Long Uyên chui vào trong hang rắn, đàn rắn đã rẽ sang hai bên để nhường một lối đi. Chàng đi tới phía tận cùng liền múa roi ấy đuổi rắn chui ra ngoài hang.
Đàn rắn thấy có lỗ hổng, vội vàng tranh nhau chui ra bên ngoài. Thế là chúng chui ra đến đâu những ám khí lợi hại ấy đã chém rất nhiều rắn độc.
Chàng ở trong thạch thất nghe bên ngoài có tiếng động, biết là kế của mình đã thành công nên không chần chừ gì cả, vội đuổi nốt đàn rắn còn lại ra ngoài con đường hẻm.
Một lát sau, những con rắn ở trong thạch thất đã bị chàng đuổi ra hết. Trong thạch thất chỉ còn lại khá nhiều trứng rắn to nhỏ khác nhau và màu sắc cũng khác nhau nốt. Chàng không chần chừ gì cả, vội múa roi và chưởng đánh tan hết trứng đó để nó khỏi sinh sản sau này hại người.
Chàng đánh vỡ hết những trứng rắn rồi chui ra ngoài đường hẻm thấy trên đường hẻm toàn những xác rắn dài hơn một thước, chàng vận khinh công đi trên mình rắn, tiến thẳng về phía trước. Đi được hai trượng mới thấy phía đằng trước có ánh sáng chiếu vào. Chàng cả mừng khi đã đến cửa động định phi thân ra bên ngoài thì bỗng nghe thấy có tiếng còi rút thổi “vo vo”. Chàng vội núp ở bên cạnh cửa động, đưa mắt nhìn ra hai bên ngoài mới hay ngoài đó là sơn cốc, cỏ mọc cao hơn hai thước, trông rát hoang vu, đàng xa là một cái bụi trúc hình như có nhà cửa.
Lúc ấy trong bụi cỏ đang có ba đại hán, một người mặc áo vải màu xanh mặt cũng xanh nốt, tay cầm một cái đèn xanh. Ba người đứng ba mặt để chặn lối ra của đường hầm, mỗi tên cầm cái còi trúc cứ thổi “vo vo” hoài.
Chàng ngạc nhiên, thoạt nhiên tưởng chúng đợi chờ mình. Nhưng đứng một lúc thấy chẳng người nào nhắc nhở tới mình cả, chàng không biết có nên ra ngay bây giờ không? Chàng đang suy nghĩ, đột nhiên thấy bụi cỏ rung động và có tiếng kêu “sè sè” đều đổ cả vào phía ba người. Chàng lại thấy hai người ở hai bên đều ngưng thổi còi, rồi mỗi tên cầm một que trúc cứ gạt đi gạt lại. Riêng có người ở giữa vẫn tiếp tục thổi còi và quay người tiến về bụi trúc khô kia. Phía sau người có tiếng kêu “sè sè” hoài, đám cỏ cứ nhô lên chồi xuống như làn sóng bể vậy.
Lúc ấy Long Uyên mới biết rõ và nghĩ thầm: “Chắc những con rắn này là do chúng nuôi. Chúng đã nuôi nhiều rắn độc như vậy, tất không phải là hạng người tử tế. Hôm nay đã gặp Long Uyên ta phải điều tra cho ra mới được”.
Nghĩ đoạn, chàng chờ cho ba người nọ đi xa rồi mới cuộn cây roi vào tay, rồi giở khinh công thượng thặng trong pho Phục Địa Truy Phong tiến thẳng bên ngoài và đi tới chỗ cách chừng năm trượng.
Lúc ấy ba người đi trước đã dẫn đàn rắn vào trong bụi trúc rồi, không hiểu chúng đi đâu, chỉ thấy chúng quanh co mấy vòng đã mất dạng. Chàng kinh hãi vô cùng, biết bụi trúc này tuy cắm loạn xạ nhưng thực sự bên trong thế nào cũng có một trận pháp.
Chàng ngắm nhìn hồi lâu cũng không dám đường đột tiến thẳng vào vì sợ mắc vào cạm bẫy. Chàng nghiên cứu một lát nữa mà cũng không sao biết được đó là trận pháp gì.
Chàng ngẩng mặt lên trời, thấy ánh trăng vừa chiếu vào vách núi, chàng liền nghĩ thầm: “Sao ta không quay trở ra thung lũng để xem người nào ở trong miếu cổ đã lấy trộm bảo kiếm của ta? Vả lại có leo lên trên vách núi này mới trông thấy rõ bụi trúc này xếp đặt theo trận pháp gì”. Nghĩ đoạn chàng ngắm nhìn vách núi thấy cao chừng mười trượng nhưng dốc lắm. Tuy vậy vách đó không làm khó dễ được chàng. Chàng không muốn cho đối phương biết rõ hành tung của mình, nên không giở Phi Long cửu thức thân pháp nhảy lên mà chỉ dùng thân pháp thường leo lên thôi.
Trên đỉnh vách núi là một bụi cây và phía bên kia vách tức ngôi chùa cổ hồi nãy. Chàng đứng ở trên đỉnh vách nhìn chung quanh rồi lại nhìn xuống bụi trúc, mới hay giữa bụi trúc có một căn nhà màu xanh còn những cây trúc thì trồng chung quanh.
Họ trồng trái ba cây, phải năm cây, trước bảy cây, sau sáu cây. Mới thoạt nhìn không thấy gì lạ cả, nhưng nhìn kỹ mới thấy có rất nhiều cơ quan mai phục. Trong cuốn Đơn Thư Thiết Quyển của chàng có dạy rất nhiều trận đồ, như Kỳ Môn Bát Quái, Cửu Cung Bát Trận chàng đều thuộc lòng hết, nhưng đối với trận pháp này chàng vẫn không nhận ra là trận pháp gì.
Chàng đang suy nghĩ bỗng nghe trong chùa cổ có tiếng kêu “lách cách” vọng ra. Chàng vội nhảy xuống đất lẻn vào trong chùa núp sau một bụi cây để dò xem tiếng kêu đó ở đâu tới.
Chàng vừa ẩn núp xong đã nghe thấy trong điện có tiếng kêu “ủa” vọng ra.
Long Uyên nghe thấy tiếng kêu đó, bụng bảo dạ rằng: “Có lẽ có ai ngẫu nhiên đi vào trong chùa này, thấy trong điện có con ngựa chết nên mới kinh ngạc cũng chưa biết chừng”.
Quả nhiên khi đang đang suy nghĩ đã thấy phía hang có bóng người thấp thoáng và có một bà cụ hiện thân ra. Chàng chỉ trông thấy sau lưng bà ta thôi. Dưới ánh trăng, chàng thấy tóc của bà cụ trắng như bạc, nhưng dáng điệu của bà ta không có vẻ gì là già nua hết.
Chàng mừng rỡ vô cùng, đoán chắc là bà cụ đó thế nào cũng là Vân Tuệ giả trang, đang định nhảy ra gặp gỡ để giải thích về sự hiểu lầm thì bỗng thấy trong mười cái quan tài để ở hành lang có một cái nắp tự động mở lên. Chàng núp ở trong bóng tối, đoán chắc người vừa ám hại mình lại giả bộ làm ma quỷ để ám hại Vân Tuệ.
