Sơn Hà Bất Dạ Thiên


Hai người ra khỏi thư phòng, ngoài nhà, trận tuyết dày đã đổ xuống tự lúc nào trong thinh lặng, giăng kín trời muôn vàn hạt mong manh.
Bầu trời đêm đen nhánh, hoa tuyết trắng phau đua nhau rơi lả tả trên nền đất, tích tụ thành một lớp xôm xốp bóng lóa.

Quý Triệu Tư cực kì dụng tâm khi chuẩn bị khu nhà này cho Vương Trăn.

U Châu rất hiếm kiểu nhà mang đậm những nét đặc trưng của vùng Giang Nam sông nước, thế mà trong khu vườn của tòa dinh thự rộng lớn này có hẳn một cái ao, kèm theo núi non bộ trùng trùng điệp điệp, lớp lớp rừng khoảng kín khoảng thưa.
Đường Thận và Vương Trăn sánh vai thả bước trên hành lang.

Đường Thận vươn tay bắt lấy một bông tuyết.
“Nói ra kể cũng lạ, hôm trước ngày mùng bảy tháng Giêng, Thịnh Kinh đón trận tuyết lớn lắm, trận tuyết sau ngày mùng bảy cũng nặng hạt giống như hôm nay.

Không hiểu sao riêng đêm mùng bảy thì ánh trăng trong vắt, tịnh không hạt tuyết.” Đường Thận hồi tưởng một lát, nói: “Đêm hôm Thiện Thính bị xử trảm, thật ra cũng có tuyết rơi.”
Tiếng Vương Trăn thanh trong mát lành: “Em có tin vào quỷ thần không?”
Đường Thận ngẩng đầu lên nhìn sư huynh nhà mình.

Họ nhìn nhau trong chốc lát, cậu nói: “Không tin.”
Cố nhiên, cậu không tin.

Không chỉ thế, cậu còn biết Vương Trăn cũng không tin.
Bởi nếu chàng tin thì hồi Đường Thận thi Hương, Vương Trăn đã không “phóng sinh” gà, thỏ để khuyên Đường Thận chớ nên trông chờ ông trời phù hộ mà phải dựa vào sức của mình.
Vương Trăn: “Tiểu sư đệ nghĩ Thánh thượng có tin không?”
Nhất thời Đường Thận không biết đáp sao.
Triệu Phụ có tin vào quỷ thần không?
Bất cứ người dân Đại Tống nào được hỏi câu này, có lẽ đều sẽ trả lời rằng: Tin chứ, tin tuyệt đối là đằng khác!
Triệu Phụ sùng đạo Lão đã hơn hai mươi năm nay, mấy đời Giám Chính Khâm Thiên Giám toàn là đạo sĩ mũi trâu.

Đài Đăng Tiên, lầu Hư Cực, công trình nào chẳng được Triệu Phụ xây cất để tầm đạo tu tiên? Không những tôn thờ đạo Lão, Triệu Phụ còn tin theo đạo Phật.

Ngay cả khi đã xử trảm yêu tăng Thiện Thính, giờ đây mỗi khi lên triều, Triệu Phụ cũng thường xuyên cầm theo tràng hạt, nhẹ nhàng lần từng hạt.
Mặc dù thế, sau một hồi trầm tư, Đường Thận lại nói: “Có khi chẳng tin đâu nhỉ.” Nghe giọng cậu có vẻ lưỡng lự, chừng như đang phỏng đoán.
Vương Trăn cười khẽ, chàng cầm tay Đường Thận, ung dung dắt cậu đi: “‘Có khi’ thôi à?”
Nhận được sự khích lệ từ ánh mắt chàng, Đường Thận khẳng định: “Không tin!”
Vương Trăn: “Lý đại nhân là một người thú vị đấy.”
Đường Thận nghĩ một lát mới hiểu Lý đại nhân mà Vương Trăn nhắc đến là Giám chính Khâm Thiên Giám Lý Tiêu Nhân.

“Hơn mười năm về trước, ta gặp ông ấy lần đầu đúng vào thời điểm Lý đại nhân đang lo ngay ngáy vì vừa lên chức Giám chính Khâm Thiên Giám.

Nhưng hồi đó, ta mới chỉ là một viên quan ngũ phẩm quèn thôi.”
Đường Thận: “Khởi Cư lang ngũ phẩm hử?”
Vương Trăn mỉm cười gật đầu.
Đường Thận: “…”
Hẳn là viên quan ngũ phẩm quèn!
Vương Trăn: “Em nhìn ta thế là muốn ta hôn em phải không?”
Đường Thận lia mắt đi ngay tức thì.
Dĩ nhiên Vương Trăn vẫn cúi xuống, dịu dàng hôn lên mi mắt Đường Thận rồi nói tiếp: “Từ hồi năm ngoái, Lý đại nhân thường xuyên đến gặp ta, kể lể nỗi khổ bị Thiện Thính chèn ép.

Dĩ nhiên ta hiểu ý ông ấy, hiềm nỗi Vương Tử Phong này thấp cổ bé họng lắm.

Trước hoàng đế, ta có là cái đinh gì đâu? Dẫu có nói khô cả cổ, e hoàng đế cũng chẳng buồn để mắt đến.”
Đường Thận: “…”
“Cảnh Tắc, trông ánh mắt em kìa…Ha ha, quay lại đây.” Vương Trăn định tiện thể thơm cái nữa, nhưng thấy Đường Thận suýt thì kệ phứt chàng mà đi, Vương Trăn phải níu tay cậu ngay, vừa cười vừa kéo Đường Thận về.
Đường Thận đến bó tay với chàng: Huynh mà thấp cổ bé họng ấy hả Vương Tử Phong? Ngài còn biết khiêm tốn không hở ngài?
Vương Trăn: “Em tưởng ta lừa em đấy à? Ầy, em lại hiểu lầm ta rồi.

Ta nói thật, chuyện của Thiện Thính đúng là lực bất tòng tâm! Chứ ta với Lý đại nhân biết nhau bao năm nay, tính ta lại nhiệt thành, thường lấy việc giúp người khác làm vui, có lí nào ta lại không giúp ông ấy?” Không để Đường Thận có cơ đội ném cho mình cái nhìn khinh bỉ, Vương Trăn đã mau miệng nói tiếp: “Thúc tổ bảo không hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra, không nhìn thấu nổi thánh thượng hiện giờ, kì tình ta cũng chưa bao giờ hiểu hết.

Từ đầu chí cuối, ta chỉ nói với thúc tổ và tiểu sư đệ rằng chớ nghi ngờ đương kim thánh thượng.

Không hiểu ngài, nhưng đừng nghi ngờ ngài.

Trên đời này, người bẫy được ngài hiếm lắm!”
Hiếm ai bẫy được Triệu Phụ, tức là vẫn có ư?
Đường Thận vốn muốn hỏi thêm Vương Trăn rằng huynh nghĩ ai có thể khiến Triệu Phụ mắc mưu, nhưng câu này nghe cứ như chán sống vậy.

Đường Thận nâng lên đặt xuống một hồi, nghĩ bụng, chắc hẳn Vương Trăn cho rằng chàng có năng lực ấy đây,…và cả Kỷ tướng nữa?
Đường Thận dứt khoát không hỏi, cậu nhìn Vương Trăn: “Sư huynh cũng không hiểu sao?”
Vương Trăn: “Không hiểu.”
“Thật chứ?”
“Thật trăm phần trăm.”
Bấy giờ Đường Thận mới tin chàng.

Thực tình mà nói, trước đây, Triệu Phụ còn hành động theo một vài quy tắc nhất định, nhưng vụ cung biến tháng Giêng vừa qua đã làm tất cả mọi người choáng váng.

Dân chúng thiên hạ cứ tưởng yêu tăng hại nước, dối gạt Tả tướng, suýt nữa thì gây họa lớn; trong khi đó, các quan đại thần và tâm phúc của hoàng đế như bọn họ đều biết thực tế khác hoàn toàn, không hề tương đồng một chút nào cả!
Lỗi của Thiện Thính ư?
Làm thế nào mà vị hoàng đế hôn mê suốt mấy ngày trời đột nhiên tỉnh đúng vào thời khắc then chốt cơ chứ?
Nhưng suy cho cùng Triệu Phụ chỉ có mỗi ba người con trai.

Là Hoàng đế Đại Tống, rốt cuộc điều gì đã khiến ông ta giăng bẫy hãm hại ba đứa con của mình như thế? Sau trận cung biến, ba vị hoàng tử cắm đầu giục ngựa, chạy thục mạng khỏi Thịnh Kinh.

Như cá nằm trên thớt, có lẽ cả ba đã lờ mờ đoán ra sự thật.

Trước quyền lực của phụ hoàng, không ai trong số bọn họ ngóc đầu lên nổi.
Có lí do gì để một người cha đang tâm mưu hại chính các con mình?
Sắc đẹp, tiền tài, quyền thế ngút trời?
Những thứ đó, Triệu Phụ chẳng hề thiếu.
Vậy ông ta muốn gì đây?
Muôn thuở vang danh, thân tàn tiếng thơm còn để?
Lẽ nào sát hại tất cả các con trai sẽ khiến ông ta đi vào lịch sử?
Đường Thận cảm khái: “Thật ra từ rất lâu về trước, ta từng bộc bạch với tiên sinh rằng, thà yên cái phận tú tài, còn hơn vinh hiển hai đời hàn lâm.”
Gần vua như gần hổ, nắm quyền cao chức trọng có dễ gì cho cam!
Vương Trăn tỏ vẻ ngạc nhiên: “Đã có lúc tiểu sư đệ không nuôi chí làm quan cơ đấy? Ô, em nói với tiên sinh bao giờ thế, sao tiên sinh chưa kể cho ta?”
“… Huynh biết ta đang nhắc đến thầy nào mà.”
“Chẳng lẽ không phải thầy của chúng mình, Phó Vị, Phó Hi Như? Còn ai vào đây nữa?”
“…”
“Vương Tử Phong, huynh biết thừa còn cố tình hỏi!”
Vương Trăn cười ha hả, ôm cậu vào lòng: “Đêm tuyết lạnh lắm, mình vào nhà nhé?”
Bây giờ Đường Thận mới phát hiện, mình đã được Vương Tử Phong dẫn về phòng ngủ tự bao giờ.

Vương Trăn đẩy cửa phòng, cánh cửa kêu cót két.

Đường Thận ngơ ngẩn trong chốc lát, đến khi cậu ý thức được người ấy muốn làm gì, Vương Tử Phong đã ôm cậu ngồi xuống mé giường rồi.
Bàn tay Vương Trăn dịu dàng cởi thắt lưng của Đường Thận.


Ngắm gương mặt tuấn tú và thư thái của Vương Trăn, Đường Thận bỗng mê muội, vô thức ngẩng lên hôn chàng.

Vương Trăn khựng lại.

Đường Thận hôn chẳng hề hời hợt, nhưng cũng chẳng kéo dài bao lâu.

Nụ hôn vừa dứt, Vương Trăn khẽ nhếch mép, thân thể chàng trùm lên cậu, khóa chặt đôi môi mình nhung nhớ suốt mấy tháng trời.
Trụ giường rung rinh, kẽo kẹt, kẽo kẹt…
Khi tuyết thôi rơi thì chiếc giường cũng yên ắng lại.

Vương Trăn choàng áo khoác, xuống giường thêm than vào lò sưởi.

Đường Thận nằm bò ra mé giường, rướn cổ tò mò nhìn chàng khêu lửa trong chậu than.

Lúc Vương Trăn quay về, ập vào mắt chàng là cậu thanh niên tuấn tú đang nhoài người ra khỏi giường, chăn chỉ đắp hững hờ đến eo, khoe tấm lưng trắng ngần tựa tuyết.
Đã thế, cậu thanh niên ấy còn đắm đuối nhìn chàng bằng đôi mắt long lanh.
Lửa bừng lên trong mắt Vương Tử Phong, họng nghèn nghẹn, chàng hấp tấp buông một câu “Đắm chìm tửu sắc nào phải tác phong của người quân tử”, rồi hăm hở sải bước về giường, cầm tay Đường Thận, đẩy cậu nằm ngửa ra.
Sang ngày hôm sau, họ cùng nhau thức giấc.

Đường Thận vừa buộc thắt lưng vừa nói: “Trước khi tới đây ta có sang thăm tiên sinh.

Tiên sinh bảo ta rằng, bao giờ việc soạn sách hoàn tất, tiên sinh cũng không còn gì nuối tiếc nữa.”
Vương Trăn đang mặc quần áo liền dừng tay.
Chàng thở dài thườn thượt, nói: “Quê tiên sinh không ở Thịnh Kinh, chẳng biết có kịp về thăm thầy một lần không.”
Việc này Vương Trăn đã đoán đúng.

Năm Khai Bình thứ hai mươi ba, ngày mười chín tháng hai, viện Hàn Lâm hoàn tất việc biên soạn cuốn Văn Tuân Kính tập, cuốn sách đã tiêu tốn ba năm tâm huyết của Phó Vị.

Hồi trẻ, Phó Vị rất thích tham gia hội thơ của giới văn nhân, thưởng thức những tập thơ hay.

Giờ may mắn biên soạn thành công cuốn Văn Tuân Kính tập, ông mừng rỡ khôn xiết, phấn khởi suốt hai đêm không ngủ được.
Nhưng rồi khi niềm hưng phấn nhạt đi, Phó Vị bỗng cảm thấy lực bất tòng tâm.
Cuốn Văn Tuân Kính tập gần như đã vắt kiệt tinh thần và thể lực của ông.

Rốt cuộc, Phó Vị cũng nhận ra mình chẳng còn ở cái tuổi ba mươi, bốn mươi trẻ trung, cũng chẳng còn tràn trề sức lực.

Ông đã già rồi, ông không thể bám trụ triều đình lâu hơn được nữa.

Bấy giờ Phó Vị mới nhớ lúc rời kinh, cậu học trò cưng Vương Trăn có sang thăm mình và tặng mình một bức họa.
Phó Vị đi đến thư phòng, trải bức tranh ra.


Tranh vẽ phong cảnh nước non rất đỗi nên thơ.

Sắc mực đậm đà, lối vẽ tài hoa; tranh của Vương Trăn trước giờ luôn phóng khoáng tự do, và giống như thư pháp của chàng, cũng đã đạt tới ngưỡng tuyệt mỹ.

Trong lúc thưởng thức bức họa, Phó Vị bỗng phát hiện giữa núi non trong tranh có một ông cụ tóc bạc cưỡi lừa.
Sau hồi lâu, Phó Vị cười khà khà: “Quả nhiên cái gì nhà mi cũng biết tuốt!”
Hôm sau, Phó Vị vào cung dâng tấu, xin hoàng đế cho từ quan, cáo lão về quê.
Mấy năm trước Phó Vị đã từ quan một lần, nhưng vì Triệu Phụ nhất quyết giữ ông lại, Phó Vị mới từ Hữu tướng thành Thừa chỉ viện Hàn Lâm.

Bây giờ Phó Vị xin từ quan lần nữa, Triệu Phụ vẫn mời ông ở lại, song Phó Vị tâu: “Thần đã già rồi.

Mấy hôm trước khi soạn xong Văn Tuân Kính tập, thần bước ra ngoài cửa nhìn lên không trung, bỗng thấy trời đất bao la, trăng sao vời vợi, vậy mà thần chưa bao giờ được chiêm ngưỡng kĩ.

Bệ hạ, thần già thật rồi.”
Triệu Phụ thở dài, không níu kéo thêm nữa: “Hi Như, trẫm sẽ nhớ khanh nhiều lắm!”
Phó Vị: “Thần cũng sẽ rất nhớ bệ hạ!” Nói xong, mắt Phó Vị nhòe đi, một giọt lệ bất giác lăn xuống.
Lúc ra khỏi điện Thùy Củng, Phó Vị dụi mắt, ngước nhìn khoảnh trời bó hẹp phía trên hoàng cung.

Chuyện xưa cũ hiện lên rõ mồn một.

Thời trẻ, Tứ nho thiên hạ lẫy lừng tiếng tăm; ông thích vẽ vời làm vui, tự xưng là Điêu Trùng trai chủ.

Khi đó trong thiên hạ có người tên là Chung Nguy, Chung Thái Sinh; ngay cả người có tính tài tử như Phó Vị cũng hết lòng kính phục.
Đến khi tiên đế băng hà, Triệu Phụ nối ngôi, thế thời liền xoay chuyển.
Biển quan trường chìm chìm nổi nổi, ba mươi năm ròng chẳng biết đến tương lai, ôi những tháng năm lênh đênh thấp thỏm!
Giờ đây, ông đã già thật rồi.

Bước đi không còn thoăn thoắt, cơ thể không còn khỏe khoắn như xưa.

Thế nhưng, khi Phó Vị xuất cung, ông bỗng thấy bước chân của mình nhẹ thênh.

Thậm chí, càng đi xa, nhịp bước Phó Vị càng thêm nhanh nhẹn.

Giây phút đặt chân ra khỏi hoàng cung, Phó Vị ngẩng mặt lên trời cười dài.

Ông bảo thư đồng: “Về phủ nào!”
Ôn Thư đồng tử hẵng còn ngơ ngơ ngác ngác, Phó Vị đã nói thêm: “Đi thôi, về Xương Châu, nơi lẽ ra phải về từ lâu lắm rồi!”
Xương Châu, chính là cố hương của Phó Hi Như..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui