Sau Khi Mẹ Kế Tỉnh Lại

--- SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI - THƯ THƯ THƯ ---










🌻🌻🌻🌻🌻










CHƯƠNG 13.










Người Dịch: Lan Thảo Hương.











Hôm nay Ninh Hương trở về phòng chăn nuôi sớm hơn mọi ngày, cô vo gạo thổi cơm. Trong lúc chờ cơm chín, cô lấy sách giáo khoa ra nhìn xem, cẩn thận ghi nhớ từng đoạn văn chương, lại tập trung làm thêm một đề toán số học.

Vừa hoàn thành việc ghi nhớ một bài văn trong im lặng, đội sản xuất vừa lúc đến giờ tan làm. Lâm Kiến Đông dắt gia súc của đội sản xuất trở lại, anh kéo chúng vào chuồng rơm, buộc dây và cho cỏ ăn.

Trước kia, Ninh Hương luôn từ xưởng thêu trở về muộn, đợi cơm nước xong lại đi sớm nên Lâm Kiến Đông không bao giờ đụng phải Ninh Hương khi tan làm về. Khó được hôm nay đụng phải, lại đúng lúc anh cũng có việc muốn tìm Ninh Hương nên cũng coi là đúng dịp.

Cho gia súc ăn xong, Lâm Kiến Đông đi tới trước cửa phòng cô. Ninh Hương thấy anh tới, cô vội vàng thu thập sách giáo khoa, đứng dậy, ra khỏi phòng khách khí chào hỏi.

Trước mắt, ở trong thế giới này, người duy nhất ủng hộ và giúp đỡ Ninh Hương chính là vị đội trưởng của đội sản xuất Lâm Kiến Đông này. Ninh Hương không phải là người không biết tốt xấu, vong ân phụ nghĩa, và cô luôn ghi nhớ tất cả những điều tốt đẹp mà người khác dành cho mình ở trong lòng.

Hàn huyên hai câu, Lâm Kiến Đông nhét tay vào túi, cười hỏi Ninh Hương: "Đang đọc sách à?".

Ninh Hương nhìn anh gật đầu, cô khẽ cười nói: "Cảm giác mù chữ rất không tốt, vẫn nên học chút thì tốt hơn".

Từ sau khi trưởng thành, cả hai không có nhiều tiếp xúc nên Lâm Kiến Đông cũng không quá hiểu rõ Ninh Hương. Nhưng nhìn thái độ kiên quyết muốn ly hôn của cô, lại còn mượn sách bắt đầu tự học tập, đáy lòng anh thật ra rất bội phục cô. Anh có lẽ là người duy nhất có thể nhìn ra, Ninh Hương không phải đang làm loạn tự tìm đường chết, mà là cô biết rất rõ mình muốn cái gì. Cho dù cả thế giới này không ai hiểu được cô, cô vẫn cố chấp bước tiếp.

Nhưng nói thật, mặc dù anh hiểu, nhưng anh lại không ôm tâm thái lạc quan đối với tương lai của Ninh Hương lắm. Người chỉ có thuận theo hoàn cảnh xã hội mới có thể sống nhẹ nhõm, thế nhưng cô lại lựa chọn quyết liệt với tất cả mọi người. Sự gian nan trên con đường này là điều không khó để tưởng tượng, anh chỉ sợ cô kiên trì không nổi, cuối cùng có khi lại đau khổ hơn.


Chẳng qua, hiếm khi thấy được một cô gái độc đáo như vậy, Lâm Kiến Đông nghĩ, anh sẽ cố giúp cô nhiều một chút ở trong khả năng của mình. Thế giới này thật sự quá ngột ngạt và buồn tẻ, hầu hết mọi người đều sống cẩn thận và không có sức sống, có thể nhìn thấy một người có cái nhìn sáng suốt cũng là điều khá thú vị.

Anh rút tay ra khỏi túi và cười nói với Ninh Hương: "Dù sao anh cũng đã tốt nghiệp trung học, thành tích hồi còn đi học cũng rất tốt nên nếu có gì không hiểu thì cứ hỏi anh. Có thể giải đáp anh sẽ giúp em giải".

Ninh Hương cong môi cười: "Cám ơn đội trưởng, khả năng sắp tới em sẽ hỏi mượn anh sách giáo khoa trung học cơ sở và trung học để xem. Đúng rồi, sách anh mượn ở thư viện huyện có thể cho em mượn xem được không?".

Đây đều là việc nhỏ, Lâm Kiến Đông sảng khoái nói: Có thể, chờ anh về tìm rồi đưa cho em".

Tiếp đó, anh đưa vật móc từ trong túi ra đưa cho Ninh Hương và nói: "Đây là một ít phiếu, chỉ là không có phiếu vải. Chỗ này đều là phiếu mua dầu, muối, một ít gia vị, em cầm dùng đi. Nó không phải của riêng anh mà là đồ của tập thể, nếu em đã quyết định trở về, vậy em chính là một xã viên trong đội chúng ta và anh cần phụ trách".

Thời đại này, đất nước thực hiện nền kinh tế kế hoạch*, và hầu hết đồ ăn thức uống đều cần phiếu. Mà phiếu của từng nhà trong làng đương nhiên do đội sản xuất phân phát, bởi vì mỗi người đều có phần nên số lượng cũng rất ít.

(*) Kinh tế kế hoạch: là một nền kinh tế - xã hội trong đó Chính phủ và Nhà nước kiểm soát toàn bộ các yếu tố sản xuất và giữ quyền quyết định việc sử dụng các yếu tố sản xuất cũng như phân phối về thu nhập.

Ninh Hương nhướng mày nhìn mấy tờ phiếu trong tay Lâm Kiến Đông, chốc lát mới duỗi tay nhận. Cô ngẩng đầu nhìn anh với ánh mắt chân thành: "Cám ơn đội trưởng, sau này trong đội có chuyện gì cần em, anh cứ tới tìm em".

Lâm Kiến Đông không khách sáo với cô: "Đó là điều chắc chắn, nếu cần gì, anh nhất định sẽ tới tìm em".

Nói xong, Lâm Kiến Đông không đứng đấy nữa.

Bất chợt, Ninh Hương nhớ tới chuyện thuyền nhà, cô vội vàng hỏi một câu: "Đội trưởng, trong đội vẫn chưa có thuyền trống cho thuê sao ạ? Nếu giờ không có thuyền trống, vậy không phiền toái anh nữa, để em đến nơi khác hỏi cũng được ạ".

Phòng chăn nuôi có thể coi là nơi mở họp cố định của đội sản xuất, ngoài việc cất nông cụ và nuôi gia súc thì mỗi khi trong đội có việc cần thông báo, nơi này sẽ là nơi triệu tập các xã viên. Lâm Kiến Đông có thể sống ở đây với tư cách là đội trưởng vì công việc, nhưng Ninh Hương sống ở đây mãi hiển nhiên là không thích hợp.

Lâm Kiến Đông dừng bước, nhẹ nhàng nói với cô: "Cũng sắp có rồi. Nhiều nhất hai ngày nữa là em có thể chuyển qua. Đừng gấp, chịu khó ở đây hai ngày nữa chờ anh sắp xếp nhé".

Nghe Lâm Kiến Đông nói, Ninh Hương cảm giác khả năng anh cho là cô ghét bỏ phòng chăn nuôi ở không thoải mái. Dù sao hai gian nhà ngói này không lớn, bên trong còn chất đủ thứ đồ thượng vàng hạ cám, chỗ đặt chân quả thực rất ít.

Thế là cô vội vàng cười nói: "Em vội vã dọn đi không phải ngại nơi này không tốt, mà là cảm thấy ở lâu không thích hợp, lại quá làm phiền đến anh. Với lại, trong đội người đến người đi, nên cũng sợ người ta đàm tiếu".

Lâm Kiến Đông gật đầu, cảm thấy điều Ninh Hương cân nhắc khá hợp lý, mặc dù anh không quan tâm đến điều đó. Trong lòng anh âm thầm tính toán, rồi nói với Ninh Hương: "Chờ thêm mấy ngày nhé".

Ninh Hương đồng ý, rồi nhìn Lâm Kiến Đông rời khỏi phòng chăn nuôi.

Sau khi Lâm Kiến Đông rời đi, cô nhìn xuống những tấm phiếu trên tay mình, cân lượng của số phiếu rất nhỏ. Ngoại trừ dầu, muối, dấm, đường, diêm, xà phòng thường dùng hàng ngày ra, bên trong còn có một tấm phiếu bánh Trung thu.

Quả thực, cũng sắp đến Trung thu rồi.

Ninh Hương vào nhà, cẩn thận cất mấy tấm phiếu vào cặp sách màu vàng, sau khi thu dọn sách giáo khoa trên bàn thì xuống bếp xới cơm. Cơm nước xong xuôi, bát nồi rửa sạch sẽ, thấy không còn chuyện gì khác, cô lại xách cặp đựng đồ thêu đi tới xưởng thêu.

Sau khi tới xưởng thêu, Ninh Hương vùi đầu vào thêu thùa và chẳng để ý gì tới xung quanh.

Vào một ngày trước Tết Trung thu, cô thành công hoàn thành tất cả đồ thêu mà cô mang về cùng với từ từ nâng lên tốc độ của đôi tay.

Cắt đi sợi chỉ thêu màu tím nhạt cuối cùng, buổi chiều Ninh Hương mang đồ thêu lên xã giao thành phẩm cho trạm thêu. Trạm trưởng Trần vẫn luôn hài lòng với tay nghề của Ninh Hương, sau khi kiểm tra sơ qua thành phẩm mà cô làm, anh liền kết toán tiền công và thu đồ.

Cất kỹ đồ thêu rồi, anh nói với Ninh Hương: "Tạm thời không có nguyên liệu để phát, chờ sau ngày lễ chú mới lên cửa hàng thêu trong thành phố lấy thì mới có. Tới lúc đó cháu lại tới nhé, tay cháu nhanh, chú sẽ đưa thêm cho cháu một ít".

Ninh Hương cười nói: "Được ạ, vậy sau ngày lễ cháu lại tới".

Đứng trò chuyện với trạm trưởng Trần thêm mấy câu, Ninh Hương xách chiếc cặp màu vàng rời khỏi trạm thêu sau khi hẹn sau ngày lễ sẽ tới lấy nguyên liệu. Lần này cô không lập tức trở về đội Thủy Điềm, mà là đi qua hợp tác xã cung tiêu* một chuyến.

(*) 供销合作社 - Hợp tác xã cung tiêu: hợp tác xã mua bán, cung cấp và tiêu thụ (nhiều khi sẽ gọi tắt là cung tiêu xã).

Lựa ra mấy tờ phiếu có cân lượng nhỏ, Ninh Hương mua một ít dầu muối tương dấm đường bán trong cung tiêu xã, cùng với một cây bút chì và sách bài tập. Cuối cùng, nắm trong tay tờ phiếu bánh Trung thu đứng ở trước quầy bánh Trung thu do dự một lát trước khi quyết định mua một phần bánh trung thu nhân thịt.

Thật hiếm khi được trọng sinh trở về, kiếp này cô nhất định sẽ không bạc đãi chính mình. Nếu không ai đối xử tốt với cô, vậy chính cô sẽ đối xử tốt với mình. Thay vì mù quáng tiết kiệm từ kẽ răng để tiêu cho người khác, để người khác được đi học được ăn được uống nhưng lại không có ai nhớ đến cái tốt của cô.

Sau khi mua đồ và rời khỏi cung tiêu xã, Ninh Hương tạt sang chợ xã ở gần đó. Mặc dù việc buôn bán tư nhân ở thời đại này bị cấm, nhưng trái cây rau quả được nông dân tự nhà trồng vẫn có thể lấy ra bán và các công xã cho phép xã viên kiếm ít tiền trợ cấp gia dụng nhờ vào đó. Tất nhiên, ngoại trừ trái cây rau quả thì các gian hàng khác về cơ bản là của nhà nước.

Mấy ngày qua, Ninh Hương chỉ toàn ăn cháo không. Được ngày hôm nay kiếm được ít tiền nhờ thêu thùa, mà ngày mai còn là Tết Trung thu nên cô quyết định đãi bản thân thật tốt, thế là  cô mua một ít rau ở chợ.


Mua xong đồ quay về nhà, sắc trời đã tờ mờ tối, lúc này đã qua giờ đội sản xuất tan tầm nên toàn bộ xã viên đã về nhà hết. Vì vậy, Ninh Hương an tâm nấu cơm ở phòng chăn nuôi, thậm chí còn ngâm nga một giai điệu nhỏ với tâm trạng vui vẻ.

***

Đội Cam Hà, nhà họ Giang.

Giang Ngạn, Giang Nguyên và Giang Hân ngồi ở bàn ăn, ba anh em nhìn thức ăn trên bàn với vẻ mặt đau khổ, họ thậm chí còn chẳng muốn động đũa. Rõ ràng ăn cơm là điều hạnh phúc nhất, nhưng giờ nó lại trở thành một chuyện khiến người ta sầu khổ nhất.

Lý Quế Mai ngồi xuống, bà cầm lấy đũa và nói: "Ăn đi".

Giang Nguyên cùng Giang Hân liếc nhìn Giang Ngạn, sau đó theo động tác của Giang Ngạn, cả hai chầm chập cầm lấy đũa và thìa lên. Tuy nhiên, ba người còn chưa kịp đưa cơm vào miệng thì bỗng nghe thấy tiếng bước chân từ bên ngoài nhà. Tiếng bước chân càng ngày càng gần, ngoài cửa có một bóng đen đè xuống. Bốn người quay đầu nhìn lại, hai mắt đồng thời sáng lên, phản ứng của Giang Hân là nhanh nhất, cô bé ném thìa đi và nhảy dựng lên, trực tiếp bổ nhào tới người ngoài cửa: "Ba đã về rồi!".

Giang Ngạn với Giang Nguyên cũng rất cao hứng, chúng lập tức đứng lên, ánh mắt sáng ngời nhìn người đàn ông bên ngoài. Người đàn ông không cao lắm, nhưng phong cách của anh ta rất thời thượng và tây, kết hợp với một chiếc kính mắt.

Tuổi của Lý Quế Mai đã cao, động tác chậm nên bà là người cuối cùng đứng lên. Thấy con trai xưởng trưởng trở về, trên mặt bà hiện rõ vui vẻ và cười đến không khép được miệng, bà cười chào đón: "Trở về nghỉ lễ à? Sao không nói trước một tiếng?".

Giang Kiến Hải ôm Giang Hân vào nhà, anh đặt chiếc vali kiểu tây trong tay xuống, nhìn Lý Quế Mai nói: "Không phải Ninh Hương gửi điện tín bảo con về sao? Đúng rồi, cô ấy đâu?".

Ninh Hương gửi điện tín bảo anh về? Lý Quế Mai nhíu mày, trả lời anh: "Cô ta hả, giờ nó gớm lắm, A Ngạn lỡ tay đẩy một cái khiến nó bị đập đầu, nó đùng đùng bỏ về nhà ngoại rồi. Nó cáo trạng với con à?".

Giang Kiến Hải ôm Giang Hân ngồi xuống trước bàn ăn: "Điện tín đắt lắm nên không thấy cô ấy nói gì, chỉ bảo con nhanh trở về. Con tưởng rằng trong nhà có chuyện gấp, nên vội vàng xin nghỉ phép về nhà".

Thấy có chỗ dựa để kể ấm ức, Giang Hân dựa vào người Giang Kiến Hải và dùng tiếng con nít ngây ngô nói: "Người phụ nữ xấu kia chạy rồi, không nấu cơm, giặt giũ cho bọn con nữa. Hôm trước bà nội đi giặt quần áo còn bị ngã vào sông, suýt nữa bị chết đuối".

Nghe vậy, Giang Kiến Hải biến sắc: "Chuyện gì đã xảy ra?".

Nhấc lên chuyện này, Lý Quế Mai cũng rất tức giận. Bà thở dài, bày ra bộ dạng đáng thương và bất lực, sau đó thêm mắm thêm muối kể lại chuyện ngã vào sông cho Giang Kiến Hải nghe, trong ngôn từ ám chỉ Ninh Hương sai ở khắp mọi nơi.

Giang Kiến Hải nghe xong quả nhiên tức giận, hai đầu lông mày nhíu rất chặt: "Nửa năm này, cô ta chăm sóc mọi người như vậy sao?".

Lý Quế Mai tiếp tục thở dài: "Hồi đầu đúng là khá tốt, nhưng dạo gần đây lại rất bất thường. A Ngạn với A Nguyên đi đón cô ta về, nhưng cô ta nhất quyết không về. Một mình mẹ ở nhà bận rộn tứ phía, mệt đến sắp gãy eo luôn rồi".

Giang Kiến Hải nín thở một lát rồi nói: "Quá là trơ trẽn! Hôm nay muộn quá rồi, ngày mai con sẽ đi tìm cô ta để xem cô ta muốn làm cái gì. Giận dỗi cái là bỏ người lớn trẻ nhỏ ở nhà, đây mà là dáng vẻ phụ nữ nên có à!".

Lý Quế Mai thở dài thườn thượt, bà giả bộ rất tốt bụng và yêu thương: "Bọn nhỏ không phải do con bé sinh, không đau lòng cũng là chuyện nhân chi thường tình. Con cũng đừng trách con bé quá, cứ coi đây là lỗi của chúng ta đi, trước nên dỗ con bé về mới là đứng đắn".

Những lời này nghe như đang khuyên Giang Kiến Hải đừng trách Ninh Hương, nhưng thật ra là câu câu châm ngòi. Ám chỉ Giang Kiến Hải rằng, Ninh Hương là mẹ kế nên không đau lòng mấy đứa nhỏ Giang Ngạn. Mà giọng điệu trong lời nói của bà càng giống như bà ở nhà thường hay bị Ninh Hương chèn ép khắp nơi.

Giang Kiến Hải nghe vậy quả nhiên hiện rõ sự bất mãn, anh giơ tay đẩy kính mắt và nói với Lý Quế Mai: "Không về cô ta còn đi được đâu? Lại còn cần con phải dỗ mới về? Mẹ đừng để ý làm gì, chỉ cần một câu của con là cô ta tự quay về thôi".

Lý Quế Mai nghe xong thì rất vui vẻ, bà nghĩ thầm con trai mình đúng là có bản lĩnh. Sắc mặt bà rạng rỡ đứng dậy, xới cho Giang Kiến Hải một bát cơm rồi ấm giọng nói: "Trở về gấp thế đã ăn cơm chưa?".

Sau đó, bà kéo Giang Hân từ trong lòng Giang Kiến Hải ra, để con bé tự mình cầm thìa ăn cơm để cho Giang Kiến Hải có thể thoải mái ăn cơm hơn. Chuyến đi này bôn ba như vậy, vừa ngồi xe vừa ngồi thuyền nên anh chắc chắn mệt lắm rồi.

Bởi vì Giang Kiến Hải trở về, bầu không khí của nhà họ Giang tối nay rất khác. Giang Ngạn với Giang Nguyên là sinh động nhất, hai đứa vừa túm lấy anh vừa líu ra líu ríu không ngừng muốn Giang Kiến Hải kể cho nghe chuyện mới lạ bên ngoài.

Vừa nói chuyện, Giang Ngạn không nhịn được hỏi: "Ba, khi nào bọn con có thể theo ba vào thành phố ạ?".

Bọn họ thật sự không muốn sống ở nông thôn nữa, mà muốn vào thành phố ở và làm người thành phố. Làm người thành phố sẽ có mặt mũi hơn, và chúng có thể ngẩng cao đầu khi đi đường nếu sau này có trở về và đứng ở trước mặt các bạn học cũ.

Hiện giờ, mỗi lần chúng đánh nhau hoặc đùa nghịch với người khác là chúng sẽ nói: "Bọn mày biết ba tao làm nghề gì không? Ba tao là phó trưởng xưởng của nhà máy lớn ở thành phố Tô đấy. Sớm muộn gì cũng có ngày cho chúng mày được mở rộng kiến thức!".

Đối với vấn đề này, Giang Kiến Hải trực tiếp ném cho Lý Quế Mai: "Mấy đứa hỏi bà nội ấy".

Lý Quế Mai nói: "Bà không muốn đi. Ở thành phố có quen biết ai đâu, ở không quen. Bà chỉ thích ở lại nông thôn, láng giềng hàng xóm đều quen nhau cả, ai nhìn thấy bà mà không tươi cười chào đón? Nếu mấy đứa muốn đi thì cứ đi đi".

Giang Kiến Hải nhìn bà nói: "Bọn con đi hết rồi, một mình mẹ ở nông thôn, thì lấy ai chăm sóc? Con dù có giỏi giang hơn nữa, nhưng không thể chăm sóc tốt cho mẹ đó là con bất hiếu, vậy còn không bị người ta mắng chết hay sao?".

Thật đúng vậy, lúc người vợ đầu của anh còn sống, cô chưa từng cùng anh lên thành phố một lần sống một cuộc sống thanh nhàn. Phần lớn thời gian là ở lại nông thôn trông các con, chủ yếu là hầu hạ bà mẹ chồng Lý Quế Mai khôn khéo này.


Khi Giang Kiến Hải kết hôn với người vợ đầu tiên của mình, anh chính là tâm không cam tình không nguyện và rất ghét bỏ vợ mình là một người không có văn hóa. Nhưng lúc anh kết hôn, anh khi đó vẫn chưa tìm được việc làm trên thành phố nên người có điều kiện tốt anh không trèo được, cho nên kết hôn cũng khá qua loa.

Người vợ đầu của anh sống không lâu, sau khi cô qua đời vì bệnh, anh liền muốn tìm một người mà mình hợp ý. Thế nhưng, lần này anh đã có một công việc đàng hoàng, nhưng lại bị ba đứa con kéo chân sau, nói ra đây cũng là tiếc nuối và là tâm bệnh cả đời của anh.

Thấy Giang Kiến Hải không để ý đến vợ mà chỉ quan tâm mẹ già, Lý Quế Mai đắc ý cực kỳ. Khóe miệng bà nhếch cao với ý cười khấp khởi, nhưng vẫn muốn tiếp tục giả vờ nhân hậu: "Con có phần tâm này là được rồi".

Giang Kiến Hải tất nhiên là có tâm rồi. Rốt cuộc, ngoài việc đưa tiền ra thì anh chưa một ngày phải hầu hạ mẹ mình. Tất cả chuyện hiếu kính đều do vợ làm, thế nhưng thanh danh người con hiếu thảo lại bị anh ôm.

Nói thật, ai mà trở thành con dâu Lý Quế Mai đúng là đen tám đời luôn. Bởi dù có cung phụng bà đến đâu thì bà ra ngoài cũng chỉ nói xấu con dâu, đồng thời khen con trai mình cùng với nói con dâu không xứng với con trai của bà.

Tóm lại, Lý Quế Mai và Giang Kiến Hải đúng là mẹ hiền con hiếu, chỉ tổ xui xẻo cho mỗi con dâu.

Mẹ hiền con hiếu của nhà này cùng nhau trải qua bữa cơm tối đầy ấm áp và náo nhiệt, sau đó tắm rửa và trò chuyện thêm một lúc rồi mới quay về phòng ngủ.

Đêm nay, Giang Hân không ngủ cùng Lý Quế Mai mà trèo lên giường Giang Kiến Hải, nằm sấp trong vòng tay Giang Kiến Hải ngủ khì. Hai anh em Giang Ngạn với Giang Nguyên ngủ cạnh nhau, trước khi ngủ còn hàn huyên hai câu về chuyện của Ninh Hương.

Giang Nguyên hỏi Giang Ngạn: "Anh nói mai cô ta có về không?".

Giang Ngạn gối tay dưới đầu, nói: "Không nghe ba nói à, chỉ cần một câu của ba là Ninh A Hương sẽ lập tức ngoan ngoãn trở về. Ba đã tự thân xuất mã, cô ta còn không chịu về, vậy cô ta muốn tìm chết à?".

Giang Nguyên suy nghĩ một lát rồi nói: "Nếu cô ta về thật, vậy sau này chúng ta đối xử với cô ta tốt hơn chút đi. Em thực sự cảm thấy cô ta không xấu, lại đối xử với chúng ta rất tốt. Nếu chúng ta lại bắt nạt cô ta nữa, vậy chúng ta lại không có mẹ nữa rồi".

Giang Ngạn khịt mũi: "Mày cứ đặt tâm về ngực đi, điều kiện của ba tốt như vậy, cô ta sẽ không nỡ bỏ đi đâu".

Giang Nguyên gật đầu: "Nói cũng phải".

Giang Ngạn xoay người ra bên ngoài: "Đừng nghĩ linh tinh nữa, ngủ đi, ngày mai sẽ có đồ ăn ngon đấy".

Theo lời Giang Ngạn nói, Giang Nguyên chợt nhớ tới chè trân châu khiếm thực*, củ sen nấu đường quế**, thịt hấp,... Vừa nghĩ tới là nước miếng bất giác chảy ra. Nhận thấy nước miếng thấm ướt gối đầu, cậu vội vàng đưa tay lên lau và nuốt xuống một ngụm nước bọt lớn.


- - - - -

(1) 鸡头米小圆子 - Chè trân châu khiếm thực.

(2) 桂花糯米藕 - Củ sen nấu đường quế: là một món ăn tráng miệng đặc biệt nổi tiếng ở phía nam sông Dương Tử, Trung Quốc, thuộc ẩm thực Giang Tô. Là gạo nếp sống được đổ vào củ sen và đun sôi với hoa quế, đường nâu (đường phèn), mật ong hoặc chà là đỏ. Món ăn có mùi vị ngọt, mềm và dẻo, với mùi thơm nồng của hoa quế.

- - - - -

***

Mặc dù không có việc thêu thùa để làm, nhưng Ninh Hương không hề ngủ nướng. Cô vẫn dậy khá sớm và tới xưởng thêu sớm giống như mọi ngày. Chẳng qua, lúc trước đến là mang theo nguyên liệu thêu, còn hôm nay lại mang theo sách giáo khoa.

Trong đội có thông báo nói hôm nay chỉ làm việc nửa ngày, và các xã viên sẽ được nghỉ buổi chiều. Ninh Hương ở lại phòng chăn nuôi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người khác làm việc, nên cô mang sách giáo khoa đi tới xưởng thêu. Cô đắm mình đọc sách ở xưởng thêu, trong khi các thợ thêu khác trong xưởng lại nhìn cô cười thầm và thỉnh thoảng lắc đầu. Không ai hiểu được cô đang làm gì, họ chỉ cảm thấy đầu óc cô gần đây có vấn đề nên có rất nhiều hành vi kỳ lạ.

Người ta đường đường chính chính đi học, cũng không thấy ai học tập nghiêm túc như cô, hơn nữa đọc sách thời nay thì có ích gì? Một người phụ nữ đã có gia đình như cô không lo quay về giúp chồng dạy con, chăm lo nhà cửa, lại ngồi đây ôm sách giáo khoa đọc đọc viết viết, trông thật là buồn cười.

Ninh Hương không quan tâm đến ánh mắt của họ, bởi vì họ có thể nhìn được bao xa? Kiếp trước, khi ý thức của cô chưa được đánh thức, ánh mắt và kiến thức của cô cũng rất hạn hẹp. Và điều mà cô chú ý cùng quan tâm mỗi ngày cũng chỉ loanh quanh mấy chuyện ăn uống ngủ nghỉ.

Tất nhiên, cô đến xưởng thêu đọc sách còn có một lý do khác--- Đó là để người nhà dễ tìm thấy cô. Không phải cô đang mong chờ người nhà sẽ gọi cô về ăn Tết Trung thu, mà là đề phòng Giang Kiến Hải có về và tới đội Thủy Điềm tìm cô.

Cô không chắc Giang Kiến Hải có về hay không, bởi vì kiếp trước, Trung Thu này anh ta không hề về. Thế nhưng, kết quả không làm cô thất vọng tí nào, gần mười giờ sáng, Ninh Lan tới xưởng thêu tìm cô.

Là một người đàn ông có địa vị và thân phận, lại còn là chồng của Ninh Hương, Giang Kiến Hải tất nhiên sẽ không tự mình đi tới xưởng thêu. Ninh Lan đến gọi Ninh Hương về, cô nói ngắn gọn: "Chị, xưởng trưởng Giang tới rồi".

Nghe thấy Ninh Lan nói, các thợ thêu khác trong xưởng đều hơi kinh ngạc, cả người đều bày ra tư thế xem kịch. Bọn cô tất nhiên là muốn nhìn xem liệu Ninh Hương có thực sự ly hôn với Giang Kiến Hải như cô ấy nói không. Tất nhiên, trong lòng họ cũng có dự đoán, và cảm thấy Ninh Hương có lẽ chỉ đang dùng "ly hôn" làm cái cớ tiếp tục giận dỗi và bậc thang để xuống. Bây giờ Giang Kiến Hải đã đích thân tới đón, trong lòng cô hẳn đang vui mừng khôn xiết và có lẽ sẽ quay về sớm thôi.

Nhưng ngay khi các thợ thêu nhìn Ninh Hương, đợi cô đứng dậy và đi về nhà cùng Ninh Lan thì Ninh Hương lại ngẩng đầu lên, nhìn Ninh Lan nói: "Vậy em về nói với anh ta, chị đang ở xưởng thêu".

Vẻ mặt Ninh Lan ngơ ngác.

Các thợ thêu khác: ???

Đây là muốn Giang Kiến Hải tới gặp cô ấy hả?

Thấy Ninh Lan ngẩn ra, Ninh Hương đành phải nói rõ hơn: "Em bảo anh ta tới xưởng thêu tìm chị".

Ninh Lan chớp mắt nhìn cô, hồi lâu mới nặn ra được một câu: "Chị.... Cái đó....không thích hợp đâu?".

Giọng nói của Ninh Hương vẫn nhàn nhạt, lại trộn thêm một chút lạnh: "Có gì không thích hợp? Anh ta là Hoàng đế hả?".


Ninh Lan muốn nói lý lẽ với cô, muốn nói Giang Kiến Hải là đàn ông và còn là nhân vật lớn, người ta đã bỏ xuống mặt mũi đến nhà họ tìm cô, sao có thể để người ta lại tự mình đến xưởng thêu nữa?

Nhưng khi cô nhìn vào mắt Ninh Hương, miệng há ra hai lần, cuối cùng sững sờ nuốt hết những lời này vào trong. Sau đó cô nuốt hai ngụm nước bọt, nhỏ giọng đáp: "Vâng".

Dứt lời, Ninh Lan xoay người rời khỏi xưởng thêu, sau khi đi ra ngoài, cô nhíu mày tự nghĩ---- Đầu óc thực sự có vấn đề hả?

Cô lẩm bẩm rồi trở về nhà, và thấy Ninh Kim Sinh cùng Hồ Tú Liên đang tiếp đãi Giang Kiến Hải, cả hai đều nở nụ cười cứng nhắc. Thấy cô về, Hồ Tú Liên duỗi đầu nhìn ra phía ngoài, hỏi: "Chị con đâu?".

Sắc mặt Ninh Lan chần chừ, ánh mắt đảo qua Giang Kiến Hải, ngập ngừng nói: "Chị nói bảo anh rể đến xưởng thêu tìm chị ấy....".

Ninh Kim Sinh, Hồ Tú Liên và Giang Kiến Hải nghe xong đều sửng sốt. Cuối cùng là Hồ Tú Liên có phản ứng đầu tiên, bà đứng dậy, hơi nghiến răng nói: "Tôi nghĩ đầu nó bị nước vào rồi, để tôi đi kéo nó về".

Nhưng Hồ Tú Liên còn chưa đi ra ngoài, đã bị Giang Kiến Hải gọi lại.

Giang Kiến Hải hiển nhiên không còn kiên nhẫn nữa, anh đứng lên nói: "Để tôi đi".

Ninh Kim Sinh cảm thấy không ổn, sao có thể để Giang Kiến Hải đến xưởng thêu gặp Ninh Hương được? Ninh Hương không hiểu chuyện bỏ về nhà ngoại thì thôi, bọn họ làm cha mẹ sao có thể cũng không hiểu chuyện như thế, vì vậy ông vội gọi Giang Kiến Hải lại: "Để mẹ con bé đi đi".

Hiện tại, Giang Kiến Hải chỉ muốn nhanh nhanh giải quyết cho xong vấn đề: "Tôi đi có khi hữu dụng hơn".

Ninh Kim Sinh và Hồ Tú Liên nghĩ tới thái độ của Ninh Hương mấy ngày qua, và họ đồng ý với thuyết pháp của Giang Kiến Hải. Lúc này, khả năng chỉ có Giang Kiến Hải ra mặt thì Ninh Hương mới nghe lời người khác nói. Vì vậy, họ chỉ đành xin lỗi Giang Kiến Hải, nói mình không biết dạy con gái khiến anh thêm phiền.

Giang Kiến Hải thật sự cảm thấy Ninh Hương đã gây thêm phiền phức cho anh, khiến anh phải xóc nảy về nhà không cần thiết. Anh đã phải bỏ ra nửa ngày để trở về, giờ lại còn phải ở đây cùng cô lằng nhằng tiếp. Đang yên lành chả biết uống lộn thuốc gì, cô trong ấn tượng của anh chưa bao giờ làm ra việc như vậy.

Bởi vì khó chịu, sắc mặt Giang Kiến Hải cũng không dễ nhìn, đôi mắt dưới cặp kính tối đen thâm trầm. Anh bảo Ninh Lan đi trước dẫn đường, rồi bày ra cái giá lãnh đạo rất lớn đi theo sau Ninh Lan đến xưởng thêu của đội Thủy Điềm.

Tới xưởng thêu, Ninh Lan dừng ở ngoài cửa không vào trong, còn anh đi thẳng qua ngưỡng cửa. Sau khi nhìn một vòng tìm kiếm Ninh Hương, anh bước thẳng tới chỗ cô và dừng bước trước bàn.

Thời điểm Giang Kiến Hải vào cửa, những thợ thêu khác đều cảm nhận được áp suất thấp. Tất cả đều quay đầu nhìn Giang Kiến Hải, xưởng thêu vốn đang náo nhiệt lập tức trở nên yên tĩnh, yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy tiếng kim thêu xuyên qua vải. Ninh Hương tất nhiên cũng nhìn thấy người đứng bên cạnh bàn, cô đưa tay đè lại cuốn sách và chậm rãi ngẩng đầu lên, đúng lúc bắt gặp ánh mắt không kiên nhẫn của Giang Kiến Hải. Cô đã quá quen với ánh mắt này, và nó đã móc lên lửa giận ở đáy lòng cô trong nháy mắt, hừng hực bay lên.

Giang Kiến Hải nhìn chằm chằm Ninh Hương, giọng điệu mở miệng cũng rất quen thuộc với Ninh Hương: "Giày vò đủ chưa? Đủ rồi thì theo tôi trở về. Cô không cần mặt mũi nhưng tôi vẫn cần".

Nhìn Giang Kiến Hải như vậy, tâm tư của Ninh Hương có chút rối loạn, trong nháy mắt cảm thấy là lạ. Theo lý thuyết, cô và Giang Kiến Hải mới ở bên nhau chưa được bao lâu, tuy là vợ chồng nhưng họ lại không thân thiết hơn người lạ là bao. Trong trí nhớ ở kiếp trước, vào mấy năm đầu kết hôn, thái độ của Giang Kiến Hải dành cho cô là sự lãnh đạm và xa cách. Mãi đến sau này, anh mới bị cảm hóa bởi sự kiên nhẫn và hiền lành của cô và từ từ tiếp nhận người vợ này. Thái độ về sau cũng chậm rãi thay đổi, nhưng càng nhiều hơn đó là mất kiên nhẫn.

Ở trong cái nhìn của rất nhiều người, đây là trạng thái mà vợ chồng già nên có, là cái gọi là hạnh phúc.

Ngay sau khi hai người coi nhau là vợ chồng, Giang Kiến Hải không còn che giấu chuyện anh không thích cô nữa, mà trần trụi biểu hiện hết ra từ ngôn từ cho đến cử chỉ. Thái độ bình thường của anh dành cho cô biến thành mất kiên nhẫn và nóng nảy giống như hiện tại.

Chẳng lẽ......

Đang khi Ninh Hương thất thần suy đoán, Giang Kiến Hải lại bực mình nói tiếp: "Ỳ ra đó làm gì? Không nghe thấy tôi nói hả? Mau đứng dậy theo tôi về nhà, đừng có ở đây cho tôi thêm mất mặt!".

Anh vừa nói xong, Ninh Hương còn chưa kịp phản ứng, những thợ thêu khác trong xưởng thêu đã xem cô là náo nhiệt để nhìn---- Tội gì phải chuốc thêm rắc rối như vậy chứ, một người phụ nữ không biết phân nặng nhẹ thì có thể có được kết quả tốt gì? Đã đi lấy chồng mà còn không sống an phận, bị chửi là nhẹ.

Ninh Hương hoàn hồn. Cô mặc kệ các thợ thêu khác đang nghĩ thế nào, sau khi hít sâu một hơi và ở đáy lòng mắng một câu "ngu xuẩn", cô trầm mặc rũ mắt, đưa tay vào cặp sách lấy ra tờ đơn ly hôn, đập mạnh ở trên cuốn sách.

Mở lá đơn ra, cô ngẩng đầu lên nhìn Giang Kiến Hải, ánh mắt và giọng điệu còn bực mình và ghét bỏ hơn cả anh: "Phiền anh nói chuyện khách sáo chút. Giang Kiến Hải, anh cũng đừng quá đề cao chính mình. Ngay từ đầu, tôi cũng chả coi trọng anh mấy, không những là ông chú lớn hơn tôi mười tuổi lại còn dắt theo ba đứa con. Lấy anh, đó là điều xấu hổ và mất mặt nhất đời tôi! Nếu không phải gia đình bắt ép, tôi cũng chả muốn kết hôn với anh chút nào!".

"Ly hôn đi".

Thằng đàn ông chó.











--- HẾT CHƯƠNG 13 ---









Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui