Quan Trừng

Cuối tháng 9 năm Dân quốc 30, hôm ấy A Âm mới từ nhà trọ của Quỷ Sứ về, cô túm một con quỷ vô danh rồi cùng hai con quỷ già góp thành một bàn mạt chược, dạy nó chơi rất mệt. Về đến nhà, không thấy quyển tạp chí Lương Hữu mới nhất đặt ở cái quầy thấp, cô vừa cởi giày vừa hỏi người bên cạnh sao còn chưa đưa đến.

Có hầu gái nhanh nhẹn bước lên, giúp cô cởi áo khoác, ấp úng nói: “Hôm nay trong thành có tin đồn người Nhật đã niêm phong tòa soạn, tạp chí đã ngừng xuất bản.”

Cô bừng tỉnh trong nháy mắt, từ đời Đường đến nay, cô đã gặp bao cảnh chiến loạn, hẳn phải quen thuộc và thích ứng với thời cuộc ngả nghiêng này mới đúng, nhưng đồ vật ngày ngày đều thấy bỗng dưng không có, cô vẫn sững sờ trong giây lát.

Cô đi chân trần lên lầu, hầu gái cầm dép lê chạy chậm theo sau, vì chuyện này mà tiên sinh đã trách mắng người làm biết bao nhiêu lần. Nhưng tiên sinh còn không hiểu tính tình của vị phụ nhân này sao, chỉ có nổi giận với người làm mới tác dụng, suy cho cùng cũng là vì bản thân anh không dám dạy dỗ A Âm.

Cô và Hàn Thính Trúc dùng chung thư phòng, biệt thự vốn được trang trí như vậy, ban ngày đa số anh không ở nhà, dù có ở nhà thì cũng không đọc sách vẽ tranh ở thư phòng như những ông chủ xuất thân trí thức. Trong thư phòng của anh chỉ bỏ vài tài liệu kinh doanh, hoặc là danh sách tên nhân viên ở “Hoằng Xã” hay cửa tiệm mua bán ngầm. Chủ nhà cũ để lại rất nhiều sách nhưng ngày đầu tiên Hàn Thính Trúc dọn vào đã đưa hết đến thư cục, một quyển cũng không để lại. Mấy hàng sách đa dạng như bây giờ đều là những cuốn mà A Âm đã đọc qua để lại. Anh không phải người yêu văn học.

Dưới giá sách nằm cách bàn xa nhất có một ngăn tủ đầy ắp, A Âm bước đến mở ra, bên trong có giấy Tuyên và bút mực được sắp xếp chỉnh tề.

Cô rất chăm chỉ tập viết, nhưng đa số đều giấu Hàn Thính Trúc.

Cũng không hẳn là giấu, chủ yếu do ban ngày anh không có ở nhà, chứ không phải là cô cố tình giấu diếm.

Từ xưa đến nay có rất nhiều kiểu chữ nhưng chữ Khải chưa từng suy bại. Bây giờ ở bến Thượng Hải, phụ nữ đọc sách ngày càng nhiều, tiểu thư khuê tú nhà nhà đều luyện chữ Khải nhỏ, dòng dõi cao hơn thì xem chữ như mặt, tuân theo câu nói “luyện chữ phải luyện khi còn nhỏ”.

Bàn về người viết chữ trâm hoa tiểu Khải nổi tiếng nhất thì ở Thượng Hải từng có một vị danh viện “không chính thức” tên là Hứa Bích Chi. Tục truyền cô xuất thân thấp kém, phải làm công việc buôn da bán thịt, khổ luyện hai năm cuối cùng cũng có thể mang ra ngoài. Những danh viện cay nghiệt kia đồn rằng cô có tác phong không đứng đắn, viết chữ trâm hoa tiểu Khải ít nhiều mang theo vẻ phóng đãng, sau đó cảm thán một câu: chậc, đúng là rất bẩn.

Vợ của ông chủ Chu từng cho A Âm xem chữ của Hứa Bích Chi khi còn sống, khi ấy cô cười cười, bởi cô ta chỉ học được vẻ ngoài mà thôi, lừa gạt mấy phu nhân trẻ tuổi hoặc người không nghiên cứu nhiều về thư pháp thì được. Ánh mắt A Âm sắc bén hơn bởi cô đã từng thưởng thức khá nhiều nét chữ đẹp, nhưng cô cũng không nói gì thêm. Cô nghĩ thầm trong bụng, chẳng phải đến cuối cùng vẫn phải dựa vào đàn ông để ngoi lên sao, không tránh thoát được số phận.

Lúc đó bà Chu không biết, người đứng cạnh mình là bậc thầy thư pháp.

A Âm luyện chữ Khải.


Bạn hỏi cô ấy đang mô phỏng Chung Dao*, Vương Hi Chi* hay là Triệu Mạnh Phủ*, thì đều không phải. Bạn có biết vào năm Khai Nguyên thời Đường Huyền Tông, ở ngoài thành Trường An có một ngọn núi, trên núi có ngôi chùa tên chùa Bàn Nhược, trong chùa có một vị tiểu sư phụ viết chữ rất đẹp, tên Trúc Hàn.

Đây là người thầy đã dạy dỗ A Âm, cũng là tình cảm chân thành ngàn năm của cô.

Giữa những nét chữ rồng bay phượng múa ẩn chứa khí phách cuồn cuộn, nét chữ ăn khớp đan xen vào nhau. Cô luyện quá lâu, chỉ cảm thấy bút tích mà Trúc Hàn lưu lại thưa dần, câu hỏi mà cô nghe người ngoài hỏi nhiều nhất đó là: Sao cô nương lại luyện nét chữ của đàn ông?

Cô sao? Chỉ đang đang mượn chữ nhớ người mà thôi, chẳng khác nhìn vật nhớ người là bao.

Bởi vì cửa thư phòng mở mà con mèo con nhô đầu vào nhỏ giọng kêu một tiếng dài, A Âm lấy lại tinh thần, một giọt mực đen rơi xuống giấy Tuyên, giống như chậu sứ trắng bị nhiễm bẩn, vẻ đẹp của nó đã bị phá hủy.

Cô lại nghĩ đến anh.

A Âm từ từ ngẩng đầu, đối diện với Hàn Thính Trúc quay về nhà vào buổi chiều, ánh mắt vẫn hơi ngơ ngác, một lúc lâu vẫn không nói nên lời, cô muốn hỏi anh sao hôm nay về nhà sớm vậy.

Rõ ràng bóng dáng người trước mắt rất giống Trúc Hàn nhưng lại có khí thế bức người, A Âm cảm thấy hình như anh cao hơn chút. Trong tủ có treo trường bào màu khác nhưng anh chỉ thích mặc màu đen, cô cũng thích mặc màu đen, từ lâu đôi mắt cô không ưng nổi màu khác.

Không biết hai người đã nhìn nhau bao lâu, anh cũng không vội vã đến gần mà chỉ đứng ở cửa ra vào, tay còn cầm một ly nước, miệng ly tỏa ra hơi nóng, gương mặt anh không có một biểu cảm dư thừa nào, cuối cùng A Âm mở miệng hỏi: “Sao anh về sớm thế?”

Bàn tay lặng lẽ thu thập giấy bút trên bàn, vô tình chạm vào vết mực loang, lòng bàn tay dính từng mảnh xám đen, ấy thế mà bản thân cô lại chẳng hề nhận ra.

Hàn Thính Trúc nhìn thấy hết, anh vẫn bình tĩnh bước đến, sờ thấy nhiệt độ không quá nóng, anh uống trước một ngụm rồi mới đưa cho A Âm.

“Lại đang luyện chữ?”


Cô không để ý đến chữ “lại” kia, uống mấy ngụm nước để nhuận họng rồi hỏi: “Anh cần dùng thư phòng hả? Em viết cũng lâu rồi, giờ thu dọn thôi.”

Người đàn ông duỗi tay vỗ vỗ bả vai cô, như đang bảo cô không cần căng thẳng rồi bước đến cầm tờ giấy Tuyên để trên bàn lên, ngoại trừ một giọt mực đen bất ngờ rơi xuống thì bốn góc đều hoàn hảo, rải rác trên đó là những chữ “Quan”. A Âm nhìn vẻ mặt như vô tình của anh, vẫn giữ nguyên dáng vẻ bình thản, nghĩ rằng không có vấn đề gì.

Một giây sau, đã thấy anh lục lọi trong đống giấy khô, rút ra một tờ trong đó, rồi đặt lên trên tấm này sau đó giơ hai tờ giấy lên cùng lúc, ngoài cửa sổ đang có ánh nắng ban trưa rọi vào, trên trang giấy có những nét nông sâu, nối liền với nhau tạo thành vô số chữ Quan Trừng.

Cô kinh hãi, không hiểu vì sao anh lại làm vậy, vì sao lại ghép hai chữ cô cố ý tách ra làm một.

Trái lại Hàn Thính Trúc tỉnh táo hơn cô nhiều, sắc mặt cũng không trắng bệch như cô, anh mở miệng, giọng nói vẫn như bình thường: “Chữ A Âm thật sự rất đẹp.”

Rõ ràng nhìn thấy chữ “Quan Trừng” nhưng anh không hỏi đây là ai, vì sao lại viết tên này. Trước giờ anh là người phàm tục, anh không đọc sách, chữ anh biết cũng không nhiều, cũng chẳng nói được mấy lời khen ngợi nho nhã nhưng A Âm chỉ cảm thấy trong câu nói ấy, ẩn chứa những gợn sóng tình cảm đang chấn động.

Về phần đó là tình cảm nào, cô thử ví dụ như: Vào một năm thời Bắc Tống, A Âm đã lâu chưa quay về chân núi chùa Bàn Nhược, nhìn tháp cổ lợp ngói xám đã đổ nát. Hôm ấy trời nắng tuyết rơi, khắp nơi sáng rực, nhưng đáy lòng cô bỗng trào dâng vô hạn bi thương, trong miệng tràn ngập đau khổ khó hiểu.

Cô bỗng nhiên cảm thấy hơi đau lòng cho Hàn Thính Trúc.

Hơn ba mươi năm nay anh không có một ngày nhàn nhã thoải mái. A Âm bỗng thấy mình rất xấu xa, cứ để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa như vậy, lại còn kéo cả Hàn Thính Trúc vào, ngày ngày chịu tra tấn với cô.

Cô vươn tay định kéo hai tờ giấy Tuyên kia, phát ra tiếng sột soạt, anh nắm rất chặt như đang thưởng thức lại như đang ngẩn người.

A Âm giảm bớt sức, đặt ly xuống bàn, hai tay giữ tờ giấy, “Thính Trúc, đừng xem. Không có gì để xem đâu.”


Lắng nghe cẩn thận sẽ phát hiện ra giọng nói này hơi run rẩy. Hàn Thính Trúc bật cười, lúc anh cười hoàn toàn khác với Trúc Hàn. Dường như từ nhỏ anh đã không biết cười, cả biến Thượng Hải đều biết, Hàn Thính Trúc cười chắc chắn sẽ không có chuyện gì tốt. Nhưng cô nhớ có đôi khi anh cười rất thật lòng, trước khi ông chủ Chu đi, bọn họ thường hẹn nhau ra ngoài nghe hí, cưỡi ngựa, đánh dã cầu, anh đã từng rất cởi mở.

Dù thế nào thì cũng không phải như bây giờ.

Anh buông lỏng tay, để mặc A Âm lấy đi, “Em viết đi, hôm nay không có việc gì làm, anh đến từ đường thắp nén nhang.”

Không đợi cô trả lời anh đã đi, trước khi đi anh không quên mang ly nước chưa uống xong theo. A Âm đứng im tại chỗ, không muốn nhúc nhích, lòng bàn tay nắm chặt hai tấm giấy, tạo thành vài nếp nhăn.

Chính giữa từ đường trong nhà thờ phụng Quan Nhị gia thay cho bài vị của ông Hàn sau khi mất cùng với bài vị của mẹ Hàn Thính Trúc, không có ai khác nữa.

Anh vừa ra ngoài không lâu đã có người làm gõ cửa, bước đến đưa thêm nước ấm, vẫn là cái ly kia. Đợi mọi người ra ngoài, trong thư phòng chỉ còn lại một mình A Âm, cô không sợ bỏng, cầm đến thất thần.

Cô thu dọn mặt bàn qua loa, định thu xếp những thứ không muốn ai thấy gọn gàng rồi đặt lại vào trong ngăn kéo. Một dòng nước lạnh buốt kích thích đầu ngón tay, kéo mạch suy nghĩ của cô dần quay về. Cô lau tay sạch sẽ rồi đi tìm Hàn Thính Trúc.

Anh đang ngồi trên ghế sofa ở phòng khách, vắt chéo chân gọt vỏ táo, hờ hững nghe Đường Tam nói.

A Âm bước qua ngồi cạnh anh, không e dè có người đang nhìn, tựa nửa người không xương vào vai anh, không nói tiếng nào.

Hiển nhiên Đường Tam đã quen với cảnh này, lông mày cũng không nhúc nhích, tiếp tục kể: “. . . Tôi đến xem, chỉ có két sắt mở ra, không thấy dấu vết gì khác. Đồ vật lớn như vậy, chưa anh em nào nhìn thấy, nó không thể nào biến mất mà không để lại dấu vết. . .”

Anh hừ lạnh một tiếng, đưa cho A Âm trái táo vừa gọt xong, A Âm cũng hừ, nhưng ý cô là không muốn ăn. Anh kiên nhẫn cắt tiếp thành miếng nhỏ, đưa đến bên môi cô, lúc này cô mới cho anh mặt mũi, há miệng cắn một cái, cánh môi mềm mại chạm vào ngón tay cứng rắn, Hàn Thính Trúc lại nhíu mày.

Hai người cứ im lặng một đút một ăn như vậy, anh khẽ liếc Đường Tam, giọng điệu thong thả có phần uể oải, “Trần Vạn Lương đang giận, tôi giao mối buôn bán thuốc cho ông ta cầm chưa nóng tay đã bị người Nhật Bản xen vào. Nói với người phía dưới, gia tăng cường độ, không phải lo vướng mắc, nếu cần chào hỏi thì cứ đến tìm tôi. Dù có phải lật tung biệt thự nhà họ Trần cũng phải tìm ra đồ cho tôi.”

Đường Tam nghiêm túc đáp lời, lại nói sang chuyện khác. Một quả táo to như nắm tay trẻ em mà A Âm chỉ ăn hơn nửa đã lắc đầu. Hàn Thính Trúc rất thích cô tùy tiện như vậy, anh đặt dao xuống, ăn nốt phần còn lại.

Trước khi mặt trời xuống núi ánh sáng rất nhạt, giống như lá ngô đồng đậu trên cành vào buổi cuối thu, mềm nhũn, trông không có sức sống. Trong biệt thự, những nơi A Âm thường đến đều được đặt bình phong bằng gỗ che nắng, ngăn trở phân nửa ánh sáng. Đường Tam đi, cô vẫn như đang nghỉ ngơi, ngả đầu dựa vào vai anh như cũ.


Hàn Thính Trúc chỉ cảm thấy lúc này mình quá đa nghi, cô đang im lặng yếu thế, bởi vì anh cố nén lòng hiếu kỳ và dục vọng khống chế của mình, giống như một đứa trẻ chưa từng khóc nức nở cuối cùng cũng được mẹ quan tâm đôi chút, anh không biết thế này là tốt hay xấu.

Ngay cả bây giờ cô ngoan ngoãn như vậy thì sâu trong đáy lòng anh vẫn muốn ôm cô vào lòng thật chặt, muốn cô hứa hẹn mãi mãi không rời đi.

Nhưng trong lòng Hàn Thính Trúc biết rõ, cô không thích anh như vậy nên anh đã nhịn, mặc dù kiềm chế tính cách thật của mình hơi khó khăn.

Phần eo tê mỏi đã lâu nhưng anh không dám nhúc nhích, người ngả vào vai anh không biết ngủ thật hay là vờ ngủ, khẽ hừ một tiếng buồn bực, “Ưm. . . Hôm nay rất mệt mỏi, em dạy A Dược chơi mạt chược nhưng anh ấy rất đần. . .”

Ngay cả lúc này khi cô nói về người đàn ông khác với giọng thân mật thì anh vẫn nhẫn nhịn, để mặc cô cởi giày nằm trên ghế sofa, đầu gối lên chân anh, đây là tư thế A Âm không thể quen hơn được nữa. Hàn Thính Trúc lại không quen, người anh cứng ngắc.

“Vậy thì không dạy anh ta nữa. Anh cũng không đánh mạt chược Thượng Hải, hồi trước anh chỉ xem bọn Chi Nam đánh mấy lần chứ không học.”

Tay anh vuốt ve dọc theo đầu vai cô giống như bình thường A Âm vuốt ve con mèo, đường cong của người phụ nữ ẩn sau lớp sườn xám hiện lên rõ ràng, anh nhìn thấy thì động lòng.

“Khi nãy Đường Tam nói gì với anh thế? Em nghe hình như là Trần Vạn Lương lại giở trò ngáng chân anh đúng không?”

Anh đỡ đầu cô, người khẽ ngả về sau, thở phào nhẹ nhõm giống như thả lỏng mấy phần, “Cuối năm nay chắc chắn người Nhật Bản có hành động lớn, muốn tổ chức ngày hội đấu giá để vơ vét một khoản cho tiền tuyến của bọn họ, kỳ thật đều là đồ vật của nước ta. Bọn chúng tính toán rất hay, cướp đồ vật của người ta rồi lại bán cho nguyên chủ, đúng là buồn cười.”

Cô cũng cười, ánh mắt long lanh nghe anh nói tiép.

“Nghe nói món quý nhất là chim gỗ điêu khắc đời Đường. Anh không biết nhiều về những thứ này, nhưng nghe nói là rất khéo léo. Trần Vạn Lương làm mất, người Nhật Bản tức giận, ông ta lại đến nhờ anh tìm giúp.”

A Âm nhíu mày: “Ông ta đúng là biết cách kiếm chuyện cho anh làm.”

Vừa dứt lời cô mới ngờ ngợ ra điều gì đó, giọng nói có phần không chắc chắn: “Chim gỗ điêu khắc…. đời Đường?”



Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui