Trong khoảnh khắc này, chiến thần Quan Thất đã ba lần ra tay với Chu Nguyệt Minh.
Ba lần xuất thủ, Chu Nguyệt Minh cũng ba lần gặp phải nguy hiểm.
Thế nhưng Quan Thất lại không công trở lui.
Lui?
Không lùi, chỉ có tiến.
Võ si Quan Thất luôn luôn chỉ công không thủ, chỉ tiến không lùi.
Y không lùi một tấc.
Y là người gặp mạnh càng mạnh, thấy dũng càng dũng, đấu hung càng hung, gặp ác càng ác.
Dưới ánh trăng cố đô kỳ dị trong vắt này, Quan Thất trước sau đã giao thủ với mười một đại cao thủ gồm Ngô Kỳ Vinh, Trương Hán, Trương Uy, Chiêm Hắc Quang, Địch Phi Kinh, Dương Vô Tà, Tôn Ngư, Vô Tình, Thích Thiếu Thương, Tôn Thanh Hà, Chu Nguyệt Minh. Mặc dù y chỉ có một người, một tay, trước đó còn bị cấm chế, thần trí chưa hoàn toàn khôi phục, nhưng y động thủ so chiêu với nhiều người như vậy đều luôn tấn công, không lùi không thủ, tiến mạnh đánh mạnh. Không một ai động thủ với y mà không cảm thấy ứng phó khó khăn, không một cao thủ nào giao thủ với y mà không cảm thấy may mắn thoát chết. Còn y lại vừa ra tay vừa thử chiêu mới, học xong dùng ngay, còn đồng thời tưởng niệm đến Ôn Tiểu Bạch đã khiến y ngày đêm thương, sớm chiều khó quên, rung động tâm can, mộng hồn dẫn dắt.
Nhưng y ba lần phát động công kích với Chu Nguyệt Minh, cả ba lần đều để cho Chu Nguyệt Minh thành công thoát khỏi.
Chu Nguyệt Minh kinh tâm động phách nhưng lại không gặp nguy hiểm.
Hắn dùng “Kim Thiền Thoát Xác”, “Thoát Bào Nhượng Vị”, “Bá Vương Tá Giáp”, phân biệt tránh khỏi “Ngự Kiếm thuật”, “Đại Khí Tử Cầm Nã thủ” và “Tiểu Khí Thê Cầm Nã thủ pháp” của Quan Thất.
Chu Nguyệt Minh tổng cộng đã “lột xác” ba lần, cũng cởi y phục ba lần.
Đây là lần thứ tư Quan Thất tấn công Chu Nguyệt Minh. Chu Nguyệt Minh vốn cho rằng mình đã thành công, khiến Quan Thất nghe được tin tức của Tiểu Bạch liền trở nên thần hồn điên đảo, hồn bay phách lạc, không ngờ Quan Mộc Đán lại phát động thế công chết người với hắn.
Hắn không ngờ Quan Thất lại hoàn toàn không quan tâm đến tung tích của Ôn Tiểu Bạch.
Vất vả bận rộn vì nàng, chịu hết gió và sương vì nàng, lo lắng mệt mỏi vì nàng, gầy ốm hao mòn vì nàng cũng không hối hận, tại sao khi biết được tin tức của nàng lại chẳng hề động lòng, nghe được tung tích của nàng lại muốn giết người diệt khẩu?
(Đây rốt cuộc là chuyện gì?)
Hắn vốn cho rằng những lời của mình ít nhất sẽ khiến Quan Thất bi thương thất thần, đấu chí suy giảm, nếu không cũng sẽ không dám hạ độc thủ với mình.
Nhưng lại không phải.
Quan Thất lại chém tới một kiếm.
Một kiếm này giống như mở núi phá đá, chém đứt Hoa Sơn.
Chu Nguyệt Minh biết một kiếm như vậy chém xuống đầu, kiếm chưa đến đã khiến tất cả không khí bên cạnh hắn ngưng kết lại, tất cả sát khí đều bị dẫn phát, hắn cũng không cởi được, không trút được, không tháo được, phương pháp duy nhất chính là nghênh đón, cũng chỉ có thể chống đỡ.
Ba lần giao thủ với Quan Thất trước đó, Chu Nguyệt Minh cũng chỉ “tránh” chứ không đánh trả.
Hắn dùng một loại thân pháp công phu diễn biến từ phương thức và phong cách đối nhân xử thế của hắn, “Bá Vương Tá Giáp”, để ứng phó với thế công ác liệt của Quan Thất.
Cho dù là mấy năm trước, hai thế lực lớn Kim Phong Tế Vũ lâu và Lục Phân Bán đường quyết chiến tại tổng đường của Lục Phân Bán đường, nhân mã hai phái đều cố gắng mời Chu Nguyệt Minh ra tay trợ giúp.
Đương nhiên, bọn họ hi vọng Thần Thương Huyết Kiếm tiểu hầu gia Phương Ứng Khán cũng ủng hộ phe mình.
Khi đó, thế lực của tập đoàn Hữu Kiều tuy còn chưa phải quyền cao, thế lớn, uy trọng như hôm nay, chưa thể thay thế Mê Thiên Thất Thánh minh ngày xưa đứng ngang hàng với Kim Phong Tế Vũ lâu và Lục Phân Bán đường, nhưng tiềm lực vô cùng khả quan. Phương tiểu hầu gia dù chưa “lộ ra chân tướng”, hiệu lệnh võ lâm, khiến người ta kinh sợ như hôm nay, nhưng cũng thể hiệm tiềm chất, bộc lộ tài hoa. Bởi vì hắn trung gian không phân, lập trường không rõ, cho nên mọi người đều hi vọng nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của hắn.
Có điều, kết quả là Phương Ứng Khán chí lớn tài cao vẫn tự thành một phái, tập đoàn Hữu Kiều của hắn từ độc bá một phương tiến thêm một bước trở thành uy chấn tám phương, từ hô mưa gọi gió một thời càng muốn vượt trội thiên hạ.
Hắn không cam chịu đứng sau người khác, càng không muốn cúi đầu trước bất cứ người nào.
Hắn được Mễ Hữu Kiều trợ giúp, còn được cha nuôi của hắn là Phương Ca Ngâm che chở, cộng thêm hắn được trời ưu ái ban choí cơ trí, cùng với dung mạo tuấn tú lấy được thiện cảm của người khác, còn có võ công mà hắn không chừa thủ đoạn tu luyện thành, rất nhanh hắn đã có thể lãnh tụ quần hùng, đứng ngang hàng với Chu Nguyệt Minh. Trong võ lâm kinh sư, hắn cùng với Thích Thiếu Thương và Vương Tiểu Thạch của Kim Phong Tế Vũ lâu, Lôi Thuần và Địch Phi Kinh của Lục Phân Bán đường tạo thành thế chân vạc, mỗi người một hướng. Trong kinh thành quan trường, hắn và đám “lục tặc” Thái Kinh, Lương Sư Thành, Đồng Quán, cùng với nhóm nhân mã Gia Cát Tiểu Hoa, Thư Vô Hý, Tứ Đại Danh Bổ phân ba thiên hạ, hùng bá một phương.
Chu Nguyệt Minh thì sao?
Hắn là hình tổng, không ai muốn đắc tội với hắn, ai cũng hi vọng có được sự ủng hộ của hắn.
Chỉ cần hắn bằng lòng, đồng ý, một khi có được sự ủng hộ của hắn, cũng giống như làm chuyện gì cũng không sợ sau lưng bị luật pháp truy cứu, hơn nữa cũng không vi phạm lệnh cấm, càng có thể mặc sức hoành hành.
Lần hội chiến kia, Chu Nguyệt Minh cuối cùng vẫn ra tay, nhưng lại không dùng hết sức.
Hắn chỉ muốn “thử một lần”, hai bên đều giúp, hai đầu đều đánh.
Bên này hắn đánh Địch Phi Kinh, là vì muốn dò xét thực lực thật sự của “kiêu hùng cúi đầu” này.
Thế nhưng hắn thử không ra.
Một hiệp kia, hắn chỉ “thử” được Địch Phi Kinh ứng biến rất nhanh, khinh công rất giỏi, những thứ khác đều không dò xét được.
Cho đến hôm nay, hắn mới thật sự kiến thức được “Đại Khí Tử Cầm Nã thủ” của Địch Phi Kinh, cùng với phương pháp “cởi bào nhường ngôi”, “dời mắt giá họa” càng chết người hơn, khiến cho hắn suýt chút nữa đã bỏ mạng dưới tay Quan Thất.
Một lần “thử” khác của hắn là đối với Tô Mộng Chẩm.
Một người là nhân vật số hai bí hiểm nhất trong Lục Phân Bán đường, một người là bệnh nhân sát tinh Tô Mộng Chẩm có quyền lực nhất trong Kim Phong Tế Vũ lâu.
Lần này hắn đã thử ra chiến lực của Tô Mộng Chẩm không thể xem thường, thứ đáng sợ hơn không phải là võ công của Tô Mộng Chẩm, mà là y còn có hai huynh đệ trung thành, hơn nữa võ nghệ cũng không tầm thường.
Bạch Sầu Phi và Vương Tiểu Thạch.
Một lần thử này, hắn cũng thử ra được một chuyện. Vết thương nơi đùi phải của Tô Mộng Chẩm thật sự rất nghiêm trọng, chẳng những khiến cho chiến lực giảm nhiều, thậm chí đã có phần ảnh hưởng đến đi lại.
Hắn đã từng vô tình hay cố ý tiết lộ điều này với Bạch Sầu Phi, tin tức này rõ ràng là đã tăng cường cũng tăng tốc Bạch Sầu Phi phản bội Tô Mộng Chẩm.
Có điều trong hai trận chiến đó, hắn cũng chỉ dùng thân pháp hết sức “đột nhiên” và thế công vô cùng “đột ngột” để tập kích Tô Mộng Chẩm và Địch Phi Kinh.
Lần này lại không được.
Quan Thất chém tới một kiếm.
Hắn không thể lánh sang trái, lánh sang trái sẽ bị mũi kiếm cắt trúng.
Hắn không thể né sang phải, né sang phải sẽ bị mũi kiếm quẹt trúng.
Hắn không thể vọt lên trên, vọt lên trên sẽ bị kiếm khí chém trúng.
Hắn không thể cúi xuống dưới, cúi xuống dưới sẽ bị thân kiếm bổ trúng.
Hắn không thể lui về sau, lui về sau sẽ bị kiếm khí thương tổn.
Hắn không thể tiến lên trước, tiến lên trước bị kiếm thế giết chết.
Hắn chỉ có thể đứng ở đó, chống đỡ.
Toàn thân hắn phồng lên, giống như một con cóc đang phình to, đôi tay như dùi trống vỗ một cái, muốn kẹp lấy kiếm của Quan Thất.
Chiêu này của hắn rất đơn giản, cũng rất lưu loát.
Nhưng đó lại là tinh hoa, tinh hoa của chiến thuật.
Nhìn thấy chiêu này, ngay cả canh phu trên đường dài kia cũng không nhịn được kêu một tiếng:
- Tay không vào dao sắc.
“Tay không vào dao sắc”, một cái tên rất bình thường.
Trong võ lâm, ai cũng biết dùng, ai cũng từng học loại võ nghệ này. Cho dù không phải trong giang hồ, bách tính tầm thường, văn nhân, phụ nữ và trẻ con, ngay cả khi chưa từng thấy qua, cũng nhất định đã nghe nói đến loại “võ công” này.
Loại võ thuật này không hề hiếm thấy, nhưng dùng cho tốt lại là có một không hai.
“Tay không vào dao sắc” là ám chỉ dùng tay không để cướp lấy vũ khí trên tay người khác, đây chắc chắn không phải là chuyện dễ dàng. Ngươi có thể ra tay đối phó với những đối thủ võ công kém hơn ngươi, nhưng một khi kẻ địch võ công mạnh hơn ngươi, ngươi làm thế nào dùng một đôi tay bằng thịt để đoạt lấy binh khí trên tay hắn?
Điều này cần có bản lĩnh cao hơn so với Cầm Nã thủ.
Cầm Nã thủ có thể là tay không đấu tay không, còn “tay không vào dao sắc” lại là ngươi tay không, còn đối phương lại có binh khí.
Hiện giờ Chu Nguyệt Minh chẳng những sử dụng nó, hơn nữa còn thi triển với một kẻ địch chí cường, cực cường, tối cường tuyệt đỉnh, hắn ở trước mặt Quan Thất thi triển “Tay không vào dao sắc”.
Mũi đao lạnh, mũi kiếm càng lạnh.
Một thanh kiếm lạnh tên là “Sai”, do một cao thủ tuyệt thế sử dụng càng ý lạnh xâm người, kinh người, bức người, giết người.
Quan Thất sử dụng một chiêu này có điểm kỳ lạ, thậm chí có phần kỳ dị.
Y đang cười.
Ánh mắt của y đầy ưu thương, ưu đến rất thương, rất thương tâm, rất thương tình, rất thương lòng.
Lúc xuất kiếm y lại cười, nụ cười giết người.
Nhưng thần sắc của y lại rất kinh người, dọa người.
Thần sắc khi y dùng kiếm rất dọa người, nhưng ánh mắt của y lại rất đa tình, nụ cười rất thương tâm.
Ngươi nói sao?
Quan Thất hiển nhiên là một người thương tổn vì tình, khổ sở vì yêu, y vì Ôn Tiểu Bạch mà hồn bay phách lạc, nửa si nửa điên qua một đời.
Thế nhưng, nếu như y thật sự thâm tình không hối hận, vì sao khi biết tung tích của Tiểu Bạch, y lại muốn một kiếm giết Chu Nguyệt Minh diệt khẩu?
Y là tình thâm không vĩnh viễn? Hay là tình đến nồng lúc tình lạnh nhạt? Hoặc là nhìn như đa tình lại vô tình, kết quả là tìm nàng trong chốn đông người, hao gầy tiều tụy không hối hận, nhìn hết đường chân trời, lại nửa đón nửa từ, chỉ đổi được nước mắt bạc tình?
Ai biết?
“Ngươi nói sao” vĩnh viễn là một câu hỏi, đáp án của mỗi người đều không giống nhau. “Ai biết” lại không phải là một câu hỏi, ý tứ của nó thực ra giống như “không biết” hoặc “mặc nó đi”.
Trên đời có rất nhiều chuyện, rất nhiều vấn đề, rất nhiều phiền não, mặc dù người người khác nhau, thời thời không giống, nhưng đều chỉ có thể “mặc nó đi”.
Không mặc nó thì thế nào? Chỉ là chuốc khổ. Tính toán thiệt hơn, kết quả là mọi chuyện lại không do người.
Vì vậy, có lúc phó thác cho trời cũng chưa chắc là tiêu cực, nó chỉ là một loại thái độ nhân sinh muốn nhưng không cầu, không tìm phiền não mà thôi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...