Đó là một truyền thuyết đẫm nước mắt.
Truyện kể rằng trên đương xuống âm phủ, qua cầu Nại Hà có một cái đình gọi là Mạnh Bà Đình.
Truyền rằng, Mạnh Bà Đình do một bà lão diện mạo âm trầm là Mạnh Bà chưởng quản.
Truyền rằng, công việc của Mạnh Bà là cho những âm hồn muốn đầu thai, đi qua địa ngục uống trà Mạnh Bà.
Truyền rằng, chén trà Mạnh Bà này hương vị không có gì ngoài chua vừa mặn, tựa như nhân tình thế thái, vừa chua xót, vừa đắng cay.
Truyền rằng, chỉ cần uống xong ba chén trà của Mạnh Bà thì sẽ có thể quên hết ân oán ghét thương khi còn sống.
Truyền rằng, những âm hồn này sẽ mơ mơ màng màng rồi tự trầm xuống “Lục đạo luân hồi”.
Truyền rằng, đi qua lục đạo luân hồi, ai ai cũng sẽ quên hết những chuyện trước đây, sinh ra làm một người khác.
Truyền rằng, trong nhân gian cũng có người luyện thành “trà Mạnh Bà”…
Có người nói
Màu đen là một thế lực rất mạnh.
Ở trong đêm đen, không ai có thể biết nó sâu xa đến mức nào, cũng không biết tận cùng của nó là ở đâu.
Vì vậy, màu đen ẩn chứa sức mạnh không thể nào ước lượng được, sâu không thể dò!
Nhưng mà cũng có người không cho là vậy.
Người này cho rằng
Màu trắng mới là mạnh nhất!
Bởi vì ở trong mênh mông trắng xóa, ai cũng có thể tự do tưởng tượng và họa hình, không kiên cố và cứng nhắc như màu đen, trên nền trắng người ta có thể vẽ nên những màu sắc rực rỡ, thậm chí cả màu đen, hàm chứa cả sức mạnh của đen.
Bởi vậy, màu trắng bao hàm màu đen, ẩn chứa hết thảy thế gian, chứa đựng hết thảy tư tưởng.
Người cho rằng màu trắng mới là mạnh nhất, nghe đâu là Bất Hư đại sư.
* * *
Bên trong là một màu trắng mênh mang.
Đây là một gian nhà rất kỳ quái.
Gian nhà nhỏ này rất gọn gàng ngăn nắp, Một vách tường nhìn ra cửa, trên vách tường hai bên ghi chép vô số kinh thư Phật học, một bức tường cao khác ngay trước cửa ra vào thì lại hoàn toàn không có gì trên đó, chỉ là một mảng tường trắng toát.
Điểm đặc biệt nhất của gian phòng này chính là ở chỗ, tất cả mọi thứ đều màu trắng.
Cửa màu trắng, kinh thư màu trắng, chiếc bàn đặt giữa phòng cũng màu trắng, thậm chí hòa thượng ngồi xếp bằng trước bàn cũng mặc một chiếc áo cà sa màu trắng thuần.
Vị hòa thượng này khoảng gần năm mươi tuổi, một đôi mày chữ bát thật dài, làm cho khuôn mặt thêm vẻ từ bi, nhưng hai mắt lại ẩn chứa vẻ bất lực.
Ông không giống những hòa thượng bình thường nhắm mắt niệm kinh mà lại mở mắt, chăm chú nhìn vào bức tường trắng cao lớn trước mặt, trong miệng niệm mấy chữ, là tuyệt học Phật môn “Bát Nhã tâm kinh”!
Bởi vì ông rất tin tưởng rằng chỉ có màu trắng mới tới gần được “Vô”, chỉ có Vô mới tới gần được “Phật”, và chỉ có Phật mới có thể thật sự tìm được “Tâm”.
Niệm Phật đơn giản là niệm từ tâm, là Phật ở trong lòng.
Gian nhà nhỏ này có tên là “Tầm Tâm Các”.
Vị Hòa thượng kia sao lại muốn tìm “Tâm”?
Bởi vì dù ông đạo hạnh có cao, lại không thể vượt qua những chuyện cảm thấy bất lực tự trong tâm, bất lực với nhân gian…
Ông bất lực vì trên đời có lắm chuyện bi thảm, mà ngay cả ông cũng lực bất tòng tâm…
Ông bất lực bởi trên đời kẻ làm chuyện ác thì nhiều mà báo ứng lại quá chậm…Hết thảy phiền não của ông là vì bất lực…
“Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy ngũ uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn…Cho nên phải biết rằng Bát Nhã Ba la mật đa… luôn trừ các khổ não, chân thật không giả dối."
Bất Hư?
Trong tiếng tụng kinh bên mảnh tường trắng, vị hòa thượng mặc áo cà sa trắng đột nhiên im lặng.
“Bất Hư” đúng là pháp danh ông, nhưng không phải vì niệm tới hai chữ đó mà dừng lại, chỉ bởi trong lòng ông vừa động.
Tụng kinh vốn là tĩnh tâm, vì cớ gì mà lúc này lại không thể tĩnh? Vì sao lại tâm lại động?
Nhưng thật lâu cũng không thấy ông nhắm mắt lại, một thoáng ưu tư hiện trên chân mày, trầm ngâm nói nhẹ: “Đến rồi.”
Đến rồi! Mấy ngày nay tâm thần ông vẫn không yên, dự cảm có một loại điềm xấu hiện ra, nhưng không nghĩ ra lý do.
Nhưng trong khoảnh khắc vừa rồi, ông đột nhiên cảm thấy điềm xấu đã đến, lại còn ở đâu đó ngoài cửa.
Một nơi thật hắc ám.
Cảm giác này rất chân thật, rất đáng sợ, đáng sợ như cái chết vậy!
Rốt cuộc là cái gì đang đến gần? Là người? Là vật? Hay là linh hồn? Oan hồn chưa nguôi hy vọng?
Trong lúc còn suy đoán thì đã nghe thấy có người gõ cửa: “Bất Hư đại sư!”
Hóa ra vị hòa thượng vận cà sa trắng này đúng là Bất Hư đại sư của Di Ẩn Tự, cũng là Bất Hư đại sư bạn thân Hoắc Liệt, Tầm Tâm Các vậy là ở trong Di Ẩn Tự?
Bất Hư đại sư đáp: “Cửa không khóa, vào đi!”
Cửa mở, một tiểu hòa thượng vô cùng kích động gấp gáp bước vào, thiếu chút nữa té xuống đất, vừa gặp Bất Hư đại sư đã nói ngay: “Bất Hư đại sư, có một thiếu niên đáng sợ tới tự nói muốn gặp người, giờ đang đợi ở đại điện!”
Bất Hư đại sư thấy tiểu hòa thượng kích động như thế thì ngạc nhiên nói: “Này, kẻ đó đáng sợ ra sao?”
“Hắn..” Tiểu hòa thượng nuốt một ngụm nước bọt rồi hoảng sợ đáp: “Hắn mới bước vào tự viên được một bước thì lũ chim chóc đậu trên cây trong vườn đều bị dọa bay lên tới tận trời, ngay cả bầu trời cũng bị che khuất quá nửa, tự viên bỗng nhiên âm u…”
Một hòa thượng bé nhỏ, một sinh mệnh vừa vào đời, dường như chưa bao giờ gặp hoàn cảnh như vậy, còn muốn tiếp tục tưởng tượng, nhưng Bất Hư biết người đến tuy là thiếu nhiên nhưng khí độ có thể bức đám chim chóc chạy trốn thì hẳn là kẻ phi phàm, bèn cắt đứt câu chuyện của tiểu hòa thượng, hỏi: “Kẻ đó có xưng tên họ hay không?”
Tiểu hòa thượng lắc đầu hoẳng sợ đáp: “Không ạ! Hắn chỉ trương tờ giấy này ra thôi.”
Nói xong, đưa tờ giấy cho Bất Hư đại sư, miệng còn nói liên tục: “Con nhìn vào mắt hắn xong, không hiểu tại sao toàn thân bỗng thấy ớn lạnh, thật là đáng sợ a…”
Tiểu hòa thượng còn muốn hình dung ánh mắt thiếu niên kia, nhưng Bất Hư đã mở tở giấy ra nhìn kỹ, gương mặt bình tĩnh cũng phải biến đổi!
Trên tờ giấy viết một cái tên nhìn thấy ghê người, một cái tên mà Bất Hư đại sư nghe nói rằng đã chết – Hoắc Kinh Giác!
Di Ẩn Tự là thâm sơn cổ tự, đất đai rộng lớn, ngoài phật từ đường còn có đại điện, gọi là đại điện, bên trong dĩ nhiên rất lớn!
Phật từ đường nằm sau trung ương, chính giữa thờ một pho tượng Thích Già, hai tay kết ấn, khoanh chân tọa trên đài sen, cao ít nhất sáu trượng.
Hai bên đức Phật có mười tám vị La Hán, mỗi bên chin vị xếp song song, làm cho cả tòa phật từ đường càng trở nên trang nghiêm hơn.
Nghe nói Di Ẩn Tự là ngôi chùa lớn nhất trong vòng trăm dặm, quả danh bất hư truyền.
Trụ trì Độ Không đại sư vốn là đại sư huynh của Bất Hư đại sư, nhưng người giang hồ ai cũng biết, Bất Hư đại sư thuở nhỏ cực thong minh, nên từ năm mười chín tuổi đã nguyện làm một ngọn đèn nhỏ dưới chân Đức Phật, cả đời vì chúng sinh thiên hạ mà thắp một ngọn đèn này.
Nhưng đáng tiếc là không thể thắp lên ngọn đèn cho Bộ Kinh Vân…
Y đang đứng một mình trong cái góc tối tăm bậc nhất trong điện, đôi mắt phát ra ánh sáng lạnh lẽo trong bóng tối, lẳng lặng nhìn pho tượng phật cực lớn trước mặt.
Phật tượng mỉm cười hiền hòa, tựa như đã hiểu hết nỗi khổ chúng sinh, nên lấy nụ cười để an ủi hết thảy thế gian khổ ải.
Còn Bộ Kinh Vân trong mắt lại tràn ngập thù hận, “Nó” cười chỉ vì “Nó” quá vẹn toàn, “Nó” hiểu được, “Nó” đắc ý!
Không sai! Dù là nhất đại kiêu hung, vương hầu đại tướng, cả đời tranh đấu liên miên, tranh tranh đoạt đoạt, xưng hùng xưng đế, nhưng đến cuối cùng chẳng phải cũng không thoát khỏi bàn tay “Nó” hay sao? Sao “nó” lại không cười cơ chứ?
Bộ Kinh Vân lại cố tình muốn chạy trốn khỏi lòng bàn tay “Nó”!
Y vẫn hắc ám như thế, chỉ là cao hơn trước không ít, từ lúc Hoắc Liệt chết thảm đến nay cũng đã qua không ít thời gian.
Đúng vậy! Đã hơn nửa năm.
Trong nửa năm đó, y đã trải qua rất nhiều chuyện…
Từ đêm được cô gái thần bí kéo khỏi rãnh nước, Bộ Kinh Vân nghỉ ngơi một chút rồi tìm nhặt lại đầu Hoắc Liệt mang về, sau đó lại tìm thi thể Kế Tiềm, Kế Niệm trong bãi tha ma của Thiên Hạ Hội. Y hỏa tang ba cha con Hoắc Liệt rồi bảo quản tro cốt trong ba cái bình nhỏ, chờ thời cơ mang ra khỏi Thiên Hạ Hội tìm Bất Hư đại sư.
Đã chờ như vậy nửa năm.
Chỉ có điều Bộ Kinh Vân cũng không ngồi chờ không, bởi vì Hùng Bá đã bắt đầu truyền thụ “Bài Vân Chưởng” trong Tam Tuyệt cho y.
Bài Vân Chưởng này Bộ Kinh Vân cũng chẳng thiết tha cho lắm, nhưng nghĩ đến việc một ngày nào đó có thể lấy mạng Hùng Bá, dùng chính chưởng pháp của Hùng Bá để phản kích lão, nên y cố gắng khổ luyện không biết mệt mỏi, hơn nữa, nhờ ngộ tính cực cao nên không đến ba tháng y đã có thể luyện thành thục Bài Vân Chưởng.
Nhanh đến mức Hùng Bá cũng khó tin!
Trước đây, lão thu nhận Bộ Kinh Vân làm đồ đệ bởi khí độ lạnh như băng rất đặc biệt kia, hơn nữa còn bởi cái tên “Kinh Vân” nhưng lão lại chưa một lần lo lắng về tư chất của Bộ Kinh Vân, thầm nghĩ, Bài Vân Chưởng là tuyệt học cả đời mình, tuy y là kỳ tài võ học nhưng muốn nắm vững Bài Vân Chưởng thì không thể dưới một năm rưỡi. Ai ngờ Bộ Kinh Vân không chỉ là kỳ tài võ học, mà còn là kỳ tài trong kỳ tài, tiếng cảnh của y thực sự đã vượt ra ngoài dự liệu của Hùng Bá, cũng vượt khỏi suy đoán của Tần Sương.
Tần Sương không thể ngờ tiểu sư đệ này lại có thiên phú kinh người như thế, y cốt cách tinh kỳ, nếu tiếp tục luyện tập thì không đến một năm, cả võ công lẫn nội lực sẽ ở trên mình.
Nhưng Tần Sương trời sinh tính tình thẳng thắng chính trực vô cùng, hắn hoàn toàn không ngần ngại đề cập chuyện võ công Bộ Kinh Vân có thể tiến xa hơn, có lẽ một ngày nào đó sẽ thay thế vị trí của mình trong lòng sư phụ. Hắn muốn lấy thân sư huynh mà toàn tâm toàn ý giúp đỡ dạy dỗ sư đệ thành tài.
Tuy rằng Tần Sương luyện cả Thiên Sương Quyền lẫn Bài Vân Chưởng nhưng chân khí nội gia của hai người luyện lại khác nhau, nhưng hai môn võ học trong tam tuyệt này khi gặp chướng ngại đều có thể gặp tình huống bị tẩu hỏa nhập ma như nhau. Bởi vậy, Tần Sương cũng đem hết kinh nghiệm kể cho Bộ Kinh Vân, hy vọng y có thể tránh được.
Nhưng mà tiểu sư đệ này dường như thật sự lạnh như băng, chọ dù Tần Sương có nhiệt tình chỉ dẫn thì Bộ Kinh Vân trước sau vẫn không hề lộ ra một chút cảm xúc, không nói một tiếng, Từ lúc hai người trở thành huynh đệ đồng môn đến nay, Bộ Kinh Vân chưa từng mở miệng nói với hắn nửa câu, tựa như không hề có cảm tình với hắn, cũng không hề có cảm tình với bất cứ ai.
Thiên Hạ Hội rất đông thị nữ nhưng không mấy ai nguyện ý vào Phong Vân Các của Bộ Kinh Vân, bề ngoài y lạnh lùng vô tình làm cho các nàng nhìn mà phát sợ, thậm chí bang chủ Hùng Bá uy nghiêm cũng không khiến cõi lòng các nàng băng giá như vậy.
Đương nhiên, cuối cùng các nàng vẫn sợ bang quy mà thay nhau lo việc cơm nước áo quần cho Bộ Kinh Vân.
Bộ Kinh Vân dù lạnh lùng đến đáng sợ nhưng đôi lần Tần Sương cũng thoáng nhận ra trong mắt y có một nỗi lo lắng không yên.
Một thiếu niên lạnh lùng như y rốt cuộc vì sao mà lo lắng? Tần Sương rất ngạc nhiên!
Nhưng Hùng Bá lại không để ý đến nỗi lo lắng của Bộ Kinh Vân như Tần Sương, lão chỉ quan tâm đến tiến bộ võ công của Bộ Kinh Vân mà thôi.
Đứa đồ đệ này ngoài việc ngộ tính cực cao, có thể nắm vững Bài Vân Chưởng rất nhanh, trong một lần truyền nội công tâm pháp cho Bộ Kinh Vân, Hùng Bá còn phát hiện ra trong cơ thể đứa trẻ này có ba luồng chân khí khác nhau lưu chuyển không ngừng.
Trong đó, luồng chân khí yếu nhất là Bài Vân Chưởng, có lẽ do mới tu luyện trong thời gian ngắn.
Một luồng chân khí khác rất thâm hậu, hiển nhiên là đã luyện không ít thời gian, chân khí này ẩn chưa một thứ khí chất nhu hòa, thuộc loại chân khí nội gia chính tông.
Còn luồng thứ ba lại làm Hùng Bá kinh ngạc nhất, luồng chân khí này ước chừng kém luồng thâm hậu vừa nói kia khoảng một năm, nhưng lại là luồng chân khí mạnh mẽ nhất trong cơ thể Bộ Kinh Vân!
Hùng Bá không biết phải hình dung luồng chân khí này ra sao, nhưng rõ ràng nó được dẫn dắt bởi một loại cảm giác đau đớn bi thương, tựa như trong cơ thể Bộ Kinh Vân đặt hang ngàn hỏa dược, căng thẳng vô cùng, lực lượng khó dò.
Tần Sương cho rằng không đến một năm, võ công Bộ Kinh Vân sẽ vượt qua mình, còn Hùng Bá thì hiểu rằng võ công đứa trẻ này sớm đã cao hơn đại đệ tử tần Sương của lão.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...