Quỷ Cái Vận Đồ Prada (The Devil Wears Prada)

“Xin chào, may mà tôi tóm được chị,” tôi nghe tiếng Cara bên kia đầu dây. Có chuyện gì mà chưa đến tám giờ sáng nghe giọng cô đã hụt hơi thế nhỉ?

“À, vâng, chị có bao giờ gọi sớm thế này đâu. Chuyện gì vậy?” Tôi hỏi, đồng thời vẽ ra hàng chục tình huống Miranda sẽ cần mình.

“Không, không, không có vấn đề gì. Tôi chỉ định cảnh báo là Mr. Mờ-Cờ-Đờ đã lên đường tới chỗ chị và rất khoái buôn chuyện đấy.”

“Thế hả, tốt thôi. Ừ, dễ đến một tuần rồi, kể từ lần ông ấy hỏi tôi về đủ mọi chuyện đời. Tôi đã lo là có chuyện gì xảy ra với fan ruột của mình.” Tôi viết xong các mục ghi nhớ và chuyển sang máy in.

“Chị là người nhiều may mắn mà, tôi biết. Ông ấy có thèm hỏi tôi câu nào đâu,” cô làm bộ. “ Ông ấy chỉ chú ý đến chị thôi. Tôi nghe nói là ông định cùng chị duyệt các chi tiết buổi dạ hội Whitney.”

“Hay, hay tuyệt. Tôi rất hồi hộp chuẩn bị được yết kiến em trai của ông ta. Tôi mới chỉ nói chuyện qua điện thoại với ông ấy thôi, toàn phải nghe chuyện ấm ớ. Chị có chắc là Mr. Mờ-Cờ-Đờ đang tới đây không? Chẳng lẽ hôm nay không thánh thần nào trên trời rủ lòng thương tôi?”

“Quên đi, hôm nay chị không thoát đi đâu được. Miranda tám rưỡi đến chỗ chuyên gia chăm sóc chân, tôi nghĩ là ông ấy sẽ đi một mình.”

Tôi xem lại các ghi chép trong lịch làm việc của Emily. Đúng thật, một buổi sáng không có mặt Miranda. “ Thích quá, có diễm phúc nào lớn hơn là được hầu chuyện Mr. Mờ-Cờ-Đờ lúc mới sáng bảnh mắt. Này, sao ông ấy lắm mồm thế nhỉ?”

“Có gì khó hiểu đâu: ai lấy Miranda thì ắt không phải loại sáng suốt. Ông ấy nói chuyện ngớ ngẩn gì thì chị nhớ kể cho tôi nghe nhé. Tôi phải đi đây. Caroline, không rõ vì cớ gì, vừa lấy một thỏi son môi Stila của Miranda đâm thật lực vào gương nhà tắm.”

“Bọn mình đúng là có cuộc đời nhiều biến động nhỉ? Nhưng vẫn ngoan cường lắm. Cảm ơn lời cảnh báo nhé, ta nói chuyện sau.”

“Okay, bye.”

Trong khi đợi Mr. Mờ-Cờ-Đờ, tôi xem lại những việc cần làm. Một lá thư của Miranda gửi ban lãnh đạo bảo tàng Whitney, bà xin phép tổ chức ở đó một bữa tiệc vào tháng Ba cho ông em chồng. Theo tôi biết thì Miranda không ngửi được ông này nhưng chẳng có cách gì để tẩy tên ông ra khỏi gia phả. Jack Tomlinson, cậu em trai ngỗ ngược của Mr. Mờ-Cờ-Đờ cũng mới tuyên bố sẽ bỏ vợ và ba đứa con để cưới cô gái chuyên mát xa cho ông. Anh em Mờ-Cờ-Đờ thật ra là dòng dõi đặc trưng của giới quý tộc Bờ Đông nước Mỹ, nhưng đến tuổi ba mươi là Jack tung hê hình tượng Harvard của mình và chuyển đến Nam California, chẳng mấy chốc kiếm được một núi tiền nhờ bất động sản. Theo lời Emily, ông trở thành một người miền Nam quê kệch thực thụ, mồm nhằn ống hút và nhổ nước thuốc lá toèn toẹt – cái gai trong mắt Miranda, vốn là hiện thân của đẳng cấp và văn hóa. Mờ-Cờ-Đờ nhờ Miranda tổ chức lễ đính hôn cho em trai, và với tư cách người vợ chu đáo thì dĩ nhiên bà không thể lắc đầu. Và khi đã nhận thì làm, tất nhiên, Miranda ưa làm phức tạp như có thể.

Thay vì làm tiệc ở một nhà hàng, ồ, không, Miranda muốn gây ấn tượng hơn cho khách mời bằng cách tổ chức tiệc ở một bảo tàng, cho dù bà thẳng tay gạch hầu hết các địa chỉ khỏi danh sách ( Bảo tàng nghệ thuật Met “ cứng quá,” Guggenheim “ tối quá,” Bảo tàng lịch sử tự nhiên “ trông ngứa mắt lắm, nhất là từ khi có thêm cái đài thiên văn kinh dị”). Cuối cùng bà chọn Whitney ( “ khiêm nhường, hiện đại, thân mật”). Tôi quá mừng khi bảo tàng đồng ý làm tiệc ở nhà hàng giá rẻ hoặc ở tiền sảnh tầng trệt, nhưng cũng biết là ở đó quá rẻ rúng. Lúc tôi báo tin cho Miranda, bà thở dài não ruột, đầy vẻ thương cảm với đầu óc ngu si của tôi, và cho biết rằng bà không chấp nhận địa điểm nào khác ngoài phòng trưng bày bộ tranh tuyển của Kooning. Rõ rồi. Kính thưa quý vị (…) chúng tôi xin phép được tổ chức một dạ hội nhỏ , nếu được, ở phòng cuối tầng hai (…) thức ăn, hoa và ban nhạc – tất nhiên – thuộc hạng cao cấp (…) mong đợi hồi âm (…) Sau khi kiểm tra không thấy lỗi gì, tôi nhanh tay ký nhái tên Miranda xuống dưới và gọi điện cho dịch vụ đưa thư lên lấy.

Mấy giây sau có tiếng gõ cửa. Giờ sáng sớm tôi luôn đóng cửa vì chưa có ai đến. Tôi đang ngạc nhiên vì tốc độ của dịch vụ bưu điện thì cửa mở tung ra và Mờ-Cờ-Đờ xuất hiện với nụ cười đến mang tai – quá lạ lùng ở thời điểm trước tám giờ.

“Andrea,” ông bả lả, nhanh nhẹn tiến đến bàn tôi và nở một nụ cười đáng yêu đến nỗi tôi phải áy náy tại sao mình vẫn không thể có chút cảm tình nào với ông.

“Chào ông Tomlinson, có chuyện gì khiến ông phải đến sớm vậy?” Tôi hỏi. “Rất tiếc phải nói với ông là Miranda chưa có mặt ở văn phòng.”

Ông nháy nháy cánh mũi như con nhím đánh hơi: “Vâng, vâng, Miranda sẽ không đến trước bữa trưa, nếu tôi không nhầm. Cô bé Andy, chúng ta gặp nhau lần cuối đã lâu rồi đấy nhỉ. Cho Mr. Tomlinson biết là sức khỏe của cô ra sao?”

“ Để tôi cầm đỡ đồ hộ ông đã,” tôi nói và đón lấy chiếc bao vải thô thêu kí tự MP đầy quần áo bẩn mà tôi sẽ phải đem đến chỗ giặt là. Tôi cũng giải phóng ông luôn khỏi chiếc túi Fendi, một tác phẩm độc bản do tự tay Silvia Venturini Fendi làm riêng để cảm ơn Miranda. Một trợ lý thời trang của Runway phỏng đoán nó có giá 10.000 dollar. Cầm nó vào tay, tôi phát hiện ra một trong hai quai da mỏng mảnh đã rời ra lủng lẳng. Bộ phận thời trang đã khiếu nại cả chục lần, và Fendi luôn khẩn trương sửa lại miễn phí. Túi này dùng để đựng một chiếc ví tiền, bí lắm thì chứa thêm cặp kính râm, và nếu không tránh được thì có thể đút thêm chiếc điện thoại di động tí xíu vào – những hạn chế mà Miranda chưa bao giờ để ý đến. Lần này bà tống vào đó một chai nước hoa Bulgari cỡ XL, một chiếc xăng đan gãy gót – chắc tôi phải đem đi sửa, quyển lịch công tác Hermès có khả năng đánh gục mọi laptop về kích cỡ và trọng lượng, một vòng cổ chó ngoại cỡ đóng gai nhọn mà tôi đoán không phải của Madeleine hoặc để dùng cho buổi chụp ảnh thời trang tới, và quyển SÁCH tôi nộp ở nhà tối qua. Phải tay tôi thì cái túi 10.000 dollar này đã được bán luôn với lãi cao nhất để trả tiền nhà cho cả năm. Đối với Miranda nó chỉ là sọt rác.


“Cám ơn Andy, cô chăm sóc chúng tôi tận tình quá. Bây giờ thì Mr. Tomlinson sốt ruột muốn nghe cô sống ra sao. Có gì hay ho không nào.”

Có gì hay ho không? Có gì hay ho không? Hừm, ta xem nào, tôi nghĩ là chẳng có nhiều chuyện để nói. Phần lớn thời gian của tôi chỉ để hầu hạ bà vợ tàn ác của ông thôi. Mấy phút rỗi rãi hiếm hoi trong tuần – nếu vợ ông không bịa ra thêm việc gì để nhét thêm vào – cốt để tôi nỗ lực chống lại chứng nhũn não sinh ra từ những lời lảm nhảm của cô trợ lý chính. Trong những dịp ngày càng hi hữu tránh khỏi được vòng kiềm tỏa của Runway , tôi tự nhủ mỗi ngày tiêu thụ tám trăm calo là tốt và mình không phải quá béo với cỡ áo 38. Tóm lại, câu trả lời cho ông là : không có gì đặc biệt.

“Mr.Tomlinson, thật ra không có gì đặc biệt. Tôi nhiều việc phải làm lắm. Xong việc, tôi làm gì đó với cô bạn thân hoặc với bạn trai. Và còn gia đình nữa.” Ngày xưa tôi đọc nhiều sách, tôi định nói thêm, nhưng bây giờ không còn sức đâu mà đọc nữa. Tôi cũng thích thể thao, nhưng bây giờ đơn giản

là chẳng có thì giờ.

“Cho phép tôi đoán tuổi cô nhé, hai mươi lăm, đúng không?” Chà, ông này có ý gì đây nhỉ?

“À, không, mới hai mươi ba. Tôi vừa tốt nghiệp hồi tháng năm vừa rồi.”

“Thật à, hai mươi ba!” Ông không biết phải nói gì. Tôi nín hơi chuẩn bị tinh thần. “Cô cho Mr. Tomlinson biết đi, những người hai mươi ba tuổi có trò giải trí gì trong thành phố? Nhà hàng? Câu lạc bộ hay những chốn tương tự.” Ông lại mỉm cười, và tôi tự hỏi, liệu ông có cần sự chú ý của tôi thật không. Có thể ông chẳng có ẩn ý gì cả mà chỉ đơn giản thích nói chuyện.

Có nhiều thứ để giải trí, tôi nghĩ thế. Không hẳn ở các câu lạc bộ, mà ở các quán nhỏ và quầy bar đẹp. Hay đi ăn, hoặc xem phim.”

“Nghe có vẻ nhiều thứ hay đấy. Hồi ở tuổi cô thì tôi cũng thế. Bây giờ thì trong chương trình chỉ toàn ăn cơm khách và các bữa tiệc từ thiện. Cứ vui chơi thật nhiều vào, chừng nào còn có dịp, Andy.” Ông nháy mắt kiểu bố già lẩm cẩm.

“Vâng, đúng thế,” tôi gượng gạo đáp. Thôi biến đi, biến đi, biến đi cho rảnh, tôi nghĩ thầm. Mỗi ngày tôi chỉ có ba phút hòa bình và yên ổn, ông đừng có phá nốt.

Ông định nói gì đó thì cửa mở ra, Emily bước vào, uốn éo theo điệu nhạc trong tai nghe. Nhìn thấy khách, cô giật mình.

“Mr. Tomlinson!” Cô giật phắt tai nghe và đút chiếc iPod vào túi Gucci. “Mọi việc đều ổ chứ ạ? Hay có chuyện gì với Miranda?” Giọng nói và điệu bộ cho thấy cô lo lắng thực sự. Diễn xuất tuyệt hảo: xem đây, người trợ lý luôn luôn chuyên cần và lịch sự.

“Chào Emily, không, không có chuyện gì. Miranda sắp đến rồi. Mr.Tomlinson chỉ tạt qua đưa mấy thứ đồ. Cô có khỏe không?”

Emily tươi tỉnh nhìn ông. Cô vui thực sự khi thấy ông? “Rất khỏe, cảm ơn ông đã hỏi thăm. Còn ông? Andrea có giúp được ông như ý không?”

“Có chứ,” ông nói và nở nụ cười thứ 1000 về hướng tôi. “Tôi định bàn mấy chuyện về lễ đính hôn của em trai tôi, nhưng có lẽ hôm nay còn sớm quá, phải không?”

Trong một thoáng, tôi tưởng ông nói “sớm quá” là ám chỉ giờ này. Tôi định nói “vâng” thì hiểu ra là kế hoạch chưa đi đến chi tiết cụ thể để có thể đem ra bàn.

Quay sang Emily, ông nói: “ Cô có một trợ lý tuyệt vời đấy, Emily ạ.”


“Nhất định rồi,” cô nghiến răng,” người giỏi nhất đấy ạ.” Cô cười toe toét.

Tôi cũng cười toe toét.

Mr. Tomlinson cười toe toét gấp đôi. Tôi thầm hỏi, liệu ông có bị chứng rối loạn cân bằng chất, hay một dạng hưng cảm gì đó.

“Vâng, thế thì Mr. Tomlinson lại lên đường thôi. Chào các cô, nói chuyện với các cô rất vui, lần nào cũng thế. Chúc hai cô một buổi sáng tốt lành. Good-bye.”

“Bye, MR. Tomlinson,” Emily nói với theo trong khi ông đã ra đến góc quầy lễ tân.

“Sao chị thiếu lịch sự với ông ấy thế?” Cô hỏi trong khi cởi chiếc áo khoác da mỏng dính. Bên dưới là một chiếc áo the còn mỏng hơn, cổ khoét tròn và phía trước ngực xâu dây chằng như cooc xê.

“Thiếu lịch sự? Tôi nhận đồ từ tay ông và nói chuyện với ông trước khi chị đến. Có gì thiếu lịch sự đâu?”

“Ví dụ, chị không nói tạm biệt. Và kiểu nhìn của chị nữa.”

“Kiểu nhìn?”

“Đúng. Kiểu chị nhìn khiến mọi người hiểu là chị cao hơn tất cả và chị ghét mọi thứ ở đây. Chị làm thế với tôi thì được, chứ không thể với Mr. Tomlinson. Ông ấy là chồng Miranda, chị không thể đối xử với ông như thế được.”

“Emily, chị có thấy ông ấy hơi…, nói thế nào nhỉ, hơi …kỳ khôi không? Ông ấy nói liên hồi kỳ trận. Tại sao ông ấy dễ mến thế, trong khi vợ ông … không dễ mến lắm?” Emily liếc vào phòng Miranda xem tôi đặt báo trên bàn có đúng cách không.

“Kỳ khôi à? Sao chị lại nghĩ thế, Andrea? Ông ấy là một trong những cố vấn thuế cự phách nhất Manhattan đấy.”

Nói nữa cũng vô nghĩa.” Thôi quên đi, tôi không biết mình nói vớ vẩn gì nữa. Còn chị? Tối qua ra sao?”

“À, không đến nỗi nào. Tôi cùng Jessica đi sắm đồ cho các phù dâu của chị ấy. Chạy đủ mọi cửa hàng – Scoop, Bergdorf’s, Infinity, khắp nơi. Và tôi mặc thử hàng đống quần áo có thể đem đi Paris, nhưng có lẽ hãy còn sớm quá.”

“Paris? Chị đi Paris à? Nghĩa là chị để tôi một mình ở đây với bà ấy?” Câu cuối cùng đúng là tôi buột miệng. Emily nhìn tôi như muốn hỏi, liệu tôi có dở hơi không. “ Ừ, tháng 10 tôi đi cùng Miranda sang Paris tới các show trình diễn thời trang mùa xuân. Miranda năm nào cũng đem trợ lý chính đi cùng để quan sát thực tế. Ở đây tôi đã tham gia một triệu buổi rồi, như show ở Châu u nhất định khác.”

Tôi tính nhanh. “ Tháng 10, nghĩa là bảy tháng nữa kể từ hôm nay. Còn bảy tháng nữa mới đi mà hôm nay chị đã thử quần áo?” Tôi không chủ ý nhưng giọng tôi quá gay gắt, và Emily lui vào thế thủ ngay.


“Ừ. Tôi cũng chẳng định mua gì, đến lúc đó thì mốt cũng thay đổi nhiều rồi. Nhưng tôi muốn ngó nghiêng xem có gì mới không. Chị biết không, rất đồ sộ nhé. Ở khách sạn năm sao, tối tối toàn dạ hội cực hoành tráng. Và, trời ạ, được đến các show thời trang hot nhất, chọn lọc nhất thế giới.”

Đã có lần Emily kể là mỗi năm Miranda bay ba, bốn lần sang Châu u dự trình diễn thời trang. Như tất cả mọi người, bà tránh London nhưng đến Milan và Paris vào tháng 10 xem thời trang mùa xuân, tháng 7 xem bộ sưu tập mùa đông và tháng 3 xem mốt của mùa thu sắp tới. Đôi khi bà kèm thêm mấy ngày nghỉ. Chúng tôi phải làm việc không ngơi tay để chuẩn bị các show thời trang vào cuối tháng. Tôi băn khoăn tại sao Miranda rõ ràng không bao giờ cần trợ lý cho những buổi ấy.

“Vì sao sếp không đem chị đi cùng đến mọi nơi?” Tôi liều hỏi, tuy biết rằng câu trả lời sẽ là một kiểu giải thích dài dòng. Việc Miranda hai tuần liền ( Milan và Paris) không có mặt ở văn phòng đã đủ làm tôi mừng cuống lên rồi, nghĩ đến một nửa thời gian đó không phải nhìn mặt Emily làm tôi phát ngất vì sung sướng. Trong thâm tâm, tôi vẽ ra hình ảnh chiếc Cheeseburger kẹp thịt ba chỉ rán, lại được mặc quần bò rách te tua và đôi giày thấp gót ngày xưa của mình, thậm chí cả giày thể thao nữa cũng nên! “ Tại sao chỉ trong tháng 10?”

“Không phải là sếp không có trợ lực ở bên đó. Tờ Runway ở Pháp và ở Ý nhất định sẽ cử trợ lý giúp Miranda, nói chung cả các biên tập viên cũng sẵn sàng phục vụ bà. Nhưng khi khai trương show thời trang mùa xuân Miranda luôn tổ chức một dạ hội khổng lồ - nghe tất cả nói đó là bữa tiệc lớn nhất và thú vị nhất trong ngành, năm nào cũng thế. Tôi chỉ bay đến Paris trong tuần mà bà ở đó, hiển nhiên vì bà chỉ tin cậy tôi ở đó.” Hiển nhiên là như vậy.

“Chà chà, nghe có vẻ là một tuần hoành tráng lắm nhỉ. Trong lúc đó thì tôi ở đây canh văn phòng?”

“Đại khái là thế. Nhưng chẳng sung sướng gì đâu, tôi nói cho chị biết. Thậm chí có khi là tuần gian khó nhất trong năm, vì trên đường đi bà ấy luôn cần sự hỗ trợ nào đó. Chị sẽ thường xuyên nhận được điện thoại đấy.”

“Sướng thật,” tôi nói. Emily nhướng mắt nhìn.

Tôi lơ mơ ngủ trước màn hình trắng tinh cho đến khi mọi người lục tục đến và tôi bắt buộc phải chú ý. Khoảng mười giờ, các cô gái là lượt bắt đầu xuất hiện, họ kín đáo khắc phục hậu quả của mấy ly Champegner quá chén đêm qua bằng vài ngụm cà phê (với sữa gầy, không đánh bọt). Như mọi hôm, James ngó vào chỗ tôi nếu anh thấy Miranda chưa đến. Anh kể là tối qua ở Balthazar đã bắt quen được người chồng tương lai lý tưởng.

“Anh ấy ngồi ở bar và mặc cái áo khoác da màu đỏ bắt mắt nhất mà tôi từng thấy – và những đồ bên trong cũng không phải là hạng hai, chị biết không. Chị phải xem anh ấy để con sò lướt lên lưỡi ra sao…” Anh thở dài đánh sượt. “Trên cả tuyệt vời”.

“Có xin được số điện thoại của anh ấy không?” Tôi hỏi.

“Xin số điện thoại? Xin cái quần thì đúng hơn. Mười một giờ đêm thì anh ấy đã nằm trần như nhộng trên ghế đệm nhà tôi, và trời ạ, chị phải biết là…”

“Được rồi, James, hay rồi, việc gì phải làm vòng vèo lâu la, đúng không? Nhưng thú thật là – anh có hơi nhẹ dạ quá không đấy? Thời buổi Aids, anh biết rồi đấy.”

“Cưng ơi, cưng là thiên thần cuối cùng của thế giới này thật, nhưng chính cưng nếu nhìn thấy chàng thì cưng sẽ muốn quỳ sụp xuống và từ bỏ mọi lý tưởng của mình. Chàng là đỉnh cao. Đỉnh cao tuyệt đối.”

Tới mười một giờ thì mọi việc đâu vào đấy: ví dụ như ai đã chộp được một cái quần trong xê ri mới nhất của Theory Max hay – điều không tưởng – của Sevens. Bây giờ đã đến lúc giải lao vài phút cạnh các giá treo đồ của Jeffy và nhân dịp ấy bàn tiếp về chuyện quần áo ở tầm cao hơn. Sáng nào Jeffy cũng đẩy ra ngoài mấy giá treo áo dài, áo tắm, quần sơ mi, măng tô, giày và tất cả những thứ khác có thể được dùng trong buổi chụp ảnh thời trang. Anh xếp giá treo thành một hàng liền nhau dọc tường, kín khắp tầng nhà. Các biên tập viên chỉ việc lựa chọn ra thứ đồ cần thiết mà không phải vất vả lục lọi trong kho quần áo.

Nói chính xác thì không thể gọi đó là kho quần áo, mà là một khu triển lãm nhỏ. Xung quanh là giày dép đủ kích cỡ, màu sắc và hình dạng, thiên đường của những kẻ nghiện giày: xăng đan thấp gót, xăng đan cao gót buộc dây, giày múa ba lê, bốt cao gót, giày mở, ủng nạm cườm. Các ngăn hộp, bất kể giấu trong tường hay chất thành núi ở góc nhà, chứa không trừ bất cứ loại nào của tất dài, tất ngắn, nịt vú, xi líp, váy lót, cooc xê, nịt lót. Ai cần gấp một chiếc nịt vú độn cao của La Perla in họa tiết da báo? Người nào tìm tất quần bằng vải lưới màu da hay kính râm thời thượng của Dior? Hãy vào đây. Các ngăn kéo và giá hàng chiếm hết toàn bộ chiều dài của hai bức tường hậu. Nhìn chỗ hàng – chưa tính đến giá trị - là đủ ngốt người. Bút máy, trang sức, vải trải giường, khăn quàng, găng tay, mũ len, áo ngủ, mũ lông, khăn phu la, đồ văn phòng, hoa giả, vô thiên lủng những mũ là mũ. Và túi nữa: túi đi mua sắm, túi du lịch, ví đầm, ba lô, túi đeo vai, túi quàng chéo, túi tài liệu, túi cặp nách – đơn giản là không thiếu gì trên đời, từ mini đến ngoại cỡ, tất cả đều mang nhãn hiệu nổi tiếng và bảng giá mà nhìn vào là một người Mỹ trung bình đủ choáng vì nó đắt hơn gấp bội tiền mua nhà trả góp hàng tháng. Diện tích còn thừa là dành cho các giá treo quần áo, kê sát nhau không cho ai đi lọt.

Nghĩa là suốt ngày Jeffy tất bật sắp xếp kho quần áo sao cho mọi người có thể đi lại một cách không quá vất vả. Ở đó các người mẫu (và trợ lý, kể cả loại muỗi như tôi) thử quần áo và thậm chí còn được leo được đến lớp thứ ba chứa giày và túi. Để làm được thế, Jeffy phải đẩy hết các giá treo ra hành lang. Tôi chưa từng chứng kiến một ai, bất kể phóng viên, sưu tầm, chở hàng hay trang điểm, khi nhìn thấy dãy quần áo vô tận ngoài hàng lang mà không đứng như trời trồng và trố mắt ra nhìn. Lần thì show thời trang (ở Sydney hay Santa Barbara) quyế tđịnh nội dung giá treo, lần thì chia theo danh mục (bikini, bộ kết hợp), nhưng phần nhiều thì tất cả trông như một kho sưu tầm ngổn ngang toàn những đồ đắt lòi mắt. Và tuy rằng ai cũng phải dừng chân để kính cẩn chạm tay vào chiếc khăn cashmere mềm như tơ hay những áo dài dạ hội nạm cườm tinh xảo, nhưng những chủ nhân đích thực – tự phong – lại là các cô người mẫu, họ luôn hăm hở canh giữ trang phục “của mình” và bàn tàn vô tận về từng chiếc một.

“Phụ nữ duy nhất trên thế giới này mặc được thứ quần Capri này là Maggie Rizzer,” Hope phát biểu ngoài sảnh. Cô là trợ lý thời trang, nặng 47 kg và cao 1,80 mét. “Tôi có mặc vào thì mông cũng quá to.”

“Andrea,” bạn gái của cô gọi tôi, một người làm ở phòng phụ kiện mà tôi cũng chỉ quen sơ sơ. “Nói với Hope là chị ấy không béo đi.”

“Chị không béo,” tôi nhắc lại như con vẹt. Lẽ ra tôi nên in câu ấy lên ngực áo T-shirt hay xăm luôn lên trán thì tiết kiệm được khối thời gian. Tôi liên tục phải cả quyết với các nữ cộng tác viên ở Runway là họ không béo.

“Ối trời ơi, sao mà tôi béo thế này, bụng như bà chửa, ghê quá!” Họ không có tí mỡ nào trên người, nhưng bù lại thì trong đầu chỉ nghĩ đến mỡ. Emily thề sống thề chết là đùi cô còn “to hơn cột đình”. Jessica cho rằng bắp tay cô nhẽo như của Roseanne Barr vậy. Ngay cả James cũng than thở là một hôm ra khỏi phòng tắm anh thấy mông mình nom xấu dáng đến nỗi anh cân nhắc có nên xin công ty cho “nghỉ ốm vì chứng béo phì.”


Thoạt tiên tôi còn trả lời những câu hỏi Tôi-có-béo-không một cách thản nhiên và hợp lý: “Hope, nếu chị béo thì tôi là gì? Tôi thấp hơn chị năm phân và nặng hơn.”

“Thôi đừng đùa nữa, Andy. Tôi béo quá. Chị rất gầy và xinh.”

Tất nhiên là tôi cứ nghĩ là cô ta xạo. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra là Hope – như tất cả các đồng nghiệp gầy như que củi của cô và hầu hết đàn ông ở văn phòng – có tài đoán trọng lượng chính xác từng gam. Duy chỉ khi ngó vào gương thì họ tá hỏa thấy một con voi ngó ra.

Tôi cố gắng đến mấy cũng vô ích, chẳng có cách nào để nhìn tất cả từ một góc độ biết điều và tự nhủ rằng tôi là một người bình thường chứ không như tất cả mọi người – những chuyện đàm tiếu xung quanh đề tài quá cân đã bắt đầu ngấm. Mới chỉ ở đây có bốn tháng nhưng tôi đã đủ nhạy cảm (hay hoang tưởng) để cho rằng mỗi nhận xét bình phẩm đều có thể chủ ý nhằm vào mình. Đại khái : tôi đây này, trợ lý thời trang, dong dỏng cao, quyến rũ, mảnh mai, nhưng ra vẻ kêu mình béo ục ịch, cốt chỉ để cậu, đồ nấm lùn trợ lý sai vặt, rốt cuộc nhận ra rằng chính CẬU mới là béo. Với 52 cân và 1,75 mét tôi được coi là thon thả so với bạn bè cùng lứa. Ngoài ra, cho đến giờ tôi vẫn cho là mình cao hơn 90% phụ nữ (và tối thiểu một nửa đàn ông) quanh mình. Chỉ từ khi vào làm việc trong vương quốc của những kẻ hoang tưởng này tôi mới thấu hiểu cảm giác từ sáng đến tối và 365 ngày trong năm tự thấy mình thấp và béo. Như một con hà mã giữa bầy tiên nữ. Lúc nào có được một giây quên đi là tôi mang đồ số 38 thì những cuộc đàm tiếu hằng ngày sẽ nhắc nhở tôi ngay lập tức.

“Bác sĩ Eisenberg nói, phong độ cao nhất chỉ đạt được khi từ bỏ cả hoa quả,” Jessica nhảy vào tranh luận cùng, trong khi cô nhấc một chiếc váy Narcisco Rodriguez từ giá treo xuống. Mới đây cô hứa hôn với một phó chủ tịch tập đoàn Goldman Sachs và sống trong trạng thái stress liên miên, chỉ vì luôn nghĩ đến đám cưới diễm lệ sắp diễn ra. “Bà ấy nói đúng. Từ lần trình diễn cuối, tôi đã xuống tối thiểu năm cân.” Tôi không quan tâm đến chuyện ăn kiêng của cô, nhưng cơ thể cô không còn đủ lượng mỡ để hoạt động bình thường nữa; cái mà tôi không tha thứ được là, cô còn nói về chuyện ấy. Kệ cho cô dẫn lời những thần tượng nào của ngành y hoặc khoe khoang thành tích nào mới, mối quan tâm của tôi về đề tài này chỉ là con số không tròn trĩnh.

Gần một giờ chiều, mọi người trong văn phòng tăng tốc làm hết phần việc dang dở để nghỉ trưa. Cần nói thêm là “nghỉ trưa” không liên quan tới ăn! Tôi uể oải quan sát nhóm quen thuộc gồm thợ làm tóc, cộng tác viên cơ hữu, dân làm hợp đồng và bạn bè tới đây để tắm mình trong thế giới thời trang – giữa những bộ quần áo sang trọng nhất, những khuôn mặt xinh như mộng và những cặp đùi dài đến nách.

Khi biết rõ là cả Miranda lẫn Emily đều đã đi nghỉ trưa, Jeffy đến chỗ tôi và dúi cho tôi hai túi mua hàng to tướng.

“Đây, chị thử xem, chắc sẽ đủ cho thời kỳ đầu.”

Tôi đổ một túi ra sàn nhà cạnh bàn giấy và phân loại. Quần hiệu Joseph màu cát và than đá, dài và không bó, cạp trễ, cắt bằng len mềm như tơ. Quần da lộn nâu của Gucci, mặc vào thì một bà bán cá cũng thành siêu mẫu. Hai quần bò mài đúng độ của Marc Jacobs, cứ như may đo cho riêng tôi. Tám, chín áo quây bằng thun dệt nổi gân của Calvin Klein bó chét. Sơ mi kiểu dân gian, trong suốt và ngắn cũn, mác Donna Karan. Một váy quấn cực khêu gợi hiệu Diane Von Furstenburg xếp ngay ngắn cạnh bộ đồ xanh dương bằng nhung the của Tahari. Vừa nhìn là tôi mê ngay chiếc váy bò xếp ly của Habitual, dài đến đầu gối tôi và rất hợp với áo vest in hoa phá cách hiệu Katayone Adelie.

“Chỗ quần áo này… tất cả cho tôi à?” Hy vọng là giọng tôi thật hứng khởi chứ không có vẻ chạnh lòng.

“Vâng, chuyện vặt mà. Để trong kho rất lâu rồi. Có thể đã lấy ra dùng vài thứ để chụp ảnh thời trang, nhưng chưa bao giờ gửi trả lại bên cung cấp cả. Cứ vài tháng một lần, tôi phải dọn dẹp và vứt đi vài thứ, lần này tôi chợt nhớ đến chị. Chị mặc cỡ 38 chứ gì?”

Tôi gật đầu, vẫn chưa thốt nên lời.

“Tôi cũng đoán thế. Đa số mọi người mang cỡ 32 hoặc còn nhỏ hơn, chị cứ dùng thoải mái.”

A! “Hay quá, hay tuyệt, Jeffy, tôi không biết cám ơn ra sao đây. Thích quá.”

“Chị xem nốt túi kia đi,” anh chỉ vào túi thứ hai trên nền nhà. “Chị đừng tưởng sẽ gây ấn tượng với bộ nhung the này nếu như vẫn tiếp tục xách cái túi đi chợ dặt dẹo kia.”

Cái túi thứ hai còn đầy hơn, chứa một núi đồ cao cấp. Giày, túi, mấy chiếc măng tô liền. Bốt cao gót hiệu Jimmy Choo, cao đến mắt cá và đến đầu gối, hai đôi xăng đan mở có gót cao hiệu Manolo, giầy Prada kinh điển màu đen, giày lười của Tod (nhất định không được dùng ở văn phòng – Jeffy cảnh cáo ngay). Tôi quàng lên vai một túi mềm bằng da lộn màu đỏ, mặt trước có ký tự “CC” lồng nhau không lẫn vào đâu được – mặc dù không thể sánh được với túi mua hàng bằng da màu cà phê của Celine mà tôi đeo lên vai kia. Đỉnh cao là chiếc áo khoác dài, mốt quân sự, khuy cài to đùng nổi bật, mác Jacobs.

“Anh lại đùa rồi,” tôi khẽ nói và vớ lấy chiếc kính râm Dior, hình như được nhồi thêm vào túi ở phút cuối. “Đúng là chuyện đùa.”

Anh nhún vai hài lòng. “Chị hãy chiều tôi, và mặc chúng nhé! Và đừng đi kể ở đâu rằng chị là người đầu tiên được phép chọn, vì ai cũng tranh nhau đồ thanh lý của kho thời trang đấy.” Anh biến nhanh như chớp khỏi cửa khi vừa nghe tiếng Emily gọi gì đó đầu hành lang, còn tôi lấy chân đẩy đống quần áo xuống gầm bàn. Emily đem mấy thứ quen thuộc từ căng tin về: sữa hoa quả, một bát nhựa đựng xà lách và súp lơ xanh trộn dấm. Không phải nước xốt, mà là dấm tinh.

Miranda sắp đến văn phòng – Yuri gọi điện báo là Miranda vừa xuống xe, nghĩa là tôi không còn bảy phút xông xênh như thường lệ để lao bổ xuống quầy xúp rồi về bàn dốc tuột vào họng.

Thời gian trôi đi vùn vụt, tôi đói lả cả người nhưng không có đủ ý chí để chen qua đám người mẫu, để cô thu ngân đánh giá mình rồi húp bát xúp nóng bỏng (và làm béo!) với tốc độ âm thanh xuống dạ dày sau khi làm hỏng thực quản. Chẳng bõ công, tôi nghĩ bụng. Thỉnh thoảng bỏ một bữa chẳng chết đâu mà lo, tôi tự nhủ. Ngược lại, nó sẽ làm mi mạnh hơn, như các nữ đồng nghiệp khỏe mạnh về thể xác và linh hồn của mi vẫn nói. Với lại, chiếc quần 2.000 dollar không hề đẹp khi cô gái mặc nó thuộc giống phàm ăn tục uống. Vậy thì tôi thả người ngồi xuống ghế và tự an ủi mình đã đại diện một cách xứng đáng cho tạp chí Runway.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui