Phò Mã Gặp Nạn FULL


Vua Thuận Thái mặt mày sáng rỡ hướng ba người ánh mắt ôn hòa, giọng hào sãng tuyên:
- Phan Đình Vũ, đệ tam giáp, thám hoa.

Tứ phong thất phẩm Thị Độc, bổ nhiệm ở Hàn lâm viện.

- Hứa Du Nhiên, đệ nhị giáp, bảng nhãn.

Văn tài võ lược, cẩn trọng đa mưu, thật sự là một nhân tài hiếm hoi.

Trẫm có ý định bổ nghiệm khanh là lục phẩm ngoại lang Hình bộ ti.

Thế nhưng ngẫm lại Hứa khanh tuổi trẻ tài cao, tuy chưa đến nhược quán nhưng đã bộc lộ khí chất quang tỏa của một trụ cột quốc gia, nhân tài đại tướng.

Trẫm cũng muốn xem hết Hứa khanh có bao nhiêu tài hoa tiềm ẩn.

Như vậy đi, khanh đi Thiên Bình trấn làm tri châu.

Hãy mang hết bản lĩnh của khanh, biến Thiên Bình trấn thành vùng đất phồn hoa màu mỡ cho trẫm xem.

Một lời của vua như sét đánh ngang tai.

Hồ thái sư, Hứa ngự sử cùng bá quan đều kinh ngạc đến không dám tin nhìn Hứa Du Nhiên mặt cũng đang tái xanh thảm hại.

Thật không ngờ hoàng thượng thế nhưng chấm Hứa Du Nhiên nhị bảng.

Nhưng nhị bảng cũng không phải đáng nói, đáng nói ở chỗ Phan Đình Vũ tam bảng thế nhưng có thể ở lại Hàn Lâm viện làm trợ thủ dưới trướng của thái sư.

Còn Hứa Du Nhiên kiệt xuất nổi tiếng xưa nay lại phải đi tận Thiên Bình làm tri châu của một trấn nhỏ.

Tuy rằng tri châu cũng không phải quan hàm nhỏ nhưng Thiên Bình trấn cách rất xa kinh thành, một khi đi rồi biết khi nào có cơ hội trở lại đế kinh? Hoàng thượng làm thế khác nào đang trù dập nhân tài? Ngài quyết định như vậy là đang muốn thử thách Hứa Du Nhiên hay đang thể hiện thái độ nghiêm khắc với Hứa gia và thái sư, trách Hứa gia và thái sư quá gần gũi với thái tử hay sao?
Đám đại thần đều một mặt không cảm xúc, cũng không dám nhìn lung tung.

Hôm nay ở đại điện không có thái tử đến nghị triều.

Việc đêm qua hoàng thượng quở trách thái tử tuy rằng chỉ có một mình lão thái giám Trần Vũ chứng kiến nhưng sáng nay không thấy thái tử thì ai ai cũng hiểu chắc do thái tử tín sủng Hứa gia và Hứa Du Nhiên đã khiến hoàng thượng không vui.

Nhưng hoàng thượng phân bổ như vậy đối với Hứa Du Nhiên thật sự có chút ép uổng hắn ta.

Hắn là niềm kiêu hãnh của thái sư, bây giờ lại bị điều đi xa không được thái sư dẫn dắt thì xem như mệnh tốt vận xấu, cũng phải tự thân bò lên bằng bản lĩnh.

Cả triều đường ai nấy đều căng thẳng không một tiếng hé môi.

Kể cả Hồ thái sư, Tô thừa tướng, Hứa ngự sử cũng đều không ai có phản ứng.

Hứa Du Nhiên chờ một lúc thấy không khí vẫn như thế, xem ra đấy là số mệnh.

Hắn khẽ thở dài một tiếng rồi nghiêm cẩn ngẩng đầu khí phách nói to:
- Thần Hứa Du Nhiên nguyện dốc hết sức mình không phụ long ân!
- Tốt! – Vua Thuận Thái vỗ long án, tán thưởng thái độ của Hứa Du Nhiên.

Sau đó vua quay sang Lưu Kì Anh, nói tiếp – Lưu Kì Anh về văn tài, võ lược đều không thể sánh với Hứa khanh.


Nhưng trẫm chấm khanh ở chỗ đầu óc thông minh, bản lĩnh tinh nhạy, trước nguy không hãi, bình tĩnh làm chủ thế cuộc, không bỏ lỡ cơ hội vượt qua tình huống.

Đấy mới chính là phẩm chất của một hiền thần, trụ cột tương lai.

Vua Thuận Thái nói đến đây dừng lại, quan sát thái độ của quần thần một lượt.

Không thấy ai có thái độ nào cả, ngài mới nói tiếp:
- Thế nhưng hiện tại trẫm lại không biết bố trí Lưu ái khanh ở bộ nào mới thích hợp.

Các khanh có ý kiến gì không?
Các đại thần căng thẳng nhìn nhau.

Hay là hoàng thượng lại muốn thả câu? Hứa Du Nhiên thân thiết với thái tử, kết quả bị hoàng thượng "trọng đãi" bằng cách đưa đi xa đến như thế.

Cả thái tử cũng bị quở phạt thật nghiêm.

Bây giờ hoàng thượng lại lấy việc bổ nhiệm Lưu Kì Anh ra làm mồi nhữ bá quan, ai dám lên tiếng đây? Ngài nói "bố trí Lưu ái khanh ở bộ nào", rất rõ ràng ý tứ là Lưu Kì Anh là "ái khanh" sẽ được trọng dụng ở trong lục bộ của vua.

Thế nhưng vị Lưu ái khanh này của vua đoạt hết hào quang của "ái tôn" của thái sư, "ái điệt nhi" của hoàng hậu và cũng là vị biểu đệ rất có trọng lượng với đươngkim thái tử.

Vị đại thần nào mở miệng tiến cử cho Lưu Kì Anh chính là chống đối thái sư, giỡn mặt với thái tử và sẽ là cái gai trong mắt hoàng hậu.

Hoàng thượng làm như vậy chính là cố ý buộc quần thần phải có thái độ.

Quần thần cũng biết không một vị vua nào chấp nhận hành vi kết bè kết đảng trong triều.

Nhưng mọi người đều nghĩ hoàng thượng cũng sẽ giơ cao đánh khẽ, chỉ cảnh cáo thôi.

Không ai ngờ đến ngài lại dứt khoát, thẳng tay với cháu ngoại của thái sư.

Cả thái tử cũng bị vạ lây thì đại thần nào không sợ?
Ý tứ của Thuận Thái rõ ràng đến như vậy nhưng không một vị nào mở miệng thì thật là không phải với vua.

Nghĩ vậy, Tô thừa tướng định bước lên thì đúng lúc Hồ thái sư cũng bước lên.

Thái sư hướng vua vẻ mặt tươi tắn chắp tay bẩm:
- Hoàng thượng anh minh, lão thần cũng cảm thấy tân trạng Lưu Kì Anh thông tuệ nhạy bén, cho dù ở nơi nào trong lục bộ cũng có thể phát huy.

Nhưng lão thần lại nghĩ nơi thích hợp nhất để y phát huy là ở trong cung.

- Hả?
Vua Thuận Thái ngẩn người giây lát.

Tô thừa tướng cũng trợn mắt.

Minh Anh thì muốn chửi lớn trong lòng.

"Lão thái sư thật sự tốt bụng ghê gớm!" Nàng đang mang thân phận nam tử, lão tiến cử cho nàng vào cung, ý là muốn nàng ém làm...thái giám hay sao? Lão già ác ôn! Chắc chắn là ông ta ghim chuyện nàng chiếm mật vị trí hào nhoáng đáng lí phải thuộc về cháu ngoại ông ta cho nên ông ta là đang xỏ xiên nàng đây!
Tô thừa tướng nhếch nhếch khóe môi, đang muốn mở miệng nói lí với thái sư thì thái sư bật lên một tiếng cười ra, nói tiếp:
- Bẩm hoàng thượng, không biết hoàng thượng còn nhớ cách đây mấy năm lão thần từng kiến nghị với hoàng thượng đề ra một chức học sĩ, vừa đảm nhiệm ở Nội các giám sát thị sự các công vụ trong triều, vừa có thể thay mặt chúng lão thần túc trực ở bên ngoài ngự thư phòng đảm phụ phê hồng, giảm gánh lo cho hoàng thượng?
Vua Thuận Thái nghe thấy vẫn tỏ ra bình thản, điệu bộ cũng chuyên chú chờ thái sư diễn đạt hết ý muốn của ông ta.


- Năm xưa, hoàng thượng khước từ kiến nghị kia vì cảm thấy tả hữu vẫn còn có tướng gia và lão thần phụ trợ.

Thế nhưng, ngày tháng dần qua, lão thần và tướng gia cũng đều đã hơn thất thập, mắt mờ tai yếu, thật sự đã không còn tinh nhạy để giúp hoàng thượng phân ưu.

Tuổi già vô dụng, chính sự trễ nãi là một điều không thể không lo.

Vì thế, thần một lần nữa nhắc lại chuyện xưa, kiến nghị hoàng thượng bổ nhiệm một chức nội thị học sĩ.

Phúc Nghĩa vương Triệu Trung, là hoàng đệ của Thuận Thái đế nghe Hồ thái sư nói đến đây liền không kiên nhẫn bước ra cắt ngang lời thái sư mà nhắc nhở:
- Ấy! Thái sư, bổn vương thấy vấn đề cần hay không một nội thị học sĩ có thể bàn lại sau.

Trước mắt, hoàng thượng chỉ muốn an bày một vị trí thích đáng cho tân trạng.

Ngài không cần đưa vào chủ đề quá khó.

Hồ thái sư cũng không chuyển ý, mỉm cười nhìn Vũ Nghĩa vương nói:
- Hạ quan chính là muốn tiến cử Lưu tân trạng vào nội thị học sĩ phụ trợ bên cạnh thánh thượng.

- Thái sư! – Cùng lúc, Tô thừa tướng và vua Thuận Thái đều đồng thanh bất mãn gắt gọi thái sư.

- Ngài là rõ ràng khơi chuyện thị phi! - Thừa tướng không nhịn được phải lên tiếng.

Thái sư thừa biết vị trí nội thị học sĩ ngay cả những đại quan có danh vọng như Hứa ngự sử, Dương quốc cửu cũng không được tín nhiệm.

Thái sư tiến cử Lưu Kì Anh vào vị trí đó chính là đang tỏ thái độ với hoàng thượng, biểu thị bất mãn sự tín sủng của hoàng thượng với Lưu Kì Anh.

Dù chắn chắn hoàng thượng sẽ không chuẩn cho Lưu Kì Anh đảm nhiệm chức vụ khó ở kia nhưng chuyện này nhất định sẽ trở thành đề tài cho bá quan sau ngự tiền xì xầm nghị luận.

- Bổn quan là thật lòng nghiêm chỉnh.

Hoàng thượng chẳng phải đã nói Lưu Kì Anh bản lĩnh tinh nhạy, tài trí thông minh, gặp nguy không hãi, là hiền tài tương lai trụ cột? Đấy là điềm mừng cho Nam Thiên quốc.

Nếu đã là như vậy, nhân đây để cho y ứng nhiệm vào chức ấy.

Thừa tướng cùng lão thần cùng nhau ra sức nâng đỡ, đào tạo y.

Như vậy về sau hai lão già chúng thần có đội gió theo tiên vương cũng có thể ngậm cười mà ra đi vì đã không phụ kì vọng và tín nhiệm của hoàng thượng bao nhiêu năm nay.

Vua Thuận Thái ngồi đó mặt lạnh như đá, tay vua bóp chặt góc áo long bào dưới long án trừng trừng nhìn thẳng xuống thái sư.

Dưới mắt bá quan chỉ cảm thấy vua thái độ lãnh khốc thôi, mọi người vẫn chưa nhìn ra là vua đang tức giận đến muốn bốc hỏa.

Tất nhiên vua Thuận Thái thừa hiểu Hồ thái sư rõ ràng đang cố ý muốn làm khó vua.

Bởi vì vua muốn ra oai, phủ đầu với thái sư nên ở trước triều đã điều cháu ngoại cưng của thái sư đi xa lại còn huênh hoang gọi một tên nhãi ranh mới bước nửa gót vào triều môn là "ái khanh", thái độ có mới nới cũ ấy với ai thì dễ nhưng thái sư là thầy dạy hoàng thượng, ngôi vị của hoàng thượng có thể ngồi ổn bao nhiêu năm nay sao có thể không kể công của thái sư? Bởi vậy, thái sư lặp nguyên lời của vua Thuận Thái khen ngợi tân trạng, lại thêm vào đoạn cuối nhắc nhớ với hoàng thượng công tích và sự hi sinh của ngài với triều đại này để gài vua vào thế khó.

Nếu vua chuẩn tấu cho Lưu Kì Anh làm nội thị học sĩ thì chính là thừa nhận ngài là vị vua có mới nới cũ.

Nhưng nếu ngài không chuẩn tức là thừa nhận ngài đã chịu thua thái sư, thừa sự vị trí của thái sư trong triều đường là bất khả lay chuyển.


Thuận Thái cố sức nén giận, dù trong lòng lửa hận đang hừng hực muốn đốt chết thái sư.

Vấn đề giữa hoàng thượng với thái sư thật sự đã bắt nguồn từ rất lâu.

Bởi vì thái sư vừa là ân sư vừa là nhạc phụ, lại là người có công rất lớn trong việc lên ngôi của vua Thuận Thái.

Trong suốt bao nhiêu vua Thuận Thái tại vị, thái sư cũng vì ngài bôn ba vất vã, một dạ trung trinh.

Thế nhưng mối quan hệ quân thần phụ tử ấy bắt đầu rạn nứt kể từ khi Hoa phi, vị phi tử mà vua Thuận Thái yêu thương nhất bị động thai, sinh khó rồi mất đi, hoàng thượng cho rằng việc đó có liên quan đến thái sư cho nên đối với thái sư đã âm thầm ghi hận.

Tiếp đó là đến việc lập trữ.

Ban đầu, Thuận Thái có ý chọn Triệu Hữu làm trữ quân.

Triệu Hữu là hoàng trưởng tử, lập thái tử là việc hết sức thỏa đáng, không thể dị nghị gì.

Thế nhưng thái sư là người duy nhất phản đối giữa triều.

Sau đó cũng không hiểu sao Triệu Hữu tự nhiên cáo bệnh, xin được rời kinh đi Nam Môn Trấn chữa bệnh nửa năm.

Còn lại ba vị hoàng tử, Triệu Thành là lớn nhất, hơn nữa là con đích, do hoàng hậu sinh, ngôi thái tử cũng khó ai tranh cho nên hắn thuận lợi vào Đông cung.

Cũng từ đó, Thuận Thái đế luôn giữ lòng nghi kị với thái sư.

Bề ngoài vua không nói ra, vẫn tín nhiệm thái sư nhưng bên trong dần đã thu lại những quyền lực trọng yếu.

Chính vì như vậy, thái sư đã bắt đầu có hành động.

Lão xúi giục thái tử kết bè kết đảng, cũng ra sức mở rộng thế lực của chính mình.

Vua Thuận Thái bề ngoài không nói gì nhưng việc tồn tại của thái tử đảng, thái sư đảng, hoàng hậu đảng ngài đều để trong mắt.

Đáng tiếc người ngài tín nhiệm được hiện nay chỉ còn có mỗi Tô thừa tướng.

Nhưng Tô thừa tướng bình thường thanh khiết đạm mạc, không có con cái, không nhận một trợ thủ đắc lực nào dưới trướng, lại cũng không mấy thân giao với đồng liêu.

Đến lúc hoàng thượng muốn giương cao uy khí, thu hẹp thế lực ảnh hưởng của thái sư thì lại không biết tìm đâu ra nhân tài dưới tay.

Thật ra, ngài cũng chưa hẳn là muốn trọng dụng Lưu Kì Anh.

Người này quả thật có dũng có mưu, có khí độ đại tướng thế nhưng dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ, khả năng còn phải ở tương lai mới biết.

Ngài làm thế cũng chính là muốn lấy lòng Tô thừa tướng, để thừa tướng không nên quá thận trọng với ngài.

Trong lúc vua và thái sư đang dùng tâm thuật đối kháng với nhau.

Tô thừa tướng ở một bên lại thầm đắn đo suy nghĩ tâm tư hai bên.

Minh Anh đứng phía sau, thấy ra mọi người là đang vì nàng mà sục sôi trên điện.

Tuy rằng thái độ tức giận của vua Thuận Thái giấu khá kín đáo, thái sư trên miệng vẫn cười tươi nhưng Minh Anh vẫn biết hai người này nếu tiếp tục nữa sẽ bùng nổ.

Nàng cũng không biết từ đâu mà có ra can đảm bước lên một bước, hướng vua và thái sư nghiêm cẩn hành lễ rồi nói:
- Khởi bẩm hoàng thượng, bẩm thái sư và thừa tướng đại nhân! Được sự tin yêu của hoàng thượng, được tín nhiệm của thái sư và các vị đại nhân tiến cử cho, học trò thật sự xúc động.

Thế nhưng học trò chỉ là một tiểu hậu sinh tuổi chưa đến mười tám, còn rất nhiều thứ phải tiếp thu, rất nhiều điều cần phải học hỏi.

Nếu để học trò đảm nhiệm vị trí quan trọng như phê hồng ở Nội các hay đảm nhiệm trợ sự cho hoàng thượng trong cung thần đều e ngại bản thân không đủ sức đảm đương, sẽ phụ hoàng ân, cũng khiến cho hai trọng thần đại nhân thất vọng.


Thật ra, cũng tỉ thí với các vị đồng khảo sư huynh, học trò cũng nhận thấy khả năng bản thân không đáng gọi là vượt trội.

Thắng được Chân Qua là nhờ chút kế mọn, phần nữa là may mắn, bởi vì sở trường.

Học trò cũng có năng khiếu thiên về xướng nghệ diễn kĩ.

Vừa rồi đấu với Chân Qua, thần mới phát hiện ra Chân Qua ham thích nghệ thuật nhưng kĩ thuật không điêu luyện, không chuyên sâu.

Nếu học trò có đủ thời gian, nhất định sẽ có thể đào tạo một vũ đoàn tinh nhuệ, biểu diễn hơn hẳn Chân Qua.

Vì thế, học trò thỉnh với hoàng thượng xin cho học trò tự ứng cử làm chưởng sứ Xướng Vũ Phường.

Lời của nàng vừa dứt, lập tức đem vua Thuận Thái cùng bá quan từ nãy giờ bất động bất giác náo động.

Lưu Kì Anh này bị điên hay sao? Một trạng nguyên được hoàng thượng cất nhắc lại tự nguyện xin làm chưởng sứ một giáo phường tạp kĩ biểu diễn, hắn thật sự không cần tiền đồ, không muốn làm quan hay là...!bị ngốc?
Đám đại thần nao nao khe khẽ rì rầm với nhau.

Có người thì nhếch môi, che miệng chê cười Minh Anh ngu ngốc.

Có người thì ra vẻ lão đạo gật gù vuốt râu, khen nàng trẻ nhỏ dễ dạy, biết tiến thoái đúng lúc.

Nhưng ba người vua Thuận Thái, Hồ thái sư và Tô thừa tướng là bị nàng làm kinh sợ.

Vua Thuận Thái nãy giờ kiềm nén oán giận với thái sư đã lâu, lúc này nhân đấy trút hết vào tên tiểu quỉ ngu này:
- Ngươi vừa nói gì? – Vua đứng dậy, trợn mắt gắt to - Ngươi muốn làm chưởng sứ Xướng Vũ phường à? Ngươi...Được! Được lắm! Tân trạng của trẫm muốn làm chưởng sứ Xướng Vũ phường...! – Vua nghiến răng, quát- Vậy thì ngươi đi mà chưởng sứ Xướng Vũ phường đi! Bãi triều!
Vua giận đến sắc mặt tím đậm, hậm hực bước nhanh khỏi bệ rồng dứt khoát rời đi.

Các đại thần lúng túng trước thánh ý.

Hoàng thượng giận đến như vậy, xem ra tân trạng này là rồng con gặp nạn rồi, số tốt nhưng vận không may, sẽ là tấm thớt cho hoàng thượng đem hết bao nhiêu oán hận với thái sư trút vào một thể đây.

Nhưng dù sao để hoàng thượng tức giận quá là một điều không nên, quần thần nghĩ vậy liền cũng đuổi theo để khuyên lơn nhà vua.

Vua Thuận Thái đi đến hành lang trước điện Thiên An, quần thần cũng đuổi theo đến nơi thì gặp phải công chúa Vĩnh Ninh đang hối hả bước lên.

Nàng nhìn thấy vua, không kịp để ý đến các đại thần đang tiến đến phía sau liền đã bước qua níu tay áo vua giở giọng tiểu bảo bối của vua làm nũng:
- Phụ hoàng, nhi thần nghe nói người chấm Hứa biểu huynh nhị giáp bảng nhãn, còn điều huynh ấy đi tận biên trấn Thiên Bình xa xôi.

Chức vị trạng nguyên lại để cho một tên tiện nhân xấu xa họ Lưu kia chiếm giữ.

Bẩm phụ hoàng, không thể được! Hắn chính là một tên vô lại cặn bã.

Hắn...!
- Đủ rồi! – Vua Thuận Thái bất ngờ quát lớn lên.

Đây là lần đầu tiên ngài lớn tiếng quát nạt với Vĩnh Ninh.

Vĩnh Ninh nhất thời kinh hãi ngẩn ngơ nhìn vua cha.

- Tuyển chọn khoa cử khâm điểm tam giáp là chuyện của triều đình.

Ở đâu lại đến lượt một công chúa như con mở miệng xen quyền vào chính sự hả? Hừm! Trần Vũ! Trần Vũ đâu!
- Dạ, dạ, dạ có lão nô! – Trần Vũ bị hoàng thượng quát to, lập tức chạy đến sợ đến suýt đánh rơi cả mũ.

- Hôn thư đâu? Lập tức đưa hôn thư cho tên tiện...cho họ Lưu kia.

Trạng nguyên cũng được, chưởng sứ cũng được thôi.

Bảo hắn chuẩn bị hôn sự rồi cút nhanh đi, đi khỏi mắt trẫm!.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui