Quán Mì Tư Ca

Sơn Thành là một thành phố có quán mì ở khắp mọi nơi, “Quán mì Tư Ca” chen chúc giữa các quầy cửa hàng tiện lợi, quán lẩu, trên con đường phố ăn phía sau cao ốc văn phòng không có gì nổi bật.

Nhưng mỗi khi đến trưa, “Quán mì Tư Ca” lại buôn bán cực kỳ đắt, đắt đến nỗi hai ba bốn năm sáu cửa tiệm xung quanh ghen tị đến đỏ mắt, còn nằm trong “Top 50 quán mì Sơn Thành”.

Quán mì “Tư Ca” chỉ có mấy thước vuông, không chứa được nhiều khách lắm, ông chủ để cậu phục vụ đặt mấy cái ghế nhựa ngoài cửa. Có hai loại ghế, ghế cao làm bàn, ghế thấp để ngồi, mỗi khách một bộ, muốn ăn thì tuân theo quy tắc của ông chủ, ngoan ngoãn ngồi trên ghế chờ, không được ồn ào cũng không được đặt điện thoại hay túi xách lên ghế người khác, các cô gái nếu muốn đặt túi xách xuống thì chỉ có thể đặt trên mặt đất. Cũng may cậu phục vụ chịu khó, tay chân lại nhanh nhẹn, ra ngoài cửa tiệm quét một vòng thật sạch sẽ, trên mặt đất không hề có tình trạng nước dơ hay rau mì tứ tán.

Nghĩ tới cũng lạ, quán mì “Tư Ca” này có ‘phong cách’ rất khác biệt với các quán gần đó. Ví dụ thực tế nhất chính là một thực khách mới vừa rồi còn đang ồn ào mua mực nướng ở quán bên cạnh, nhưng vừa ngồi lên chiếc ghế quán “Tư Ca” liền có thể kiềm lại tính tình, ngồi ngay ngắn chờ phục vụ đem bát mì cay nóng hổi lên.

Có người nói là vì ông chủ quán “Tư Ca” có gia thế, là xã hội đen, không thể trêu vào không thể trêu vào.

Nhưng lại có người hỏi, nếu ông chủ có gia thế như vậy, vì sao cơ sở vật chất của “Tư Ca” lại không bì nổi với quán “Bún gạo ông Trần” ở đối diện? Vì sao ông chủ phải đích thân đứng bếp mỗi ngày? Vì sao “Tư Ca” chỉ bán mì cay và mì chay?

Xã hội đen không biết mở rộng làm ăn sao?

Mấy câu hỏi này đừng nói là khách mới đến, ngay cả những vị khách lâu năm đã ăn ba năm hơn rồi cũng không đáp được.

Nhóm người khe khẽ bàn luận, các cô gái thường lui về phía sau để nhìn vào trong bếp. Mà khi phục vụ bưng mì lên, tất cả tiếng nói đều ngừng hẳn, chỉ còn nghe thấy tiếng hít hà và động tác lau mồ hôi.

Cậu phục vụ rất thoả mãn, một bên lấy ghế nhựa cho khách mới đến, một bên cao giọng nói vọng vào trong bếp: “Anh Trản, lại thêm năm phần, bốn cay một không cay!”

Vị khách ngồi bên cạnh sau khi nghe thấy tiếng “Ừ” không nặng không nhẹ truyền từ trong bếp ra, liền rướn cổ nhìn vào bên trong. Buổi trưa rất bận rộn, phục vụ hấp tấp lau sạch ghế, lại “vèo” một cái chạy đi vén rèm cửa màu xanh đậm phía sau, chui vào kêu: “Anh Trản vất vả rồi!”

Vị khách ở gần đó lại có cơ hội nhìn lén, nhưng chỉ liếc thấy bóng lưng người đàn ông bên cạnh lò bếp.

Khách mới hỏi: “Ông chủ tên Trản, vậy sao tên tiệm lại là ‘Quán mì Tư Ca’?”

Khách cũ nói: “Chắc là chọn đại đi!”

“Chuyện này mà cũng chọn đại?” Khách mới ăn miệng đầy mỡ, “Chẳng lẽ ông chủ họ Tư? Tên là Tư Trản?”


“Ông chủ họ Chu” Khách cũ xì xụp húp hết nước dùng xong để bát xuống, “Đừng xoắn xuýt tên tiệm nữa, đây là một ẩn số, tôi ăn ở tiệm này bốn năm rồi, cũng không biết tại sao gọi là ‘Quán mì Tư Ca’ chứ không phải ‘Quán mì Trản Ca’.”

Vẻ mặt khách mới vô cùng khó hiểu: “Sao tên tiệm lại loạn như vậy?”

“Thắc mắc nhiều như vậy để làm gì?” Khách quen đứng dậy: “Ăn ngon là được rồi, không phải sao?”

Mắt thực khách mới sáng lên, chợt cảm thấy thông suốt.

Nói tới hương vị của “Quán mì Tư Ca”, đó chính là tất cả các quán mì dù ở trước hay phía sau con đường văn phòng này đều không thể sánh được, nước dùng cay cay đã nghiền, nước trong thì mùi thơm mê người, dù khách ăn cay hay không cay, thì chỉ cần một bát “Tư Ca” liền ngoan ngoãn nghe lời.

Nhưng cũng có không ít thực khách vẫn trách móc trong lòng, thứ nhất “Tư Ca” chỉ bán buổi sáng và buổi trưa, buổi chiều nhiều lắm là đến 3 giờ, vì buổi tối cửa tiệm này thành địa bàn của quán xiên que chợ đêm. Thứ hai “Tư Ca” không hề có dự định mở rộng kinh doanh, tiệm như tên, chỉ bán mì, thịt bò hay thịt lươn gì gì đấy hoàn toàn không bán, càng không nói tới bún gạo hoành thánh hay bánh chẻo.

Ngày nay, mở quán ăn mà chỉ bán mì, tìm toàn bộ Sơn Thành này chỉ sợ chỉ có một quán “Tư Ca” này.

Lúc này đã là 1 giờ, đã qua giờ cao điểm ăn trưa, phục vụ cầm tạp dề lau mồ hôi, cười hì hì nói: “Anh Trản, vừa rồi lại có hai cô gái hỏi chúng ta có thể thêm vào menu món mì thịt bò không, bọn họ rất muốn ăn.”

Người đàn ông được gọi là “Anh Trản” mới vừa đổ mì vào trong bát, giọng nói đầy từ tính: “Phía trước không phải có quán ‘Mì thịt bò Phúc Khí’ sao?”

“Quán đó sao có thể so với chúng ta?” Phục vụ đắc ý nói: “Mọi người nói, chỉ muốn ăn gia vị anh nêm, mì của anh làm thôi!”

Người đàn ông cong khóe môi, giữa đôi chân mày có chút thờ ơ.

Phục vụ đem các bát mì đặt vào trong khay, người đàn ông mở vòi nước rửa tay, lúc phục vụ chuẩn bị vén rèm cửa thì giơ tay giúp cậu ta vén lên.

Lúc này, vị khách mới đi ngang qua kêu “Woa” một tiếng.

Ông chủ “Xã hội đen” này... Thật CMN nó đẹp trai quá!

Khách đã vơi đi một nửa, tạm thời không có ai gọi món mới, Chu Trản thuận tiện cùng phục vụ đi ra ngoài, phía trên mặc áo ba lỗ màu đen, phía dưới thì mặc quần bộ đội lửng rộng thùng thình, trước ngực đeo tạp dề siêu thị tặng, chân thì đi dép xỏ ngón, vai rộng eo nhỏ, đường cong bắp tay mạnh mẽ, tóc đầu đinh, đường nét mặt mũi sâu cằm gọn gàng, ánh mắt mang theo mấy phần lười nhác, phần giữa chân mày hay nhíu lại theo thói quen, cao 1m87 đứng trong tiệm nhìn ngoài đẹp trai ra thì chỉ có đẹp trai, trong chớp mắt thu hút rất nhiều ánh nhìn.


Nhưng anh lại không để ý, không trò chuyện vài câu với khách nhưng cũng không xoay người bỏ đi, một tay bỏ trong túi quần, một tay nhấc nắp thùng inox lên, thấy chè ngân nhĩ bên trong đã gần hết, dùng cái muôi cố múc cũng chỉ múc được một nửa.

Bèn nhấc cằm trầm giọng nói với cậu phục vụ: “Thêm ngân nhĩ.”

“Có ngay!” Phục vụ lập tức làm theo.

Chuyện “Quán mì Tư Ca” tặng chè ngân nhĩ cũng rất kỳ lạ, ông chủ không mở rộng kinh doanh, lại sẵn lòng tặng chè ngân nhĩ miễn phí, khách muốn ăn bao nhiêu liền ăn bấy nhiêu. Mà chè ngân nhĩ cũng không phải kiểu làm qua loa cho có, mà là nấu đậm đặc, còn thêm cẩu kỷ với hạt sen, thu đông thì dùng thùng giữ ấm, mùa hè thì thêm đá mát lạnh, rất được thực khách hoan nghênh.

Chu Trản bước thong thả ra ngoài tiệm, đá đá cái ghế đẩu thấp, ngồi hút thuốc ven đường.

Đúng là người đẹp trai thì dù bày ra tư thế nào cũng bắt mắt — Chu Trản mở rộng hai chân, một tay khoát tùy ý lên đầu gối, một tay cầm điếu thuốc, ánh mắt không biết trôi đến nơi nào, thỉnh thoảng gẩy gẩy tàn thuốc. Tạo hình này không có gì đặc biệt, nhưng nếu là Tiểu Lưu của quán đối diện thì chỉ khoanh tay thôi cũng đã giống tên du côn lêu lỏng, còn Chu Trản thì là anh chàng đẹp trai đã trải qua nhiều chuyện trong quá khứ.

Nhưng rốt cuộc anh đẹp trai này có chuyện xưa gì, thì ngay cả cậu phục vụ cũng không biết.

Hút thuốc xong, Chu Trản lấy điện thoại di động ra xem, lúc ngón tay cử động trên màn hình, ánh mắt cũng dần dần trở nên dịu dàng, ngay cả khóe môi cũng nhẹ nhàng cong lên.

Nụ cười này hoàn toàn khác với nụ cười lúc được khách khen ngợi, kia là bình thản vô vị, còn hiện tại là sự dịu dàng khó có thể hình dung, cười trong đáy mắt, lạc ở trong lòng.

Không lâu sau, Chu Trản ngẩng đầu đem điện thoại áp vào tai.

Đó là một đoạn voice hơn 20 giây của wechat, nghe được phân nửa, ý cười trong mắt anh càng nhiều, sau đó ấn lại nút thu âm nhỏ giọng nói: “Vậy phải xem biểu hiện của em.”

Câu nói này có mấy phần ngang ngược vô lý, nhưng giọng điệu lại vô cùng cưng chìu vô cùng mềm mại, nói xong còn bỏ thêm một câu “Buổi chiều chờ anh”.

Có một vị khách ngồi gần đó loáng thoáng nghe được hai chữ “Bảo bối”, kinh ngạc quay đầu tìm kiếm nguồn gốc giọng nói thì Chu Trản đã đứng lên đi vào trong tiệm.

Buổi chiều 2 giờ, đa phần các thành phần trí thức đã nghỉ ngơi xong bắt đầu trở về công ty, trong quán chỉ còn vài vị khách vừa tiếp đối tác ở bên ngoài trở về ăn ngấu nghiến. Chu Trản tháo tạp dề xuống bắt đầu lau nhà, phục vụ chạy vào phía sau bếp, vừa ngâm nga hát vừa rửa bát.


Một nhân viên sale rảnh rỗi hỏi: “Anh Trản, tự mình quét dọn sao?”

Chu Trản cười cười: “Thuận tiện làm.”

Phục vụ rửa chén xong lao tới cướp cây lau nhà, “Anh Trản để em!”

Chu Trản cũng không tranh với cậu ta, lấy khăn khom lưng lau bàn.

2 giờ rưỡi, khách đã đi hết, trong quán ngoài quán cũng đã dọn dẹp sạch sẽ. Chu Trản liếc nhìn mặt trời sáng trưng bên ngoài, “Chậc” một tiếng, quay đầu nói: “Bên ngoài nóng, em đóng cửa ngủ trưa rồi hãy đi.”

Phục vụ gật đầu: “Anh Trản, anh không nghỉ ngơi sao?”

“Anh còn có việc.” Chu Trản nói xong liền đi, vẫn một thân quần áo lúc bận rộn trong bếp và đôi dép mười tệ, quần lửng bộ đội vì giặt giũ nhiều lần nên đã cũ, có thể chưa đến mười tệ, còn thua cả áo ba lỗ đen.

Dù nhìn thế nào cũng không giống trang phục đi công việc.

Rời khỏi phố ăn, Chu Trản đến cửa hàng tiện lợi La Sâm mua hai cái bánh bao trước — Buổi trưa ăn sớm, lại bận rộn một hồi nên dạ dày giờ đã trống không. Lại lấy thêm một chai coca và một chai hồng trà ướp lạnh, lúc tính tiền thấy trong tủ lạnh bên cạnh có kem Tám Hỉ, đột nhiên hỏi: “Có túi đá không?”

Nhân viên thu ngân sửng sốt: “Túi đá gì?”

“Loại túi để kem không tan chảy trong vòng 20 phút.” Chu Trản nói.

“Xin lỗi, không có túi đá anh nói.” Nhân viên thu ngân rất áy náy: “Mấy hôm nay trời nóng đến 40 độ, đừng nói nửa tiếng, kem ra khỏi tủ chừng mấy phút liền chảy, nếu anh muốn mua thì nên ăn liền.”

Chu Trản gật đầu: “Vậy mấy thứ này thôi, lần sau mua kem.”

Nửa tiếng sau, Chu Trản xách túi nilon của cửa hàng tiện lợi La Sâm chỉ còn một chai coca bên trong, xuất hiện ở gần chợ nông sản.

Buổi chiều nóng bức, chợ nông sản cũng không đông lắm, không ít quầy đồ tươi đã đóng cửa, còn lại cũng đang chuẩn bị dọn dẹp.

Chợ nông sản này chia thành hai khu, khu A diện tích lớn dùng để bán rau bán thịt, đi vào liền nghe một mùi tanh nồng, khu B lại không giống chợ bán thức ăn lắm, bên trong vừa sạch sẽ vừa ngăn nắp, nào là shop hoa, quầy trái cây, còn có tiệm trà sữa và tiệm bánh ngọt.

Ban quản lý nằm giữa hai khu A và B, hai bên có cửa vào khác nhau nhưng được thiết kế thông nhau.


Chu Trản đem xe bánh mì [1] hãng Trường An đậu ở khu B, đi thẳng tới một cửa hàng trái cây.

[1] Còn gọi là xe Van

Cửa hàng đó có một cái tên rất dễ thương, là “Trái cây tươi Trản Trản”.

Đúng vậy, chính là Trản trong “Chu Trản” tên anh.

Khoảng thời gian này, tới khu B mua trái cây tô hay trái cây ướp đá đa phần là mấy đứa trẻ được nghỉ hè, Chu Trản đứng trước cửa “Trái cây tươi Trản Trản” 2 giây, nhìn chằm chằm cửa cuốn đã đóng, lúc đang định lấy chìa khóa ra thì chợt nghe bà chủ shop hoa sát vách gọi: “Trản Trản đó hả!”

Thái dương Chu Trản giật một cái, lại nghe đối phương nói: “Em cậu ở bên kia kìa!”

Chu Trản theo hướng tay bà chủ nhìn, ánh mắt chuyển tới một cửa hàng đồ ngọt cuối khu B.

Khóe môi không tự chủ nhếch lên, cười cám ơn bà chủ xong rồi bước nhanh tới cửa hàng đồ ngọt.

Cửa hàng đồ ngọt ngồi đông nghịt thanh niên, Chu Trản lại liếc nhìn người đàn ông ngồi đối diện với cửa kính, ngồi trên quầy bar.

Người nọ có nét đẹp khí khái, lại sáng sủa đơn thuần, tay dài chân dài, tư thái nhàn hạ ngồi trên ghế cao, một tay chống mặt ghế giữa hai chân, một tay dùng thìa khuấy ly vanilla shake [2] trước mặt.

[2] Gốc nó là 香草奶昔, lúc search thì nó ra ly như vanilla shake.

Chu Trản không đi vào ngay mà lấy điện thoại ra nhắn tin wechat.

Điện thoại trên bàn rung lên, người đàn ông nhìn thấy nét mặt lập tức vui lên, nghiêng người nhìn ra ngoài tiệm, đôi mắt phút chốc sáng ngời, từ trên ghế cao nhảy xuống, vừa dặn cậu chủ quán làm thêm một ly hồng trà vừa chạy ra ngoài tiệm.

Cửa hàng đồ ngọt vị trí tốt, bởi vì là phần cuối khu B, nên kế bên có một con hẻm nhỏ vắng vẻ.

Chu Trản lui vào trong ngõ tắt, bị Nguyên Tư chạy tới ôm chặt thắt lưng.

Nguyên Tư thấp hơn anh 5cm, ngước cổ đòi hôn. Anh nâng gáy Nguyên Tư, đem đối phương nhốt vào trong hơi thở của mình.

Nụ hôn giữa hè, lẫn trong ba phần hương mồ hôi, còn có bảy phần hương vani sữa và hồng trà.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui