Ngay lúc này, hoàng cung Đại Tống rừng rực ánh đèn đuốc, bốn bề rần rần tiếng quân.
Quân Ngự lâm đông như kiến cỏ; họ cầm đuốc, xách trường thương đi tuần tra cảnh giới.
Giữa lúc binh mã hỗn loạn, có bóng người mặc áo choàng với mũ trùm đen âm thầm chạy vào điện Tịnh Tâm ở phía đông bắc hoàng cung.
Điện Tịnh Tâm là cung điện hoàng đế vừa cho xây dựng năm ngoái, dành riêng cho việc thờ cúng tượng Phật.
Bóng người áo đen tiến vào điện, xốc mũ trùm lên.
Nhị hoàng tử Triệu Thượng chờ trong điện đã lâu; khi thấy rõ mặt mũi người đó, anh ta vội vã lại gần.
Triệu Thượng: “Đại sư, thế rốt cuộc là làm sao, ngoài kia có chuyện gì? Sao bỗng dưng nhốn nháo hết cả lên thế? Có biến rồi chăng?”
Triệu Thượng sốt ruột đến nỗi mồ hôi mồ kê vã ra như tắm.
Anh ta bị hoàng đế nhốt ở điện Tịnh Tâm không chạy đi đâu được, kêu trời trời chẳng thấu, kêu đất đất không hay.
Tối hôm nay sau bữa cơm chay, anh ta lại chép kinh văn cho Thái hậu.
Mới chép được một nửa thì bỗng dưng Triệu Thượng nghe ầm ĩ tiếng đánh nhau ngoài điện.
Triệu Thượng sợ bạt vía, cứ tưởng Triệu Phụ sắp sửa lôi mình ra chém đầu.
Ai biết đâu, Triệu Thượng núp sau cây cột hàng bao nhiêu lâu mà chẳng thấy ma nào vào.
Mãi đến nửa canh giờ sau thì Thiện Thính mới xuất hiện.
Gương mặt không rõ vui buồn của Thiện Thính khiến người ta khó lòng phán đoán cảm xúc của ông ta.
Ông chắp tay cúi chào theo kiểu nhà Phật, khoan thai nói: “Tâu điện hạ, đúng là đã sinh biến.
Bệ hạ ốm nặng, nằm liệt giường hơn ba ngày nay.
Hôm nay có hoàng tử dấy quân tạo phản, hiện giờ e đã đánh đến cổng cung rồi.”
Triệu Thượng hãi hùng, mắt trợn trừng trừng: “Nó toan cướp ngôi?!”
Giọng Thiện Thính như vọng ra từ cõi mù sương: “Vâng, cướp ngôi.”
“Sao nó dám làm thế?” Triệu Thượng điên tiết gầm lên, “Đứa nào, Triệu Kính hay Triệu Cơ? Chuyện bất kính tày trời ấy mà chúng nó cũng dám làm ư?”
“Bần tăng cũng không rõ.”
Ông vừa dứt câu, đã nghe tiếng thương kích choảng nhau chát chúa dội về từ đằng xa.
Triệu Thượng càng hoảng sợ, giọng lạc đi: “Giờ phải làm sao đây?” Anh ta bị hoàng đế giam lỏng ở điện Tịnh Tâm nên không có nhóm mưu sĩ giúp sức.
Hiện giờ Triệu Thượng luống cuống quá thể, không biết đường nào mà lần nữa.
Có một sự thật không thể chối cãi là dù Triệu Kính hay Triệu Cơ cướp ngôi, thì một khi thành công, chúng còn lâu mới chừa đường sống cho ông anh hai này.
Triệu Thượng thậm chí còn nghĩ: “Không khéo chúng lại đổ cái tội cướp ngôi thiên cổ lên đầu ta cũng nên.”
Anh ta siết chặt nắm đấm, lòng sục sôi khát khao bắn bỏ đứa em trai cả gan cướp ngôi.
Khốn thay, giờ đây đến một manh giáp Triệu Thượng cũng chẳng có, tháo thân khỏi hoàng cung chưa chắc đã nổi nữa là thắt cổ phản tặc? Giữa lúc anh ta đứng ngồi không yên, Thiện Thính lại nói: “Bệ hạ lâm trọng bệnh, quân Ngự lâm trong cung như rắn mất đầu, chỉ có Nhị điện hạ mới đủ khả năng nghênh địch.”
“Ta ư?”
Thiện Thính: “Đúng thế.
Điện hạ là hoàng tử, ngoài ngài ra, không còn ai có thể điều động ba nghìn quân Ngự lâm trong cung.
Điện hạ, đừng chần chừ nữa, xin ngài khẩn trương ra cổng Chiêu Đức, chặn đứng lũ phản tặc trước khi chúng tràn vào hoàng cung.”
Triệu Thượng bừng bừng chí khí: “Đại sư nói phải lắm, không thể ngồi yên chờ chết được!”
Cổng chính điện Tịnh Tâm ầm ầm mở toang, Triệu Thượng bước ra khỏi điện.
Thấy thủ lãnh quân Ngự Lâm Nguyễn Phụng đã chờ sẵn ở ngoài, Triệu Thượng quay lại nhìn Thiện Thính, cảm động khôn xiết: “Đa tạ đại sư.
Hôm nay, chừng nào bản điện hạ chưa ngã xuống, quân phản tặc đừng hòng xâm phạm cấm cung, đừng hòng bén mảng tới chỗ phụ hoàng!”
Nguyễn Phụng quỳ một gối xuống đất, cúi đầu, màn đêm che khuất nét mặt ông ta: “Xin điện hạ hãy ra lệnh.”
Vẻ kiên cường ánh lên trong đôi mắt Triệu Thượng: “Quân giặc tấn công hoàng cung từ chỗ nào?”
Nguyễn Phụng tâu: “Thưa, từ cổng Chiêu Đức.”
“Được, toàn quân theo bản điện hạ, ra cổng Chiêu Đức chém đầu phản tặc!”
Màn đêm ập xuống như con thú ngốn ngấu thịt người, dằn lên trái tim của tất cả.
Ngoài cổng Chiêu Đức, Tứ hoàng tử Triệu Kính và Ngũ hoàng tử Triệu Cơ chỉ huy quân đội thuộc ty Ngũ thành binh mã, tấn công dồn dập vào cổng.
Từ phía trên cổng, loạt tên lửa của quân Ngự lâm bắn xuống xối xả, kìm hãm thế công thành như vũ bão.
Năm xưa khi vua Thái tổ xây dựng hoàng cung Đại Tống, ông không hề xem hoàng cung như một pháo đài phòng thủ.
Thịnh Kinh là thủ phủ của cả một quốc gia, một khi giặc tràn đến tận hoàng cung thì cần gì phải cố thủ nữa? Lúc đó thành đã mất, người đã tan tác từ lâu! Vì nguyên do này, ba nghìn quân Ngự Lâm trong cổng Chiêu Đức càng lúc càng khó cầm cự; quân cứu viện của hai vị hoàng tử giành thế thượng phong.
Triệu Kính nghiến răng nghiến lợi: “Thằng giặc Triệu Thượng chẳng những cấu kết với yêu tăng Thiện Thính mà còn xúi giục cả quân Ngự Lâm.
Giờ phụ hoàng đang bị giam cầm, không biết an nguy ra sao nữa!”
Triệu Cơ nói: “Hôm nay, huynh đệ ta không phân biệt anh tôi, cùng chém chết Triệu Thượng được không?”
Triệu Kính: “Đương nhiên là được rồi!”
Triệu Cơ hạ lệnh: “Xông lên, đánh hạ cổng Chiêu Đức cho bản điện hạ!”
Toàn quân nhất tề xông pha, hô hào nhau công phá cánh cổng Chiêu Đức oai nghiêm đồ sộ.
Quân Ngự Lâm trên cổng thành không chống cự nổi nữa, cánh cổng rung chuyển ầm ầm chực đổ, chẳng mấy chốc sẽ bị phá toang.
Ánh mắt Triệu Kinh và Triệu Cơ hau háu, ngấm ngầm canh chừng lẫn nhau.
Tuy hôm nay cả hai đều phải lấy mạng Triệu Thượng, nhưng hễ ai xông vào cung cứu giá trước thì người đó ắt sẽ giành phần hơn.
Công lao to lớn nhường ấy, có lí nào lại biếu không cho đứa kia? Một khi cổng thành bị phá, cuộc tranh đoạt sẽ bắt đầu ngay tức thì.
Ruỳnh!!!
Sau tiếng rền vang dữ dội, cổng cung cao chót vót bật chốt ầm ầm, chỉ thiếu một cú húc nữa thôi là tan tành.
Triệu Kính và Triệu Cơ đều nín thờ, chờ đợi cơ hội xông vào hoàng cung.
Đúng lúc đó, từ ngoài cung, một toán quân kéo tới.
Hai anh em cùng ngoái lại nhìn; vừa thấy bóng người, cả hai mừng rỡ ra mặt.
“Tả tướng!”
Kỷ Ông Tập ngồi trên lưng ngựa, chuyến hành trình xóc nảy làm bộ xương già cỗi của ông rệu rã.
Ông đưa mắt nhìn cánh cổng Chiêu Đức tàn tạ đằng xa, bỗng giật mình thảng thốt, ngỡ như trông thấy một cánh cổng khác ẩn hiện đâu đây.
Xuyên qua cổng thành, cặp mắt già nua nhưng sắc bén của ông thấy rõ lớp lớp cung thủ mai phục ngay sau cánh cổng.
Đêm đen sâu thăm thẳm, mộng một thoáng ngàn năm.
Kỷ Ông Tập định thần: “Tứ điện hạ, Ngũ điện hạ.”
Triệu Kính căm phẫn thốt lên: “Thằng giặc Triệu Thượng cả gan soán ngôi, xin Tả tướng vào cung cùng bản điện hạ, tiêu diệt phản tặc!”
Triệu Cơ cũng vội vàng đua theo: “Xin Tả tướng theo bản điện hạ vào cung, lấy đầu Triệu Thượng.”
Ty Ngũ thành binh mã thừa thắng xông lên, gầm thét rung trời.
Song Triệu Kính và Triệu Cơ không ngờ rằng ngay sau cánh cổng Chiêu Đức đổ nát, Nhị hoàng tử Triệu Thượng đã chỉ huy quân Ngự Lâm bố trí cung thủ, sẵn sàng bắn chết phản tặc.
Hoàng cung rối ren, bọn cung nữ, hoạn quan nháo nhác trốn chạy.
Một người mặc áo trùm đen bí mật vào cung Phúc Ninh.
Hiện giờ, cung Phúc Ninh nguy nga chỉ có mỗi mình Đại thái giám Quý Phúc trông coi.
Ngọn đèn đơn côi là nguồn sáng duy nhất trong tẩm điện.
Quý Phúc cúi mặt, tấm áo bào thùng thình giấu đi thân hình run cầm cập của lão.
Lão không dám hé răng lấy một lần.
Nơi án ngự, có bóng người gầy gò cầm cây bút lông, múa lên trang giấy bốn chữ đại tự…
“Không hỏi trời xanh”.
Hòa thượng Thiện Thính cởi mũ trùm, vái chào theo kiểu nhà Phật.
Giọng ông ta bình thản, khoan thai và ấm áp: “Bệ hạ.”
Triệu Phụ không trả lời.
Sau khi tỉ mỉ viết xong bốn chữ, Triệu Phụ lấy ấn ngự, hai tay cầm ấn nhúng vào bùn đỏ1 rồi đóng lên trang giấy.
Ông ta hài lòng ngắm nhìn chữ viết của mình, đoạn ngẩng lên hỏi: “Ngươi xem bốn chữ này trẫm viết thế nào?”
Thiện Thính ngó vào từ xa: “Người xuất gia không nói dối.”
Triệu Phụ cười phá lên một chặp, bảo Quý Phúc: “Y đang chê trẫm viết không ra gì đây.”
Quý Phúc căng thẳng đến nỗi mặt mũi cứng đờ; nghe Triệu Phụ nói thế, lão vội thưa: “Nô tỳ thấy bệ hạ viết tuyệt đẹp ạ.”
Triệu Phụ gật đầu: “Trẫm cũng thấy thế, trẫm viết tuyệt đẹp.”
Gác bút lông qua một bên, Triệu Phụ ngồi xuống ngự tọa, uể oải hỏi: “Triệu Thượng đi chưa?”
Thiện Thính: “Đã đi rồi.”
“Triệu Kính và Triệu Cơ thì sao?”
“Đều đã đến.”
Triệu Phụ mở miệng, rồi bất giác mím môi lại.
Một lúc sau, ông ta thản nhiên nói: “Trẫm là trẫm thấy, bây giờ nên có người vào cung Phúc Ninh rồi.”
Ông vừa dứt lời, thủ lĩnh quân Ngự Lâm Nguyễn Phụng đã có mặt ngoài cung Phúc Ninh, quỳ xuống cầu kiến.
Triệu Phụ cho gọi Nguyễn Phụng vào điện, rồi đứng dậy đi lại vài bước.
Thoáng trong ánh mắt ông là chút giằng co và trù trừ rất hiếm hoi, Triệu Phụ thì thào hỏi: “Sao rồi? Là Triệu Thượng, Triệu Kính, hay Triệu Cơ?”
Nguyễn Phụng chần chừ trong giây lát, chắp tay tâu: “Cả ba vị hoàng tử đều đang ở điện Tử Thần, đợi bệ hạ phán xử.”
Triệu Phụ rùng mình, chết lặng.
Sau phút chốc, ông ta hỏi: “Ở đó hết?”
Nguyễn Phụng: “Vâng, các hoàng tử đều ở đó.”
“Làm sao mà chúng nó ở đó tất được?!”
Nguyễn Phụng: “Vì…vì Tả tướng đại nhân một mình một ngựa vào cổng Chiêu Đức, nên Nhị điện hạ không xua quân bắn tên.
Thành ra bây giờ…các điện hạ đều đang chờ bệ hạ ở điện Tử Thần.”
Triệu Phụ chán nản sụp xuống ngự tọa, nhìn bốn chữ trên bàn bằng ánh mắt mông lung.
Không hỏi trời xanh.
Hòa thượng Thiện Thính lần tràng hạt, giọng nói muôn thuở như ẩn trong sương mù: “Nghiệp chướng là nhân, phá chướng là quả.
Người không dứt được ái dục như cầm bó đuốc đi ngược chiều gió, tất có lúc phải vạ cháy tay2.
Nhưng người vọng tưởng và cố chấp thì không thể được chứng đắc3.
Thí chủ à, sâu dưới A Tỳ, địa ngục chông gai, chung quy chỉ có mình ngài thôi.”
[3] Tức nhờ tu đạo mà chứng ngộ chân lí, đạt được quả vị, trí tuệ, giải thoát và công đức.
(Từ điển Phật Quang)
Triệu Phụ ngẩng phắt đầu, đôi mắt sáng quắc của ông ta xoáy vào Thiện Thính, lồ lộ sát niệm.
Vị hòa thượng có khuôn mặt tròn trịa phúc hậu vẫn điềm đạm tụng kinh, chẳng rõ là đang vui hay buồn.
Trận binh lửa kéo dài suốt cả đêm.
Trong phủ Hữu tướng, nhà bếp đã thôi dâng đồ ăn, song Đường Thận và Hữu tướng vẫn ngồi nguyên ở bàn, thức trắng chờ đợi.
Phương đông hửng sáng, mặt trời ló rạng.
Quan sai rảo bước vào phủ Hữu tướng: “Bẩm đại nhân, nửa canh giờ trước, Cảnh đại nhân Thượng thư bộ Hình đã vào cung.”
Vương Thuyên ngạc nhiên: “Cảnh Thiếu Vân? Ông ta vào cung làm gì? Tóm lại chuyện trong cung đêm qua là thế nào?”
Quan sai này chỉ nghe lệnh Vương Thuyên đến nơi cần đến nhận tin tức, nếu không có thông tin thì đương nhiên anh ta chẳng thể nói gì.
Vương Thuyên phất tay: “Lui đi.”
“Vâng.”
Đường Thận nhìn ông: “Thúc tổ, rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra trong cung thế ạ?”
Vương Thuyên bất lực nói: “Cháu à, dù cháu có hỏi thì ta cũng không thể biết được.”
Đường Thận xấu hổ quá.
Vương Thuyên: “Nhưng thật ra, việc Cảnh Thiếu Vân vào cung nằm ngoài dự đoán của ta.
Ông ta tự dưng vào cung, lẽ nào sự việc tối qua đã được xoay chuyển? Nhưng xoay chuyển thế nào mới được chứ?” Vương Thuyên hăm hở suy nghĩ, nhưng dù đã ngẫm đủ đường, ông cũng không tìm ra được lời giải cho câu đố này.
Dĩ nhiên, ông không hề biết, ngoài cung Phúc Ninh bây giờ, Kỷ Ông Tập trong bộ quan bào sờn cũ đang được Đại thái giám Quý Phúc dẫn vào cung.
Vừa đặt chân vào điện, Kỷ Ông Tập đã ngửi thấy mùi đàn hương thoang thoảng, sương khói lững lờ, chẳng mấy thanh tĩnh.
Kỷ tướng không hề ngẩng đầu lên, cứ khép hờ đôi mắt mà đứng giữa điện, lẳng lặng chờ đợi.
Mãi sau mới có bóng người bước ra từ sau tấm mành, đi tới trước mặt Kỷ tướng, lẳng lặng quan sát rất lâu.
Người đó buông tiếng thở dài xa xăm: “Trùng Minh à.”
Tả tướng Kỷ Ông Tập có tên chữ là Trùng Minh, lấy từ Chu Dịch: “Trùng minh dĩ lệ hồ chính4.”
[4] vua tôi cùng dựa vào sự công chính (thì thiên hạ sẽ tốt lên).
Trùng minh có thể hiểu là vua tôi cùng sáng suốt hoặc ánh sáng bất tận.
Kỷ tướng chậm rãi ngẩng đầu, thành kính thưa: “Bề tôi Kỷ Ông Tập xin bái kiến bệ hạ.”
Triệu Phụ ôn hòa hỏi: “Vì sao ngươi lại vào cung?”
“Thần lo lắng cho long thể của bệ hạ.”
“Trẫm cảm thấy mình rất khỏe.”
“Bệ hạ khỏe mạnh, thần vui mừng khôn xiết.”
Vua tôi hai người không nói thêm câu nào.
Thời gian cứ trôi đi, long tiên hương trong điện đã cháy rụi, nguội dần.
“Trùng Minh, ngươi và trẫm là quân thần hơn hai mươi năm nay, trẫm bỗng thấy trẫm không thể hiểu nổi ngươi nữa.”
Kỷ Ông Tập cúi đầu, thái độ không hèn không kiêu: “Thần cũng chưa bao giờ hiểu nổi bệ hạ.”
Choang!
Một chén trà phang thẳng lên trán Kỷ Ông Tập, làm toác cả da đầu.
Cái chén rơi xuống sàn nhà vỡ tan tành.
Kỷ Ông Tập đã lớn tuổi, cú va đập bất thình lình khiến ông lảo đảo suýt ngã, nhưng rồi ông cũng đứng vững lại được.
Triệu Phụ cười gằn, ông ta rít lên: “Ngươi không hiểu trẫm?”
Mặt Kỷ Ông Tập giàn giụa máu.
Ông ngẩng cao đầu, những nếp nhăn nặng trĩu trên gương mặt, song đôi mắt ông sáng quắc và minh mẫn.
Mặc cho máu loang lổ đầy mặt, ông vẫn nói thật điềm đạm: “Đúng vậy, thần không hiểu.
Thần không hiểu Nhị hoàng tử đã phạm phải lỗi gì mà bị bệ hạ chọn làm phản tặc.
Thần cũng không hiểu, Tứ hoàng tử, Ngũ hoàng tử sai ở đâu mà bệ hạ cứ phải dồn các điện hạ vào chỗ chết.
Hổ dữ không ăn thịt con, nếu ba vị hoàng tử cùng bỏ mạng, vậy giang sơn Đại Tống mà bệ hạ trải bao đắng cay mới giành được, rồi sẽ chắp tay nhường lại cho ai?”
“Triệu Ngao chăng? Hay Triệu Quỳnh?”
“Lẽ nào bệ hạ đã quên, người họ Triệu trên thế gian này gần như đã bị tận diệt, chỉ còn duy nhất dòng dõi Cảnh vương?”.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...