Lòng hiếu kỳ thúc đẩy, chàng không hiện ra vội, lẳng lặng đứng yên tại đó để xem Vân Tuệ đối phó ra sao?
Bà cụ bỗng thấy nắp quan tài mở lên liền giật mình kinh hãi, nhưng lại trấn tĩnh được ngay. Nàng tiến lại gần, giơ chưởng lên tấn công một thế, chưởng phong của nàng quả thực lợi hại. Chỉ nghe tiếng “bộp” một tiếng, chiếc quan tài đó đã vỡ ra làm muôn mảnh.
Trong quan tài có tiếng ma kêu, rồi có một con quỷ nhập tràng nhảy ra.
Long Uyên thấy con quỷ nhập tràng ấy nhảy xuống đất rất nhẹ nhàng. Nếu nó không phải là quỷ thực thi khinh công của nó nhảy được như thế kể cũng là lợi hại lắm rồi. Chàng nhìn kỹ thấy con ma ấy mặc áo xanh, đội mũ xanh, thậm chí đến da cũng xanh nốt. Người gầy như que củi, trông không khác gì một thanh trúc vậy hai mắt lõm vào, tia ra hai luồng ánh sáng xanh.
Lúc ấy y nhìn thẳng vào bà cụ tóc bạc, nhe răng ra kêu “vèo vèo” và làm như muốn vồ tới vậy khiến trong đêm tối, ai trông thấy cũng phải hoảng hồn.
Bà già kêu “ủa” một tiếng, hiển nhiên đã hoảng sợ, vội lui về sau năm bước và rút luôn thanh bảo kiếm rất kỳ lạ, dài ba thước, có ánh sáng lóng lánh, chỗ cán như một cái một cái bát úp ngược để bảo vệ tay cầm, thân kiếm không có lưỡi mà to như một cái que. Trông thấy thanh kiếm ấy, Long Uyên đã biết bà ta là Vân Tuệ rồi, trong lòng mừng rỡ vô cùng.
Bà già ấy quả thật là Vân Tuệ, từ khi nàng ta ở cù lao Đen, Đông Hải tiễn Long Uyên đi rồi, một mình ở lại thạch ốc. Tuy ngày đêm đã có vú Triệu làm bạn, nhưng vẫn cảm thấy thiếu sót một vật gì nên nàng ta như mất hồn mất trí vậy. Vài hôm sau, nàng cảm thấy nhớ nhung Long Uyên vô cùng, thậm chí sao lãng cả việc luyện tập võ nghệ.
Vú Triệu là người giàu kinh nghiệm thấy vậy biết ngay là nàng đã tương tư Long Uyên rồi. Vú Triệu liền khuyên giải nàng rằng :
- Tôi đã bảo tiểu thư rồi, tiểu thư lại không nghe, cứ để cho cậu Uyên đi về một mình thế!
Vân Tuệ ngạc nhiên, không hiểu vú Triệu nói thế có dụng ý gì, liền hỏi :
- Cái gì? Tôi...
Vú Triệu cầm tay nàng nói :
- Tiểu thư, không phải vú này lắm miệng đâu, sự thật tiểu thư nên đi cùng với cậu Uyên về nhà để gặp cha mẹ cậu ấy. Cô thử nghĩ xem cô trông nom cậu ấy bao nhiêu năm, chẳng lẽ người nhà cậu ấy không cám ơn cô hay sao?
Vân Tuệ lắc đầu đáp :
- Tôi không mong ai cám ơn tôi hết! Việc trông nom Uyên đệ là do tôi tình nguyện, chứ tôi không cần người nhà của Uyên đệ cám ơn tôi đâu?
Vú Triệu ho mấy tiếng rồi nói :
- Sao tiểu thư dại thế! Vẫn biết tiểu thư không muốn người ta cảm ơn mình thực, nhưng tiểu thư nên rõ, sự cám ơn này sẽ còn tạo nên nhiều chuyện khác nữa.
Vân Tuệ đã biết ý nghĩa lời nói của Vú Triệu rồi nhưng nàng không tiện nói ra, Vú Triệu lại nói tiếp :
- Nhà cậu Uyên có chín ông già tất cả. Ngày thường người nào cũng muốn cho cậu Uyên có con, nay cậu ấy lại mất tích bấy nhiêu năm mà bây giờ thấy có người ân nhân đi cùng với cậu ấy trở về nhà thì mọi người sẽ coi như một vị Phật sống. Tuy tiểu thư lớn hơn cậu Uyên mấy tuổi thực, nhưng bề ngoài không ai biết được điều đó. Một người thông minh và đẹp như tiểu thư đến lúc đó chả cần phải lên tiếng, các gia trưởng của cậu Uyên cũng phải lên tiếng yêu cầu tiểu thư rồi.
Vân Tuệ mặt đỏ bừng, hổ thẹn vô cùng, đẩy vú Triệu một cái rồi nũng nịu hỏi :
- Vú nói yêu cầu cái gì cơ chứ? Tôi không hiểu và tôi cũng không muốn người ta yêu cầu gì tôi!
- Yêu cầu tiểu thư làm vợ cậu Uyên đấy! Tiểu thư bảo không cần người ta yêu cầu mình, vậy chả lẽ tiểu thư lại đi cầu người ta hay sao?
Vân Tuệ nghe nói hổ thẹn vô cùng, hai má liền đỏ bừng ngay và nũng nịu trách vú Triệu rằng :
- Tuệ nhi không chịu đâu, vú cứ nói bông với Tuệ nhi như vậy?
Nói xong nàng hổ thẹn chạy vào trong phòng đóng kín cửa lại, ngã ra giường, ngẫm nghĩ về chuyện vừa rồi. Nàng nghĩ có lẽ chuyến này Long Uyên về nhà chưa biết chừng đã lấy mỹ nhân nào làm vợ rồi.
Như vậy, có phải là mình đã bị bỏ rơi hay không? Sau này mình sống làm sao được với cuộc đời chăn đơn gối chiếc như thế?
Nghĩ tới đó, Vân Tuệ cảm thấy nơm nớp không yên, nhất thời chỉ muốn mọc thêm hai cánh bay đi tìm Long Uyên ngay.
Đang lúc bàng hoàng, vú Triệu đột nhiên đẩy cửa vào nói :
- Thưa tiểu thư, Lý Thất đã trở về rồi. Y bảo cậu Long Uyên đã về tới quê nhà rồi, nhưng tòa nhà cũ bỏ trống, không còn người nhà ở lại.
Vân Tuệ đột nhiên ngồi dậy vội hỏi :
- Thế còn Uyên đệ đâu?
Vú Triệu thở dài, đáp :
- Nghe Lý Thất nói thì lúc y lên đường, thấy cậu Uyên ở lại trong phòng vắng vẻ, người trông rầu rĩ lắm. Y hỏi cậu ta có gởi thơ cho tiểu thư không, nhưng cậu ta như một kẻ mất hồn vía vậy.
Vân Tuệ thở dài một tiếng, trong lòng không yên chút nào, miệng lẩm bẩm nói :
- Tội nghiệp cho Uyên đệ! Y không thể nào chịu nổi những biến cố đột ngột ấy đâu! Hà... biết sao bây giờ đây?
Vú Triệu liền khuyên giải rằng :
- Theo ý vú thì tiểu thư nên đi kiếm cậu ấy ngay, đằng nào tiểu thư cũng phải đi rồi. Tìm thấy cậy Uyên, hai người ở chung với nhau chả hơn bây giờ phải đau khổ như thế này hay sao?
Vân Tuệ không nghĩ gì đến sự hổ thẹn nữa, vội đáp :
- Thôi được, vú bảo Lý Thất sửa soạn thuyền cho tôi đi! Tôi đi ngay!
Đêm hôm đó nàng cùng Lý Thất lên thuyền rời khỏi cù lao Đen đi ngay và một ngày sau đã đến Lao Sơn.
Lý Thất dẫn nàng đến nhà Long Uyên. Nàng tìm tất cả các phòng nhưng không thấy hình bóng của Long Uyên đâu cả. Nàng khóc một hồi, sau mới nghĩ lại chắc chàng đã gặp người nhà rồi, và người đó đã đưa chàng đi tìm kiếm cha mẹ cũng nên.
Thế rồi nàng ở lại căn phòng của Long Uyên đã ở để đợi chờ và nàng cũng muốn đợi chờ người canh nhà quay trở lại để hỏi tin.
Nhưng người coi nhà ấy là Long Ngũ bỗng thấy thiếu gia về tới và thưởng cho y một số tiền khá hậu nên y tự động nghỉ ngơi để đi chơi.
Vân Tuệ chờ mấy ngày liền mà vẫn không thấy người đó trở về, nóng lòng sốt ruột vô cùng, mà lương khô của nàng đem theo đã dần dần ăn hết.
- Ở đây đợi chờ thi chi bằng xuống đi tìm kiếm có hơn không?
Vì thế nàng hóa trang thành một bà cụ để che lấp bộ tóc váng của mình đi và xuống núi tức thì.
Nhưng nàng lại đi thẳng về phía tây, từ Dương Thành qua Nam Toàn đến An Khâu chứ chưa đến Tích Mạc vì thế mà không gặp Long Uyên. Nàng một thân một mình đi hết đây đó, trong lòng tuy vẫn lo âu cho Long Uyên, nàng biết Long Uyên võ công rất cao siêu nên không xảy ra chuyện gì đâu. Hơn nữa nàng trông thấy những nhân vật giang hồ xuất hiện luôn, nàng đột nhiên nghĩ đến trận phục thù cho sư phụ.
Nàng nghĩ thầm :
- “Đằng nào ta cũng hẹn ước với Long Uyên một năm sau gặp nhau trên Hoàng Sơn rồi. Quý hồ không có việc gì xảy ra cho chàng thì thế nào cũng gặp lại nhau. Nhân thời gian xa cách một năm này, ta phải hoàn thành tâm nguyện mới được!”
Nàng lại nghĩ tiếp :
- “Uyên đệ hiền lành quá, nếu mình đi cùng chàng, chàng cũng không để cho ta trả thù cho sư phụ đâu. Như vậy là ta không đền ơn sư phụ hay sao?”
Nghĩ như vậy, nàng lại không muốn gặp Long Uyên, rồi nàng một thân một mình xuống Nam Định tới Ninh Ba để hỏi thăm người ngoại quốc xem y có biết cha mẹ mình còn hồi sanh tiền hay không?
Lúc ấy Ninh Ba là một hải cảng thông thương với ngoại bang của Trung Hoa, hàng năm có nhiều da trắng tới thông thương. Vân Tuệ tới đó quả gặp khá nhiều ngươi da trắng, nhưng khi hỏi chuyện thì ngôn ngữ bất đồng, nên không sao nói chuyện với họ được. Vì nàng đã được Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm Khách nuôi dưỡng từ hồi còn nhỏ, nên nàng chỉ học toàn những văn tự và ngôn ngữ Trung Quốc. Tuy nàng là người da trắng thuần túy, nhưng không biết nói một tiếng ngoại quốc nào cả.
Vân Tuệ bực mình vô cùng và cả thấy những người đó dã man hết sức. Sau nàng tìm người thông dịch trò chuyện với nhà buôn ngoại quốc ấy, kết quả nàng cũng thất vọng luôn! Nhà buôn đó và nhiều người khác nữa ai ai cũng không biết lai lịch của thanh bảo kiếm với cái cà rá của nàng hết.
Nàng đành phải bỏ ý định dò hỏi lai lịch của cha mẹ đi mà chăm chú vào việc trả thù cho sư phụ thôi. Nhưng công việc này không phải nhất thời làm xong được, vì đều thứ nhất là nàng chưa dám tin rằng công lực mình có thể hoàn thành được công việc lớn lao ấy không?
Điều thứ hai, tuy nàng biết kẻ thù của sư phụ mình là những người Chưởng môn của bảy đại môn phái ở Trung Nguyên thực, nhưng chưa biết những người đó là ai và hiện giờ đang ở đâu?
Đang lúc nàng phân vân thì hay tin Sào Hồ có một con Tỷ Kim Giao xuất hiện, làm hại rất nhiều người, và có rất nhiều người giang hồ đang tiến về phía ấy.
Hay tin đó, nàng liền nghĩ thầm: “Sao ta không đi tới đó xem? Hãy không nói chuyện con Tỷ Kim Giao vội, ở đó có thể ngấm ngầm dò biết được kẻ thù của ta là ai, chả hơn là cứ lần mò như thế này hay sao?”
Nghĩ đoạn nàng liền đi Giang Tây ngay.
Từ Ninh Ba đến Sào Hồ, Vân Tuệ chỉ đi hơn một tháng trời là tới nơi liền, vừa đi nàng vừa thâu lượm kiến thức giang hồ.
Cũng may nàng hóa trang thành một bà già, tuy có nói nhiều một chút nhưng cũng không ai trách cứ. Cho nên đi tới Sào Hồ, nàng cũng biết rõ đại thế của võ lâm đồng thời cũng nghĩ ra được cách phục thù rồi.
Hôm đó Vân Tuệ đi tới Hạ Các, bỗng thấy dân tỵ nạn đi đầy đường, nàng động lòng thương, đang nghĩ cách làm thế nào để cứu tế thì đột nhiên phát hiện tông tích của Long Uyên.
Thì ra lúc ấy Long Uyên cũng tới nơi, hóa trang thành một thiếu niên rất xấu xí, nhưng ở với chàng lâu năm, tuy nhất thời chưa không nhận ra được mặt chàng, nhưng thấy cử chỉ và dáng điệu của chàng, nàng đã nhận ra được chàng liền.
Đáng lẽ nàng thấy Long Uyên thì rất mừng rỡ mới phải, nhưng vì bên cạnh Long Uyên lại có một cô gái đẹp như hoa nở luôn mồm gọi “Long đại ca! Long đại ca!” nên nàng không còn mừng vào đâu được nữa, trái lại dường như bị sét đánh ngang tai. Nàng vừa đau lòng vừa tức giận, không chạy tới nhận ra chàng trái lại còn xa lánh là đằng khác. Nàng quyết định thầm sẽ ngấm ngầm dò xét xem Long Uyên với cô nương này như thế nào? Hai người có phải là yêu nhau không?
Ngờ đâu đêm hôm đó Long Uyên với Phong Lan đi dò thám Sào Hồ rồi cô bé không sao cầm lòng được biểu diễn ngay cái trò Phi Yến Đầu Hoài nhảy vào lòng Long Uyên. Tấm kịch ấy lọt vào mắt Vân Tuệ khiến nàng không sao cầm lệ được và trong lòng hận vô cùng.
Nàng than thân trách phận và cũng hận Long Uyên đã có mới nới cũ, rồi nàng lại hối hận mình không nối dây tình với chàng và tại sao không cùng chàng đi về nhà một lúc.
Lúc ấy nàng tức giận giậm chân một cái, rồi lẳng lặng bỏ đi, nhưng sau không lâu nàng lại muốn tìm Long Uyên để khiển trách và hỏi rõ nguyên nhân.
Nàng nghĩ đi nghĩ lại rút cuộc vẫn không sao dứt được mối tình ấy rồi ngấm ngầm theo dõi hai người để xem hai người có hành động gì quá trớn không? Vì thế ngày hôm sau nàng theo dõi Long Uyên đi tới Cao Lâm Kiều ngẫu nhiên thấy một bà già khác cũng ngấm ngầm theo dõi Long Uyên và các người như mình. Nàng không biết người đó là ai, nhưng xem tình hình thì bà cụ này có vẻ hiền hậu chính khí chứ không có vẻ gì ác ý hết.
Nàng không biết bà cụ đó là ai? Nhưng vẫn lo âu cho Long Uyên vì sợ chàng bị người ta theo dõi ám hại. Vì thế tối hôm ấy nàng lại theo mọi người vào trong hồ, rồi nàng lên Lao Sơn. Sau thấy Long Uyên vào hồ giết con thuồng luồng nàng thấy Hổ Hùng lòng tham lam vô đáy vong ân bội nghĩa tức giận vô cùng liền lấy trộm da con thuồng luồng do tay y lột và một bài học nữa.
Ngày hôm sau Vân Tuệ lẳng lặng lên núi Bạch Thạch thì vừa gặp Long Uyên ba người ở trên lôi đài dương oai, nàng vừa mừng rỡ vừa bực tức. Nàng đang nhắm mắt nghĩ cách thì vì hình dáng của nàng hơi giống Võ Di bà bà vì vậy Phong Lan mới tưởng nhầm là bà mình vội nhảy xuống nhận. Lúc này nàng mới sực nhớ ra bà cụ theo dõi Long Uyên là bà của Phong Lan ngắm nhìn mặt Phong Lan tuy trong lòng vẫn còn lửa ghen nhưng thấy nàng ta mặt đẹp, hoạt bát ngây thơ, khiến ai trông thấy cũng phải thương yêu, cho nên nàng cũng động lòng thương Phong Lan nốt. Vì thế nàng muốn cho Phong Lan hay chuyện của mình với Long Uyên nhưng bỗng trông thấy thái độ ngạo mạn của Hổ Hùng. Nàng tức giận vô cùng liền điểm ngay vào yếu huyệt của tên nọ sau nàng bỗng thấy Long Uyên trên lôi đài nhảy xổ xuống. Nàng không muốn gặp chàng ta vội, liền bỏ chạy xuống ngay.
Long Uyên ở phía sau vừa đuổi vừa gọi, không phải là nàng không nghe thấy, nhưng vì nàng tức chàng thay lòng đổi dạ nên nàng mới làm như vậy. Đồng thời nàng cố ý để lại cái khăn tay viết chữ trong rừng một mặt tỏ vẻ khiển trách và cũng tỏ tình của mình cho Long Uyên biết nữa.
Long Uyên thấy bài thơ cái khăn trong lòng kêu oan thầm. Lúc ấy Vân Tuệ vẫn núp ở gần đó thấy vậy cảm động hết sức, nhưng cũng thấy hổ thẹn không dám hiện thân ra vội.
Và nàng cũng không dám tin Long Uyên vẫn chưa có tình ý gì với Phong Lan. Nàng còn đợi xem nữa, xem thái độ cuối cùng của Long Uyên như thế nào? Vì vậy nàng vẫn theo sau nên đã trông thấy chàng một mình rời khỏi khách điếm và viết chữ để lại cho Phong Lan.
Lúc này nàng mới yên tâm đồng thời cũng mừng rỡ khôn tả. Nàng không dám than thân trách phận và cũng không rầu rĩ thầm như trước nữa mà chứa chan hy vọng. Thế rồi nàng lại đuổi theo Long Uyên để gặp lại chàng, nhưng sau vì một việc mà phải khiến nàng phải ngừng lại. Việc đó là do Phong Lan mà nên. Trước kia nàng ghen hận Phong Lan vì hận cô bé đi quá âu yếm với Long Uyên.
Nhưng bây giờ nàng đã biết rõ phần thắng thuộc về mình rồi, nàng lại không tức giận nữa trái lại còn thương hại Phong Lan là khác. Nàng là đàn bà tất nhiên phải hiểu rõ tâm lý của đàn bà. Vì thế nàng mới thương Phong Lan nàng đoán chắc lúc này Phong Lan đọc lá thư tuyệt tình của Long Uyên để lại thế nào cũng đau lòng lắm. Nàng muốn ở lại an ủi nàng, đồng thời cũng muốn biết Phong Lan bắt đầu yêu Long Uyên từ bao giờ.
Nàng còn muốn biết Phong Lan đã trông thấy bộ mặt thật của Long Uyên chưa. Nếu chưa thì tình yêu của Phong Lan càng cao quý và đáng thương thêm.
Thế rồi chờ Long Uyên đi khỏi, nàng quay trở lại khách điếm mướn một căn phòng ở trước mặt phòng của Phong Lan, cũng vì vậy mà cử chỉ của Hổ Hùng nàng đều trông thấy rõ hết. Nàng thấy Phong Lan vào phòng của Long Uyên và còn văng vẳng nghe thấy tiếng than thân trách phận và tiếng khóc nỉ non của Phong Lan nữa.
Nàng không đành lòng định vào an ủi Phong Lan thì đột nhiên trông thấy Hổ Hùng rón rén đi tới trước cửa sổ ngó nhìn vào trong phòng.
Nàng đã ghét Hổ Hùng từ khi mới gặp y rồi. Bây giờ lại thấy y có tấm lòng quỷ trá như thế nào, nàng biết ngay tên này đã có mưu mô gì liền cười nhạt một tiếng và bụng bảo dạ rằng: “Tiểu tử giỏi thực, nếu mi có hành động vô sỉ ta phải cho y một bài học mới xong”.
Hổ Hùng táo gan thật, không biết sát tinh đang rình phía sau, y thấy Phong Lan nằm ở trong giường của Long Uyên, liền nỗi lòng tà lẳng lặng đi vào, trông thấy tờ giấy của Long Uyên để lại y mừng rỡ vô cùng bụng bảo dạ rằng: “Phen này trời đã giúp ta”.
Nghĩ đoạn y vội đi tới trước giường điểm yếu huyệt tê của Phong Lan cố ý làm ra vẻ quyến luyến, hãm hiếp nàng trước rồi tính sau.
Ngờ đâu cò mổ trai lại có lão vọng rình ở phía sau. Khi y vừa cởi áo Phong Lan ra thì bỗng nghe thấy cửa sổ có tiếng kêu “bùng” rồi hai cánh cửa đều mở toang. Có hai bóng người cùng nhảy vào một lúc, một người chưa tới nơi đã mắng chửi :
- Tên súc sinh táo gan thực, có mau nộp mạng cho bà tổ mày không?
Hổ Hùng nghe thấy tiếng mắng chửi ấy cả kinh thất sắc, không đợi chờ hai người ấy vào đã ném luôn một phi trâm. Phi trâm của y chia làm ba tốp, hai tốp tấn công kẻ địch, còn một tốp nếm vào ngọn đèn ở trên vách. Ném xong, y vội nằm phục xuống dưới đất lăn ra ngoài cửa.
Hai người nhảy vào đó không ngờ Hổ Hùng lại có thủ đoạn hèn hạ đến thế, cả hai vừa ngừng chân lại thì ngọn đèn dầu đã tắt lịm. Một người quát mắng :
- Cẩu tặc vô sỉ thật.
Đồng thời giơ tay áo lên phất một cái và nói tiếp :
- Trả lại cho ngươi.
Thế là những phi trâm ấy đều bị Vân Tuệ hất bắn trở lại và cứ nhắm ngươi của Hổ Hùng đang lăn ở dưới đất bắn tới, còn một người nữa gạt những phi trâm của y xuống đất và chạy lại chỗ giường của Phong Lan đang nằm.
Từ khi ăn được óc con thuồng luồng đến giờ Hổ Hùng cảm thấy công lực mạnh hơn trước nhiều. Tuy ở trong bóng tối y đã nghe tiếng gió động, nên y tung mình bắn lên cao năm thước giơ hai cánh tay gạt một cái, những phi trâm đó đều bắn ra ngoài cửa sổ.
Tiếp theo đó có tiếng kêu lộp cộp, cánh cửa bị phá vỡ, Hổ Hùng đã phi thân ra ngoài nhưng dầu sao trên đùi trái của y cũng bị hai mũi phi trâm bắn trúng sâu vào trong da thịt.
Hổ Hùng biết ngươi vừa mới tới đó công lực thực cao nên không dám ở lại nữa, nghiến chặt hàm răng phất mạnh tay áo nhảy ra ngoài cửa sổ chạy luôn.
Trong phòng đã có một người quẹt lửa thắp sáng ngọn đến. Nhờ có ánh sáng đèn người ta mới thấy rõ hai người nhảy vào đó là Vân Tuệ và người có tóc bạc như tuyết.
Vân Tuệ trông thấy bà cụ ăn vận như mình, thân hình cũng cao thấp bằng nhau, nàng mới đoán chắc bà ta là bà của Phong Lan, Võ Di bà bà.
Võ Di bà bà thương cháu hết sức không đuổi theo Hổ Hùng mà chỉ chạy lại xem cháu thôi. Và bà cũng không để ý đến Vân Tuệ nữa, bà ta cầm đèn chiếu vào mặt Phong Lan.
Lúc ấy Phong Lan vì quá tức giận mà chết giấc, bây giờ nghe thấy tiếng quát mới tỉnh lại.
Võ Di bà bà thấy cháu mình cứ nằm yên không sao cử động được và cũng không nói năng gì cả, áo đã cởi mấy khuy, để lộ bộ ngực trắng nõn nà, mắt đẫm lệ trông rất đáng thương. Bà ta vội giải huyệt cho nàng và thở dài một tiếng mới an ủi :
- Cháu đừng sợ, đã có bà ở đây, tên giặc...
Phong Lan đột nhiên trông thấy người đến cứu mình là bà, trong lòng hổ thẹn bực tức lẫn đau lòng, nên nàng vừa ngồi dậy đã nhảy xổ vào lòng Võ Di bà bà với giọng run run gọi :
“Bà ơi!” rồi nàng khóc òa lên.
Vân Tuệ thắp sáng ngọn đến ở trên bàn rồi lẳng lặng ra ngoài đuổi những tửu bảo nghe thấy tiếng động đến xem đi, rồi quay lại trông thấy tấm kịch hai bà con ôm nhau, nàng cũng tủi lòng vì cảm thấy mình quá lẻ loi.
Nàng đứng nhìn hồi lâu, nhưng không dám phá đám hai bà cháu người ta đang âu yếm với nhau. Nàng lẳng lặng lui ra ngoài phòng nhẹ nhàng nhảy lên trên mái nhà để xem Hổ Hùng đã chạy đi đâu. Tuy vậy tai nàng vẫn để ý nghe động tĩnh ở trong phòng.
Trong phòng Võ Di bà bà ôm Phong Lan ngồi hồi lâu mới quay đầu lại vuốt tóc nàng và khuyên rằng :
- Cháu đứng khóc nữa...
Phong Lan nghe lời vội mặc áo lại vừa làm nũng vừa thưa với bà rằng :
- Ác tặc ấy thất lòng lang dạ thú, con phải chém y thành mấy mảnh mới hả dạ. Nếu có Long ca ở đây...
Nàng mới nói tới đó đã khóc liền không sao tiếp được.
Võ Di bà bà kêu lên một tiếng và hỏi :
- Tên họ Long nào?...
Phong Lan thấy bà mình nhắc nhở đến Long Uyên lại càng khóc thêm và đáp :
- Anh ấy... anh ấy... đi rồi...
Võ Di bà bà lại hỏi tiếp :
- Tại sao? Y chả thân với con là gì?
Lúc này Phong Lan mới cảm thấy khác lạ vì thế nàng tạm không trả lời câu hỏi của Võ Di bà bà vội, trái lại còn hỏi bà ta rằng :
- Bà, bà xuống núi từ lúc nào thế? Sao... sao bà lại biết nhiều chuyện như vậy.
Tuy nàng hỏi như vậy, nhưng không tiện hỏi Võ Di bà bà tại sao lại biết chuyện mình với Long Uyên. Nàng ngừng giây lát rồi nói tiếp :
- Sao bà lại biết nhiều chuyện như vậy?
Võ Di bà bà tủm tỉm đáp :
- Cháu tưởng bà yên tâm để một mình cháu xuống núi như vậy hay sao. Từ khi cháu rời khỏi nhà lúc nào bà cũng đi theo cháu.
Phong Lan mới tỉnh ngộ tại sao bà mình lại biết rõ như vậy và từ khi xuống núi tới giờ không gặp kình địch là thế. Tại vì lúc nào bà mình cũng che chở cho mình cả. Vì thế nàng cảm động vô cùng, ứa nước mắt ra gọi bà một tiếng rồi lại ngã vào lòng bà.
Võ Di bà bà ôm chặt lấy cháu rỉ tai khẽ nói tiếp :
- Cháu là dòng dõi duy nhất của nhà họ Phong. Tuy cháu là gái nhưng bà không bao giờ để cho cháu chịu một chút khổ sở nào đâu.
Nói xong bà thở dài một tiếng và nói tiếp :
- Hà! Nghĩ đến năm ngoái cháu xuống núi, bà với mẹ cháu tuy biết giang hồ nham hiểm nhưng không ngăn cản vì sợ cháu bực mình. Hơn năm nay lúc nào bà cũng núp trong bóng tối chỉ mong lựa được một người rể hiền, ngờ đâu tên ác tặc họ Hổ lại hạ lưu như thế thực nó không xứng đáng với bộ mặt của nó chút nào. Thực cha mẹ nó uổng công sanh ra nó có bộ mặt anh tuấn như thế.
Phong Lan nghe nói vừa hổ thẹn vừa tức giận và nàng thề ngầm sau này thế nào cũng giết được Hổ Hùng mới thôi.
Võ Di bà bà thấy nàng không nói năng gì cả, ngừng giây lát rồi nói tiếp :
- Còn tên họ Long nhân phẩm võ công đều thuộc hạng thượng tuyển, chỉ tiếc rằng mặt xấu xí, bằng không nó rất xứng đôi vừa lứa với cháu.
Nói tới đó, bà ta bỗng nghĩ ngay đến một chuyện liền hỏi tiếp :
- Sao không thấy tên họ Long đâu và còn ông cụ già nữa?
Phong Lan nghe nói liền nghĩ thầm: “Bà cũng không biết ông cụ già chính là Long Uyên đại ca giả dạng”.
Nghĩ đoạn nàng cười khì một tiếng, nhưng nàng cười xong lại nghĩ đến Long đại ca không từ biệt mà bỏ đi, liền đau lòng ứa nước mắt ra. Nàng vừa khóc vừa cười khiến Võ Di bà bà thắc mắc vô cùng, ngạc nhiên hỏi :
- Cháu làm sao thế?
Phong Lan càng đau lòng thêm nức nở khóc với giọng run run đáp :
- Y... y đi rồi để lại mấy chữ chẳng nói chẳng rằng và đã bỏ đi mất rồi...
Bà cụ hỏi tại sao, nàng nức nở kể câu chuyện cho bà ta hay rồi lại khóc ào lên.
Võ Di bà bà là người giàu kiến thức, phân tích lời nói của Phong Lan mới hay Long Uyên không yêu cháu gái đẹp như tiên nữ của mình liền nổi giận nói tiếp :
- Thằng nhỏ xấu xí ấy làm bộ làm tịch thật, chẳng lẽ cháu gái của ta không xứng với y hay sao? Cháu đừng khóc, ngoan ngoãn nín đi, bà không tin trên thiên hạ này lại không có người hơn nó.
Phong Lan nghe nói càng lớn tiếng khóc và gọi :
- Bà ơi! Y... y...
Rồi nàng không sao nói tiếp được.
Võ Di bà bà vừa đau lòng vừa giận dữ đáp :
- Cái gì? Nó hà hiếp cháu ư? Cháu đừng đau lòng, bà thế nào cũng đi đánh chết nó để cho cháu bỏ tức.
Phong Lan thấy bà mình hiểu lầm ý nghĩa lời nói của mình và đã nổi giận ngay, hình như muốn giết chết Long Uyên vậy, nên nàng không khóc nữa và vội nắm tay Võ Di bà bà nói tiếp :
- Bà, anh ấy không hà hiếp cháu đâu. Anh ấy tử tế với cháu lắm... cháu... cháu yêu anh ấy...
Lời nói của nàng rất khẽ, nói xong nàng hổ thẹn gục đầu xuống không dám nhìn bà nữa.
Bà cụ vội hỏi :
- Ối chà! Thế ra con nhãi này đã yêu thằng nhỏ xấu xí thực à? Thế thì...
Bà ta nhận thấy Long Uyên quá xấu xí, không xứng với cháu mình. Bây giờ nghe cháu gái nói như vậy hiển nhiên nó đã có lòng yêu thằng nhỏ xấu xí ấy thực. Bà ta ngừng giây lát rồi hỏi tiếp :
- Tiểu tử ấy có cái gì đáng để cho cháu yêu như thế? Nó có xứng đáng với cháu đâu. Theo ý bà ngày mai cháu nên theo bà đi Giang Nam chơi, ở đó mới có nhiều nhân vật tuấn tú.
Phong Lan không biết bà cụ có ý thử mình, chỉ nhận thấy bà ta coi rẻ Long Uyên là nàng không bằng lòng thôi, nên nàng biện bạch rằng :
- Bà không biết đấy thôi, anh ấy tuy xấu xí nhưng tính nết và nhân phẩm của anh ấy cao cả gấp vạn bội người khác. Bà không nên chú trọng bề ngoài như Hổ Hùng. Cháu không đi Giang Nam nữa, cháu...
Võ Di bà bà thở dài một tiếng, rồi hỏi tiếp :
- Thế cháu định đi kiếm thằng nhỏ ấy phải không?
Phong Lan nghe nói cúi đầu xuống không trả lời.
Võ Di bà bà cố ý ghẹo nàng, thúc giục tiếp :
- Phải không? Cháu giấu diếm làm gì. Phải thì cháu bảo phải, không thì cháu bảo không. Ở trước mặt bà việc gì cháu phải hổ thẹn như thế?
Bất đắc dĩ Phong Lan phải gật đầu thôi chứ không nói năng gì thêm.
Võ Di bà bà thấy vậy bụng bảo dạ rằng :
- Thực là oan nghiệt.
Nghĩ đoạn bà ta lại nói tiếp :
- Ha, cháu đã chọn y rồi thì bà còn biết nói năng làm sao nữa. Thôi được ngày mai bà sẽ dẫn cháu đi.
Nói xong bà ta đỡ Phong Lan dậy, từ từ đi ra ngoài cửa phòng thì bỗng trông thấy trên mặt bàn có vô số kim nhỏ, mới nghĩ tới người vào đây cứu cháu mình đã bỏ đi rồi, bà ta ân hận vô cùng chỉ vì hai bà cháu mãi chuyện trò với nhau mà không cảm ơn người ta nửa lời.
Lúc ấy Vân Tuệ vẫn ở trên mái nhà nghe thấy hai bà cháu nói chuyện như vậy đầu óc bối rối khôn tả. Tuy nàng không trông thấy thái độ của Phong Lan ra sao, nhưng nghe giọng nói của nàng ta, nàng biết đại khái rồi. Vì thế nàng cảm thấy mình ngoại cuộc mà xét thì Phong Lan thực là đáng kính mến nên hiệp trợ cho nàng ta. Nhưng thực sự nàng không phải là người ngoại cuộc, thậm chí việc này lại có liên can mật thiết với mình.
Trong thâm tâm nàng không muốn chia sẻ tình yêu với người mà mình đã tốn không biết bao nhiêu công nuôi nấng dạy bảo khó nhọc. Thậm chí vì lòng ghen nàng cũng không muốn chia vui xẻ ngọt cho người khác. Nên dù nàng có thương Phong Lan đi chăng nữa, nhất thời không thể quyết làm như thế nào? Nàng ngẩn người một lúc lâu rồi sau mới quyết định dù sao ta cũng gần Long Uyên đã. Nàng nhận thấy Long Uyên là vai chính, tất cả phải do vai chính quyết định mới được. Nếu ấy quả thực chàng yêu Phong Lan thì dù có phản đối thì chàng cũng chia bùi xẻ ngọt cho đối phương. Trái lại chàng không không yêu Phong Lan thì dầu cho đối phương có si tình đến đâu cũng vô ích như vậy ta hỗ trợ cho nàng cũng không ăn thua gì.
Vì vậy Vân Tuệ nhận thấy cần phải đi tìm Long Uyên trước. Nên nàng lẳng lặng nhảy xuống dưới đất trở về phòng nhặt nhạnh hành lý rồi lên đường đi luôn. Nàng đi theo về phía Long Uyên đã đi, nàng tính Long Uyên cưỡi ngựa chắc không đi xa lắm.
Lúc ấy mới là canh hai, nàng giở khinh công tuyệt mức ra đi nhanh như bay, đi luôn hai canh liền. Khinh công nàng tuy hơi kém Long Uyên nhưng trên giang hồ này không mấy cao thủ so sánh bằng. Nàng đã giở khinh công ra đi chả cần tim đường lối cứ tiến thẳng về phía đã định đi, thấy rừng xuyên qua rừng, thấy núi xuyên qua núi. Đi được hai canh đồng hồ thì thấy ngôi chùa cổ mà Long Uyên đang bị giam giữ.
Lúc ấy nàng định đi vòng qua quả núi ấy, nhưng không hiểu tại sao nàng bỗng thấy có linh tính kỳ lạ và thấy trong lòng không yên, không hiểu tại sao cả nàng chỉ nhận thấy nàng cần phải nghỉ ngơi thôi. Vừa lúc ấy nàng thấy trong quả núi có ngôi chùa cổ xa xa trông như tranh vẽ cho nên nàng định vào nghỉ tạm một đêm. Vừa tới nơi mới thấy rõ ngôi chùa cổ bỏ hoang đã đổ nát, nhưng dù sao còn hơn nghỉ ngoài cánh đồng.
Khi nàng vào tới nơi, tuy mắt nàng không sáng bằng Long Uyên nhưng đã được ăn Kình châu rồi nên trong đêm khuya vẫn còn trông thấy mọi vật sáng gấp đôi người thường. Vì vậy trong đại diện tối như mực mà nàng vẫn thấy con ngựa nằm chết ở đó. Nàng trông con ngựa đen này có vẻ quen và hình như chết không lâu. Nàng để ý kỹ mới hay bên trái con ngựa có lộ ra một vật gì bóng loáng, nàng vội rút ra xem thì ra đó là một lưỡi dao găm hình con rắn dài chừng ba tấc. Nàng thấy chỗ cán có khắc một chữ “xà” liền kêu “ủa” một tiếng và bụng bảo dạ rằng: “Lão quái vật còn chưa chết ư?”
Nghĩ tới đó, nàng lại đưa mắt nhìn con ngựa chết một cái liền giật mình kinh hãi vô cùng và bụng bảo dạ rằng :
- Ngựa này chả là của Uyên đệ là gì? Nếu vậy Uyên đệ...
Nàng càng hoảng sợ thêm vội vứt ám khí nọ xuống đất rồi nhảy ra ngoài vườn thì vừa gặp ông già quái dị giả ma dọa người.
Tuy chỉ thấy mũi ám khí hình con rắn, Vân Tuệ đã biết rõ đối phương là ai rồi, nhưng bây giờ nàng trông thấy một hình dáng giống hệt quỷ nhập tràng như vậy, dù sao trong lòng cũng phải hoảng sợ. Nhưng lúc này nàng có bảo kiếm ở trong tay nên không còn hãi sợ gì nữa. Nàng giơ bảo kiếm lên về đề phòng và trầm giọng quát hỏi :
- Lão yêu quái đừng có giả dạng ma để dọa người nữa, ngươi tưởng không ai nhận ra ngươi hay sao?
Long Uyên với lão quái giật mình kinh hãi.
Long Uyên kinh hãi là không hiểu tại sao nàng không hiểu nhiều chuyện trên giang hồ như thế sao lại biết lai lịch của quái nhân này.
Còn lão quái nhân kinh ngạc là không ngờ mình ẩn cư mấy chục năm nay mà còn có người biết rõ hành tung của mình như thế.
Vân Tuệ thấy đối phương có vẻ nghi ngờ và đã nhận mình đoán không sai liền cười nhạt một tiếng và hỏi tiếp :
- Lục Xà Tú, ngươi đừng có lấy làm ngạc nhiên nữa, chẳng lẽ ngươi đã quên lời thề năm xưa rồi hay sao?
Yêu nhân quả thực là Lục Xà Tú, bốn mươi năm về trước y ra đời tác oai tác quái giết người như ngóe, mấy năm sau y trở nên sát tinh của hắc bạch hai đạo, khiến ai nghe thấy tên y cũng phải nhức đầu. Y không những công lực cao tuyệt mà lại luyện thành công một môn Cương Thi công, khắp mình mẩy y cứng như thép, nếu không có bảo đao bảo kiếm thì đừng có hòng chém y bị thương và tính y lại thích nuôi rắn độc, sử dụng tùy theo ý muốn của mình, bất kể thân sơ, hễ ai trái ý y lầy giết luôn chứ không tha.
Y còn một điểm xấu nữa là không biết luật lệ gì của võ lâm hết, y chỉ cần đạt tới mục đích thì dù có đánh lén hay ám hại cũng dám làm, vì thế người trên giang hồ sợ y như hổ. Y tới đâu thì người ta tránh né tới đó.
Lúc ấy Cô Độc Khách mới ra ngoài giang ho không lâu và tuổi còn trẻ hay tin Lục Xà Tú tàn ác như vậy, liền nổi lòng hiệp nghĩa đơn thương độc kiếm tìm tới đòi tỷ võ với quái nhân ấy.
Trước khi đấu Cô Độc Khách đã biết nếu chỉ dùng võ công thực lực của mình chưa chắc đã đánh thắng nổi đối phương, vì thế ông ta mới nghĩ ra một kế ngạo địch bảo nếu mình không thắng sẽ tự tử ở ngay trước mặt Lục Xà Tú.
Sự thực lúc ấy Lục Xà Tú nếu bình tâm nghĩ lại thì rất dễ hiểu dụng ý của Cô Độc Khách vì y xưa nay đối địch với người không bao giờ để cho đối thủ sống sót. Nếu Cô Độc Khách bại thực thì dù không tự tử thì y cũng giết chết.
Ngờ đâu vì y quá ngông cuồng không những không coi Cô Độc Khách vào đâu và cũng chưa hề thấy ai dám ở trước mặt y ăn nói ngông cuồng như thế nên y nổi giận đáp: “Tiểu tử giỏi thực! Ta Lục Xà nếu không giúp cho ngươi hoàn thành chí nguyện tự vẫn thì ta suốt đời ở trong núi hoang không bước ra giang hồ nữa”.
Cô Độc Khách nghe nói xong, liền đáp: “Nếu vậy quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy, Lục Xà Tú đừng có nuốt lời nhé!”
Lục Xà Tú tức giận vô cùng rú lên một như ma kêu rồi hậm hực mắng chửi: “Tiểu tử khốn nạn kia, ta Lục Xà Tú suốt đời hành sự không bao giờ thất thế cả. Ngày hôm nay ta đã như vậy, chả lẽ lại sai lời sao? Nhưng tiểu tử khốn nạn kia, ngươi đừng có hòng đấu một vài ba thế võ mà thắng nổi ta”.
Cô Độc Khách thấy đối phương ăn nói hồ đồ như vậy biết mục đích của mình đã thành công một nửa, nên không nói nhiều nữa, liền rút bảo kiếm ra tấn công luôn.
Trận đấu đó ác liệt khôn tả. Cô Độc Khách biết nội công của mình còn kém đối phương một mức nên hết sức dùng thân pháp nhanh nhẹn và kiếm thuật rất tinh diệu để đối địch.
Lục Xà Tú chuyên luyện Cương Thi công nên sở trường của y là cứng rắn và chuyên môn dùng cứng va chạm cứng. Cô Độc Khách thân pháp nhanh như điện và thân hình ông ta tựa như một cái bóng, khiến đối phương không sao biết thân hình của mình thực thực hư hư ra sao, nên Lục Xà Tú càng đánh càng tức giận.
Cương Thi công của Lục Xà Tú hao tốn hơi sức rất nhiều rút cục bị Cô Độc Khách đánh trúng một chưởng. Chưởng đó đánh trúng ngay vào yếu huyệt ở sau lưng, yếu huyệt ấy là yếu điểm của Lục Xà Tú.
Cho nên chưởng ấy tuy chưa đánh chết y tại chỗ nhưng đã làm cho y tan mất Cương Thi độc khí đã khổ luyện bấy nhiêu năm.
Nhưng lúc ấy Cô Độc Khách thấy đối phương ngã một cái lại nhanh nhẹn đứng dậy, lại tưởng y chưa bị thương.
Mặt của Lục Xà Tú xưa nay vẫn trắng bệch nên y có bị thương mà người cũng không sao biết được. Cô Độc Khách không dám tới gần chỉ đứng ở đó nhìn thôi. Nên Lục Xà Tú chịu thua rồi cắm đầu ù té chạy ngay.
Quả nhiên y bỏ chạy rồi từ đó tới nay không thấy y xuất hiện nữa. Y ẩn núp ở đây để tái luyện Cương Thi độc khí.
Sau trận đấu ấy Cô Độc Khách nổi danh liền, chỉ trong một ngày Cô Độc Khách đã biến thành cao thủ hạng nhất trong võ lâm.
Trước kia Vân Tuệ đã được nghe sư phụ kể lại chuyện này, nên nàng mới biết rõ Lục Xà Tú chuyên luyện những võ công gì và ám khí của y ra sao. Vì thế mà ngày hôm nay nàng vừa trông thấy ám khí hình rắn đã biết rõ đối phương là ai tức thì.
Lục Xà Tú ẩn núp ở trong ngôi chùa hoang này khổ luyện tuyệt kỹ với mục đích là muốn trả được mối thù năm xưa. Bây giờ y mới luyện thành môn Cương Thi độc công này, chưa kịp xuống núi thì đã gặp một bà già này rồi. Y thấy bà ta liền dựng tóc lên, bộ mặt khô héo rung động luôn luôn, đôi mắt xanh biếc chiếu ra hai luồng ánh sáng thù hận, mồm kêu lí nhí như ma kêu, khiến ai nghe cũng phải chói tai. Y liền nói :
- Mụ già ăn mày kia là ai? Đã biết đại danh của lão phu thì phải biết tính nết của lão chứ! Ngày hôm nay mụ đã đột nhập nơi đây thì dương thọ của mụ đã hết, để lão phu siêu độ cho.
Nói xong y định nhảy xổ lại, nhưng lại ngừng chân ngay ngẫm nghĩ giây lát rồi nói tiếp :
- Nhưng nếu mụ nói ra được chỗ ở hiện thời của Cô Độc Khách lão phu sẽ đặc biệt tha chết cho mụ một phen.
Vân Tuệ biết lão quái muốn kiếm sư phụ mình trả thù càng tức giận thêm liền lớn tiếng đáp :
- Với ngươi ba thành giống người, bảy thành giống ma thì xứng sao được hỏi đến lai lịch của bà cô này. Như vậy ngươi càng không xứng đối địch với Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm Khách. Ngày hôm nay bà cô này sẽ cho ngươi kết liễu cuộc đời trước. Nhưng...
Nàng cố ý bắt chước đối phương, ngừng giây lát rồi nói tiếp :
- Nếu ngươi nói rõ chủ nhân của con ngựa chết ở trong đại diện đi đâu thì may ra bà cô này tha chết cho ngươi một phen.
Lục Xà Tú nghe nói tức giận vô cùng, lại kêu lí nhí hoài và không đợi chờ Vân Tuệ nói dứt đã rú lên một tiếng thật lớn rồi nói tiếp :
- Mụ ăn mày già đáng chết kia, có mau nộp mạng cho lão phu không?
Y vừa dứt đã giơ thẳng hai tay về phía trước, không thấy chân y cử động gì cả, nhưng hai tay của y mọc đầy lông xanh không khác gì tay ma, những ngón tay sắc bén như móc, và chỉ thoáng cái y đã lướt tới trước mặt nhắm hai mắt của Vân Tuệ tấn công luôn.
Long Uyên núp ở một bên thấy vậy cũng phải cười thầm và bụng bảo dạ rằng :
- Không hiểu chị Tuệ đã học được những trò điêu ngoa như thế này từ hồi nào.
Chàng bỗng thấy Lục Xà Tú nhanh như điện chớp xông vào tấn công Vân Tuệ, liền giật mình kinh hãi trống ngực đập rất nhanh.
Sự thực Vân Tuệ bên ngoài trông rất ung dung nhẹ nhõm nhưng trong lòng cũng đang lo âu hết sức.
Lúc ấy nàng thấy Lục Xà Tú tấn công tới nhanh khôn tả, liền vận Thiên Địa Cương Khí lên, mồm hơi há và nhanh nhẹn phun một làn sương mù trắng ra, làn sương mù ấy liền che khắp hết đầu mặt của nàng. Lúc ấy sắc trời u ám, nếu mắt không sắc bén thì không sao trông thấy rõ làn sương trắng ấy.
Vân Tuệ biết Cương Thi công của Lục Xà Tú mới luyện thành ác độc vô cùng, cho nên nàng đưa tay ra chống đỡ phải đề phòng bị trước. Nàng dùng Thiên Địa Cương Khí bảo vệ lấy mặt, mũi mồm tại thất khiếu để Cương Thi độc khí khỏi xâm nhập.
Nàng chờ hai tay của đối thủ tấn công tới gần mặt chỉ còn cách năm tấc nữa là trúng, nàng mới né đầu sang bên, kiếm của nàng cầm ở bên tay phải nhưng giấu ở sau khuỷu tay, nàng vội giơ tay trái lên, nhằm yếu huyệt của cánh tay phải của địch rạch luôn.
Yếu huyệt Thái Dương tiểu trường kinh khởi từ tay trái lên thông thẳng vào nội phủ.
Những yếu huyệt ở bên trên của nó tất cả mười một nơi, tuy đều là tiểu huyệt, nhưng nếu bị điểm trúng là thân hình tê tái không sao cử động được nữa.
Lục Xà Tú khổ công tu luyện gần ba mươi năm trời, công lực rất tinh thông, kinh nghiệm rất phong phú, lúc này y giơ tay lên đã dồn Cương Thi độc khí ra rồi. Với kinh nghiệm của y người đứng gần năm thước ngửi thấy mùi độc khí là đã trúng độc chết giấc liền, chỉ mười hai tiếng đồng hồ là cùng hơi độc chạy vào tim phế chết ngay. Nhưng bây giờ y thấy Vân Tuệ không những chỉ hơi né đầu tránh thôi, chứ không thấy nàng có vẻ gì là chống đỡ cả.
Trái lại nàng còn ra tay phản công nhanh tuyệt luân, ngón tay của nàng chưa rạch trúng cánh tay của y, y đã thấy một luồng kình phong lấn át tới người rồi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...