Từ Tây Lâm gặp Trịnh Thạc lần đầu tiên trong tiệm thức ăn nhanh, từng chẳng chút nể mặt cho ông ta đụng phải một cây đinh không mềm không cứng, nhưng mà sự bốc đồng khi ấy giờ đã héo rũ cả rồi.
Nửa năm sau gặp lại, Từ Tây Lâm đã hiểu chuyện hơn, và cũng biết lễ phép rồi.
Gã nghiêng người để Trịnh Thạc vào, lại quay đầu nhỏ giọng cho bà ngoại biết là ai đến; thấy dì Đỗ đang im lặng thu dọn mấy thứ ban nãy gã ném không rảnh tay, Từ Tây Lâm liền tự mình đi pha trà rót nước, lại bưng cả đĩa trái cây tới: “Mời ông ngồi.”
Trịnh Thạc đặt quà ở cửa, ngắm nghía Từ Tây Lâm một phen với vài phần cảm khái, đoạn nói với bà Từ: “Vốn dĩ con nên đến thăm bà sớm hơn, nhưng lại sợ thời gian này tâm trạng bà không tốt, nên không dám quấy rầy.”
“Tiểu Trịnh có lòng.” Bà Từ là kiểu người thích hay ghét đều không để lộ, với ai cũng chu đáo ôn hòa, mới nhìn cũng không nhận ra bà thích ai, ghét ai.
Hai người hòa nhã hàn huyên vài câu, cụ bà là một cụ bà tinh tế nhã nhặn, người trung niên là một người trung niên đầy phong độ, thoạt nhìn rất vui tai vui mắt, tùy ý tâm sự vài câu mà cũng khéo léo êm tai, Từ Tây Lâm im lặng ngồi bên cạnh, phụ trách châm trà rót nước, hơi thất thần.
Gã cảm thấy so với Từ Tiến hấp tấp và phóng khoáng, hình như hai vị này mới là một loại.
Trịnh Thạc với bà ngoại hàn huyên một lúc trong bầu không khí hòa thuận, đột nhiên chuyển hướng sang Từ Tây Lâm, hỏi gã: “Gần đây ở trường thế nào? Việc học không bị ảnh hưởng chứ?”
Từ Tây Lâm theo bản năng không thích thái độ bề trên của ông ta, nhưng cũng không tiện ngậm miệng làm thinh, thế là nhàn nhạt đáp một câu: “Cũng tàm tạm.”
Trịnh Thạc đổi tư thế ngồi, với một chút lấy lòng trịnh trọng, cẩn thận cân nhắc qua ngôn từ, mới hỏi: “Năm nay là lớp 12 rồi, tương lai muốn phát triển theo hướng nào, con có ý tưởng gì chưa?”
Từ Tây Lâm liếc xéo, nghĩ bụng: “Dính dáng xu nào tới ông không?”
Nhưng Trịnh tiên sinh không phải là Đậu Tầm đã đánh nhau thành quen, Từ Tây Lâm dừng một lát, đoạn khách sáo đáp lấy lệ: “Tôi không học lệch môn, học gì cũng được, gần đây còn đang cân nhắc, còn phải xem tình hình cụ thể đã.”
Trịnh tiên sinh “À” một tiếng, ẩn ý quay đầu sang cảm khái một câu với bà Từ: “Bọn trẻ con trong nước ta thật sự không dễ dàng gì, bé tí đã phải trải qua kỳ thi đại học như thiên quân vạn mã qua cầu độc mộc.”
Bà Từ không tiếp lời, bàn tay gầy đét chậm rãi vuốt ve chiếc vòng phỉ thúy trên cổ tay, đôi mắt hơi mờ chớp một chút.
Ngay sau đó, Trịnh Thạc hỏi Từ Tây Lâm: “Tiếng Anh của con thế nào?”
Ông ta vừa nói ra câu này, Từ Tây Lâm tiếp khách trên sofa cũng vậy, dì Đỗ đang dọn dẹp cũng vậy, thậm chí là Đậu Tầm trên lầu vẫn dỏng tai nghe cuộc nói chuyện bên dưới… tất cả mẫn cảm hẳn, hiểu được ý tại ngôn ngoại của Trịnh Thạc, bầu không khí tức khắc cương lại.
Trịnh Thạc ý thức được rằng mình hơi nóng vội, nhưng giương cung không thể quay đầu lại, đã đến nước này thì chỉ có thể tiếp tục thôi.
Trịnh Thạc nở nụ cười vài phần trấn an, trước mặt Từ Tây Lâm không dám tùy tiện dùng dáng vẻ của “người cha”, giọng điệu cố hết sức chân thành: “Con xem, hiện giờ trong nhà xảy ra chuyện lớn như vậy, bà ngoại cũng cao tuổi rồi, không còn sức nhọc lòng nhiều vì con, dì Đỗ thì mỗi ngày phải chăm sóc người già, còn phải lo liệu bao nhiêu việc nhà, cũng rất vất vả, con mấy năm nay lại là thời kỳ tương đối then chốt, có rất nhiều thứ phải học, còn phải xác định hướng phát triển tương lai, bên cạnh không thể không có ai trông nom. Ta bỏ mặc con nhiều năm, giờ cũng rất muốn dốc chút sức – đương nhiên, tiền đề là con bằng lòng… Ừm, thực ra thì du học cũng là một lựa chọn không tồi…”
Ông ta còn chưa dứt lời thì Từ Tây Lâm đã đứng bật dậy.
Gã nghĩ, người này ngày trước đã đi đâu?
Hồi nhỏ bị người ta hỏi tới cha mẹ, gã cúi đầu trả lời “Mẹ cháu tên Từ Hiểu Huệ, ba cháu tên Từ Tiến”, ông ta đã đi đâu?
Khi Từ Tiến trên có mẹ già dưới có con thơ, tay trắng dựng nghiệp đi mấy tháng liên tục không về nhà, ông ta ở đâu?
Bây giờ chạy tới lấy lòng, gặt lúa của người ta trong mảnh ruộng mình bỏ không nhiều năm, trên đời còn có chuyện bở thế cơ à?
Đúng là không biết xấu hổ mà!
Trịnh Thạc nhận thấy sắc mặt gã không tốt, vội nói: “Ba chỉ đưa ra một đề nghị, chứ không có ý gì khác, con xem… ngần ấy năm qua, ba không thể làm hết trách nhiệm, trong lòng cũng rất áy náy, hiện giờ dày mặt muốn đến xin con một cơ hội sửa sai, đương nhiên, cho hay không là do con…”
Lửa giận Từ Tây Lâm mới dằn xuống cơ hồ đốt cháy tóc, mở miệng là khạc ra lửa được.
Mà đúng lúc này, bà ngoại lên tiếng.
Bà Từ như người cõi khác xen vào một câu: “Đi ra ngoài thăm thú, nhìn thử cảnh đời, cũng rất tốt, suốt ngày đi theo bà già chẳng có tác dụng này, sẽ lỡ việc của cháu đấy.”
Từ Tây Lâm sững sờ nhìn bà ngoại với vẻ khó tin.
Bà ngoại hơi cúi đầu, tóc trên đỉnh đầu bạc trắng như tuyết, tai đeo đôi khuyên kiểu cũ, không gió mà tự đu đưa.
Từ Tây Lâm thình lình phát hiện, bà ngoại hôm nay ở nhà không đi đâu, mà mặc lại không phải là quần áo ở nhà bình thường. Bà ngoại vẫn luôn chú trọng, chỉ cần nhà có khách, bất kể thế nào, bà đều mặc quần áo đẹp để gặp khách, tuyệt đối không chịu đi dép lê, trang sức đầu tóc cũng nhất định phải đồng bộ, mấy năm trước khi tóc chưa bạc, bà thậm chí còn vẽ mày…
Tại sao hôm nay bà lại ăn vận như vậy? Là vì đã sớm biết Trịnh Thạc sẽ tới?
