Chiếc váy mới này là ông Thiệu mua cho cả hai cô bé, chúng có cùng một kiểu.
Thiệu Minh Hạnh không tỏ thái độ gì trước mặt ông Thiệu, nhưng khi Trần Tư Mỹ mặc lên người đã bị cô bé kia kéo vào phòng thẳng tay đổ màu vẽ lên đó, Thiệu Minh Hạnh không muốn bất cứ ai có gì chung với mình, hơn nữa người đó lại là đứa con gái lạc loài đáng ghét của mẹ kế.
Trần Tư Mỹ có thể nhẫn nhịn bao trò tác oai tác quái và đau đớn xác thịt, nhưng việc chiếc váy bị hỏng sẽ khiến mẹ mắng cô bé, thế là khóc muốn đi gặp mẹ.
Thiệu Minh Hạnh nhanh miệng bảo là anh trai mình sẽ làm chứng là cô bé tự đổ vì không thích mặc cùng kiểu với Thiệu Minh Hạnh, xem mẹ cô bé sẽ tin ai.
Trần Tư Mỹ nhớ đến sự thiên vị của mẹ đẻ, thái độ chăm bẵm hai con chồng và sự thờ ơ dành cho con gái ruột của bà ấy, cảm thấy lời của Thiệu Minh Hạnh có lẽ sẽ thành sự thật, vì thế cô bé trốn ở đây không muốn đối mặt với kết quả kia.
Mẹ sẽ không đánh cô bé, nhưng vẻ thất vọng và sự chán ghét trong ánh mắt mẹ còn hơn trận roi vọt đau đớn nhất.
Cô lờ mờ hiểu ra mình biến thành gánh nặng mẹ muốn trút bỏ.
Nhóc mập nhìn bộ váy trên người cô bé, đây là bộ váy gần đây hay được trưng bày trên cửa hàng đồ hiệu ở tuyến phố trung tâm gần đây.
Nhớ đến chiếc thẻ chứa gia tài nho nhỏ của mình, lại nhìn cặp mắt rưng rưng của nhóc con, cậu quyết định rất nhanh chóng.
- Đi theo anh, nhóc khóc nhè!
Bước vào cửa hàng, dùng tấm thẻ của bố cho để thanh toán một bộ váy y hệt.
Năm phút sau khi cậu đang nắm tay bé con đã thay một bộ váy y như đúc bước ra cửa, người của bố đã chờ sẵn, cậu chỉ kịp nhờ người đưa bé con về nhà rồi bị áp tải về gặp phụ huynh.
Đó là lần đầu tiên nhóc mập biết đến công dụng vạn năng của đồng tiền, cũng là lần đầu tiên biết rằng không phải người mẹ nào cũng giống người mẹ của cậu, có người mẹ yêu con cũng có người vô tâm hơn nhiều.
Cậu nhìn di ảnh bé xíu của mẹ vẫn đeo trên ngực, người phụ nữ với nụ cười hiền hòa đang nhìn cậu trìu mến.
Những ngày bên mẹ là những ngày dài dằng dặc nhìn mẹ vật lộn với đống dụng cụ y tế lùng nhùng trên giường.
Từ lúc sinh ra cho đến khi hiểu chuyện, mẹ đã không thể cho cậu một vòng ôm hay một câu nói yêu thương, bởi vì tai biến sản khoa sau sinh đã biến mẹ cậu trở thành người thực vật.
Khẽ hôn lên bức ảnh, cậu nằm trên giường không kềm được thì thầm:
- Mẹ đã rất yêu con, phải không? Bởi vì mẹ yêu con nên mới bất chấp tất cả để con được hiện diện trên cuộc đời này.
Con cũng yêu mẹ.
Thế nhưng cậu không hiểu tại sao lại có những người mẹ như mẹ cô bé con lúc chiều, có thể phớt lờ sự tồn tại của chính con gái ruột thịt của vì sự ích kỷ của bản thân.
Trên đường đi đến cửa hàng, cô bé kể cho cậu bé về gia đình mới của mẹ và hoàn cảnh người thừa của mình hiện tại, cậu cũng chỉ biết thở dài an ủi.
Thế giới người lớn thật phức tạp và khó hiểu.
Cậu không dám nói với cô rằng bản thân mình cũng phải sống trong tình cảm mâu thuẫn của bố.
Bố yêu mẹ, vì thế lại không thể chịu đựng được khi nhìn thấy sự có mặt của cậu, bởi vì sự sống của cậu được đánh đổi bằng cả cuộc đời của người phụ nữ ông ấy yêu thương.
Cả bản thân cậu cũng vì thế mà đôi khi thấy bản thân mình mang theo tội lỗi mà sống, thế nên chưa bao giờ cậu dám làm điều gì trái ý của bố cả.
Sau khi hứa hẹn ăn năn đủ kiểu, lúc cậu được tự do đến trường không bị giám sát thì đã là một tuần sau đó.
Chiều cuối tuần, công viên vắng tênh, cậu bước đến cầu tuột mà trong lòng cũng không mong đợi nhiều sẽ được gặp lại cô bé ấy.
Thế nhưng vừa đảo tầm mắt vào góc xó, vật bé nhỏ quen thuộc kia đang ôm lấy chân ngồi thu lu một góc.
Tình trạng hôm nay rất tệ, trên vùng thái dương bên trái có một dòng chất lỏng sẫm màu đã khô cạn.
Vừa nhìn thấy cậu thì đôi mắt kia đã đong đầy nước mắt.
Tay cậu run lên, rút mãi thì chiếc khăn mới rời khỏi túi.
Vụng về dùng chiếc khăn lau mãi trên khuôn mặt non nớt kia, dòng chất lỏng đã ngừng nhưng vẫn để lại một đường màu đỏ khô cứng chói mắt kéo dài tới tận cổ.
Cậu không xử lý được, sốt ruột quá đành phải kéo cô bé đi đến phía cổng công viên.
Bên kia đường có một tiệm thuốc, phải sang đó nhờ người giúp đỡ thôi.
Sau khi băng bó sát trùng kèm theo phải nghe một trận răn dạy vì trông em không cẩn thận của cô dược sĩ trong quầy, cậu dắt theo cái đuôi nhỏ trở về góc nhỏ dưới cầu tuột.
Phải ở chỗ ấy thì cô bé mới cảm thấy an toàn và chịu kể cho cậu nghe.
Mải mê với đống kẹo mút mới được anh mập cho, tâm trạng của bé con bây giờ rất tốt, hỏi gì nói nấy.
Hóa ra vết thương này cũng có phần do cậu góp vào.
Tuần trước khi cậu dắt cô bé vào cửa hàng, ngoài việc mua một bộ váy mới thì để ý thấy cô bé nhìn con búp bê bằng sứ với ánh mắt rất say mê, thế là vung tay mua luôn.
Hôm nay Thiệu Minh Hạnh lại phát hiện ra, bản tính ghen ghét khiến cô bé đỏng đảnh ấy cảm thấy ghen tị, muốn cướp con búp bê.
Trần Tư Mỹ không chịu, trong lúc giằng co thì con búp bê đã bị ném vỡ, cô bé còn ngã đập đầu vào đống mảnh sứ rơi vãi, lúc ấy Thiệu Minh Hạnh mới hài lòng mà bỏ qua.
- Em không bảo với mẹ sao?
- Mẹ đưa chị đi mua búp bê mới rồi, anh trai, à không phải, anh Thiệu cấm em không được nói với ai.
Nhưng mà búp bê của em là do chị ấy làm vỡ, tại sao em không được nói?
Cậu á khẩu không trả lời được, đành im lặng tựa vào cột sắt, bé con cũng không chờ câu trả lời, im lặng ăn kẹo.
Sau lưng ngứa ngáy nhưng cánh tay mập mạp ngắn tủn không thể gãi, cậu khó chịu cựa lưng mình lên bề mặt thô ráp ấy, cảm giác cào xước khiến cậu thở dài thỏa mãn.
- Anh à, nhìn anh giống như Baloo vậy á, em thích Baloo lắm cơ.
Khi ấy, lúc Trình Nam về nhà mới biết được, cô nhóc ấy đã so sánh anh với chú gấu Baloo trong bộ phim hoạt hình kinh điển "The Jungle Book" (1967) bởi vì động tác cựa lưng ngố tàu ấy của mình.
Qua gần hai mươi năm, ngày gặp lại một cô gái ở sân bay, lúc mái tóc cô ấy vô tình quấn vào cúc áo thì Trình Nam vô tình nhìn thấy một vết sẹo nhỏ quen thuộc bên vùng trán gần chân tóc bên trái của cô.
Nó rất đặc biệt, bởi vì nó mang hình bán nguyệt, anh gặp lại Lọ Lem của mình rồi..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...