Edit: Thịnh Ái Tư Tư
Nhưng con trai đẹp thì có khác gì? Có hơn gì?
Tôi đã xem kỹ hình các ông bác học in trong sách học sinh. Từ Archimedes, Newton, Mendeleev, Pascal, Pythagoras ... chả ông nào đẹp trai. Chả ông nào có một cái răng như Vĩnh Thụy. Thậm chí, đã xấu lại còn già. Nhưng thầy Lịch sử thì sao? Đẹp ngời ngời và thông minh chói lọi.
Hãy nghĩ đi các bạn. Trong thành phố này hàng ngày có cả triệu đàn ông trai tráng vẫn ăn bánh bao. Có nhiều anh còn ăn say mê, ăn ngầu nghiến.
Nhưng chỉ có Thầy đứng kia không cần ăn, chỉ nhìn và nếm một chút đã biết từ cách làm bánh đến dòng dõi của chủ bánh.
Thông minh đến độ rùng mình, toát mồ hôi, khâm phục. Phải làm quen cho được, có chết cũng cam lòng.
Nghe mà buồn cười nhỉ? Ngày nào Thầy trò chả gặp nhau.
Dạ vâng. Nhưng đó là gặp trên lớp. Thầy ngồi trên bục giảng, còn nữ sinh ngồi dưới lắng nghe. Muốn nói gì phải giơ tay, Thầy kêu cũng chưa chắc trúng mình.
Còn ở ngoài sân trường và hành lang, thầy cô không vội vã đi qua ta thì ta cũng vụt qua thầy cô, lấy đâu ai dừng lại.
Chưa khi nào, chưa ở đâu, tôi thấy giáo viên và học sinh quây quần quanh các xe bắp nướng, ngồi sát nhau bên thúng đậu phộng luộc, hoặc cùng chuyền tay uống chung một ly nước sâm bán ở cổng trường.
Mà những giây phút đó, nói lời tâm tình mới hợp.
Ki Ki ơi. Ly Cún ơi. Làm sao bây giờ?
Nhắn tin cho Thấy ư? Nhục chết. Sống nhục đã khó, ăn nhục cũng khó, yêu nhục còn khó vạn lần.
A, nghĩ ra rồi. Chỉ còn cách tự nhiên nhất để nữ sinh gặp thầy giáo, là hỏi bài. Không một thầy giáo nào, dù khó tính đến đâu, lại khó chịu khi một nữ sinh xinh đẹp bỡ ngỡ, mắt chớp chớp, má bầu bĩnh nhờ vả.
Mắt chớp thì Ly Cún có. Xinh đẹp thì Ly Cún có. Má bầu bĩnh Ly Cún này cũng có luôn.
Nhưng bài đâu ra?
Chả lẽ lao tới Thầy ở giữa sân trường, hỏi thì thầm:
-Thưa Thầy, Nhật Bản từ năm 1918 đến năm 1929 ra sao?
Muốn biết cứ mở sánh Lịch sử lớp 11 ra, tìm trang 74 mà học thuộc lòng. Việc gì phải hỏi ai.
Hoặc sáng tạo hơn, chạy tới Thầy và nói:
-Thầy ơi, hôm trước Thầy đã nếm bánh bao của bạn Hoa. Hôm nay Thầy hãy nếm bánh phồng tôm của em và cho ý kiến.
Khùng.
Nhưng có cách nào để khỏi khùng không?
A, xong rồi. Nếu có thể học Sử qua phim, tại sao không làm thân với thầy giáo dạy Sử qua phim nốt.
Giờ ra chơi, tôi chờ thầy giáo đi ở hành lang thì xông ra, chặn lại. Tay tôi vẫn cầm tập vở để nhỡ có ai nhìn thấy sẽ cho việc ấy rất tự nhiên:
-Thưa Thầy, cho em hỏi một chút ạ.
Thầy vui vẻ:
-Ừ. Có gì vậy Ly?
-Thưa Thầy, ngoài “Gatsby vĩ đại” ra, Leonardo đóng phim gì thành công nhất ạ?
-Ồ, Thầy nghĩ là Titanic.
Tôi cười:
-Dạ, em có xem phim đó tới ba lần. Em rất thích cảnh cuối cùng khi hai người nổi trên mặt biển giữa bầu trời sao.
-Thầy cũng thích. Đôi bạn đó cùng bơi trên mặt gỗ.
Tôi hỏi độp luôn. Đánh đùng một cái, không chút quanh co:
-Vậy thưa Thầy, sao hôm Ki Ki hẹn Thầy ra bể bơi, Thầy không tới?
Và tôi suýt té xỉu khi Thầy cũng trả lời luôn không chút quanh co:
-Vì Thầy tin hôm ấy em không dám bơi.
Đùng quá còn gì. Nhưng tôi không khi nào nghĩ Thầy sẽ trả lời vậy. Sẽ bảo rằng bận, sẽ bảo rằng giữa giáo viên và nữ sinh như thế không nên. Sẽ có ngàn lý do. Nhưng đúng hôm ấy, Ly Cún hoàn toàn không có ý định bơi. Không dám.
Tôi sửa chữa rất nhanh:
-Vậy thưa Thầy, thứ bảy này em dám bơi, Thầy có đến không ạ?
Thầy giáo cười to:
-Chắc chắn đến rồi. Cám ơn Ki Ki. Thứ bảy nhé. 7 giờ 30 sáng.
Thầy đi, tôi sửng sốt nhìn theo. Mọi sự sao mà đơn giản thế.
Tôi đã xem rất nhiều phim sến, khi cô gái hẹn chàng trai, hoặc chàng trai hẹn cô gái đi chơi, cả hai phải đỏ mặt, phải nói ngập ngừng, giọng run run.
Chân cô gái thì di di dưới đất. Tay chàng trai thì xoắn vào nhau. Chim chóc, cỏ cây xung quanh im lặng.
Còn thầy giáo nhận lời với giọng rất to, toàn thân Thầy đứng thẳng tắp, chả xoắn bất cứ cái gì.
Chung quanh không hề im lặng mà học trò vẫn chạy nhảy ầm ầm, xe cộ vẫn bóp còi inh ỏi, ông bán bánh giò ngoài cổng trường vẫn rao oang oang.
Rộn ràng đến vậy là cùng.
Hôm nay mới là thứ tư, tới thứ bảy còn ba ngày nữa. Trong ba ngày ấy, xin Trời Phật xá tội, tôi chỉ nghĩ về một thứ, lo về một thứ:
Bikini.
Bởi lần này tôi sẽ đi bơi. Như Ly Cún đã từng có lúc tiết lộ, có cô gái sinh ra để mặc bikini. Có cô gái không khi nào nên mặc. Nhưng cô nào cũng phải nghĩ đến.
Bikini không phải là cái áo mưa, ta chạy ào ra đường, vớ ào lấy một cái và khoác vào thân.
Bikini cũng không phải đôi dép lê, mình xỏ béng vô, rồi khập khiễng chạy ra đầu hẻm, đuổi theo bà bán đậu hũ, sợ bà đi mất.
Bikini càng không phải là mẫu bánh mì, mỗi sáng thức dậy, nữ sinh vừa vội vã soạn sách vở, vừa nhai.
Mặc dù đã tắm biển và đã tắm bể bơi nhiều lần, tôi dư sức hiểu rằng mình chưa có một bikini đúng nghĩa.
Vậy mà Ly Cún đã từng mặc những ba bộ.
Bộ thứ nhất do Mẹ mua khi bà có việc sang Thái Lan. Nó in hình những bông hoa to tướng, đủ màu. Mặc vào tôi như cái bình bông.
Bộ thứ hai do nhỏ bạn xuất cảnh tặng lại. Nó vàng như một cái bánh xèo, nhưng lại không vàng đều, thế mới đáng ghét. Có lần Mai nhìn thấy, kêu đó là bánh xèo âm phủ. Tôi hoảng quá phải quăng luôn.
Còn bộ thứ ba, tôi sắp sửa đi mua.
Trời ơi trời, có bạn nào thương lấy Ly Cún tội nghiệp này không?
Người ta hẹn trai lần đầu phải lo đầu tóc, lo má hồng, lo giày dép hoặc lo váy xòe, còn Ly Cún lo bikini.
Ngựa quá. Đáng đời.
Tôi lén lút chờ trời sẩm tối, phóng xe máy tới tiệm đồ tắm trên đường Lý Tự Trọng. Với phương châm hành động:
-Không to quá, cũng không nhỏ quá.
-Không hở quá, cũng không kín quá.
-Không lòe loẹt quá, cũng không nhu quá.
-Và cuối cùng, không rẻ quá, cũng không đắt quá.
Có nhiều thứ lần đầu tiên khi ta mười bảy tuổi, các bạn gái ạ. Trong đó có lần đầu vô tiệm bikini.
Ly Cún bước vào tiệm thứ nhất, và giật mình chạy ra ngay. Trong tiệm đang có một đứa con trai. Chả hiểu là chủ tiệm hay là khách hàng. Nhưng như vậy làm sao mua nổi?
Áo tắm không phải là bước lên bảng đen. Mua áo tắm Ly Cún không cần khán giả.
Húc đầu vào tiệm thứ hai, tôi choáng váng khi đủ màu sắc, đủ kích cỡ và kiểu dáng treo la liệt, lủng lẳng, và tòn ten trên các móc, có bộ nhỏ như sợi dây, cũng có bộ to như cánh buồm, chắc dùng cho con dê hay con tê giác xuống biển.
Cô bán hàng thấy Ly Cún vào thì đâm bổ tới. Đầu tiên cô khen Ly đẹp. Nghe cũng hơi khoái dù điều ấy đã thành chân lý lâu rồi. Sau đó cô khen Ly Cún có “boby” chuẩn.
Dừng lại
Các bạn gái của tớ ơi, các bạn có hiểu “body” chuẩn là gì không? Ngay cả một kẻ thông minh như tớ cũng không rõ lắm về vấn đề này. Càng tìm hiểu trong các tạp chí dành cho con gái, màu sắc om sòm bán đầy ngoài vỉa hè, Ly Cún càng hoang mang, bối rối.
Kẻ thì nói chuẩn thì phải gầy, thậm chí gầy như con cá khô càng tốt. Kẻ thì nói chuẩn phải bầu bĩnh, má phính như búp bê. Đứa lại cương quyết “body” đẹp phải nhiều đường cong, cong tứ tung, cong đủ thứ, cong đến gãy gập cả người thì mới tuyệt vời.
Nghe chả biết đâu mà lần, do đó Ly Cún quyết định thầm trong bụng “body” ta đẹp khi thấy bọn trai cong đuôi chạy theo ta nhiều.
Nhưng thú thực là chính trai cũng quá lung tung. Lúc chúng xô vào một đứa béo tròn, lúc chúng nháo nhào cạnh một đứa gầy như que kem. Hôm nay chúng ngưỡng mộ các cô gái cao như cây sào, ngày mai chúng chết đứ đừ với cô nhỏ xíu như hột mít, chả biết đâu mà lần.
Do đó Ly Cún hiểu mình có “body” rất hay, nhưng hay tới cỡ nào thì không bao giờ hiểu.
Tiếp tục
Nếu có một cửa hàng nhiều màu sắc nhất trên cuộc đời này thì chắc chắn đó phải là nơi bán áo tắm con gái. Xanh có, vàng có, đỏ có, tím có, và mắm tôm cũng có luôn.
Băn khoăn với màu sắc, băn khoăn với kích cỡ và băn khoăn với kiểu dáng khiến tôi toát hết mồ hôi. Mua đồ, hóa ra còn mệt hơn đi học. Bây giờ mới hiểu những đứa học rất giỏi có khi do chúng ngại đi mua đồ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...