Phố hắc ám (Sherlock Holmes)

Cần nói thêm, Holmes như một nhà họa sĩ lỗi lạc, đã làm việc thì lao vào chỉ vì tình yêu, lòng say mê nghệ thuật không hề biết mệt mỏi. Tôi chưa hề nghe (trừ trường hợp duy nhất đối với ngài công tước ở dinh thự Holdernesse) anh yêu cầu món tiền thưởng cho công lao vô bờ bến của mình. Anh là một người vô tư đến nỗi không ít trường hợp anh đã từ chối giúp đỡ những kẻ giầu sang phú quý: nếu như không thấy trong việc điều tra khám phá những bí mật của họ một cái gì là say mê, lôi cuốn, hấp dẫn. Trong khi đó anh dành thời gian hàng tuần lễ để nghiên cứu công việc cho những người nghèo khổ; nếu như việc ấy trông chừng hắc búa và gay cấn, làm cho anh phải đem hết khả năng nghề nghiệp của mình ra sử dụng.
Trong năm 1895 đáng ghi nhớ ấy, Holmes đã giải quyết một loạt những vụ việc quan trọng, lý thú, muôn hình muôn vẻ khác nhau. Bắt đầu từ chuyện tìm hiểu nguyên nhân cái chết đột ngột của Hồng y giáo chủ Tosca (theo đề nghị chính thức của tòa thánh Vatican) và kết thúc bằng việc bắt giam tên tội phạm Wilson. Tiếp theo những vụ trọng đại nổi đình, nổi đám kia là sự việc đau lòng xảy ra ở phố Woodman’s Lee: Thuyền trưởng Peter Carey bị giết trong một cảnh tượng khủng khiếp nhất và bí hiểm nhất. Tập ghi chép của tôi về hoạt động của Sherlock Holmes sẽ hẫng lớn nếu trong đó thiếu câu chuyện rùng rợn quá sức tưởng tượng này.
Suốt trong tuần đầu của tháng 7 bạn tôi hay đi và đi rất lâu, làm tôi phải hiểu là anh đang bận một chuyện gì đó. Trong những ngày này vài ba người trông dáng cau có, thô thiển đã ba bốn bận tới lui. Họ nói là họ muốn gặp thuyền trưởng Basil. Điều đó làm cho tôi hiểu ra là Holmes đang đóng giả một cái tên để tiến hành một vụ điều tra mới. Ở một số nơi trong Luân Đôn, Holmes có ít ra là năm chỗ ở bí mật, nơi mà anh có thể thay hình đổi dạng, không ai có thể phát hiện ra, Holmes không hề thổ lộ cho tôi những công chuyện mới mẻ kia; còn tôi thì không bao giờ có chuyện thóc mách đi hỏi những điều thầm kín của anh. Lần đầu tiên Holmes, không theo lệ thường, đã báo cho tôi biết hiện giờ anh đang tiến hành công việc theo hướng nào.
Trước bữa ăn sáng, anh ra khỏi nhà; nhưng khi tôi vừa mới ngồi vào bàn, đã thấy anh chạy xộc vào phòng, không kịp bỏ mũ xuống, ở nách anh cặp một đồ dùng để xiên cá, trông giống như chiếc dù khá lớn.
- Quỷ tha ma bắt cậu đi Holmes! - Tôi thốt lên, - Không lẽ cậu định dạo chơi ở Luân Đôn với của nợ ấy hay sao?
- Không, tớ vừa ghé lại chỗ người bán thịt.
- Từ chỗ người bán thịt về?

- Không những thế mà còn về nhà với tâm trạng sảng khoái nữa chứ. Cậu biết không, trước bữa ăn nên tập thể dục một tí, có lợi cho sức khỏe lắm. Cậu thử đoán xem bài thể dục buổi sáng của tớ vừa rồi là gì?
- Tớ không hơi đâu mà đi đoán cái chuyện nhảm nhí ấy của cậu.
Holmes bỗng phá lên cười và rót cà phê ra tách.
- Cậu có nhìn thấy căn phòng phía sau của tiệm Allardyce, ở trên trần có treo một con lợn thịt vừa mới mổ xong, còn nguyên vẹn, và một gã đàn ông cởi trần trùng trục, đang toát mồ hôi cầm cái xiên này chọc tấm thịt kia. Gã đàn ông ấy chính là tớ. Nhưng than ôi! Mình tớ với một cú đâm không thể nào chọc thủng nổi tấm thịt ấy được. Cậu có muốn thử sức một tí không?
- Chẳng được tích sự gì. Nhưng cậu làm thế để là ai gì?
- Tớ nghĩ rằng, chuyện này có dính líu tới việc bí hiểm đã xảy ra ở Woodman’s Lee... A, chào ngài Hopkins, tối hôm qua tôi có nhận được bức điện của ngài, và đang đợi ngài đây. Mời ngài vào, và xin mời ngài dùng bữa sáng, với chúng tôi một thể.

Một người đàn ông gày gò, nhanh nhẹn, trạc ba mươi tuổi bước vào phòng. Anh ta mặc trong người một chiếc áo len giản dị, nhưng trông điệu bộ của anh ta dễ thấy rằng anh ta có thói quen mặc quân phục. Tôi nhận ra ngay anh chàng Stanley Hopkins, viên thanh tra trẻ tuổi của Sở cảnh sát, mà theo lời nhận xét của Holmes, là một người có năng lực hơn cả. Ngược lại, Hopkins tự cho mình là học trò của Holmes - người thám tử lão luyện, dày dạn kinh nghiệm và luôn luôn thán phục những phương pháp đầy tính khoa học của anh.
Bộ mặt của Hopkins trông có vẻ cau có, quàu quạu anh ta ngồi phịch xuống ghế bành, dáng điệu rầu rĩ thảm hại.
- Mời ngài cứ tự nhiên, cảm ơn ngài, tôi cũng vừa ăn sáng xong. Tôi đã ngủ lại thành phố, vì phải đến đây để trình bày một số vấn đề với ngài.
- Ngài sẽ trình bày những vẫn đề gì?
- Thưa ngài, về chuyện thất bại của tôi.
- Việc của ngài không tiến triển thêm chút nào sao?

- Thưa ngài, không.
- Không lẽ lại như thế? Kiểu này tôi buộc lòng phải nhúng tay vào giải quyết thôi.
- Vì Chúa, tôi mong ngài giúp đỡ! Lần đầu tiên người ta giao cho tôi công việc khá quan trọng, tôi không đủ sức đảm đương. Xin ngài cố gắng giúp cho!
- Thôi được, tôi cũng đã nắm trong tay một số dữ kiện của cuộc điều tra. Ngài có suy nghĩ gì về túi đựng thuốc tìm thấy nơi xảy ra vụ án? Trong đó liệu có tìm ra chìa khóa để mở và giải đáp những điều bí ẩn hay không?
Hopkins dường như ngạc nhiên :
- Thưa ngai, túi đựng thuốc lá là của người bị giết. Bên trong túi có ghi mấy chữ cái viết tắt và nó được làm bằng loài đa hải cẩu. Người bị giết trước đây nhiều năm đã làm nghề săn bắn hải cẩu.
- Nhưng trong người ông ta không tìm thấy một chiếc tẩu thuốc nào hết!

- Đúng vậy, thưa ngài, chúng tôi không tìm thấy chiếc tẩu thuốc ở đâu cả.
- Rõ ràng là ông ta hút rất ít. Cũng có thể ông ta giữ thuốc để mời bạn bè.
- Không thể chối cãi điều đó. Tôi muốn đề cập tới vấn đề này cũng chỉ vì, nếu tôi là người thân chinh điều tra vụ án, tôi sẽ lấy cái túi đựng thuốc lá làm xuất phát điểm cho việc điều tra, thăm dò tiếp theo. Tuy vậy, bạn tôi, bác sĩ Watson đây chưa được nghe kể về chuyện này, và tôi cũng không từ chối được nghe lại lần nữa. Ngài hãy kể tóm tắt cho chúng tôi nghe những gì thật quan trọng.
Hopkins lôi từ trong túi ra một tờ giấy nhỏ.
- “Tôi có nắm được một đôi điều về cuộc đời của ngài thuyền trưởng Peter Carey đã chết ông ta sinh năm 1845, nghĩa là đã 50 tuổi. Ông ta được đánh giá là một trong những tay săn hải cẩu, cá voi can đảm nhất và thành đạt nhất. Năm 1883 ông ta đã chỉ huy một chiếc thuyền săn chạy bằng buồm mang tên “Một chân trên biển” ra đi từ Dundee, cũng trong năm ấy ông ta thực, hiện một loạt chuyến đi thành công. Năm sau ông ta xin từ chức. Sau đó đi chu du khắp nơi trong vòng vài ba năm. Cuối cùng mua một biệt thự nhỏ “Woodman’s Lee” bên cạnh khu rừng Row ở Sussex. Ông ta đã sống sáu năm ở đây. Và chết cách đây đúng một tuần. Ông ta là một người khác thường. Trong cuộc sống thường lặng lẽ, rầu rĩ, hay cau có và khó tính vô cùng. Gia đình của ông gồm có vợ và cô con gái hai mươi tuổi. Công việc trong nhà do hai cô hầu gái trông nom lo liệu. Những người hầu gái kia được thay đổi thường xuyên; có lẽ họ sống trong đó không được dễ chịu cho lắm, họ không thể nào chịu được trong thời gian dài.
Carey rất hay uống rượu, mỗi khi cơn nghiện nổi lên, ông ta trở thành một con quỷ dữ tợn. Đã có lần giữa đêm khuya ông ta đuổi vợ con ra khỏi nhà, và đưa nắm đấm ra dọa họ, rượt họ chạy khắp cả vùng. Và họ la hét ầm ĩ đến nỗi làm cho những người ở làng bên phải thức giấc.
Có lần ông ta bị gọi ra tòa vì tội đã đánh trọng thương một cha cố già, khi ông này định giáo huấn tu tỉnh, hối cải cho lão ta. Tóm lại, thưa ngài Holmes, khó tìm thấy một người nào nguy hiểm hơn lão Peter Carey. Tôi được nghe người ta nói, trong lúc còn chỉ huy con tàu, tính tình của lão ta cũng như vậy. Ở giới thuỷ thủ gọi lão ta là Peter “hắc ám”, không phải chỉ do bộ mặt của lão đen đủi và bộ râu rậm đen, mà còn là do tính cộc cằn, hung dữ, điên rồ của lão; tính ấy đã làm cho mọi người phát sợ. Không có gì là khó hiểu khi mọi người căm ghét và tránh xa lão ta, và tôi không hề nghe một lời xót thương cho cái chết của lão.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui