Meshed nằm ở phía Đông Bắc Iran – cách biên giới Afghanistan một trăm sáu mươi dặm và gần với biên giới Liên Xô hơn, đây là miền đất thánh, thế nên những tín đồ đạo Hồi cuồng tín nhất thường đi chuyến tàu thư vận ban đêm, mọi ngóc ngách trên tàu là những người Iran trong các tư thế lầm rầm cầu nguyện để được lên thiên đàng mặc dù
Thiên đường của người Iran dễ dàng có được
Chỉ là nước chanh và những cặp mắt đen.
Vào buổi tối, đối với người cầu nguyện, con tàu như thể đang bị lắc hoặc trục trặc gì đó. Hành khách quỳ sụp xuống và cúi gập người chào kiểu salaam. Chuyến tàu đêm thư vận đến Meshed có lẽ là đoàn tàu duy nhất trên thế giới mà tất cả hành khách đều quay lưng lại với hướng đi của đoàn tàu: bọn họ ngồi nhấp nhô, mắt dõi về hướng Mecca. Trong suốt chuyến đi, áp lực của thân hình những người cầu nguyện và toa tàu rung theo lòng mộ đạo. Trên đoàn tàu tốc hành Teheran, phụ nữ mặc váy ngắn và áo thun; trên chuyến tàu thư vận đêm này, bọn họ bị phủ kín trong áo choàng và khăn mạng, chỉ hở mỗi gương mặt.
Đương nhiên, chính đặc tính của những người mộ đạo Hồi trên chuyến tàu này khiến bia bị loại ra khỏi danh sách đồ uống ở toa ăn. Tối hôm đó trời rất nóng, khi chúng tôi rời Teheran, tôi rất muốn uống chút gì đó. Tôi đang để dành một chai rượu gin đến Afghanistan.
“Không có bia à?” tôi hỏi người phục vụ. “Anh có gì?”
“Gờ chebub.”
“Không, có đồ uống gì khác không?”
“Bíp tếch.”
“Có rượu vang không?”
Anh ta gật đầu.
“Loại nào?”
“Cơm gờ thập cẩm, súp, xa lét.”[1]
[1] Phát âm tiếng Anh giọng Afghanistan: gà kebab, bíp tết, xa lát.
Tôi bỏ ý định gọi đồ uống và quyết định dùng bia. Tôi vừa ăn vừa ngắm cảnh ở cung trăng – miệng núi lửa, những rặng núi ảm đạm ở phía chân trời và bãi cát trải dài hết tầm mắt – lúc đó có một người đàn ông mặc chiếc áo khoác bù xù, cầm một tờ báo và một túi mua hàng, lại chỗ tôi và nói, “Không phiền nếu tôi ngồi cùng chứ?”
“Không sao đâu.” Tờ báo của anh ta là tờ London Daily Telegraph, báo cũ từ năm ngày trước, túi mua hàng chứa đầy những chai nước sát trùng. Anh ta ngồi xuống, đặt cùi chỏ lên báo, chống tay lên cằm và có vẻ rất tập trung.
“Nhìn cô gái kia kìa.” anh ta nói. Một cô gái xinh đẹp đi qua, cô ta mặc một chiếc váy bó sát toàn thân, không phải chiếc váy trùm quen thuộc của những phụ nữ khác: mọi ánh mắt của người ăn đều đổ dồn vào cô. Tôi định bình luận, nhưng anh ta ra dấu cho tôi im lặng. “Đợi chút, tôi muốn tập trung vào cái này.” Anh ta nhìn mông cô gái cho đến khi cô ta ra khỏi toa, nói “Tôi rất muốn gặp một cô nàng như vậy.”
“Sao anh không đến làm quen? Có quá khó đâu.”
“Không được. Bọn họ sẽ không nói chuyện với anh đâu. Nếu anh muốn mời họ đi chơi – như kiểu đi ăn hoặc đi xem chương trình nào đó – họ sẽ không đi trừ phi anh có ý định cưới họ.”
“Thật là kỳ cục.” tôi nói.
“Chưa hết. Tôi sống ở vùng hoang dã Exna – không có phụ nữ.”
“Hiểu rồi, tức là anh lên đây vào cuối tuần.”
“Anh đùa à? Đây là lần thứ hai tôi đến Teheran – lần đầu tiên từ bốn tháng trước.”
“Anh ở trong sa mạc bốn tháng trời?”
“Ở trong núi,” anh ta nói. “Nhưng cũng như nhau cả thôi.”
Tôi hỏi anh ta tại sao lại chọn sống ở vùng núi của Iran, một nơi không có phụ nữ, trong khi anh ta muốn quen một cô gái đến thế.
“Tôi dự tính sẽ gặp một cô ở đây. Tôi biết cô ấy ở Riyadh – một thư ký, rất xinh gái – và cô ấy nói sẽ đến Teheran. Đổi nghề. Vì thế khi quay về Anh quốc, tôi nhận hợp đồng này và viết thư cho cô ấy. Nhưng đã sáu tháng trời mà cô ấy không trả lời thư.”
Bên ngoài trời đã tối đen, không có ánh trăng, sa mạc đen thẫm mịt mùng; dao nĩa trên chiếc bàn trong toa ăn kêu lách cách theo nhịp bánh tàu chuyển động và những người phục vụ bắt đầu cởi áo khoác đồng phục, chuẩn bị cho buổi cầu nguyện tối. Anh kỹ sư – anh ta là kỹ sư giám sát việc xây dựng một dàn khoan dầu – tiếp tục câu chuyện buồn của mình, về việc ký một hợp đồng làm việc ba năm ở Iran chỉ để có cơ hội mong manh gặp cô thư ký.
“Điều tôi thực sự muốn là gặp một cô nàng giàu có, không phải như Sophia Loren, nhưng xinh xắn và có tiền. Tôi từng quen một cô như thế - bố cô ấy làm việc ở ngân hàng – nhưng cô ta kỳ cục lắm và cư xử như trẻ con. Tôi không thể tưởng tượng ra mình sẽ cưới người như thế. Nhìn kìa!”
Cô gái đi qua toa ăn lúc trước đã quay lại và bước qua lần nữa. Lần này tôi mới nhìn rõ cô gái và nghĩ một người từng một mình trên những rặng núi Iran suốt bốn tháng trời sẽ thấy cô ta thật quyến rũ. Anh kỹ sư như phát cuồng theo cách mà tôi thấy cảm động và tuyệt vọng. “Chúa ơi,” anh ta nói, “tôi có thể làm với cô nàng nhiều thứ.”
Cố gắng để đổi chủ đề, tôi hỏi anh ta giải trí thế nào ở công trường.
“Có một bàn chơi bi-a và một cái bảng phi tiêu,” anh ta nói “nhưng mấy thứ đó tệ lắm rồi, tôi không còn chơi nữa. Kể cả chúng còn xài được, thì tôi cũng chẳng đến câu lạc bộ. Không thể chịu được mùi nhà vệ sinh ở đấy. Đó là một trong những lý do tôi đến Teheran – để mua nước tẩy Harpic. Tôi có chín can.”
“Tôi làm gì nhỉ? Ừ, xem nào. Thường thì tôi đọc sách – tôi thích đọc sách. Tôi đang học tiếng Iran. Đôi khi tôi làm việc thông giờ. Đó là lý do vì sao tôi cần quen một cô gái.”
Như anh ta kể về cuộc sống của mình, bảy năm trời sống ở Ả rập Xê út, Abu Dhabi và Iran, tôi gợi ý rằng anh ta nên làm một cái gì đó trong suốt những năm độc thân dài đằng đẵng. Anh ta đồng ý.
“Nhà thổ thì sao?”
“Không, với tôi thì không. Tôi muốn một cô gái ngoan – sạch sẽ, xinh xắn, có tiền và việc làm. Em trai tôi quen nhiều cô như thế lắm. Điều đó làm tôi bực. Có một cô gái làm tóc ở Uxbridge, rất dễ thương, cô ta phát điên vì em tôi. Tôi từng ở với em trai – khi tôi bỏ nhà đi – trong căn hộ của nó ở Hayes. Nhưng nó có mảy may chú ý đến cô ta không? Không hề! Cô ta cuối cùng cũng bỏ nó. Cưới một người khác. Tôi không trách cô ấy. Tôi rất muốn có một cơ hội với cô gái như thế. Tôi sẽ mời cô ấy đi chơi, mua hoa, ăn ngon. Tôi sẽ làm như thế đấy. Tôi sẽ tốt với cô ấy. Nhưng em tôi thì ích kỷ, luôn như thế. Nó muốn có ô tô to, ti-vi màu, luôn chỉ nghĩ đến mình. Còn tôi, tôi quan tâm đến tất cả mọi người.”
“Tôi không hiểu tại sao tôi sống như thế này, nhưng lần cuối bỏ nhà đi gần như là kết thúc với tôi. Tôi đã tìm thấy cô gái ngọt ngào, một cô đánh máy ở Chester và mọi thứ tiến triển rất tốt, tôi bị gã người yêu cũ của cô ấy gọi điện. Hắn nói sẽ giết tôi. Tôi phải chia tay cô ấy.”
Toa ăn giờ không còn ai, mấy anh phục vụ đã cầu nguyện xong và đang dọn bàn cho bữa sáng.
“Tôi nghĩ bọn họ muốn chúng ta đi.” Tôi bảo.
“Tôi rất tôn trọng những người này,” anh kỹ sư nói, “Anh có thể cười nếu muốn, nhưng tôi thường nghĩ đến việc sẽ theo đạo Hồi.”
“Tôi chẳng cười chuyện đó đâu.”
“Anh phải thuộc kinh Koran làu làu. Không dễ đâu. Tôi từng đọc kinh Koran ở công trường – dĩ nhiên đọc thầm thôi. Nếu quản lý của tôi mà biết tôi đọc kinh Koran, ông ta sẽ không hiểu. Ông ấy sẽ nghĩ tôi điên mất. Nhưng tôi nghĩ đó có thể là câu trả lời. Trở thành một người Hồi giáo, gia hạn hợp đồng thêm ba năm nữa và gặp một cô gái Iran xinh đẹp. Rất dễ gặp những cô nàng ấy nếu bạn là một người Hồi giáo.”
Như những cuộc đối thoại với mấy người khác, trên tàu, cuộc nói chuyện này cũng thẳng thắn khi chúng tôi có chung hành trình, cùng trong một toa ăn dễ chịu và cùng biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau lần nữa. Chuyến tàu như một phiên chợ giả tưởng, trong đó bất cứ ai có lòng kiên nhẫn có thể mang đi một ký ức để đắm chìm vào suy nghĩ riêng tư. Những ký ức bị bỏ lửng nhưng một kết cục, như trong đó chứa đựng tiểu thuyết hay nhất, luôn có hàm ý. Anh kỹ sư buồn sẽ không bao giờ quay lại. Anh sẽ trở thành một trong những người tha hương già cỗi đang lẩn trốn ở những vùng miền hẻo lánh, với nỗi thương cảm kỳ cục, một sự yếu đuối với tôn giáo địa phương và một cơn phẫn nộ vô lý và tựu trung lại là sẽ khiến những người lạ tò mò phải tránh xa.
Có ba người trong khoang của tôi, một ông chồng người Canada đi cùng vợ và anh chàng ủ ê, tóc tai bờm xờm đến từ khu ổ chuột phía Đông London. Họ đều đến Úc – lý do của cặp vợ chồng Canada: “Chúng tôi không thích học tiếng Pháp.” Của anh chàng người Anh là: “London đang bỏ đi cùng bọn Ấn khát máu.” Định kiến xã hội là động cơ chủ yếu để di cư chứ không phải cái nghèo, nhưng điều tôi thấy thú vị về ba người này đó là họ cũng như nhiều người khác, đến Úc bằng con đường rẻ nhất, đi qua Afghanistan và Ấn Độ, sống cùng những người nghèo khổ nhất, ăn đồ ăn rẻ tiền và ngủ trong những căn phòng có rệp nhảy múa, vì họ đang từ chối một xã hội mà họ cho rằng đang bị mục ruỗng.
Cuộc đối thoại của bọn họ thật kinh khủng. Tôi thuê chăn và gối từ người soát vé, anh ta chỉ đòi một ít tiền lót tay tượng trưng, tôi uống một chút rượu gin để an thần và ngủ luôn.
Tiếng hú còi khiến tôi bật dậy vào sáng sớm hôm sau để ngắm những con lạc đà đang gặm cỏ giữa những bụi cây màu nâu và những đàn cừu đang túm tụm trên sườn đồi đầy cát. Chỉ có vài ngôi làng, nhưng kiểu thiết kế thật phi thường: làng có tường thấp bao quanh, trông như kiểu những lâu đài cát mà bạn thường thấy các ông bố bà mẹ cùng xây với con cái trên bãi biển bằng xô và một cái bay. Có những cửa sổ nhỏ xíu, thành lũy đã vỡ nát và những lỗ châu mai nhìn không rõ lắm; trông từ xa thật ấn tượng nhưng khi lại gần thì rõ là cũ nát, những pháo đài kiểu này chỉ là trò mắt muỗi đối với những kẻ muốn xâm nhập. Mấy người phụ nữ ngồi xổm bên tường thành, khi có một cơn gió mạnh thổi qua, bọn họ phải cắn vào một góc khăn để giữ khăn mạng trên mặt không bị bay mất.
Meshed bất ngờ hiện ra giữa sa mạc, thành phố của những thánh đường Hồi giáo vòm vàng và những tháp ống màu trắng. Ở sân ga, những người hành hương lôi túi thảm và giường cuộn từ trên tàu xuống. Nhà ga này cách London khoảng sáu nghìn bốn trăm dặm là chặng cuối của tuyến xe lửa: giữa nhà ga cực Đông của Hãng Đường sắt Quốc gia Iran và nhà ga nhỏ của Pakistan ở Landi Kotal tại đèo Khyber nằm dọc Afghanistan, một đất nước không có dù chỉ vài xăng ti mét đường sắt.
Sau một giờ ở Meshed, tôi rất nóng lòng muốn rời đi. Đang là tháng Ramadhan, thời gian tuyệt thực của người Hồi giáo nên suốt cả ngày sẽ không có chỗ bán đồ ăn. Tôi ăn pho mát Iran của mình và thấy hai tên híp pi, những gã trưởng nhóm có vẻ như đã lạc mất các thành viên khác trong nhóm. Bọn họ không hiểu tại sao tôi không muốn ở lại Meshed. “Hay lắm mà,” một gã nói. “Rất sôi nổi và thoải mái. Anh có thể la cà ở đây.”
“Tôi muốn tới Pakistan.” Tôi nói.
“Đầu tiên, anh phải đi qua Afghanistan,” gã kia nói. Anh ta nhỏ người, có râu quai nón và đeo một cây đàn ghi ta. “Cứ đi đường đó.”
“Hãy đi với chúng tôi nếu muốn. Chúng tôi sẽ đi nơi khác. Chúng tôi đã đi đường này nhiều lần rồi, chỉ cần lên tàu, kéo rèm xuống và lẻn vào.” Anh ta mặc bộ pyjama Ấn Độ, đi xăng đan, khoác áo thêu dài đến eo, đeo vòng cổ đính hạt đá và vòng tay giống như một người Thổ trong bản khắc thời Victoria, nhưng thiếu khăn xếp và thanh đại đao. “Nhanh lên, nếu anh muốn đi, nếu không ta sẽ lỡ xe buýt.”
“Tôi ghét xe buýt.” Tôi nói.
“Nghe thấy không, Bobby? Anh ta ghét xe buýt.”
Nhưng Bobby không trả lời, anh ta đang mải nhìn một cô gái, có lẽ là người Mỹ, vừa rời nhà ga. Cô gái bước nặng nề và không vững lắm trên một đôi guốc gỗ cao gót.
“Mấy đôi giày kiểu đó làm tôi khó chịu.” Bobby nói. “Các cô em không thể đi bộ bằng thứ đó được. Tôi dám cá rằng thằng cha sáng tạo ra kiểu giày này là kẻ ghét mấy em gái.”
Afghanistan là một nơi khó chịu. Trước đây nước này khá rẻ và mọi rợ, người ta thường tới đây để mua cả cảng gai dầu – bọn họ có thể ở vài tuần và phê thuốc trong những khách sạn bẩn thỉu ở Herat và Kabul. Nhưng một cuộc bạo loạn quân sự xảy ra vào năm 1973 và nhà vua (người đang phơi nắng ở Ý) bị phế truất. Giờ đây, Afghanistan đắt đỏ hơn, nhưng vẫn mọi rợ như trước. Ngay cả mấy gã híp pi cũng thấy nơi đây không thể chấp nhận nổi. Thức ăn có mùi như bệnh dịch tả, đi lại rất khó chịu và thậm chí là nguy hiểm, người Afghanistan rất lười, vật vờ nhưng lại bạo lực. Tôi không ở đây lâu trước khi hối hận vì đã thay đổi kế hoạch để đi về hướng phía Nam. Thật sự là có một cuộc chiến ở Baluchistan, nhưng Baluchistan rất nhỏ. Tôi đã quyết định đối mặt với Afghanistan thật mau lẹ và đặt mọi sự khốn khổ vào trong ngoặc đơn. Nhưng phải mất cả tuần tôi mới có thể bắt chuyến tàu khác.
Văn phòng hải quan đóng cửa vào buổi tối. Chúng tôi không thể quay trở lại biên giới Iran, cũng không thể đi tới Herat. Vì thế chúng tôi ở lại vùng ranh giới, không thuộc Afghanistan, cũng không thuộc Iran, trong một khách sạn không có tên. Khách sạn này không có điện, không nhà vệ sinh và chỉ đủ nước ỗi người một tách trà. Bobby và bạn của anh ta, được biết đến với tên gọi Lopez (tên thật là Morris), sướng phát điên lên khi người Afghanistan trong căn phòng sáng ánh nến nói với chúng tôi rằng mỗi giường nằm giá ba lăm xu. Lopez hỏi về gai dầu. Người Afghan đó nói không có. Lopez gọi anh ta là đồ khốn nạn. Người Afghan đó mang cho chúng tôi một viên to bằng cục phân chó và cả tối hôm đó chúng tôi hút thuốc. Nửa đêm, có tiếng điện thoại reo trong bóng tối. Lopez nói: “Nếu là điện thoại hỏi tôi, thì bảo tôi không ở đây nhé!”
Trên đường đến Herat vào hôm sau, một người Afghanistan bắn súng thẳng lên trần xe buýt và xảy ra một cuộc chiến để quyết định xem ai sẽ phải trả tiền vá cái lỗ lại. Tai tôi vẫn còn vang vọng tiếng nổ hôm trước ở Herat khi tôi quan sát mấy nhóm híp pi đang đứng bên bụi cây gai phàn nàn về tỷ giá đổi tiền. Ba giờ sáng hôm sau nữa, có một đoàn diễu hành trên phố chính ở Herat, thổi kèn connet và đánh trống: kiểu như một cơn ác mộng kỳ quái mà các ông già thường gặp trong các tiểu thuyết của Đức. Tôi hỏi Lopez liệu có nghe thấy tiếng diễu hành, nhưng anh ta bỏ qua câu hỏi của tôi. Anh ta nói đang lo lắng: gào thét như một kẻ bị phá sản và tuyệt vọng, lắc lắc cái vòng cổ tay, anh ta nói ra tin xấu của mình: một đô la đổi được năm mươi đồng afghanis. “Đúng là cắt cổ.”
Tôi đi xe buýt và máy bay đến Kabul qua đường Mazar-i-Shanif. Có hai chuyện xảy ra ở Kabul cứ in mãi trong tâm trí tôi: chuyến thăm Viện Tâm thần Kabul, tại đây tôi không thể giúp một người Canada được thả vì anh ta bị bắt nhầm vào đây (anh ta nói sẽ không phiền nếu cứ tiếp tục ở lại đây miễn là được cung cấp sô cô la thường xuyên; ở đây còn hơn là về Canada); chuyện thứ hai là cuối tuần đó, tôi đi qua một điểm cắm trại của người Pathan và thấy một con lạc đà ngã khuỵu xuống vì nó phải thồ đống gỗ quá lớn – chỉ ít phút sau, mấy người Pathan đâm bổ vào nó, chặt tứ chi và lột da con thú tội nghiệp. Tôi không muốn ở lại Kabul lâu hơn nữa. Tôi bắt xe buýt đi về hướng Đông, đến đỉnh đèo Khyber. Tôi lên tàu ở đây, tại Landi Kotal, đi Peshawar; tôi rất sợ bị lỡ tàu vì mỗi tuần chỉ có một chuyến vào Chủ nhật và dân địa phương gọi là chuyến “132 – miền xuôi”.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...