Từ sáng sớm cả phủ Trầm quốc công đã vô cùng nhộn nhịp. Hôm nay Hoàng đế cử hành tiệc tẩy trần cho đại quân, yến tiệc được tổ chức từ sáng sớm, mục đích là để mọi người có thời gian trò chuyện với nhau.
Trầm Thư Kính tuy đã cố gắng dậy sớm, song lúc tỉnh thì trời đã vào giờ Mẹo hai khắc (5 giờ 30 sáng). Túc Tình Hỷ Tình vội rửa mặt cho nàng, hầu hạ nàng thay y phục, mặc dù gấp gáp nhưng cũng không luống cuống.
Hôm nay đối với Trác thị hoàng triều, là ngày ăn mừng chiến thắng mở rộng lãnh thổ, song đối với Trầm Thư Kính nàng, đây là ngày nàng toả sáng.
Trầm Thư Kính ngồi trước gương đồng, để mặc cho Hỷ Tình tỉ mỉ chải tóc, lên tiếng hỏi Túc Tình:
“Túc Tình, chuyện ta nhờ ngươi chuẩn bị, ngươi đã hoàn thành chưa?”.
“Tiểu thư yên tâm, nô tì đã làm xong từ sớm”, Túc Tình cười cười đáp.
Sau khi để Hỷ Tình chải cho búi tóc Linh Xà kế, Trầm Thư Kính mở hộp trang sức, chọn lấy hai cây trâm vàng, trong đó một cây có vài sợi ngọc trai nhỏ gắn với một con bướm nho nhỏ làm từ phỉ thuý thượng đẳng treo lủng lẳng, khi cất bước đi con bướm cũng chuyển động, dường như sẵn sàng bay ra mọi lúc.
Hôm nay Trầm Thư Kính là vào cung, trang phục không còn đơn giản như thường ngày. Váy dài màu thiên thanh phủ qua chân, dưới làn váy thêu hoa Bách Hợp trắng, cổ áo kín đáo, thắt lưng được đai lưng trắng thuần siết chặt, lộ ra vòng eo như nắm tay nam tử. Tay áo hơi dài, khi có gió lại bay bay phiêu dật như tiên tử. Dưới chân đi đôi hài Hỷ Tình mới may, hình thêu cũng là Bách Hợp trắng nhưng rất nhỏ.
Trên đai lưng vắt một chiếc hà bao màu đỏ thêu một chữ “Kính”, thêm một chiếc ngọc bội trắng hình chiếc quạt nho nhỏ khắc chữ “Trầm”- là vật đại diện cho thân phận của Trầm Thư Kính- Đích tiểu thư phủ quốc công.
Lúc này, ngoài cửa đột nhiên vang lên tiếng gõ, không cần Trầm Thư Kính lên tiếng, người ngoài cửa đã sớm nói trước:
“Tiểu thư, lão nô là Tôn mẹ. Lão gia và phu nhân cùng Tứ tiểu thư đã sớm đợi người ở trước cửa, xe ngựa trong cung cũng đã đến, phu nhân cho lão nô đi thúc giục người một tiếng”.
“Vâng, ta đã xong, sẽ ra ngay”, Trầm Thư Kính nhanh chóng từ trên xuống dưới nhìn bản thân trong gương một lần, thấy không còn gì thất lễ mới vội vội vàng vàng nói với Hỷ Tình:
“Lần này An thị không được đi, khó tránh khỏi có âm mưu gì đó bất chính, muội ở lại Hoà Kính viên canh giữ viện tử, không được để bất kì người nào tiến vào. Nghe rõ chưa?”.
Nhận được từ Hỷ Tình cái gật đầu, Trầm Thư Kính mới mang theo Túc Tình, nhanh chân theo Tôn mẹ ra cửa phủ.
Ngoài cửa, Trầm Tường đã sớm đợi đến nóng nảy, nhìn Tô Tịch trầm lặng đứng một bên, nhịn không được mở miệng trách:
“Phu nhân, ngươi quản nữ nhi như thế à? Có nữ tử nhà ai ngủ đến giờ này chưa tỉnh, còn bắt phụ mẫu phải đứng đợi không?”.
Nhìn bộ dáng Tô Tịch như không hề muốn mở miệng chấp nhất với ông, ông càng thêm tức giận. Kể từ khi ở Bạch Mai viện, Trầm Tường muốn thị uy nên mới nói giao Trầm Thư Kính cho An Trúc nuôi dưỡng, nhưng cuối cùng vẫn không thực sự quyết định như vậy. Nào ngờ Tô Tịch thật sự để tâm, đã hai năm rồi vẫn luôn giữ vẻ mặt này khi đối diện với ông. Ngoại trừ những ngày đầu tháng, chỉ cần bóng dáng ông xuất hiện ở cửa Mẫu Đơn viện, thì Tôn mẹ sẽ ngay lập tức xuất hiện cản bước chân ông.
Phu nhân mỗi lúc một xinh đẹp, nhưng lại mỗi lúc càng thêm hờ hững với phu quân là ông, hại ông nhìn được nhưng khômg thể ăn.
Nghĩ nghĩ, Trầm Tường đang muốn phát hoả, đột nhiên thanh âm trong trẻo bên cạnh vang lên:
“Phụ thân đừng tức giận. Chắc đêm qua Tam tỷ có việc bận nên mới ngủ trễ dẫn đến sáng nay dậy trễ, chứ thật ra bình thường tỷ ấy là người đến thỉnh an mẫu thân sớm nhất đấy ạ. Phụ thân đừng trách Tam tỷ mà tức giận hại thân”, Trầm Ánh Nguyệt nhỏ giọng nói, thanh âm nhu hoà, tựa như con mèo nhỏ.
Trầm Tường lúc này mới để ý đến bên cạnh Tô Tịch còn đứng một người. Đây là Tứ nữ nhi của ông, là đứa con ông ít quan tâm nhất.
Trầm Ánh Nguyệt hôm nay cũng được Dung thị chuẩn bị chỉnh trang, chu đáo. Váy dài màu cổ đồng, cổ áo vừa vặn không kín không hở, đai lưng bằng lụa màu cam nhạt thêu hoa Hải Đường- loài hoa mà Trầm Ánh Nguyệt thích nhất. Trên búi tóc Lăng Hư kế cài hai đoá hoa Hải Đường nhỏ làm bằng vàng ròng. Thân thể cũng đã trổ mã không ít, nhìn liền biết nữ tử này thật sự xinh đẹp. Trên đai lưng cũng đeo hà bao màu đỏ nhàn nhạt thêu một chữ “Nguyệt”, cùng với ngọc bội hình cánh quạt màu đen trắng xen lẫn nhau khắc chữ “Trầm”*.
So với vẻ đẹp đến mức lấn át người khác của Trầm Thư Kính, nét đẹp nhu hoà và dịu dàng của Trầm Ánh Nguyệt dường như khiến người khác dễ chịu và yêu quý hơn.
Trong lúc Trầm Tường lo đánh giá Trầm Ánh Nguyệt thì Trầm Thư Kính đã đến cửa. Trầm Ánh Nguyệt ngẩng lên nhìn Trầm Thư Kính cười nói với Tô Tịch nãy giờ vẫn luôn lạnh mặt với mình, lại thấy ngọc bội Trầm gia màu trắng thuần khiết dưới cái nắng dường như phát sáng, đôi bàn tay giấu trong tay áo nhịn không được siết chặt. Dẫu vậy, nàng ta vẫn che giấu rất tốt, tươi cười tiến đến ôm lấy cánh tay Trầm Thư Kính:
“Tam tỷ tỷ, tỷ đến thật trễ a, phụ thân tức giận không ít đâu. Nhưng tỷ đừng lo, muội đã sớm khuyên nhủ người ổn thoả rồi, tỷ xem muội có ích không?”.
Trầm Thư Kính cúi đầu nhìn tay Trầm Ánh Nguyệt giữ lấy tay nàng, dưới đáy mắt như muốn phun trào, song các nàng đều là những người diễn kịch rất giỏi. Dù không hài lòng vẫn cứ phải cười cười nói nói.
Không đợi Trầm Thư Kính đáp lời, Trầm Tường đã lên tiếng cắt ngang:
“Thư Kính, nếu đã tiến cung cũng đừng làm Trầm phủ mất mặt. Con đó giờ chưa bao giờ tham gia mấy cái yến tiệc này, khó tránh khỏi sơ suất, cứ đi theo Nguyệt nhi, con bé sẽ chỉ dẫn cho con những lễ nghi này nọ”.
Trái với dự liệu của Trầm Ánh Nguyệt cùng Trầm Tường, Trầm Thư Kính thế nhưng lại không tức giận, chỉ nhẹ nhàng gật đầu một cái rồi quay sang nói với Tô Tịch:
“Mẫu thân, nữ nhi muốn ngồi chung xe ngựa với người, có được hay không?”.
Tô Tịch vốn đã nghe không vào lời nói của Trầm Tường nên cũng không muốn cùng ngồi với ông trên một chiếc xe ngựa, lại nổi tiếng là người cưng chiều nữ nhi, bà làm sao có thể không đồng ý. Đến cuối cùng Trầm phủ tổng cộng đi ba xe: Trầm Tường ngồi ở xe đầu cùng Trầm quản gia, Tô Tịch cùng Tôn mẹ, Tôn Vu ngồi cùng với Trầm Thư Kính và Túc Tình, xe ngựa cuối cùng là Trầm Ánh Nguyệt cùng hai nha hoàn bên người- Thu Cúc Thu Mai ngồi chung.
Trên đường lớn ngựa xe nườm nượp như nước, đoàn xe Trầm gia hầu như phải nhích từng bước để di chuyển. Đến cuối cùng vì sợ trễ giờ thượng triều, Trầm Tường phải xuống xe, trực tiếp cùng Trầm Nhất cưỡi ngựa, phi nước đại thẳng đến cửa cung. Không hề báo với Tô Tịch một lời nào cho đúng lễ nghĩa, mà Tô Tịch cũng chẳng thèm để tâm.
—Chú thích—: những chú thích trong [] là những quy tắc trong truyện.
*[Ngọc bội đại diện cho thân phận trong gia tộc của mỗi người. Chữ khắc trên ngọc bội là họ của gia tộc, nam tử mang ngọc bội hình tròn, nữ tử mang ngọc bội hình cánh quạt nhỏ. Ngọc bội màu trắng thuần đại diện cho thân phận “đích”- là con vợ cả. Ngọc bội màu trắng đen xen lẫn nhau đại diện cho thân phận “thứ”- con di nương, quý thiếp, lương thiếp.]
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...