SEX và những thứ khác

Những thứ khác
Nhất nghệ tinh
Tôi vẫn nhớ những năm học cấp ba, áp lực thi đỗ đại học đối với tất cả học sinh chúng tôi là rất lớn. Nhiều bạn mới vào lớp mười đã đăng kí luyện thi đại học. Các bậc cha mẹ thì dùng mọi biện pháp để con cái nỗ lực thi đỗ đại học, từ việc treo phần thưởng đến dọa nạt. Trong số đó không ít phụ huynh tin rằng con mình học dốt, điều đương nhiên là phải dùng tiền chạy chọt cho con vào trường nọ trường kia.
Đứng từ xa nhìn vào, ta sẽ thấy nó như một cuộc đua ngựa, trong đó cha mẹ là những nài ngựa, la hét ra lệnh cho những chú ngựa con phải phi thật nhanh. Nhưng hỡi ôi, có phải con ngựa nào sinh ra cũng có thể lực tốt để có thể chạy về đích nhanh chóng đâu. Cũng giống như những sĩ tử đi thi, trong cái đầu non nớt của chúng chỉ toàn là những câu nói của cha mẹ: “Cố mà thi đỗ vào trường này rồi ra trường tao xin vào cơ quan X cho.” Hay là: “Phải học ngành này ra trường mới dễ xin việc”, việc gì không cần biết. Nhiệm vụ của chúng là phải thi đỗ đại học, thi mà không đậu thì nó là nỗi nhục của gia đình, của ông bà cha mẹ và của cả dòng họ. Cứ thế những chú ngựa chỉ biết cắm đầu học, không cần biết mình muốn gì, sẽ trở thành người như thế nào.
Tất cả (các sĩ tử và bậc phụ huynh) chỉ chăm chú vào cuộc đua “thi đỗ đại học” mà quên mất rằng thực sự con họ (các sĩ tử) muốn gì? Biết đâu một chàng trai chỉ mê mẩn với những súc gỗ và muốn trở thành thợ mộc? Hay một cô gái muốn trở thành chuyên gia trang điểm, hoặc tiếp viên hàng không? Vậy thì tại sao lại phải bước chân vào cuộc đua này? Một cuộc đua ngột ngạt đầy áp lực và không phải lúc nào cũng công bằng.
Ngày nay, cơ cấu việc làm toàn cầu đã thay đổi khi giới trí thức có bằng đại học quá nhiều trong khi những lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi kĩ năng như đầu bếp, thợ làm vườn, thợ sửa chữa xe hơi, điện dân dụng, v.v… bị thiếu hụt nhân lực trầm trọng.
Ở Úc, số sinh viên lứa tuổi từ mười lăm đến mười chín trong các trường đào tạo dạy nghề đã tăng từ 167100 trong năm 2006 lên tới 216700 vào năm 2009, (. Cisco/web/ANZ/netsol/strategy/content/training.pdf)
Sự gia tăng đáng kể này cho thấy việc lấy bằng đại học không còn là một nhu cầu cấp thiết để xin việc làm. Rốt cuộc thì chúng ta đi học với một mục đích là để trang bị đầy đủ kỹ năng làm việc. Nếu như học đại học bốn năm, ra trường mà thất nghiệp thì những kỹ năng không được sử dụng đến cũng bỏ xó. Trong khi đó, nếu một cậu học sinh học kém, các năm học phổ thông đều đội sổ nhưng cậu ta lại đam mê sửa chữa ô tô chẳng hạn, vậy thì chả có lí do gì để cậu ta phải cố học tiếp hoặc chạy chọt để vào đại học. Nếu cha mẹ là những người thực sự biết lắng nghe và hiểu những ưu nhược điểm của con mình, họ sẽ không ép con vào đại học mà cho con đi học sửa chữa xe hơi khi con mới mười lăm tuổi.
Các cụ có câu: “Nhất nghệ tinh – nhất thân vinh!” Một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Nghề ở đây không nhất thiết phải là giáo sư, bác sĩ, mà thợ mộc hay làm tóc cũng là cái nghề. Cậu học sinh khi xưa có thể học dốt nhất lớp nhưng mười năm sau cậu ta có thể là chủ một ga-ra ô tô trong khi bạn đồng trang lứa có người đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn không kiếm được việc làm.
Tết vừa rồi, tôi về Việt Nam, có đứa cháu đến chúc Tết và hỏi ý kiến ông nội (bố tôi) về việc thi vào trường cao đẳng. Nó tự biết lượng sức mình không thi nổi đại học nên chỉ chọn thi cao đẳng. Tôi hỏi nó thích làm nghề gì? Nó lắc đầu không biết, chỉ biết thi vào kế toán thì ra trường sẽ dễ kiếm việc. Tôi hỏi: “Thế nếu đứa nào cũng thi vào kế toán thì lấy đâu ra việc để đáp ứng hết?” Nó cười gượng, một lúc sau mới bộc bạch: “Thực ra cháu muốn làm kỹ thuật răng giả giống bố cháu, nhưng cháu ngại…” Mãi sau tôi mới hiểu nó ngại vì có cô bạn gái ở đó, nó muốn bạn gái nó phải tự hào vì nó có một cái nghề rõ ràng, chẳng phải là giáo viên, bác sĩ thì cũng phải là cái nghề dễ chấp nhận như “kế toán”.
Nhân đây tôi kể câu chuyện mà tôi đã kể cho cháu tôi nghe. Đó là câu chuyện về những người bạn từ thời tiểu học của tôi, những người mà hồi đó thầy cô giáo đều cho là khó có thể nên người.
Câu chuyện thứ nhất:
Đó là vào năm 1995, khoảng thời gian cuối năm lớp mười một, Long đến trường đi thi với đôi dép mới mẹ mua cho. Tới cổng trường, Long bị thầy giám thị (nguyên là bác trông xe) giữ lại vì tội không đi dép quai hậu. Thầy kéo tai Long lôi xềnh xệch trước tiếng cười nhạo của bạn bè và bị tịch thu đôi dép mới đó. Vì tức giận và theo phản xạ tự nhiên, Long đẩy thầy ra. Với hành động đó, Long phải trả giá bằng việc bị đình chỉ thi, phải thi vào dịp hè cùng các bạn thi lại. Là một học sinh khá trong lớp. hai năm liền cậu đều được cử đi thi học sinh giỏi tiếng Anh, cậu không thể chịu được việc bị xếp vào dạng “thi lại” trong khi cậu chưa hề được thi chính thức. Lòng tự trọng không cho phép Long phải cúi đầu “thi lại” và cậu quyết định bỏ học.

Mẹ cậu xin cho cậu một chân dọn dẹp trong bếp của một khách sạn năm sao tại Hà Nội. Long kể, ngày đầu tiên đi làm, công việc là móc cống và rửa khuôn bánh. Cậu ta nhớ mãi cái hôm ở tronng bếp hì hụi cọ rửa khuôn bánh, nhìn ra ngoài cửa sổ thấy các bạn tan lễ bế giảng, ríu rít đạp xe với những chiếc xe chở đầy hoa phượng mà ứa nước mắt. Tuổi học trò của Long đã kết thúc trong tiếng kỳ cọ rửa dụng cụ làm bếp và cả những giọt mồ hôi pha lẫn nước mắt của cậu bé mười bảy tuổi.
Sau ba tháng thử việc, Long chính thức được nhận vào làm nhân viên, vẫn những công việc ấy – móc cống và rửa dụng cụ làm bếp.
Mười bảy năm sau, cậu bé móc cống trở thành trợ lý giám đốc của một khách sạn quốc tế sang trọng bậc nhất Việt Nam, với 115 nhân viên trong nhà bếp.
Nó có thể là một thời gian quá lâu cho những người muốn đốt cháy giai đoạn, dùng tiền để lót đường thăng tiến. Nhưng ở đây, tôi chỉ muốn nói đến những người thực sự cần cù chịu khó, đi lên từ đôi bàn tay của chính mình.
Câu chuyện thứ hai:
Hiền là bạn cùng lớp với tôi và Long suốt những năm học cấp hai, học lực trung bình, không có gì nổi trội, Hiền cũng không có năng khiếu ở bất kì môn nghệ thuật nào. Hết cấp ba, Hiền đăng ký thi vào Đại học Mở. Khi đấy Đại học Mở lấy điểm đầu vào tương đối thấp so với các trường đại học khác, tuy nhiên Hiền vẫn không đậu.
Một năm sau, Hiền quyết tâm thi lại vào Đại học Mở và trúng tuyển vào khoa Du lịch. Năm 2001, sau bốn năm học đại học, ra trường với tấm bằng cử nhân Du lịch, Hiền vẫn không tìm được việc làm.
Mẹ Hiền có một sạp vải ở chợ Đồng Xuân, thấy con gái thất nghiệp thì bảo con ra trông hàng cho mẹ, tấm bằng cử nhân bị vứt xó.
Năm 2003, Hiền lấy chồng và công việc chính vẫn là trông coi sạp vải cho mẹ ở chợ Đồng Xuân. Cuộc sống cứ buồn tẻ trôi đi như vậy, rồi Hiền lấy chồng, sinh đứa con đầu lòng, ở nhà nuôi con.
Năm 2005, khi con được một tuổi thì Hiền đi học một lớp Kế toán tổng hợp cấp tốc ba tháng, mục đích là xin việc làm kế toán ở một công ty nào đó cho ổn định. Tuy nhiên, khi được nhận vào làm kế toán rồi thì sau bốn tháng, Hiền bỏ việc. Cô nhận thấy mình không thích hợp với nghề này.
Ở nhà chăm con hai tháng, Hiền nghe phong thanh ở tỉnh Vĩnh Phúc có dự án làm điện vùng nông thôn, qua một nhân viên dự án, cô xin được danh sách các nhà thầu. Một mình cô tự đi liên hệ với các nhà thầu và xin cung cấp vật tư cho họ, mặc dù khi ấy cô chỉ có hai bàn thay trắng. Trong các nhà thầu, chỉ có một nhà đồng ý cho cô cung cấp quả sứ cách điện. Khởi đầu như vậy đã là may mắn rồi, nhưng cô còn phải tìm đầu mối cung cấp quả sứ. Tự mày mò tìm hiểu, cô tìm được nhà cung cấp sứ Hoàng Liên Sơn ở tận Yên Bái.
Thời gian đó, họ còn đang làm đường từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc nên cô đi xe máy đến siêu thị Metro, gửi xe ở đó rồi bắt xe khách đi Yên Bái, một thân một mình cứ lặn lội như thế, cô mò đến tận nhà máy sản xuất quả sứ để được mua tận gốc. Tuy nhiên, họ không cho cô mua chịu mà phải thanh toán tiền ngay khi lấy hàng. Chuyến hàng đầu tiên đó trị giá mười hai triệu. Nhất định không chịu vay tiền của ai, Hiền đi đặt chính chiếc xe máy của mình để có mười hai triệu mang lên Yên Bái lấy hàng. Sau khi cung cấp cho nhà thầu lô hàng sứ đầu tiên, cô nhận được mười sáu triệu rưỡi, lãi bốn triệu rưỡi. Đi buôn một chuyến bằng lương một tháng của một kế toán viên. Cô chuộc lại chiếc xe máy, tiền lãi thì trích hai triệu đồng mua một cái máy fax cũ để tiện giao dịch sau này. Cô quyết tâm đi theo con đường này vì trái tim cô thực sự đập vì nó.
Sau khi cung cấp quả sứ cho vài ba nhà thầu, Hiền nhận cung cấp cả xà điện, dùng để bắt sứ cột điện. Đầu năm 2006, Hiền mở xưởng sản xuất vật tư cột điện để cung cấp cho các nhà thầu ở khắp các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Đây là dự án điện nông thôn do Ngân hàng Thế giới tài trợ, mỗi tỉnh nhận được từ một tram tỉ đến hai tram tỉ đồng tiền dự án.

Tháng 9 năm 2006, Hiền chính thức mở công ty để có tư cách pháp nhân, xuất hóa đơn tài chính. Chín tháng sau, cô trúng một gói thầu lớn ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Tiền lãi cộng với vay thêm cô mua một chiếc ô tô trị giá ba trăm năm mươi triệu. Cô xác định chiếc xe là phương tiện hữu ích nhất để giúp cô chinh chiến ở các tỉnh. Trước đó, trong một lần áp tải xe chở hàng lên núi, cô đã gặp tai nạn nguy hiểm đến tính mạng. Về Hà Nội, cô xin đi học lái xe, có bằng lái rồi cô thuê xe Matiz tự lái đi các tỉnh, không phải phụ thuộc vào xe khách nữa. Sau hai tháng lái xe thuê, cô đã mua được một chiếc xe riêng cho mình.
Công ty của Hiền ngày một làm ăn phát đạt, các xưởng sản xuất gia công cơ khí của cô cung cấp mỗi gói thầu từ bảy tấn đến mười tấn xà.
Cuối năm 2007, Hiền có một xưởng sản xuất cột điện và một xưởng sản xuất cơ khí. Doanh thu năm 2007 đạt ba mươi tỉ.
Năm 2008, Hiền nhận thi công công trình điện và vừa cung cấp vật tư điện. Cô có xưởng sản xuất cột điện ở khắp các tỉnh phía Bắc (Bắc Giang, Hải Dương, Việt Trì, Phú Thọ) mỗi tỉnh có một xưởng. Doanh thu năm đó đạt gần bốn mươi tỉ.
Năm 2009, Hiền sinh thêm em bé, nhưng không vì thế mà cô ngừng làm việc. Cô mở thêm ba xưởng sản xuất cột điện và làm thêm bốn công trình điện, đồng thời vẫn cung cấp vật tư cho các nhà thầu. Cuối năm 2009, cô còn nhận làm đường giao thông, đưa doanh thu năm nay lên bảy mươi tỉ.
Năm 2010, Hiền làm ba công trình giao thông, một công trình điện song song với việc sản xuất vật tư điện. Doanh thu năm 2010 đạt gần một trăm tỉ, năm kế tiếp (2011) đạt một trăm năm mươi tỉ.
Năm 2012, Hiền ký một dự án trị giá bảy trăm tỉ, xây biệt thự nhà phố ở khu du lịch Tuần Châu và cô vẫn còn hai xưởng sản xuất cột điện ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Cô cử nhân thất nghiệp về nhà trông sạp vải cho mẹ ngày ấy giờ là tổng giám đốc, quản lý mười nhân viên văn phòng và một trăm mười tám công nhân thợ kỹ thuật, xây lắp, sản xuất. Không những thế, cô còn là một người vợ, người mẹ đảm đang. Tất cả những gì Hiền có được ngày hôm nay đều do hai bàn tay và khối óc của cô làm nên, không phải nhờ tấm bằng đại học cử nhân Du lịch.
Nói như vậy không phải việc học đại học là vô giá trị, mà tôi muốn chỉ ra rằng tấm bằng đại học không phải là tấm vé đảm bảo cho bạn có việc làm mong muốn. Có rất nhiều con đường làm nên sự nghiệp lai, không nhất thiết phải qua đại học. Đừng nghĩ “chọn trường đại học nào để ra trường dễ kiếm việc” mà hãy nghĩ: “Mình thích làm nghề gì, mình sẽ học nghề đó, bất kể trường đào tạo là trường dạy nghề hay trường cao đẳng hay đại học.” Đặt niềm đam mê của mình lên trên hết thì dù bắt đầu ở đâu, bạn cũng sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã lãng phí thời gian và công sức cho sự nghiệp của mình.
Tôi rất thích câu nói của Khổng Tử và coi đây là lời khuyên tốt nhất cho các bạn trẻ trước khi bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời:
“Hãy chọn cho mình một nghề yêu thích, và bạn sẽ không bao giờ phải làm việc một ngày nào trong đời.”
GVA 23/11/2012
Khi nào thì đồng lòng?

Gần đây tôi thấy nhiều bạn bè quan tâm đến việc tàu đánh cá Việt Nam bị đâm chìm, ngư dân mất tích. Từ hồi nào mà giờ chúng ta mới quan tâm đến việc ngư dân mất tích vậy? Việc ngư thuyền bị tấn công, ngư dân bị bắt cóc đòi tiền chuộc, bị tra tấn, cướp bóc tài sản vẫn xảy ra cả chục năm nay, chứ chẳng phải đây là lần đầu tiên… nhưng sao ta “bỗng dưng” quan tâm lo lắng vậy?
Chẳng phải vì thế mà ta mới ý thức được Tình Đoàn Kết Dân Tộc sao?
Trước kia, hẳn là mỗi sáng ta giở tờ báo đọc lướt mà thấy tin một thuyền đánh cá bị chìm làm chín người mất tích thì chắc là ta sẽ lướt êm đi mà đọc tin hot, xem em Thùy Linh – Vàng Anh đã tự tử chưa sau cái vụ scandal kia.
Từ khi nào mà chúng ta nhẫn tâm với cộng đồng như vậy? Cho dù chín người mất tích kia chả bà con ruột thịt gì với mình, nhưng nếu tất cả chúng ta cùng đau nỗi đau của người thân mà tìm ra lý lẽ, đòi lại sự công bằng cho họ thì chắc chắn một ngày khi ta lâm hoạn nạn – ta sẽ không bao giờ đơn độc. Cả cộng đồng sẽ luôn ở bên ta.
Ai trong chúng ta chẳng có lúc khốn nạn, gặp chuyện rủi ro. Cái thái độ “đứa nào không may thì cho nó chết” thật là một thái độ phi nhân tính, phi đạo đức. Một xã hội mà ai cũng mang tư tưởng như vậy thì tất cả chúng ta sẽ chết trong cô đơn và hận thù. Thế thì tệ quá!!! Sống như thế có giá trị không?
Tôi kể ra đây một câu chuyện về sự Đoàn Kết Dân Tộc của người Úc.
David Hicks (sinh năm 1975) là một công dân Úc nhưng hắn đã sớm rời bỏ quê hương, theo đạo Hồi, tham gia quân giải phóng Kosovo ở Albania đánh nhau với Serbia, rồi làm lính đánh thuê cho Pakistan chiến đấu với Ấn Độ ở vùng Kashmir. Năm 2001, hắn tham gia vụ tập huấn quân sự ở căn cứ al-Qaeda, phục vụ quân Taliban ở Afghanistan.
Từ nhỏ David Hicks đã là một đứa bất trị, bị đuổi học năm mười bốn tuổi vì đánh nhau, hút hít, uống rượu, gây rối ở trường. Lớn chút nữa thì ăn cắp, ăn trộm…
Tháng Mười hai năm 2001, hắn đã bị quân Đồng minh phương Bắc bắt ở Afghanistan và giao cho quân đội Mỹ tống giam ở Guantanamo Bay.
Guantanamo Bay là nơi Mỹ giam giữ tù chính trị và khủng bố. Tội danh của David Hicks rất rõ ràng: hắn là quân khủng bố của al-Qaeda, chiến đấu chống lại Lực lượng chống khủng bố Quốc tế, trong đó có Úc, đất nước đã sinh ra hắn.
Hành động của David Hicks thật đáng ghê tởm, không thể ta thứ. Đúng! Nhưng bất chấp hành động tội lỗi của hắn, cho dù hắn đã biến chất thành một tên khủng bố nguy hiểm, toàn thể dân Úc đã đứng lên kêu gọi đưa hắn trở về Úc!
Việc này thật ngoài sức tưởng tượng. Bản thân tôi là người Việt Nam cũng đã nghĩ: “Nó là người xấu, nó đáng chết lắm.”
Nhưng… một câu hỏi thôi: TÌNH NGƯỜI chúng ta ở đâu???
Cho dù nó có xấu thế nào thì nó vẫn là một con người.
Cho dù nó lạc lối nó vẫn là một đứa con (dù là đứa con hư hỏng).

Ông bố của David Hicks đã chạy vạy khắp nơi, tìm luật sư cho con, kêu gọi, vận động toàn thể nhân dân Úc ủng hộ việc đưa con ông về nước từ năm 2002 tới năm 2007.
Năm năm trời, tấm lòng của một người cha đã khiến ai cũng phải cảm động.
Tuy nhiên, nhân dân Úc ủng hộ ông không phải vì họ mủi lòng trước tình cha con đâu nhé!
Người dân Úc đã có đầy đủ kiến thức về chính trị, về luật pháp cũng như ý thức của một công dân và bản thân mỗi người dân đều cho việc David Hicks bị giam ở Guantanamo Bay là không thể chấp nhận được.
Việc Mỹ giam tội phạm của Úc đúng là không thể chấp nhận được. Tội phạm của Úc phải để Úc xét xử và tù giam ở Úc. Toàn thể nhân dân Úc đứng lên bảo vệ quyền công dân Úc cho David Hicks là được xét xử ở Úc. Họ chỉ trích sự nhu nhược của Thủ tướng Úc lúc bấy giờ đã không có hành động gì để đưa một công dân Úc về nước.
Khi đó Liên minh Anh – Mỹ - Úc đang rất thân thiết.
Cùng thời gian đó, nước Anh có chín tội phạm bị giam ở Guantanamo Bay chứ không phải một tội phạm như Úc. Nhưng nước Anh đã làm việc với Mỹ, đưa cả chín tội phạm này về nước xét xử.
Trong khi đó David Hicks vẫn ở trong tù ở Guantanamo mà không được xét xử, đó là hành động vi phạm luật Tù binh (phải được xét xử công khai).
Qua luật sư, hắn cho biết đã bị đánh đập dã man và đã phải chứng kiến các tù binh khác bị tra tấn. Đó là hành động vi phạm luật Nhân quyền.
Việc David Hicks bị giam ở Guantanamo Bay sau bao nhiêu năm đã là một vết nhục cho nước Úc.
Qua đây mới thấy ý thức cộng đồng của người Úc lớn lắm. Họ chẳng có câu: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” nhưng họ hành động thế đấy.
Sống trên đời ai chả có lúc xui, gặp vận rủi. Khi đó, nhận được sự cảm thông, ủng hộ của cộng đồng thì mới thấy quý và đáng trân trọng biết bao.
GVA 23/1/2007
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui