Chuyện kỉ luật tạm êm xuôi, trong trường, những xì xào về tôi cũng lắng dần. Mấy bữa nay chân con An vẫn chưa khỏi, bác sĩ phải nắn xương, bắt hạn chê động chạm đến chân, nếu không sợ thành tật cả đời. Hai ngày đầu, con An ở lỳ nhà không dám đi đâu, tôi sang thăm nó, hỏi:
- Làm sao mà lại nghỉ?
Mặt nó xụ ra, than:
- Ứ ừ không đi học đâu. Nhỡ thành thọt thì làm sao, nhìn xấu lắm.
Con này đúng là quý trọng sắc đẹp hơn cả tính mạng, cơ mà ngẫm cũng đúng, xinh xắn như nó mà không quý trọng thì uổng thật, là mình chắc mình suốt ngày ngắm vuốt với quần áo mất. Động viên nó đi học mãi, nó cứ dùng dằng nửa muốn nửa không. Cuối cùng, tôi quả quyết:
- Mai tao sang đón mày đi học!
- Nhưng mà đi kiểu gì?
- Mai đi sớm hơn thường lệ, cứ chuẩn bị đi, tự khắc có cách đưa mày lên lớp!
Nó không cãi được nữa, gật gật đầu đồng ý. Sáng hôm sau, tôi sang nhà nó sớm, ông anh trai dìu nó đi xuống nhà, lúc lên xe, mẹ nó còn dặn đi dặn lại tôi là đi cẩn thận, lo cho nó giùm bác. Đợi lúc con An ngồi yên vị, tôi mới chầm chậm đạp xe đến trường, trên đường đi tôi cố đi thật chậm, tránh những chỗ xóc, qua chỗ gờ giảm tốc thì tôi xuống xe dắt qua rồi mới lên đi tiếp. Đến trường, gửi xe xong, con An hỏi:
- Thế bây giờ làm thế nào lên lớp, lớp mình học tận tầng 4 đấy?
Tôi ghé lưng lại cạnh nó, ngập ngừng:
- Tao cõng mày lên!
Nó bối rối, mặt đỏ bừng nhìn tôi, lí nhí:
- Thôi! Ngại lắm! Mà cao thế, cõng tao lên xong mày cũng chết mệt!
- Thế đến trường rồi mày định về à?
- Ơ nhưng mà….!!!
- Nhưng nhị cái gì! Lên tao cõng cho nhanh, đang sớm chưa có ma nào đến đâu mà ngại.
- Nhưng mà ngại lắm ý!
Tôi mặc kệ, ghé lưng vào sát nó, giục mãi nó mới chịu để tôi cõng lên. Leo lên đến tầng 3 thì mỏi rã chân, hai cái cặp với một con gấu lười sau lưng, tôi thở phì phò, bước nặng trịch. Con An lo lắng hỏi:
- Thôi mày để tao xuống đi! Tao tự đi được!
Tôi gắt:
- Đi là đi thế nào! Ngồi yên đấy, còn 1 tầng nữa thôi.
Nó ngoan ngoãn không nói gì nữa, tay vòng hờ qua cổ tôi, ngả đầu lên vai. Lúc đi qua cửa lớp, nhìn qua bóng kính, tôi thấy nó đang lim dim mắt, nhoẻn miệng cười. Tôi lẩm bẩm:
- Con ỉn khốn kiếp! Tao sắp chết này, vui lắm ý mà toe với toét!
Vác được nó về chỗ, tôi nhẹ nhàng đặt nó xuống ghế. Xong tôi ra bàn sau nằm bò ra nghỉ, hai chân với vai mỏi tưởng gãy rời. Tranh thủ chợp mắt tý, còn gần nửa tiếng nữa mới trống vào lớp. Vừa thiu thiu được lúc, bỗng nhiên, tôi có cảm giác cái gì mềm mềm, mượt như nhũng khẽ chạm lên mặt mình, mùi hương con gái quen thuộc phảng phất. Mở mắt ra nhìn thì thấy con An đang nghiêng nghiêng đầu chăm chú nhìn mình, tay cầm cái khăn thấm mồ hôi trên trán tôi. Tôi ngước lên, nhìn sâu vào mắt nó, nó tròn xoe mắt nhìn tôi. Rồi nó chợt bối rồi, bẽn lẽn tránh ánh mắt tôi rồi rụt tay lại, quay lên trên ngồi. Thẫn thờ, đơ mất một lúc, tôi nén tiếng thở dài, nhắm mắt ngủ lại. Trống vào tiết, bọn lớp tôi mới ùn ùn kéo lên, nói chuyện rào rào như tổ ong vỡ. Tôi uể oải ngồi dậy, chờ trống vào tiết. Hôm nay đương đầu với 2 tiết Toán, 1 tiết Lý, buổi sáng sẽ dài lắm đây.
Học tiết Lý, thằng Minh ngồi gật gù, ngủ chảy cả nước dãi ra vở, thằng Quang ngồi cạnh thấy thế liền gạt đổ tay chống cằm của nó, mặt thằng Minh úp xuống bãi enzim nó vừa tiết ra. Thằng Minh giật mình tỉnh ngủ, gầm lên:
- Con chó nào….
Được nửa câu thì nó im bặt, nhận ra đang trong tiết học. Thế là đồng chí cán sự Toán được ngồi vào sổ ghi đầu bài, khuyến mãi ra ngoài hành lang đứng cho tỉnh ngủ. Ngay sau đó, thằng Quang cũng bị ra ngoài đứng cùng vì tội ngồi không chú ý học, còn thừa thời gian để soi mói người khác. Nghe tên thằng Quang cũng bị dính phốt, thằng Minh vịn song cửa nhòm vào, vuốt cằm cười:
- Y hỹ hỹ hý hý! Ơ hớ hớ hớ hớ!
Thôi thế là oan gia ngõ hẻm rồi, cầu mong những điều tốt lành cho Quang ngơ.
Sang tiết Sử, chủ quan môn thế mạnh với đã chuẩn bị kĩ bài nên tôi ngồi chỉ có chép bài với nghịch chỏm tóc con An. Đang cuộn cuộn cái bút vào túm tóc lơ thơ trên cái chỏm thì tôi giật bắn người nghe cô Sử gọi tên. Bọn xung quanh nhắc:
- Trả lời cho cô biết nguyên nhân sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu.
Tôi tuôn liền một tràng:
- Em thưa cô, nguyên nhân là do những cuộc phát kiến địa lý làm nền kinh tế phát triển nhanh chóng, kéo theo đó là nhu cầu về nhân công, mà nguồn nhân công chính là những nông dân mất đất, thợ thủ công, nô lệ.
Nghe tiếng cười rúc rích khắp lớp, tôi vội ngừng tụng, xem vì cái gì mà chúng nó cười, hay là mặt mình có nhọ? Cô Sử cố nhịn cười, bảo:
- Tôi bảo anh ghi chép bài đến đâu rồi mà nghịch tóc chị An, chứ ai hỏi bài đâu mà anh tuôn như nước máy thế. Hồn treo ngược cành cây rồi!
Con Thy lỏn lẻn chêm vào:
- Treo ngược búi tóc mà cô!
Cả lớp cười ồ như muốn vỡ tung ra, tôi ngượng chín cả mặt, con An tai đỏ bừng, cúi gằm mặt xuống, tay đan vào nhau. Suốt cả buổi chúng nó cứ trêu mãi, ra chơi còn xúm vào ghép này ghép nọ, rồi chia hai họ nhà trai nhà gái. Đến khổ với lũ quỷ sứ này.
Cuối giờ, đợi cả trường về gần hết tôi lại cõng con An xuống, đèo nó về. Liền sau đó, ngày nào cũng đến sớm cõng nó lên rồi ỏ lại muộn cõng nó xuông. Chẳng biết từ lúc nào mà tôi lại thấy thích cái cảm giác cõng con An trên lưng, thấy mình có ai đó ở sau che chắn, cảm giác được là chỗ dựa ột đứa con gái, quen thuộc cái hơi thở nóng ấm, ngượng ngập phả vào sau gáy. Rồi mỗi khi đèo nó về, nó sẽ ôm nhẹ vào eo tôi, ngả đầu tựa vào lưng tôi thật yên tâm. Sau hai tuần, một hôm đi học về, đến trước cổng nhà con An, nó tự dưng nhảy xuống trước, tôi hoảng hổn vội quay ra sau định đỡ, nào ngờ nó đang nhảy tưng tưng như thỏ, nhìn tôi cười. Tôi nổi quạu hỏi:
- Êu! Chân mày khỏi rồi còn bắt tao cõng, bóc lột sức lao động hả?
Nó ton ton chạy ra phía tôi, mặt bụ ra làm bộ đáng thương. Tôi cố giả vờ giận, quay mặt đi. Con An giật giật tay áo tôi, nhõng nhẽo:
- Đi mà! Đừng giận mà! Tao mới khỏi có 3 ngày thôi!
Tôi sửng sốt:
- 3 ngày hả?
Nó cười hì hì, ôm chầm lấy tôi. Tôi ngỡ ngàng chưa kịp phản ứng gì thì nó nói một tràng:
- Nhưng mà tao thích để mày cõng tao lắm. Hưng ngố mà tốt thế, hì hì!
Xong nó buông tôi ra, bất ngờ véo mũi tôi cái xong bỏ nhảy chân sáo lỉnh mất. Tôi thì ngẩn ngơ nhìn nó đang nghênh nghênh cái chỏm tóc củ hành, mở khóa chạy tót vào nhà. Giây phút đó, tôi cảm nhận rõ ràng tim mình đang đập sai nhịp thật rồi.
Mấy hôm sau, tạm gác chuyện đánh trả bọn thằng Vĩ lại, tôi cố tìm sự bình tâm, quyết định đi chơi cùng với con An một buổi. Chỉ khi có tri kỷ bên cạnh, tôi mới thấy bình tĩnh lại được, chỉ cần nhìn nó chỉ trỏ hàng quà bánh, ngồi ngắm nó tham lam ăn như con chuột lang hay nhìn thấy vẻ mặt ngô nghê của nó mỗi khi ngẫm nghĩ xem tôi vừa trêu nó cái gì, chỉ cần vậy thôi là đủ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...