Sao Mợ Không Về Thăm Cậu Hai

Thấy cậu ba cứ ngồi trầm ngâm như vậy rất lâu, tôi cầm lòng không đặng mà nói: "Tui xin lỗi... Nhưng cậu cũng đừng có buồn, tui tin là cậu sẽ tìm được người con gái hiền hậu, đảm đang và yêu thương cậu thật lòng mà."

"Tui sẽ không lấy vợ, cũng không thương ai nữa đâu."

"Bậy bạ. Bây giờ cậu đã là cậu ba nhà họ Huỳnh rồi, địa vị đâu có thua kém ai, cậu đừng có tự ti như vậy nữa."

Trên thực tế, tôi đã từng nghe rất nhiều anh chị hễ thất tình là thề thốt mấy câu tương tự như vậy, nói cái gì mà từ nay về sau sẽ không yêu thêm một ai nữa. Thế mà chưa được bao lâu đã thấy họ tìm được hạnh phúc mới, nên vừa nghe cậu nhắc là tôi phản bác ngay.

Cậu ba lại thở dài: "Em thấy không, cuộc đời chỉ có mấy chục năm ngắn ngủi, làm sao đủ để quên một người?"

Nhưng đôi khi lời của cậu ba cũng không hẳn là sai. Cuộc đời thật ngắn, nhưng cũng thật dài. Tình yêu trên thế gian này vốn dĩ có muôn màu muôn vẻ, có lẽ thật sự có ai đó cả đời chỉ yêu, chỉ khắc ghi trong tim một bóng hình duy nhất. Yêu mà không có được, không ở cạnh bên, không thể chạm vào,... cũng là yêu. Chúng ta không nhìn thấy, không có nghĩa rằng tình yêu vĩnh cửu ấy không tồn tại.

Tôi không chắc cậu ba có thể nhớ mợ hai đến bao giờ, nhưng tôi chắc cậu sẽ nhớ mợ rất lâu, rất lâu.

"Không nhắc chuyện buồn nữa, Sương có thấy mấy đống rơm đằng kia không? Hồi đó tui hay qua phụ bác hai cấy lúa, ngày nào Sương cũng lon ton đem theo ấm nước với mấy củ khoai lang cho tui với bác hai. Còn cái đồi cỏ gần đó là nơi mà tụi mình hay tụ tập thả diều với tụi con nít trong xóm."


Tôi chăm chú nhìn theo hướng ngón tay của cậu ba, mơ hồ tưởng tượng khung cảnh êm đềm đã từng trôi qua ở xóm Lũ. Không có ai đang ngồi bên đống rơm thưởng thức mấy củ khoai lang, không có bóng dáng lũ trẻ ríu rít trên đồi cỏ, cũng không có cánh diều nào lửng lơ trước gió,... chỉ có tôi và cậu ba, một người luôn hướng đến tương lai, còn một kẻ vẫn sống mãi trong quá khứ.

"Hai người đang nói chuyện chi mà coi bộ vui quá vậy?"

Tôi vừa ngứa tay ngắt lấy ngọn cỏ dại mọc ngay bên cạnh, chợt nghe thấy chất giọng trầm trầm quen thuộc phát ra đằng sau lưng, biết là có chuyện chẳng lành, tôi không do dự mà đứng dậy nhanh như cắt.

Chưa chi đã nghe thấy tiếng cậu ba gọi hai tiếng: "Anh hai."

Là cụ Đằng, rồi còn có hai má con cụ Thảo cũng ở đây. Quỷ thần thiên địa ơi, cụ Đằng đã đứng đây bao lâu... và nghe được những gì rồi?

"Ủa mình... sao tự nhiên... mình tới đây chi vậy?" Tôi vứt ngọn cỏ xuống đường mương, vừa hỏi vừa lau tay vào ống quần để đánh lừa cảm giác.

"Tui thu xếp công chuyện xong xuôi rồi nên mới xuống đây một chuyến, dù gì cũng là ngày giỗ của má mà. Bộ tui làm mình với thằng ba giật mình hả?" Trông vẻ mặt của cụ Đằng vẫn không có dấu hiệu gì gọi là giận dữ, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại cảm nhận được nét bất thường đằng sau sự bình thường ấy.

Lúc này, cơ miệng của bà ba Châu lại bắt đầu hoạt động: "Tại cậu hai chưa biết chứ mợ hai với cậu ba đây cũng coi như là thanh mai trúc mã từ nhỏ, làng trên xóm dưới ai mà hổng biết. Nếu mà cậu hai không cưới mợ hai sớm, thì có khi mợ giờ đã là vợ của cậu ba rồi cũng không chừng. Cậu coi mần sao cho đặng á thì mần, chứ tui thấy cậu mà không trông coi mợ cho cẩn thận, thì có ngày mất vợ như chơi đó cậu hai."

Đúng là chạy trời không khỏi nắng, giữa trưa oi bức thế này mà còn gặp kẻ thích châm dầu vào lửa như bà Châu. Không hiểu cậu ba căn dặn người nhà mợ hai cái kiểu gì, mà mỗi câu mỗi chữ bà ta nói thiếu điều như muốn thông báo cho cả cái xứ địa này biết là tôi với cậu ba mèo mả gà đồng với nhau.

Tôi nhìn cụ Đằng bằng cặp mắt khốn khổ, định giải thích với cụ về những câu bịa đặt mà bà ta vừa nói, nhưng chưa kịp cất lời thì cụ đã lên tiếng trước:

"Sương là vợ của tui, tui không ghen thì thôi, mắc cái giống gì mà em Thảo với dì đây phải ghen giùm vậy đa?"

Gì chứ? Tôi không nghe lầm đúng không? Cụ Đằng nói như vậy là đang bênh tôi đúng không? Đáng lý ra khi nghe được những câu chướng tai gai mắt đó, cụ phải nổi giận đùng đùng, hô mưa gọi gió chứ sao lại bẻ sang bênh vực tôi được?

Lại nói đến hai má con cụ Thảo, dường như không đoán trước được câu trả lời đanh thép của cụ Đằng, nên sắc mặt họ cũng thay đổi ngay sau đó. Trước khi khoác tay nhau vào trong, bà Châu còn tham lam nhắn với cụ Đằng một câu: "Tui có lòng nhắc nhở cậu như vậy, cậu không nghe thì thôi. Mai mốt mà lỡ xảy ra chuyện chi thì đừng có trách là tui không báo trước."


"Anh hai, chị hai lâu lâu mới về nhà một lần, em đưa chỉ đi hóng gió một lát chứ không có mần chuyện chi sau quấy hết." Mối nguy hại lớn nhất vừa đi khỏi, cậu ba ở bên này mới bắt đầu lên tiếng.

Cụ Đằng hít một hơi thật dài, khẽ nhích cây gậy và nói: "Tui biết hai người là hàng xóm láng giềng từ nhỏ rồi, không cần phải lo lắng vậy đâu."

"Đúng rồi đó mình. Tui với chú ba đây trước giờ coi nhau như anh em trong nhà, mình đừng nghe người này người kia nói bậy rồi nghĩ ngợi chi cho mệt. Mình đi đường xa chắc mệt lắm ha mình, để tui đưa mình vô trong nhà nghỉ ngơi nha." Tôi nhanh nhảu bước đến khoác tay cụ Đằng. Vừa khéo léo nịnh nọt vừa khẽ vuốt ve bên bả vai cụ.

Không biết lời cụ Đằng vừa nói ra có bao nhiêu phần trăm là thật, bao nhiêu phần trăm là giả. Không biết cụ có thật sự bỏ ngoài tai những lời đồn đoán ấy hay không, nhưng tôi nghĩ ít ra thì hôm nay tôi vẫn an toàn. Sau này vẫn nên giữ khoảng cách với cụ Hiển thì mới mong được yên ổn.

"A... chị Sương, anh Thế Hiển. A... anh Tú cũng ở đây nữa nè."

Sau bụi chuối gần đó, hai thằng nhóc một cao một thấp, mỗi đứa cầm một con diều trên tay mà hồ hởi chạy về phía chúng tôi. Đứa cao nhất vui vẻ cất tiếng chào, miệng cười khanh khách để lộ cả hàm tiền đạo thiếu mất hai cây răng cửa. Đứa còn lại trông có vẻ ngô nghê hơn với mái tóc hình cái gáo dừa úp ngược, nó còn chẳng thèm hỏi tôi với cậu ba, chỉ đứng một chỗ ôm đùi cụ Đằng cứng ngắt.

Hình như có gì đó không đúng, sao hai thằng nhóc này cứ gọi cụ Đằng là "anh Tú" từ nãy tới giờ vậy nhỉ?

"Qua đây chị biểu, hai đứa tên gì? Nhà ở đâu?" Tôi ngoắc ngoắc tay, đợi thằng cu lớn bước lại gần rồi cúi xuống xoa đầu nó.

"Ủa chị Sương, em là Lúa, còn nó là thằng Gạo em của em. Chị mới đi lấy chồng mà quên tụi em nhanh vậy hả chị Sương?"


Thằng nhóc tên Lúa nhíu mày nhìn tôi, khuôn miệng cười tươi bỗng chốc chuyển sang mếu máo. Suýt chút nữa thì tôi quên mất hai người mà tôi gọi là "thằng" ấy thật ra lớn tuổi hơn tôi gấp mấy lần, thế mà tôi còn khuyến mãi cho cụ cái xoa đầu yêu thương nữa, thiệt là vô lễ hết chỗ nói.

"À, là Lúa với Gạo... tại chị không được khỏe nên cứ quên trước quên sau, cho chị xin lỗi hai đứa nha." Tôi nói.

Cụ Lúa đứng khoanh tay, bĩu môi: "Xin lỗi suông như vậy thì đâu có được, bữa nay chị với anh Tú, anh Hiển phải đi thả diều với tụi em."

Cụ Gạo cũng hưởng ứng bằng cách lắc lư cái chân của cụ Đằng, miệng cứ không ngừng bập bẹ: "Anh Tú, anh Tú, thả diều..."

Tôi ngồi xuống ngang tầm với Gạo, sau đó đưa tay nựng đôi gò má ửng hồng của cụ, nói: "Bé Gạo ngoan, nghe chị Sương nói nè, đây là cậu hai Khải Đằng, không phải là anh Tú gì gì đó đâu, Gạo nhìn nhầm người rồi."

"Không chịu. Đây là anh Tú mà. Anh Tú..." Gạo gạt tay tôi ra, chưa chi đã vội ngước lên cụ Đằng để cầu cứu.

Cụ Lúa lại nói: "Khải Đằng là ai vậy chị Sương? Ảnh là anh Tú mà. Ảnh từng ở nhà chị, từng theo chị với tụi em đi bắt cá, đi thả diều, đi chơi khắp xóm,... chị lại quên rồi hả chị Sương?"


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận