SEX và những thứ khác

Cuộc đời và số phận
Đây là một câu chuyện đời thật của một cô bé Việt Nam tôi tình cờ xem trên ti vi, trong chương trình Người đương thời. Tôi đã khóc vì em từ đầu cho tới cuối chương trình, vì khi kể lại em cũng không cầm được nước mắt. Câu chuyện đó đã ám ảnh tôi rất nhiều.
Cô bé sống ở phía Bắc, gần biên giới Trung Quốc. Mẹ nó mất sớm, bố nó lấy vợ hai, nhà rất nghèo, nó không được đi học. Một hôm, một người quen của người hàng xóm nào bảo nó một cửa hàng bán va li đang cần người làm, lương tám trăm nghìn đồng một tháng, nghe hấp dẫn quá nên cả nhà đồng ý cho nó đi làm. Khi đó con bé mới mười tuổi.
Người này dắt nó đi, ngọt nhạt nói: “Cô biết hoàn cảnh gia đình con nên thương tình, con cứ gọi cô là mẹ nhé!” Dọc đường đi hai người dừng lại bên một quán nước gần biên giới, bà này cho con bé ăn đồ tẩm thuốc mê, nó thiếp đi không biết gì. Tỉnh dậy, nó thấy xung quanh có rất nhiều chị gái ăn mặc hở hang, lòe loẹt, các chị nhìn nó rồi bảo: “Bọn chị ở đây khổ lắm rồi, em còn sang đây làm gì?” Nó nói: “Ơ, em sang đây bán va li, sao mà khổ?!!” Các chị bảo: “Rồi em sẽ biết.”
Ngày đầu tiên có môt người dắt nó đi đến một động mại dâm, bảo nó quan sát mà học tập các chị, cách đi đứng lả lơi và xem cả cách họ hoạt động mại dâm trên giường nữa. Con bé mới mười tuổi, nhìn những gì đang diễn ra nó phì cười, nó nghĩ những người này chơi trò chơi gì mà kỳ cục thế.
Ngay ngày hôm sau, nó đã bị một người đàn ông to béo đè ra cưỡng hiếp, nó tưởng nó sắp chết vì da thịt rách toang, máu me be bét. Nó đau đớn, sợ hãi, gào khóc đến kiệt sức, rồi ngất đi.
Họ cho nó nghỉ một ngày dưỡng thương, sau đó bắt nó tiếp tục công việc phục vụ khách. Nó không chịu, liền bị người ta đánh đập dã man rồi lôi vào một căn phòng, ở đó nó nhìn thấy chị N – người vừa an ủi nó hôm qua, giờ đã nằm trần truồng trên một vũng máu, đầu đập vào thành giường, chết mà không nhắm được mắt. Người ta dúi đầu nó vào sát mặt chị, nó kinh hoàng gào thét một cách điên loạn…
Kể từ đó, mỗi ngày nó phục vụ hơn hai mươi khách liên tục, “không cả mặc quần áo luôn” (nguyên văn lời kể), đã nhiều lần nó bị ngất đi ngay trên giường vì kiệt sức, mỗi khi nó kiệt sức, các chị cho nó một điếu thuốc hút, bảo hút cái này cho đỡ mệt. Nó không biết đấy là thuốc phiện, gây ảo giác, chỉ thấy sau khi hút xong thì làm việc không biết mệt, không cần cả ăn uống. Cứ thế dần dần nó trở thành con nghiện. Dần dần nó cũng biết rằng nếu chịu phục vụ khách thì nó sẽ được yên thân, nếu không thì sẽ bị đánh đập, ép làm việc thì còn tệ hại hơn.
Chưa có ai trốn thoát khỏi động mại dâm này mà chỉ có cách duy nhất là CHẾT. Câu chuyện của chị H được chị em truyền tụng làm kinh nghiệm để thoát khỏi ổ chứa này. Chị H may mắn được một người đàn ông Trung Quốc bỏ tiền ra mua về nhưng không phải làm vợ hắn, mà làm đĩ riêng cho nhà hắn. Nhà này có một ông bố và bốn thằng con trai. Năm bố con chung tiền mua chị H về để cùng xài chung. Dù sao, phục vụ năm người hằng ngày vẫn hơn là hai mươi người một ngày, như vậy có thể gọi là đổi đời rồi!
Cô bé luôn tâm niệm, khi gặp khách có vẻ đàng hoàng một chút thì cố gắng lấy lòng người ta, nếu được người ta yêu thì sẽ là một cái phúc lớn, vì đó sẽ là lối thoát vô cùng hiếm hoi. Ở Trung Quốc đang thiếu phụ nữ trầm trọng nên việc đàn ông (kể cả đàn ông có công ăn việc làm đàng hoàng) đi nhà thổ kiếm vợ là chuyện bình thường.
Một hôm, nó gặp một người khách có nhu cầu tìm vợ để sinh con nối dõi tông đường, nó tha thiết xin anh chuộc nó ra, nó sẽ đền đáp anh suốt đời. Anh này thương tình về gom đủ một trăm nghìn tệ (hai trăm triệu đồng) để chuộc nó ra. Số nó đúng là may mắn hiếm có. Nó nghĩ đó là nhờ mẹ nó ở trên cao phù hộ cho nó, vì hằng ngày nó luôn khấn vái: “Mẹ ơi, hãy thương con… phù hộ cho con thoát khỏi chốn này.”
Về nhà anh này một năm sau, nó sinh hạ được một thằng con trai, nhưng từ lúc sinh con ra, nó chưa một lần được ôm con vào lòng. Bà nội thằng bé coi nó như một cái máy đẻ, được thằng cu rồi là bà tách riêng, cho bú sữa bình và nuôi dạy theo kiểu của bà. Thằng bé không hề biết mẹ ruột nó bị giam trong một căn phòng ở một góc vườn, hằng ngày chỉ biết nhìn con chơi đùa qua ô cửa sổ.
Anh chồng cũng tử tế, nhưng sợ mẹ và chỉ nghe theo chỉ đạo của bà, mặc dù thỉnh thoảng anh vẫn dấm dúi cho nó tiền và cho ra ngoài đi chợ. Ra ngoài nó không biết mình đang ở đâu trên đất Trung Quốc, nhưng dần dà nó bắt đầu làm quen với nhiều người Việt Nam ở đây. Có cả một ngân hàng dành cho người Việt, nên nó chắt bóp gửi tiền dành dụm vào ngân hàng này, chờ một ngày trốn thoát.
Năm thằng bé ba tuổi, kế hoạch bỏ trốn được anh chồng ủng hộ, với điều kiện là phải để thằng bé ở lại. Ngày hôm đó, nhân lúc bà nội đi vào nhà, bỏ thằng bé chơi một mình ngoài sân, nó chạy lại ôm hôn con, nước mắt rơi lã chã, nói: “Con ơi, mẹ yêu con lắm, mẹ sẽ quay về đón con sau nhé!”
Thằng bé không hiểu tiếng Việt, không hiểu cô nói gì, nhưng dường như tình mẫu tử trong máu nó mách bảo, thằng bé cũng ôm nó và lau nước mắt cho nó.
Nó vội vã bỏ đi trước khi mẹ chồng quay lại. Nơi nó ở cũng gần biên giới Việt Nam, đi bộ trèo đèo, vượt núi một ngày là sang tới bên kia.
Lần mò đến cuối ngày hôm sau thì về tới nhà, nó gọi: “Bố ơi, con đã về!” Ông bố chạy ra ôm lấy nó mà khóc. Ông tưởng nó đã chết rồi.
Chuyện của nó cả xã đều biết và ai cũng khinh bỉ nó ra mặt. Bố mẹ nó đi ra đường không dám ngẩng mặt lên vì mang tiếng có con gái sang Trung Quốc làm đĩ.

Nó muốn làm lại cuộc đời nhưng cộng đồng không chấp nhận, ruồng rẫy khinh bỉ nó. Gia đình nó vì thế cũng bị xa lánh, nên nó quyết định bỏ nhà lên Hà Nội. Nó cũng hy vọng ở Hà Nội, nó sẽ kiếm được một nghề tử tế, như rửa bát cho các quán cơm. Nhưng chẳng ai thuê nó, mà trước mắt nó đói, cần chỗ ngủ, cần tiền, vì tiền của nó đã đưa hết cho bố mẹ, nên nó ra hồ Ha-le làm gái, tối ngủ ghế đá ven hồ.
Một đêm trời mưa lạnh, nó nằm trên ghế đá mê man rồi ngất đi không biết gì, tỉnh dậy thấy mình đang nằm đắp chăn trên giường, trong một ngôi nhà ấm áp, nó ngỡ nó đang nằm mơ… Rồi thấy một chị mang cốc trà nóng cho nó, nó chỉ nghĩ là cô tiên trong truyện cổ tích.
Sau đó nó được biết, chị đã tìm thấy nó nằm co quắp bên bờ hồ và đưa nó về nhà. Chị làm ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Sau khi nghe chuyện đời nó, chị đã gợi ý nó làm việc cho hội, tuyên truyền phòng chống tệ nạn mại dâm, nghiện hút ma túy và phòng chống HIV – AIDS.
Hiện nay cô bé ấy vẫn đang làm việc cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội, là một thành viên hoạt động xã hội tích cực, góp phần lớn trong các chương trình của hội.
GVA 11/1/2008
Chuyện con cá voi
Người Nhật hay ăn cá mà phải là thịt cá voi mới sang. Cá voi thì sắp tuyệt chủng, đặc biệt là loài cá voi lưng gù quý hiếm.
Người Úc dành bao nhiêu tiền của, công sức để bảo vệ môi trường, cứu chữa cho từng con cá voi bị thương, bị mắc cạn. Thế nên khi sang Úc, khách du lịch vẫn được xem cá voi nổi lên, bơi lượn trên biển.
Vậy thì việc người Nhật ăn cá voi liên quan gì đến người Úc???
Người Nhật nói rằng, họ bắt cá voi vì mục đích nghiên cứu.
Người Úc thì sao?
1. Báo chí đăng tin rầm rầm về việc người Nhật săn bắt cá voi.
2. Các nhà hoạt động môi trường, du lịch sinh thái, hải dương học bắt tay vào điều tra, thu thập bằng chứng là người Nhật giết cá voi để ăn thịt (chứ không phải để nghiên cứu) rồi đưa tin lên báo chí truyền hình.
3. Cả nước tham gia phản đối người Nhật ăn thịt cá voi.
4. Chính phủ Úc đưa việc “người Nhật săn bắt cá voi” thảo luận trong các cuộc họp nghị viện.
5. Thủ tướng Úc Kevin Rudd gặp gỡ và nói thẳng với Thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda: “Các anh mà không nhịn ăn cá voi thì chúng tôi sẽ tuyệt giao quan hệ với các anh. Chúng tôi sẽ không xuất nhập khẩu, không giao thương với các anh nữa.”
Dĩ nhiên văn phong ngoại giao lịch sự hơn nhiều, nhưng ý chính vẫn là thẳng tưng như thế.

Sau khi thấy thái độ mạnh mẽ dứt khoát của Úc, tháng Mười hai vừa rồi, Nhật đã cho ngừng ngay việc săn bắt cá voi, mặc dù bên ngoài vẫn nói rằng việc ngừng săn bắt đó không phải vì “sợ người Úc”.
Đấy, thử hỏi người Nhật đã làm gì người Úc?
Họ có giết người Úc không? Không!
Họ có chiếm đảo của người Úc không? Không!
Họ có đánh bắt cá trong lãnh hải của người Úc không? Không!
Họ chỉ săn bắt cá voi trong lãnh hải của Nhật thôi, chứ động gì đến nước Úc mà người Úc làm dữ vậy?
Con cá voi có phải của riêng nước Úc không? Không!
Nhưng nó liên quan đến ngành du lịch của nước Úc và vấn đề môi trường sinh thái toàn cầu.
Người Úc, từ dân đen cho đến chính phủ đều hiểu rất rõ tầm quan trọng của ngành du lịch và họ đồng lòng trong việc ngăn chặn người Nhật săn bắt cá voi.
Sâu xa hơn nữa, người Úc còn dạy cho người Nhật bài học “vuốt mặt phải nể mũi”. Một việc nhỏ và xa vời như chuyện con cá voi mà họ “rắn” như thế thì đừng hòng nghĩ đến việc thò tay sang “bắt cá ao ta” nhé!
GVA 20/01/2007
Being assertive
Trong từ điển Tiếng Việt không có từ nào tương đương với từ “assertive” trong tiếng Anh. Nếu tra Từ điển Lạc Việt bạn sẽ được giải thích nó có nghĩa là “quả quyết, quyết đoán”. Nhưng không phải, quyết đoán là “decisive”. Từ “assertive” có ý nghĩa khác hơn rất nhiều. “Being assertive” nghĩa là cứng cỏi đứng lên bảo vệ sự công bằng cho mình. Thường trong trường hợp bị tấn công bằng ngôn từ hay bị bắt nạt, thay vì sợ va chạm mà “co vòi” lại, ta phải “being assertive”.
Khi học ở Úc, một trong những bài học đầu tiên tôi được học trong trường là “being assertive”. Chúng tôi còn được xem cả video với những tình huống, nhân vật để phân tích trường hợp nào là “being assertive”, trường hợp nào chưa đủ “assertive”.
Người Úc luôn khuyến khích thế hệ đi sau phải “assertive” tìm ra sự thật của một vấn đề, bảo vệ sự thật đó cho dù cha mẹ, người lớn tuổi hay người có địa vị cao hơn nói khác đi. Bạn nào ở Úc sẽ thấy các công ty lớn tuyển dụng nhân viên yêu cầu “personal skills”, bên cạnh “kỹ năng đàm phán” là phải “being assertive”. Nó là điều kiện bắt buộc để trở thành một nhà đàm phán, thương thuyết giỏi.
Chúng ta luôn được chú trọng rèn luyện đức tính khiêm tốn, lễ độ. Nhưng cái sự lễ độ được đề cao quá mức đến nỗi người hơn tuổi có quyền làm sai, quyền quát nạt người nhỏ tuổi mà người nhỏ tuổi dù đúng vẫn phải cúi đầu vâng dạ. Như vậy cái ranh giới giữa “lễ độ” và “hèn nhát” hỏi còn bao nhiêu?

Phải chăng chúng ta quên mất rằng chúng ta luôn có quyền tự bảo vệ mình? Không phải. Vì chúng ta không được học điều đó nên chúng ta không biết là mình có cái quyền đó. Chúng ta chỉ biết rằng nếu chúng ta lên tiếng tự bảo vệ mình thì sẽ bị coi là “thiếu lễ độ” hay “vô lễ”. Quanh đi quẩn lại, ta luôn bị trói buộc bởi hai chữ “vô lễ” mà không thể nào thoát ra nổi.
Việt Nam có hai trường hợp hiếm hoi và điển hình của “being assertive”:
Trường hợp thứ nhất: Lê Minh Phiếu.
Khi được chỉ định là người rước đuốc Olympic Beijing 2008, anh viết thư bày tỏ sự hãnh diện được là người rước đuốc, ca ngợi tinh thần thể thao của Olympic Beijing, nhưng cũng phản đối tính chính trị của Olympic này. Như vậy không phải là vô ơn vô lễ với ủy ban Olympic mà là biết phân biệt phải trái, đúng sai, ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình phải nói lên sự thật. Đó là “being assertive”.
Trường hợp thứ hai: Luật sư Nguyễn Đăng Trừng.
Khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ định một người không phải là luật sư làm chủ tịch hội đồng lâm thời luật sư, ông đã phản đối việc này vì nó trái với đề án thành lập tổ chức luật sư toàn quốc. Ông đã từ chức để bày tỏ sự bất bình. Cấp trên không cho ông từ chức, ông đã rất “assertive” và nói: “Tôi không xin từ chức mà tôi thông báo từ chức. Việc từ chức là quyền quyết định của cá nhân tôi chứ không phải “xin – cho”.”
Vì không được dạy về “being assertive” nên nhiều người khi ra nước ngoài thường rụt rè nhút nhát.
Vì ta không biết dùng lý lẽ của mình để bảo vệ sự thật – ta đã không “assertive”.
Từ “assertive” không đơn giản chỉ là một tính từ mà nó còn là một kỹ năng giao tiếp ứng xử theo ta đi suốt cuộc đời.
Khi còn nhỏ, giao tiếp với bạn học, bị bắt nạt, bị thầy cô trù dập ta phải “assertive”.
Lên đại học, ta phải “assertive” để bảo vệ luận điểm của mình trước những giáo sư, giảng viên đại học có trình độ cao hơn ta (nhưng chưa chắc họ đã đúng hơn ta).
Ra trường đi làm, ta phải “assertive” với đồng nghiệp nếu như họ giao cho ta những việc không phải như mô tả trong hợp đồng và mình cũng không được trả lương để làm việc đó (rót nước pha trà, chạy việc vặt…)
Với đối tác làm ăn, ta phải “assertive” khi họ dọa nạt ta bằng một thế lực ngầm nào đó, ép buộc ta phải ký một hợp đồng bất lợi cho công ty mình.
Cuộc sống gia đình, ta phải “assertive” khi chồng/vợ đổ hết mọi trách nhiệm gánh nặng gia đình lên vai ta. Vợ chồng phải bình đẳng trách nhiệm trong gia đình và với con cái.
Như vậy mới thấy “being assertive” là vô cùng quan trọng trong việc ứng xử hằng ngày. Ngạc nhiên thay, một kỹ năng quan trọng như vậy lại không hề được dạy hay phổ biến. Giá như chúng ta cũng có từ để chỉ “assertive”.
GVA 15/9/2008
Bonus
Đây là bài giảng về “Assertiveness” của giáo sư Jeffrey Berman – Salem State College – Hoa Kỳ. Bản dịch của SaigonOne, xin trích để bạn đọc tham khảo.
SaigonOne đã tìm ra một từ tiếng Việt có thể nói gần như tương đương với từ “assertive”, đó là “biện kháng” (biện là biện luận, kháng là đối kháng lại).
Một trong những điều quan trọng nhất, và cũng khó khăn để hiểu thấu những khía cạnh giao thiệp cá nhân, chính là “biện kháng”. Biện kháng là những gì chúng ta thường gọi như “vùng đứng lên”.

“Vùng đứng lên” như một yếu tố quan trọng trọng sự giao dịch thương mại hay cá nhân. Trong “biện kháng” bao hàm ý nghĩa “vùng dậy” mà bạn không vi phạm quyền lợi của người khác. Nói cách khác, biện kháng là “lấy được cái bạn muốn, đạt được cái bạn cần” trong sự công bằng và hợp lý.
Biện kháng không có ý nghĩa là tấn công. Nhiều người thường so sánh biện kháng và tấn công như một hành vi chống cự. Nhưng thật ra chúng là hai lĩnh vực khác nhau.
Biện kháng: Tranh đấu cho quyền lợi của chính mình.
Tấn công: Vi phạm hay dùng bất cứ thủ đoạn gì có thể làm tổn thương hay thiệt hại cho người khác để đạt được mục đích của mình.
Sự đảo chiều của biện kháng là không biện kháng. Nói cách khác, nếu bạn không đứng lên vì quyền lợi của mình, nếu bạn không cố gắng đoạt cái bạn muốn bằng sự công bằng và hợp lý thì bạn không phải là người biện kháng.
Cái tôi không hiểu về sự biện kháng là suy nghĩ về những tình huống khác nhau mà trong đó gọi là thái độ biện kháng đúng đắn. Một điều quen thuộc với chúng ta là khi thấy người nào đó hút thuốc trong khu vực cấm hút thuốc, có bao nhiêu lần chúng ta bất đắc dĩ phải nói cho họ biết đây là khu vực cấm hút thuốc. Như vậy chúng ta đã là người biết biện kháng rồi.
Một ví dụ của sự biện kháng là khi bạn muốn trả lại món đồ mà bạn không hài lòng. Nhiều tiệm có quy luật cho trả lại mà không cần lý do. Nhiều khi bạn trả lại một món đồ mà bạn không hài lòng, bạn cần biết chắc rằng tiệm đó có chịu lấy lại món đồ đó hay không? Và có hoàn tiền lại cho bạn? Điều đó gọi là biện kháng.
Một ví dụ nữa của biện kháng là đòi hỏi tăng lương. Nhiều khi điều này không hợp pháp, nhưng với nhiều vi phạm khác, thì đó là cách duy nhất để lên lương. Vì thế bạn cần chuẩn bị cho trường hợp của mình. Bạn sẽ nói chuyện với ông chủ, hoặc người quản lý về trường hợp của mình. Như vậy là một hình thức của biện kháng.
Một ví dụ khác nữa của biện kháng là trong trường hợp khiển trách những thuộc hạ của mình. Rất nhiều người điều hành công việc không dám quở trách nhân viên vì sợ học bỏ công việc mà tìm việc khác ngay, hoặc là họ sẽ ù lì. Nói cách khác, nếu nhân viên làm điều sai trái, hoặc vi phạm nội quy của công ty thì hành động tương xưng là bạn phải phạt kỷ luật hay cảnh cáo họ để lần sau họ không tái phạm.