Từ Tây Lâm chớp mắt xâu chuỗi tiền căn hậu quả lại – đúng rồi, trong lễ tang Từ Tiến, Trịnh Thạc biết bà không muốn gặp mình, nên chỉ ở khách sạn chứ không dám tới nhà.
Thế hôm nay làm sao ông ta lại dám đến?
Từ Tây Lâm cảm thấy họng như bị mắc nghẹn thứ gì, khó khăn nói: “Bà, bà muốn để cháu đi ạ?”
Bà Từ nhìn gã một cái, Từ Tây Lâm cảm thấy trong mắt bà tựa hồ nên ngấn lệ, nhưng chỉ thoáng qua, gã không hề thấy rõ.
“Lùi lại ba mươi năm, bà còn có thể nhìn một cái, quản cháu một chút,” Bà Từ nói khẽ, “Bây giờ chẳng còn sức, đi với ba cháu đi, thiếu niên sao có thể không để ý tương lai?”
Từ Tây Lâm đảo mắt qua bà, lại nhìn Trịnh Thạc đang hơi thấp thỏm, trong lòng hoàn toàn hiểu rõ.
Gã tự cho là có thể đội trời đạp đất, có thể “định đoạt” rồi, nhưng kỳ thực trong mắt bà ngoại và mọi người, gã vẫn là một đứa trẻ ranh chẳng biết cái gì, luôn cần người ta coi chừng, phỏng đoán ác ý với Trịnh Thạc vừa nãy, chỉ là tự cho là đúng thêm tự mình đa tình – Trịnh Thạc đến gánh vác nghĩa vụ chứ không phải tranh giành quyền lợi, ông ta là lương tâm lên tiếng, không phải đến cướp con.
Bởi vì gã chỉ xứng làm một “nghĩa vụ”, còn chưa có tư chất làm “quyền lợi”.
Châm chọc nhất là, Từ Tây Lâm không tài nào phản bác nổi, bởi vì nửa tiếng trước, cái đứa giậm chân khóc lóc om sòm trong phòng không phải ai khác, mà là chính gã.
Mũi Từ Tây Lâm đột nhiên nóng lên, kế đó, gã nhìn thấy Trịnh Thạc hơi hoảng loạn đứng dậy, dường như là muốn chạm gã nhưng không dám.
Từ Tây Lâm mù mờ giơ tay chùi, thấy toàn máu là máu.
Dì Đỗ vốn đến bên cạnh lau chùi mà nghe câu được câu không hấp tấp chạy tới: “Trời ơi! Ngẩng đầu! Mau ngẩng đầu lên, không được hít lại!”
Cả nhà tức thì nhốn nháo, mũi Từ Tây Lâm chẳng hiểu là bị bệnh gì, không đau cũng không ngứa, chỉ chảy máu ròng ròng, vừa chùi vừa chườm lạnh mà cả buổi vẫn chưa cầm.
Gã xua tay với dì Đỗ, tự mình vào nhà vệ sinh rửa, rửa giữa chừng, Từ Tây Lâm ngẩng đầu lên nhìn gương, thấy rõ mặt mình – hai má hóp vào, dưới mắt có quầng thâm, trong mắt có tơ máu, dáng vẻ suy thận mà truyện đồi trụy cổ đại hay viết, trên vạt áo trước lấm chấm máu, nếu nhét gã vào màn hình, khỏi cần hóa trang cũng dư sức đóng quỷ sống.
Vớ vẩn nhất chính là, người khác suy bởi bài bạc gái gú, gã thì lại là do xem phim ma!
Quả thực là suy thận thuần khiết nhất trong lịch sử.
Từ Tây Lâm chống hai tay lên bồn rửa mặt, nước lạnh và mất máu làm đầu óc hơi đờ đẫn, gã cúi đầu thở sâu mấy hơi, thầm nghĩ: “Mình thật có tương lai.”
Trịnh Thạc sợ kích thích con mình thành cao huyết áp, như ngồi trên chông mà đợi một hồi, rồi chào bà Từ ra về. Máu mũi lúc cầm lúc chảy, Từ Tây Lâm bèn khóa trái luôn cửa toilet, ôm một hộp khăn giấy, hễ chảy là lau, lau xong liền giật nước.
Chờ gã cầm hẳn máu, đã là chuyện của hơn mười phút sau, Từ Tây Lâm vừa mở cửa, liền nhìn thấy Đậu Tầm im lặng đứng chờ bên ngoài.
Con mèo cỡ bự bình thường với ai cũng hờ hững này, nhìn như một cao nhân lánh đời không nghe việc ngoài cửa sổ, kỳ thực mắt nhìn lục lộ, tai nghe bát phương, thi thoảng im lặng chui ra trộm chú ý bạn một chút, một khi bị phát hiện, liền làm bộ điềm nhiên như không mà bỏ đi.
Hai người mới nãy cãi cọ om sòm trên lầu không lên tiếng nhìn nhau một lát, Từ Tây Lâm biết, trông đợi Đậu hạm nhi mở miệng trước là không thực tế, thế là quay đầu đi lấy hai chai bia trong tủ lạnh dưới bếp – còn là rất lâu trước kia Từ Tiến bỏ vào ướp lạnh.
Suy nghĩ một chút, Từ Tây Lâm lại cất một chai đi, đổi thức uống bình thường đưa cho Đậu Tầm: “… Ban nãy tao không có ý đó đâu.”
Đậu Tầm thoáng nhìn sơ mi loang lổ vết máu của gã, không đầu không đuôi hỏi: “Mày phải đi với ông ta à?”
“Không đi.” Từ Tây Lâm nói không chút do dự, sau đó ngậm miệng, chẳng giải thích gì thêm.
Đậu Tầm nhìn gã nốc bia, hoài nghi gã muốn mượn rượu giải sầu, mở miệng toan ngăn cản, nhưng nhớ tới tình cảnh suýt nữa đánh nhau ban nãy, lại phiền não nuốt vào.
May mà Từ Tây Lâm không có ý định say rượu, chỉ uống một chai rồi chậm chạp lên lầu.
Gã quay về phòng, lấy đĩa ra, cất vào hộp kẹp giấy thuê đĩa vào, sau đó mở cái cặp không biết được ai sắp xếp lại, lấy ra tập đề thi kẹp đầy mấy mẩu giấy nhỏ, xem một lần những lời mọi người viết cho gã.
Cuối cùng, gã phát hiện trong đó có một tờ giấy trắng, mới nhìn còn tưởng là bị lẫn vào, đưa tay sờ lại có thể cảm giác được lồi lõm rõ ràng, Từ Tây Lâm nảy ý, cầm bút chì nhẹ nhàng đồ lại trên giấy.
Quả nhiên, một hàng chữ dùng “bút ẩn hình” bấy giờ rất thịnh hành dần dần hiện ra.
Gã vừa nhìn đã biết là Đậu Tầm viết, nét chữ của Đậu Tầm khá đặc biệt, không thể nói là đẹp hay xấu, xét trong nam sinh thì tương đối nắn nót, chỉ là hạ bút rất mạnh, ngòi bút vẽ trên giấy cực kỳ mạnh mẽ, bút ẩn hình hoàn toàn che không được sự sắc bén của nét chữ cứng cáp ấy, dễ dàng giấu đầu hở đuôi lộ ra dấu vết.
Đậu Tầm ban nãy đạp bay khóa cửa và còn chỉ mũi mắng gã viết rằng: “Nắm tay cậu, không sao, đừng khóc.”
Từ Tây Lâm ngây ra một hồi, mũi đau đau, gã còn tưởng là lại chảy máu, vội vã rút khăn giấy bịt lại.
Song bịt cả buổi mà chẳng có gì hết.
Từ Tây Lâm dựa ghế, ngẩng đầu lên, hơi nhắm mắt lại, cảm thấy chắc là Đậu hạm nhi nhà họ gần đây xem “Hồng nham” bị lậm rồi.
—
Chú: Trong “Hồng nham”, Lưu Tư Dương bí mật hồi âm cho Thành Cương là: “Nắm chặt tay cậu.”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...