Sau Khi Có Con Ngoài Ý Muốn Với Thái Tử Địch Quốc FULL


"Là năng lực cô kém cỏi, quốc chủ không cần để tâm."
Sắc mặt Lạc Phụng Quân thay đổi mấy lần, khóe miệng mấp máy, nhưng vẫn đứng đó không chịu rời đi.
"Lạc huynh."
Một bóng người đeo kiếm, mặc áo bào màu đen đi tới, cười nói: "Nơi này gió lớn, ta đã lệnh cho cung nhân chuẩn bị đồ uống thượng phẩm trong thủy tạ, huynh cùng ta vào nghỉ ngơi trước được không?"
Người này có dáng vẻ khí phách, mặt mày sáng sủa, phong thái nho nhã, nổi tiếng với tài văn chương hơn người, cũng là công tử Trần quốc Trần Kỳ - một trong Tứ công tử cùng với Lạc Phụng Quân, Vệ Quân và Giang Uẩn.
Trần Kỳ khoảng tầm ba mươi tuổi, là người lớn tuổi nhất trong Tứ công tử, trước đây không ai biết đến sự hiện diện của hắn.

Trong yến tiệc ba năm trước, hắn nổi tiếng nhờ sáng tác bài phú "Thanh Tước", phê phán sự hoang dâm vô độ của Tề quốc chủ, nhận được nhiều lời khen từ danh sĩ các nước.

Về mảng văn chương, Trần Kỳ cũng có tiếng là cần cù chăm chỉ.
Nghe nói để viết được bài phú "Thanh Tước", có vài tháng hắn chỉ ngủ một giờ mỗi ngày, mỗi một chữ trong bài văn đều cân nhắc cẩn thận từng li từng tí, chỉ riêng bản nháp bỏ đi đã có thể chất được hơn một nửa tòa cung điện.
Chính vì sự cần cù chăm chỉ hơn người này mà Trần Kỳ có danh tiếng rất cao trong đám học trò.
Tiệc Lưu Thương được tổ chức ở Trần quốc, thân là Nhị công tử Trần quốc, tất nhiên Trần Kỳ phải có trách nhiệm giữ hòa khí các nước.

Hắn ra mặt là muốn tháo gỡ cục diện rối rắm này, tránh làm hỏng quan hệ sáu nước.
Lạc Phụng Quân chỉ chậm rãi liếc Trần Kỳ một cái, không thèm để ý.
Lạc Phụng Quân là Thế tử Lạc quốc, mà Trần Kỳ chỉ là công tử một nước, tuy cùng là Tứ công tử, nhưng nếu xét kỹ, dù thân phận hay địa vị thì Trần Kỳ đều thua xa Lạc Phụng Quân.
Mà tính cách Lạc Phụng Quân cao ngạo có tiếng, nên loại phản ứng này trong mắt người khác cũng không có gì kì lạ.

Chỉ là đứng ở góc độ của Trần Kỳ mà nói, bị bẽ mặt trước nhiều người như thế, không khỏi có chút gượng gạo.

Nhưng thái độ của Trần Kỳ lại rất thản nhiên, không hề tức giận hay xấu hổ, vẫn tốt bụng mời Lạc Phụng Quân vào trong nghỉ ngơi, thưởng thức điểm tâm.
"Lạc huynh."
Lúc này, lại có một bóng người khác uyển chuyển đi tới, đầu đội ngọc quan, y phục vải gấm trắng như tuyết, nét ngài tựa như bức thủy mặc, môi hồng răng trắng, phảng phất một vầng trăng sáng thu hút vô số ánh nhìn, người này chính là Thế tử Vệ quốc, người nổi danh khắp thiên hạ với dung mạo tuyệt diễm trong Tứ công tử.
"Trần huynh nói phải, đúng lúc ta cũng có vài thắc mắc về nhạc lý muốn hỏi huynh, chi bằng hôm nay huynh hạ mình một lần, đến dạy ta nhé."

Trái ngược hoàn toàn với sự cao ngạo của Lạc Phụng Quân và nét đoan chính của Trần Kỳ, Vệ Quân trời sinh có một đôi mắt đào hoa phong nhã, đuôi mắt cong nhẹ mỗi khi cười, vô cùng hợp với dung mạo tuyệt thế của y, khiến y toát lên sức hấp dẫn lạ thường.

Ngay cả người có lòng dạ sắt đá đến đâu, e rằng cũng không nỡ từ chối yêu cầu này.
Dưới sự khuyên ngăn của Trần Kỳ và Vệ Quân, cuối cùng Lạc Phụng Quân cũng mím môi, ôm đàn hành lễ với bóng người trong thủy tạ, xoay người rời đi.
Công Tôn Dương cách tấm rèm nhìn về phía điện hạ nhà mình.
Giang Uẩn cụp mắt, nhìn vào quyển thư tịch trong tay, có vẻ không hề để tâm đến tình huống bên ngoài.
Để hóa giải không khí gượng gạo này, quan chủ sự phía Trần quốc vội dặn dò mọi người mau đi chuẩn bị đồ dùng cho cuộc thi tiếp theo.

Đám đại thần Lạc quốc đi cùng cũng lần lượt đến tạ tội với Giang Uẩn trong thủy tạ.
Giang Uẩn chỉ nhàn nhạt đáp một câu "không sao", sau đó rũ mắt, tiếp tục đọc sách.
Chúng đại thần đưa mắt nhìn nhau, không biết vị điện hạ này vẫn còn tức giận hay vốn không để tâm, chỉ đành lén lau mồ hôi lạnh, thấp thỏm lui xuống.
Vòng tiếp theo là cuộc thi về văn chương, cũng giống như thi nhạc, không có gì đáng ngạc nhiên khi Trần Kỳ giành được hạng nhất.
Trần Kỳ trực tiếp viết một bài văn, với bút pháp điêu luyện và ý tưởng mới lạ, hắn giành được sự công nhận và tán thưởng của tất cả quan bình phẩm.
Dù vậy, hắn cũng không hề tỏ ra kiêu ngạo, ngược lại còn kiên nhẫn trao đổi một vài vấn đề về văn chương với học trò các nước, khác hẳn với thái độ ngạo mạn của Lạc Phụng Quân.
Có người không nhịn được khen ngợi: "Ai cũng nói Thái tử Giang quốc có phẩm đức vang thiên hạ, hành xử lễ độ, chiêu hiền đãi sĩ.

Ta thấy, Ký Tài huynh mới thực sự là người bao dung rộng lượng, ra dáng một đấng quân tử khi xưa."
Ký Tài là tên chữ của Trần Kỳ.
Trần Kỳ vội nghiêm mặt, nói: "Cẩn thận lời nói, điện hạ cao quý như trăng trên trời, mà Ký Tài cũng chỉ là một hạt cát nhỏ nhoi, nào dám so sánh."
Đột nhiên có một tiếng cười khẩy.
Có người cất lời: "Lời này quả không sai, một đứa con thứ do ả tiện tì sinh ra như ngươi, huyết mạch hèn hạ vốn không xứng bước lên đài thi đấu.

Viết được bài văn hay thì sao? Nếu xét về thân phận, chỉ sợ ngươi còn không đủ tư cách xách giày cho Thái tử Giang quốc.

Thái tử năm mười một tuổi đã có thể viết được bài phú "Giang Đô" khiến người đời thán phục, hơn nữa còn là bài phú khiến danh sĩ khắp nơi trong thiên hạ truyền nhau chép lại.


Còn bài chim tước gì đó của ngươi, nhìn thì có vẻ hoa mỹ, nhưng thực chất toàn là lời sáo rỗng, bắt chước một cách vụng về, không bằng một cọng lông của người khác.

Gì mà Tứ công tử, ha, bộ ngươi tưởng có được cái danh "văn công tử" thì có thể xóa sạch mùi phân ngựa trên người mình ư?"
Mẫu thân Trần Kỳ xuất thân thấp hèn, lúc nhỏ hai mẹ con hắn bị người khác ức hiếp, từng sống trong chuồng ngựa ở vương cung.
Người lên tiếng cũng là một thiếu niên quý tộc của Trần quốc, vì chướng mắt Trần Kỳ ngày nào cũng ỷ vào tài viết văn hay, thu hút một đám hàn môn học sĩ chạy theo đuôi, không đặt đám con cháu quý tộc như y vào mắt, mới buông lời châm biếm.
Sắc mặt Trần Kỳ trắng bệch, giống như bị quất một roi trước nhiều người.
Nhưng chẳng mấy chốc, hắn lại khôi phục về dáng vẻ thường ngày: "Hôm nay là yến tiệc của sáu nước, nếu ngươi chướng mắt ta thì có thể tìm dịp khác nói riêng, cớ gì lại làm bẩn tai các vị khách quý nơi đây?"
Nói xong hắn xoay người tạ tội với bọn họ: "Là Ký Tài liên lụy đến chư vị, mong chư vị chớ trách."
Rõ ràng hắn mới là người bị hại, lại còn quan tâm đến tâm tình của người khác, người có lòng bao dung cỡ nào mới có thể làm được điều này, mọi người lần lượt an ủi: "Đây nào phải lỗi của Ký Tài..."
Vị thiếu niên Trần quốc kia nhìn đến chán ghét, mắng một câu "làm bộ làm tịch", rồi hậm hực rời đi.
"Ký Tài chớ nghe y nói bậy, chuyện bài phú "Giang Đô" chỉ là lời đồn.

Năm ngoái trong yến tiệc hoàng gia, có người hỏi Thái tử điện hạ về việc này, mong điện hạ viết một bài phú lên tấm bia đá, nhưng điện hạ đã công khai phủ nhận."
Một danh sĩ phụ trách bình phẩm từ chỗ ngồi đi tới, vỗ vai Trần Kỳ, an ủi: "Đứa trẻ mới mười một tuổi sao có thể viết được một bài phú phức tạp như vậy? Ngươi không cần để ý mấy lời đó."
Những người khác cũng phụ họa theo.
"Trình lão phu tử nói đúng, tài năng của Ký Tài huynh chúng ta đều thấy.

Thậm chí nói, bài văn hôm nay của huynh không thua kém gì Nhan Tề ở phương Bắc."
Nhan Tề là cao thủ văn chương Giang Bắc, nghe nói ba tuổi đã biết làm thơ, sáu tuổi biết viết văn, là một thiên tài văn học không hơn không kém, lại có vẻ ngoài tuấn tú, là mỹ nam nổi tiếng ở phương Bắc.

Tuổi còn trẻ nhưng có không ít tác phẩm để đời, bởi vậy giữa các nước có câu "Nam Trần Kỳ, Bắc Nhan Tề" hay "Nam Kỳ Bắc Tề".
Họ đều là những cao thủ văn chương, đương nhiên hiểu rõ để làm ra một bài phú "Giang Đô" như vậy phải có tài năng và tư duy sâu sắc cỡ nào.

Nếu Thái tử Giang quốc thật sự có tài, thì từ năm mười một tuổi sao có thể không có bài văn nào, cũng chưa bao giờ tham gia thi đấu trong tiệc Lưu Thương.

Đa phần là giống với khúc "Phượng Cầu Hoàng", đều do Giang quốc tự bịa đặt để nâng cao danh tiếng cho Thái tử điện hạ, tìm người viết thay.
Có điều, không biết Giang quốc tìm đâu ra người viết thay tài giỏi như vậy, khiến cho lời đồn về tác giả của bài phú đến nay vẫn còn là một bí ẩn.

Mà Thái tử Giang quốc dám công khai phủ nhận chuyện này, cũng xem như một người có trách nhiệm và phù hợp với cái danh "phẩm đức" của y.
Trần Kỳ cười gượng, tạ tội với đám người, đồng thời dìu Trình lão phu tử về chỗ ngồi.
Lúc cuộc thi gần kết thúc, quốc chủ Trần quốc mới rề rà bước đến.
Trần quốc chủ đi đứng chậm chạp, nghe nói là vừa ngủ dậy, hay tin Lạc Phụng Quân muốn so tài Thái tử nên vội vàng qua đây tạ tội với Giang Uẩn.

Đi cùng còn có Thế tử Trần quốc thật thà trung hậu - Trần Thao.
"Lão thần...!tiếp đãi không chu toàn...!khụ khụ...!thần có tội..."
Quốc chủ năm nay đã hơn sáu mươi tuổi, mái tóc hoa râm, được cung nhân dìu đến, mỗi bước đi đều phải thở dốc, nói chuyện như thể sắp lăn ra chết bất cứ lúc nào.

Nghe nói quốc sự cơ bản đã được bàn giao cho Thế tử Trần Thao.
Dù Giang Uẩn ghét ồn ào đến đâu đi nữa cũng phải kiên trì an ủi lão.
"Không kể thân phận địa vị, chỉ so tài đấu nghệ, đây mới là mục đích của tiệc Lưu Thương, sao có thể phá vỡ quy tắc vì một người?"
"Là năng lực cô kém cỏi, quốc chủ không cần để tâm."
Trần quốc chủ bảo tuyệt đối không thể bỏ qua như vậy, khiến Thái tử nước chủ mất mặt ngay trên lãnh thổ Trần quốc, lão liếc mắt một vòng, nghiêm giọng dặn dò cung nhân: "Gọi Trần Kỳ qua đây."
Chẳng mấy chốc Trần Kỳ bước vào thủy tạ, hắn không đứng vững, lập tức bị Trần quốc chủ đạp ngã xuống đất.
"Bổn vương bảo ngươi tiếp khách, giữ hòa khí buổi tiệc, mà ngươi lại giữ kiểu này? Còn không mau dập đầu tạ tội với điện hạ!"
Trong thủy tạ, Giang Uẩn khẽ nhíu mày, nói: "Không cần phải thế."
"Điện hạ không cần nói đỡ cho hắn!"
Trần quốc chủ đứng chống nạnh mắng Trần Kỳ: "Còn không quỳ xuống! Tưởng rằng bản thân viết được vài bài văn phèn là có thể xem trời bằng vung, không biết cao thấp."
"Nhi thần biết tội!"
Trần Kỳ nằm sấp dưới đất, gần như có thể cảm nhận được ánh từ bốn phương tám hướng rơi vào người hắn, có châm chọc, có hóng chuyện, cũng có đồng cảm, bàn tay trong lớp áo siết chặt thành quyền, chậm rãi dập đầu về phía bức rèm: "Là sai sót của thần, khiến điện hạ kinh hãi, mong điện hạ trách phạt."
Giang Uẩn bảo hắn đứng dậy.
Trần quốc chủ nói: "Điện hạ tuyệt đối không thể buông tha cho tên súc sinh này, phải phạt nặng, càng nặng càng tốt!"
Giang Uẩn bất đắc dĩ, cuối cùng có hơi không vui: "Cô đã nói, chuyện này không liên quan gì tới lệnh công tử, quốc chủ không cần nhiều lời.

Công Tôn Dương, đỡ Nhị công tử đứng lên."

Công Tôn Dương nhận lệnh.
Giang Uẩn cảm thấy chuyện này quả thực là một tai họa ngầm đối với Trần Kỳ, đợi Trần Kỳ đứng dậy, y nói: "Cô đánh giá cao bài văn mà Trần công tử vừa viết.

Hy vọng về sau Trần công tử có thể viết ra nhiều bài hay hơn nữa."
Tiếp đến y dặn dò Trần quốc chủ: "Việc này kết thúc tại đây, quốc chủ chớ gây khó dễ cho Nhị công tử."
Trần quốc chủ cảm kích rơi lệ.
Cuối cùng sau khi tiễn Trần quốc chủ rời đi, Công Tôn Dương hừ lạnh: "Lão già này thoạt nhìn có vẻ đờ đẫn, nhưng thực ra rất thông minh.

Nếu không thì sao lúc Lạc Phụng Quân gây khó dễ cho điện hạ lão lại không tới, đợi mọi chuyện kết thúc mới chạy qua tạ tội, làm bộ đáng thương.

Còn đẩy chính con trai mình ra, diễn một màn khổ nhục kế như vậy."
"Chỉ tội cho Nhị công tử Trần quốc."
Chuyện này mọi người đều ngầm hiểu trong lòng.
Phạm Chu bảo ông nói ít lại, tránh bị người khác nắm thóp.
Bên kia, Trần Kỳ vừa ra khỏi thủy tạ, hắn đã bị những văn sĩ khác đợi bên ngoài vây quanh.
"Chuyện vừa rồi chúng ta đều nhìn thấy, vị Thái tử Giang quốc kia thật biết cậy thế bắt nạt người khác, biết rõ Ký Tài và y đều là một trong Tứ công tử, lại dám dựa vào thân phận Thái tử nước chủ, khiến Ký Tài quỳ xuống tạ tội với y trước mặt nhiều người như thế."
"Đúng vậy, đây rõ ràng là cố ý làm khó dễ Ký Tài.

Gì mà phẩm đức cao cả, ta thấy, tất cả chỉ là khoác lác."
Trần Kỳ siết chặt tay áo, nhưng vẻ mặt vẫn nghiêm nghị nói: "Chư vị cẩn thận lời nói, chuyện vừa rồi quả thực là lỗi của Ký Tài, không giữ được hòa khí bữa tiệc, khiến cho điện hạ tức giận.

Điện hạ không trách tội đã là đại ân."
"Ký Tài huynh, huynh không cần giải thích, bọn ta đều hiểu."
"Hầy, Ký Tài, huynh cái gì cũng tốt, chỉ là thật thà quá mức!"
"..."
Có người trực tiếp kéo hắn: "Đi thôi, Ký Tài, đến đài Phu Tử, bọn ta còn rất nhiều thắc mắc về văn chương muốn hỏi huynh."
Trần Kỳ mỉm cười đáp lại.
"Được!".


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui