Hết 15 phút, giáo viên lập tức hô hết giờ, đồng thời bảo các học sinh hai bàn một đổi bài chấm cho nhau.
Vì mọi người đều là đối thủ cạnh tranh nên căn bản chẳng cần lo có người gian lận.
Bài làm của Lâm Triều Tịch đưa cho một bạn nữ ngồi phía sau bên trái.
“Cậu làm được cả câu hỏi phụ cơ á?”
Bạn học Tiểu Lục đang đưa bài cho người khác, trông thấy vậy thì vô cùng bất ngờ.
Chỉ nhờ một câu hỏi phụ, giọng điệu nói chuyện với cô cũng khách khí hơn hẳn.
Nội tâm Lâm Triều Tịch thầm vã mồ hôi, ngoài mặt vẫn phải làm vẻ bình tĩnh nói: “Ừ, tớ thấy dễ ợt.”
Ánh mắt Lục Chí Hạo nhìn cô toát lên vẻ sùng bái.
Cô Hứa đứng trên bục giảng bắt đầu đọc đáp án.
Lâm Triều Tịch tranh thủ mở quyển toán Olympic, xem lại những bài trước đó.
Một số nội dung còn đọng lại trong trí nhớ của Lâm Triều Tịch nhỏ, nhưng cô vẫn không thể hiểu hoàn toàn để làm một cách thành thục, vậy nên cũng chẳng có ích gì.
“Đáp án câu 4 là 40.
Dùng công thức trước đó cô đã giảng để làm, cô nói bao nhiêu lần rồi nào cả lớp, giải đề phải ưu tiên cái gì hàng đầu?”
“Công~thức~ạ~”
Học sinh ngồi dưới kéo dài giọng trả lời.
Lâm Triều Tịch quay đầu lại theo thói quen xác nhận đáp án mình làm, ngẩn người.
Cô chỉ tay lên nét gạch đỏ trên trang giấy, hỏi bạn nữ ngồi sau: “Bạn ơi, đáp án của mình rõ ràng là đúng mà.”
“Nhưng cậu có viết các bước giải đâu.” Bạn nữ ngồi sau đẩy gọng kính, bổ sung thêm một câu: “Đến chữ ‘giải’ còn chẳng viết vào.”
Lâm Triều Tịch nghẹn ứ.
Cô không viết các bước giải ra không phải vì sợ phương pháp giải quá cao cấp sẽ khiến các bạn nhỏ sợ hãi, mà chỉ đơn giản vì cô dùng tay trái viết bài, tốc độ quá chậm, sợ làm không kịp nên suốt quá trình đều tính nhẩm trong đầu, cuối cùng viết đáp án vào là xong.
Nhưng thật chẳng ngờ cô sẽ gặp phải một “giáo viên nhí” tích cực thế này đây.
Cũng dễ hiểu thôi, mọi người là đối thủ của nhau, tích cực là điều hiển nhiên.
“Nhưng đáp án của mình vẫn đúng, cậu đâu thể gạch hết đi như vậy được chứ.” Lâm Triều Tịch nói.
“Ai mà biết cậu có chép đáp án của người khác hay không.” Bạn nhỏ so đo nói.
Nghe vậy, Lục Chí Hạo quay đầu, giọng lanh lảnh: “Nói gì đấy hả!”
Trẻ con người miền Bắc nói câu này rất có khí thế, đặc biệt là cậu bé mập Tiểu Lục, giọng rất hùng hồn.
“LỤC, CHÍ, HẠO!” Cô Hứa đang giảng bài bỗng bị ngắt lời, không hài lòng chút nào.
Lục Chí Hạo đứng dậy mách lẻo: “Thưa cô, Tăng San San chữa bài linh tinh!”
Lâm Triều Tịch cũng không biết vì sao tự nhiên bạn học Tiểu Lục lại bênh mình.
Nhưng cô Hứa đã bước xuống, cô chỉ đành đứng dậy theo cậu.
Cô giáo Hứa nhìn con trai mình cúi đầu đứng đó, lại nhìn sang nữ sinh đứng cạnh cũng đang cúi đầu.
Cô không nói một lời, chỉ nhấc tờ giấy thi đang gây tranh luận.
Phản ứng đầu tiên của cô là bài làm này để trắng quá nhiều, sau đó mới nhìn đến dấu X to đùng.
Trên giấy thi, từ câu 1 đến câu 3 đều viết rõ lời giải, từ câu 4 trở đi bắt đầu để trống.
Những câu tiếp sau đó cũng chỉ viết mỗi đáp án, hơn nữa nét chữ còn xiêu xiêu vẹo vẹo, xấu xí khủng khiếp.
Nhưng sau khi nhìn kĩ từng đáp án, cô vô cùng bất ngờ, tất cả đều đúng.
Cũng giống Tăng San San, cô cho rằng Lâm Triều Tịch chép bài của Lục Chí Hạo vì không đủ thời gian làm bài.
Nhưng với tư cách là một giáo viên, đương nhiên cô sẽ không vô lí kết luận học sinh như vậy.
Cô lùi lại một bước, nhấc bài làm của Lục Chí Hạo trên mặt bàn Lâm Triều Tịch lên rồi đặt hai bài cạnh nhau so sánh.
Lục Chí Hạo làm bài khá tốt, câu nào cũng đúng, cách giải cũng viết đầy đủ, chỉ trừ câu số 10…
Bài 10 của cậu để trống, rõ ràng con trai cô không biết làm.
Nhưng Lâm Triều Tịch…
Lâm Triều Tịch lại viết đúng đáp án bài 10!
Cô giáo Hứa An cầm hai bài thi, đăm đăm nhìn Lâm Triều Tịch, nghiêm nghị hỏi: “Sao em lại biết đáp án?”
“Em tính ra ạ.” Lâm Triều Tịch hơi quay người trả lời.
Hứa An khá bất ngờ.
Không phải vì Lâm Triều Tịch nói mình tự tính ra, mà vì biểu hiện lúc này của cô bé.
Trước đây tính cách Lâm Triều Tịch không tốt lắm, chung quy vì là trẻ mồ côi, lòng tự trọng rất cao.
Chỉ chút chuyện nhỏ cũng có thể khiến cô nhóc gào khóc ầm ĩ.
Mâu thuẫn giữa con trai cô và Lâm Triều Tịch cũng từ đó mà ra.
Là một giáo viên, cô cũng không dám nặng lời với đứa trẻ này, chỉ sợ lỡ lời làm tổn thương trái tim non nớt.
Nếu trước đây cô giáo Hứa mà hỏi câu này, Lâm Triều Tịch đã vừa khóc vừa la rồi.
Nhưng bây giờ, vẫn là cô bé đó đứng trước bàn, nửa người nhuốm trong ánh nắng, khuôn mặt nhỏ nghiêng sang, chẳng thấy đoạn hỏi đáp giữa họ có vấn đề gì.
Vô cùng điềm tĩnh, hơn nữa còn rất vững vàng.
Đương nhiên Lâm Triều Tịch nào biết Hứa An đang nghĩ gì.
Nhưng kể cả cô giáo có đặt câu hỏi, cô cũng chỉ có thể nói: em thật sự cảm thấy chỉ điền mỗi đáp án cũng chẳng sao hết.
“Em nhẩm trong đầu à?” Cô Hứa hỏi.
Cũng có thể coi là tính nhẩm.
“Không cần nháp?”
“Không ạ.”
Cô Hứa vẫn ngờ vực, tiếp tục: “Nói cô nghe cách giải câu cuối cùng.”
Câu cuối cùng đại khái là hai con tàu A và B đi về phía nhau, phía sau tàu B có một tàu C, tàu B sau khi gặp được tàu A thì quay đầu trở về, hỏi quãng đường tàu C chạy là bao nhiêu?
Lâm Triều Tịch nhìn đề bài, lòng rối như tơ vò, nhất thời không biết nói gì.
Trong trí nhớ của cô, rất lâu về trước dường như cô cũng từng gặp phải tình huống tương tự.
Cũng là đề bài ấy, cũng trong giờ Toán Olympic.
Học sinh ấy bị giáo viên gọi lên giải thích cách làm bài nhưng cũng chỉ trả lời mỗi đáp án.
Vậy mà cả lớp, bao gồm cả giáo viên đều ngỡ ngàng không nói nên lời.
Điểm duy nhất khác với lần này là…
Khi đó, sự việc xảy ra trong lớp Toán Olympic của Trường tiểu học Thực nghiệm, người chỉ viết mỗi đáp án vào bài làm bị giáo viên gọi lên cũng không phải cô, mà là Bùi Chi.
Lúc đó Bùi Chi trả lời thế nào ấy nhỉ?
“…Em tính dãy số vô hạn, các bước hơi dài nên không viết ra.”
Về sau Lâm Triều Tịch hỏi Lão Lâm mới biết, ý nghĩa của câu nói này là: tôi tính hết quãng đường tàu C quay đầu sau mỗi lần rồi cộng lại với nhau.
Lão Lâm còn an ủi cô ông thầy nghiên cứu máy tính kỹ thuật số Neumann cũng tính bằng cách đó ấy mà, cùi bắp, Bùi Chi thì có gì ghê gớm.
Sau đó Lâm Triều Tịch đi tra xem ai là Neumann.
Thấy Neumann không chỉ phát minh ra máy tính kỹ thuật số, còn là người chế tạo bom nguyên tử, lại còn là nhà sáng lập Lý thuyết trò chơi, đồng thời cũng là người khám phá ra những bước quan trọng trong sự phát triển của cơ học lượng tử…cô mới biết Lão Lâm đang ám chỉ cô là người vô văn hóa.
Cũng chính sau lần đó, cô mới dần hiểu được thiên tài nghĩa là gì.
Vậy mà giờ, cô có thể viết thẳng đáp án của câu hỏi đó chỉ vì đề bài ấy và đáp án Bùi Chi đọc ra đã khắc sâu vào đầu cô.
Lâm Triều Tịch hít một hơi thật sâu, muốn thẳng thắn trả lời lý do là vì cô đã từng gặp dạng bài này, nhưng lúc này cô Hứa bỗng nói: “Em không cần lối giải, chỉ dùng cấp số cộng?”
Ấy! Không phải thế đâu ạ.
“Em ngồi xuống đi.” Cô giáo thu bài làm của cô: “Bài lần này em đạt điểm tối đa, tốt lắm.”
Lâm Triều Tịch trợn tròn mắt, cô vừa được khen á?
Sau khi khen ngợi xong, cô Hứa còn ân cần khuyên nhủ: “Lâm Triều Tịch, em rất thông minh, nhưng cô vẫn mong em sẽ dùng cách cô dạy để giải đề, vốn dĩ Toán Olympic là một bộ môn rèn luyện lối tư duy…”
Nội tâm Lâm Triều Tịch lại mướt mồ hôi.
“Kể cả tính nhẩm đi chăng nữa thì vẫn không có các bước giải rõ ràng, cô Hứa chỉ đang thiên vị cậu thôi!” Đúng lúc này, bạn học Tăng San San bất mãn nói.
Lâm Triều Tịch cũng không biết mình bị làm sao, nếu là cô của trước kia thì sẽ không thèm phản bác gì.
Nhưng trong phút chốc thoáng nghĩ tới Bùi Chi, cô đột nhiên quay đầu: “Đề thi cúp Tấn Giang có tất cả bao nhiêu câu, chia thành những dạng bài gì, cậu biết không?”
Tăng San San hóa đá.
“Nếu cậu chưa rõ thì để tôi nói cho cậu biết.
Đề cúp Tấn Giang có tổng 10 câu, trong đó 4 câu điền ô trống, 6 câu chọn đáp án đúng, không có đề ứng dụng.
Cũng tức là đề thi cúp Tấn Giang không yêu cầu trình bày lời giải, cậu có biết vì sao không?”
Tăng San San đương nhiên im bặt, Lâm Triều Tịch ngừng lại một lát mới nói tiếp: “Bởi vì đối với Toán Olympic tiểu học, có quá nhiều cách để giải, tính mẹo cũng thế, tính kĩ cũng vậy, không có tiêu chuẩn cố định nào hết.
Ban nãy cô Hứa cũng nói rồi, Toán Olympic là để rèn luyện tư duy, thế thì bản thân cách dùng tiêu chuẩn cố định để hạn chế tư duy đã là một tranh cãi, vậy nên mới chỉ yêu cầu học sinh điền đáp án.
Đúng là tớ chỉ viết mỗi kết quả, nhưng thế thì có vấn đề gì?”
Dùng kinh nghiệm nhiều năm và lời lẽ đanh thép để biện hộ bằng chất giọng trẻ con, tự Lâm Triều Tịch cũng thấy mình thật không biết xấu hổ.
Cả lớp im lặng như tờ, tất cả mọi người đều đổ dồn ánh mắt vào cô, không ai dám lên tiếng.
Khoảnh khắc đó, Lâm Triều Tịch đã được trải nghiệm cảm giác của Bùi Chi năm ấy.
“Lâm Triều Tịch!” Một giọng nữ vang lên can cô lại.
Nhìn người giáo viên vừa gọi mình, cô gật đầu, ngoan ngoãn ngồi xuống.
Tăng San San hậm hực sửa X thành √, chuyện đến đây là kết thúc.
Ngồi lại vào chỗ, Lâm Triều Tịch nghĩ bụng có nên chạy sang trường Thực nghiệm ngó Bùi Chi một cái không nhỉ, cô thật sự hơi không yên tâm..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...