Hai mươi tám tháng chín, lập đông.
Chuyện xảy ra tại "Trịch Bôi Sơn Trang", nếu Sở Lưu Hương không tận mắt chứng kiến thì chẳng thể nào tin được...
"Trịch Bôi Sơn Trang" tọa lạc tại ngoại thành Tùng Giang Phủ, cách Tú Dã Kiều lừng danh thiên hạ không đến ba dặm, mỗi năm trước lúc đông chí, Sở Lưu Hương hầu như phải đến nơi đây ngụ vài hôm. Gió thu trổi lên, là đúng lúc chàng thèm ăn cá lư, bởi chỉ ở dưới chân Tú Dã Kiều tại Tùng Giang mới có giống cá lư bốn mang; mà giang hồ ai cũng biết rằng chủ nhân "Trịch Bôi Sơn Trang" Tả nhị gia ngoài chưởng pháp đứng đầu Giang Nam, còn thêm diệu thủ làm chả cá lư ngon tuyệt.
Hơn thế nữa, khách giang hồ đều biết phàm trong thiên hạ chỉ có hai người có thể khiến Tả nhị gia đích thân xuống bếp nấu cá đãi khách.
Sở Lưu Hương là một trong hai người ấy.
Tuy thế, lần này Sở Lưu Hương đến "Trịch Bôi Sơn Trang" thì chẳng thấy món chả cá thần diệu của Tả nhị gia, mà lại gặp một chuyện thực hoang đường, ly kỳ, thần bí. Chàng vốn không tin trên đời có chuyện ấy.
Tả nhị gia giống Sở Lưu Hương ở chỗ rất biết hưởng thụ, ông không mong được phong hầu, chỉ cầu nhân sinh thường lạc, do đó tự xưng là "khinh hầu".
"Trịch Bôi Sơn Trang" có ca kỹ diễm lệ nhất Giang Nam, có mỹ tửu hương nồng nhất, có chuồng ngựa nuôi giống thiên lý mã với bộ vó thần tốc nhất vùng đại nam thất tỉnh, còn sảnh đường thì chỉ có các thực khách phong nhã nhất vãn lai.
Tuy nhiên, điểm đắc ý nhất của Tả nhị gia không phải những thứ này.
Bình sinh ông có ba điều đắc ý nhất.
Đầu tiên là ông có những bằng hữu như Sở Lưu Hương, và ông đã từng nói thà chặt đi tay tả của mình, còn hơn mất đi một bằng hữu như Sở Lưu Hương.
Điều thứ hai là Tả nhị gia có một kẻ thù đáng sợ nhất trên đời, đấy là người được mệnh danh "thiên hạ đệ nhất kiếm khách" Huyết Y Nhân Tiết đại hiệp.
Tả nhị gia và Tiết Y Nhân làm một đôi oan gia đối đầu đã ba mươi năm, mà đến nay vẫn còn sống an nhiên, mặc dù Tiết Y Nhân uy chấn thiên hạ, song đối với họ Tả cũng không làm gì được...
Sự việc này mỗi khi nhắc đến, Tả nhị gia đều cả cười đắc ý.
Điều thứ ba, cũng là điều làm ông sung sướng nhất, là có được một cô con gái rất thông minh, xinh đẹp, vô cùng hiếu thuận.
Tả nhị gia không có con trai, nhưng chưa bao giờ cảm thấy nuối tiếc, chỉ vì ông thấy rằng cô con gái này hơn gấp trăm lần những đứa con trai khác.
Tả Minh Châu quả thật từ trước đến nay chưa từng làm cho phụ thân thất vọng. Từ nhỏ đến lớn, hầu như cô chưa hề bị bệnh, cũng chưa từng gây rắc rối bao giờ, năm nay cô tuy đã mười tám, nhưng vẫn rất khả ái, ngoan ngoãn như thuở nhỏ.
Võ công của Tả Minh Châu tuy không cao minh lắm, nhưng cũng có chút danh trong giới nữ tử, sau hai lần bước ra giang hồ, cô được tặng cho mỹ hiệu "ngọc tiên oa".
Tuy mọi người đều biết giới giang hồ do nể mặt Tả nhị gia mà tâng bốc con gái ông, nhưng riêng Tả nhị gia không màn chuyện ấy. Ông không muốn con gái mình trở thành nữ ma vương, hay đại nữ hiệp.
Vả lại, "ngọc tiên oa" cũng không dư nhiều thời gian để luyện võ, cô chẳng phải cùng phụ thân đánh cờ, uống rượu, thì cũng dạo đàn cho phụ thân nghe, hoặc ngâm thơ, vịnh phú, cắm hoa... Bất luận là việc gì, cô đều làm vì phụ thân, bởi vì trong đời cô tính đến nay vẫn chưa có nam nhân nào khác.
Nói tóm lại, vị Tả cô nương này đúng là một người con gái ngoan gương mẫu mà bất kỳ người cha nào cũng kỳ vọng có được. Tả nhị gia chưa bao giờ phải lo lắng vì con gái mình. Thế nhưng bây giờ một chuyện thực hoang đường, ly kỳ đã xảy đến với cô!
Trời tháng chín đã trở lạnh nhiều.
Tuy nhiên, dù tiết trời lạnh đến mấy, chỉ cần khách bước vào "Trịch Bôi Sơn Trang" thì sẽ có ngay cảm giác ấm áp dễ chịu, như một lãng tử mệt mỏi vừa trở về nhà.
Đó là vì bên trong sơn trang, từ trên xuống dưới, mọi người đều mang nụ cười hiếu khách vui vẻ, kể cả gã gác cổng cũng tỏ ra ân cần lễ phép với khách. Chưa bước vào cổng, khách đã phảng phất ngửi thấy các mùi hương rượu, hương trà, hương phấn, hương hoa cỏ; lại nghe được tiếng tiêu quản dìu dặt, tiếng cười hào sảng, và tiếng chén cụng nhau.
Những thanh âm này như muốn bảo rằng bên trong là một thế giới hoan lạc đang chờ đợi khách, điều này cũng như thể đôi chân đã đi đến mỏi rục sắp được nghỉ ngơi, ngâm trong nước ấm.
Thế nhưng lần này vừa đến cách sơn trang ngoài mười trượng, Sở Lưu Hương đã cảm thấy quang cảnh có điều bất ổn.
Hai cánh cổng lớn đen sì của "Trịch Bôi Sơn Trang" vẫn thường mở rộng, bây giờ đóng kín, trước cổng vắng tanh, không một chiếc xe ngựa.
Sở Lưu Hương gõ cửa một lúc lâu, mới có một lão gia nhân ra mở cửa, nhìn thấy chàng, tuy lão vội nở nụ cười chào đón, song rất ư miễn cưỡng. Không khí hoan lạc thường ngày nay đã biến đâu mất.
Trong sân lá thu rụng đầy không người quét dọn, từng ngọn gió tạc ngang thổi tung mớ lá vàng, gây cho người cảm giác thê lương tịch mịch khó tả.
Nhìn thấy Tả Khinh Hầu, Sở Lưu Hương càng kinh ngạc. Gương mặt hồng hào thường nhật của vị giang hồ đại hào này giờ đây đã trở nên nhợt nhạt tiều tụy, mắt hút sâu thâm quầng, mới một năm không gặp mà họ Tả như đã già đi mười mấy tuổi. Mặt ông chẳng còn nét sảng khoái thuở nào, nụ cười gắng gượng chẳng che giấu được nét ưu phiền giữa đôi chân mày.
Đại sảnh cũng lạnh tanh, chẳng có thực khách, những kim bôi dùng để uống rượu thường ngày giờ đóng đầy bụi, thậm chí những con chim én trên xà ngang cũng đã bay sang nhà khác.
"Trịch Bôi Sơn Trang" đã xảy ra biến cố ghê gớm gì, mà trở nên vắng lạnh thế này ? Sở Lưu Hương kinh ngạc đến nghẹn lời.
Tả nhị gia nắm chặt tay Sở Lưu Hương, cũng qua rất lâu mà chẳng nói gì.
Sở Lưu Hương không dằn được hiếu kỳ, lên tiếng thăm dò:
- Nhị ca... dạo này vẫn khỏe ?
Tả nhị gia đáp:
- Khỏe, khỏe, khỏe...
Tả nhị gia nói một hơi bảy, tám chữ, mà trong mắt lệ chực trào ra, ông càng siết chặt tay Sở Lưu Hương, nghẹn ngào nói:
- Chỉ có Minh Châu, Minh Châu nó...
Sở Lưu Hương biến sắc hỏi:
- Minh Châu thế nào ?
Tả Khinh Hầu buồn rầu thở dài:
- Nó bệnh rồi, bệnh rất nặng.
Thực ra Tả Khinh Hầu chưa nói, Sở Lưu Hương đã đoán hẳn Tả Minh Châu bệnh rất nặng, bằng không ông đã không buồn rầu như thế. Sở Lưu Hương cười gượng nói:
- Người trẻ tuổi bệnh cũng mau hết mà ? Hết bệnh rồi hẳn ăn càng khỏe hơn trước.
Tả Khinh Hầu lắc đầu, thở dài đáp:
- Hiền đệ không biết, bệnh của Châu nhi... rất kỳ quái.
- Quái bệnh ?
- Châu nhi nằm trên giường, không ăn không uống đã gần cả tháng, nếu đổi là ta hay đệ, cũng khó mà chịu thấu, huống chi là...
- Bệnh căn do đâu ?
- Ta đã mời hết danh y Giang nam đến xem bệnh, mà cũng không dò ra nguyên căn, có kẻ thăm mạch xong chẳng chịu bốc thuốc, nếu chẳng nhờ Trương Giản Trai gần như mỗi ngày phục một hoàn tục mệnh đan mới cầm được sinh mệnh của Châu nhi, bằng không e rằng sớm đã... đã...
Giọng nói Tả Khinh Hầu nghẹn đi.
Sở Lưu Hương hỏi:
- Nhị ca nhắc đến Trương Giản Trai, có phải là vị thần y danh hiệp "nhất chỉ phán sinh tử" Giản Trai tiên sinh đó chăng ?
- Phải.
Sở Lưu Hương tươi mặt:
- Nếu Trương lão tiên sinh đã đến, nhị ca còn lo gì nữa, chỉ cần lão tiên sinh chịu ra tay, trên đời này còn có bệnh gì mà tiên sinh không chữa được.
Tả Khinh Hầu than dài:
- Hiền đệ không biết rõ... lão tiên sinh vốn cũng không chịu chữa, chỉ vì...
Đột nhiên một vị lão tiên sinh dung mạo thanh tú, ánh mắt sáng ngời, vội bước vào, gật đầu chào Sở Lưu Hương, liền quay sang Tả Khinh Hầu đưa một viên thuốc bảo ông nuốt xuống.
Tả Khinh Hầu nghe lời nuốt xong, ngạc nhiên hỏi:
- Thuốc này để làm gì ?
Lão tiên sinh đã quay lưng bảo:
- Mau theo lão phu.
Sở Lưu Hương nhận ra vị lão tiên sinh này là vị thần y nổi tiếng Giản Trai tiên sinh, thấy thần sắc nghiêm trọng của tiên sinh, chàng cũng ngấm ngầm cảm thấy sắp có chuyện chẳng lành.
Cả ba người vội vã bước vào hậu viên, chỉ thấy bên ngoài gian phòng xây giữa rừng hoa cúc, có mười mấy gia nhân đứng đấy, gồm các bảo mẫu và con hầu, người nào người nấy đều cuối đầu, mắt đỏ rưng rưng.
Tả Khinh Hầu run giọng hỏi:
- Châu nhi... phải chăng đã...
Giản Trai tiên sinh thở dài nhè nhẹ, trang trọng gật đầu.
Tả Khinh Hầu kêu lớn một tiếng, vội xông vào phòng.
Lúc Sở Lưu Hương bước vào, Tả Khinh Hầu đã hôn mê ngã bên giường, trên giường một thiếu nữ xinh đẹp nằm yên, sắc mặt trắng nhạt, hai mắt khép kín.
Giản Trai tiên sinh kéo tấm chăn phủ mặt cô gái, quay sang nói với Sở Lưu Hương:
- Lão phu e rằng Tả nhị gia quá đau đớn xúc động mà sinh nguy hiểm, do đó mới bảo nhị gia uống trước một viên định tâm đan, mới dám báo cho nhị gia biết hung tin, chẳng ngờ nhị gia cũng... cũng...
Vị lão tiên sinh này tưởng đã xem thường bao chuyện sinh tử, song lúc này cũng không khỏi lộ vẻ đau buồn, thở dài nói tiếp:
- Tả nhị gia đã ngày đêm lo lắng vì Châu nhi, lão phu chỉ e rằng nhị gia bị nội ngoại giao bức rồi bệnh luôn thì khổ, may có Hương Soái đến đây, nhờ Hương Soái vận nội công hộ tâm mạch cho nhị gia, nếu không thì lão phu cũng chẳng biết tính sao.
Sở Lưu Hương không chờ lão tiên sinh nói hết, đã đặt bàn tay lên ngực Tả Khinh Hầu và truyền nội lực cho ông.
Hoàng hôn đổ xuống, đêm đã gần kề, nhưng cả tòa "Trịch Bôi Sơn Trang" rộng lớn không có lấy một ánh đèn. Gió thu thổi mạnh, nhưng vẫn không xóa được không khí thê lương âm u trong sơn trang.
Sáu, bảy trang viện trước sau đều tĩnh lặng, không tiếng người nói, cũng không người qua lại, mọi người như sợ có âm quỷ từ địa ngục đang núp trong góc tối chực câu hồn người. Lá cây rụng đã gần hết, chỉ còn trơ lại cành khô lay động trong gió, mọi người đều chìm đắm trong nỗi đau tử biệt, càng làm cho quang cảnh trang viện thêm hiu quạnh!
Đến như côn trùng cũng lặng im không tiếng kêu, như thể cảm nhận được nỗi bi ai của con người.
Thi thể của Tả Minh Châu vẫn nằm trong phòng, Tả nhị gia không cho ai động đến xác con, ông ngồi bên giường, cơ hồ như đã hóa đá.
Sở Lưu Hương cảm thấy tâm tình nặng trĩu, chàng biết vị lão nhân rất thương con. Các danh y từ khắp nơi đến cũng đang im lặng ngồi đó, chẳng biết nên đi hay nên ở trong lúc này ? Trong lòng họ đều cảm thấy thương tiếc xen lẫn cảm giác bất lực.
Chỉ có Giản Trai tiên sinh ở ngoài không ngừng tới lui, song bước chân cũng rất khẽ khàn như bóng ma, chừng như sợ phá vỡ sự yên tĩnh vô biên trong phòng.
Tả nhị gia vẫn gục đầu vào lòng bàn tay, lúc này ông chợt ngửng đầu lên, đôi mắt nổi đầy gân máu vô hồn như đang nhìn về phương xạ Bỗng ông lên tiếng:
- Đèn đâu ? Sao không ai đốt đèn ? Bộ các người không muốn cho ta xem mặt con ư ?
Sở Lưu Hương im lặng đứng dậy đến bàn tìm đèn và đá lửa, đốt lên ngọn đèn dầu có chụp bằng thủy tinh.
Đột nhiên một trận cuồng phong từ ngoài cửa sổ cuốn vào, thổi tung tấm chăn trắng đắp trên xác chết, thổi tung cả màn che giường, chiếc chuông nhỏ treo trên màn lay động, phát ra tiếng "leng keng", nghe tựa tiếng chuông gọi hồn, và trong gió phảng phất như có tiếng ma quỷ đang cười nhạo nhảy múa.
"Phụt" một tiếng, đèn trong tay Sở Lưu Hương bị gió thổi tắt ngủm. Chàng cảm thấy trong gió như có hơi lạnh mang chút tà khí, bất giác nổi da gà, cây đèn trong tay bỗng rớt xuống đất, "xoảng" một tiếng, vỡ tan.
Không gian tư bề lập tức chìm vào bóng tối.
Gió vẫn đang rít, các vị danh y Giang Nam trong phòng cũng không khỏi co rút cổ, có kẻ phát run lên, người toát mồ hôi tay.
Giữa lúc ấy, thi thể trên giường bỗng mở mắt ra, ngồi dậy...
Mọi người trong phòng cảm thấy tim mình như đã ngưng đập. Có người không dằn được kinh hãi bật kêu lên.
Sở Lưu Hương cũng bất giác lui lại một bước.
Chỉ thấy "thi thể" ngơ ngác nhìn quanh, trong mắt vẫn còn đọng tử sắc.
Tả Khinh Hầu cũng sợ cứng người, môi mấp máy mà chẳng phát ra tiếng.
"Thi thể" đảo mắt hai lần, đột nhiên kêu thét lên. Tiếng kêu hàm chứa nỗi kinh hoàng không bút nào diễn tả được, khiến người rởn gáy, có kẻ muốn tông cửa chạy trốn nhưng hai đầu gối quá run đánh cầm cập, chẳng còn sức để cất bước.
Tiếng kêu của "thi thể" dần dần nghẹn đi, giọng nói khản đặc:
- Nơi đây là đâu ? Tại sao tôi lại đến đây ?
Tả nhị gia mở to mắt, run run nói:
- Thượng đế nhân từ, thương hại ta... Châu nhi chưa chết... Châu nhi chưa chết... Châu nhi đã sống lại...
Mắt Tả nhị gia lộ nét vui mừng tột độ, đột nhiên ông chồm dậy ôm chặt con gái, nói:
- Minh Châu, con đừng sợ, đây là nhà của con, con đã trở về dương thế rồi!
Chẳng ngờ con gái Tả nhị gia cố hết sức đẩy ông ra, hai tay bíu chặt tấm chăn đắp trên thân mình, toàn thân sợ đến run lên. Đôi mắt cô hoảng hốt nhìn Tả Khinh Hầu, đôi con ngươi vì quá sợ mà nở lớn ra, như thể cô nhìn thấy "quỷ" vậy.
Tả nhị gia ngạc nhiên hỏi:
- Minh Châu, con... con không nhận ra gia gia nữa sao ?
"Thi thể" thu mình nhỏ lại trong góc, đột nhiên lên tiếng khàn khàn:
- Tôi không phải Minh Châu, không phải con gái lão bá, tôi không biết lão bá là ai...
Tả nhị gia sửng sờ, Sở Lưu Hương cũng chưng hửng.
Mọi người trong phòng đều chưng hửng!
Tả nhị gia nhìn sang Sở Lưu Hương, ra vẻ cầu cứu:
- Con bé này chỉ e rằng bị sợ quá mà thành...
Tả Khinh Hầu chưa nói hết, "thi thể" kia lại kêu thét lên:
- Ta không phải con lão bá, các người là ai ? Tại sao lại bắt ta đem đến đây ? Mau thả ta về nhà, mau... mau thả ta về nhà...
Tả nhị gia vừa kinh hãi vừa tức, dậm chân nói:
- Con bé này điên rồi chăng ? Điên rồi chăng...
Kỳ thực chính Tả Khinh Hầu cảm thấy như sắp điên lên được.
"Thi thể" kia ráng ngồi dậy, muốn bò xuống giường, miệng nói:
- Các người mới là điên, ta muốn đi về, để cho ta về...
Sở Lưu Hương tuy cũng vui mừng xen lẩn kinh ngạc khôn xiết, nhưng chàng biết mình cần phải trấn tỉnh trong tình huống này mới giúp Tả Khinh Hầu được. Chàng vổ vai Tả nhị gia, khẽ nói:
- Tạm thời nhị ca đừng nói thêm gì, hãy để tiểu đệ trấn an Minh Châu trước đã.
Sở Lưu Hương từ từ bước đến, êm giọng nói:
- Cô nương, cô vừa mới qua cơn bệnh nặng, bất kể cô tự cho mình là ai, cũng không nên la hét vọng động rất có hại cho thân thể, cô bệnh lại thì mọi người sẽ rất lo lắng.
"Thi thể" đang sợ hãi định nhảy xuống giường, song ánh mắt nhu hòa của Sở Lưu Hương chừng như có khả năng trấn định bất khả kháng, khiến đối phương không thể không tin chàng.
Đôi tay "thi thể" khoanh chặt trước ngực, mặt vẫn còn nét kinh hoàng khiếp sợ, nhưng hơi thở dần dần đã dịu xuống.
Sở Lưu Hương cười nhẹ nói:
- Đúng rồi, vậy mới ngoan, bây giờ ta hỏi cô nương, cô biết ta là ai chăng ?
Thiếu nữ giương to mắt, nhìn Sở Lưu Hương rất lâu rồi ra sức lắc đầu.
Sở Lưu Hương hỏi:
- Cô không nhận ra người nào trong phòng này cả sao ?
Thiếu nữ lại lắc đầu, nhưng chẳng nhìn qua người nào cả.
Sở Lưu Hương lại hỏi:
- Nếu vậy cô có biết mình là ai chăng ?
Thiếu nữ nói lớn:
- Đương nhiên ta biết chứ, ta là Thi đại cô nương của Thi gia trang.
Sở Lưu Hương nhíu mày nói:
- Nếu vậy, không lý cô nương là con gái của Kim Cung phu nhân!
Thiếu nữ mắt sáng lên:
- Đúng thế, các hạ đã biết đại danh của mẫu thân ta, thì nên mau đưa ta về bên ấy để tránh lãnh họa vào thân.
Tả Khinh Hầu lúc này giận đến tím mặt, ông dậm chân nói:
- Con nha đầu này dám nhận phường hèn hạ kia làm mẹ!
Thiếu nữ trừng mắt:
- Ai hèn hạ ? Các người mới là hèn, dám bắt cóc ta.
Tả Khinh Hầu giận đến run người, thối lui hai bước ngồi sụp xuống ghế thở dốc, qua một lúc ông bỗng rơi lệ, run run nói:
- Con bé này chẳng hiểu lại trúng phải bệnh gì, các vị nếu chữa được bệnh cho nó, ta .. ta sẽ tặng nửa phần gia sản.
Sở Lưu Hương hiển nhiên cũng kinh ngạc không kém, chàng quay sang Giản Trai tiên sinh hỏi:
- Trương tiên sinh, theo ý tiên sinh...
Trương Giản Trai trầm ngâm một hồi, mới chậm rãi đáp:
- Bệnh tình của Minh Châu chừng như là "ly hồn chứng", nhưng thông thường chỉ khi nào bị kinh hãi quá độ hoặc bị kích xúc quá mức, thì người bệnh mới mắc phải chứng này, lão phu hành nghề y đã gần năm mươi năm, cũng chưa từng gặp qua.
Thiếu nữ kia đỏ mặt, lớn tiếng nói:
- Ai bị ly hồn chứng ? Ta thấy là các người mới bị chứng ấy, toàn là nói năng hồ đồ.
Thái độ tức tối của cô gái làm mọi người ngán sợ!
Trương Giản Trai chăm chú nhìn thiếu nữ rất lâu, bỗng lấy một tấm gương đồng để trong góc ra, đưa đến trước mặt cô, trầm giọng bảo:
- Cô nương nhìn lại xem, cô có biết mình là ai chăng ?
Thiếu nữ giận dữ nói:
- Đương nhiên ta biết mình là ai, đâu cần phải soi...
Thiếu nữ tuy nói "không cần phải soi", nhưng cũng không nhịn được liếc nhìn một cái.
Chỉ nhìn một cái, mặt cô bỗng hiện ra sự kinh hoàng khôn tả, cô thất thanh kêu:
- Đây là ai ? Ta không nhận ra người này ? Ta không nhận ra...
Trương Giản Trai bình tĩnh nói:
- Bóng soi trong gương dĩ nhiên chính là cô nương, đến bản thân mình mà cô nương cũng không nhận ra sao ?
Thiếu nữ đột nhiên quay mình phục xuống giường, lấy chăn trùm lên đầu, lẩm bẩm nói:
- Đó không phải là ta! Không phải là ta! Tại sao ta lại biến thành như thế, tại sao... tại sao...
Cô vừa nói, vừa đạp mạnh xuống giường, bật khóc òa lên.
Mọi người trong phòng đều kinh ngạc đến trố mắt há hốc miệng đứng nhìn, không thốt được lời nào. Hình như mọi người đoán được đôi chút chuyện gì đã xảy ra, nhưng vẫn không ai dám tin.
Trương Giản Trai kéo Tả Khinh Hầu và Sở Lưu Hương sang một bên, sắc mặt trầm trọng:
- Châu nhi không có bệnh.
Tả nhị gia nói:
- Không bệnh thì tại sao... tại sao lại thành ra thế này!
Trương Giản Trai thở dài đáp:
- Nó tuy không mang bệnh, nhưng lão phu lại hy vọng có bệnh thì đỡ hơn.
Tả nhị gia nói:
- Tại... tại sao ?
- Vì Châu nhi không bệnh, so ra thì đáng sợ hơn có bệnh nữa.
Tả Khinh Hầu trán đổ mồ hôi:
- Đáng sợ ?
Trương Giản Trai nói:
- Châu nhi bệnh nặng đã một tháng nay, chẳng ăn uống gì, cho dù vừa khỏi bệnh, thể lực cũng không thể hồi phục mau như vậy, vả lại lúc nãy rõ ràng là lục mạch đã dứt, chẳng cứu được nữa, lão phu dùng danh dự năm chục năm hành nghề y mà quả quyết rằng chẳng thể chẩn sai!
Sở Lưu Hương gượng cười:
- Y đạo của Trương lão tiên sinh, thiên hạ ai mà không biết, không tin.
Trương Giản Trai sắc mặt trầm trọng, hạ thấp giọng nói:
- Đã vậy, lão phu xin thỉnh giáo Hương Soái, một người rõ ràng đã chết, làm sao lại sống lại được ? Hương Soái kiến thức quảng bác, có bao giờ gặp phải quái sự này chăng ?
Sở Lưu Hương chưng hửng giây lát, cười trừ:
- Tại hạ chẳng những chưa từng thấy, mà cũng chưa hề nghe qua.
Trương Giản Trai trầm mặc một lát, trong mắt lộ vẻ kinh nghi, hạ thấp giọng nói:
- Theo ý lão phu, chuyện này chỉ có một lối giải thích... đó là mượn xác hoàn hồn!
Mượn xác hoàn hồn!
Tả Khinh Hầu bật dậy, nói lớn:
- Trương Giản Trai, Tả mỗ tưởng các hạ có cao kiến gì, ai ngờ chuyện hoang đường như vậy mà các hạ cũng nói được! Thôi thôi, xin mời đi ngay, danh y như các hạ, Tả mỗ chẳng dám lãnh giáo nữa.
Trương Giản Trai sa sầm nét mặt:
- Nếu vậy lão phu xin cáo từ.
Lão tiên sinh nổi giận định giũ áo bỏ đi, nhưng Sở Lưu Hương kéo lại, một mặt quay sang bảo Tả Khinh Hầu:
- Chuyện đổi quá bất ngờ, các vị xin dằn cơn nóng giận, từ từ tìm cách giải quyết.
Tả Khinh Hầu trừng mắt nhìn Sở Lưu Hương:
- Hiền đệ... chẳng lẽ cũng tin lời nói bậy sao ?
Sở Lưu Hương im lặng giây lát, trầm giọng nói:
- Dù gì đi nữa, xin hai vị bình tĩnh ngồi xuống, chờ tại hạ hỏi kỹ lại cô ấy xem sao.
Sở Lưu Hương đến bên giường, chờ cho tiếng khóc của thiếu nữ dần dần nhỏ lại, mới khẽ lên tiếng:
- Tình cảnh của cô nương, tại hạ rất hiểu, bất kỳ ai gặp phải chuyện như vầy cũng rất khó chịu, tại hạ chỉ mong rằng cô nương tin tưởng tại hạ, mọi người tại đây không có ý gây tổn hại cho cô nương, mà cô nương cũng chẳng phải bị bắt cóc đến đây. Cô nương thử bình tâm suy nghĩ lại xem, làm thế nào đến nơi này được ?
Thiếu nữ nói:
- Tôi... tôi cảm thấy rối loạn quá, không nhớ được gì cả.
Thiếu nữ bất giác ngửng đầu lên, đôi mắt xinh đẹp phảng phất như chìm đắm trong màn sương mù, Sở Lưu Hương không giục cô, qua một lúc sau cô từ từ nói tiếp:
- Tôi nhớ là tôi bị bệnh rất lâu, bệnh rất nặng.
Tả Khinh Hầu lập tức lộ vẻ vui mừng trong mắt:
- Đúng rồi con gái ngoan, con đã nhớ ra rồi đấy, quả thực là con đã bệnh rất lâu, hơn một tháng nay con chỉ nằm trên giường, chẳng hề tỉnh lại, chẳng hề trở dậy.
Thiếu nữ bỗng lắc đầu, lớn giọng:
- Tuy tôi nằm trên giường hơn một tháng, nhưng chắc chắn không phải nằm trên giường này.
Tả Khinh Hầu hỏi:
- Con không ở đây thì còn ở đâu ?
- Dĩ nhiên là ở nhà tôi, trong phòng riêng của tôi.
Sở Lưu Hương thấy Tả Khinh Hầu lại biến sắc, bèn lắc đầu ra hiệu, và nói:
- Cô nương có nhớ được căn phòng ấy bày biện ra sao chăng ?
Thiếu nữ đáp:
- Tôi sống nơi đó từ nhỏ đến lớn, làm sao không nhớ được!
Thiếu nữ nhìn quanh phòng một vòng rồi nói tiếp:
- Nơi ấy cũng bằng cỡ căn phòng này, giường tôi nằm đặt góc bên kia, bên giường có bàn trang điểm bằng gỗ tử đàn, bên cạnh bàn là giá chưng hoa, bên trên không có hoa mà có lò hương.
Ánh mắt Sở Lưu Hương chuyển động, chàng hỏi tiếp:
- Trên bàn trang điểm để những thứ gì ?
- Cũng không có gì đặc biệt, chỉ có hương liệu và phấn mà tôi thường dùng, toàn là nhờ người đến tiệm " Bảo Hương Trai" tại Bắc Kinh mua dùm.
Sắc mặt thiếu nữ bỗng ửng hồng, cô vội nói tiếp:
- Nhưng trong phòng tôi tuyệt đối không có hoa, bởi vì tôi mà ngửi phải phấn hoa là da sẽ ngứa ngay, ngoài ra trong phòng tôi cửa sổ đều treo màn màu tím, bởi vì từ nhỏ tôi đã không thích ánh nắng.
Cửa sổ trong căn phòng này tuy cũng có treo màn, nhưng là màn trúc Tương Phi kết thành, trong góc phòng có một chậu hoa cúc đang nở rộ. Thiếu nữ nhìn thấy hoa, mắt chợt lộ vẻ ghê sợ.
Sở Lưu Hương thầm thở dài, bởi chàng biết Tả Minh Châu vốn rất yêu hoa, lại thích nhất là hoa cúc, do đó mới đem hoa vào phòng. Tuy nhiên, chàng không nói gì, chỉ mang chậu hoa cúc ra ngoài.
Thiếu nữ lộ vẻ cảm kích liếc nhìn Sở Lưu Hương, nói:
- Nhưng bệnh phải nằm trong phòng đã lâu, nên tôi cũng nhớ ánh nắng, do đó sáng nay mới bảo người mở hết cửa sổ trong phòng ra.
Sở Lưu Hương hỏi:
- Sáng nay ư ? Cô nương gọi ai mở cửa sổ ?
- Tôi gọi má Lương, bà là nhũ mẫu của tôi... chăm sóc tôi đã nhiều năm, vì gia mẫu luôn bận rộn, thường rất ít có thì giờ ở bên tôi.
Sở Lưu Hương cười nói:
- Đại danh của Kim Cung phu nhân, tại hạ đã nghe từ lâu.
Tả Khinh Hầu "hừ" một tiếng, tuy thế cũng nhẫn nại không nói gì.
Thiếu nữ nhìn ra ngoài cửa sổ, chậm rãi nói:
- Chuyện sáng nay tôi còn nhớ rất rõ, nhưng bây giờ... sao trời tối rồi, chẳng lẽ tôi ngủ lâu đến thế ?
Sở Lưu Hương nói:
- Chuyện sáng nay, cô nương nhớ được những gì ?
- Tôi thấy ánh nắng bên ngoài thực đẹp, trong lòng cảm thấy cao hứng, chợt muốn ra vườn đi dạo.
- Cô đi được không ?
Thiếu nữ cười buồn:
- Thực ra tôi chẳng có sức đi nổi nữa, song má Lương không nở phật ý tôi, nên cũng dìu tôi dậy thay áo.
- Là bộ y phục cô nương đang mặc phải chăng ?
- Chẳng phải, đó là bộ y phục tôi thích nhất, do má Lương tự tay làm, dùng hàng lụa cũng nhờ người mua từ tiệm "Thụy Tường" tại Bắc Kinh, trên nền lụa đỏ có thêu đôi phụng hoàng màu tím.
Chẳng biết vì sao, nói đến đây thiếu nữ lại ửng đỏ mặt.
Sở Lưu Hương hỏi tiếp:
- Sau đó cô nương có bước ra đi dạo không ?
- Không, vì gia mẫu bỗng ghé thăm, còn dắt đến một vị y sư rất nổi danh.
Trương Giản Trai xen vào hỏi:
- Là ai ?
Thiếu nữ bực tức đáp:
- Gia mẫu nói là vì danh y vùng Giang Nam bị "Trịch Bôi Sơn Trang" mời đi cả, nên bệnh tôi mới không lành được, do đó gia mẫu đặc biệt mời Vương Vũ Hiên tiên sinh từ phương bắc xuống, cũng chính là vị danh y cùng được xưng danh với Trương Giản Trai tiên sinh ở phương nam, thiên hạ gọi chung là "Bắc Vương Nam Trương" vậy.
Trương Giản Trai nghiêm mặt nói:
- Là "Nam Trương Bắc Vương", không phải "Bắc Vương Nam Trương".
Thiếu nữ nhìn Trương Giản Trai, thất thanh hỏi:
- Không lý lão trượng là Trương Giản Trai ? Nơi đây chẳng lẽ là "Trịch Bôi Sơn Trang" ?
Trương Giản Trai không để ý đến thiếu nữ, trầm giọng hỏi:
- Họ Vương kia xem bệnh xong, đã nói gì với cô nương ?
Thiếu nữ đảo đôi tròng mắt, tỏ ra kinh ngạc, lại sợ sệt, qua một lúc mới nói:
- Lão tiên sinh chẳng nói gì cả, bắt mạch cho tôi xong, lập tức đi ngay, gia mẫu đắp mền cho tôi, chỉ dặn nghĩ ngơi cho khỏe, đừng suy nghĩ lung tung.
Sở Lưu Hương hỏi:
- Sau đó thì sao ?
- Sau đó... sau đó...
Ánh mắt của thiếu nữ trở nên hoảng loạn, cô cắn môi nói:
- Sau đó hình như tôi nằm mộng, mơ thấy mình như đã khỏe, mặc bộ áo đẹp ấy bay qua cửa sổ ra ngoài. Ngoài vườn người đông thực đông, nhưng chẳng ai nhìn thấy tôi, cũng không ai nghe được lời tôi nói, trong lòng tôi đang cảm thấy kỳ lạ, bỗng nghe má Lương bật khóc lớn, những người khác cũng vội chạy đến phòng tôi.
Sở Lưu Hương ho khẽ hai tiếng, hỏi:
- Còn phần... cô nương thì sao ? Có trở về phòng chăng ?
- Tôi cũng muốn trở về phòng xem thử, nhưng bỗng nhiên có trận gió lớn thổi ngang, tôi không tự chủ được, bị gió thổi bay qua tường, sau đó... sau đó...
Sở Lưu Hương hỏi dồn:
- Sau đó thì sao ?
Thiếu nữ thở dài:
- Thực kỳ quái... những chuyện sau đó, tôi không nhớ được chút nào cả.
Đèn tuy đã được đốt lên, song không khí âm u trong phòng vẫn chưa giảm chút nào.
Thiếu nữ đổ mồ hôi, run rẩy nói:
- Tôi cũng không hiểu tại sao mình đến đây, tôi nhớ được bao nhiêu đã kể hết bấy nhiêu, các... các người định làm gì tôi ?
Sở Lưu Hương nói:
- Mọi người nơi đây không ai có ác ý với cô nương...
Thiếu nữ cắt ngang:
- Đã không có ác ý, tại sao không thả tôi về ?
Sở Lưu Hương nhìn qua Tả Khinh Hầu, gượng cười bảo:
- Cô nương mang bệnh chưa khỏi hẳn, tốt hơn hãy ở đây tịnh dưỡng, chờ...
Thiếu nữ đột nhiên chồm dậy, hốt hoảng kêu lên:
- Ta không muốn ở đây tịnh dưỡng, ta muốn về nhà, ai dám cản trở thì ta liều mình với kẻ ấy!
Vừa la, thiếu nữ phóng ra phía cửa sổ, như muốn xông ra ngoài.
Tả Khinh Hầu la lớn:
- Chận nó lại, mau chận con bé lại!
Thiếu nữ chợt cảm thấy hoa mắt, chẳng hiểu sao vừa thấy Sở Lưu Hương đứng cạnh giường, giờ đã xuất hiện trước mặt cô chận đường. Cô nghiến răng, bỗng xuất thủ nhắm vào vai Sở Lưu Hương.
Chỉ thấy mười ngón tay thon thon của thiếu nữ cong lại như móng vuốt, thân mình đang còn trên không, hai tay đã phóng trảo vào huyệt Kiên Tỉnh trên hai vai Sở Lưu Hương, thế công rất ác hiểm.
Sở Lưu Hương cúi mình né trảo, luồn qua dưới cánh tay thiếu nữ.
Xem ra thiếu nữ sử dụng trảo thức rất lão luyện, bỗng trở tay hữu bấu lấy hai đại huyệt Thừa Phong, Khúc Trì nằm sau bả vai Sở Lưu Hương, tay tả nhắm vào huyệt Thiếu Hải nơi khuỷu taỵ Cô biến chiêu cực nhanh, xuất thủ nhắm đúng ngay đại huyệt trọng yếu, hoàn toàn chẳng phải kẻ tầm thường.
Tuy nhiên, thiếu nữ không tưởng được bản lãnh cao cường của Sở Lưu Hương, tưởng như đã chạm vào huyệt đạo sắp sửa khống chế được chàng, bỗng thấy thân mình Sở Lưu Hương lại luồn như cá lượn ra phía sau lưng thiếu nữ, chàng dịu giọng nói:
- Cô nương nên ngủ một giấc đi, tỉnh lại rồi mọi việc sẽ đỡ hơn.
Thiếu nữ chỉ cảm thấy bàn tay Sở Lưu Hương vỗ nhẹ trên thân mình, nhẹ như gió xuân tạt ngang, nhẹ đến hầu như không cảm nhận được. Sau đó, cô chợt cảm thấy cơn ngủ kéo đến không cưỡng lại được, chưa đứng vững thì cô đã rơi vào giấc ngủ.
Trương Giản Trai nãy giờ vẫn theo dõi hai người động thủ, lúc này thở một hơi dài:
- Khi tĩnh như thục nữ, khi động như thỏ chạy, dùng hai câu này hình dung Hương Soái quả là thích hợp.
Sở Lưu Hương nở nụ cười, chờ Tả Khinh Hầu bước qua đỡ thiếu nữ nằm xuống giường, chợt hỏi:
- Lúc nãy tiểu cô nương dùng chiêu thức gì, lão tiên sinh có nhận ra chăng ?
Trương Giản Trai trầm ngâm:
- Là "Tiểu ưng trảo lực".
Sở Lưu Hương nói:
- Đúng thế, nhãn lực lão tiên sinh thực cao minh, cô ấy quả đã dùng "tiểu ưng trảo lực", xen lẫn bảy mươi hai đường "phân cân thố cốt thủ", mà công lực cũng không thấp lắm.
Trương Giản Trai đưa mắt nhìn Tả Khinh Hầu, chậm rãi nói:
- Theo lão phu biết, trong giang hồ các nữ nhân sử dụng loại công phu này không nhiều, chỉ có...
Lão tiên sinh ho khan hai tiếng, bỗng im lặng không nói tiếp.
Tả Khinh Hầu gằn giọng:
- Tả mỗ cũng biết "tiểu ưng trảo" vốn là công phu gia truyền của mụ già Hoa Kim Cung, nhưng con bé rõ ràng là con gái Tả mỗ, không ai có thể phủ nhận điều này.
Trương Giản Trai hỏi:
- Không lý lệnh ái đã từng luyện loại công phu này ?
Tả Khinh Hầu ngẩn người không đáp được.
Thực ra Tả Khinh Hầu không cần trả lời, người khác cũng biết "phi hoa thủ" của Tả nhị gia danh chấn võ lâm, đó là một loại chưởng pháp biến hóa phức tạp nhất trong giang hồ, lại thuộc loại cực âm nhu, đúng là khắc tinh của các loại dương cương chưởng pháp như "ưng trảo lực, hay "suất bi thủ". Như vậy con gái ông làm sao lại đi luyện "ưng trảo lực" ?
Trương Giản Trai tuy là Giang Nam danh y, song võ công cũng không kém, vốn cũng là một đại hành gia trong võ lâm, nên dư khả năng nhận biết công phu các phái. Nhìn thấy Tả Khinh Hầu nét mặt khổ sở, lão tiên sinh lộ vẻ thương hại:
- Tâm sự của trang chủ lão phu cũng hiểu, tuy nhiên trên đời này vẫn có một số chuyện không ngờ được, không giải thích được, một trong những chuyện ấy đã xẩy ra nơi đây...
Tả Khinh Hầu nghẹn lời:
- Tiên sinh... tại sao nhất định bắt tại hạ tin những chuyện hoang đường ấy, chẳng lẽ tiên sinh tin chắc đây là một vụ mượn xác hoàn hồn sao ?
Sở Lưu Hương nói:
- Trương lão tiên sinh chỉ muốn bảo nhị ca nên bình tĩnh, thì mọi người mới nghĩ ra được cách giải quyết quái sự này.
Tả Khinh Hầu quơ tay bảo:
- Bây giờ ta rối trí lắm, các vị tính thế nào thì ta theo thế ấy.
Sở Lưu Hương nghiêm giọng:
- Sự việc này có chỗ không tưởng tượng được, tại sao Minh Châu bỗng nhiên lại biết được công phu gia truyền của Kim Cung phu nhân ? Điều này chẳng thể giải thích được, tuy nhiên chúng ta nên xét xem lời cô nói lúc nãy là thực hay giả ? Con gái của Kim Cung phu nhân có phải đã chết rồi chăng ?
Tả Khinh Hầu dậm chân nói:
- Hiền đệ biết rõ là chủ nhân Thi gia trang là thân gia với lão quái vật tử thù của ta, chẳng lẽ bắt ta phải thân hành đến hỏi Hoa Kim Cung ?
Trương Giản Trai nói:
- Tả trang chủ tuy không đi được, song Hương Soái thì đi được.
Tả Khinh Hầu nói:
- Sở Lưu Hương xưa nay là hảo bằng hữu của Tả Khinh Hầu, việc này giang hồ ai chẳng biết, Sở Lưu Hương mà đến Thi gia trang, không bị ác phụ kia quét ra khỏi cổng mới là chuyện lạ.
Trương Giản Trai cười nhẹ:
- Nhưng trang chủ quên rằng khinh công của Hương Soái diệu tuyệt thiên hạ, đến "Thần thủy trang" mà hương soái còn đến đi tự tại, thì một Thi gia trang bé nhỏ kia có thấm gì ?
Thực ra Thi gia trang không nhỏ, mà khá quy mô rộng rãi không kém gì "Trịch Bôi Sơn Trang", trang chủ Thi gia trang là Thi Hiếu Liêm, tuy không phải người giang hồ, nhưng Thi phu nhân Hoa Kim Cung thì rất vang danh trong giang hồ, công phu "kim cung ngân đàn thiết ưng trảo" của phu nhân được xem như tuyệt nhất Giang Nam.
Thi gia trang còn có một điều rất nổi danh, đó là chuyện "sợ vợ". Người trong giang hồ có thể không quen thuộc với tên "Thi gia trang", nhưng nói đến "Sư hống trang" thì chẳng ai không biết. Tả Khinh Hầu và Thi Hiếu Liêm vốn là bạn lâu năm, cũng vì họ Thi cưới người vợ này mà trở mặt đối đầu. Có một lần Tả nhị gia uống rượu ngà say, đem một tấm bản đến treo trước cổng Thi gia trang, trên bản đề:
"Trong nhà có vợ dữ, chư thân hữu xin dừng bước".
Sau vụ này, hai nhà xung khắc như nước với lửa. Câu chuyện này dĩ nhiên trở thành một giai thoại trên giang hồ.
Chẳng những thế, thiếu trang chủ Thi Truyền Tôn càng kính vợ như hổ. Thực ra, cũng chẳng thể trách Thi Truyền Tôn thiếu khí khái nam tử, chỉ vì vợ y có lai lịch quá lớn, Hoa Kim Cung tuy hữu danh nhưng cũng không sánh bằng gia đình cô con dâu. Trong giang hồ hầu như không có ai dám đắc tội với họ thân gia này, bởi vì đó chính là "đương kim đệ nhất kiếm khách" Tiết Y Nhân!
Tiết Y Nhân thuở thiếu thời thành danh khắp giang hồ với ngoại hiệu "Huyết Y Nhân", giết người như cỏ, đến tuổi trung niên tuy tính nóng đã giảm nhiều, lại ẩn cư nơi rừng sâu, nhưng kiếm thì đã luyện đến mức xuất thần nhập hóa, tương truyền bốn mươi năm nay chưa từng có ai chịu nổi quá mười chiêu kiếm của ỵ Mà Tiết Y Nhân cũng chính là oan gia đối đầu của Tả Khinh Hầu.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...