Sau Khi Mẹ Kế Tỉnh Lại


--- SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI - THƯ THƯ THƯ ---










🌻🌻🌻🌻🌻









CHƯƠNG 19.









Người Dịch: Lan Thảo Hương.











Trạm trưởng Trần nghe xong lời cô nói thì sững sờ, anh chớp mắt, mãi lâu sau mới hỏi với giọng điệu hoài nghi: "Cháu… ly hôn?". 

Chuyện này lớn đến mức nào, sao cô lại nói ra dễ dàng như vậy? Nói giống như hôm nay mới nhặt được một viên kẹo trên đường ấy, làm anh nhất thời hơi bối rối một lúc. 

Ninh Hương gật đầu, câu trả lời vẫn rất thẳng thắn: "Hôm qua mới làm xong thủ tục ạ".

Cô không cho rằng đây là điều gì đáng xấu hổ không thể nói ra ngoài, nên không coi đó là vết nhơ hay điều sỉ nhục, chứ đừng nói đến việc giấu diếm không cho người khác biết. Dù cả thế giới này có nhìn cô bằng ánh mắt khác thường, thì bản thân cô cũng phải thẳng eo lên mà sống. 

Trạm trưởng Trần nhìn Ninh Hương, anh rít khẽ. Tối qua khi anh về nhà, có nghe người trong nhà bàn tán về một cặp vợ chồng đến ủy ban xã để xin ly hôn. Vụ việc đó đã gây chấn động khắp xã, xem như là sự việc hy hữu khiến cả gia đình chấn kinh. 

Nhưng anh không ngờ rằng, người đó lại chính là Ninh Hương. Nếu anh nhớ không nhầm thì chồng Ninh Hương có điều kiện rất tốt, là phó xưởng trưởng một xí nghiệp tơ lụa lớn trong thành phố, và hình như anh ta sắp được thăng lên làm xưởng trưởng. khuyết điểm duy nhất đó là anh ta có ba đứa con với vợ cũ. 


Rít một tiếng, trạm trưởng Trần lại hỏi: "Sao cháu lại đột ngột ly hôn thế?".

Ninh Hương hít một hơi, sau đó nói với vẻ thoải mái: "Không đột ngột đâu ạ. Đáng lý ra cháu nên từ chối ngay khi mới kết hôn, chỉ là lúc đó lập trường không kiên định, cộng thêm trong lòng có quá nhiều lo lắng. Nhưng qua nửa năm này, giờ cháu đã suy nghĩ rõ hơn". 

Có thể tự mình suy nghĩ rõ là được, dù sao trạm trưởng Trần là người không thích xen vào việc người khác. Công việc của anh ta là dẫn dắt các thợ thêu làm đồ thêu và hoàn thành công việc thêu do phía trên giao xuống, còn việc riêng của thợ thêu không nằm trong phạm vi anh ta quản lý.

Ly hôn xem như là một vết sẹo, ước chừng hiện tại Ninh Hương chỉ đang giả vờ rất vui vẻ nên anh không tọc mạch hỏi thêm về chuyện của cô. Anh kéo đề tài quay về chuyện chính: "Có thời gian thì tốt, vậy cháu qua bên này học thử đi". 

Ninh Hương gật đầu đáp ứng, sau khi quyết định thời gian và địa điểm cho buổi huấn luyện với trạm trưởng Trần, cô cầm nguyên liệu trở về nhà.

Nhà của cô bây giờ dĩ nhiên là con thuyền nhỏ bên sông. Chiếc thuyền dừng ngay bên cạnh cây liễu ven bờ, nhìn từ xa, những cành liễu tinh tế như sương khói rủ xuống trên nóc thuyền, nếu chuyển thành màu mực thì đó là một bức họa pha trộn giữa khói lửa và ý thơ. 

Giao thông ở huyện Vu phụ thuộc vào nước, nơi đây có rất nhiều người sinh sống ngay trên mặt sông, do đó trên sông không bao giờ thiếu thuyền chài. Có thuyền vận tải, thuyền nhà, thuyền đánh cá và bất kỳ loại thuyền nào đều có thể thấy ở trên sông, vậy nên thuyền của Ninh Hương không hề đứng đơn độc một mình. Chỉ là, có lẽ Lâm Kiến Đông đoán cô không muốn tụ tập ở nơi đông người, nên anh cho thuyền bỏ neo ở nơi cách ra một khoảng so với các thuyền khác chen chúc nhau, được cái là chỗ này khá yên tĩnh. 

Người khác đều thích náo nhiệt, các nhà thuyền bên kia thuyền sát thuyền, thậm chí có nhiều nhà còn có riêng một vùng nước nhỏ cố định. Tương tự như đất đai ở trên mặt đất, và họ đóng thuyền ở đó quanh năm. 

Ninh Hương đi dọc theo bờ sông trở về, hai mắt không nhìn loạn xung quanh. Cô biết rõ bản thân bây giờ là lưu ngôn phỉ ngữ, là người không được chào đón trong thôn nên cô sẽ không liếm mặt để làm thân với người khác, vì chuyện đó rất vô nghĩa. 

Chẳng qua, dù cô một thân độc hành không kết giao với mọi người, nhưng vẫn có người lên tiếng chào hỏi khi họ vừa từ trong thuyền đi ra: "A Hương mới lên xã lấy đồ thêu về à?".

Ninh Hương rất kinh ngạc khi nghe có người khác chào hỏi mình, nhưng cô không phải loại người không biết tốt xấu, vì vậy cô vội vàng cười nói: "Vâng ạ".

Sau khi chào hỏi lại đối phương, trong lòng cô đã hiểu. Mọi người đều là hàng xóm quê nhà quen biết nhau từ khi còn nhỏ, nếu như không liên quan đến lợi ích của bản thân, của các nhà thì người ta xem náo nhiệt thì xem náo nhiệt, nhưng cũng không đến mức đắc tội làm mất lòng một ai. Người nhà quê là vậy, họ thích hóng chuyện thích buôn dưa lê, còn hay nói xấu sau lưng người khác. Thế nhưng, nói xấu thì nói xấu, nếu như đôi bên không có chất chứa oán hận thì ngoài mặt vẫn là khách sáo với nhau, hơn nữa đa số người vẫn rất tốt bụng và chất phác. 

Ninh Hương cầm nguyên liệu thêu trở lại thuyền của mình, cô lấy ra chìa khóa, mở cửa vào nhà. Vừa bước vào nhà, Ninh Hương lập tức mở cửa sổ cho thông gió, rồi ngồi xuống chiếc giường chiếm gần hết diện tích phòng, lấy ra đồ thêu bắt đầu làm việc. 

Hai gian phòng lều ở trên thuyền thực sự rất nhỏ, mà tất cả đồ của cô đều nhét vào bên trong nên không gian hoạt động chẳng thừa lại bao nhiêu. Khung thêu lớn là không thể nào bày ra, vì vậy tranh thêu lớn không thể thêu được, chỉ có thể thêu đồ nhỏ trước. 

Sáng hôm qua cô mới lên xã chính thức ly hôn, vì vậy chuyện của cô hiện tại đang là chủ đề nóng nhất trong thôn. Mấy ngày tới, Ninh Hương dự định không đến xưởng thêu để tránh qua khoảng thời gian này đã. 

Từ xưa đến nay, cho dù mọi thứ có thay đổi ra sao thì các nguyên tắc và luật lệ vẫn như cũ. Bất kể là một cái làng hay là cả một internet, tất cả các điểm nóng đều là mới ép cũ và sẽ không ai nhắc đến nó nữa một khi đề tài đó hết hot. Ai cũng có cuộc sống của riêng mình, họ thích nói huyên thuyên mấy câu hoặc là cào bàn phím mấy cái, nhưng chả có ai rảnh rỗi để chăm chú mãi vào cuộc sống của người khác. Vì trong cuộc sống của chính họ, cũng đã có đủ cơ số chuyện lặt vặt phiền nhiễu họ rồi. 

Đương nhiên, nếu như có oán hận chất chứa thì người ta mới ghi hận mãi ở trong lòng. Ví dụ như cô ở nhà họ Giang và nhà họ Ninh, đời này cô sẽ không bao giờ là người tốt, mãi mãi là người phụ nữ xấu, là người không an phận đã phá hỏng thời gian yên ổn của bọn họ.

Nhi Hương biết, bọn họ sẽ mãi nhìn chằm chằm vào cô, nhìn chằm chằm đến cuối cuộc đời cũng muốn đợi đến ngày cô hối hận. 

Nhưng mà ngại quá, cô sẽ không để mấy người họ được toại nguyện đâu. 

***

Ninh Lan không phải ở buổi sáng gặp Ninh Hương ở cổng trường mới chán ghét chị ấy, mà là từ đêm Trung thu khi cô bị Ninh Hương nói móc và ăn tát, thì trong lòng cô đã đọng lại oán giận. 

Cả một ngày học ở trường hôm nay, cô luôn mất tập trung suốt cả giờ học, đến lúc theo lớp đi lao động buổi chiều cũng là làm việc mơ mơ màng màng, còn suýt nữa cào đinh ba vào chân bạn học. Tới chạng vạng chiều tan học về nhà, cô cúi gằm mặt suốt cả quãng đường. Đặc biệt khi đi tới ranh giới đội Thủy Điềm, đầu cô càng cúi thấp đi vài độ, bước chân thì nhanh hơn, gần như dùng chạy chậm chạy về nhà. 

Hiện tại gia đình mang tiếng xấu, cô thực sự không muốn bị người ta chỉ trỏ hay là xoi mói. Bất kể người ta nói ba mẹ cô không biết dạy con gái, hay là nói chị cô không an phận, hoặc là nói đến cô, Ninh Ba hay Ninh Dương thì cô đều không muốn nghe. 

Về đến nhà, cô giúp Hồ Tú Liên cho lợn ăn và nấu cơm. Trong lúc đó, sắc mặt Hồ Tú Liên luôn lạnh tanh không nói lời nào. Trước đây Hồ Tú Liên còn lầm bầm chửi mắng Ninh Hương, nhưng giờ ván đã đóng thuyền, có mắng cũng chả có tác dụng nên bà chỉ đành giữ nỗi hận trong lòng.

Hồ Tú Liên tự thấy số mình quá khổ, sinh ra một đứa con gái làm cả gia đình mất hết mặt mũi. Cưới được người đàn ông có điều kiện tốt như thế, nó không chăm lo cho cuộc sống tốt lên lại cứ nhất định đòi ly hôn, làm cả nhà mất sạch mặt mũi! 

Mắt thấy điều kiện gia đình đang khá lên, còn ba tháng nữa là Ninh Lan tốt nghiệp rồi, đến lúc đó còn phải làm phiền Giang Kiến Hải dắt nối quan hệ tìm cho Ninh Lan một công việc tử tế ở huyện thành. Nếu thành công, còn không khiến người khác ghen tị hay sao? 

Con gái lớn gả tốt, con rể là giám đốc xí nghiệp lớn, con gái thứ hai có văn hóa có công việc tốt, chuyện lấy chồng sau này cũng chả phải lo. Rồi cả gia đình đồng tâm hiệp lực đưa Ninh Ba Ninh Dương đi học, để các em học hết cấp ba, nắm được chén cơm sắt trong tay sau khi tốt nghiệp. Cuộc sống như vậy tốt đẹp biết bao nhiêu. 

Khi đó, toàn bộ đội Thủy Điềm sẽ không có nhà ai có cuộc sống tốt hơn gia đình họ. 


Một cuộc sống khiến mọi người phải ghen tị!

Và Hồ Tú Liên bà cùng với Ninh Kim Sinh có thể ngẩng cao đầu đi đường! 

Đã sống nửa đời nghèo khó bị người ta coi thường, mắt thấy cuộc sống tốt đẹp đang ở ngay trước mắt, chỉ cần duỗi tay là có thể chạm tới. Nhưng là, con nhãi Ninh Hương chết tiệt kia lại sống chết đòi ly hôn.

Rốt cuộc ly hôn có chỗ tốt gì với nó?

Nó kéo theo cả nhà bị liên lụy, nó khiến cả nhà sống trong nước bọt của người khác mỗi ngày, giờ nó vui vẻ lắm đúng không? 

Thanh danh xấu rồi, đố sau này nó tìm được thằng nào khác. Không có đàn ông che gió che mưa, không có gia đình không có nơi nương tựa, chết cũng không có ai chôn! 

Nghĩ đến đây, Hồ Tú Liên hận nghiến răng, ước gì có thể dùng gậy giặt quần áo đánh chết con nhãi vô lương tâm kia! 

Đang lúc bà hận nghiến răng nghiến lợi, Ninh Ba và Ninh Dương đã đeo cặp sách trở về. Hai người không về nhà ngay sau khi tan học, cũng chả biết chạy đến chỗ nào mà cả người trông như hai con khỉ bùn, khắp người dính đầy bùn, trên mặt còn có thương tích. 

Ninh Lan nhìn một thân đầy bụi đất của hai đứa em, còn có vết thương trên mặt thì nhíu mày hỏi: "Chui đầu về thế hả?". 

Ninh Ba mở miệng nói: "Còn đi đâu nữa?  Đi đánh nhau với người ta".

Hồ Tú Liên cau mày: "Mẹ chúng mày, đang yên đang lành sao lại đánh nhau? Mặt mũi xước hết rồi kìa!". 

Ninh Dương thở hổn hển nói: "Người trong trường ý, trên đường tan học đều cười cợt bọn con. Đều tại chị cả hết, chị ấy nhất định phải ly hôn, giờ bên ngoài người ta đều nói nhà chúng ta, chê cười nhà chúng ta kia kìa!".

Hồ Tú Liên hít một hơi thật sâu, quay đầu tiếp tục bận rộn với công việc nhà. Sao bà không biết mọi người đang bàn tán xôn xao về nhà mình cơ chứ, từ khi Ninh Hương muốn ly hôn bị truyền đi khắp thôn, bà đã không ra ngoài nhiều nữa, bởi vì thực sự cảm thấy rất xấu hổ khi đi ra ngoài. Con gái ngoan hiền mà bà nuôi lại coi hôn nhân như trò đùa, kết hôn rồi còn nháo ly hôn. Phụ nữ ly hôn chính là hàng cũ secondhand, vô giá trị, và cũng là trò cười ở trong mắt người khác, nên có bị người ta mắng cũng đáng đời!

Điều đáng hận là nó liên lụy đến ba mẹ nó cũng bị mất mặt theo, liên lụy đến Ninh Ba, Ninh Dương bị người ta chỉ trỏ và bị đánh. 

Hồ Tú Liên càng nghĩ càng cảm thấy giận, giận đến mức hận không thể giết chết Ninh Hương ngay. 

***

Ninh Hương không quan tâm lưu ngôn phỉ ngữ của bên ngoài, cô ở trên thuyền nhỏ tập trung làm đồ thêu. Tới khi con mắt cùng xương cổ đều mỏi thì cầm sách ra bãi cỏ bên cạnh rừng cây ngồi đọc. Còn thuận tay nhặt một ít củi, hoặc xách thùng nước đi tới cái giếng gần đó để lấy nước. 

Chạng vạng chiều, khi cô đang đi dạo nhặt củi thì tình cờ nhìn thấy Ninh Ba, Ninh Dương đang đánh nhau với mấy đứa nhỏ khác. Ban đầu cô muốn tiến lên giúp đỡ, nhưng vừa nghe Ninh Ba, Ninh Dương nói gì thì bước chân của cô thu ngay về. 

Trên mặt Ninh Ba, Ninh Dương dính đầy bụi đất, sắc mặt như hai con sói con hung dữ mắng người khác: "Mày muốn chửi thì chửi một mình chị ta đi, chị ta đã không còn là chị cả của bọn tao nữa! Ba mẹ tao nói rồi, nếu chị ta ly hôn thì không còn là người nhà họ Ninh nữa! Chuyện của chị ta không liên quan gì đến nhà bọn tao cả! Mày mà mắng bọn tao nữa, bọn tao sẽ xé nát miệng mày, mày có tin không?".

Ha…..

Phủi sạch sẽ thật đấy….

Nhìn thấy Ninh Ba, Ninh Dương lại lao vào đánh nhau với mấy tên nhóc kia, cả một đám ôm nhau lăn lộn trên mặt đất, tao cưỡi trên người mày đánh một đấm, mày giơ chân đá tao một đá thì cô không tiếp tục đi về phía trước nữa. Sau khi đứng nhìn một lúc, Ninh Hương xoay người bỏ đi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. 

Cô vừa đi về thuyền nhỏ của mình vừa một nhặt ít củi dọc đường, trong miệng lầm bầm ôn lại kiến thức vừa học. Trở lại thuyền, cô ung dung từ tốn nấu cơm tối, miệng và tay đều bận rộn vừa nấu cơm vừa đọc đi đọc lại một bài văn nhiều lần. 

Cơm thổi xong, Ninh Hương đặt ở trong nồi hâm nóng, còn bản thân thì xoay người đi ra đầu thuyền hóng mát. Tuy nhiên, vừa từ phòng lều đi ra, cô lại nhìn thấy Lâm Kiến Đông cũng vừa đi tới bên bờ sông. Nhìn thấy Ninh Hương, Lâm Kiến Đông bất ngờ nở nụ cười. Không cần anh gọi, Ninh Hương trực tiếp xuống thuyền đi lên bờ.

Lâm Kiến Đông đến tìm cô tất nhiên là có việc.

Anh dẫn Ninh Hương đến một mảnh ruộng nhỏ gần đó, đứng bên cạnh mảnh đất hình tam giác, anh nói với Ninh Hương: "Anh đã nói chuyện với thư ký Hứa rồi, bác ấy phân cho em phần đất dưới chân này. Anh sẽ dùng vôi vẽ ra đường ranh giới, nó có hình tam giác, em thấy có được không?". 


Chuyện này có gì mà không được, gia đình cô đã không nhận cô nữa rồi, Lâm Kiến Đông có thể kiếm cho cô một mảnh đất như vậy, tuy rằng hình dáng của nó không được tốt và diện tích không lớn, nhưng đã coi như là phá lệ chiếu cố. Vốn dĩ cô đã ly hôn nên cô không còn là người của đội Cam Hà nữa, theo hộ khẩu chỉ có thể trở về đội Thủy Điềm. Mà theo lý thường, trở về đó chính là về nhà. Tuy nhiên, giờ cô đã không có nhà để về nên chỉ có thể mặt dày dựa vào tổ chức. 

Từng chuyện nối tiếp từng chuyện, bây giờ Ninh Hương không chỉ nói câu cảm ơn với anh mà cô đã hoàn toàn coi anh như một người bạn. Đứng cạnh mảnh đất hình tam giác, cô suy nghĩ một hồi rồi quay sang nói với Lâm Kiến Đông: "Khi nào rảnh, em mời anh tới thành phố Tô ăn bánh bao chiên*, dạo lâm viên và nghe bình đàn nhé". 

+++++

(1) 生煎 - Bánh bao chiên.


(2) 评弹 - Bình đàn: một dạng kể chuyện bao gồm cả các đoạn hát với các đoạn nói, và được biểu diễn bằng phương ngữ Tô Châu. 

+++++

Lâm Kiến Đông thật sự chưa từng nghe qua lời mời xa hoa như vậy, anh nhất thời bật cười: "Thật sao?".

Đó là thành phố Tô, chèo thuyền đi qua cũng mất hơn nửa ngày trời. Như anh lớn từng này tuổi rồi, nhưng cũng chưa từng đến thành phố Tô một lần. 

"Đương nhiên là thật".

Ninh Hương trả lời không chút do dự,  nhưng nghĩ tới cái gì đó, cô lập tức đổi giọng: "Nhưng bây giờ em đang là đối tượng bàn tán của dân làng, anh đi gần với em thế này khó tránh khỏi sẽ bị người ta nói xấu, đợi về sau có cơ hội thích hợp thì đi nhé".

Lâm Kiến Đông nói: "Em đã nói vậy, vậy anh không đi thì không được rồi". 

Ninh Hương bật cười: "Vậy chờ em tiết kiệm đủ tiền đã". 

***

Làm sao để tiết kiệm tiền?

Tích lũy từ một châm một chỉ chứ sao.

Nhưng chuyện này cũng không phải là việc có thể tích lũy trong một ngày hai ngày là xong.

Lâm Kiến Đông giúp Ninh Hương sắp xếp xong chỗ ở, lại vạch ra một miếng đất nhỏ cho cô thì đã không còn chuyện gì cần bận tâm nữa, thế nên thời gian tới anh không có lại tới tìm cô. Còn về sách giáo khoa tiểu học, Ninh Hương vẫn chưa học xong nên cô cũng không hay đi tìm anh. 

Bởi vì có một miếng đất thuộc về riêng mình, mặc dù không lớn, nhưng Ninh Hương mỗi ngày lại nhiều thêm một công việc. Cô đến phòng chăn nuôi của đội sản xuất mượn rổ mận gai và xẻng, sau đó sáng nào cũng dậy sớm ra ngoài nhặt phân. Để bảo vệ đôi tay, Ninh Hương tự làm cho mình một đôi găng tay vải, đặc biệt là các đầu ngón tay được cô đệm thêm một lớp vải rất dày. Hằng ngày cô đều đeo găng tay ra ngoài nhặt phân, nhặt đến khi trời sáng rõ thì đi tới khu đất hình tam giác của mình, đổ phân xuống đất, xới đất và chôn phân vào trong đất để tăng chất dinh dưỡng của phân bón. 

Ban ngày không có việc gì bận, cô ở trên thuyền nghiêm túc làm đồ thêu, tới lúc mệt thì đổi sang xem sách. Cứ như vậy qua mấy ngày cho đất mập lên thì cầm đinh ba ra ruộng đất xới tơi toàn bộ đất lên, tiếp đó gieo hạt giống cải trắng, cải dầu mua từ cung tiêu xã vào ruộng, vậy là xong.

Hiện tại đang là mùa thu, cho nên ruộng đất được chia thành hai nửa, một nửa trồng cải trắng, nửa kia trồng cải dầu. Sau khi trồng cây xuống đất, vì để ngăn chặn gia cầm hoặc là động vật tới phá hoại, Ninh Hương nhặt một ít cành cây tương đối thô về cắm xuống đất, làm thành một hàng rào cao đến đầu gối vây xung quanh ruộng. 

Vào chạng vạng chiều nay, khi cô đi tới ruộng đất hoàn thành nốt phần còn lại của hàng rào, thì bất ngờ nhìn thấy một bà lão đang đuổi theo con gà. Không cần đoán cũng biết, chắc gà nhà ai đó đã chạy tới ruộng rau nhà cô để đào đất tìm đồ ăn rồi. Ninh Hương không quá để tâm chuyện nhỏ nhặt này, cô ném đống nhánh cây đang ôm xuống và ngồi xổm xuống tiếp tục hoàn thành nốt hàng rào.

Chẳng qua, ngay lúc cô vừa lấp kín phần còn lại của hàng rào thì đột ngột nghe thấy một tiếng kêu "ối". Cô bị âm thanh hấp dẫn lập tức quay đầu nhìn lại, và thấy bà lão hồi nãy đã ngã chổng vó nằm trên mặt đất. Xung quanh không có ai khác, còn bà lão thì lặng im nằm đó.

Ninh Hương ngồi yên không nhúc nhích, quay đầu nhìn bà lão một hồi. Sau một lúc lâu không thấy bà lão có thanh âm, cũng không đứng dậy, lúc này cô mới cảm thấy không thích hợp liền vội vàng đứng dậy chạy đến chỗ bà lão. Cô chạy đến trước mặt bà ấy xem xét, quả nhiên bà đã ngã đến mơ hồ, hai mắt khép hờ chỉ rộng bằng hạt gạo, tròng mắt bất động.

Là người cùng thôn nên Ninh Hương biết bà ấy, bà ấy tên đầy đủ là Vương Lệ Trân, thành phần trong nhà khá xấu. Bà là người mà hầu như ai trong thôn cũng biết, và người người đều tránh bà như tránh ôn thần. Gia đình bà không phải địa chủ, phú ông hay ngư phủ, mà bởi vì quá khứ của chồng bà. 

Trước khi lập quốc, chồng bà đã bị quân quả kéo đi đánh trận, sau khi quân quả trốn ra vịnh thì chồng bà cũng mất tích luôn. Sống chết không rõ, tung tích cũng không rõ và đến nay cũng không biết người đang ở đâu. 

Nói tới, bà được coi là người phụ nữ số khổ nhất thôn. Chồng mất tích rồi thôi không nhắc đến, nhưng lại bởi vì chồng bà mà con trai bà đã phải chịu rất nhiều tội ở những năm sáu sáu. Cuối cùng do không chịu nổi sự hành hạ, tra tấn mà con trai bà đã nhắm mắt xuôi tay rời đi trước, để lại một mình bà sống trên thế gian giống như cô hồn dã quỷ.

Ở thời đại này, có lẽ ở mỗi thôn đều có mấy hộ gia đình có thành phần không tốt giống như vậy. Những người như họ thường cụp đuôi mà sống, và luôn sống trong nơm nớp lo sợ, rụt rè và khép nép. Người xung quanh cũng hắt hủi họ, như lấy đó để thể hiện lập trường giai cấp của chính mình.

Vương Lệ Trân thường hay cô đơn chiếc bóng, và không nhiều người trong thôn có vãng lai với bà. Bà hay ngồi một mình ở trước cửa nhà, ánh mắt đờ đẫn nhìn vô định về một hướng và mỗi lần ngồi đều ngồi rất lâu. Tuy bà không nói nhưng người ta đều biết, bà đang đợi chồng mình trở về.

Ninh Hương và Vương Lệ Trân trước kia ít có tiếp xúc nên không tính là người quen, nhưng cô biết tất cả chuyện của bà ấy. Thật ra, so với Vương Lệ Trân, Ninh Hương cảm thấy những lời đồn nhảm nhí mà cô nhận được bây giờ căn bản không tính là gì.

Cô cũng mặc kệ thành phần hay không thành phần, thấy Vương Lệ Trân ngã đến mê man, Ninh Hương vội vàng ngồi xổm xuống gọi bà hai tiếng. Thấy bà vẫn không có phản ứng, cô lập tức đưa tay đỡ lấy vai và eo bà rồi từ từ đỡ bà dậy, dùng ngón tay ấn mạnh lên huyệt nhân trung. Phải một lúc sau Vương Lệ Trân mới phản ứng lại, bà hít thở mạnh hai hơi như thể thở phào nhẹ nhõm.

Ninh Hương không buông tay, vẫn đỡ bà ấy, đợi bà thả lỏng hơn thì hỏi: "Bà không sao chứ ạ?".


Vương Lệ Trân thở hổn hển không nói, xem trạng thái có vẻ không được tốt lắm.

Thấy trời tối dần, Ninh Hương không yên tâm với việc để bà ở đây một mình. Đưa mắt nhìn xung quanh thấy không có ai, cô hít sâu một hơi rồi đỡ bà đứng dậy, miệng lẩm bẩm nói: "Thôi, để cháu đưa bà về nhà".

Ninh Hương biết nhà bà ấy ở đâu, cho nên không cần bà ấy tốn sức nói. Tuy nhiên, sức lực của Ninh Hương không có bao nhiêu nên cô chỉ có thể để bà gác ở trên vai, dùng cơ thể mình đỡ bà ấy và để bà mượn lực chậm rãi cất bước đi về. 

Thời điểm cô tốn hết sức đỡ được bà ấy về đến nhà, sắc trời đã nhá nhem. Ninh Hương biết nhà bà ở đâu, vì trước kia cô từng đi qua trước và sau nhà bà, chẳng qua là trước nay chưa bao giờ vào nhà. Nhà bà được xem như là hộ cực nghèo ở đội Thủy Điềm, chỉ có hai gian phòng tường bùn và rơm.

Tiến vào hai gian nhà tranh bằng bùn, cô liếc qua và thấy một cái giường, một cái bàn nhỏ, một vạc nước và một bếp lò bằng bùn. Trong nhà không có nhiều đồ đạc, chỉ có bốn vách tường bao quanh, nhưng được cái là nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Trong phòng cũng không hoàn toàn là màu sắc xám xịt, bởi lúc cô dìu Vương Lệ Trân vào nhà thì quét mắt thấy một bức tranh đầy màu sắc về một con mèo đang chơi đùa với một con bướm treo trên tường đầu giường, màu sắc rất tươi sáng, nhìn giống như là lịch treo tường.

Trước mắt cô không có tâm tình để xem tranh, Ninh Hương đỡ Vương Lệ Trân ngồi xuống bên giường, để cơ thể bà nghiêng qua dựa vào đầu giường tránh cho lại ngã xuống đất. 

Trên người không còn trọng lượng, Ninh Hương đứng ở trước giường hít thở đều. Đến khi hơi thở dịu đi một chút thì cô hỏi Vương Lệ Trân: "Bà ơi, giờ bà cảm thấy thế nào rồi? Có muốn cháu dìu bà tới trạm y tế không?".

Vương Lệ Trân trông yếu ớt, bà lắc đầu với cô và nhẹ giọng nói: "Đã làm phiền cháu rồi".

Đến trạm y tế làm gì, cái mạng già này còn không đáng tiền xem bệnh đâu. Nếu thật sự chịu không nổi, vậy cùng lắm tắt hơi thở mà chết thôi. Một cô hồn dã quỷ giống như bà, có chết cũng không có lấy nửa người nhớ nhung.

Ninh Hương không cảm thấy có bao nhiêu phiền, chỉ lo bà có thật sự không có việc gì hay không. Bây giờ trong nhà bà không có ai, lỡ như bà xảy ra vấn đề gì thì cũng không có ai chăm sóc, cũng không có ai có thể kịp thời đưa bà vào bệnh viện.

Cô đứng đó nhìn Vương Lệ Trân một hồi vẫn chưa yên tâm: "Thật sự không có chuyện gì chứ ạ?". 

Vương Lệ Trân đột nhiên mỉm cười, ánh mắt nhìn Ninh Hương vô thức mềm đi: "Không sao, không chết được đâu". 

Không biết đã bao lâu rồi bà không được người khác quan tâm như vậy, trong lòng nhất thời được ủ ấm và có chút chua xót. Bà nhìn Ninh Hương chăm chú một lúc, giống như nhớ ra cái gì, lại mở miệng nói: "Cháu là…..con gái nhà họ Ninh đúng không?". 

Thấy bà ấy nhận ra mình, Ninh Hương cũng cười rồi thoải mái nói: "Đúng ạ, chính là người nổi tiếng trong miệng các dì các cô trong thôn gần đây, là người vừa ly hôn chồng mấy ngày trước". 

Vương Lệ Trân lại bật cười khi nghe cô nói: "Trông cháu khá cởi mở".

Dù không tiếp xúc nhiều với người trong thôn, nhưng bà cũng có nghe thấy một ít việc bát quái của các nhà. Quả thực như Ninh Hương nói, cô là "người rất nổi tiếng" trong miệng tam cô lục bà trong thôn trong khoảng thời gian này.

Ninh Hương đúng là khá cởi mở, cô cười nói tiếp: "Để ý người khác nói làm gì, mình vui vẻ là được rồi ạ". 

Vương Lệ Trân ngồi nói mấy câu với cô, xem như cũng từ từ có tinh thần lại. Thường ngày ít có người nói chuyện với bà và cũng hiếm có người phản ứng bà, vì vậy bà thật sự rất muốn nói nhiều thêm mấy câu với Ninh Hương. Chẳng qua, vì vấn đề thành phần của mình nên bà không muốn giữ người ở lâu. 

Thế là, bà không nói thêm về chủ đề này nữa mà nói với Ninh Hương: "Cháu gái, vừa rồi cám ơn cháu". 

Ninh Hương thấy trạng thái tinh thần của bà đang hồi phục tốt nên cũng yên tâm. Sau khi nói câu không phiền phức, lại dặn dò bà cẩn thận và nhớ chú ý thân thể thì không quấy rầy nữa, cô xoay người rời khỏi nhà bà. Tuy nhiên, vừa bước ra khỏi cửa nhà hai bước, Ninh Hương nhịn không được mà quay đầu nhìn lại.

Rất đột nhiên, cô bỗng nhớ tới bà nội của mình.












--- HẾT CHƯƠNG 19 ---










Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận