vật.
Lúc toàn quân về triều, Triệu Phụ thuở ấy mới ngoài bốn mươi đã ra tận cổng thành, hai tay đỡ vị Thái sư già, ban cho ông danh hiệu “Thái sư”, đưa ông trở thành người duy nhất còn sống khi được phong Thái sư kể từ khi Đại Tống dựng nước.
Hai mươi sáu năm sau, Đường Thận đứng trong hàng ngũ quan tam phẩm, chứng kiến mười vạn đại quân trùng trùng điệp điệp, hùng dũng hiên ngang xuất hiện ở nơi mặt trời mọc.
Vó ngựa đi đến đâu, đất đai rung chuyển đến đó.
Vị Nguyên soái trẻ tuổi khoác giáp bạc, cầm trường thương mũi bạc quý báu3.
Chống một tay lên yên, hắn nhảy khỏi lưng ngựa, quỳ một bên gối xuống đất, nói với hoàng đế: “Thần – Lý Cảnh Đức không phụ sự ủy thác, dẫn đại quân Tây Bắc về ra mắt thánh thượng đây!”
Triệu Phụ mừng rỡ vô cùng: “Hay lắm!”
Nói đoạn, ông cầm tay Lý Cảnh Đức dẫn vào cổng thành Thịnh Kinh.
Bá quan theo sát đằng sau cùng trở về thành.
Tô Ôn Duẫn trông thấy cảnh đấy từ xa, mũi hừ một tiếng lạnh ngắt: “Không thể tưởng tượng nổi Chu Thái sư lại phái hắn chứ không đích thân về kinh.”
Chu Thái sư ở lại trấn giữ Tây Bắc, trông coi ba quân, cho nên lần này Lý Cảnh Đức là người dẫn quân khải hoàn.
Nếu Chu Thái sư trở về, hoàng đế sẽ đỡ Thái sư dậy chứ không đỡ Lý Cảnh Đức.
“Râu ria Lý tướng quân sao mà nhẵn nhụi thế nhỉ?”
Tô Ôn Duẫn quay phắt lại.
Chẳng biết tự bao giờ, Đường Thận đã đứng ngay sau lưng anh ta.
Đường Thận thi lễ, cười khẽ: “Tô đại nhân.”
Tô Ôn Duẫn lừ mắt nhìn cậu: “Đường đại nhân.”
Đường Thận ra vẻ hồ nghi: “Tô đại nhân có biết vì sao Lý tướng quân cạo râu không thế? Hồi ở U châu ta từng nghe đồn gương mặt Lý tướng quân rất tuấn tú, lần nào xung trận đánh giặc cũng không có uy.
Chính vì thế, hắn cố ý nuôi râu quai nón rậm rì, trông cho oai phong hùng tráng.” Dừng lời thoáng chốc, Đường Thận kết một câu: “Râu với hắn ta có khác nào mạng sống.”
Tô Ôn Duẫn thấy nực cười quá thể: “Ta biết kiểu gì được? Tay Lý Cảnh Đức đó thích cạo râu thì cạo chứ, liên quan gì đến ta?”
Đường Thận: “À, ra là thế.
Hạ quan rõ rồi.”
Đường Thận chẳng dài lời, chỉ nhìn Tô Ôn Duẫn bằng ánh mắt đầy ẩn ý.
Khóe môi Tô Ôn Duẫn máy một cái.
Anh ta chưa kịp nói câu nào, Đường Thận đã quay gót đi thẳng.
Tô Ôn Duẫn: “…”
Ngươi thì biết cái khỉ gì mà biết!
Rốt cuộc giống ai mà giống khiếp lên được thế nhỉ? Cái điệu bộ ngứa mắt này quen lắm!
Bỗng Tô Ôn Duẫn sững người: “Vương Tử Phong?”
Nom anh ta có vẻ nghĩ ngợi lắm.
Hôm đó về nhà, Đường Thận kể cho Vương Trăn nghe chuyện mình xỏ xiên Tô Ôn Duẫn.
“Ta đã nghe Mai Thắng Trạch kể từ trước rằng Lý Cảnh Đức cạo râu vì Tô Ôn Duẫn bảo phải cạo mới cho tin tình báo.
Vì thế ta bèn bắt chước theo kiểu sư huynh, chặn họng Tô Ôn Duẫn để xỏ xiên y.
Hồi xưa chưa cảm nhận rõ, giờ ta mới phát hiện, thấy kẻ khác không nói gì nổi thật thú vị làm sao, hèn gì sư huynh cứ hay làm thế.”
Vương Trăn bật cười: “Ta hay xỏ xiên người khác bao giờ?”
Đường Thận: “Ồ, huynh chưa bao giờ cơ đấy?”
Vương Trăn nhìn cậu đắm đuối, chân thành bảo: “Chỉ trêu mỗi mình em thôi.”
Đường Thận: “…”
Thiên tử mừng thọ bảy mươi tuổi4, Tây Bắc đại thắng, đúng là song hỉ lâm môn.
Ngày mười ba tháng Mười năm Khai Bình thứ ba mươi sáu, hoàng để ban thưởng lớn cho công thần.
Gần nửa số tướng võ trong triều đình được thăng một bậc quan, các quan văn cũng được ban thưởng.
Đáng lí Đường Thận và Tô Ôn Duẫn đều xứng đáng được ban thưởng, nhưng vì chuyện đánh Liêu là bí mật không thể bại lộ, hoàng đế chỉ gọi riêng từng người vào gặp kín.
Ông ta không tiếc lời khen thưởng, đồng thời cũng vỗ về rằng cả hai không nên sốt ruột.
Lúc ra khỏi điện Thùy Củng, Đường Thận đã chắc dạ.
Cậu biết phần thưởng của mình không mất đi đâu được, chỉ cần thời cơ mà thôi.
Đã là thời cơ thì luôn luôn đến vào lúc bất chợt.
Ngày hăm bảy tháng Mười một, bộ Tạo Cải trực thuộc bộ Công nghiên cứu ra máy dệt vải kiểu mới, sử dụng kết hợp với lung tương.
Máy này có thể dệt ra mười xấp vải một lúc mà chẳng tốn mấy thì giờ.
Chính Đường Thận đã chỉ huy các quan và thợ mộc của bộ Công nghiên cứu ra cỗ máy này.
Dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết về máy dệt của phương Tây kiếp trước, cậu đề ra một số điểm cải tiến.
Theo hướng đó, thợ mộc bộ Công cải tạo khung cửi và thiết kế ra máy dệt kiểu mới.
Đường Thận đã mang xấp vải thành phẩm đầu tiên đến cho nhà vua xem.
Triệu Phụ nhẹ nhàng vuốt ve xấp vải.
Vải này kém hơn gấm Thục, cũng chẳng bằng hàng thêu Tô châu, nhưng ông đã ngắm nghía nó rất lâu.
Rồi ông ngẩng lên nói với Đường Thận: “Đây cũng là thế giới mới mà Cảnh Tắc từng bảo trẫm ư?”
Đường Thận nghiêm chỉnh chắp tay nói: “Đây chính là khởi đầu của thế giới mới.”
Sau khi Đường Thận ra về, Triệu Phụ ngồi trên ngai rồng, thong thả nói với Đại thái giám Quý Phúc: “Trên triều đình, ngươi có biết trẫm thích ai nhất không?”
Quý Phúc thót tim.
Hoặc là hoàng đế không nói gì, hoặc là hễ nói thì có người mất mạng.
Gần vua như gần hổ là thế này đây.
Đường Thận vừa ra khỏi cung hoàng đế đã hỏi câu này.
Quý Phúc đảo mắt, nói: “Nô tỳ cảm thấy mỗi vị đại thần đều là rường cột nước nhà.
Nô tỳ cũng không biết quan gia ưng ai nhất.
Riêng nô tỳ thích Đường đại nhân nhất.” Nói đến đây, Quý Phúc ngượng ngùng cười: “Quan gia cũng biết đấy, nô tỳ là hoạn quan không con không cháu.
Phần đông các thái giám đều nhận con nuôi trong cung, nô tỳ cũng có một đứa.
Lần nào gặp nhau, Đường đại nhân cũng gợi cho nô tỳ nhớ đến cậu con nuôi của mình, nó cũng gần gũi thân tình như thế.
Với quan gia, Đường đại nhân lúc nào cũng tri kỉ hết.”
Cùng trưởng thành với Triệu Phụ từ nhỏ, từ lâu Quý Phúc đã biết những chuyện mình làm xưa nay chưa bao giờ giấu được vị hoàng đế này.
Vì thế, thi thoảng lão sẽ thổ lộ vài bí mật nho nhỏ của mình.
Có thể hoàng đế đã biết những điều đó từ lâu, nhưng nghe chính miệng lão nói lúc nào cũng khác.
Quả nhiên, Triệu Phụ cười ha hả, chỉ vào lão ta mắng đùa: “Đường đại nhân mà ngươi cũng đem so với thứ hoạn quan như mình à?”
Mặt Quý Phúc tái mét, lão hốt hoảng quỳ xuống: “Nô tỳ không dám, nô tỳ lỡ lời.
Nô tỳ vả miệng mình, xin quan gia tha tội.” Vừa nói, Quý Phúc vừa tát vào mồm.
Lão phải tát đến cái thứ mười, Triệu Phụ mới nói: “Được rồi, đứng lên đi.”
Quý Phúc tủi hờn thưa: “Vâng.”
Triệu Phụ nói với vẻ trầm ngâm: “Trong triều đình ấy à, trẫm không tin được Từ Bí, không tin được Vương Thuyên, không tin được Vương Trăn, không tin được Lý Cảnh Đức.
Trẫm chỉ tin một người duy nhất, đó chính là Chu Thái sư.
Nhưng hôm nay, trẫm bỗng cảm thấy Đường Cảnh Tắc…” Tiếng ông bặt đi, Triệu Phụ co ngón tay gõ lên bàn một nhịp.
Quý Phúc khúm núm ngước lên nhìn ông.
Triệu Phụ nói: “Đường Cảnh Tắc thực sự muốn làm đôi điều cho Đại Tống, không chỉ vì trẫm.”
Mùng hai tháng Chạp năm Khai Bình thứ ba mươi sáu, Hữu thị lang bộ Công Đường Thận có công chỉ đạo việc chế tạo lung tương, thăng làm Hữu Tán kị Thường thị, một chức danh hàm nhị phẩm.
Mùng ba tháng Chạp, Đường Thận vừa mới lên chức, đang đi vào điện Cần Chính thì chạm mặt một người.
Thấy nhau, cả hai người cùng sững ra.
Đường Thận chắp tay nói: “Hôm nay thì ta tin lời Dư đại nhân rồi.
Ta và Dư đại nhân quả là có duyên, lúc nào cũng tương ngộ.”
Dư Triều Sinh đáp lễ: “Chưa chúc mừng đấy.
Mừng Đường đại nhân được thăng một bậc nhé.”
Đường Thận: “Đa tạ Dư đại nhân.”
Dư Triều Sinh: “Ta còn việc cần làm.”
Đường Thận: “Đại nhân đi thong thả.”
Họ đi lướt qua nhau trong vườn hoa điện Cần Chính.
Lúc Đường Thận tới nhà làm việc của mình, Mai Thắng Trạch đợi ngoài cửa đã lâu.
Anh phẩy một bông tuyết trên vai Đường Thận: “Tuyết rơi rồi.”
Đường Thận ngẩng đầu nhìn anh, bấy giờ mới phát hiện chẳng biết tự khi nào, những bông tuyết đã chầm chậm bay trên bầu trời.
Đây là trận tuyết đầu mùa ở Thịnh Kinh đông này.
Hôm sau, Đại lý tự Thiếu khanh dâng thư lên điện Thùy Củng: “Muôn tâu bệ hạ, vụ án Hình châu giờ đã sáng tỏ.
Tội quan Tôn Thượng Đức tự vẫn trong ngục vì sợ tội.
Tuy nhiên, thần đã điều tra tận chân tơ kẽ tóc những người còn lại và cuối cùng đã tìm ra chân tướng.
Bệ hạ, vụ án này dính líu đến rất nhiều người.
Tuy phần lớn là các quan ngũ phẩm, lục phẩm, nhưng có một người hiện đã là quan nhị phẩm, dù không phải thủ phạm chính.”
Kết quả này, Triệu Phụ đã đoán được từ lâu.
Ông hỏi: “Có quan lớn nhị phẩm cả gan phạm tội tày đình thế nữa à? Kẻ nào?”
Đại lý tự Thiếu khanh chắp tay hành lễ, nói chắc nịch: “Chính là Thượng thư bộ Binh kiêm Phó chỉ huy sứ ty Ngân dẫn – Dư Triều Sinh đại nhân!”.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...