Sở Lưu Hương Hệ Liệt

Ngọ Dạ Lan Hoa là phần cuối cùng trong Sở Lưu Hương truyền kỳ hệ liệt của Cổ Long, được viết vào năm 1979, khi tác giả đã bước vào những năm cuối đời, phải chiến đấu với bệnh ung thư.

Có lẽ vì vậy mà đầu đuôi chi tiết của tác phẩm có lúc không phù hợp với nhau. Nếu như độc giả thấy trong truyện có nhiều khúc mắc khó hiểu, thì những điểm ấy đều bắt nguồn từ nguyên tác tiếng Trung chứ không phải từ dịch giả.

Dịch giả: Lê Khắc Tưởng

Gió đang gào hú.

Gió thổi từ mé Tây lại, hú lên như lũ quỷ đang vung roi quật vào tim kẻ đang trên đường về nhà, quật tan nát hồn phách kẻ qua đường.

May mà không có ai đang trên đường về, cũng không có ai qua lại.

Chẳng có gì ở nơi này cả. Đường phố chẳng có ngựa xe lừa kéo, trong tiệm chẳng có lấy một bóng người, trong bếp lò chẳng có củi có lửa, trong nồi chẳng có cơm cá chẳng có thịt, trong khuê phòng chẳng có tiếng oanh kêu yến gọi, chẳng có mùi hương phấn dầu thơm.

Bởi vì nơi đây chẳng còn có một ai, ngay cả một mạng sống cũng không.

Một màn chết chóc tịch mịch.

Không biết đến một lúc nào đó, gió bỗng nhiên ngừng lại, trên con đường dài vắng vẻo, chợt có một con chó trắng lê lết cái đuôi bước từng bước xuống mặt đường lót đá vân tán xanh.

Có người đi sau con chó.

Có một người mù.

Người mù này mặc một chiếc áo bằng vải bố màu xanh có bông, đã được giặt đi giặt lại muốn bạc hết cả màu, lại bị gió cát thổi cho thành ra vàng khè, y dùng một cây gậy dò đường màu trắng đã biến ra màu xám tro, cóc một cái trên mặt đá xanh, rồi lại bụp một tiếng trên mặt cát vàng.

Gió lại trổi lên.

Tấm chiêu bài đang dương lên trong gió, cái vòng và cái móc câu cọ sát vào nhau, kêu lên cót két như tiếng cưa vào sắt, làm người ta nghe muốn ghê cả răng, con chó trắng đang sủa ăng ẳng, tiếng sủa khan khản, miếng giấy rách bọc trên song cửa sổ kêu sành sạch như tiếng rên rỉ đau đớn, tiếng hơi thở hổn hển.

Người mù lắc mạnh cái thanh la nhỏ dùng để mời khách hàng, tiếng thanh la trong trẻo vang lên, rồi bỗng ngưng bặt lại.

... Những tiếng động làm người ta nghe khoái cả tai đi đâu mất rồi?

... Những tiếng ồn ào của người bán hàng, tiếng trả giá của mấy bà mấy cô, tiếng dao chặt vào thớt, tiếng xào nấu trong chảo, tiếng bà mẹ đánh vào đít đứa con, tiếng con nít khóc ầm ỉ, tiếng cười khúc khích của các cô con gái nhỏ, tiếng xúc xắc gieo vào trong chén, tiếng cười ha hả của mấy gã đàn ông say rượu, tiếng ca vọng từ trên tửu lâu xuống của những ả giả giọng Giang Nam hát tiểu điệu.

Những tiếng động vừa thích thú vừa náo nhiệt ấy đã đi đâu mất rồi?

Tiếng thanh la ngưng bặt, tiếng chó sủa cũng ngưng bặt. Bàn tay người mù thỏng xuống, thanh la trong tay y hình như bỗng biến thành ra như nặng tới ngàn cân, trong tâm khảm của y bỗng có một nỗi sợ hãi không sao nói được. Có phải là vì y không biết có chuyện gì xảy ra?

Trước đây y đã có qua nơi này, nhưng y không biết cái thị trấn bé nhỏ vốn rất phồn thịnh này đã vì một nguyên nhân thần bí gì đó, đã biến thành ra một cái thị trấn im lìm như chết.

Không biết, không phải là một trong những nguyên nhân làm cho người ta sợ hãi sao. Y dừng bước lại, con chó của y chân trước đã bước tới rồi, thân hình bỗng rụt lại về phía sau.

Không có người, chẳng có ai trên đường phố, cũng chẳng có ai trong nhà, phía trước phía sau, ngoài đường trong nhà, chẳng có một ai, không có ai thì phải là không có gì nguy hiểm mới phải, bởi vì thế giới này, nguy hiểm nhất chính là con người.

Trên cái thế giới này, còn có thứ động vật nào giết người nhiều hơn cả "người" nữa?

Vì vậy, người mù lại bắt đầu bước tới trước, thậm chí, y còn lắc mạnh cho cái thanh la kêu lên sang sảng.

Được một lúc rồi, con chó của y cũng bắt đầu bước về phía trước, nhưng lần này, nó đi theo sau chủ nhân.

... Chó vẫn là chó.

Một cái thị trấn nhỏ vốn rất là phồn thịnh và hiền hòa như vậy, bỗng nhiên lại trở thành chết chóc không có lấy bóng người?

Người mù lẽ đương nhiên là cảm thấy kỳ quái lắm.

Có điều, nếu y thấy được, nhất định y còn cảm thấy kỳ quái hơn nữa.

Bởi vì cái thị trấn nhỏ này, tuy hoang phế không có lấy bóng người, nhưng lại rất "mới mẻ, sạch sẽ", trong góc nhà không hề có mạng nhện, đồ đạc bằng kim khí cũng không hề bị rỉ sét, đèn không hề bị khô dầu, áo quần chăn gối không hề bị ẩm mốc, thậm chí ngay cả bàn ghế cũng không hề có bụi bặm gì.

... Dân chúng xứ này, không lẽ chỉ trong một đêm đã kinh hoảng di tản đi hết cả sao?

... Tại sao bọn họ phải di tản gấp gáp vội vàng đến như vậy?

Người mù lắc nhẹ thanh la, chầm chậm bước về phía trước.

Gió đang thổi, mây chiều buông thấp, bóng người ốm như cây sậy. Trời đất một màu ảm đạm, nhạt nhòa hơn cả một bức tranh thủy mặc.

Thình lình, có tiếng động vang lên từ xa xa. Tiếng vó ngựa, rất nhẹ nhàng, rất chậm rãi, cũng giống hệt như tiếng của cây gậy dò đường đang gõ trên mặt đá xanh vậy, tuy không phải nhàn nhã mười phần, nhưng cũng rất cẩn thận từng ly từng chút.

Người đến nhất định không thể là một kẻ đang trên đường về nhà, cũng không thể là một khách qua đường.

... Lòng kẻ đang về nhà nóng sốt như mũi tên, chỉ hận không thể về sớm hơn với cha mẹ vợ chồng con cái, khách qua đường lòng dạ nôn nóng, làm sao mà ung dung được như vậy?

Cái thứ tiếng động này, vốn chỉ ở trong những mùa giai tiết xuân thu, núi non mây nước một màu, mới nghe tới được.

Còn giờ này, nơi đây, chẳng là giai tiết, chẳng là thắng cảnh, bỗng nhiên lại có tiếng vó ngựa như vậy vọng lại, không những vậy, còn không chỉ một người một ngựa, thậm chí còn không chỉ mười người mười ngựa.

Ai đến vậy nhỉ? Đến làm gì?

Người mù chầm chậm rụt người về phía sau, con chó của y cũng chầm chậm rụt thân hình lại theo, rụt vào dưới mái hiên nhà tăm tối.


Y đã nghe ra được ít nhất có trên ba chục kỵ sỹ đang chạy lại, thậm chí còn có thể vượt qua cả năm chục.

Bởi vì lỗ tai của y trước giờ vốn rất linh mẫn, bởi vì y là một kẻ mù, nếu cặp mắt của ai không còn thấy được gì, không phải là họ chỉ còn biết lấy tâm, lấy tai ra mà lắng nghe?

Quả nhiên, có năm chục kỵ sĩ, năm mươi mốt.

Năm mươi mốt thớt khoái mã, giống nổi danh, giống thuần túy, nhanh, nhanh mà dai sức, ngàn con chọn một.

Nếu nói chúng nó là những con khoái mã chạy cả ngàn dặm một ngày, cũng không thể xem là nói ngoa. Nhưng hiện tại, chúng nó đang đi rất chậm.

Trên lưng năm mươi mốt con khoái mã, là năm mươi mốt tay hão hán có cao có lùn, có mập có ốm, có lão có thiếu, nhưng trong đó, có ít nhất năm mươi người đều có một đặc điểm giống nhau...

Bọn họ đều là những tay dũng hãn tinh tráng phi thường, đã từng trải qua trăm trận, bọn họ đều ắt hẳn là những tay trầm tĩnh vô cùng.

Có điều, lúc này bọn họ lại lộ vẻ nóng nảy một cách phi thường, và lại bất an nữa.

Đáng lý ra, tâm tình như vậy, bọn họ ắt phải vung roi quật ngựa chạy điên cuồng như bay, ngựa có kiệt sức, người có kiệt lực cũng chẳng sao, ngựa là thứ ngựa hay, người là tay hão hán, muốn nhanh bao nhiêu thì tới bấy nhiêu.

Nhưng tại sao bọn họ lại chậm chạp đến như vậy?

Năm mươi mốt thớt ngựa, năm mươi kỵ sỹ, bọn họ chậm quá như vậy, có phải vì người còn lại chăng?

Không phải. Người thứ năm mươi mốt còn lại kia, cái khí chất của y, thể phách của y, thần thái của y, cái lực lượng phát từ trong người của y ra, đều không đem so sánh được với năm chục người kia, dù năm chục người đó cộng lại đem so sánh với y cũng không sao so sánh được.

Bởi vì y chính là cột trụ của tất cả các tay anh hào hiệp khách ở một dãy tây nam, ngồi trấn thủ đất Trường An, là Thiết Đại Gia đây.

... Thiết Đại Gia không có họ tên gì khác, y họ Thiết, tên của y chính là Thiết Đại Gia.

... Thiết Đại Gia thân cao bảy thước chín tấc rưỡi, nặng một trăm ba mươi chín cân, nghe nói rằng, cô vợ sũng ái nhất của y tên là Dương Ngọc, đã từng yêu cầu y làm cho cô ta một chuyện.

Cô ta muốn y ở trần truồng ra vận động thân thể, rồi để cho cô ta đếm thử trên người y có bao nhiêu cục thịt nổi u lên.

Ba trăm tám mươi sáu cục.

Dương Ngọc tiết lộ với người bạn thân nhất trong khuê phòng:

- Quả thật có ba trăm tám mươi bảy cục, không thiếu một cục nào, mỗi cục đều cứng như sắt thép.

Thiết Đại Gia cái môn công phu hoành luyện Kim Chung Trí Thiết Bố Sam Thập Tam Thái Bảo, vốn nổi danh thiên hạ.

Ái thiếp của y là Dương Ngọc, ôn nhu như một con dê con, trơn láng như một khối ngọc, cũng là điều không một ai không hay biết.

Chỉ tiếc là người bạn thân trong khuê phòng của cô, không phải là một cô gái cũng ôn nhu như cô, mà là một chú bé rất ôn nhu.

... Về một vài phương diện mà nói, những tay nam tử hán ngạnh công vô địch thiên hạ, nhất định không thể nào sánh bằng những chú bé vừa dịu dàng vừa ôn nhu.

Thiết Đại Gia dĩ nhiên không thể nào ôn nhu cho được.

Tính khí của y nóng nảy như lửa, trước giờ y chưa bao giờ chờ đợi bất kỳ ai, hiện tại, xem ra y còn nóng ruột hơn cả những người tùy tùng, ngựa của y nhanh hơn, nhưng y cũng đang phải ruỗi ngựa chầm chầm bước từng bước một.

Tại sao vậy nhỉ? Một người tính nóng như lửa như Thiết Đại Gia đây, đã biến ra nhẫn nại từ hồi nào vậy? Sao mà biến thành ra chìu chuộng người khác quá vậy?

Bởi vì một chiếc kiệu.

Trong đám năm mươi mốt người ngựa đó, lại có bốn gã thiếu niên mặt mày tuấn tú ở trần, mặc cái quần chẽn bông, chân bước như đang nhảy múa, khiêng một chiếc kiệu đi bên cạnh Thiết Đại Gia.

Chiếc kiệu đi lại trước cái tiệm Tứ Hải tửu lâu hào hoa nhất trong thị trấn bèn ngừng lại, Thiết Đại Gia lập tức khom lưng nhảy xuống ngựa, năm chục tay kỵ sĩ còn lại, cơ hồ đều nhảy xuống một lượt theo cùng một tư thế.

Mấy gã thiếu niên đặt cán kiệu xuống, kéo màn kiệu lên.

Một hồi thật lâu, trong kiệu mới có một bàn tay chầm chậm đưa ra, nắm lấy cánh tay gã thiếu niên.

Bàn tay ấy trắng muốt mềm mại thuôn dài, móng tay cắt xén vô cùng tỷ mỷ, da thịt trơn láng như thiếu nữ, bàn tay đó đặt lên cánh tay đen đúa cứng cáp của gã thiếu niên, lại càng lộ vẻ gai mắt.

Bàn tay ấy chắc hẳn là của một thiếu nữ, hết ba ngón tay đã đeo nhẫn ngọc thạch chạm trỗ thật công phu, mỗi cái nhẫn giá trị ít nhất cũng trên ngàn lượng.

Cô bé này dĩ nhiên là người được Thiết Đại Gia sủng ái cực độ, vì vậy mà y mới chịu chờ cô, vì vậy mà cô mới đeo được những cái nhẫn như vậy.

Làm người ta không thể ngờ tới được là, người bước ra khỏi chiếc kiệu lại là một lão già nhỏ thó, già muốn chết đi được.

Một lão già nhỏ thó mặc một chiếc áo trưỡng bào bằng lụa màu xanh, thêu đầy những con thỏ con, những đường sọc màu trắng.

Một lão già nhỏ thó bất kỳ ai gặp đều thấy ghê tởm muốn chết được, nhưng trong cặp mắt đang lim dim đó, lại như có hai cây đao đang chọc ra.

Người của lão còn đang ở trong kiệu, cặp đao đó đã nhìn sòng sọc vào thân hình gã mù.

Người mù đã khom người xuống, ngồi dưới mái nhà u ám, như một con ốc thu vào trong cái vỏ, cứ nghĩ là mình không thấy người ta, người ta chắc cũng không thấy mình, có điều, lão già nhỏ thó mặc chiếc trường bào thêu hoa đã bước lại trước mặt y, cặp mắt như hai cây đao, nhìn chăm chú vào khuôn mặt của y.

Bước chân của lão già nhẹ nhàng như thỏ, cặp mắt của người mù, mù như dơi, nhưng con chó của y đang căng cứng thân thể như một cây cung.

Người mù không biết.

Y nhìn không thấy cái sát cơ bốn bề chung quanh, y nhìn không thấy cặp mắt sắc như đao của lão già, y cũng không nghe bước chân nhẹ nhàng như thỏ.


Lão già nhìn dính vào y, một hồi thật lâu mới chầm chậm quay đầu lại, Thiết Đại Gia đang đứng ngay chỗ lão quay đầu lại.

Y không nói gì cả, nhưng ánh mắt y đang hỏi:

- Giết? Hay là không giết?

Thật ra, y cũng chẳng cần phải hỏi, "thà giết lầm trăm mạng, còn hơn tha lầm một mạng".

"Giết", vốn là câu trả lời hợp lý nhất, chỉ cần một thủ thế đơn giản thôi, người mù này sẽ lập tức bị loạn đao phân thây ngay.

Sinh mệnh quý giá như vậy, tại sao thường thường lại biến thành quá ty tiện?

Mặt trời đang lặn, hoàng hôn, màn đêm đang buông xuống, càng lúc càng sâu.

Người mù đã đi tới một con hẽm nhỏ đầu bên kia của thị trấn, cuối con hẽm, hình như phảng phất còn nghe được từng tiếng gõ mõ lóc cóc, cũng in hệt như cây gậy dò đường trong tay người mù đang gõ xuống mặt đường, trống lỗng, đơn điệu và tịch mịch.

Tịch mịch thì có sao đâu? Chỉ có người nào còn sống mới thấy tịch mịch, chỉ có người nào còn sống mới có cảm giác lạnh buốt vào xương tủy, ít nhất cũng đại khái là khá hơn không có cảm giác gì cả.

Người mù vẫn còn chưa chết, chính y cũng lấy làm kỳ quái, những người này sao không giết mình.

Cuối con hẽm nhỏ, có một cánh cửa, một cánh cửa rất hẹp: gõ vào cánh cửa hẹp đó, gõ một cái, ngừng, sau đó gõ thêm bốn cái, ba cái nhanh một cái chậm, ngừng, sau đó gõ thêm hai cái nữa, ráng sức gõ mạnh vào trong bảy cái gõ đó, làm thành một cảm giác tiết tấu vừa kỳ quái vừa thú vị.

Sau đó thì cửa mở ra.

Người ra mở cửa, là một người làm như trời sinh vốn là để mở cửa: cửa hẹp, người ốm tong, tay cầm một cây đèn mờ mờ ảo ảo, thật là bình thường, nhưng trong cái bình thường đó lại hiển lộ ra một vẻ gì thật thần bí.

Sau cánh cửa hẹp là một cái đình viện đã hoang phế, cỏ dại mọc đầy lối đi, cây cối hoa lá đều khô cằn, một bà lão tóc bạc như sương, lưng khòm như một cây cung, đang ngồi một mình trước hiên nhà, dùng "thông thảo" kết một đóa hoa.

Hoa giả, một đóa hoa giả màu trắng nho nhỏ.

Hoa chưa kết xong, đã chết từ lâu.

Căn nhà lớn, mái nhà cao, hành lang dài, cây đèn cô quạnh, đình viện cổ kính, màn đêm lạnh lẽo, tiếng gió thổi xa xa như tiếng ai than khóc.

Người mù dừng bước, khom người chào bà già:

- Tam thẩm, bà vẫn mạnh giỏi?

- Ta mạnh giỏi, ta mạnh giỏi, ông cũng mạnh giỏi, ông cũng mạnh giỏi.

Gương mặt bà già lộ ra một nụ cười hiếm hoi:

- Chúng ta ai cũng đều mạnh giỏi, đều còn sống cả đây, sao lại không mạnh giỏi?

Nói đến đó, bà ta cũng vừa kết xong đóa hoa, tuy chỉ màu trắng không có gì khác, nhưng xem ra thật tinh trí, thật đẹp mắt.

Nhìn đóa hoa mà mình vừa kết xong, nụ cười trên mặt bà già bỗng khựng lại, làm như một người sợ nhất là rắn, bỗng thấy trong tay mình đang cầm một con rắn vậy.

... Đây chẳng phải là rắn, đây là một đóa hoa cúc màu trắng.

... Thấy đóa hoa giả mình vừa kết xong, tại sao bà lão này lại biến ra sợ hãi quá chừng vậy?

Người mù không thấy bà già thay đổi sắc mặt, y chỉ hỏi:

- Điệt Thiếu gia nhỉ?

- Y cũng không sao cả, y cũng mạnh giỏi lắm.

Bà già lại mỉm cười:

- Xem mặt mày y dạo gần đây, thấy chết không nổi đâu.

Gương mặt người mù cũng lộ ra một nụ cười:

- Tôi vào trong nhà gặp y một chút được không?

- Được, được.

Bà già nói:

- Ông cứ vào đi, y cũng đang chờ ông trong đó.

Người mù bước lên bậc thang cấp hằn những dấu rêu xanh, y bước dọc theo hành lang, cây gậy dò đường màu trắng gõ xuống mặt gỗ cũ kỹ, cốc cốc cốc, bước qua bên cạnh bà già, bước tới một cánh cửa.

Y nghe bà già đang ho lên sù sụ và thở hổn hển không ngớt, nhưng y không thấy bà ta bỗng nhiên đang ứa nước mắt ra.

Nước mắt rớt từng giọt xuống cánh hoa, trong suốt như hạt sương.


... Bất kể nước mắt của bà già, hay nước mắt của thiếu nữ, đều trong suốt như nhau.

... Nước mắt là nước mắt, nước mắt nào cũng như nhau, nhưng bà già xem ra cõi lòng đã chết từ lâu, tại sao bỗng vì một đóa hoa giả mà rơi lệ?

Gian phòng này thật là trần cựu, đáng lý ra phải là đâu đâu cũng giăng đầy mạng nhện bụi bặm, có điều, gian phòng này lại được quét sạch như một tấm vải giường vừa được mụ đàn bà giặt kỹ càng từ trong chậu ra, vô cùng sạch sẽ.

Thậm chí, ngay cả tấm ván lót dưới mặt đất cũng được chùi rữa muốn trắng bệch.

Có điều trong phòng chẳng có gì cả, bàn ghế, dụng cụ trưng bày, tranh vẽ thư pháp, chén dĩa, nhà khác ai ai cũng có, nơi đây thì không.

Trong phòng chỉ có một cây đèn, một cái giường, và ba người.

Trong ba người, có hai người đang đứng, hai người này mặc một bộ trưỡng bào màu xanh trùm từ trên xuống dưới, phủ hết cả bàn chân, ống tay cũng dài che hết cả bàn tay, thậm chí ngay cả gương mặt cũng được che lại bằng miếng vải bố màu xanh, trừ cặp mắt ra, chỗ khác không thể nào nhìn thấy được.

Nhưng một người sáng mắt chỉ cần thấy tư thái và hành động của bọn họ, sẽ có thể thấy được, bọn họ đều là những thiếu nữ rất có ý tứ.

Còn một người kia thì đang nằm nghiêng nghiêng, dựa vào cái giường, y là một gã đàn ông rất là thanh tú, rất là trẻ tuổi, cặp lông mày rất là đậm, đôi mắt to mà sáng, trong suốt như mặt hồ trên đỉnh Thiên Sơn vậy, ánh mắt thì đầy vẻ hoan lạc phi dương bạt tụy, như một con ngựa chứng khỏe vừa thắng xong một trận săn bắn.

Sinh mện của tuổi trẻ, thần thái phi dương, sức sống dồi dào, niềm tin vô cùng tận, vẻ mặt phi thường xuất chúng, con nhà thế gia phú khả địch quốc, có điều...

Người mù bước vào, chào hỏi gã thiếu niên, thiếu niên không đáp lễ lại, chỉ hé miệng cười.

Chỉ cười thôi, tuy không hoàn lễ lại, nhưng nụ cười rất ấm áp ôn nhu.

- Thập thúc, ông đã tới đó chưa? Ông đã thấy cái gã bự con ấy chưa?

Giọng nói của gã thiếu niên không những ấm áp thân mật, mà còn rất rõ ràng:

- Gã bự con ấy đã có gặp ông chưa?

Người mù mỉm cười.

- Thiết Đại Gia có phải là kẻ mù đâu, tại sao lại không thấy tôi được?

- Nhưng dù y có thấy ông rồi, nhất định cũng như là chưa thấy, bởi vì y chẳng nhận được ra ông là ai cả.

Thiếu niên hỏi người mù với một vẻ rất là hứng khởi:

- Có phải vậy không?

- Đúng vậy.

Thiếu niến cười lớn:

- Cái tên vương bát đản có mắt không tròng ấy, làm sao mà nhận ra được người mù này, chính là Liễu tiên sinh?

Người mù cũng bật cười:

- Ông cũng không nên cười bọn họ, cái bản lãnh giả mù của tôi, trước giờ vốn đệ nhất lưu.

Người mù nói.

- Dù ông giả vờ không giống, bọn họ cũng nhìn không ra đâu.

Thiếu niên nói:

- Cặp mắt nổi tiếng là "thấy rõ từng ly" của Liễu Minh Thu Liễu tiên sinh, làm sao lại mù được, làm sao mà ai còn tưởng tượng ra được?

Ánh mắt của y bỗng trở thành ảm đạm như ánh trăng thu:

- Chuyện trong thiên hạ vốn đều là thế cả, ví dụ như chuyện, có ai còn tưởng tượng ra được rằng, Mộ Dung ở Giang Nam nổi tiếng trong tứ đại công tử, lại...

Giang Tây Hùng, ăn không cùng, uống không cùng.

Giang Nam Mộ Dung, linh hý bách biến vô cùng.

Quan Đông nộ, nổi giận lên, thây nằm vô số, giận thêm đợt nữa, thây phơi bốn phía.

Giang Đông Liễu, kiếm pháp phong lưu vô địch thủ.

Cái vị công tử nổi danh số một của Giang Nam, chưa nói hết câu mình đang tính nói, nét mặt của y đã biến hẳn đi, y bỗng hỏi người mù:

- Cái gã bự con đó có phải cũng in hệt như xưa không? Bên cạnh lúc nào cũng có một thằng nhỏ xinh xắn xem ra rất vô dụng?

- Lần này có một chỗ không giống.

Người mù không mù tý nào nói:

- Lần này y đem theo, ít nhất cũng có hai mươi bảy người, không những vậy còn rất hữu dụng.

- Hữu dụng lắm không?

Mộ Dung công tử hỏi:

- Hữu dụng tới bao nhiêu?

Liễu Minh Thu hỏi lại:

- Công tử tuy là người Giang Nam, chắc cũng phải biết qua, ở Hồ Quảng danh công cự khanh phủ, có một phường hề nổi tiếng, tên là ban Lộng Ngọc?

- Tôi biết.

Mộ Dung công tử bật cười:

- Tôi có nghe qua.


Y cười một vẻ cười không được bình thường lắm, không được tốt đẹp lắm, bởi vì cái "ban Lộng Ngọc" ấy chính là như vậy, chính là vốn hy vọng các bậc công tử có tiền có bạc đối đãi với họ như vậy.

Bọn họ đều là những kẻ gia nhập ban Lộng Ngọc từ năm bốn năm tuổi, từ nhỏ đã được dạy dỗ rất nghiêm khắc, ca hát được, nhảy múa được, uống rượu được, đàn địch được, không những đa tài đa nghệ, mà còn rất biết ý người khác.

- Thật ra, chuyện mà bọn họ tinh thông nhất, không phải là những chuyện đó.

Liễu Minh Thu nói.

- Không phải những chuyện đó thì còn là chuyện gì nữa?

- Giết người.

Liễu tiên sinh nói:

- Phải làm sao có thể ở một thời điểm thích hợp nhất, nắm được cơ hội có lợi nhất, dùng phương pháp hữu hiệu nhất để giết người, không những vậy giết xong rồi còn toàn thân rút lui.

Y nói:

- Đấy mới là mục đích tối hậu của những chú bé xinh xắn trong ban Lộng Ngọc.

- Không lẽ những chú bé dễ thương ấy lại là những tay sát thủ kinh sợ như vậy?

Mộ Dung công tử hỏi.

- Đúng vậy.

Liễu tiên sinh đáp:

- Cái giá giết người không phải lúc nào cũng cao nhiều hơn là cái giá mua vui cho người sao?

- Đúng vậy.

Mộ Dung công tử không thể không thừa nhận được:

- Chung chung đều thông thường là vậy.

- Vì vậy bọn họ bề ngoài thì ca hát, thật ra, từ nhỏ đã được huấn luyện rất là nghiêm khắc tàn bạo, kỹ thuật giết người.

Liễu tiên sinh nói:

- Qua mười năm hai chục năm huấn luyện như vậy, bọn họ ai ai cũng đều trở thành một kẻ giết người vô cùng hữu hiệu.

- Có ai không chịu nổi không?

- Có.

Liễu Minh Thu đáp:

- Không chịu nổi, đều bị đào thải.

- Bị đào thải, là chỉ còn con đường chết?

- Đúng vậy.

Liễu Minh Thu nói:

- Mỗi năm mỗi lần đào thải, những người còn lại không còn được bao nhiêu. Những người này, ai ai cũng đều là kẻ tàn bạo vô tình, đều rất linh động như rắn, giảo hoạt như chồn, nhẫn nại như lạc đà, không những vậy mà còn tinh thông những thuật túc cốt, dị dung, đột kích, ám sát, nhất là trong đó một số còn được gọi là "ty".

- Ty?

Mộ Dung công tử hỏi:

- Ty là tợ lụa?

- Đúng vậy.

- Tại sao bọn họ lại được gọi là "ty"?

- Bởi vì bọn họ đều là những kẻ đã được chọn lựa rất đặc biệt, sau khi được huấn luyện trong ban Lộng Ngọc rồi, còn được gởi lại xứ Phù Tang để học ba năm môn Nhẫn Thuật của Y Hạ Cốc.

Liễu tiên sinh lại giải thích:

- Sau khi đã được huấn luyện cái môn còn tàn bạo hơn nữa là Nhẫn Thuật, mỗi người bọn họ đều có thể uốn éo thân hình như một con rắn, nằm ẩn núp trong những chỗ mà không ai có thể tưởng tượng được người ta có thể ẩn núp được, đợi đến lúc có lợi nhất bèn nhảy ra đột kích, giết người chỉ trong một tích tắc.

- Vậy sao?

- Có lúc, thậm chí bọn họ còn có thể không ăn không uống, không ngủ không cử động, nằm khoanh tròn trong một chỗ nhỏ xíu dăm ba ngày, nhưng chỉ cần lúc cử động, đối phương thường thường là chết chắc.

Liễu tiên sinh nói:

- Cái kiểu như vậy của bọn họ, rất giống cái thứ rắn độc nhất là Thanh Trúc Ty.

- Vậy thì sao bọn họ không gọi là Thanh Trúc Ty?

- Bởi vì cái màu sắc ngụy trang của bọn họ không nhất định phải màu xanh, bọn họ cũng không giống rắn lắm.

Mộ Dung công tử bật cười.

- Có lý, rất là có lý.

Y hết lòng khâm phục tán tụng:

- Ty, là ty, còn có cái tên gì hay hơn nữa bây giờ?

Truyền nhân nhà Mộ Dung thế gia, tài phẩm định trước giờ vốn rất cao minh, chưa có ai từng phủ nhận điểm này.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui