Sau Khi Mẹ Kế Tỉnh Lại

--- SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI - THƯ THƯ THƯ ---











🌻🌻🌻🌻🌻











CHƯƠNG 23.










Người Dịch: Lan Thảo Hương.












Ninh Hương đứng tại chỗ không nhúc nhích, đưa mắt nhìn Ninh Lan trong sắc trời mờ tối, không có đáp lại đối phương. Cô không biết tại sao Ninh Lan lại đột nhiên đến tìm mình, nhưng trong lòng biết rõ---- Con bé tìm cô tuyệt đối không có chuyện tốt.


Đối mặt với Ninh Lan, Ninh Hương không thể sinh ra nổi tâm trạng tốt. Bởi vì hễ thấy con bé là cô sẽ nhớ đến những lúc bị khinh bỉ một cách hữu ý hoặc vô ý ở kiếp trước, có đôi khi là lời nói đùa, có đôi khi là tỏ rõ thái độ mất kiên nhẫn cùng với cách nói chuyện chẳng chút lưu tình.


Đúng vậy, kiếp trước cô không được đi học, không được đọc nhiều sách, ngày nào cũng chỉ loanh quanh trong nhà làm bà mẹ già hết hầu hạ cái này lại dọn dẹp cái kia, như vậy thử hỏi có thể có được kiến thức hơn người gì? Đứng trước mặt những người đọc sách, có tiền đồ, có công tác văn hoá như họ, cô có thể không bị ghét bỏ sao?


Nhưng tại sao họ không thử nghĩ xem, họ có thể được đi học, có được tiền đồ như vậy là dựa vào ai? Không phải là dựa vào người chị cả đã hy sinh cả cuộc đời mình, cuối cùng lại trở thành bà mẹ già bị mọi người xem thường này ư?



Dựa vào đâu mà họ xem thường bà mẹ già này, dựa vào đâu họ lại coi thường sự nỗ lực của cô trong gia đình? Nếu như không có sự nỗ lực của cô, vậy Ninh Lan, Ninh Ba và Ninh Dương sẽ có được ngày mai tốt đẹp như thế sao?


Họ hút khô cô, nhưng lại xem thường cô.


Nhiệt độ trong mắt Ninh Hương lạnh xuống, thấy Ninh Lan tần ngần mãi không nói gì, cô liền mở miệng trước: "Chị còn chưa hối hận mà, sao em đã sang đây nhìn rồi?".


Ninh Lan cố gắng kéo lên khóe miệng, lộ ra dáng vẻ lấy lòng và tự nhận là rất chân thành, cô nói: "Chị, em xin lỗi. Lúc trước là em giận quá mất khôn..... Em không nên nói như vậy với chị.....".


Ninh Hương nở nụ cười: "Vậy em nên nói như thế nào với chị?".


Ninh Lan đột nhiên bị nghẹn lời, miệng mấp máy mấy lần nhưng không nói được lời nào.


Ninh Hương không muốn nghe mấy lời vô nghĩa của cô nữa, nên trực tiếp đi vòng qua đối phương và nói: "Chị mặc kệ em tìm chị có chuyện gì, nhưng chị không có thời gian để để ý tới em đâu. Về đi, đừng đứng đây thêm phiền nữa. Chị không muốn nhìn thấy em, cảm thấy thật là xúi quẩy".


Nghe thấy những lời cuối cùng Ninh Hương nói, Ninh Lan không khỏi bị tắc một hơi ngay lồng ngực. Cô không biết tại sao Ninh Hương bây giờ lại cay nghiệt như vậy, nói chuyện câu câu không cho người ta lối thoát, làm cô mỗi lần đều nhịn không được mà muốn nổi giận. Nhưng hiện giờ cô có việc cầu cạnh Ninh Hương, nên thay vì phát tiết cảm xúc giống như trước đây, cô lại cam tâm nhận nó.


Cô lộ ra vẻ đáng thương, lẽo đẽo theo sau Ninh Hương: "Chị, em thật sự biết sai rồi. Em không nên nói nhiều lời khó nghe như vậy về chị. Em thực sự đến đây để xin lỗi chị mà, mong chị tha thứ cho em lần này có được không, chị".


Ninh Hương thật sự không muốn để ý đến em gái mình chút nào, cô bực bội quay ngoắt người lại và nhìn chằm chằm Ninh Lan nói: "Trước đây chị không hiểu rõ em, nhưng giờ chị đã biết rất rõ! Em tìm chị có thể có việc gì? Muốn xin tiền đúng không?".


Bị Ninh Hương đoán chính xác mục đích đến đây của mình, sắc mặt Ninh Lan nháy mắt lúc đỏ lúc trắng, chỉ là bóng đêm đã giúp cô che giấu. Vốn dĩ cô muốn chơi bài tình cảm trước, đợi sau khi Ninh Hương tha thứ cho mình thì cô sẽ nói ra mục đích thực sự đến đây.


Tuy nhiên, mục đích thật có bị vạch trần ra cũng không quan trọng. Cô lập tức lợi dụng bóng đêm giấu đi sự xấu hổ và ủ rũ của mình, thuận nước đẩy thuyền nói thẳng: "Không phải xin tiền, mà là mượn. Chị, chị có thể cho em mượn ít tiền được không?".


Ninh Hương châm chọc: "Không phải nói từ bé đến lớn chưa từng tiêu một xu tiền của tôi sao? Sao lại đến vay tiền tôi? Tiền em tiêu đều là của ba mẹ em cho mà, họ có tiền như vậy sao không đi xin họ đi, tới tìm tôi làm gì?".


Sắc mặt Ninh Lan không còn đỏ nữa, cũng không còn chút kiên cường nào của cái đêm Trung thu, cô vội vàng giải thích: "Chị, ngày đó não em bị rút gân, mấy lời em nói kia chỉ là lời vớ vẩn thôi, không phải thật lòng em nghĩ thế đâu. Ở nhà chúng ta, chị luôn là người dễ nói chuyện nhất, rộng lượng nhất nên chị tha thứ cho em có được không? Sau này em sẽ không bao giờ nói những lời vớ vẩn làm tổn thương trái tim chị như vậy nữa".


Ninh Hương lạnh lùng nói: "Đừng có tâng bốc tôi, ai thích rộng lượng thì em đi tìm người đó đi. Đời này tôi sẽ không bao giờ là người như vậy. Những lời kia là lời vớ vẩn hay là lời trong lòng em, em hiểu rõ hơn so với tôi. Tôi cũng không thấy thương tâm gì cả, vì em không xứng chút nào. Ninh A Lan, em nghe cho rõ đây, đời này, dù tôi có nhiều tiền đến mang đi đốt, tôi cũng sẽ không cho em một xu!".


Ninh Lan nhìn Ninh Hương vẫn chưa từ bỏ ý định: "Em không phải đã nói là mượn sao, em mượn rồi em sẽ trả mà. Em sắp tốt nghiệp rồi, cả lớp em muốn đến tiệm cơm ăn liên hoan và tặng quà tốt nghiệp cho các bạn trong lớp. Nhưng mà ba mẹ bảo sắp cuối năm nên không có tiền, chị, chị giúp em đi được không? Trong lớp em đông người như vậy, đâu thể chỉ có mỗi em không bỏ được tiền ăn cơm, tiền mua quà. Chị, chị đau lòng em đi mà, được không chị?".


Đau lòng cô?


Ninh Hương bật cười, thật sự chán chả muốn nói.


Không muốn tiếp tục cùng Ninh Lan nói chuyện vô nghĩa nữa, Ninh Hương trực tiếp xoay người đi lên thuyền. Kết quả, Ninh Lan vẫn không chịu bỏ cuộc mà lẽo đẽo theo sau. Khi thấy Ninh Hương muốn lên thuyền, cô vội vàng kéo lại cổ tay Ninh Hương, cầu xin: "Chị, em xin chị đấy, đi mà chị?".


Trong lớp đông bạn học như vậy, nếu chỉ có mình cô không bỏ nổi tiền vậy cô thật sự gánh không nổi chuyện mất mặt này.



Ninh Hương cảm thấy phiền vô cùng, cô hất tay Ninh Lan ra để đi lên thuyền. Thế nhưng, Ninh Lan giống như kẹo da trâu nhanh chóng ôm lấy cánh tay Ninh Hương, vẫn là câu nói kia: "Chị, em xin chị mà! Chị giúp em có được không?".


Bị Ninh Lan bám riết và làm phiền đến khó chịu, Ninh Hương hít sâu một hơi và quay đầu nhìn Ninh Lan, nghiêm nghị nói: "Đừng mơ, dù em có chây ì ở đây cả đêm hay quỳ ở đây cả đêm thì tôi cũng không thể cho em một xu! Buông tay ra!".


Ninh Lan chính là không buông, vẫn là câu nói cũ: "Chị, chị là người tốt nhất, làm ơn đi mà chị".


Thật sự không thể chịu nổi nữa, Ninh Hương cố gắng hất Ninh Lan ra khỏi tay mình. Tuy nhiên, bởi vì Ninh Lan siết quá chặt, nên hai người cứ kéo qua kéo lại ngay cạnh bờ sông. Và rồi, ùm một tiếng, cùng với thân hình Ninh Lan bị hất ngã xuống sông do không đứng vững. Kèm theo đó là một tiếng "a" to, nước sông nháy mắt bắn lên tung tóe, đẩy ra tầng tầng gợn sóng nước.


Nước gần bờ không sâu, nhưng vì quá sợ hãi nên Ninh Lan không ngừng hét và quơ tay loạn xạ, mãi một lúc sau mới đứng lên khỏi mặt nước.


Thời điểm ngã vào còn bị sặc một ít nước, nhưng sau khi đứng dậy thì nước chỉ cao đến eo. Nhiệt độ nước lúc này đã cảm thấy lạnh buốt, Ninh Lan rốt cuộc mất khống chế, đưa tay vuốt nước trên mặt và hét to với Ninh Hương: "Ninh A Hương! Chị làm gì thế hả?!".


Ninh Hương đứng yên trên bờ không động, ngay cả tay cũng không duỗi.


Không những không muốn duỗi tay kéo Ninh Lan mà cô còn muốn giơ chân đạp cho mấy cái.


Làm gì sao?


Cô muốn Ninh Lan biến mất ngay trước mắt mình!


Mặc dù Ninh Hương không cố ý, nhưng cô không cảm thấy có lỗi gì. Cô bỏ lại một mình Ninh Lan đang chật vật bò lên bờ, tự mình sải bước đi lên thuyền. Lúc mở khóa chuẩn bị vào nhà, Ninh Hương ném lại một câu: "Cút đi!".


Ninh Lan trèo lên bờ một cách khó khăn, cả người cô ướt đẫm và lạnh đến phát run. Tóc ướt rượt nhỏ nước tí tách, nhìn muốn bao nhiêu chật vật thì có bấy nhiêu chật vật.


Nỗi bất bình và ấm ức trong lòng cô phút chốc bùng nổ, sau đó cô ngồi xổm xuống đất ôm gối khóc đến kinh thiên động địa.


***


Nhà họ Ninh. Ninh Kim Sinh, Hồ Tú Liên, Ninh Ba và Ninh Dương đã ngồi dùng bữa.


Hồ Tú Liên lầm bầm nói đến Ninh Lan: "Chả biết chết ở đâu rồi, muộn vậy rồi còn chưa về nữa".


Ngay khi tiếng nói của bà vừa rơi xuống, Ninh Lan đi từ ngoài vào với một thân ẩm ướt. Không chỉ cả người ướt đẫm, trên mặt cô còn có rất nhiều nước mắt và cô vẫn đang hít mũi khóc sau khi vào cửa.


Bốn thành viên trong gia đình đều sửng sốt khi thấy cô như vậy.


Ninh Ba có phản ứng đầu tiên, nhìn cô nói: "Chị hai, trời lạnh vậy mà chị còn ra sông bơi sao?".



Ninh Lan: "......."


Bơi cái ông nội mày!


Ninh Dương nói tiếp: "Sẽ bị ốm đấy".


Ninh Kim Sinh và Hồ Tú Liên nhíu mày nhìn cô, trăm miệng một lời: "Đi đâu mà thành cái dáng ma quỷ này hả?".


Ninh Lan không nói chuyện, hít cái mũi rồi đi thẳng về phòng cùng một thân ướt sũng, cả người run như cầy sấy. Tay cô run run cởi bỏ từng chút quần áo ướt trên người, sau đó dùng khăn lau sạch nước và thay sang quần áo khô sạch khác. Thay xong quần áo, cô dùng khăn lau khô tóc rồi leo lên giường quấn chăn để giữ ấm.


Hồ Tú Liên thấy cô vào phòng đã lâu không thấy ra, liền lớn giọng gọi: "Làm gì đấy? Ăn cơm còn phải mời lạy nữa à?".


Ninh Lan run rẩy bọc trong chăn, giọng nói cũng run run: "Con không ăn".


Hồ Tú Liên ở bên ngoài lại lầm bầm: "Không ngày nào cho người khác yên ổn".


Giọng nói tuy nhỏ nhưng Ninh Lan cũng nghe thấy, cô hít cái mũi, nước mắt không nhịn được lại rơi xuống. Trong lòng càng lúc càng cảm thấy ấm ức vô cùng, thế là vùi cả gương mặt vào trong chăn.


***


Tâm trạng tốt suốt cả ngày của Ninh Hương đã bị Ninh Lan phá hủy. Sau khi cơm nước xong, cô cầm sách ra ngồi dưới ngọn đèn đọc, tâm trạng tồi tệ kia lúc này mới biến mất. Tất cả tâm tư của cô đều tập trung vào trên sách giáo khoa, bởi vì học mệt rồi thì ngủ cũng rất an tâm.


Mấy ngày kế tiếp, Ninh Hương mỗi ngày đều lên xã học thêu đai lưng kimono. Trong quá trình trình bày bài giảng, giáo viên dạy thêu đến từ thành phố Tô thường hay nói thêm một số kiến thức khác cho họ nghe, nhưng những người khác đều không thích nghe cái này, ngược lại thì Ninh Hương lại khá thích thú.


Nghe vị giáo viên đó giảng giải, Ninh Hương mới càng hiểu sâu hơn tại sao thêu thùa lại là một nghệ thuật. Bởi vì nó không chỉ cần mỗi kỹ thuật, mà còn cần đọc nhiều sách hơn để nâng cao kiến thức, nâng cao khả năng hiểu biết và sáng tạo nghệ thuật của một người.


Với tất cả các tác phẩm nghệ thuật, người sáng tạo cần phải có trí tưởng tượng, mà điều này không thể đạt được chỉ bằng những tác phẩm thêu thùa may vá cứng nhắc. Cho nên, nếu bạn muốn thực sự thành công trong nghề thêu, bạn cần phải nghiên cứu sâu hơn về nó, hiểu rõ hơn về lịch sử Trung Quốc và văn hóa dân tộc.


Nhiều điển cố lịch sử và các bức tranh nổi tiếng đều là cần nghiên cứu chuyên sâu nhất.


Ngoài trí tưởng tượng và óc sáng tạo, chúng ta tất nhiên còn phải hiểu rõ cách phối màu, kiểm soát cảm nhận, và đây đều là những thứ đòi hỏi rất nhiều tư duy và tâm tư đi suy nghĩ.


Sau mấy ngày, khóa huấn luyện đã hoàn thành chương trình dạy học, Ninh Hương cũng coi là đạt được lợi ích không nhỏ.


Những điều học được từ giáo viên dạy thêu là kiến thức không thể học được từ những kỹ thuật viên xuống nông thôn dạy học hay từ các thợ thêu khác. Bởi vì kiến thức họ dạy luôn cứng nhắc và luôn để các thợ thêu cứ chiếu theo đó mà làm, miễn là đủ số lượng là được. Thế nên, sau khi học xong, Ninh Hương đã đến gặp trạm trưởng Trần để nói một câu cám ơn.


Trạm trưởng Trần chỉ cười nói: "Lời nói ngoài miệng thì không cần, nhưng hành động thực tế thì được chứ? Sau Tết, vật liệu thêu đai lưng kimono sẽ được đưa tới, tay cháu nhanh, đến lúc đó nhất định phải thêu nhiều chút cho chú đấy. Để cho cấp trên nhìn thấy khả năng của thợ thêu của trấn Mộc Hồ chúng ta".


Ninh Hương mỉm cười: "Đó là điều chắc chắn ạ".


***


Sau mùa đông, vật liệu phân phát ở trạm thêu sẽ từ từ ít đi. Do tốc độ thêu của Ninh Hương nhanh nên thời gian rảnh tự nhiên cũng nhiều hơn. Cô dành phần lớn thời gian của mình để đọc sách và ôn tập, phần còn lại là học thêu từ Vương Lệ Trân.


Thời gian hai người ở bên nhau dài, thật ra Vương Lệ Trân đã không còn gì để dạy Ninh Hương nữa. Bà không hiểu gì về nghệ thuật hay mỹ thuật, thêu thùa hầu như dựa vào phương pháp thêu gia truyền cùng với năng khiếu bản thân, vậy nên sau khi dạy hết các mũi thêu và kỹ thuật cho cô thì đã không có gì để dạy.



Lúc này, Ninh Hương bắt đầu tự suy nghĩ sáng tạo cái mới, vắt óc tìm ra cách thêu tranh khác nhau, chứ không còn giới hạn ở hoa lá cỏ cây nữa. Vì trước đây đồ thêu cô nhận trên xã về làm hầu hết là thêu hoa lá cỏ cây. Thêu xong, cô sẽ lấy tới cho Vương Lệ Trân xem, để Vương Lệ Trân tìm lỗi. Tuy rằng Vương Lệ Trân đã không còn gì để dạy, nhưng mỗi lần bà đều có thể tìm ra vấn đề, vì vậy Ninh Hương vẫn tôn trọng bà như một người thầy.


Tất nhiên, dù một ngày nào đó Vương Lệ Trân xem không hiểu những gì Ninh Hương đang làm thì cô vẫn sẽ tiếp tục xem bà như một giáo viên.


Một ngày làm thầy.


Cả đời là thầy.


***


Qua Tết nguyên đán, thời tiết ở huyện Vu trở nên lạnh hơn.


Cũng ở trong tháng giá lạnh này, thủ tướng Chu qua đời, cả nước thương tiếc.


Năm nay là năm kết thúc mười năm sóng gió và có vẻ như đây cũng là năm tro độ cao nhất trong mười năm qua.


Đây là lần thứ hai Ninh Hương trải qua loại chuyện này, trong lòng vẫn rất là khổ sở. Những người chưa từng sống ở thời đại này có lẽ trải nghiệm không đến tình cảm mà họ dành cho những bậc vĩ nhân ấy sâu đậm như thế nào.


Sau khi họ mất, tất cả những gì còn lại chỉ là nỗi nhớ.


Tháng giêng năm nay, sự kiện lớn này khiến ai cũng quên đi những chuyện nhỏ nhặt khác. Nhưng tất cả những chuyện nhỏ nhặt vẫn diễn ra, giống như bánh răng thời gian sẽ không dừng lại nửa phút hay nửa giây vì bất kỳ một người nào.


Cuộc sống gần đây của Ninh Hương rất thoải mái và yên bình, không có ai tới phiền nhiễu cô. Mỗi ngày, cô hoặc là ở trên thuyền nhỏ hoặc là ở nhà Vương Lệ Trân. Ruộng rau vào khoảng thời gian này không có việc gì cần chăm sóc, nên hai người họ không cần thường xuyên ra ruộng, thỉnh thoảng có buồn quá thì đi nhìn xem cây cải dầu.


Hôm nay, đường trắng trong nhà đã hết nên Ninh Hương cầm phiếu và tiền lên cung tiêu xã của lữ đoàn mua đường. Tuy nhiên, vì nơi này không có đường nên cô lại lên cung tiêu xã của xã mua. Mua được đường trắng, vào lúc Ninh Hương định xoay người rời đi thì bất ngờ gặp Ninh Lan, người đã một tháng không gặp lại. Trong tay Ninh Lan ôm một cái rổ nhỏ, bên trong đặt ngay ngắn nửa rổ trứng gà.


Đối diện, khi Ninh Lan nhìn thấy Ninh Hương, cô vô thức giấu cái rổ ra sau lưng.


Nhìn thấy dáng vẻ lén lút của em gái, Ninh Hương chuyển ánh mắt từ cái rổ lên nhìn cô nhiều một chút. Nhưng cô không nói gì, cũng không xen vào việc người khác mà trực tiếp đi lướt qua đối phương rời khỏi cung tiêu xã.


Phía sau, Ninh Lan đứng ở nơi đó thật lâu không nhúc nhích, quay đầu nhìn Ninh Hương đã đi xa. Cô mím môi, coi như không nhìn thấy Ninh Hương, sải bước đi thẳng vào trong cung tiêu xã tìm nhân viên bán hàng nói: "Chào đồng chí, tôi muốn đổi trứng gà thành tiền".












--- HẾT CHƯƠNG 23 ---











Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui