Sắc Xuân Gửi Người Tình


Lúc Trang Khiết bàn chuyện ký kết hợp đồng với bệnh viện, đang giải thích tỉ mỉ về chế độ hậu mãi thì nhà cô gọi đến.

Lần đầu cô bấm từ chối nghe, đến lần hai mới xin lỗi khách hàng để ra ngoài nghe máy.

Liêu Đào báo cho cô biết Hà Chương Dược đang cấp cứu trong bệnh viện.

Trang Khiết quay lại văn phòng, trước tiên xin lỗi Giám đốc bệnh viện, bảo những việc tiếp theo sẽ do người khác phụ trách, sau này nếu gặp bất cứ vấn đề gì đều có thể liên hệ với cô, rồi cầm áo khoác chạy vội ra khỏi bệnh viện.

Thực tập sinh cô dẫn đi cùng cũng chạy ra theo, sốt ruột hỏi cô gặp chuyện gì thế, sắp sửa ký kết xong xuôi rồi mà.

Trang Khiết gọi điện cho một nhân viên sales chơi thân với mình, nhờ cô ta tới bệnh viện làm nốt giúp mình.

Bệnh viện này chính là bệnh viện có thiết bị bị trục trặc hôm trước.

Hôm nay bệnh viện gọi cho Trang Khiết bảo cô mang tài liệu tới đó một chuyến vì bên bệnh viện tính mua một thiết bị khác.

Đây quả đúng là tin vui bất ngờ dành cho Trang Khiết.

Cô lên mạng đặt vé rồi về nhà thu dọn hành lý, sau đó vội vàng ra ga tàu cao tốc.

Đến khi đã tìm được chỗ ngồi và yên vị, cô lại nhận được điện thoại của Liêu Đào.

Đầu kia im lặng một lúc mới nói:

– Con về thẳng nhà đi.

Trang Khiết ngầm hiểu bà vừa thông báo tin tử vong.

Lúc cô về đến thị trấn Nam Bình, thi hài của Hà Chương Dược cũng vừa được đưa từ thành phố về.

Vụ tai nạn xảy ra trong nhà xưởng, ở đó có một cỗ máy lớn do chủ cũ để lại.

Hà Chương Dược gọi mấy người anh em họ tới phụ khiêng ra ngoài.

Trong lúc vận chuyển, cỗ máy bị nghiêng đổ ập xuống.

Những người bị thương lập tức được đưa tới bệnh viện, trong đó có một người họ hàng bị thương nặng và Hà Chương Dược qua đời sau khi cứu giúp không hiệu quả.

Trang Khiết chưa kịp buồn bã đã bị sai đi giải quyết hết chuyện này đến chuyện khác.

Trước tiên cô phải lên thành phố đón Trang Nghiên về, dọc đường dặn dò cậu một số chuyện liên quan đến nghi thức tang lễ mà con trai trưởng cần làm.

Trong nhà loạn như mớ bòng bong, nội chuyện báo tang đã cãi cọ ì xèo.

Theo nếp quê, nếu trong nhà có con trai thì phải dùng danh nghĩa của con trai để báo tang chứ không có chuyện dùng danh nghĩa con gái hoặc vợ để báo tang.

Thân phận của Trang Nghiên hơi nhạy cảm, vì cậu không phải con ruột của Hà Chương Dược, đáng lý không nên lấy danh nghĩa con ruột chịu tang.

Nhưng Hà Niễu Niễu còn quá nhỏ, mà quy trình lại kiêng kị phái nữ, vì chuyện này mà người trong họ cãi cọ ỏm tỏi.

Liêu Đào bèn quyết định để Trang Nghiên dùng thân phận con ruột báo tang.

Trang Khiết vừa đưa cậu về đến nhà là cậu bị họ hàng kéo đi thay đồ tang ngay.

Ý kiến của các vị cha chú trong họ không thống nhất, phái truyền thống nhất quyết đòi trang trí phòng tang và lo may chay tại nhà chứ không muốn tổ chức ở nhà tang lễ.

Còn những ai có tư tưởng tiến bộ hơn thì cho rằng chỉ cần người đã khuất ra đi êm đẹp thì tổ chức tang lễ ở đâu cũng được.

Vì thi hài của Hà Chương Dược hơi đặc biệt nên đã được chuyển thẳng từ bệnh viện thành phố về nhà tang lễ.

Lo cho Trang Nghiên và Hà Niễu Niễu xong, Trang Khiết tới nhà tang lễ tìm Liêu Đào.

Cô được dẫn tới phòng trang điểm thi hài, Liêu Đào đang nhìn chằm chằm Hà Chương Dược.

Trần Mạch Đông đã thay đồ bảo hộ, đang định bắt đầu trang điểm.

Trang Khiết quay sang nhìn Liêu Đào, sau đó nắm chặt tay mẹ từ đầu đến cuối quá trình.

Đến khi xong xuôi, Trần Mạch Đông khom lưng chào người quá cố, sau đó nhìn bọn họ một cái ý bảo họ hãy nén bi thương.

Liêu Đào lại gần xoa đầu Hà Chương Dược, sau đó nói cảm ơn Trần Mạch Đông.

Trần Mạch Đông vốn định ngăn bà trực tiếp chạm vào thi hài, nhưng nhìn ánh mắt bà bèn bỏ ý định đó.

Liêu Đào ngắm Hà Chương Dược lần cuối, rồi quay lại bảo Trang Khiết:

– Mình về thôi, còn một đống chuyện phải lo.

Nhà tang lễ đã bố trí khu tang lễ đâu ra đó, Trang Khiết về nhà đón Trang Nghiên và Niễu Niễu tới, bọn họ phải trực đêm cùng nhau.

Đến nửa đêm, hai đứa bé dựa vào Liêu Đào ngủ gà ngủ gật, ban ngày chúng đã khóc hết nước mắt nên chẳng còn chút sức lực nào.

Sắc mặt Liêu Đào cũng tái nhợt đi, bà bảo Trang Khiết:

– Con cũng ra ngoài nghỉ một lát đi.


Vì chân bị tật nên Trang Khiết không quỳ được mà ngồi thì lại chướng mắt, bởi vậy cô đã đứng suốt năm sáu tiếng đồng hồ.

Cô thả lỏng chân trước rồi mới đi ra ngoài, tìm đại một bậc thang ngồi xuống.

Cô bắt đầu cân nhắc xem sau này nhà mình phải làm gì? Liêu Đào phải làm gì? Trang Nghiên và Niễu Niễu phải làm gì? Hiện vẫn còn một ông chú bị thương nặng đang nằm viện, sau này nhà cô sẽ phải bồi thường một khoản kếch xù.

Nghe tiếng động ngoảnh lại, cô trông thấy Trần Mạch Đông.

Được anh đưa điếu thuốc, cô cầm lấy rồi tiếp tục chìm vào suy nghĩ.

Trần Mạch Đông thấy cô đã tháo chi giả đặt bên cạnh bèn đề nghị:

– Anh có phòng nghỉ riêng, em có muốn tới đó nghỉ một lát không?

– Thôi, em muốn ngồi tĩnh tâm một mình.

Trang Khiết khẽ trả lời anh.

Trần Mạch Đông bỏ lại câu:

– Xin chia buồn với em.

Sau đó chạy xe máy về nhà.

*

Ba ngày sau khi tang lễ kết thúc, Trang Khiết đưa Trang Nghiên về trường.

Cậu thẫn thờ dựa vào khung cửa sổ nhìn ra ngoài, khẽ hỏi:

– Chị, bao giờ chị quay lại Thượng Hải?

– Cúng thất tuần xong là chị đi.

– Chị, em cứ có cảm giác mấy hôm nay chỉ là một giấc mơ, giờ em vẫn đang nói chuyện với chị trong mơ.

Trang Khiết xoa đầu cậu bảo:

– Đừng nghĩ nhiều quá.

Cô đưa Trang Nghiên về trường, sau đó đến bệnh viện thăm hỏi ông chú bị thương nặng, người nọ vẫn đang nằm trong phòng ICU.

Cô xin lỗi người nhà ông ta và trò chuyện thêm một lúc rồi chuyển cho họ 80,000 tệ, đồng thời bảo nếu sau này họ thiếu tiền viện phí thì có thể gọi cho cô bất cứ lúc nào.

Sự thể như vậy chẳng ai mong muốn, đôi bên lại là họ hàng nên người nhà ông chú cũng không làm khó cô.

Chạng vạng Trang Khiết về đến nhà thấy Liêu Đào đang ngồi ngoài sân, dưới chân bà là năm sáu đầu lọc thuốc lá, còn trên chiếc bàn cạnh đó là gói hàng chuyển phát nhanh đã mở, bên trong là miếng dán giảm đau cô gửi về.

Trang Khiết kéo một chiếc ghế dựa tới ngồi cạnh bà, tính an ủi nhưng không biết mở miệng thế nào bèn lặng thinh.

– Tủ lạnh còn sủi cảo đông lạnh, con với Niễu Niễu tự nấu lấy mà ăn.

Liêu Đào nói.

– Niễu Niễu đâu ạ?

Trang Khiết hỏi.

– Chắc đang xem máy tính bảng trên lầu.

– Chiều nay con đã tới bệnh viện và chuyển 80,000 tệ cho chú Hai.

Theo những gì con nghe được từ bác sĩ chủ trị thì có lẽ sẽ còn tốn thêm tầm 80,000 – 100,000 tệ nữa.

Trang Khiết rút điếu thuốc nói:

– Sau này ít nhiều gì vẫn để lại di chứng, chắc chú ấy không thể làm việc nặng được.

Liêu Đào không nói gì.

Trang Khiết nghịch hộp quẹt trong tay, nói:

– Sau khi chú xuất viện chắc chắn nhà mình sẽ phải bồi thường, chỉ chưa biết là bao nhiêu thôi.

Một lúc lâu sau, Liêu Đào rít một hơi thuốc xong mới hỏi cô:

– Trong thẻ con còn bao nhiêu tiền?

– 60,000 tiền mặt, 300,000 ký quỹ.

Trang Khiết tính toán rồi nói thêm:

– Con còn hai chiếc thẻ tín dụng nữa, hạn mức mỗi chiếc là 100,000 tệ.

Liêu Đào vào nhà lục sổ sách, đặt lên bàn nói:


– Trong nhà còn 70,000 tệ.

Tổ chức tang lễ cho bố con hết mấy chục nghìn nhưng người ta cũng phúng điếu mấy chục nghìn nên đủ bù vào rồi.

Tiền mua nhà thì thôi không tính, chỉ riêng tiền đầu tư nhà xưởng đã hết 200,000 tệ.

Sau đó bà tiết lộ:

– Mấy năm nay quỹ đen của mẹ cũng để ra được 130,000 tệ.

– Mẹ giấu quỹ đen làm gì?

Liêu Đào không nói cụ thể.

Đó đều là tiền mấy năm qua Trang Khiết gửi về nhà, bà không tiêu mà lén để dành.

– Giờ nhà mình tính sao hả mẹ?

Trang Khiết hỏi bà.

– Phải làm gì thì làm đó chứ sao, nhà xưởng đã đầu tư 200,000 tệ nên bằng mọi giá mẹ phải tiếp tục.

Trước mắt mẹ phải cày tiền viện phí và bồi thường cho chú Hai con trước, mỗi tháng còn phải trả 12,000 tệ tiền vay mua nhà, hai cái là trả tận mười năm mới xong.

Ngân hàng đâu vì nhà mình mới mất người thân mà xoá nợ cho.

– Mai con sẽ bán quỹ rồi chuyển hết tiền cho mẹ.

Trang Khiết hỏi:

– Bên nhà xưởng đã mua đủ máy móc thiết bị chưa?

– Đủ hết rồi.

Liêu Đào dập thuốc, bảo cô:

– Gọi Niễu Niễu xuống ăn cơm đi.

Hà Niễu Niễu lề mà lề mề, cứ lấy đũa chọc nát sủi cảo.

Liêu Đào thấy thế liền mắng:

– Mày không ăn thì xéo lên lầu.

Hà Niễu Niễu vứt phắt đôi đũa xuống, òa khóc cãi bà:

– Lúc nào mẹ cũng chỉ biết chửi người ta, ngoài chửi ra thì cũng chỉ có chửi! Mẹ chửi anh Trang Nghiên, chửi con, còn chửi cả bố con nữa! Bà Hà Viện bảo do mẹ ghê gớm quá nên mới khắc chết bố con…

– Niễu Niễu!

Trang Khiết đang tính mở miệng can thì Niễu Niễu đã ăn một bạt tai của Liêu Đào.

Bà quát con bé:

– Xéo lên lầu ngủ.

Hà Niễu Niễu quay đầu chạy lên lầu.

– Sao mẹ lại…

Trang Khiết đang nói dở thì nguyên khay sủi cảo trên bàn bị Liêu Đào gạt phăng xuống đất.

Cô không nói gì nữa, ra ngoài nghe điện thoại.

Người gọi tới là đồng nghiệp trong công ty, bảo bệnh viện mà cô đang bàn bạc ký kết hợp đồng rất khó chiều, chi tiết thế nào thì đợi cô quay lại nói sau.

Giám đốc bệnh viện kia cũng không muốn ký hợp đồng vội, nói phải trao đổi thêm với Trang Khiết rồi mới ký, hơn nữa bên trên chưa phê duyệt ngân sách.

Trang Khiết đồng ý, bảo ba ngày nữa sẽ quay lại.

Lúc cô vào nhà, Liêu Đào đã không còn ở đó nữa.

Cô cầm chổi dọn dẹp mớ hỗn độn rồi lên lầu gõ cửa phòng Niễu Niễu.

Hà Niễu Niễu đang trùm chăn khóc.

Trang Khiết xốc chăn lên nói bao giờ con bé khóc xong nhớ xuống xin lỗi Liêu Đào.

Hà Niễu Niễu bắt đầu ấm ức phàn nàn một tràng về việc Liêu Đào luôn vô lý ra sao, luôn mắng người khác thế nào.

Con bé còn bảo bà không đối xử tốt với Hà Chương Dược, đến giờ mà vẫn tỉnh rụi không hề đau lòng chút nào, ngay cả một giọt nước mắt cũng không có.


Trang Khiết hỏi con bé tự nó nghĩ thế hay nó nghe người khác bàn tán, Hà Niễu Niễu bảo chẳng khác gì nhau cả.

Trang Khiết cũng mệt mỏi vì phải an ủi hết người này đến người khác bèn để kệ con bé khóc cho đã, còn mình xuống lầu cưỡi xe đạp điện ra ngoài.

Cô chạy lòng vòng không mục đích, chẳng hiểu sao lại tới một nghĩa trang cũ.

Những ngôi mộ ở đây đều là mộ hoang, nếu không phải là mộ của đám con nít chết yểu thì cũng là mộ ai đó không được chôn cất trong phần mộ tổ tiên vì nhiều lý do khác nhau, đến cả bia mộ cũng không có.

Sau này khi nhớ lại, cô vẫn không rõ chuyện hôm đó có phải là ảo giác của mình không.

Cô trông thấy một người phụ nữ ăn mặc như hồi những năm 90, đỡ cái bụng chửa to vượt mặt đi quanh một ngôi mộ mãi, sau lưng cô ta có một đứa bé mê mải bò theo.

Trang Khiết sợ quá bèn phóng xe khỏi đó nhanh nhất có thể.

Đến khi hòa mình vào thị trấn náo nhiệt xô bồ, cô mới dám ngoái lại nhìn khu nghĩa trang âm u kia.

*

Hôm quay lại Thượng Hải, Liêu Đào và Hà Niễu Niễu cùng nhau đi đưa cô.

Lúc Liêu Đào đợi ngoài bãi đỗ xe, Trang Khiết dặn Hà Niễu Niễu:

– Đừng có chọc tức mà nữa, mẹ mà tức phát ốm thì không còn ai lo cho em đâu.

Hà Niễu Niễu di mũi giày, quay đi không nói gì.

– Bao giờ rảnh chị dắt em đi Disneyland.

Trang Khiết lại nói.

Hà Niễu Niễu giơ tay áo chùi nước mắt rồi quay lưng chạy ù về xe.

Liêu Đào cũng không sang chỗ cô, chỉ đứng xa xa vẫy tay bảo cô vào ga đi.

Lúc ngồi tàu cao tốc về Thượng Hải, cô cứ nghĩ ngợi mãi.

Cô lo cho Trang Nghiên, lo cho Hà Niễu Niễu, lo cho Liêu Đào.

Cô cũng nhớ người bố quá cố của mình.

Năm bố qua đời, cô chỉ bé tầm Hà Niễu Niễu.

Suốt đám ma, bà nội luôn trách móc và chửi rủa mẹ cô, còn mẹ ôm bụng bầu đứng đó, chẳng rớt lấy một giọt nước mắt.

Đêm qua, Liêu Đào đã thức trắng đêm tâm sự với cô, bảo Hà Chương Dược đối xử rất tốt với hai chị em cô, dù là trên phương diện tinh thần hay vật chất, ông đều chưa từng bạc đãi với họ.

Hơn nữa lúc mẹ con cô khó khăn nhất, chính ông là người đã dang tay ra vực họ dậy, thật đúng là một người chí tình chí nghĩa.

Vậy nên dù thế nào bà cũng sẽ cố gắng chèo chống cái nhà này, khiến nó ngày một khấm khá hơn.

Sau nửa tháng quay lại Thượng Hải, rốt cuộc Trang Khiết cũng hạ quyết tâm xin nghỉ việc vì cô muốn về giúp Liêu Đào.

Tối hôm quyết định nộp đơn thôi việc, cô đã bộc bạch với Vương Tây Hạ rất nhiều điều.

Cô kể mình bị trằn trọc mất ngủ, kể mình lo cho nhà, kể lúc Liêu Đào sinh Trang Nghiên, bà nội đã lén bắt Trang Nghiên giấu đi khiến Liêu Đào nổi điên xông vào nhà bà nội liều mạng cướp Trang Nghiên về.

Liêu Đào sợ liên lụy nhà mẹ đẻ bèn dắt cô tới khu ổ chuột thuê phòng trọ.

Hồi đó mỏm cụt bị nhiễm trùng, cô cũng không dám nói với mẹ, vì cô biết rõ nhà mình không có tiền.

Lúc trong nhà sắp không còn gì ăn, Hà Chương Dược đã tới tìm họ, sau đó dẫn cô đi gặp bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình để lắp chi giả.

Sau mấy tháng Hà Chương Dược chăm lo cho mẹ con họ, một ngày nọ, ông hỏi Liêu Đào có bằng lòng ăn đời ở kiếp với ông không, nếu thế ông sẽ dẫn họ về thị trấn Nam Bình và thu xếp trường học cho cô.

Liêu Đào không nghĩ ngợi gì mà đồng ý ngay, hôm sau bà bế Trang Nghiên và dắt tay cô về thị trấn Nam Bình.

Trang Khiết kể tuy Hà Chương Dược không giỏi thể hiện tình cảm nhưng hàng năm cứ đến sinh nhật của chị em họ là ông luôn chúc họ bốn chữ bất di bất dịch: Luôn luôn bình an.

Ông thường mua những bộ quần áo thời trang nhất cho chị em họ, mua xe đạp cho họ đi học, còn mua cả những cuốn sách chỉ dân thành phố mới được đọc.

Thế nhưng cũng như biết bao cặp con vợ và bố dượng khác khi mẹ tái hôn, giữa cô và Hà Chương Dược cũng có một khoảng cách khó xoá nhoà được.

Nghe cô kể xong, Vương Tây Hạ mới bảo tao đã đoán trước thể nào cũng như vậy, tao biết mày sẽ về nhà.

Thượng Hải có hàng nghìn hàng triệu Trang Khiết, vắng cô thì chợ vẫn đông.

Nhưng mẹ mày chỉ có mỗi mình mày, mày nên về giúp bà ấy.

Trang Khiết hướng mắt ra ngắm tòa tháp Minh Châu Phương Đông bên ngoài cửa sổ.

Lần đầu tiên trong đời, cô bỗng thấy nó thật bình thường, chẳng qua cũng chỉ là tháp truyền hình mà thôi.

Trang Khiết bắt đầu bàn giao với công ty, đến 15/11 thì chính thức thôi việc.

Đồng nghiệp làm cùng phòng không nỡ chia tay cô nên hết người này đến người khác mời cô đi ăn.

Nhiều khi Trang Khiết uống vài ly vào sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Cô bảo chỉ chạy khắp nơi chẳng có ích gì, phải biết động não và bỏ tâm huyết cho công việc, hễ thấy mối này không xong thì phải quyết đoán từ bỏ, dồn sức cho mối khác.

Xã hội này thiếu gì chứ không bao giờ thiếu kẻ khôn ngoan, vậy nên chớ dùng mánh khoé với Giám đốc bệnh viện và các Trưởng khoa.

Bọn họ leo tới chức vị đó thì chắc chắn đầu toàn sạn, còn mình thì được mấy cân mấy lạng? Giở mánh lới với họ chỉ tổ khiến bản thân biến thành trò hề.

Đồng nghiệp hỏi cô:

– Thế phải làm sao mới lấy được hợp đồng?

– Dùng lòng chân thành.


Ở đời thứ dễ đả động người khác nhất chính là lòng chân thành, sau đó là đến sự tin cậy mà ban tập huấn thường nhắc đến.

Đầu tiên phải khiến khách hàng tin tưởng mình, có thế họ mới chịu mua hàng của mình.

Mọi người nhao nhao đề nghị cô chỉ bảo thêm.

Trang Khiết nói có nhiều thứ do cô tự mày mò lấy, chủ yếu là tùy cơ ứng biến nên cô chỉ hiểu chứ không biết diễn tả.

Nói xong, cô móc một cuốn sổ dày trong túi ra, trong đó ghi những điều cô đã đúc rút được lúc còn làm thực tập sinh.

Lúc về đến nhà, Trang Khiết đã ngà ngà say.

Chuông điện thoại reo mấy tiếng cô mới bắt máy, Liêu Đào báo Hà Niễu Niễu đã bỏ nhà đi, để lại bức thư nói con bé tới Thượng Hải tìm cô.

Liêu Đào bận bịu từ sáng sớm, mãi đến tối về nhà mới phát hiện con bé đã biến mất.

Trang Khiết bảo bà đừng sốt ruột, cô nói nó còn nhỏ thế thì làm sao mua vé được, cho dù có mua được thì người soát vé cũng không cho nó lên tàu.

Liêu Đào nói con bé mua vé qua mạng bằng điện thoại cũ của Hà Chương Dược, trong điện thoại vẫn còn lưu lịch sử mua vé, con heo đất trong phòng ngủ của con bé cũng bị đập vỡ, hơn nữa chứng minh thư năm ngoái làm cho nó cũng không thấy đâu.

Nghe vậy, Trang Khiết thấy đỡ lo hẳn, rõ ràng con bé đã lên kế hoạch tỉ mỉ, nó lanh thế có khi lại tới được Thượng Hải thật cũng nên.

Liêu Đào bảo cô đi báo cảnh sát và kiểm tra camera ở ga tàu xem sao.

Nếu con bé có bản lĩnh đến được Thượng Hải thật thì quả không uổng công bà đẻ ra nó.

Cô vừa cúp máy thì nhận được tin nhắn báo có cuộc gọi nhỡ.

Trang Khiết linh tính gì đó bèn gọi lại ngay, đầu kia bảo mình là nhân viên nhà ga Thượng Hải, báo chỗ họ có một bé gái bị lạc người nhà, phiền cô tới đây một chút.

Lúc đón được Niễu Niễu, Trang Khiết đã phải nhìn con bé bằng cặp mắt khác.

Cô hỏi nó ăn cơm chưa? Nó đeo ba lô lắc đầu, nói cơm trên tàu cao tốc đắt quá, vừa nhìn giá đã hết muốn ăn.

Trang Khiết dắt con bé đi ăn cơm trước, đến khi nó no mới hỏi thăm vì sao nó bỏ nhà đi.

Hà Niễu Niễu vân vê góc áo nói:

– Em sợ ở nhà một mình.

– Sợ cái gì?

– Em toàn phải ở nhà một mình cả ngày, đến 8-9 giờ tối mẹ mới về, em nghĩ là nhà mình có ma.

Hà Niễu Niễu nói xong thì lau nước mắt.

– Bà Hà Viện nói bố sẽ về thăm nhà vì bố lo cho em.

Em nghe vậy thì sợ lắm, em sợ bố về dắt em đi theo ông ấy.

Trang Khiết dở khóc dở cười, trước khi ngủ gắng giải thích cho con bé hiểu vì sao con người lại chết và chết xong sẽ đi đâu.

Sau đó, cô còn miêu tả thiên đường trông thế nào.

Hà Niễu Niễu nghe xong lấy làm ao ước lắm:

– Thế mình cũng tới đó đi chị.

Trang Khiết mắng con bé nói vớ vẩn, trên thiên đường cũng có trường học, nếu đi sai thời điểm sẽ bị bắt đi học.

Vừa nghe vậy, Hà Niễu Niễu sợ cứng người, trường học là thứ khủng khiếp nhất trên đời.

Sau đó con bé bắt đầu nói xấu Liêu Đào, bảo Liêu Đào hay nổi cáu, không thể chuyện nọ xọ chuyện kia, toàn lôi chuyện con bé làm sai từ tám mươi đời ra chửi chung một thể nếu nó phạm lỗi gì đó, người gì đâu mà ưa tính nợ cũ.

– Không phải là chuyện nọ xọ chuyện kia, mà là chuyện nào ra chuyện đó.

Trang Khiết sửa đúng giùm con bé.

– Đều giống nhau cả.

Hà Niễu Niễu nói tiếp:

– Sau này em sẽ là bà mẹ dịu dàng nhất trên đời, dù con em là đứa học dốt toàn bị 0 điểm cũng không sao hết.

Em sẽ không mắng con bé, lại càng không đánh nó.

Đoạn con bé nhắc tới bài văn của mình.

Nó có một bài văn bị 0 điểm, vừa kể tới đây là tức phát cáu.

– Sao lại bị 0 điểm?

– Cô bắt em viết về “Ước mơ của em”, em bèn viết ước mơ của em là làm đội trưởng đội phá bỏ di dời, sau này em sẽ chỉ vào tất cả trường học và nói: Đập hết, đập hết, đập hết cho tôi, tất cả đều là công trình xây dựng trái phép!

Trang Khiết ngửa đầu cười ngất.

Đợi Niễu Niễu ngủ, cô mới ra ngoài gọi điện cho Liêu Đào báo mẹ rằng mình đã xin nghỉ việc để về phụ giúp bà một năm, bao giờ bên bà ổn định cô sẽ quay lại Thượng Hải.

Liêu Đào nói cô chỉ cần về giúp bà nửa năm là được rồi.

Trang Khiết bảo mình đã đóng đồ gửi dần về nhà, nếu bà nhận được thì đừng dỡ bừa vì có mấy món dễ vỡ, sau đó lại nói sang chuyện Niễu Niễu.

Liêu Đào lo Niễu Niễu vừa ham chơi vừa ngây thơ vô lo vô nghĩ, trong khi Trang Khiết bằng tuổi nó đã biết phụ bà làm việc nhà.

Trang Khiết khuyên bà rằng con nít phải ngây thơ như thế mới đúng, trưởng thành sớm có gì đáng khen đâu.

Liêu Đào không nói tiếp.

Trang Khiết cũng nhận ra điều mình mới nói không thỏa đáng lắm, nhưng cũng không phân bua gì.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui