Trường Canh kiễng chân nhìn qua đám đông một cách khó khăn, kêu to: “Thập Lục!”
Không ai trả lời, đám đông đuổi theo cự diên bắt đầu ùa hết tới, có người reo hò, có kẻ kêu “đến rồi”, còn có kẻ phẫn nộ la “đừng chen lấn”.
Trường Canh mấy lần bị người ta đụng phải, khiến lửa giận càng bốc cao, tức sùi bọt mép gào: “Nghĩa phụ!”
Đám đông dọc theo con sông ngầm không ngừng đổ tới, Trường Canh vừa tìm kiếm vừa đứng vững một cách khó khăn trước dòng người ngược lên, nhanh chóng vã mồ hôi vì đám đông chen lấn, chút chấn động vì cự diên ban nãy đã không còn sót lại chút nào. Đụng trúng nghĩa phụ như vậy, không biết phải tổn thọ bao nhiêu năm!
Trường Canh tức tối nghĩ bụng: “Thẩm Thập Lục rõ là ăn no rửng mỡ, nóng nực như thế, thiếu gì việc để làm, lại nhất định đòi đi xem người!”
Đúng lúc này, không xa có người gào to: “Đừng chen lấn nữa, có người rơi xuống rồi!”
Trường Canh đang nhìn ngang ngó dọc không tự chủ được trông qua phương hướng tiếng gào truyền đến.
Đám đông ở bờ sông bắt đầu hỗn loạn trong quy mô nhỏ.
“Ôi mẹ ơi, sao lại rơi xuống thật rồi!”
“Qua bên kia tìm quân gia trong ca trực đi!”
“Xin nhường cho! Xin nhường cho! Không đi được vậy…”
Trường Canh vừa định nhường đường cho người đang liều mạng lách ra thì mang máng nghe thấy có kẻ nói một câu: “Thập Lục gia, cẩn thận!”
Trường Canh giật mình, hoài nghi thần kinh mình quá căng thẳng, bước lên phía trước một bước, túm một người vừa từ chỗ bờ sông chen ra: “Ai rơi xuống? Không phải Thẩm Thập Lục chứ?”
Người nọ gật bừa một cái, chẳng biết có nghe rõ Trường Canh hỏi gì hay không: “Hình như vậy – để ta ra trước nào.”
Trong đầu Trường Canh “Uỳnh” một tiếng, đang đứng trong sóng nhiệt nóng hầm hập của cự diên nhưng sau lưng lại toát mồ hôi lạnh chẳng đúng lúc chút nào. Y lập tức hít sâu một hơi, chân không chạm đất ngược dòng người chen đến bờ sông, lảo đảo vài bước mới vịn lan can đứng vững lại.
Y hoảng loạn thò đầu nhìn xuống, quả nhiên thấy một người trầy trật quẫy đạp dưới nước.
Mặt sông ngầm kia cách mặt đất sáu bảy trượng, không nhìn thấy đáy, bốc lên hơi lạnh thâm u, từng đợt sóng trắng tinh đánh qua, người dưới sông lênh đênh không nơi bám víu, ngay cả một chút động tĩnh cũng chẳng nghe được, căn bản không thấy rõ là ai.
Trường Canh cởi áo ngoài: “Nhường đường, làm phiền nhường đường!”
Bên cạnh có người kêu: “Không thể trực tiếp xuống đâu, mau lấy một sợi dây thừng cho thiếu niên kia đi!”
Không biết là ai ba chân bốn cẳng nhét một sợi dây thừng vào tay, Trường Canh nhận lấy, ngẩng đầu nhìn cự diên cơ hồ đã gần trong gang tấc một cái, vẫn nhảy xuống không chút do dự.
“Kéo chặt! Nhanh lên nhanh lên, cự diên đến là người sẽ bị xô đi đấy!”
Cự diên sắp sửa lướt qua ngay lập tức làm con sông ngầm xô lên một đợt sóng lớn cao hơn một người, Trường Canh vừa mới xuống nước, đã tức thở vì bị đánh ngay vào ngực, y uống một ngụm nước, suýt nữa bị cuốn đi, liền vội vàng túm chặt sợi dây thừng trên bờ thòng xuống, ra sức lau mặt một phen.
Tiếng nước và cự diên giảm tốc độ ầm ầm bên tai, trước mắt toàn là sóng nước, Trường Canh mang máng nghe thấy trên bờ có người hô: “Đừng thả dây nữa! Cự diên đến rồi, mau kéo thiếu niên kia lên, không còn kịp nữa đâu!”
Trường Canh: “Chờ một chút!”
Nhưng tạp âm dưới nước to đến mức cả tiếng la của chính mình mà y cũng không nghe rõ.
Y vừa liều mạng phất tay ra hiệu cho người trên bờ đừng kéo dây, vừa gắng sức bơi đến nơi sóng xô mạnh nhất.
Trong cảnh hỗn loạn có người túm bàn tay y đang sờ soạng khắp nơi, Trường Canh không kịp nghĩ nhiều, nắm ngược cổ tay người nọ kéo vào lòng, không đợi y thấy rõ là ai, cự diên đã “ù ù” chạy đến.
Người trên bờ không dám trì hoãn thêm, sợi dây thừng thô ráp đã thít chặt thắt lưng y, sức mạnh đánh tới, người Trường Canh chợt trĩu xuống, được mấy hán tử trên bờ hợp lực kéo lên.
Vừa lên khỏi mặt nước, y mới cảm thấy trọng lượng trong tay không đúng. Trường Canh chớp rơi bọt nước quanh lông mi, đột nhiên phát hiện y lôi lên căn bản không phải Thẩm Thập Lục, mà là một đứa bé mười một mười hai tuổi – nha đầu dỏm Tào Nương Tử.
Lúc này, một tiếng kèn ngân dài trên cự diên như trường đao đâm vào tai vang ong ong, Trường Canh không kịp nghĩ nhiều, hét lớn một tiếng, đưa Tào Nương Tử ngắc ngoải lên trước.
Người trên bờ hè nhau lần lượt kéo hai thiếu niên lên, nhưng vẫn chậm, hai chân Trường Canh còn ở ngoài bờ sông, cự diên đã lao vút tới không hề dừng lại, một hỏa sí sắp sửa quét trúng chân y, nó còn chưa đến mà lệ phong nóng rực đã cuốn tới trước, khiến da thịt đau rát.
“Không thể đụng vào hỏa sí!”
“Cẩn thận!”
Lúc này, một đôi tay tái nhợt đột nhiên chìa ra, xuyên qua mọi tiếng thét, túm hai tay Trường Canh kéo cả người bay vọt lên, một vòng người chung quanh tập thể kinh hô khom lưng, Trường Canh cảm thấy mình sắp sửa bay thẳng ra ngoài, nhưng ngay sau đó y đã rơi vào lòng một người.
Y không nhịn được hít sâu một hơi, mùi thuốc nháy mắt xộc vào mũi, Trường Canh ngẩng phắt lên, chóp mũi suýt nữa cọ trúng khuôn cằm như dao gọt của Thẩm Thập Lục.
Thẩm Thập Lục mặt trầm như nước: “Ta mới lơ là một chút, mà con đã gây họa rồi!”
Trường Canh bị y tranh nói trước, nhất thời không thốt được gì.
Thẩm Thập Lục nổi giận: “Trên bờ ngần ấy quan binh, cần một đứa trẻ ranh như con đứng ra cứu người sao?”
Trường Canh: “…”
Trái tim thấp thỏm treo cao rơi phịch xuống chỗ cũ, máu đọng ở ngực tuôn ra tứ chi tê dại như vỡ đê, đến lúc này, hơi thở đầu tiên mới phun ra toàn bộ, khó chịu đến mức ngũ tạng lục phủ muốn lộn ngược, hai chân mềm nhũn suýt nữa không đứng nổi.
Tào Nương Tử đã được khiêng sang bên kia, sặc sụa một hồi rồi từ từ tỉnh lại. Thẩm Thập Lục thấy đứa trẻ đó không có gì đáng ngại, liền dẫn Trường Canh chui ra khỏi đám đông. Y cau mày rất sâu, lôi Trường Canh đang nhũn chân phải loạng choạng, vừa đi vừa quở mắng: “Độ nóng của hỏa sí còn chưa giảm, vạn nhất bị nó chạm phải là có thể mất luôn nửa cái chân, con tính làm một kẻ thọt hết nửa đời sau à? Đồ nhóc con không biết nặng nhẹ…”
Trường Canh run rẩy định thần lại, còn chưa kịp nói gì đã phải nghe Thẩm dở điếc làm ác nhân cáo trạng trước, thế là một bầu lửa giận lập tức sôi trào.
Y cứng cổ quát: “Ta còn cho là người bị rơi xuống!”
Thẩm Thập Lục nhướng hàng lông mày dài đa tình: “Bớt tìm cớ đi, ta lớn thế này rồi, sao lại vô duyên vô cớ rơi xuống sông được?”
Trường Canh: “…”
Trái tim hễ quan tâm là loạn của y hoàn toàn bị coi thành gan phổi lừa, nhiệt khí từ cổ tuôn thẳng đến tai, đỏ bừng hết lên, nhất thời không rõ là xấu hổ hay giận dữ, chỉ biết là nước phàm đã không thể làm gì được một bụng yêu hỏa này. (Gan phổi lừa rất khó ăn nên rẻ như bèo, trong khi hảo tâm thì đắt.)
“Được rồi, đừng ở đây ồn ào nữa,” Thẩm Thập Lục sờ mái tóc dài sũng nước của Trường Canh, cởi ngoại bào khoác cho, “Ở đây quá loạn, hôm nay ta tạm không tranh cãi với con, mau về nhà thay quần áo, coi chừng cảm lạnh.”
Y trái lại còn rất rộng lượng!
Trường Canh nổi giận đùng đùng hất tay Thập Lục, động tác hơi mạnh, bàn tay không biết đụng phải vật cứng gì trong tay áo, làm xương đau nhói.
Thẩm Thập Lục nói: “A, đó là son ta mới mua, nhớ mang về cho mẹ con… Ơ, Trường Canh, con đi đâu thế?”
Trường Canh không đợi y dứt câu, đã chẳng nói một lời bỏ y lại mà chạy mất.
Kỳ thực Trường Canh biết mình chỉ đang cố tình gây sự thôi. Y đơn thuần tin theo ấn tượng đầu, chỉ nghe một câu, căn bản chưa thấy rõ là ai bị rơi, đã hoảng hốt nhảy xuống nước trước, bị nghĩa phụ quở mắng là không trách được.
Nhưng vừa nghĩ đến khi mình nóng lòng như lửa đốt, tên sắc hoại kia lại thảnh thơi đứng chọn son, y liền tức giận đến đau cả ngực, vô luận thế nào cũng không dằn xuống nổi.
Thẩm Thập Lục tự dưng bị Trường Canh bỏ lại, lúng túng sờ sờ mũi, chẳng tài nào hiểu nổi, đành phải quy cho là nam hài đều có độ tuổi hỉ nộ vô thường như vậy. Thập Lục gia lần đầu làm cha hơi khổ não, nghĩ bụng: “Sớm biết vậy đã giữ thiết oản khấu lại hôm sau hẵng cho, lần này giận thật rồi, phải dỗ dành sao đây?”
Y chắp tay sau lưng đứng cách bờ sông ngầm không xa không gần, cự diên đã ầm ầm đi qua, ánh đèn ở phần đuôi lúc sáng lúc tối, con sông ngầm phía sau chậm rãi đóng lại, Thẩm Thập Lục chỉ khổ não giây lát, liền bắt đầu nhìn chằm chằm hướng ngọn đèn sau, nhưng ánh mắt không rời rạc như bình thường khi nhìn ra xa, sau đó từ từ nhíu mày.
Bỗng nhiên, thân hình y thoáng cái đã như cá bơi mà mất hút trong đám đông, chân bước không một tiếng động, đi nhanh chóng vô cùng, chớ hề lề mề như bình thường bước qua bậc cửa cũng phải cúi đầu nhìn cả buổi.
Trường Canh ủ rũ trở về nhà, gió nóng thổi qua nước sông lạnh buốt trên người làm y bình tĩnh hơn, vẻ tức giận đầy trên mặt dần dần tiêu tan.
Đôi mắt y cực kỳ giống Tú Nương, khuôn mặt mới phát triển đường nét rất sâu, có một chút không giống người Trung Nguyên… nhưng cũng không giống ngoại tộc lắm, tóm lại đó là vẻ anh tuấn rất đặc biệt.
Trường Canh vừa bước một chân vào cửa, đã gặp lão trù nương kiễng đôi chân bó nhìn ra ngoài, thấy y nhếch nhác, lão trù nương thoạt tiên giật nảy mình: “Ối, sao lại biến thành như thế?”
“Không sao,” Trường Canh uể oải nói, “Có người rơi xuống sông, ta tiện tay kéo lên, làm ướt hết cả người.”
Lão trù nương bước nhỏ đi theo sau y, dông dài: “Phu nhân nói chưa vội dọn cơm, tôi thấy chắc là bà muốn chờ bách hộ lão gia – Đúng rồi, phu nhân bảo thiếu gia bao giờ về thì đến phòng bà một chuyến, nói là có chút việc riêng giữa hai mẹ con.”
Trường Canh dừng chân, bả vai không tự chủ được căng lên, giây lát sau y gật đầu với khuôn mặt không biểu cảm, trước tiên về phòng thay quần áo khô, vừa bực bội vừa cẩn thận gấp gọn ngoại bào của Thẩm Thập Lục đem cất, xong rồi mới cầm hộp son đi sang phòng Tú Nương.
Lão trù nương rất tò mò về mối quan hệ mẫu tử quỷ dị giữa họ, không dám công khai thăm dò, đành phải đi theo nghe ngóng.
Đến trước cửa phòng Tú Nương, Trường Canh sửa sang lại áo mũ đàng hoàng, trịnh trọng như muốn gặp khách, trông chỉnh tề quy củ rồi, lúc này mới gõ cửa, cúi đầu hạ mắt gọi: “Mẹ.”
Trong phòng truyền ra tiếng nữ nhân lạnh tanh: “Vào đi.”
Trường Canh mở cửa, sau khi vào phòng lại quay đầu nhìn lướt qua, lão trù nương nhìn lén gặp ánh mắt y thì giật mình vội vã ngó đi chỗ khác, sau đó thò đầu dòm lần nữa thì cửa đã đóng lại, chẳng trông thấy gì.
Trong phòng Tú Nương rất tối, cửa sổ hướng mặt trời đã bị kéo rèm.
Bà ta giống như không muốn thấy ánh sáng, một mình ngồi trong một góc tối om, trước mặt là gương trang điểm.
Nhìn thấy bóng lưng bà ta, Trường Canh thoáng nhíu mày – Tú Nương chẳng biết uống nhầm thuốc gì mà mặc áo ngắn và váy(1) màu vàng nhạt, chải kiểu tóc của thiếu nữ chưa gả chồng. Năm tháng thâm tình hậu nghĩa, lại thêm trong phòng khá tối, dễ dàng che đi vài nếp nhăn nhỏ nơi khóe mắt, nên trông cứ như một thiếu nữ đôi tám vậy.
Trường Canh mở miệng muốn gọi, Tú Nương lại nói trước: “Không có người khác, không được gọi ta là mẹ – Đã mua son chưa?”
Trường Canh nghe vậy, không nói một lời nuốt lại tiếng “mẹ” thứ hai, để ngũ tạng lục phủ tiêu hóa sạch, sau đó đi tới, vứt nhẹ hộp son được ủ ấm trong tay lên bàn trang điểm của Tú Nương.
“Ôi, hộp này màu đẹp, tươi tắn.” Tú Nương rốt cuộc nở nụ cười mỉm bủn xỉn.
Bà ta dùng đầu ngón tay quết một ít son, bôi lên đôi môi nhợt nhạt, hào hứng ngắm nghía mình trong gương, hỏi: “Đẹp không?”
Trường Canh thần sắc lãnh đạm đứng bên không lên tiếng, trong lòng âm thầm lấy làm lạ, không biết Tú Nương tự dưng gọi mình tới làm gì.
Y đang nghĩ như vậy thì một bên mí mắt đột nhiên giật giật không hề báo trước, Trường Canh giật mình, trong minh minh giống như tâm sinh dự cảm xấu.
Đúng lúc này, Tú Nương mở miệng: “Về sau ở trước mặt người ngoài cũng không cần gọi ta là mẹ nữa, duyên phận giữa mẫu tử chúng ta, hôm nay xem như kết thúc.”
Nói xong bà ta ngẩng khuôn mặt trang điểm rạng rỡ, chìa đôi tay như cọng hành, giống như định chỉnh lại cổ áo cho Trường Canh.
Trường Canh bất ngờ né ra sau: “Ý bà là sao?”
—Loại váy này gọi là “nhu quần” gồm áo ngắn (nhu) không quá đầu gối và váy dài (quần), xuất hiện từ thời Chiến quốc, phát triển từ thời Ngụy Tấn, đặc biệt thịnh hành vào thời Đường, đến thời Nguyên Minh thì không còn lưu hành nữa.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...