Sau Khi Mẹ Kế Tỉnh Lại

--- SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI - THƯ THƯ THƯ ---










🌻🌻🌻🌻🌻










CHƯƠNG 34.









Người Dịch: Lan Thảo Hương.











Ninh Hương tới xưởng thêu thêm vài ngày nữa, vừa hướng dẫn các thợ thêu thêu thùa vừa không bịt tai nghe họ buôn dưa lê từ trong ra ngoài thôn. Đến khi tất cả thợ thêu đều đã quen tay, cô không còn tới xưởng thêu nữa mà mỗi ngày đều cầm đồ thêu đi tới nhà Vương Lệ Trân, vừa trò chuyện vừa đi qua hết ngày cùng bà. Tất nhiên, đây chỉ là ý nghĩ trong lòng Vương Lệ Trân.

Ninh Hương biết rõ, năm nay ngoài thủ tướng qua đời vào tháng giêng, sẽ còn có hai vị vĩ nhân khác rời khỏi mọi người và bang bốn người sẽ rơi đài vào tháng mười năm nay. Một năm này phải nói là năm không bình thường nhất trong lịch sử và là bước ngoặt của thời đại. Tất cả những chuyện này cô không hề nói cho bất kỳ ai, mà chỉ chăm chỉ hơn mỗi ngày để lắng đọng bản thân, nâng cao kỹ năng thêu thùa, ôn tập và củng cố lại toàn bộ kiến thức cấp hai, cấp ba, học thuộc thơ văn, luyện chữ và tự viết văn khi không có gì để làm. Cô muốn chuẩn bị tốt mọi thứ cho chính mình, đủ bình tĩnh để bắt kịp mọi biến ảo khó lường của xã hội qua những biến đổi lớn và sống theo cách mình muốn.

Từ sau khi Ninh Hương không đến xưởng thêu nữa, các thợ thêu đều cảm thấy không quen, vì lúc họ quay đầu gọi Ninh Hương thì không còn nghe thấy tiếng đáp lại của cô. Không những không quen, mà họ còn đạt thành một ăn ý ngầm chung---- Không nói chuyện phiếm về Ninh Hương ở sau lưng cô nữa.

Sở dĩ các thợ thêu hay thích xúm lại buôn chuyện hoặc nói xấu người khác, đơn giản chỉ là ôm thái độ hóng hớt ăn dưa. Họ cũng không có bao nhiêu ác ý chủ quan, chỉ là dựa vào cái nhìn của mình để nói ra ít chuyện cho đỡ buồn. Phụ nữ trong thôn đều là như vậy, nếu hôm nay cô A không ở đây thì sẽ nói về cô A, sang ngày mai cô B không có ở đây thì sẽ nói về cô B. Dù sao nhà ai mà chả có một số việc không thể nói ra ngoài, vì vậy mỗi người đều bị nói một câu và đối xử như nhau.

Họ không nói về Ninh Hương nữa, vì sợ lần sau nếu muốn nhờ Ninh Hương giúp đỡ, lỡ như cô không giúp thì phải làm sao đây.

Có ít người không thích động não lúc làm việc nên khi gặp chuyện khó mà không có người giúp mình giải đáp, liền quay sang nói với Hồng Đào: "Không thì chị gọi A Hương về đây đi. Em ấy rất biết cách dạy, nói cái gì là hiểu ngay liền".

Hồng Đào nói: "Chị cũng muốn, nhưng mỗi lần người ta tới thường không thể buôn chuyện với chúng ta, suy nghĩ cũng khác với chúng ta. Đã không thể nói chuyện vậy em ấy chắc chắn sẽ không muốn đến, em nói có đúng không?".

Thợ thêu kia nghe xong thì thở dài: "Đúng thật, em hoàn toàn không nghe hiểu những gì em ấy nói, nghe câu nào cũng thấy quái quái. Người khác làm gì có ai lại muốn đi gần với Vương Lệ Trân đâu, nhưng em ấy lại mỗi ngày đều ở chung với Vương Lệ Trân. Thành phần gia đình của Vương Lệ Trân không tốt, đi gần nói không chừng có ngày sẽ bị liên lụy, bị hoài nghi về lập trường giai cấp ấy chứ, vậy mà em ấy lại không thèm để ý".

Trong những năm qua, cuộc đấu tranh giai cấp vẫn đang diễn ra và điều mà những người bình thường lo sợ nhất đó là bị nghi ngờ là có vấn đề với lập trường giai cấp.


Hồng Đào nhìn thợ thêu kia: "Đừng nói nữa, Vương Lệ Trân đối nhân xử thế đã đủ cụp đuôi rồi, nên lập trường giai cấp của bà ấy không có vấn đề gì. Còn gia đình của A Hương là thành phần bần nông, nên càng không có vấn đề, đừng có nói linh tinh".

Hồng Đào vừa nói vậy, thợ thêu kia lập tức im lặng. Những thợ thêu khác cũng rất ăn ý không mở miệng nói về Ninh Hương nữa, chỉ thảo luận xem có nên mời Ninh Hương quay lại đây nữa hay không, hoặc lần sau nếu cần cô ấy giúp, hay là góp trứng gà đi mời tiếp đi.

Còn Ninh Hương sau khi không tới xưởng thêu nữa, cả ngày cô đều ở chung với Vương Lệ Trân nên đương nhiên không thể nghe được nhiều chuyện bát quái liên quan đến nhà họ Giang. Tất nhiên, cô không quan trọng lắm, vì đời này của cô không phải dùng để nhìn chằm chằm xem nhà họ Giang có xảy ra chuyện gì không.

Như mọi ngày, cô làm tốt công chuyện của mình, dự định khi tiền dành dụm trong tay dư dả thì cô sẽ rút ra chút thời gian đi lên thành phố Tô để mua bộ sách tài liệu ôn tập tại nhà sách Tân Hoa. Ngày thường, cô cũng không chi tiêu gì nhiều, nên có thể nói đây là một khoản chi tiêu tương đối lớn.

* * *

Thời tiết sau tết xuân ngày một ấm lên, vào đầu tháng ba, Ninh Hương tới phòng chăn nuôi tìm Lâm Kiến Đông và trả cho anh năm tháng tiền thuê nhà. Vẫn là đồng mười tệ đại đoàn kết, nhân tiện đưa cho anh một ít bánh nếp lá ngải*

(*) 青团子 - bánh nếp lá ngải hay còn được gọi là bánh thanh minh: là loại bánh phổ biến ở khu vực Giang Nam, phía nam hạ lưu sông Trường Giang, trong dịp tết Thanh minh. Bánh được làm từ gạo nếp trộn với nước ép lá ngải - một loại thảo mộc tự nhiên giúp ngăn chặn côn trùng độc hại cắn.

Từ sau khi Lâm Kiến Đông giúp cô giải quyết chuyện nhà thuyền, còn cho cô mượn sách giáo khoa cấp hai, cấp ba thì họ đã không còn gặp mặt nhau nhiều lắm. Lúc anh nhận lấy tiền và bánh thanh minh cô đưa, anh còn hỏi: "Có chỗ nào không hiểu không?".

Ninh Hương mỉm cười: "Đương nhiên là có, đã tích thành đống rồi. Nếu có cơ hội, em sẽ cầm tới đây hỏi anh".

Nghĩ đến tài liệu ôn tập, cô lại nói tiếp: "Qua mấy tháng nữa em sẽ tích đủ tiền, đến lúc đó chắc chắn sẽ mời anh đến thành phố Tô. Nói miệng suông cũng chỉ là lời bốc phét, cái gì cũng phải thực hiện được thì mới tính".

Lâm Kiến Đông mỉm cười không khách sáo với cô: "Được, vậy anh sẽ đợi".

Ninh Hương đứng lại hàn huyên thêm mấy câu với anh rồi ôm cái rổ rỗng quay về nhà thuyền.


* * *

Tháng ba ăn bánh thanh minh, Ninh Hương làm một nồi bánh nếp lá ngải cùng với Vương Lệ Trân, sau đó cầm một ít đưa qua cho Lâm Kiến Đông. Nhưng đến cuối tháng lại muốn ăn thêm, thế là hai người cùng nhau đi cắt lá ngải tính toán làm thêm một nồi nữa.

Vương Lệ Trân và Ninh Hương ở chung với nhau rất ít khi kể xấu chuyện nhà người khác, nhưng lúc hai người ôm rổ đi cắt lá ngải thì có nhắc đến Lâm Kiến Đông, Vương Lệ Trân tò mò hỏi nhỏ: "Tuổi của Kiến Đông cũng không nhỏ nữa, sao còn chưa kết hôn vậy?".

Ninh Hương không chú ý lắm, cô lắc đầu nói: "Cháu cũng không biết".

Lâm Kiến Đông hơn cô hai tuổi, năm nay đã hai mươi hai, ở nông thôn thì đúng là không còn nhỏ nữa.

Vương Lệ Trân vẫn đang khó hiểu: "Tuy nhà thằng bé có hơi nghèo, nhưng Kiến Đông vừa có dáng dấp vừa có văn hóa, lại có bản lĩnh và khả năng làm việc. Nói sao thằng bé cũng là đội trưởng đội sản xuất mà, già trẻ trong đội này có ai mà không phục thằng bé, hẳn không đến mức không tìm được vợ mới đúng chứ?".

Ninh Hương suy nghĩ một chút: "Có lẽ anh ấy không muốn kết hôn".

Vương Lệ Trân kinh ngạc: "Thế thì càng lạ đấy, có đàn ông nào lại không muốn cưới vợ chứ?".

Ninh Hương cúi người nở nụ cười: "Đúng nhỉ, làm gì đàn ông nào lại không muốn cưới vợ? Trên đời này không có mua bán nào hời hơn là cưới vợ, mời bảo mẫu còn phải mất tiền hàng tháng, nhưng cưới vợ có thể nói là một lần vất vả cả đời an nhàn".

Ninh Hương không biết Lâm Kiến Đông rốt cuộc nghĩ thế nào và càng không quan tâm đến chuyện của người khác, cô chỉ tùy ý nói mấy câu chuyện phiếm với Vương Lệ Trân nên cũng không nói nhiều về chuyện của anh. Hai người đi ra bãi cỏ hoang tìm cắt lá ngải, cắt được một nắm thì bỏ vào rổ.

Vương Lệ Trân lớn tuổi, đi bộ nhiều sẽ dễ mệt nên cứ đi một hồi là bà lại ngồi xuống nghỉ ngơi.

Ninh Hương thấy vậy liền bảo bà cứ ngồi nghỉ đi, không cần cắt nữa, rồi tự mình đi về phía trước tiếp tục tìm lá ngải. Đi chưa được mấy bước, Vương Lệ Trân hét lên sau lưng cô: "A Hương, bà nghỉ đủ rồi".


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận