Sơn Hà Bất Dạ Thiên


Hôm sau, Đường Thận đến phủ Chinh Tây nguyên soái tìm Lý Cảnh Đức.
Lý Cảnh Đức đi vắng, đợi tầm nửa canh giờ mới thấy Lý tướng quân trong bộ quân phục chỉnh tề sải bước vào phủ nguyên soái.

Thấy Đường Thận, hắn hỏi ngay: “Đường Thận, nghe nói ở bữa tiệc hôm qua của Phủ doãn U Châu Quý Triệu Tư, ngươi với Tô Ôn Duẫn ăn miếng trả miếng, cãi nhau ầm trời, rồi mặt nặng mày nhẹ ra về à?”
Phản ứng đầu tiên của Đường Thận là: Thì ra Lý tướng quân cũng có thể nói một câu dùng đến hai thành ngữ.
Đường Thận thở dài: “Quả thực là vậy, không ngờ chuyện bê bối như vậy lại đến tai Lý tướng quân.

Đúng là chuyện tốt chẳng ra khỏi nhà, chuyện xấu truyền đi vạn dặm.”
Lý Cảnh Đức khoát tay: “Hầy, sao lại nói thế? Chỉ có một vài người biết thôi mà.

Chẳng qua thành U Châu là địa bàn của ta, cơn gió nào thổi, ngọn cỏ nào lay cũng không qua được đôi mắt tinh tường của bản tướng quân.

Sao, Tô Ôn Duẫn bày trò ác ôn gì? Ngươi cứ kể ta nghe, giờ gã đang ở U Châu, bản tướng quân sẽ xả giận giúp ngươi.”
Đường Thận chắp tay: “Đa tạ Lý tướng quân, chuyện vặt vãnh thôi, phiền nhọc tướng quân quan tâm rồi.”
Đường Thận không nói thì Lý Cảnh Đức cũng không hỏi lại.

Chinh Tây nguyên soái ngày ngày bận rộn huấn luyện binh sĩ, phòng chống quân Liêu, đâu rảnh mà đi trả thù Tô Ôn Duẫn cho Đường Thận nguôi giận? Lý Cảnh Đức cứ nói thế, còn Đường Thận không muốn nhận cái ơn đấy thì thôi.
“Hôm nay ngươi đến đây có việc gì?”
Đường Thận nghiêm túc đáp: “Quả thực là có việc.” Nói đoạn, Đường Thận đứng lên, bước tới trước mặt Lý Cảnh Đức, cúi mình hành đại lễ.

Lý Cảnh Đức vội vàng đỡ cậu: “Đường đại nhân làm gì thế, không được đâu.

Lễ này chỉ để bái trời đất, vua, thầy, chứ đâu dành cho ta.

Đừng nghĩ tướng võ như ta không biết phép tắc, ngươi có chuyện gì, nói mau.”
Đường Thận: “Nếu tướng quân đã thẳng thắn thế thì hạ quan cũng không giấu giếm.

Hôm nay hạ quan tới đây để mượn lệnh bài của tướng quân.”
Lý Cảnh Đức sửng sốt, chỉ nhìn Đường Thận mà không nói gì.

Trở lại U Châu mấy tháng, gương mặt đẹp trai hoang dại của hắn đã toàn râu là râu, che kín nửa mặt.

Chẳng ai đoán nổi nét mặt và suy nghĩ của hắn sau bộ râu vĩ đại ấy, mà Lý Cảnh Đức cũng không vụng về lỗ mãng như người ta dễ lầm tưởng.
Một lúc lâu sau, Lý Cảnh Đức mới hỏi: “Cần dùng gấp hả?”
Đường Thận: “Phòng xa thôi.”
Lý Cảnh Đức cười ha hả: “Được, bản tướng quân biết rồi.

Năm ngoái ở Thịnh Kinh, ngươi đã mấy dịp tương trợ bản tướng.

Giờ ngươi chỉ cần mỗi một chiếc lệnh bài, chuyện vặt vãnh ấy thì có sá chi.

Đường Thận, ngươi hãy đi theo ta.”
Đường Thận đi theo Lý Cảnh Đức đến thư phòng của hắn.
Trong thư phòng của Lý tướng quân có mấy giá sách lớn, chật kín toàn sách là sách.

Đường Thận nhìn lướt qua, thấy có đủ Tứ thư Ngũ kinh, ngay cả những cuốn cho trẻ học vỡ lòng như Tam Tự kinh, Thiên Tự văn cũng đều được xếp trên giá.

Quyển nào quyển nấy mới tinh, bóng bẩy, cứ như chưa có ai đọc bao giờ, chỉ để đó trưng bày thôi.
Lý Cảnh Đức lấy lệnh bài Chinh Tây nguyên soái, giao cho Đường Thận.
“Tuy lệnh bài này không thể điều động thiên quân vạn mã, những hễ có nó, ngươi ở U Châu như giẫm trên đất bằng.”
Đường Thận chắp tay: “Đa tạ Lý tướng quân, chậm nhất là nửa tháng sau, hạ quan xin kính trả.”
Lý Cảnh Đức cười ha hả: “Không cần không cần.

Chỉ là cái lệnh bài thôi mà, mất thì đúc cái khác, thay hình dáng đi rồi báo cho mọi người biết cách nhận diện là được.

Ngươi mà làm mất, ta càng có cớ để nổi cáu với Vương Tử Phong.

Sư huynh ngươi đúng là đồ chẳng ra gì.

Chớ tưởng ta chỉ dám nói thế ở U Châu nhé! Có đứng ngay trước mặt sư huynh ngươi ở Thịnh Kinh, ông đây cũng không sợ! Cái ty Ngân Dẫn rõ là đồ bỏ, không dưng bày vẽ ra thứ lạ lùng như ngân khế, làm đời sống doanh trại U Châu bấp bênh quá thể!”
Đường Thận: “…”
Câu “đời sống bấp bênh” dùng thế là sai rồi!
Lý Cảnh Đức tiếp tục lên án Vương Trăn, song, ăn của chùa phải quét lá đa1, Đường Thận không tiện tranh cãi.

Cũng may, Lý Cảnh Đức chỉ được vài câu là chuyển sang nói xấu Tô Ôn Duẫn.

Vương Trăn đối nhân xử thế quá đỗi khôn khéo, không để lộ khuyết điểm nào.

Lý Cảnh Đức chê tới chê lui cũng chỉ có thể mắng chàng mưu mô gian xảo, rồi phê phán ty Ngân Dẫn làm khổ nhân dân.
Còn Tô Ôn Duẫn thì Lý Cảnh Đức có đủ thứ mà nói.
“… Chẳng riêng gì ngươi, ta cũng cóc vừa mắt cái đồ giẻ cùi tốt mã2đấy.

Hai năm trước ta về Thịnh Kinh đúng lúc gã lên làm Thiếu khanh Đại lý tự.


Thành U Châu có một người lính bị kết án, phải dẫn đến cho Đại lý tự thẩm tra, xử lí.

Ôi cái thứ giẻ cùi đấy mới gớm ghê làm sao! Ông đây lù lù ngay đó mà gã dám tra tấn lính của ông gần chết.

Cái ngữ ấy, đừng hòng ông quên tên.

Ngươi chớ coi thường gã, trông mặt mũi sáng sủa thế thôi, tính tình còn ác ôn hơn cả Vương Tử Phong!”
Đường Thận lẩm bẩm: “Sư huynh của ta còn ác được hơn thế.”
Lý Cảnh Đức nghe không rõ: “Ngươi bảo gì cơ?”
Đường Thận: “Tướng quân anh minh, nhìn thấu cả những điều nhỏ nhặt nhất.

Hạ quan sẽ lưu ý.”
Lý Cảnh Đức khoát tay: “Có gì to tát đâu.

Bản tướng quân vừa mắt ngươi lắm đó, ngươi không giống lũ quan văn xấu bụng kia.”
Chỉ được một chốc, Lý Cảnh Đức lại phải về đại doanh U Châu, Đường Thận cũng cáo từ.
Nhìn bóng lưng Lý Cảnh Đức trên con tuấn mã phóng vụt đi, Đường Thận nhẹ nhàng mân mê tấm lệnh bài giấu kín trong ống tay áo, lòng thầm cảm khái.
Tô Ôn Duẫn mà đòi sánh với sư huynh ta ư?
Tô Ôn Duẫn ngày xưa hẵng còn non tay lắm, làm ăn thế nào lại để Lý Cảnh Đức ghét cho.

Phải sư huynh mình thì khéo miệng vừa tủm tỉm người đã lìa đời.

Chưa biết chừng, Lý Cảnh Đức còn phải rối rít cảm ơn sư huynh ấy chứ!
Nhưng sau khi tiếp xúc với Lý Cảnh Đức, Đường Thận thấy lợi ích của việc đóng kịch cùng Tô Ôn Duẫn bắt đầu bộc lộ rồi.
Ở buổi tiệc tại phủ nha U Châu hôm qua, Đường Thận và Tô Ôn Duẫn trở mặt thành thù trước sự chứng kiến của bao người.

Tuy vụ việc không gây xôn xao, nhưng chắc chắn đã đến tận tai những người cần biết, trong đó có Lý Cảnh Đức.
Với vỏ bọc ấy, từ giờ, Đường Thận và Tô Ôn Duẫn sẽ dễ bề kiếm cớ làm rất nhiều việc.

Đến lúc cần hỗ trợ lẫn nhau cũng không sợ bị ai nghi ngờ.
Việc này nhờ ai cũng không được, chỉ có Đường Thận và Tô Ôn Duẫn mới làm được thôi.

Âu cũng là bởi nhiều quan lại đã biết chuyện Tô Ôn Duẫn và Đường Thận có xích mích từ vụ sập cầu Thứ Châu ba năm trước.

Từ bấy trở đi, hai người lúc nào cũng kình nhau.

Vin vào cớ này, họ cố tình cãi vã thêm, khiến vỏ bọc càng thêm phần hợp lí.
Đường Thận trộm nghĩ, khi Triệu Phụ sai cậu và Tô Ôn Duẫn hợp tác với nhau, liệu ông ta đã tính đến những chuyện này chưa?
Nếu quả đúng vậy thì quá đáng sợ!         
Sau mấy ngày chuẩn bị ở thành U Châu, mùng sáu tháng tư, Ty Chính ty Ngân Dẫn Lâm Hủ dẫn theo vài người đến gặp Đường Thận.

Lâm Hủ đưa những người đó vào dịch quán, để họ chờ ở chỗ gác cổng, còn ông ta vào gặp Đường Thận một mình.

Lâm Hủ thưa: “Hạ quan bái kiến Khâm sai đại nhân.

Chiều hôm qua, hạ quan đã nhận được thư của Vương tướng công từ Thịnh Kinh.

Mọi chuyện Vương tướng công dặn dò trong thư, hạ quan đã thu xếp thỏa đáng.

Những người hạ quan dẫn tới đây hôm nay đều là những người có thể tin tưởng tuyệt đối, đại nhân có muốn gặp họ không?”
“Dẫn vào ta xem.”
Lâm Hủ nhanh chóng dẫn người vào phòng.
Tổng cộng có bốn người được Lâm Hủ đưa đến đây.

Cả bốn đều là đàn ông trung niên, có hai người cao to phốp pháp, trông ra dáng người sống trong nhung lụa nhiều năm.

Hai người còn lại tuy gầy nhưng tinh thần quắc thước, mặt mũi hồng hào, hiển nhiên cuộc sống cũng đầy đủ sung túc.

Cả bốn trông đều giống nhà buôn, nhưng khi gặp Đường Thận, họ không hề tỏ ra khúm núm sợ sệt như lái buôn thông thường gặp quan lớn.

Tất cả cúi đầu đứng nghiêm, dường như đã thành nếp, biết rõ điều gì không nên làm, chuyện gì không nên nghe.
Đường Thận quan sát kĩ cả bốn người, cuối cùng cậu dừng mắt ở một người đàn ông gầy và thấp.

Người đàn ông trung tuổi gầy gò này có gương mặt góc cạnh, hao hao Lý Cảnh Đức.

Cả hai đều không có huyết thống Liêu nhưng diện mạo lại khá tương đồng với dân Liêu.

Hiện hắn đang buông thõng hai tay trước người, cử chỉ cung kính.
Lâm Hủ để ý thấy Đường Thận quan sát kĩ, bèn thưa: “Vương tướng công cũng khuyên nên dùng người này đấy ạ.”
Đường Thận ngạc nhiên nhìn ông ta.
Lâm Hủ: “Trong thư, Vương tướng công có dặn, nếu Đường đại nhân chọn người khác thì không cần nói gì thêm, bởi cả bốn người đều đáng tin cậy như nhau.

Song nếu Đường đại nhân chọn người này thì Vương tướng công dặn ngài cứ sai sử không cần nghĩ ngợi.


Tất cả những gì đại nhân từng nghe, từng nghĩ, từng đoán, đều do người này điều tra.”
Chỉ một câu đơn giản mà lòng Đường Thận dậy sóng.
Thì ra Lâm Hủ là tâm phúc của sư huynh thật!
Ngay cả “bí quyết thăm dò tình báo nước Liêu qua ty Ngân Dẫn”, sư huynh cũng không giấu Lâm Hủ, xem ra mình nên tín nhiệm người này hơn nữa.
Đường Thận bình thản nói: “Chọn hắn ta đi.”
Người đàn ông trung niên ấy cũng nhanh nhẹn, nói luôn: “Thảo dân Kiều Dần, là con thứ chín trong nhà nên mọi người vẫn gọi là Kiều Cửu.

Kiều Cửu xin hết lòng làm việc cho đại nhân, tuyệt đối không làm đại nhân thất vọng.”
Đường Thận: “Ngươi biết về lá trà không?”
Kiều Cửu: “Bẩm, thảo dân có biết.

Thảo dân buôn bán nhiều, thời trẻ từng xuống miền Nam, theo bè bạn buôn trà, song đã lâu chưa quay lại nghề ấy.”
Đường Thận: “Khá lắm, ta lệnh cho ngươi trong vòng một ngày phải nhập vai thành lái buôn trà.

Ngươi đến từ phủ Cô Tô, vùng Giang Nam, bán trà Bích Loa Xuân nhất phẩm thượng hạng.”
Kiều Cửu vâng dạ một phép.
Lâm Hủ đưa những người khác về, mình Kiều Cửu ở dịch quán thêm một lúc.
Đến chiều tối, thư Vương Trăn gửi riêng Đường Thận cũng tới dịch quán U Châu.
Đường Thận vừa nhận thư từ quan sai, đã nóng lòng bóc ra.

Trên tờ giấy Tuyên mỏng manh là những con chữ phóng khoáng tuyệt đẹp của Vương Trăn, tuy chàng viết thể chữ Khải nhỏ khá nho nhã, nhưng vẫn bộc lộ khí khái ngời ngời.
Trong thư, Vương Trăn nói cho Đường Thận biết chuyện chàng dặn dò Lâm Hủ lo việc chọn người giúp Đường Thận, nhắn nhủ cậu đừng suy nghĩ nhiều, không cần phải nhúng tay, ty Ngân Dẫn đã lót đường hết bên Liêu, hiện giờ chỉ hợp thức hóa mọi việc bằng cách chuyển giao cho Đường Thận mà thôi.
“… Hôm nay ta và tiên sinh cùng ngắm một gốc hải đường tơ rủ3, vô số nhành cây lả xuống như suối tóc giai nhân.

Nhớ đến Cảnh Tắc đang ở mãi tận U Châu, nơi cát vàng ngút trời, gió xuân chẳng tới, ta không nén được tiếng thở dài.

Tiên sinh hỏi, cớ sao Tử Phong ưu sầu thế, ta bèn đáp rằng vì nhớ mong sư đệ.

Biết xưa nay em vẫn thích trêu ta, rồi lại chẳng nói trúng, thất bại nhiều lần, chi bằng để ta kể em nghe tiên sinh trêu ta như thế nào nhé.”
Cả một đoạn dài đầu thư Vương Trăn viết chuyện chính sự nên Đường Thận đọc rất nghiêm túc.

Không ngờ đến cuối thư, Vương Trăn lại kể chuyện lí thú của chàng.

Mắt Đường Thận sáng lấp lánh; tới thành U Châu đã nửa tháng nay, hầu như ngày nào Đường Thận cũng căng thẳng, không dám thả lỏng chút nào.

Giờ nhận được thư của Vương Trăn, lòng Đường Thận ấm áp xiết bao.

Cậu khẽ lẩm bẩm: “Sư huynh ơi, ta cũng nhớ huynh lắm.”
Rồi cậu đọc tiếp phần sau.
“Tiên sinh nói, người xưa có câu này, tặng cho Tử Phong thì quá hợp.

Ta bèn hỏi tiên sinh, câu gì thế? Tiên sinh ngửa mặt lên trời thở dài, buông một câu: ‘con đi ngàn dặm mẹ âu lo’! Tiểu sư đệ, em nói xem ta có nên lo cho em không đây?”
Đường Thận đọc thư mà dở khóc dở cười, ngón tay cậu ve vuốt từng con chữ của Vương Tử Phong.

Ban đầu cậu cứ cười chúm chím, nhưng sau một hồi, nụ cười của Đường Thận tan đi.

Cậu xúc động thốt lên: “Sư huynh vừa kể chuyện tiếu lâm cho mình, thậm chí không ngại lấy bản thân ra đùa vui, cốt là để mong mình thoải mái hơn và bớt áp lực lên bản thân đây mà.”
Nghĩ vậy, nỗi thương nhớ Vương Tử Phong trong lòng Đường Thận càng thêm da diết, Nỗi nhớ như chất rượu Thiêu Đao Tử khoái khẩu của những người lính U Châu, rót vào lòng Đường Thận bao cháy bỏng.
Thế mà chỉ được một chốc, ngẫm lại những gì Tô Ôn Duẫn nói, cậu lặng người đi.
Ba ngày trước, có lẽ Tô Ôn Duẫn không lường được rằng mình sẽ bị Đường Thận thẳng thừng quy kết là đặt điều bôi nhọ Vương Trăn.

Sự hù dọa của Đường Thận đã khiến Tô Ôn Duẫn tin ngay và tưởng mình hiểu lầm Vương Trăn thật.

Suy bụng ta ra bụng người, thậm chí anh ta còn xin lỗi Vương Trăn.
Nào ai hay, chính Đường Thận mới là người lung lay vì những điều anh ta nói trước! Cậu chỉ trích Tô Ôn Duẫn bằng những lí lẽ hết sức ngay thẳng, cốt là để bảo vệ Vương Trăn thôi, chứ cậu không hề có chứng cứ nào thuyết phục cả.
Chuyện Vương Trăn chăn đơn gối chiếc ở cái tuổi hai chín, không thể nằm ngoài ba nguyên nhân sau.
Thứ nhất, tiêu chuẩn của chàng cao quá, không vừa mắt ai mà cũng không chịu hạ mình, thế nên chàng chưa đính ước.
Thứ hai, Vương Trăn bị “bất lực”.

Tuy cũng có người che đậy chuyện này, cưới bừa một cô vợ, thậm chí đổ tội không con lên đầu người phụ nữ để trốn tránh trách nhiệm, nhưng Đường Thận biết Vương Trăn không phải hạng người đó.

Nếu sư huynh cậu bất lực thật, huynh ấy không đời nào làm khổ con gái nhà người ta.
Thứ ba…
“Nhẽ nào Vương Tử Phong thích nam giới thật?”
Đôi mày Đường Thận như sắp xô cả vào nhau, mặt mũi cậu nhăn nhó chẳng khác nào trái khổ qua.

Tình thế này quả là khó xử.

Vắt óc suy nghĩ chán chê, Đường Thận than thở: “Bất lực và đoạn tụ, cái nào đỡ hơn đấy?” Cậu im lặng trong chốc lát, rồi kết luận: “Dù thế nào thì chăng nữa, chuyện ấy cũng chẳng ảnh hưởng đến mình.

Sư huynh thích con trai thì đã sao, huynh ấy vẫn là sư huynh của mình mà.”

Mải ngắm nghía lá thư mỏng manh, Đường Thận không nhận ra rằng khi nghĩ đến chuyện Vương Tử Phong có thích con trai không, bàn tay cậu vô thức vò suýt nát cả tờ giấy.

Nhưng sau khi nghĩ kĩ càng, Đường Thận lại thở phào nhẹ nhõm.

Thậm chí, sâu thẳm trong tim cậu đã nảy sinh chút mong mỏi mơ hồ.
Đường Thận cười tủm tỉm: “Tất nhiên, mình sẽ bầu bạn với huynh ấy trọn đời, đối xử với huynh ấy như người thân.”
Quyết định ấy khiến tâm trạng của Đường Thận thư thái biết bao.

Cậu lấy giấy Tuyên, viết thư hồi âm cho Vương Trăn.
Sáng sớm hôm sau, Đường Thận lặng lẽ chuẩn bị hành lí, cất trong phòng ở dịch quán.

Để che giấu tai mắt người ngoài, cậu để Phụng Bút ở lại U Châu, đi Liêu một mình.

Buổi sáng, Đường Thận gọi một quan sai đến, giao thư gửi Vương Trăn cho người đó: “Chừng mấy ngày thì đến Thịnh Kinh?”
Quan sai thưa: “Bẩm đại nhân, thư này không phải việc quân, không thể gửi hỏa tốc được.

Bình thường gửi thư tốn khoảng sáu ngày.

Nếu đại nhân cần, tiểu nhân có thể dặn riêng, chừng bốn ngày là thư đến ạ.”
“Bốn ngày à… Không cần đâu, sáu ngày là được.”
“Vâng.”
Lúc đi gửi thư thì Đường Thận gặp phải Tô Ôn Duẫn.
Hai người đứng giữa hành lang nhìn nhau.
Tô Ôn Duẫn nở nụ cười giả dối: “Đường đại nhân, tình cờ ghê nhỉ!”
Đường Thận chắp tay hành lễ: “Hạ quan bái kiến Công bộ Hữu thị lang đại nhân.”
Tô Ôn Duẫn lườm nguýt rồi cất bước.

Khi hai người họ lướt qua nhau, Đường Thận rì rầm một câu: “Khuya hôm nay.”
Tô Ôn Duẫn sững lại giây lát, rồi nghênh ngang đi tiếp.
Đêm đến, thành U Châu lặng im không tiếng động, chỉ có gió mùa xuân ào qua những tán cây Hồ dương trong thành, tiếng cành lá nghe xào xạc.
Phía Đông thành U Châu, hai xe ngựa chở quân lương lịch kịch chạy qua.
Xe ngựa đến cổng thành thì bị chặn lại, tướng sĩ gác cổng lớn tiếng hỏi: “Xe gì đây, nửa đêm ra ngoài thành có việc gì?”
Quan sai đi theo xe ngựa lập tức gửi tờ giấy phép đến tận tay tướng sĩ, cười xòa: “Đại nhân, tiểu nhân là sai dịch của ty Ngân Dẫn.

Ty Ngân Dẫn mới nhập quân lương về, Chinh Tây đại nguyên soái Lý tướng quân cần gấp nên mới phải vận chuyển gấp lúc đêm hôm thế này.

Ngài hãy xem, đây là ấn quan của ty Ngân Dẫn và ấn phê chuẩn của Lý tướng quân.”
Binh tướng thành U Châu và ty Ngân Dẫn trước giờ vẫn bất hòa với nhau, người lính gác cổng săm soi kĩ tờ giấy phép, thấy đúng là ấn quan của ty Ngân Dẫn.

Còn ấn lệnh bài của Chinh Tây nguyên soái ở trên chắc cũng là thật.
Ty Ngân Dẫn bị thù ghét như vậy vì hai lí do.

Một là ty này quản lí hết lương thực, tiền bạc và đồ quân dụng của toàn bộ đại doanh U Châu.

Hai là ty này vận hành theo một cách rất khó đoán.

Ngoài chuyện ngân khế ra, những việc bất thường như vận chuyển quân lương vào lúc nửa đêm ty Ngân Dẫn đều đã làm hết, còn không chỉ thực hiện một lần.
Người lính ấy định gây khó dễ, nhưng tay lính gác cùng đã bảo: “Ôi chao, đúng là kiểu của Lý tướng quân đây.

Tính tình tướng quân thế nào ông với tôi biết quá rồi còn gì, cho đi đi.”
Người lính ấy cân nhắc một chút, cực chẳng đã đành nói: “Đi đi.”
Cổng thành kĩu kịt mở ra, đám lính chẳng hề kiểm tra xem trên xe có gì, cứ thể thả hai cỗ xe ngựa ra cổng.
Xe chở quân lương rời khỏi thành U Châu là chuyện quá đỗi bình thường, không thể khiến ai chú ý.

Thậm chí, chuyện còn chưa đến tai Lý Cảnh Đức.

Bản thân hắn không hề biết rằng mình đã điều hai xe quân lương từ ty Ngân Dẫn vào lúc nửa đêm.
Mùng tám tháng tư, mây che dầy đặc, vắng bóng trăng sao.
Trong dịch quán U Châu, Tô Ôn Duẫn cả đêm không ngủ.

Anh ta ngồi ở bàn trà, tự châm trà uống.

Đến khi trời hửng sáng, Tô Ôn Duẫn muốn rót thêm một chén thì bỗng phát hiện ấm trà rỗng không, còn bụng mình đã no nước lạnh.
Về phía Đường Thận, cậu thuận lợi dẫn các thuộc hạ ra ngoài thành U Châu mà không đánh động bất kì ai.
Đến biên giới Tống – Liêu, hai cỗ xe ngựa được ngụy trang kiểu khác.

Chàng trai trẻ tự xưng là sai dịch của ty Ngân Dẫn chính là con trai ruột của Kiều Cửu.

Họ cải trang rất nhanh, Kiều Cửu đóng vai lái buôn trà vùng Giang Nam, còn nhóm Đường Thận thì hóa thân thành bạn buôn đồng hành cùng Kiều Cửu.

Nhóm tướng võ của Lư Thâm thì cải trang thành đội võ sĩ đi theo đoàn.
Trên xe chở quân lương là một bao lá trà đóng gói.
Tại biên giới Tống – Liêu, Kiều Cửu lấy giấy phép của phủ nha U Châu được chuẩn bị sẵn, thuận lợi thông quan, tiến vào nước Liêu.
Ở sát biên giới hai nước thì bên Liêu cũng không khác gì so với bên Tống.

Thành quách, thị trấn, tửu lầu, cái gì cần thì đều có đủ.

Khi đi sâu vào hơn, số đô thành bắt đầu giảm dần.

Dọc đường đi, họ chủ yếu gặp những bộ lạc di chuyển thành đoàn lớn.

Mỗi lần gặp thành nhỏ, tất cả mọi người sẽ dừng chân để tiếp tế thêm hàng hóa, vật tư.
Song có một chuyện đi ngược với dự kiến của họ.
Khi mới vào lãnh thổ Liêu, khu vực biên giới Liêu – Tống, nhóm Đường Thận thường xuyên thấy người Liêu hằm hè nhìn mình như thể kẻ thù muôn kiếp.

Trái lại, khi vào sâu trong nội địa, những người Liêu không trực tiếp tham gia vào giao tranh giữa Liêu và Tống đều không tỏ ý thù địch dữ dội với nhóm Đường Thận, mặc dù họ không ngần ngại thể hiện sự ngạo mạn và khinh miệt trong cử chỉ và lời nói.

Cả đoàn đương đầu với gió cát suốt sáu ngày trời mới đến được Nam Kinh Tích Tân phủ của nước Liêu trong trạng thái mệt nhoài.
Lúc vào cổng thành, Kiều Cửu khom lưng uốn gối, lót tay liên tục cho lính gác thành người Liêu.

Đường Thận đứng trước phủ Tích Tân nguy nga bề thế, chậm rãi ngẩng đầu.

Nhìn hai chữ “Tích Tân” vĩ đại tạc trên cổng thành, cậu thấy lòng mình trào dâng xúc động, mãi không bình tĩnh nổi.
“Công tử nhìn gì thế ạ?”
Đường Thận quay đầu lại.

Người vừa hỏi là con trai của Kiều Cửu.

Ở đội buôn, con trai Kiều Cửu đóng vai người làm thuê, còn Đường Thận lại đóng vai con trai Kiều Cửu.
Lái buôn nước Tống đến Liêu đều chuộng trùm vải bố để chắn gió cát.
Vải bố nâu che kín mặt Đường Thận, chỉ chừa ra đôi mắt.

Cậu gật đầu, trỏ lên hai chữ Tích Tân trên cổng thành, nói: “Hai chữ này viết khá lắm, còn là chữ Hán nữa.”
Kiều Hạnh nói: “Tên cũ của Nam Kinh vốn không phải phủ Tích Tân.

Mười năm trước, Vương tử Thái sư của nước Liêu mới đổi tên cho thành, nghe đồn chính ông ta viết hai chữ này đấy ạ.” Nói đoạn, anh ta hạ giọng, thì thầm vào tai Đường Thận: “Đại nhân thích chữ của Vương tử Thái sư nước Liêu không? Việc sở hữu tác phẩm của ông Thái sư này không đến nỗi bất khả thi.

Nếu ngài muốn, sẽ có cách kiếm.”
Đường Thận cười nhạt.
Người Liêu viết chữ Hán, dẫu đẹp đi chăng nữa thì có thể đẹp cỡ nào?
Chữ của Vương tử Thái sư nước Liêu không tệ, nhưng cũng chỉ ngang trình độ Đường Thận là cùng.

So với Phó Vị hay Vương Trăn thì chẳng khác nào múa rìu trước cửa Lỗ Ban.
Kiều Hạnh phát hiện rằng mình xun xoe nhầm chỗ, bèn im re.
Kiều Cửu đút hết ba túi tiền mới đẫy diều bọn lính gác.

Dầu vậy, tiền qua trót lọt là tín hiệu tốt, nhóm lính Liêu để mặc họ vào thành, không hề nghi ngờ gì cả.
Vào phủ Tích Tân, mọi người nghỉ chân ở nhà trọ mà Kiều Cửu đã thu xếp từ trước.
Đường Thận đứng bên cửa sổ ngắm nhìn phủ Tích Tân.

Người hầu sắp xếp đồ đạc giúp cậu không hiểu cậu đang nhìn gì, nhưng Đường Thận biết, cảnh tượng trước mắt cậu không phải Tích Tân, mà là Bắc Kinh sung túc tột đỉnh của nghìn năm sau!
Đúng, Nam Kinh Tích Tân phủ của nước Liêu chính là Bắc Kinh sau này.
Nước Liêu được thành lập chủ yếu từ sự liên minh của các bộ lạc, không có quá nhiều thành thị lớn.

Năm đô thành quan trọng nhất được gọi là Ngũ Kinh, theo thứ tự là Thượng Kinh Lâm Hoàng phủ, Trung Kinh Đại Định phủ, Đông Kinh Liêu Dương phủ, Tây Kinh Đại Đồng phủ, và Nam Kinh Tích Tân phủ.

Thượng Kinh Lâm Hoàng phủ là thủ đô của nước Liêu, bốn kinh còn lại được gọi là bồi đô.
Đến phủ Tích Tân, Đường Thận trào dâng xúc động.

Song cậu không hề biết, nghìn năm nữa, vùng đất mình đang đứng sẽ không trở thành Bắc Kinh trong trí nhớ của cậu.
Đường Thận nhắm mắt, thở dài, hỏi: “Bên Kiều Cửu sao rồi?”
Người hầu này biết rõ mọi tình hình, nghe đâu là tâm phúc của Kiều Cửu.

Người ấy nói: “Bên lão gia đã sắp xếp ổn thỏa từ trước rồi ạ.

Hôm nay muộn rồi, mời đại nhân tạm nghỉ sớm.

Ngày mai, đoàn ta sẽ tìm kế tiếp cận các hiệu buôn nước Liêu.”
Đường Thận gật đầu, chờ người hầu ấy đi, cậu thổi tắt nến, phòng trọ liền tối om.
Cùng lúc đó, ở phủ Thượng thư bộ Hộ trong thành Thịnh Kinh cách đó ngàn dặm.
Vương Trăn mới về từ hoàng cung, hôm nay chàng bị hoàng đế gọi vào đài Đăng Tiên, nói chuyện hơn một canh giờ.
Sau khi Thái hậu qua đời và chính ông ta cũng đổ bệnh nặng, khó có thể nói rằng tính tình Triệu Phụ không có sự đổi thay.

Đường Thận vẫn đang ở U Châu nên không biết, nhưng Vương Trăn thì cảm nhận hết sức rõ ràng.

Sau khi vào cung, giờ Vương Trăn đã về đến nhà.

Chàng đang giang tay cho thư đồng hầu mình thay y phục thì quản gia gõ cửa xin vào, cầm theo phong thư, nói: “Công tử, có thư từ U Châu gửi đến.”
Đôi mày Vương Trăn khẽ máy một cái, chàng cất tiếng nói thanh nhã: “Thư Cảnh Tắc à?”
“Vâng.”
Khóe môi Vương Trăn nhếch lên, chàng nhẹ giọng bảo: “Tạm thời không thay y phục, ngươi lui xuống đi.”
Thư đồng ngoan ngoãn dạ vâng.
Vương Trăn chẳng màng quần áo đang thay dở, cũng chẳng buồn nghĩ xem dáng vẻ hiện giờ có khiến phong thái công tử thế gia hao hụt phần nào.

Chàng tới chỗ quản gia lấy lá thư của Đường Thận.

Đặt những ngón tay thon thả lên mặt lá thư, Vương Trăn bình tĩnh nhìn bốn chữ “Thân gửi sư huynh”, đoạn bóc bao thư ra.
Vừa thấy hàng chữ đầu tiên, Vương Trăn đã cười mất một lúc.
Ngay đầu lá thư, Đường Thận dùng nét chữ hệt như chữ Vương Trăn, viết một câu thật bất ngờ:
“Kính thỉnh sư huynh:
Lý an kính khấu3…”
[3] Dùng hỏi thăm sức khỏe bề trên
Vương Trăn chưa đọc tiếp vội, đôi mắt sâu thẳm của chàng lưu luyến mãi hai dòng giữ đầu.

Hồi lâu sau chàng mới nghiêng mặt, cười hiền lành hỏi quản gia: “Hồi ở Lang Gia Vương thị ngươi đã từng đọc nhiều sách vở.

Không biết ta có lẫn không, khi viết thư, những cụm từ như ‘kính thỉnh’ hay ‘lý an kính khấu’ đều dùng để thưa gửi với cha mẹ phải không?”
Quản gia nào biết Vương Trăn đang nói ở đâu, ông ta nghiêm chỉnh thưa: “Bẩm công tử, đúng thế ạ.”
Ngụ ý: Ngài không nhớ lầm đâu, thường con gái sẽ dùng hai cụm từ ấy để thưa với cha mẹ.
Vương Trăn mỉm cười điềm nhiên, huơ lá thư trên tay: “Thư con ta gửi, phải đọc cho kĩ.

Ngươi lui xuống trước đi.”.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui