Phồn Chi (Tập 2)


Từ Văn Diệu nghe xong lời này thì cao hứng hẳn, cúp máy xong liền nhanh chóng xử lý hết công vụ, chộp lấy chìa khóa xe, sau đó thẳng đến bệnh viện. Lúc gần đến nơi, lại nhác thấy tiệm bán đồ điêu khắc gỗ cổ điển. Bất chợt nghĩ tới bức tường còn trống ở nhà, lại nghĩ đến Vương Tranh rất thích những thứ như thế bèn dừng xe lại mua hai cái. Bản thân anh không có hứng thú gì với loại hình nghệ thuật này, nhưng Vương Tranh lại muốn sống trong không gian sống có chút hơi thở Trung Hoa cổ điển nên cũng vui vẻ chiều theo cậu. Khi anh trả tiền xong, quay trở về xe thì nghe thấy giọng nói có chút e sợ vang lên sau lưng: “ Văn Diệu? Cậu, xin hỏi, cậu là… Từ Văn Diệu phải không?”
Từ Văn Diệu xoay người lại. Bấy giờ, mặt trời đương lúc chính ngọ, trên đường xe qua lại không ngừng, cây cổ thụ ven đường đổ bóng xuống phủ lấp đi phần nào người trước mặt, khiến gương mặt đối phương chìm vào bóng tối. Từ Văn Diệu phải nheo nheo mắt, cùng lúc ấy anh loáng thoáng nghe thấy âm thanh kỳ quái. Rõ ràng như tiếng trống, sau đó anh mới ý thức được đó là nhịp đập từ trái tim mình, có một chút bối rối pha thêm một chút rời rạc. Thần kinh căng thẳng với những ưu lo mấy hôm nay kéo nhau chùng xuống.
Sau khi nhận cuộc gọi của Quý Vân Bằng, anh đã nhiều lần tưởng tượng ra nếu thật sự là người đó thì khi gặp phải nói những gì đây, hai chữ “ xin lỗi” sẽ nói ra lúc nào, ở đâu mới phù hợp. Nhưng nay khi chuyện xảy đến trước mắt, lại phát hiện bản thân không muốn nói gì. Tất cả đều là cố biện minh cho tội nghiệt của mình. Mười năm qua đi, thời gian khẽ khàng bôi xóa những lỗi lầm cùng nông nổi của tuổi trẻ. Ba mươi năm sống trên đời, đột nhiên anh cảm thấy mình lúc này không dám quay đầu nhìn lại, nhất là nhìn về phía người ấy. Mái đầu lớm chớm hoa râm hoàn toàn không tương xứng với tuổi tác, tấm lưng còng, và cả những vết tích già nua mỏi mệt do cuộc sống chèn ép rải rác khắp khuôn mặt.
Còn đôi mắt đó. Đôi mắt từng khiến Từ Văn Diệu say đắm vì giống hệt với người yêu trong hồi ức, giờ đã không còn trong sáng nữa, mà bị che lấp và phủ đầy tầng tầng mây mù. Trong mắt phản ánh vẻ sợ hãi cùng e ngại, muốn mà không dám, xấu hổ và đau khổ.
Tên của người này, Từ Văn Diệu nghĩ mãi cũng không thể nhớ nổi. Rõ ràng anh vẫn còn nhớ rất nhiều chuyện về đối phương, cách đôi tay xinh đẹp từng pha chế ra những loại rượu ngon như thế nào, cả cách đôi mắt đan phượng dài nheo lại khi thêm một quả anh đào điểm xuyết cho ly cocktail, hoặc những lúc bị anh hành hạ trên giường vừa khóc vừa cầu xin đầy phong tình. Từ Văn Diệu phát hiện ra sự việc mình nhớ được nhiều hơn tưởng tượng rất nhiều, nhưng lại quên mất tên của đối phương.
Anh ta tên gì? Họ gì? Hình như có một cái tên tiếng Anh, mọi người trong giới đều gọi bằng biệt danh đó, chẳng mấy kẻ chịu gọi bằng tên tiếng Trung. Nhưng Từ Văn Diệu vẫn nhớ, những lúc hai người cùng nhau điên cuồng làm tình, anh ta đã dịu dàng yêu cầu anh hãy gọi tên thật của anh ta.
Nhưng bây giờ, anh lại không thể nhớ ra!
“ Cậu không nhớ tôi ư?” Người kia như giẫm phải gai bước lui vài bước, môi run run, cố rặn ra nụ cười buồn tủi, “ Ha ha, cũng đúng thôi, chúng ta đã mười năm không gặp rồi… Tôi, tôi cũng già như vậy… cậu quên cũng phải.”
“ Không.” Từ Văn Diệu lắc đầu, một tay xách hai bức phù điêu, bước lên phía trước, bình tĩnh đáp: “ Tôi vẫn nhớ anh… nhưng lại quên mất tên.”
Người đàn ông kia chẳng biết là đang khóc hay đang cười, sau một lúc mới đáp: “ Tôi, tôi là Jacket, trước đây mọi người hay gọi là J.”
“ Tên tiếng Trung!”
“ Tên đó … nghe cục mịch lắm…”
Từ Văn Diệu khẽ ngước đầu, ánh nắng rọi vào trong mắt, giờ khắc này chỉ thấy xiềng xích vẫn luôn quấn quanh người càng lúc càng nặng nề hơn. Chốc sau, anh thở dài, nói: “ Làm ơn nói cho tôi biết!”
Đối phương như bị hù doạ, trừng to mắt, hơi nước phủ đầy, sau đó, khó khăn nhả ra từng chữ một: “ Trương Quý Sinh. Tôi, tôi là Trương Quý Sinh.”
Nhìn Trương Quý Sinh lúc này đang ngồi đối diện với mình, bất giác Từ Văn Diệu cảm nhận rõ ràng câu nói, thời gian như bóng câu qua cửa nào đợi một ai.
Anh nhớ mình từng tai áp má kề vô cùng thân thiết như thế nào với người này. Khi ấy, anh ta đã cầm tay anh chạm lên cơ thể mình. Cậu thiếu niên mười tám tuổi đã học được cách thỏa mãn dục vọng của chính mình trên thân thể của người này. Cậu bé đã thành một người đàn ông nhờ những va chạm xác thịt cùng những tiết tấu triền miên của nó.

Lúc đó, anh không nghĩ đối phương có ý nghĩa gì với mình, đơn giản là hữu cầu tất ứng, khỏa lấp những dục vọng đói khát của bản thân. Cậu thiếu niên kia đã không nghe không thấy thứ gì khác ngoài những tiếng gào thét đầy nhu cầu trong nội tâm, làm theo những khốn quẫn giữa cõi lòng hoang vu. Chính sự trống trải đó đã trở thành một loại áp lực khiến anh điên cuồng giày vò cơ thể của Trương Quý Sinh. Chỉ những khi cả người đều rệu rã trong đỉnh cao của dục tính thì may ra mới có được chút an bình.
Những nông nổi đó, sau bao năm tìm về tự hỏi, Từ Văn Diệu mới hốt hoảng nhận ra mình đã khờ dại và nhẫn tâm nhường nào.
Thanh xuân buổi đó tràn ngập tình dục, rượu bia và bạo lực. Điên cuồng và trực diện. Không ưa nổi ai cứ tùy ý vung tay vung chân, còn vừa lòng người nào thì tùy tiện cưỡng đoạt. Người tình lớn tuổi này có một vai trò hết sức đặc biệt trong đoạn thời gian đó của anh. Anh ta như một huấn luyện viên, lại như trưởng bối dịu dàng. Những khi anh đau khổ chìm sâu thì vươn tay ra cứu rỗi cũng như chăm sóc.
Nhưng tiếc thay, cảm tình của anh ta trao cho anh khi đó, một thiếu niên nông cạn không cách gì hiểu nổi. Vẻ đau khổ cũng như ưu tư của đối phương hoàn toàn không khiến Từ Văn Diệu xao lòng. Huống hồ, anh cũng không giống với những cậu bé mười tám tuổi khác. Linh hồn anh đeo mang tội nghiệt của mối tình đầu, áp bức khiến anh không thở nổi. Phải dùng tới những cách thức cực đoan mới có được chút thư thả.
Tất cả đều sai! Thời gian sai, nơi chốn đều không đúng! Là người tình từng trải hay cách sống sa đoạ cũng chỉ là phương thức Từ Văn Diệu dùng để bóp chết thanh xuân cùng tuổi trẻ của chính mình.
Giờ phút này đây, một Từ Văn Diệu trưởng thành bỗng thấy mọi thứ đều thật vi diệu. Những gì đã phát sinh mơ hồ như giấc mộng thoáng qua. Mới đầu còn rất rõ ràng, nhắm mắt lại là có thể mường tượng được chính xác từng sự vật, sự việc, nhưng khi tỉnh thức lại chỉ mập mờ không rõ rồi nghi hoặc tự hỏi, có thật những chuyện đó từng xảy ra? Có thật từng cùng người đàn ông này giao cấu như dã thú?
Từ Văn Diệu cúi đầu nhìn bàn tay mình, là một đôi tay hết sức bình thường, vì trường kỳ rèn luyện trong quân đội nên rất mạnh mẽ, nhưng lại không có dấu vết lao động nặng. Móng tay được cắt giũa tỉ mỉ, lòng bàn tay luôn khô ráo sạch sẽ, chạm vào sẽ thấy dễ chịu. Nhưng khi nghĩ tới những chuyện đôi tay này từng gây ra trong suốt mùa hè năm mười tám tuổi. Nó đã từng cầm dao loạn đả với đám côn đồ trong một đường hầm chật hẹp; từng học theo người đàn ông nọ, vụng về pha chế ra một hỗn hợp rượu đặc biệt; cũng từng điên cuồng xé bỏ quần áo của người đàn ông đứng đối diện, ngấu nghiến đến bầm tím vòng eo của anh ta khi liên tục đi sâu vào cơ thể ấy.
Anh đột ngột nhớ ra, bản thân đã lâu rồi không hồi tưởng lại nhiều chuyện xưa đến vậy. Tình yêu đơn phương dành cho người thầy giáo trẻ; tiếng cười khùng khục ma quái trong nhà giam, bàn tay gầy đét và khô héo trước khi đưa vào lò hỏa thiêu; cùng cái siết tay tráo đổi tội nghiệt năm nào… Đều rất lâu không nhớ tới nữa. Thay vào đó, là nụ cười nhạt như nắng ban mai của Vương Tranh, hay mùi hương dịu nhẹ cùng hơi ấm nồng nàn tỏa ra từ cơ thể cậu đã khiến anh khát vọng sâu sắc hơn bất kỳ thứ gì. Nhất là khi những năm tháng xấu xí ở dĩ vãng đột nhiên xuất hiện và được cụ thể hóa thành người đàn ông già ngồi trầm lặng ở đối diện, tựa hồ như đang trách cứ anh là đê tiện hèn mọn. Từ Văn Diệu cảm thấy quay cuồng hoảng loạn, chỉ muốn ngay lập tức rời khỏi nơi đây chạy đến bên Vương Tranh mà ôm chặt cậu vào lòng.
Nhưng, thiếu niên mười tám tuổi có thể từ bỏ mọi thứ để trốn chạy, sống ra sao thì sống, còn người đàn ông ba mươi tuổi lại phải cố chịu đựng cơn tức thở, buộc mình đối diện với quá khứ, dù rằng nó ngu xuẩn và ích kỷ đến thế nào.
Từ Văn Diệu nghĩ mình cần phá vỡ cục diện trầm mặc này, từ trước kia Trương Quý Sinh đã không phải người hay nói, nếu anh không chủ động lên tiếng thì hai người cứ im lặng mà đối mặt.
“ Anh chưa ăn trưa phải không? Muốn ăn gì nào?” Từ Văn Diệu xem thực đơn.
“ Không cần đâu, tôi, tôi uống nước là được rồi…”
Từ Văn Diệu khẽ ngước đầu lên, Trương Quý Sinh giật mình rụt cổ lại, cẩn thận nhìn anh, nói: “ Thật sự không cần phiền như thế …”
“ Có gì mà phiền chứ.” Từ Văn Diệu nói, đưa thực đơn cho phục vụ rồi gọi món. “ Một phần bít – tết, và một ly cà phê.”
Giờ đang giữa trưa, đây là nhà hàng món Âu, khách khứa ra vào khá đông, đa phần người tới đều là dân văn phòng. Vì không phải nhà hàng cao cấp nên không khí có phần huyên náo, bàn ghế xung quanh liên tục được di chuyển khiến người khác dễ dàng thất thần. Mất một lúc sau, Từ Văn Diệu mới giật mình, Trương Quý Sinh có nói gì đó, anh áy náy hỏi lại: “ Anh nói gì cơ?”
“ Không có gì, chỉ là tôi hỏi, cậu không ăn sao?”

“ À,” Từ Văn Diệu không muốn nói mình không có tâm trạng, bèn đáp: “ Bữa sáng ăn nhiều quá nên giờ không thấy đói.”
“ Không đói thì cũng ăn chút gì đó, kẻo lại đau bao tử…” Trương Quý Sinh yếu đuối liếc sang nhìn anh, nhỏ giọng nói: “ Xin lỗi, tôi lắm lời.”
“ Không sao, tôi nhớ hồi đó anh cũng thường quan tâm tôi như vậy.”
Trương Quý Sinh mỉm cười. Từ Văn Diệu lại trầm ngâm. Chuyện cũ như lũ, đổ ào ào vào con sông ký ức đã cạn dần, bắt đầu từ chân và đang thấm dần thấm dần, toan tính nhấn chìm anh. Lúc sau, anh khẽ lắc đầu nhằm xua đi ý nghĩ đó, bình tĩnh hỏi: “ Bây giờ anh thế nào?”
“ Rất tốt,” Trương Quý Sinh cúi đầu cười đáp. “ Có việc làm, có chỗ ở.”
Từ Văn Diệu âm thầm quan sát đối phương, tóc lớm chớm bạc, trang phục rẻ tiền, mặt mày mệt mỏi và có phần khúm núm. Rõ ràng anh ta sống không tốt. Anh vừa định lên tiếng thì phục vụ đã mang bò bít – tết lên, nước sốt vẫn còn sôi sì sèo trên đĩa sắt. Từ Văn Diệu chỉ tay về phía Trương Quý Sinh, phục vụ liền nhanh nhẹn đặt đĩa thức ăn xuống trước mặt anh ta.
“ Ăn đi,” Từ Văn Diệu nói. “ Không cần lo cho tôi đâu.”
“ À, ừ.” Trương Quý Sinh như không dám cãi lời Từ Văn Diệu, vội cầm dao lên nhưng tay lại run rẩy mãi, miếng thịt bò cắt mãi không xong, tiếng dao nĩa cứa vào đĩa keng két khiến người ta nghe cũng rùng mình. Từ Văn Diệu thấy lòng mình cũng đang bị cứa ra, buồn bực bỏ tách cà phê xuống bàn.
“ Xin lỗi!” Trương Quý Sinh càng thêm hoảng sợ, buông dao nĩa xuống, mặt mày trắng bệch ra.
Từ Văn Diệu chống tay lên trán, hít một hơi thật sâu nhằm điều chỉnh ngữ khí, sau đó ôn hòa nói: “ Không sao, đó đâu phải lỗi của anh.”
Trương Quý Sinh cúi gầm mặt, như đứa trẻ làm sai quấy. Từ Văn Diệu thở dài, dịu dàng nói: “ Ăn đi, có phải vì ở trước mặt tôi nên anh thấy căng thẳng?”
“ Không phải,” Trương Quý Sinh lắc đầu, nâng đầu dậy, hốc mắt đỏ au. “ Tay tôi từng bị thương, là vết thương cũ thôi, bây giờ dùng không quen lắm… nên là lỗi của tôi.”
Từ Văn Diệu im lặng, ngây người nửa ngày mới lấy dao nĩa và thịt bò của Trương Quý Sinh sang phía mình, tỉ mỉ từng chút một thay anh ta cắt miếng thịt ra từng miếng nhỏ.
Mọi thứ diễn ra như một nghi thức trong những tiếng vọng của hồi ức nhẹ dịu. Bản thân Từ Văn Diệu chưa từng làm bất cứ chuyện gì dù là nhỏ bé cho Trương Quý Sinh. Mặc dầu ngay từ lúc khởi đầu anh đã vơ vét đi bao nhiêu thứ của anh ta, nhưng chưa từng nghĩ sẽ cho lại, ngay cả kỹ thuật anh cũng lười đến mức không thèm trau chuốt nữa là.
Anh nhớ tới khi đã trưởng thành, luôn đảm nhiệm vẹn tròn chức trách với bạn tình. Hai người luôn ở thế bình đẳng, thích hay không thích gì cũng không hề che giấu, ngay cả khi tán tỉnh nhau cũng tuân thủ quy tắc. Đa số tình nhân của anh đều rất xinh đẹp và thông minh, còn trẻ nên rất tự tin, một số người còn có hoàn cảnh gia đình rất tốt, có vị trí xã hội cao. Không phải ai cũng muốn Từ Văn Diệu chăm sóc chu đáo, hay muốn thứ gì ở anh, nhiều lúc đơn thuần chỉ là cuộc đọ sức xem kỹ xảo của đối phương mà thôi. Có đôi lúc chỉ như đang chơi một trò chơi lãng mạn và không ai trong cuộc phải chịu trách nhiệm gì. Đến cả ngây thơ đơn giản như Tạ Xuân Sinh cũng vậy. Ai cũng tự biết giới hạn của mình và đối phương, không để bản thân sa chân vào những tình cảm không có kết quả.

Nói như thế, những người chân chính khiến anh chùn chân và lún sâu chỉ có Trương Quý Sinh và Vương Tranh. Hai người như hai đầu của một vòng tròn, trói chặt anh lại.
“ Ăn đi,” Từ Văn Diệu đã cắt xong thịt nhẹ nhàng nói, “ Nguội sẽ không ngon nữa.”
Trương Quý Sinh ngước đầu lên nhìn anh, mắt đã giăng giăng lệ, bèn vội vã cúi mặt, ghim một miếng thịt bò cho vào miệng. “ Ngon quá!”
Từ Văn Diệu thở dài, tựa lưng vào thành ghế, bưng tách cà phê lên, nhìn Trương Quý Sinh ăn cơm mà như thể đang nuốt thuốc độc, trong lòng chẳng rõ là đang nghĩ gì, nuốt vội một ngụm cà phê lại thấy vị chua chát.
“ Bây giờ anh làm gì?”
Trương Quý Sinh giật mình, suýt nữa thì đánh rơi nĩa. “ Tôi, tôi có thể nuôi sống mình…”
“ Rốt cuộc là việc gì?” Từ Văn Diệu hỏi. “ Tay anh bị thương, chắc chắn không pha chế rượu được nữa.”
Trương Quý Sinh cười khổ. “ Pha chế à, tôi cũng quên hết rồi, mười mấy năm chẳng chạm tới…”
“ Mười mấy năm?” Từ Văn Diệu vội chớp lấy sơ hở trong lời nói. “ Nói vậy là tay anh đã bị thương rất lâu rồi? Là vết thương gì? Xảy ra ngay khi chúng ra vừa chia tay?”
Trương Quý Sinh mặt mày trắng bệch, buông nĩa ăn xuống “ Cậu đừng hỏi nữa.”
“ Nói cho tôi biết! Tóc anh sao lại thế này?” Từ Văn Diệu chất vấn. “ Tôi nhớ là trước đây tóc rất đen rất mượt mà!”
Trương Quý Sinh cắn môi im lặng.
“ Anh không nói cũng được,” Từ Văn Diệu đáp. “ Tôi từng nghe đồn, đương nhiên là không chắc chắn, hình như lúc ấy tình hình của anh rất tệ. J à, không phải tôi muốn xen vào việc riêng của anh, mà chỉ mong anh tin tôi, nếu cần thì cứ tìm tôi.”
Trương Quý Sinh run run người, tấm lưng càng còng xuống như muốn trốn tránh, một lúc lâu sau mới có dũng khí mà nói. “ Đều … đều là quá khứ hết rồi.” Đoạn lại ngước đầu, mắt ngập nước. “ Văn Diệu, cậu trưởng thành, bây giờ còn là một người đàn ông thành công và tài giỏi nữa… giống như tôi từng tưởng tượng vậy. Nhìn cậu thế này, tôi vui lắm. Bây giờ, tôi sống rất tốt, tuy có chút không suôn sẻ nhưng là người ai chẳng vậy?”
Từ Văn Diệu càng thấy áy náy và xấu hổ hơn. Anh đòi giúp anh ta, chẳng qua cũng chỉ vì tội lỗi của bản thân chứ không vì đối phương. Sau mười mấy năm, anh và cậu thiếu niên nông nổi đó cũng đâu có gì khác nhau?
“ Tay của tôi có tật, nhưng đầu óc còn tốt, người cũng không tàn phế, có cách tự nuôi sống bản thân.” Trương Quý Sinh khiêm tốn nói. “ Cậu, cậu mời tôi bữa cơm như vầy là tốt lắm rồi, không cần làm gì cho tôi nữa đâu. Thật đó, tôi…”
Bất chợt, di động của Từ Văn Diệu reng lên, anh tiếp máy, là tiếng Vương Tranh: “ Từ Văn Diệu, không phải anh bảo tới đón em sao?”
Từ Văn Diệu giật mình, ấy vậy mà quên mất chuyện hẹn Vương Tranh đi ăn cơm trưa, bèn vội vàng nói: “ Xin lỗi, anh, anh có việc đột xuất nên quên không gọi điện báo cho em biết. Xin lỗi em! Em đã kiểm tra xong hết chưa? Đã ăn cơm chưa? Trễ rồi đấy, đừng để bụng đói…”
Anh còn chưa nói hết ý thì cậu đã chen vào: “ Em luôn chờ anh thì sao mà ăn cơm được!”

Dù chỉ là qua điện thoại nhưng Từ Văn Diệu vẫn nghe ra Vương Tranh đang tức giận. Anh chưa từng thấy Vương Tranh thật sự nổi giận cũng không khi nào nghe cậu nói năng lạnh lùng thế này, bèn lo lắng giải thích: “ Vậy em mau đi ăn gì đó đi, em không thể để bụng đói được, đừng chờ anh. Anh xin lỗi, Tiểu Tranh! Tại anh không tốt. Hiện giờ đang có chuyện gấp, có gì sẽ về giải thích với em sau?”
Tiếng Vương Tranh thở gấp, sau đó lại chỉ lãnh đạm hỏi: “ Là chuyện gì?”
Từ Văn Diệu liếc nhìn Trương Quý Sinh, bây giờ có cho anh mười lá gan anh cũng không dám nói thật, bèn lấp liếm cho xong: “ Không có gì đâu, là chuyện công ty thôi.”
“ À,” Vương Tranh ngân một tiếng, thản nhiên nói tiếp: “ Chuyện công ty quan trọng hơn, em cúp máy đây.”
Từ Văn Diệu tính nói thêm nhưng Vương Tranh đã nhanh ngắt máy. Điệu bộ khẩn trương cùng bất an của anh đều rơi vào mắt Trương Quý Sinh. Anh ta dường như hiểu ra gì đó, ảm đạm cười, hỏi: “ Là, là bạn… của cậu sao?”
“ Người yêu!” Từ Văn Diệu đáp. “ Tôi phải đi trước, cậu ấy có vẻ không vui. J, cho tôi số điện thoại của anh đi, lần sau mình lại nói tiếp nhé?
Trương Quý Sinh khẽ sững người. “ Vậy, vậy cậu mau đi đi. Ha ha, chúng ta… không cần gặp lại đâu, cũng không có gì cần nói…”
Từ Văn Diệu mất kiên nhẫn, gầm nhẹ: “ Đừng nhiều lời thế, cho tôi số điện thoại!”
Trương Quý Sinh không dám cãi lời, sợ hãi nói ra một dãy số.
Từ Văn Diệu lưu số vào điện thoại rồi gọi phục vụ tới tính tiền, sau đó từ biệt Trương Quý Sinh, rời khỏi nhà hàng. Lúc định nổ máy chạy xe đi điện thoại lại vang lên lần nữa, là số vừa gọi.
“ Tiểu Tranh, em đang ở đâu, anh đi đón em. Chúng ta cùng đi ăn gì nhé, chiều nay anh sẽ ở bên em suốt, anh đền cho, được không?”
“ Sếp, là tôi,” tiếng trợ lý vang lên. “ Lúc nãy thầy Vương dùng điện thoại của tôi.”
Từ Văn Diệu ngây ra. “ Cậu ấy đâu rồi?”
“ Đi rồi. Thầy ấy, trời ơi, lần này chết sếp rồi! Thầy Vương biết anh đang nói dối đó! Lúc nãy, chúng tôi ở bệnh viện chờ anh, thầy Vương thấy lâu quá nên rủ tôi vào một nhà hàng gần đấy chờ tiếp, vì vậy tôi liền chở thầy ấy đi… nhưng không ngờ lại thấy anh đang ngồi cùng ai đó bên cửa sổ. Thầy Vương rất tinh, câu đầu tiên hỏi tôi là, đối phương là ai, khách hàng của công ty hả. Tôi đã lanh lẹ nói phải, nhưng thầy ấy không tin, sau đó khi thấy anh giúp người kia cắt thịt bò thì xanh mặt luôn!”
Từ Văn Diệu lòng rối bời hỏi. “ Sau đó thì sao?”
“ Sau đó? Sau đó thầy ấy gọi điện thoại cho anh, tôi cản không kịp. Nhìn thầy ấy như muốn phát bệnh tới nơi vậy, ôm ngực mà thở suốt, tôi nào dám nói năng gì nữa? Nói chuyện điện thoại xong thầy ấy đuổi tôi đi, tự mình bắt xe về nhà.”
Từ Văn Diệu như bị sét đánh, không biết đã ngắt điện thoại lúc nào, trong đầu chỉ còn chờn vờn câu nói kia của trợ lý, “ Nhìn thầy ấy như muốn phát bệnh tới nơi vậy!” . Càng nghĩ càng sợ hãi, run rẩy nhấn ga chạy thẳng một mạch, trên đường không ngừng gọi điện thoại bàn ở nhà, nhưng mãi mà chẳng ai bắt máy, lo lắng chẳng biết Vương Tranh đã về chưa, hay là về rồi mà không muốn nghe điện thoại.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận