Vừa rồi có hai người, một kẻ uống say bí tỉ bước đi loạng choạng, một kẻ rên rỉ mấy khúc nhạc dâm dật, vừa mới đi qua. Nhưng gã lại biết, hai kẻ này chẳng những không uống say, mà cũng chẳng có lòng dạ ca hát: hai người này là Cẩm y vệ, hơn nữa còn là hảo thủ trong đám Cẩm y vệ nữa!
Nhưng hai người này không phát hiện ra gã, gã ở ngay trên cái xà nhà phía trên đầu họ, bất cứ lúc nào cũng có thể buông người xuống ngắt lấy cái đầu quả dưa của hai bọn họ.
Hai người này cũng không phát hiện được, ngoài gã ra, còn có tám người nữa.
Tám người này cũng giống như gã. Áo đen bó sát, người mang lợi khí, từ tám hướng đến đây, ẩn nấp trong bóng tối làm thích khách, vì một trận chém giết mà tới đây.
Gã hiểu rất rõ, nếu không có một tiếng ám hiệu, bất cứ ai cũng không động thủ trước, vì thứ nhất, hành động ám sát lần này, mục tiêu là một thái giám uy danh chấn động cả trong triều ngoài nội, bản thân thái giám này cũng là một kẻ sát nhân khét tiếng, vì vậy hành động ám sát, tuyệt đối không thể thất thủ, hơn nữa còn phải thà chết tại trận, chứ quyết không thể bị bắt, bởi vì chịu đựng hình phạt tra tấn của bọn hoạn quan, thật sự là sống không bằng chết.
Phố dài tĩnh lặng.
Xa xa thi thoảng lại vang lên mấy tiếng chó sủa thê thiết.
Gã nằm trên mái ngói trươn tuột lạnh lẽo, tay phải chầm chậm thò ra dưới eo lưng, chạm vào một cái vỏ da vừa lạnh lẽo lại vừa dẻo dai.
Đây là thanh trủy thủ vỏ da cá mập của gã, trủy thủ vẫn còn. Khi thời cơ đến, gã sẽ từ đây nhảy xuống, rút dao ra giữa không trung, bổ về phía cỗ kiệu. Đối tượng của gã là tên đi mở đường ở góc trái cỗ kiệu và tên kiệu phu phía trước.
Tám người ở đây, mỗi người đều có nhiệm vụ riêng, nếu không, mục tiêu cuối cùng sẽ không thể đạt được, vụ ám sát này sẽ trở nên hoàn toàn không có ý nghĩa.
Nhiệm vụ của mỗi người đều rất khó khăn. Gã biết người gã phải đối phó là một tên đầu lĩnh Cẩm y vệ, tên là Vũ Tri Nhân, ngoại hiệu “Đuổi tận giết tuyệt”, là Nhất Đao trong “Tam bất lưu” dưới trướng Hứa Hiển Đồn. Tên Vũ Tri Nhân này giết người như ngóe, mới về dưới trướng Hứa Hiển Đồn chưa được hai tháng, nhưng thủ đoạn lang độc, lòng dạ tàn ác của y thì ai ai cũng biết. Trong đó, một vụ tương đối nổi bật, chính là chuyện y giết hại Nội các trung thư Uông Văn Ngôn một cách dã man trong ngục.
Uông Văn Ngôn là người huyện Nguyên, lòng dạ hiệp nghĩa mà lại có trí tuệ, áo vải đến kinh sư, từ tên trộm hàng rồi trở thành Giám sinh, theo đảng Đông Lâm, nhiều lần lập kế phá các đảng phái của bọn gian thần, giao du rất thân thiết với mấy vị trung thần dám dâng tấu can gián trong hoàn cảnh triều chính đang nằm trong tay bọn nội nghiệt hoành hành như Tả Quang Đẩu, Hàn Lưu, Triệu Nam Tinh, Ngụy Đại Trung, mấy người chung một chí khí. Ngụy Trung Hiền căm hận người đảng Đông Lâm, nghe theo kế sách của Đại Lý Tự thừa Từ Đại Hoa, vu hãm cho Uông Văn Ngôn nhận hối lộ của Dương Hạo, Hùng Diên Chúc. Nhân vụ việc này mà kéo cả các danh tướng trọng thần như Hùng Diên Chúc và Tả Quang Đẩu liên lụy theo.
Ban đầu Nguyễn Đại Thành, Phó Hòe hạch tấu Uông Văn Ngôn, may được Trấn phủ tư Lưu Kiều, Tòng ngự sử Hoàng Khanh Hiếu, Diệp Hướng Cao lên tiếng bênh vực, nên chỉ phạt Uông Văn Ngôn trượng hình. Ngụy Trung Hiền sau đó lại cho tên nha trảo Hứa Hiển Đồn phụ trách vụ án này. Ngự sử Lương Thu Hoàn cầu kết với Ngụy Trung Hiền, dâng tấu vu tội cho Uông Văn Ngôn. Kết quả là họ Uông lại một lần nữa bị hạ ngục, chịu đựng đủ thứ hình phạt tàn khốc, sau ba ngày thì đã không thành nhân dạng.
Khi đem Uông Văn Ngôn đi xử lại, Hứa Hiển Đồn lại càng thêm trọng hình, buộc họ Uông vu hãm cho Dương Liên, Tả Quang Đẩu. Uông Văn Ngôn là bậc hảo hán có cốt khí, thủy chung cũng không chịu cúi đầu, Hứa Hiển Đồn liền ra lệnh dùng hình, lấy kim châm đâm thủng màng nhĩ bên phải Uông Văn Ngôn, dùng kìm sắt nhổ hết móng tay bàn tay trái của y, Uông Văn Ngôn đau đớn tưởng chết, nhưng vẫn quyết không chịu nhận tội.
Hứa Hiển Đồn giả bộ vui vẻ hòa nhã, dùng lời ngon lẽ ngọn dụ dỗ đối phương khai tội cho Tả Quang Đẩu, Dương Liên, rồi sẽ lập tức phóng thích, còn cho hưởng thụ phú quý vinh hoa, bằng không ắt sẽ chu diệt toàn gia. Uông Văn Ngôn nói: “Ngươi muốn ta nhận tội gì, cứ viết ra là được, ta chấp nhận ký tên, nhưng vu hãm người khác, ta đây quyết không làm đâu.” Hứa Hiển Đồn giả bộ đồng ý, đi viết bản cung khai, lừa Uông Văn Ngôn ký tên vào, rồi lấy đó làm chứng cớ, thỏa sức giày vò họ Uông, buộc y phải khai nhận có kẻ đồng mưu, nhưng Uông Văn Ngôn đương nhiên là không chịu, họ Hứa kia càng thêm tức giận, ra lệnh tiếp tục dùng hình, khiến hai chân Uông coi như đã phế.
Đến cuối cùng, Uông Văn Ngôn không chịu được tra khảo, ngước mắt lên nhìn Hứa Hiển Đồn nói: “Rốt cuộc ngươi muốn thế nào, ta đều nghe cả.” Hứa Hiển Đồn ngỡ Uông Văn Ngôn chịu cung khai, liền thôi dụng hình. Uông Văn Ngôn gượng sức bò đến trước án ngửa mặt kêu lên thê thiết: “Oan to tày trời! Dương, Tả đều là bậc hiền lương, thẳng thắn vô tư, sao lại có lũ phản tặc ngày đêm vu hãm? Ta thà chết cũng không dám vu oan cho người!” Dứt lời, liền ngã gục xuống đất. Hứa Hiển Đồn thấy vậy cũng không khỏi giận mình, không bức cung thêm nữa, mà trong lòng sinh kế, tự lấy giấy bút viết lời khai. Chẳng ngờ Hứa Văn Ngôn lại từ từ tỉnh lại, bi phẫn thét lên: “Ngươi đừng hòng viết bừa! Ngày sau ta sẽ đối chất với ngươi!” Hứa Hiển Đồn nghe vậy, “cách cách” một tiếng, bút rơi xuống đất, nhất thời cũng không viết tiếp được nữa, đành ra lệnh cho ngục tốt kéo Uông Văn Ngôn đi.
Đêm đó, Hứa Hiển Đồn vẫn ngụy tạo lời khai, rồi lệnh cho Vũ Tri Nhân giả bộ đến thăm ngục. Võ Tri Nhân vốn là hào hữu của Uông Văn Ngôn, cùng học một thầy, một người học kiếm, một kẻ học đao, họ Uông được Đại học sĩ Diệp Hướng Cao yêu thích, đồng thời cũng đề bạt đồng môn Vũ Tri Nhân. Nhưng Vũ Tri Nhân thấy Đông xưởng của Ngụy Trung Hiền thế lực mạnh, nên đã ngấm ngầm tư thông, lúc Uông Văn Ngôn bị bắt, họ Vũ sợ liên lụy, nên đã đầu về dưới trướng Hứa Hiển Đồn. Hứa Hiển Đồn lệnh cho y đi dụ Uông Văn Ngôn ký tên, chính là để lập công chuộc tội.
Vũ Tri Nhân cố ý làm cho mình thương tích khắp người, rồi sai người giải vào nhà ngục, giam chung phòng với Uông Văn Ngôn, ra sức an ủi, về sau lại mượn cớ mình tội nhẹ, được đám quyền thần như Ngự sử Cao Phán long, Hoàng Hậu Tố cứu ra, trước lúc rời ngục lại tỏ vẻ lưu luyến, khuyên Uông Văn Ngôn viết di thư dặn dò gia quyến và hai người Dương, Tả biết đường mà tránh nạn. Uông Văn Ngôn vì nước gừng nước ớt làm mù hai mắt, lại tín nhiệm Vũ Tri Nhân, tưởng rằng thư này được viết theo ý mình, bèn ký tên vào dưới. Chẳng ngờ đó lại chính là lời khai vu hãm Dương Liên, Tả Quang Đẩu, Ngụy Đại Trung, Viên Hóa Trung, Chu Triều Lệ, Cố Đại Chương mấy người do Hứa Hiển Đồn viết ra. Họ Hứa được thư này, liền lập tức nhập cung, Ngụy Trung HIền lấy đó làm chứng cớ, đường hoàng cho người bắt sáu người giam lại, để Hứa Hiển Đồn mặc sức tra khảo, máu thịt bầy nhầy, thảm thiết hết chỗ nói, đồng thời lại nói cho biết tội chứng chính là do Uông Văn Ngôn cung cấp.
Vũ Tri Nhân đợi Uông Văn Ngôn ký tên xong, lập tức lộ ra bộ mặt thật, mắng nhiếc làm nhục người bằng hữu đã mù của mình một trận, rồi đem y xẻ gan moi thịt tại chỗ, lăng trì đến chết. Võ Tri Nhân làm như vậy, là muốn lấy được tín nhiệm của Hứa Hiển Đồn, chứng tỏ bản thân mình rất trungt hành với họ Hứa.
Hứa Hiển Đồn đích thực là cũng tương đối hài lòng với biểu hiện của Vũ Tri Nhân, mà họ Hứa xưa nay cũng rất coi trọng cậy đến khoái đao của Vũ Tri Nhân, vậy là Vũ Tri Nhân liền trở thành một trong ba đao thủ dưới trướng Hứa Hiển Đồn, mà người gã thanh niên trên mái nhà kia phải đối phó, cũng chính là tên Vũ Tri Nhân này.
Gã hiểu rất rõ, một toán chín người này của mình, mỗi người đều có một nhiệm vụ, tuyệt đối không chấp nhận sai sót lầm lẫn, gã phóng xuống là phải kiềm chân được Vũ Tri Nhân, khiến tên khiêng kiệu phía trước rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, tám cao thủ khác, có hai người chuyên đối phó hai tên đao thủ còn lại của Hứa Hiển Đồn. Ba người khác, sẽ giết những tên cẩm y vệ khác, tạo ra cảnh hỗn loạn, hai người nữa sẽ toàn lực hành thích Hứa Hiển Đồn, một người chuyên dùng ám khí đánh tắt hết mọi đèn lồng, ở trong bóng tối áp trận.
Đèn lồng tắt hết, tất cả sẽ chìm vào màn đêm tối thui, nhưng cả chín người bọn gã, thường ngày đều đã được huấn luyện rất nghiêm khắc, trong bóng đêm vẫn có thể lờ mờ nhận biết sự vật, hơn nữa trước khi xuất thủ bọn gã đã nhận chuẩn phương vị, tuyệt đối là có lợi hơn.
Phải đánh tắt đèn là vì nhân số bọn gã ít, đối phương đông hơn đến gấp ba lần, hơn nữa chỗ này cách nha môn không xa lắm, viện binh của bọn chúng sẽ đến trong thời gian rất ngắn.
Vì vậy bọn gã nhất định phải hạ thủ trong một sát na, khoảnh khắc sau là phải đắc thủ, rồi triệt thoái trong chớp mắt.
Lần ám sát này, phải làm cho sạch sẽ gọn gàng, phải làm cho chuẩn xác không sai, bọn gã đã tính toán phương pháp xuất thủ, cũng định sẵn cả đường rút lui.
Thậm chí bọn gã còn đoán trước cả thời tiết hướng gió, chọn lựa một đêm không trăng nhiều gió để hành động.
Đợi ám hiệu, tắt đèn lồng, ám sát Hứa Hiển Đồn!
Hành động này của bọn gã, được gọi là:
“Đèn lồng”.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...