Một ví dụ nữa về biện kháng, là mở cuộc đối thoại lại với những người mình đã tranh cãi trước đây. Nếu bạn đã từng tranh luận với ai, hoặc bất đồng ý kiến, có thể là vấn đề rất nhạy cảm mà bạn cảm thấy không thoải mái nếu nó cứ kéo dài. Nói cách khác, một điều chắc chắn khi bạn đối thoại lại, và tiếp nhận sự liên hệ lại thì chúng ta có thể làm việc chung với nhau một cách vui vẻ.
Biện kháng là một đề tài lớn. Và điều chắc chắn nó không thể bao trùm mọi vấn đề tiếp diễn. Bởi vậy tôi muốn giới thiệu cho bạn những điều “nên” và “không nên”.
Nếu một người nào đó muốn lờ bạn đi khi bạn muốn biện kháng, đừng thất vọng. Đơn giản là bạn cứ tiếp tục trình bày vấn đề của bạn cho tới khi họ lắng nghe. Trong khi biện kháng, bạn có thể bị từ chối vì làm phiền, gây mất tập trung tư tưởng. Người khác có thể đổi hướng biện kháng của bạn bằng cách đưa ra những vấn đề không liên quan là thay đổi đề tài. Đừng để người khác đánh lạc hướng, cũng đừng để sự biện kháng của bạn ngừng lại cho đến khi bạn đạt được mong muốn.
Trong khi biện kháng nên có sự thông cảm. Sau cùng, có một số người có những quan điểm khác bạn, hoặc họ có những ý kiến riêng của họ khi bạn đang biện kháng thì cũng không sao. Nói cách khác, bạn cũng nhân dịp này tìm hiểu thêm về người khác.
Trong khi trình bày quan điểm của bạn khi biện kháng, tránh những suy nghĩ độc tài hay giáo điều, võ đoán. Và điều tốt nhất trong khi bảo vệ lập trường của mình là hãy giữ giọng nói bình thường, đều đặn. Nếu giọng nói của bạn chứng tỏ bạn đang thống trị, uy hiếp thì bạn đang mất dần hiệu quả trong biện kháng.
Một trường hợp tiêu biểu xảy ra trong biện kháng là nếu những điều bạn đồng ý trước đây với một người nào đó, mà nay không được tôn trọng trong cách hành xử khác hoặc những tình thế khiến vấn đề trở lại tình trạng lúc ban đầu, khi bạn bắt đầu biện kháng. Rồi sau đó bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ đòi lại cho chính bạn và chỉ ra sự khác biệt giữa vấn đề đang xảy ra và cái trước đây bạn đã đồng ý. Hãy cố gắng mang vấn đề cần thiết trở lại theo ý muốn của bạn.
Một yếu tố quan trọng nằm sau sự biện kháng, là cái tôi “tự chủ”. Sự tự chủ đi với sự hiện thân, sự tôn trọng và lòng tự tin của chính bạn. Nếu chúng ta xác định được quan niệm của chính mình, chúng ta sẽ tiến tới sự biện kháng tốt đẹp. Càng xác định được quan niệm và sự tôn trọng chính mình bao nhiêu, bạn càng dễ dàng tiến tới biện kháng. Đây là điều quan trọng bạn nên lưu tâm.
Một phương diện khác của “tự chủ” liên quan tới biện kháng là: “Làm sao để đối phó với sự căng thẳng”. Bình thường, sự cần thiết của biện kháng rất quan trọng khi sự việc đầy căng thẳng. Ví dụ, trong trường hợp công việc rất căng thẳng, đừng thối lui, bạn có quyền lợi và cần phải biện kháng, bất chấp sự trầm cảm mà bạn đang đối diện.
Cuối cùng, vấn đề xảy ra khi đã làm cho người khác nổi giận hay hung hãn với tôi. Tôi hiểu rằng tôi có quyền lợi và sự cần thiết để biện kháng. Cách thích hợp nhất là im lặng, không cần phải trả lời khi người ta đang nóng nảy và gây hấn. Cuối cùng rồi sự việc sẽ lắng dịu, bạn có thể nói với người làm bạn tổn thương rằng bạn sẽ cân nhắc điều họ nói, nhưng cuối cùng, bạn vẫn phải tiếp tục biện kháng.
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui