Sao Băng Không Xuất Hiện


“Cái này… của mẹ Uyên.”
Bà Hải mân mê vào mặt vải mềm màu trắng, lại sờ đến lớp voan mỏng trên ngực váy, nói: “Bà cố già rồi, tay nghề không còn được như trước nữa, chừng nấy năm mà chỉ may được mỗi một cái này cho mẹ Uyên thôi.”
Suốt hơn 4 năm ròng rã, bà Hải không nhớ nổi chính mình đã đắn đo, suy đi tính lại bao nhiêu lần.
Bà muốn may cho Hải Uyên một chiếc váy, nhưng bà sợ cô không thích.
Bà chọn lựa kĩ lưỡng chất vải thoải mái nhất, màu sắc mà Hải Uyên thường dùng nhất, nhưng rồi lại không biết số đo của cô là bao nhiêu, mà bà chẳng có mặt mũi nào để hỏi.
Đến mấy tháng này, Vân An về làm cháu dâu của bà, bà mới suy từ số đo của Vân An sang Hải Uyên.
“Bà không biết mẹ Uyên có thích không, nhưng Thùy Anh cứ tặng cho mẹ giùm bà nhé, bà nhờ Thùy Anh đấy.”
Mắt bà Hải vào độ tuổi này đã xấu lắm rồi, tay chân thì vụng về lẩm cẩm.
Chiếc váy này của Hải Uyên có lẽ là chiếc váy được may tỉ mỉ nhất, hoàn thiện lâu nhất, và là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp của bà.
Bé Bột nhớ lại ba dặn, ngây ngô hỏi bà cố: “Dạ, nhưng bà cố ơi, bà cố không thích mẹ thì sao lại làm váy xinh cho mẹ ạ?”
Bà Hải trầm ngâm rất lâu mới nhẹ nhàng xoa đầu bé Bột, nghẹn ngào trả lời: “Ngày xưa do bà ngu dốt, nên bà làm mẹ Uyên buồn.

Bây giờ bà biết sai rồi, nên bà muốn may váy xinh để xin lỗi mẹ Uyên.”

Lời sau đó, cũng là lúc một bên mắt nhăn nheo của bà Hải lề mề rỉ xuống giọt nước ấm.
Bà Hải không hy vọng Hải Uyên mủi lòng tha lỗi cho bà, vì tội lỗi bà gây cho cô quá lớn.
Sâu trong trái tim già cỗi của chính mình, bà chỉ mong sao Hải Uyên nhìn thấy được chiếc váy này một lần, một lần thôi cũng đủ, như vậy thì công sức và tâm huyết mà bà bỏ ra mới có giá trị.
“Ngày xưa bà không thương mẹ Uyên bao nhiêu, bây giờ bà thương Thùy Anh bấy nhiêu.”
“Vậy bây giờ bà cố có thương mẹ Uyên không ạ?”
“Có, bà thương mẹ Uyên như thương Thùy Anh vậy.”
Sau hiên nhà sáng đèn, bé Bột ngồi trong lòng bà Hải, vừa nhâm nhi cây kẹo mút, vừa nghe bà kể chuyện.
Phía sau lưng họ, ở nơi góc cửa, Hồng Khánh vẫn luôn nghiêm nghị đứng ở đó.
Anh thừa nhận rằng bà Hải đối xử rất tốt với bé Bột, tốt hơn những gì vợ chồng anh tưởng tượng, nhưng quá khứ bà đối xử với Hải Uyên như thế nào vẫn luôn là cây đinh đâm sâu vào tim anh.
Anh không yên tâm để bé Bột ở riêng với bà Hải.
Tuy nhiên, có lẽ từ hôm nay trở đi, anh có thể thở phào nhẹ nhõm hơn rồi, và cây đinh kia cũng đang dần được gỡ bỏ.
***
Hải Uyên bản tính trời sinh nhu mì, đôi lúc có chút nghịch ngợm, song vô cùng lương thiện.
Từ đầu đến cuối, cô chưa từng quở trách hay có ác cảm với bà Hải.
Trong mắt cô, bà Hải chưa từng làm chuyện có lỗi với cô.
Nhận được bộ váy do chính tay bà may, món đồ mà cả đời này cô dành hết tâm tư để mong ước, mặt mũi Hải Uyên nóng bừng đến ửng đỏ.
Bé Bột luống cuống hôn lên giọt nước mắt đang lăn trên má mẹ, rối rít dỗ dành: “Mẹ Uyên đừng khóc, mẹ không thích váy của bà ạ?”
Cục Đất bên cạnh cũng xin một “chân” dỗ mẹ, nhưng chất giọng non nớt của cậu lại bình tĩnh hơn rất nhiều: “Mẹ Uyên của con nín đi, lát nữa con xin tiền ba Khánh mua cho mẹ mấy cái váy đẹp hơn thế này luôn.”
Bé Bột: “Dạ, dạ.

Mẹ không thích thì để lại, mai mốt lớn lên em mặc.

Rồi em xin ba mua váy khác cho mẹ nha?”

Hải Uyên bẹo má hai đứa con mình, bên hôn lên trán con trai, bên yêu chiều nói với con gái: “Bột mơ đi nhé, váy này bà cố may cho mẹ mà, mẹ không nhường cho Bột đâu.”
Thế là vài tháng sau, vào ngày mừng thọ của bà Hải, Hải Uyên mặc trên mình tác phẩm của bà.
Bộ váy ấy trở thành thước đo hoàn hảo cho nét đẹp thanh tú của Hải Uyên.
Hôm đó, cô tặng bà tác phẩm của cô.
Một bức họa với bà Hải của tuổi đôi mươi và bây giờ, áp lưng vào nhau, cùng nở một nụ cười hạnh phúc.
“Nếu như bà thích, sau này mỗi dịp mừng thọ của bà, cháu đều sẽ vẽ cho bà một bức tranh.”
Bà Hải nghẹn đến mức nói chẳng nên lời, chỉ có thể nhẹ nhàng ôm lấy Hải Uyên rồi gật đầu.
***
Kể từ bức họa đó, Hải Uyên chỉ có thể tặng bà thêm mười hai bức khác, bởi vì sau mười hai năm, bà Hải từ trần.
Ba ngày sau tang lễ của bà, Hải Uyên mệt mỏi gối đầu trên đùi Hồng Khánh.

Mắt sưng, mặt mũi chỗ trắng chỗ đỏ, tiếng nấc nghẹn xót xa bị giữ lại trong cổ họng.
Ông nội đi đến, dịu dàng đặt tay lên xoa đầu Hải Uyên, trầm khàn thủ thỉ: “Đừng khóc nữa.

Quýt khóc làm ông đau lòng lắm đấy.

Bà nội ở trên trời cũng không an lòng khi thấy con khóc đâu.”

Hai hàng nước mắt của Hải Uyên một lần nữa tuôn trào ra.
Cô bật dậy, nói với ông nội: “Ông phải hứa với con, sau này nếu ông muốn đi tìm bà, ông không được đi đột ngột như bà đâu.”
Vốn dĩ lúc ấy, ông đã hứa với Hải Uyên rồi.
Nhưng cho đến cuối cùng, ông vẫn thất hứa với cô.
Vào một ngày hè nắng oi ả, khi Bột vừa nhận được kết quả đỗ trường cấp ba, cũng là lúc cả nhà đột ngột tiếp thêm tin dữ.
Mọi người quây quần bên ông trong căn phòng bệnh nhỏ.
Ông nhìn kỹ gương mặt từng người một, trút từng hơi dặn dò những lời tốt đẹp nhất cho con cháu.
Sau Thùy Anh và Danh Kiệt, ông cùng lúc nhắn nhủ đến hai vợ chồng Hải Uyên: “Ở lại… phải sống cho vui vẻ, hạnh phúc đấy, ông thương hai đứa lắm.”
Tiếng bíp ngân dài phá vỡ cả khoảng lặng, những giọt nước mắt trên gương mặt mỗi người đua nhau lăn xuống.
Nắng hè nhẹ nhàng đáp trên gương mặt phúc hậu của ông.
Cuộc đời này của ông nội được xung phong đi kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc, được sống hết mình với tình yêu của mình, được cùng bà Hải sinh con đẻ cái, rồi nhìn chúng dần dần trưởng thành, trở thành một con người tốt.
Ông mãn nguyện rồi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận