P
Bắt hai chặng taxi từ Lahore, tôi tới Amritsar (chuyến tàu nối hai nơi này đã ngừng chạy từ năm 1947), thành phố này nằm về phía biên giới Ấn Độ. Đối với người theo đạo Sikh, trong tiếng Hindu, Benares nghĩa là trung tâm tôn giáo, thành phố của thánh thần. Điểm đến hành hương của người theo đạo Sikh là Đền Vàng, một vọng lâu bằng đồng mạ vàng nằm giữa một ao nước. Sự linh thiêng của ao nước đó không làm nó bớt ứ đọng và ô nhiễm. Bạn có thể ngửi thấy mùi của ao này từ cách đó cả dặm. Ước mơ lớn nhất của mỗi người theo đạo là được nhìn thấy ngôi đền này trước khi qua đời và mua đồ lưu niệm ở Amritsar mang về nhà. Một trong những đồ lưu niệm được ưa thích là bức ảnh màu một người đàn ông không đầu, mặc đồ lính, máu phụt ra từ cổ; một tay anh ta cầm gươm, tay kia cầm đầu của mình. Tôi hỏi chín người đạo Sikh tên người đàn ông đó là gì. Chẳng ai biết, nhưng bọn họ đều biết câu chuyện của nhân vật này. Trong một cuộc chiến ở Punjab, anh ta bị chặt đầu. Nhưng là một người đầy quyết tâm, anh ta nhặt đầu mình lên, cầm ở tay để có thể thấy mình đang làm gì (đôi mắt trên chiếc đầu bị chặt bừng sáng quyết tâm), anh ta tiếp tục chiến đấu. Anh làm như vậy để khi trở về Amritsar sẽ được an táng và hỏa thiêu. Câu chuyện này cho thấy được đức tin khổ hạnh, sự hiếu chiến và sức mạnh của người theo đạo Sikh. Nhưng người Sikh cũng rất tốt bụng và thân thiện, rất đông người Sikh là thành viên của câu lạc bộ Lions Quốc tế. Điều này cũng phần nào gây nên sự hiểu lầm vì tất cả người theo đạo Sikh đều mang họ Singh, nghĩa là sư tử; họ cảm thấy như bị buộc phải tham gia câu lạc bộ.
Theo đạo Sikh, người ta phải mặc một loại quần lót đặc biệt, không được cắt tóc, cổ đeo vòng bạc, có một chiếc lược gỗ và dao găm sắt. Vì người ta cấm đi giày vào Đền Vàng, tôi nhảy lò cò đi qua đoạn đường cẩm thạch nóng giãy, theo điệu tăng gô đi trên tàu lửa, ngắm nhìn những người họ nhà sư tử lột quần áo nhảy xuống ao tắm, ngụp lặn trong làn nước xanh và uống những ngụm nước ân huệ nhưng chứa nguy cơ kiết lỵ. Người Sikh là những chiến binh quả cảm và trên bức tường rào bao quanh đền, có những tấm đá cẩm thạch ghi rằng trung đoàn kỵ binh Poona và đội công binh ở Bengal đã đóng góp vào đây hàng ngàn rupi. Đối với những người Ấn Độ khác, đặc biệt là người vùng Gujaranis, người Sikh là những kẻ quê mùa, họ thường kể những câu chuyện tiếu lâm minh họa cho sự ngờ nghệch của người Sikh. Một câu chuyện kể về một người Sikh nhập cư vào Canada, có người nói với anh ta rằng để chứng minh mình là một người Canada đích thực, anh ta phải vào rừng vật nhau với một con gấu và cưỡng bức một phụ nữ da đỏ. Anh ta lên đường, một tháng sau quay lại, với chiếc khăn trên đầu tả tơi, gương mặt đầy vết cào rách và nói: “Giờ tôi phải đánh vật với một mụ da đỏ.” Lại có một chuyện khác kể về một người Sikh bị lỡ xe buýt. Anh ta đuổi theo, cố lên được xe và cuối cùng cũng nhận ra mình đã chạy được về đến nhà. “Anh đã đuổi theo xe buýt và tiết kiệm được năm mươi đồng paisa.” anh ta kể với vợ, chị này trả lời: “Nếu anh đuổi theo một chiếc taxi thì đã tiết kiệm được một rupi rồi.”
Tôi dùng bữa trong một nhà hàng Sikh sau khi đi dạo quanh thành phố rồi ra ga để mua vé đi chuyến tàu thư vận biên giới đến Delhi. Người đàn ông tại quầy đặt vé cho tôi vào danh sách đợi và bảo rằng có “98% cơ hội” tôi sẽ được vào toa có giường, nhưng tôi phải đợi đến lúc 4 rưỡi mới biết chắc chắn. Nhà ga đường sắt Ấn Độ là một nơi tuyệt vời để giết thời gian và mọi người quanh đây đúng là những mẫu người điển hình trong xã hội Ấn Độ, với những phân biệt về địa vị, đẳng cấp và giới tính: PHÒNG ĐỢI HẠNG HAI DÀNH CHO PHỤ NỮ, LỐI VÀO CHO NGƯỜI KHUÂN VÁC, LỐI RA HẠNG BA, TOA LÉT HẠNG NHẤT, NHÀ HÀNG ĂN CHAY, NHÀ HÀNG ĐỒ MẶN, PHÒNG NGHỈ, PHÒNG ĐỂ ÁO KHOÁC và hàng loạt tấm biển, từ cái biển nhỏ xíu của phòng dọn vệ sinh, cho đến tấm biển to đẹp nhất NHÀ GA TRUNG TÂM. Một đầu máy hơi nước đang xả khói ở một bên sân ga. Tôi bước ngang qua chụp một bức ảnh, đúng lúc đó một người Sikh bước xuống từ chỗ đốt lò và anh ta bảo tôi gửi ảnh cho anh ta. Tôi nói mình sẽ gửi. Anh ta hỏi tôi định đi đâu và khi tôi đáp rằng tôi định bắt chuyến tàu thư vận biên giới, anh ta nói: “Anh còn phải đợi nhiều giờ nữa. Đi với tôi. Vào khoang với tôi.” – anh ta chỉ vào khoang đầu tiên – “ở ga đầu tiên, anh có thể vào đây cùng tôi và lái cùng.”
“Tôi e là tôi sẽ lỡ tàu mất.”
“Không đâu,” anh ta nói, “Không sao đâu.” Anh ta nói rất chính xác, như học thuộc lòng một bài tiếng anh vậy.
“Tôi không có vé.”
“Chẳng ai có vé cả. Họ đều đi lậu hết!”
Tôi leo lên và ở ga đầu tiên, tôi ngồi cùng anh ta trong buồng lái. Tàu đang đi tới Arari, biên giới Pakistan, cách đây hai nhăm cây. Tôi luôn ao ước được lái đầu máy hơi nước xe lửa, nhưng chuyến đi này không phải thời điểm thích hợp. Chúng tôi khởi hành lúc mặt trời bắt đầu lặn và vì tôi đang phải đeo kính cận – cặp kính còn lại để trong va li được đặt ở phòng để áo choàng – nên tôi chẳng nhìn thấy gì. Tôi cố gắng bám trụ, mù tịt như một con dơi và đổ mồ hôi trong phòng lái. Anh chàng người Sikh hét to giải thích việc mình đang làm, kéo cần đòn bẩy, tăng áp lực, xoay các nút và xúc than. Âm thanh ồn ào và cái nóng khiến tôi chẳng thấy thích thú gì trong cuộc hành trình kéo dài hai giờ này. Tôi đoán rằng mình trông chán nản lắm vì anh chàng người Sikh đã cố làm tôi vui khi huýt sáo. Mỗi khi anh ta làm vậy, con tàu dường như đi chậm lại.
Mặt cùng cánh tay tôi đều uể oải và nhuốm đầy bồ hóng khi đến Atari. Trên chuyến tàu thư vận biên giới thì chẳng có vấn đề gì và tôi đã có một trải nghiệm thú vị tắm nước lạnh trong một buổi tối ẩm ướt, ngồi xổm dưới vòi nước chảy ào ào khi con tàu đang đi qua Punjab thẳng tiến tới Delhi.
Tôi quay lại toa và thấy một thanh niên trẻ đang ngồi trên giường của mình. Anh ta chào tôi bằng giọng địa phương mà tôi không thể xác định được, một phần vì anh ta nói ngọng và hơn nữa ngoại hình của anh ta khá kỳ cục. Mái tóc rẽ ngôi giữa, dài chạm đến vai; đôi cánh tay khẳng khiu nằm trong tay áo bó, mỗi bàn tay anh ta đeo ba chiếc nhẫn có mặt đá màu da cam to, vòng tay đủ loại và một chiếc vòng cổ có nhiều vỏ sò trắng. Gương mặt anh ta làm tôi phát sợ: trông như mặt xác chết hoặc người ốm sắp chết, đôi mắt lồi và gò má cao, hằn những nếp nhăn sâu, mặt như cắt không còn giọt máu, hẹp và trắng bệch. Anh ta có cái nhìn khép nép, lúc anh ta nhìn tôi, tôi vừa tắm xong, người còn đang ướt sũng – anh ta đang nghịch một chiếc ví nhỏ bằng da. Anh ta giới thiệu tên mình là Hermann, đang đi Delhi. Anh ta phải đút lót người soát vé để được cùng toa với một người châu Âu. Anh ta không muốn đi chung toa với người Ấn Độ - có thể sẽ gặp rắc rối. Anh ta hi vọng tôi hiểu cho.
“Dĩ nhiên rồi.” Tôi nói. “Nhưng anh có thấy ổn không?”
“Tôi đang bị ốm – bốn ngày ở Amritsar tôi đã ở trong bệnh viện và cả lúc ở Quetra. Tôi rất lo. Các bác sỹ làm xét nghiệm và đưa thuốc cho tôi uống, nhưng chả ích gì. Tôi không ngủ được. Tôi không ăn được – chỉ uống ít sữa và ăn chút bánh mỳ. Từ Lahore tôi bay tới Amritsar. Ở Lahore tôi đã ốm nặng – ba ngày trong viện và đến Quetra thì hai ngày nằm viện. Tôi đi qua Baluchistan. Yazd, anh biết Yazd chứ? Một nơi kinh khủng. Tôi ở đó hai ngày và từ Teheran ngồi xe buýt hai ngày nữa. Tôi không thể ngủ được. Cứ sau năm tiếng, xe buýt dừng lại và tôi uống trà, ăn ít dưa. Tôi bị ốm. Người ta nói: ‘Sao anh không nói gì thế - anh bực à?’ Nhưng tôi đáp: ‘Không bực gì cả, chỉ là bị ốm…’”
Anh ta nói cả đoạn dài ngọng líu ngọng lô, thỉnh thoảng tự ngắt lời mình và cứ nhắc đi nhắc lại với cái giọng áy náy đơn điệu rằng mình đang ốm. Anh ta gốc Đức, đã từng là thủy thủ làm việc trên boong tàu của Đức, rồi sau đó làm phục vụ trên tàu của Phần Lan. Anh ta đã làm việc trên tàu bảy năm, đã từng đến Mỹ - “Ừ, tới khắp các nước,” anh ta kể, “nhưng chỉ ở đó trong vài giờ.” Anh ta yêu tàu biển nhưng không thể tiếp tục công việc. Tôi hỏi tại sao. “Bệnh viêm gan.” Anh ta nói bằng giọng Đức đặc sệt. Anh ta mắc bệnh này khi ở Indonesia và phải nằm viện vài tuần. Anh ta chưa bao giờ khỏi hẳn bệnh: vẫn phải thường xuyên xét nghiệm. Anh ta đã làm xét nghiệm ở Amritsar. “Mọi người nói với tôi: ‘Trông mặt anh ốm yếu lắm.’ Tôi biết tôi trông ốm lắm, nhưng tôi không ăn được.”
Mặt anh ta trông rõ kinh khủng, anh ta cũng đang run rẩy. “Anh có uống thuốc gì không?”
“Không.” Anh ta lắc đầu. “Tôi dùng cái này.” Anh ta mở chiếc ví da mà ban nãy anh ta cứ vuốt ve suốt và dùng những ngón tay gầy trơ xương lấy ra một gói nhỏ có bọc giấy bóng kính. Anh ta bóc lớp giấy bóng kính ra và cho tôi xem một thứ gì đó màu nâu dính dính, như một miếng kẹo dẻo kiểu Anh.
“Cái gì thế?”
“Thuốc phiện.” Anh ta nói. “Tôi dùng từng bi một.”
Anh ta cứ thì thào từ “bi” với cái giọng khắc nghiệt.
“Tôi là một con nghiện.” Anh ta véo một mẩu thuốc phiện rồi dùng ngón tay vê nó thành viên.
“Nghiện thuốc?”
“Đúng thế, tôi dùng kim tiêm. Nhìn tay tôi này.”
Anh ta khóa cửa khoang rồi kéo rèm cửa sổ lại. Anh ta vén tay áo trái lên, cánh tay lộ ra trước mắt tôi: mỗi ven đều có những chấm sẹo đen đen – dấu vết của kim tiêm, những vết đen đó dày đặc đến mức trông ven của anh ta như những đường viền màu đen. Anh ta chạm tay vào một cách e dè, như thể đó không phải là cánh tay mình và nói: “Tôi không thể dùng heroin. Ở Lahore, tôi thấy không khỏe lắm. Tôi nằm viện nhưng vẫn thấy yếu và hoảng hốt. Mọi người ở đó ồn ào quá còn trời thì quá nóng. Tôi không biết mình có thể làm được gì. Vì thế tôi trốn viện và đi trên phố. Một người Pakistan nói rằng anh ta có một ít morphine. Tôi đi theo anh ta và được xem thuốc. Loại tốt – morphine của Đức. Anh ta đòi giá một trăm năm mươi rupi. Tôi đưa tiền cho anh ta vì được tiêm thuốc. Nhờ vậy, tôi tới được Amritsar. Tuy nhiên, ở Amritsar, bệnh tình của tôi nặng quá và không thể kiếm thêm được morphine nên tôi đành dùng thứ này” – anh ta vỗ vào túi bên phải và lấy ra một bánh thuốc gai dầu, cùng cỡ với một miếng thuốc phiện, nhưng bánh này khô và giòn hơn – “Hoặc là hút cái này” – Anh ta rút ra một gói tài mà.
Tôi nói với anh ta rằng với ngần đó thuốc phiện, anh ta phải may mắn lắm mới vào được Ấn Độ. Ở biên giới tôi đã chứng kiến một nhân viên hải quan yêu cầu một thằng nhóc cởi quần jeans để kiểm tra.
“Đúng thế,” Hermann nói. “Tôi lo lắm! Gã hải quan hỏi tôi có mang thuốc không và tôi nói không. Tôi có hút không? Tôi nói có, thỉnh thoảng, nhưng hắn không kiểm tra hành lý. Nếu tôi thấy lo, tôi có thể giấu ở những chỗ bí mật.”
“Vậy thì tôi đồ anh chẳng có gì phải lo.”
“Không, tôi luôn thấy nóng ruột và lo lắng.”
“Nhưng anh có thể giấu được thuốc phiện mà.”
“Tôi có thể quăng đi rồi mua thêm sau.” Anh ta nói. “Nhưng cánh tay của tôi! Nếu thấy, bọn họ sẽ biết. Tôi luôn phải giấu dưới tay áo.” Anh ta kéo tay áo lên và lại nhìn vào những vết thâm đen trên cánh tay.
Anh ta kể cho tôi nghe làm sao đến được Ấn Độ. Ở Hannover, anh ta đã định tự cai nghiện heroin. Anh ta đăng ký vào một trung tâm cai nghiện và phục hồi chức năng – nơi anh ta gọi là “Chốn giải thoát” – tại đây anh ta được cho bảy trăm mác Đức mỗi tháng, mỗi ngày một cốc methadone. Đổi lại, anh ta phải lau dọn trung tâm. Anh ta không bao giờ trốn ra ngoài; sợ rằng nếu làm thế, anh ta sẽ lại gặp bọn bán heroin. Nhưng có một điều kỳ cục đã xảy ra vì liên tục ở trong đó, không tiêu gì đến khoản trợ cấp nên đến cuối năm, anh ta nhận ra nhận thấy mình đã tiết kiệm được kha khá tiền – đủ để sống ở Ấn Độ trong sáu tháng, thậm chí hơn nữa. Vì thế anh ta thu dọn đồ đi khỏi trung tâm, bay tới Teheran, tại đây triệu chứng vật vã vì thiếu thuốc bắt đầu trở lại.
Là một người bị xã hội bỏ rơi, anh ta đã tới một miền đất bị lãng quên. Anh ta suy sụp, đã đứng bên bờ vực của sắp chết và tình trạng thì chẳng khác nào những kẻ bị bất hạnh vật vờ thường thấy ở nhà ga. Đó là những người nước ngoài, biết rằng đời mình đã tàn, nên đến Ấn Độ để trở thành một con nghiện mà không ai để ý tới, để già yếu và chết dần chết mòn trong khu ổ chuột ở phía Đông. V.S Naipaul đã mô tả những người này là “những kẻ muốn sống trong những xã hội mong manh, yếu ớt hơn chính họ - và cuối cùng, họ chẳng làm gì ngoài việc chăm lo cho sự an toàn của bản thân.”
“Tôi dùng một bi đây.” Anh ta ột bị thuốc phiện vào miệng và nhắm mắt lại. “Sau đó tôi sẽ uống ít nước.” Anh ta uống một cốc nước. Anh ta uống cốc thứ hai và tôi nhận thấy rằng nếu thuốc phiện không giết chết anh ta thì nước của Ấn Độ sẽ làm thay. “Giờ tôi sẽ ngủ. Nếu không ngủ được, tôi phải làm thêm bi nữa.”
Hai lần trong đêm đó, ánh diêm ở giường tầng trên lóe lên, chiếu sáng chiếc quạt trên trần. Tôi nghe thấy tiếng giấy bóng kính sột soạt, tiếng anh ta vê thuốc và tiếng uống nước ừng ực.
Những tấm biển ở nhà ga Amritsar (LỐI RA HẠNG BA, PHÒNG CHỜ HẠNG HAI CHO PHỤ NỮ, TOA LÉT HẠNG NHẤT, DÀNH CHO NHÂN VIÊN QUÉT DỌN) đã phần nào giúp tôi hình dung về xã hội Ấn Độ. Thực tế còn lộn xộn hơn khi tôi chứng kiến trạm cuối của Đường sắt Miền Bắc ở Old Delhi lúc bảy giờ sáng. Để hiểu được cuộc sống đích thực của Ấn Độ, bạn phải đi vào các ngôi làng, như người Ấn Độ vẫn bảo. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng, vì người Ấn Độ mang cả ngôi làng của mình đến các nhà ga. Ban ngày thì không rõ lắm – bạn có thể nhầm người dân làng với một người ăn xin, hay hành khách đi lậu vé (có biển TRỐN VÉ LÀ MỘT TỆ NẠN XÃ HỘI), hay người bán hàng rong không phép. Đêm đến hoặc tờ mờ sáng, ngôi làng ở ga mới hiện rõ, một cộng đồng người bận rộn với cuộc sống riêng của mình đến mức hàng nghìn lượt khách đến và đi cũng chẳng mấy bận tâm đến họ: Các vị khách đi vòng và tránh qua họ. Những người dân này chiếm cả nhà ga, nhưng chỉ có những ai mới đến đây mới nhận thấy điều đó. Anh ta cảm thấy có gì đó không ổn vì anh ta không hiểu được thói quen của người Ấn Độ là lờ đi những gì hiển hiện trước mắt và đi vòng qua nó, để được yên thân. Người mới đến không thể tin được rằng mình lại được chứng kiến những sinh hoạt cá nhân của người dân địa phương sớm như vậy. Ở những nước khác, anh ta khó có thể thấy được những điều này, thậm chí ngay cả khi đi sâu vào trong làng, cũng chưa chắc thấy rõ được cuộc sống đích thực ở đó. Những ngôi làng nông thôn ở Ấn Độ chẳng cho du khách biết được gì nhiều ngoại trừ việc anh ta cần giữ khoảng cách và hạn chế uống trà hoặc dùng bữa tại các quán trọ chật kín người. Cuộc sống bên trong làng quê là điều cấm kỳ với du khách.
Nhưng tại sân ga, mọi hoạt động nội bộ bên trong ngôi làng lại phơi bày ra hết, khiến cho tôi chỉ muốn đi nhanh chân hơn. Tôi thấy mình không có quyền được nhìn người ta tắm dưới một vòi nước thấp, khỏa thân xung quanh dòng người trong bộ đồ công chức; những người đàn ông ngủ trên những chiếc giường xếp, vén khăn trên đầu lên; những người phụ nữ đeo khuyên mũi, đôi chân vàng ệch nứt nẻ đang hầm món rau xin được, khói bốc nghi ngút xung quanh, hoặc cho con bú, hoặc gấp chăn chiếu; trẻ con tè cả lên chân mình; mấy cô bé con mặc những chiếc áo quấn mình quá khổ, áo tuột từ vai xuống, đang đổ nước vào những chai nhỏ lấy từ phòng vệ sinh hạng ba; và gần đó, một người bán báo đang nằm ngửa, ôm một đứa bé và cù nó. Công việc vất vả, chẳng có mấy niềm vui, chật vật vì miếng ăn. Ngôi làng này không có tường bao quanh. Tôi bị phân tâm bởi những tấm biển: ĐỒ VEST GWALIOR, ÁO CHOÀNG HÀNG HIỆU RASHMIR và những tấm áp phích phim BOBBY (“một câu chuyện tình thời hiện đại”) in hình những gương mặt tròn trịa. Tôi bước đi khá nhanh nên đã mất dấu Hermann. Anh ta đã nốc thuốc trước khi đến ga: đám đông làm anh ta lo lắng. Anh ta lướt đi trên thềm ga rồi mất dạng.
Tôi tự hỏi liệu mình có thể tìm thấy một gia đình Ấn Độ nào thật thà thân mật để mình không phải bận tâm chăng. Người ta nói với tôi rằng tôi không nên rút ra bất kỳ kết luận nào ở thành phố Delhi: Delhi không phải Ấn Độ – không phải Ấn Độ thực sự. À, tôi đã nói rằng mình không có ý định nán lại Delhi. Tôi muốn đi đến Simla, Nagpur, Ceylon – đi đến bất cứ nơi đâu có đường tàu hỏa.
“Không có tàu hỏa đi Ceylon đâu,”
“Trên bản đồ có mà.” Tôi giở bản đồ ra lần theo đoạn dẫn màu đen từ Madras đi Colombo.
“Acha,” người đàn ông đó nói. Anh ta mặc chiếc áo dệt tay sặc sỡ, lắc đầu bên nọ sang bên kia; đúng theo kiểu Ấn Độ – như kiểu lắc đầu để nước từ trong tai chảy ra – thái độ này có nghĩa là anh ta đồng tình. Dĩ nhiên, anh chàng đó là người Mỹ. Những người Mỹ ở Ấn Độ rất thích bắt chước kiểu đó để hòa mình vào với cộng đồng Ấn Độ, tuy nhiên dân địa phương lại lấy làm xấu hổ khi bị bắt chước kiểu như vậy (ít ra là tại đại sứ quán Mỹ), ví như anh chàng ủy viên: “Chúng tôi buộc anh phải tham gia vào chương trình đó.” Trong khi anh chàng người Mỹ lại nhìn và nói “Acha” rồi cười buồn nản.
Tôi bị buộc phải tham gia một chương trình: giảng bài ở Jaipur, Bombay, Calcutta, Colombo. Như tôi đã nói, ở đâu cũng được miễn là có đường tàu.
“Không có đường tàu đi Colombo.”
“Để xem xem,” tôi nói và lắng nghe một trong những đoạn đối thoại kỳ lạ mà sau đó tôi thấy cũng quen dần khi ở Ấn Độ, chủ đề nói chuyện chủ yếu của người Mỹ là vấn đề đường ruột. Sau một vài câu chào quen thuộc, dừng lại một chút, những người này sẽ nói về những dấu hiệu bất thường của đường tiêu hóa. Cao trào của cuộc nói chuyện có vẻ khiếm nhã và với họ thật khó để ngừng nói.
“Đêm qua thật tệ quá,” một người làm ở đại sứ quán nói. “Đại sứ quán Đức tổ chức một bữa tiệc. Bữa ăn rất tuyệt – mọi lần đều vậy. Đủ các loại rượu vang, vô số món ăn. Nhưng Chúa ơi, tôi tỉnh giấc lúc năm giờ sáng này, vật vã như chó. Bụng dạ có vấn đề.”
“Buồn cười thật,” một người khác nói. “Anh ăn một bữa ngon ở nơi bẩn thỉu và anh biết mình sẽ phải trả giá vì điều đó. Tôi vừa từ Madras về. Tôi vẫn ổn – và liều lĩnh ăn một vài bữa ngon. Rồi đi đến mấy chỗ mang tính ngoại giao và phải ngồi gập bụng mấy ngày. Chẳng thể biết được mình bị như vậy là từ đâu.”
“Kể cho Paul nghe về Harris.”
“Harris! Nghe này,” người đàn ông đó nói, “ở đây có một anh chàng. Harris. Phòng Báo chí. Anh này đi gặp bác sĩ. Thử đoán xem tại sao? Bị táo bón! Bị táo bón! Ở Ấn Độ! Thông tin này lan truyền khắp đại sứ quán. Mọi người cứ nhìn thấy anh ta là cười phá lên.”
“Gần đây tôi ổn rồi,” một quan chức cấp thấp nói, hếch cái mũi lên như nó vẫn thế. “Trộm vía! Tôi từng bị rất nặng – tôi đã trải qua thời kỳ cực kỳ khổ sở. Nhưng rồi cũng tìm ra cách. Tôi thường xuyên ăn sữa chua. Tôi uống món này nhiều lắm. Tôi được biết có loại vi khuẩn nào đó trong sữa chua có thể kìm hãm vi khuẩn trong thức ăn bẩn. Đại khái là điều hòa được.”
Có một người khác nữa. Anh này trông xanh xao, anh ta nói mình đang phải chịu đựng. Đại khái cũng là bệnh đường ruột. Thức cả đêm. Ruột co thắt. Cái bụng ở Delhi. Thức ăn đi thẳng qua người bạn. Anh ta nói: “Tôi bị nhiễm khuẩn hình que. Anh bị bao giờ chưa? Chưa à? Nó làm tôi bẹp rúm. Suốt sáu ngày trời, chẳng làm ăn được gì. Chỉ chạy qua chạy lại, gần như sống trong nhà vệ sinh.”
Mỗi lần chủ đề này được đưa ra, tôi muốn túm lấy cái áo dệt tay của người đang nói, lắc mạnh anh ta mà nói: “Nghe tôi đây này! Bụng dạ của anh chẳng làm sao cả!”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...