Quán Trọ Hoa Diên Vỹ


Thật kinh khủng... Bác đừng cười cháu nhé.
Tôi cài lại khóa xăng đan đang sắp tuột và phủi bụi bám trên váy.
- Không kinh chút nào. - Dịch giả dịu dàng nói.
- Cháu đã chạy hộc tốc tới đây ngay.
Tôi cứ thở hồng hộc, không thốt được câu nào. Áo tôi đấm mồ hôi, chỗ ướt trên váy lúc giặt giũ vẫn chưa khô, chân tôi vẫn còn những vết muỗi đốt ửng đỏ.
- Trông cô còn xinh hơn cả lúc bình thường ấy chứ.
Dịch giả khoác vai như muốn dỗ dành tôi. “Ôi, đúng là thế này đây” - tôi nghĩ. Đây chính là cử chỉ mà sâu thẳm trong tim tôi luôn ao ước.
Quảng trường vẫn đông đúc như mọi khi. Trời chiều đang ngả bóng. Bóng tối phủ lên một nửa đồng hồ hoa. Những tấm đá lát dẫn đến tường thành như đang muốn ẩn mình trong sóng nước.
- Cháu đã muộn tới ba tiếng đồng hồ. Cháu xin lỗi. Bác đợi cháu mãi thế à?
- Không sao đâu.
- Cháu không thể ra khỏi nhà. Nhưng cháu chỉ nghĩ đến việc bay đến đây với bác. Ôi, cháu sắp phát điên lên mất.
- Chẳng phải cô đã tới đây rồi hay sao.
- Cháu đã nói là đi nha sĩ đấy. Vì thế ta có thời gian bằng thời gian đủ để chữa một cái răng sâu.
- Vậy thì tới một nha sĩ lúc nào cũng đông khách ấy.
Trong cái nóng như thế này mà khuôn mặt dịch giả vẫn hiền hòa. Tôi không thể tưởng tượng nổi là ông đã đứng đợi tôi suốt mấy tiếng đồng hồ. Ông không bị cháy nắng, cũng không nới lỏng cà vạt. Ra khỏi đảo là ông không mắng chửi gì tôi nữa. Ông ta chấp nhận tất cả. Khi ở căn phòng chất đầy sách tiếng Nga đó ông ta đã không định buông tha cho tôi vậy mà...
Khi đã vào sâu thị trấn, tiếng sóng bỗng trở nên xa dần. Hai bên đường là tiệm đồ cổ, rồi quán ăn, một nhà trọ tuy nhỏ hơn Hoa Diên Vỹ một chút nhưng trông rất xinh xắn, và cả một cửa hàng bán phim ảnh kiêm luôn rửa ảnh. Thực đơn cho bữa tối sắp sửa được trưng ở cổng vào các nhà hàng. Những khách du lịch vừa đón gió mát thổi trên da thịt ửng hồng vì nắng, vừa chậm rãi đi lên từ biển. Thi thoảng tôi lại nhìn thấy biển xanh thấp thoáng sau những tòa nhà. Nó trải dài thành một dải với bầu trời. Khi đã đi qua xưởng sửa chữa thuyền chúng tôi bắt đầu nghe thấy tiếng nhạc ồn ã. Những tấm biển chỉ dẫn vẽ mũi tên màu đỏ tiếp nối nhau trên vỉa hè. Hàng cây hai bên đường được trang hoàng bằng quốc kỳ các nước và vô số những bóng đèn hạt đậu đủ màu sắc. Một tốp năm, sáu đứa trẻ con chạy vượt qua chúng tôi.
- Công viên lưu động đấy!
Khoảng đất trống buồn tẻ trước mặt cái kho chứa hàng mọi ngày giờ đã biến thành khu vui chơi: đu quay ngựa gỗ và ô tô đụng nhau, đầu máy hơi nước thu nhỏ và nhà gương, cả mấy quán bán đồ ban đêm nữa. Cái nào cũng được trang trí đủ màu sặc sỡ. Cái thì quay trong không trung cùng tiếng nhạc, cái lại phát ra ánh sáng chói lòa mời gọi du khách. Ở đó cả tiếng sóng biển và ánh mặt trời đều không tới được. Chúng tôi dắt tay nhau vào trong.
- Chào mừng quý khách. - Nói rồi chú hề xé vé cho chúng tôi.

Ngay chính giữa là sân khấu hình tròn trông hệt như một chiếc bánh sinh nhật, trên đó dàn nhạc đang diễn tấu. Ban đầu tôi cứ ngỡ không biết có phải búp bê không, nhưng nhìn kỹ lại thì hóa ra là người thật. Người đàn ông thổi kèn Trombon nháy mắt với tôi. Họ vừa tấu nhạc vừa xoay vòng vòng trên sân khấu. Khúc nhạc tưởng như không bao giờ dứt. Toàn là những âm vực ngắn khiến lòng người rộn ràng. Một khúc nhạc khó hiểu, giống như một con công trống đang múa điên cuồng.
- Hồi còn nhỏ cháu rất hay được bố dẫn đến đây đấy.
- Lúc nào cũng nhộn nhạo thế này à?
- Vâng, đúng thế. Mọi người ai cũng chờ đợi ngày này. Giống như là lễ hội vậy.
Chúng tôi phải ghé sát mặt vào nhau mới có thể nghe thấy người bên cạnh. Người ta xếp thành hàng dài trước đu quay. Mùi thức ăn phảng phất khắp nơi. Dịch giả ngắm từng trò chơi như đang nhìn một khung cảnh lạ kỳ. Tôi đã quên đi cảnh hỗn loạn ở Hoa Diên Vỹ. Mồ hôi tôi đã ráo, và váy cũng đã khô.
- Này, hay ta cũng thử một trò xem sao?
- Tôi sẽ đợi ở đây. Cô cứ chơi trò nào mình thích đi.
- Thế không được. Nếu hai người không cùng chơi thì kỳ lắm. Này, nhìn xem! Ở đây chẳng ai cô đơn một mình cả.
Chúng tôi quyết định chọn một cái máy bay có hình chú voi Dumbo. Thân nó sơn màu xanh da trời rất đẹp, vòi nó hếch lên còn tai thì trải rộng ra. Chúng tôi bước lên cái tai và ngồi vào chiếc ghế nhỏ. Chúng tôi gập đầu gối lại rồi so vai, cố nhét người vào trong.
Hình như dịch giả có vẻ khó chịu. Ông ta kéo căng mọi chỗ trên chiếc áo vest như sợ nó bị nhăn. Cuối cùng thì còi cũng kêu, dây điện rít lên ken két, chiếc máy bay lao lên không trung. Giật mình dịch giả thốt lên:
- Waa.
- Đây mới chỉ là bắt đầu thôi. - Tôi cười và nói. - Bác chưa từng đi những thứ thế này bao giờ à?
- Chưa từng.
- Tại sao? Không thể tin nổi là bác lại chưa từng đi công viên bao giờ.
- Chẳng có lý do gì đâu. Chỉ là không có dịp thôi... Với lại tôi cũng sợ độ cao nữa.
Chợt máy bay đổi hướng vòng lại. Tôi reo hò. Tôi nắm chặt tay vịn, tưởng như sắp văng ra ngoài đến nơi. Gió cuốn váy tôi bay phần phật. Mấy sợi tóc vương trên trán dịch giả dựng ngược lên.
Trời vẫn còn sáng song vầng dương đã dần chìm vào bóng tối xa xa nơi chân trời. Một mảnh trăng hiện lên ngay phía trên tường thành.
Biển từ trên nhìn xuống trông thật nhỏ bé. Đảo F nằm lặng yên như đang mơ ngủ. Toàn bộ ánh sáng trong công viên đã hòa với nhau làm một. Ở chính giữa, dàn nhạc vẫn đang chơi bản nhạc tưởng như không bao giờ dứt ấy.
- Này, bác không sao chứ? Vui quá nhỉ?
Dịch giả không nói gì, chỉ gật đầu, mắt vẫn nhắm. Tôi có thể nhìn thấy mũi đất, và cả bến du thuyền, chỗ có Hoa Diên Vỹ toàn nhà là nhà, không thể phân biệt nổi đâu là quán trọ nữa. Mọi thứ quay vòng cùng chúng tôi.

*
* *
Dịch giả vẫn còn choáng váng dù đã xuống máy bay.
- Bác thấy khó chịu trong người à? – Tôi hỏi.
- Không sao. - Ông vuốt lại tóc, và chúng tôi lại dắt tay nhau đi trong công viên.
Mặt trời lặn, người càng lúc càng đông. Bọn trẻ tay cầm bóng bay và kẹo bông, reo hò vẻ phấn khích. Người nghệ sĩ đường phố giật mạnh sợi xích đeo trên cổ và thổi lửa ra từ miệng. Một em bé nhìn cảnh đó sợ quá bật khóc. Một đôi uyên ương ôm hôn nhau, không thèm quan tâm đến con mắt thế gian. Mỗi lần gió thổi, bóng ngô và cuống vé lại bay tứ tung trên mặt đất. Pháo hoa bay lên từ một nơi nào đó, một con chó lạc chú chạy lang thang, đèn chớp máy ảnh nhấp nháy.
Tay dịch giả thật mềm mại. Nó có thể nắm trọn bàn tay tôi. Tôi đã chứng kiến bàn tay ông ta làm bao nhiêu việc: vuốt tóc tôi, pha trà, cởi quần áo của tôi, trói tôi. Cứ mỗi lần như vậy nó lại tái sinh thành một sinh vật khác.
Bàn tay đang bao bọc tôi lúc này có phải chính là đôi tay đã giết vợ mình không? Đôi lúc tôi nghĩ thế. Song tôi không thấy sợ chút nào. Tôi không biết ông ta thắt cổ vợ, lấy kéo đâm, hay bắt bà ta uống thuốc độc. Nhưng tôi có thể tưởng tượng được trong khoảnh khắc ấy những ngón tay của ông ta đã cử động uyển chuyển đến thế nào. Tôi có thể mường tượng ra hết thảy, từ những cử động của các đốt ngón tay đến từng mạch máu màu xanh đen trên đó.
Chúng tôi đứng tựa vào hàng rào đu quay và ăn kem. Một nửa sôcôla, một nửa vani xoáy vào nhau. Dịch giả nhìn chúng chăm chú hồi lâu.
- Bác không ăn nhanh kem sẽ chảy hết đấy.
- Cái này trông hay nhỉ.
- Chỉ là kem thôi mà. Chẳng có gì đặc biệt cả.
- Hiếm khi tôi ăn những thứ thế này mà.
- Bác cứ cạp một miếng là được. Này, như thế này này!
Tôi ngoác miệng ra ăn mặc ặt mình lấm lem. Ông ta nhẹ nhàng cầm ốc quế bằng tay trái để không làm nó vỡ, rồi đưa cằm ra phía trước và liếm một cách vụng về. Kem tan ra rớt xuống quần, ông ta vội vàng lấy khăn tay chà đi. Lột trần tôi ra rồi trói lại còn khó gấp vạn lần ăn kem vậy mà... Vừa nghĩ tôi vừa giúp ông ta lau vết bẩn.
- Cứ mỗi lần đến đây nhất định cháu phải ăn kem cùng bố. Cháu chỉ được ngồi lên một cái máy bay mình thích, chỉ được ăn một thứ mình muốn thôi. Mẹ và cháu đã giao hẹn như thế. Lúc ra khỏi nhà thể nào mẹ cháu cũng nhắc: “Chỉ một thôi đấy. Biết chưa? Không có ngoại lệ đâu đấy!”
- Sao lại thế?
- Vì tiếc tiền. Chỉ thế thôi. Nhưng bố cháu lúc nào cũng bí mật tặng thêm cho cháu cái gì đó. Lúc đi vòng quanh công viên và nghĩ xem sẽ chọn gì là vui nhất, chọn kẹo táo hay bắn bia, hay là vào nhà ma...? Cháu có cảm giác như được thiên thần đề nghị thực hiện điều ước vậy. Bố cháu luôn kiên nhẫn chờ đợi khi cháu đang phân vân. Ông cứ chờ cho đến lúc cháu chọn được thứ gì đó.
Những con ngựa gỗ quay vòng vòng sau lưng chúng tôi. Chiếc máy bay hình chú voi Dumbo lại bay lên trời. Mặt trời đã lặn, bầu trời nhuộm màu xanh biếc. Ánh sáng chói lòa của đèn hoa đăng che khuất cả những vì sao. Một quả bong bóng bị gió cuốn đi, mất hút dần về phía biển.

- Cô yêu bố lắm phải không? - Dịch giả hỏi.
- Nhưng, ông ấy đã chết rồi.
Tôi nói, tay phủi vụn ốc quế dính trên áo.
- Lúc ấy cháu tám tuổi. Còn bố cháu ba mươi mốt tuổi. Mọi người ai cũng than là còn trẻ quá.
- Thế à...
Người đàn ông nhìn vết bẩn trên quần.
- Bố cháu say rượu rồi cãi nhau với ai đó, và bị đánh vào đầu. Không có ai tận mắt chứng kiến chuyện đó nên cháu không rõ lắm. Chỉ biết là khi phát hiện ra thì ông đã nằm ở cổng sau rạp chiếu phim, người đầy máu. Người ta thêu dệt nên đủ thứ chuyện nào là máu chảy ra từ mũi, từ tai, từ tất cả các hốc trên khuôn mặt, nào là hộp sọ bị vỡ và não bắn tứ tung. Họ có nhìn thấy bố cháu thế nào đâu mà...
Dịch giả đang lo lắng xem làm sao có thể đút nốt chút kem cuối cùng vào miệng mà không bị dây bẩn. Ông ta chu môi gặm đầu ốc quế, lưỡi thè ra hết cỡ.
- Thật ra nó không kinh khủng như mọi người đồn. Đúng là mặt bố đầy những vết bầm tím, nhưng lấy khăn ướt lau đi rồi thì mắt bố vẫn tràn đầy sức sống đến ngạc nhiên. Lông mi dựng lên, lòng trắng không hề bị vẩn đục, con ngươi trong suốt tới mức có thể nhìn thấu cả bên trong. Cứ như bố sắp sửa nói với cháu là: “Ơi, Mari. Bố xin lỗi vì đã làm con giật mình.”
Tiếng còi rú lên, những chú ngựa gỗ dừng lại. Mọi người bước ra vẻ lưu luyến. Ngược lại với họ, những đứa trẻ hết cả kiên nhẫn, liền chạy ào vào trong hòng chiếm lấy chú ngựa to và đẹp nhất. Rồi người ta lại ấn cho còi kêu, âm nhạc lại cất lên, và ngựa gỗ lại bắt đầu chuyển động. Cứ lặp đi lặp lại như vậy. Không có điều gì làm xáo trộn vòng quay ấy. Cứ như chúng tôi bị lạc giữa dòng thời gian, bị gió cuốn đi vậy.
- Mẹ cháu đã quyết tâm truy tìm hung thủ. Để đòi tiền bồi thường ấy mà. Nhưng vô ích. Kẻ đã đánh bố cháu vẫn mất tăm mất tích. - Tôi lắc đầu.
- Bác đã bao giờ nhìn thấy người chết chưa?- Tôi hỏi.
Tay lấy khăn lau miệng, dịch giả ngạc nhiên hỏi lại:
- Gì cơ?
- Ý cháu là thi thể, xác người ấy.
- Cái đó, ý cô là thi hài người chết ấy hả?
- Không. Không phải là những người chết vì bệnh tật hay vì đã hết thọ mệnh. Mà là những người đột nhiên không biết từ đâu con dao của thần chết xuất hiện, và người đó bị đâm một nhát trí mạng, không kịp chạy. Dù có hận là tại sao lại là mình mà không phải người bên cạnh hay sao không phải kẻ đằng sau thì cũng vô ích. Không thể cứu vãn được. Cháu muốn nói về người chết theo cách như thế.
Dịch giả lộn trái cái khăn, để lên đùi và từ từ gấp lại. Ông ta liếm môi liên tục, vẻ lo lắng không biết kem hay vụn ốc quế còn dính quanh miệng không.
- Rồi. Mấy lần.
- Như thế nào ạ?
- Có phải là những chuyện như đột kích trên không, nhảy xuống đường ray tự sát, hay tai nạn giao thông không ạ?
Người đàn ông có vẻ không muốn trả lời.
- Ta chuyển sang chủ đề này từ lúc nào nhỉ? - Ông day thái dương như muốn tháo gỡ sợi chỉ rối đang xoắn lấy câu chuyện.

- Bác kể chi tiết cho cháu nghe đi.
- Tại sao?
- Vì cháu muốn nghe.
Trong số những xác chết ấy chắc chắn có vợ ông ta. - Tôi nghĩ bụng.
- Nhắc mới nhớ, quãng mười năm trước tôi đã nhìn thấy một cậu bé rơi từ trên tàu xuống chết đuối.
- Chuyện này hay đấy.
Tôi ghé sát người lại, dựa vào vai người đàn ông. Cổ ông ta hơi nghiêng đi để tôi có thể gục đầu lên, và choàng tay qua vai tôi. Cái hàng rào rung rinh. Tôi ngước nhìn lên. Cằm ông ta vẫn còn những sợi râu cạo sót, những vết mẩn đỏ. Một chiếc cằm vuông vắn.
- Đó là một cậu bé khoảng bốn tuổi rất dễ thương. Da sáng màu và tóc quăn tự nhiên. Cậu bé đang ngồi chuyện trò với mẹ trên boong tàu, vậy mà không biết vì cái gì... À, đúng rồi, hình như cậu nhóc ấy muốn xem hải âu bắt cá, hay bị thu hút bởi trò lướt nước gì đó. Thế là cậu chạy thoắt ra đuôi tàu, ngã lộn khỏi thành tàu rồi rơi xuống biển. Không phải vì mẹ cậu bé ấy không trông chừng. Mọi người ở đó cũng nhìn thấy cả. Thế nhưng cậu bé như bị ma quỷ gì ở dưới biển ám ấy. Cậu bé rơi xuống theo hình cánh cung, bắn lên cột nước rất đẹp, giống như cậu bị một con quái vật biển bắt đi. - Giọng nói làm xương bả vai của dịch giả rung rung.
- Sau đó thì sao ạ? - Giọng tôi phả vào cổ ông.
- Thực ra mà nói thì tôi không tận mắt nhìn thấy thi thể. Tôi chỉ thấy cậu bé đó vùng vẫy giữa những con sóng rồi chìm dần. Cậu bé dường như không đau đớn gì. Cậu nhóc ấy chỉ làm bộ mặt khó hiểu. Dường như đang nghiền ngẫm để trả lời cho câu hỏi: “Tại sao mình lại ở chỗ này?” Bà mẹ kêu gào tên con, đám đông hiếu kỳ xúm lại, người thủy thủ ném phao xuống. Song những chuyện đó chẳng có tác dụng gì. Rồi những con sóng lớn gối nhau xô tới, bọt sóng trắng xóa vây quanh cậu bé. Và cứ thế cậu bé chìm dần.
- Người ta có tìm thấy xác cậu bé không?
- Không.
Người đàn ông lắc đầu. Trên má tôi có thế cảm nhận được hết những cử động nhỏ nhất của cơ thể ông. Giọng nói của ông truyền đến tôi qua xương cốt ông trong trẻo hơn. mọi khi. Giọng nói như tiếng vọng cất lên từ đáy biển đen kịt.
- Thế, thế ư... - Tôi đáp lại.
Ai đó tuột tay làm đổ nước sô đa xuống đất. Giật mình, chú hề bán bóng bay ngã cái phịch. Có tiếng cười khe khẽ, nhưng lập tức nó bị cuốn vào trong tiếng nhạc. Trời đã tối hẳn, thi thoảng gió nhẹ lại thổi. Những lá quốc kỳ, lá cây và đèn trong các gian hàng, hết thảy đều lay động.
Tôi mường tượng ra cảnh cậu bé thối rữa dần dưới đáy biển đen ngòm ấy. Thịt nhão ra rồi bị cá rỉa, tóc cùng với da bong khỏi hộp sọ. Môi, mi mắt, tai rồi mũi, tất cả cứ tuần tự thối rữa dần. Cuối cùng hai tròng mắt long ra. Mỗi lần đàn cá kéo đến gây ra những làn sóng nhẹ, các ngón tay lại đưa qua đưa lại.
Một lát sau, khi những con cá đã rỉa xong cái xác, biển lại trở lại tĩnh lặng. Dưới đáy sâu, nơi ánh mặt trời không chiếu tới, bộ xương trắng của cậu le lói sáng. Nó đang nhìn tôi và dịch giả đứng quay lưng về phía đảo F bằng hai hốc mắt trống rỗng.
- Quanh đây có bao nhiêu người vậy mà cháu lại cảm giác là chỉ có hai chúng ta trên thế giới này. - Tôi nói.
- Lúc nào chúng ta cũng chỉ có hai người. Ngoài điều đó ra tôi không cần bất kỳ cái gì
Dịch giả vuốt tóc tôi. Nó mướt mát mồ hôi, nhưng vẫn rất gọn gàng. Tay kia dịch giả nắm lấy ống quần chỗ có vết bẩn, chà chà xát xát. Dù có làm vậy thì cũng không sạch được vết bẩn mà chỉ làm nó tệ hơn, nhưng ông ta vẫn không ngơi tay. Bộ trang phục đã được chuẩn bị chu đáo thế mà chỉ riêng chỗ bẩn đó là tồi tệ không thể chấp nhận được. Tôi sợ cái quần sẽ rách mất. Những ngón tay vuốt tóc tôi thì dịu dàng là thế, vậy mà những ngón tay bên kia lại đang phẫn nộ.
Người nghệ sĩ đường phố thổi ra ngọn lửa mạnh hơn. Những chú lừa chở mấy đứa bé trên lưng lại vòng qua chỗ chúng tôi. Mảnh trăng non màu trắng nãy giờ không hiểu từ khi nào đã lấp lánh ánh vàng cam.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui