Đường Cửu trả lời không do dự: “Tôi e không được.”
Ông Diệp ngẩn người, nhất thời không biết đối đáp kiểu gì, bởi vì Đường Cửu nói rất nhẹ nhàng, thậm chí không có tí ti cảm xúc.
Cô nói: “Lát nữa tôi sẽ gửi ông số tài khoản của tôi, ông cứ chuyển thù lao tương xứng vào đó, hợp tác vui vẻ.”
Dứt lời, Đường Cửu tắt máy, cô không sợ nhà họ Diệp quỵt nợ, dẫu sao chẳng mấy ai thật sự muốn đắc tội với nhà phong thủy.
Tuy vậy, Đường Cửu vẫn cẩn thận viết tình hình cụ thể thành email, kèm theo số tiền. Vì cô không đến hiện trường, rất nhiều thứ đều phân tích dựa vào bản vẽ nên tính thù lao thấp hơn một phần ba bình thường. Gửi email xong, cô đóng laptop, định gọi điện cho anh trai nhỏ nhà mình thì nghe tiếng gõ cửa.
Là Trịnh Thu Kiến qua gọi cô cùng đi ăn cơm, cô đáp một tiếng, dọn đồ rồi khoác balo đi theo anh ta.
Giáo sư Trình đang chờ cô trong phòng: “Chú bảo hai người kia đi mua đồ, chúng ta ăn tạm chút gì trên tàu trước, đến nơi chú mời cháu một bữa thịnh soạn.”
Đường Cửu cũng chỉ kén chọn trước mặt Dung Dư Dương. Lúc ở bên ngoài, cô luôn ăn tất cả mọi thứ, tuyệt đối không để người ta nhìn ra sở thích của mình. Một người bị phát hiện sở thích sẽ dễ bị lợi dụng, mà nhược điểm cô thể hiện ra cũng là thứ cô muốn cho người ta thấy: “Được.”
Giáo sư Trình thở dài: “Lý Dung không có gì ý xấu, chẳng qua bị chiều hư rồi.”
Đường Cửu cười cười không nói nhưng đầu óc lại lơ đễnh. Có ai không được nuông chiều đâu chứ? Từ khi đi theo Dung Dư Dương, cô cũng bị chiều thành công chúa, muốn gì được nấy.
Giáo sư Trình không tiện nói gì thêm, ông biết Đường Cửu còn kém tuổi Lý Dung, nói nữa khác nào bảo Lý Dung không biết cách đối nhân xử thế: “Đúng rồi, sao chú nghe người ta nói cả Tô Châu là một bố cục phong thuỷ cục nhỉ?”
Đúng là Đường Cửu có biết chuyện này. Buổi tối cô không chịu ngủ, Dung Dư Dương thường kể những sự tích liên quan đến phong thủy cho cô nghe: “Năm ấy, Ngũ Tử Tư chủ trì việc chọn đất và quy hoạch xây dựng Hạp Lư thành, nay là Tô Châu.”
Trịnh Thu Kiến tò mò hỏi: “Tô Châu rộng như vậy, tất cả đều là bố cục phong thuỷ ư?”
Đường Cửu nói: “Phải, lúc đó ông đề ra nguyên tắc ‘Tương thổ thưởng thủy, pháp thiên tượng địa’, dựa theo ý tưởng ‘Thiên địa làm pháp tượng, âm dương mới hòa hợp’ tiến hành điều tra thực địa, căn cứ mức độ phì nhiêu của đất, nguồn nước và lưu vực, cuối cùng chọn ra kinh đô.”
Trịnh Thu Kiến hỏi: “Ông ta giỏi như vậy, tại sao vẫn mất nước?”
“Bởi vì phong thuỷ theo đuổi sự cân bằng giữa con người và tự nhiên, không phải là tranh chấp.” Đường Cửu nói: “Con người và tự nhiên, con người và phong thủy, phong thủy và tự nhiên dung hòa và bổ sung cho nhau, không phải dùng để tranh đấu, nếu đấu phong thuỷ chắc chắn cả hai bên đều tổn hại.”
Trịnh Thu Kiến nửa hiểu nửa không.
Giáo sư Trình đã hiểu, ông nghe nói có hai gia đình tranh đấu phong thuỷ, cuối cùng họ đều không có kết cục tốt, phải nói là cửa nát nhà tan: “Kể cho chú về bố cục phong thủy Tô Châu đi.”
Đường Cửu nói: “Một hai câu không thể giải thích rõ ràng được, nói đơn giản chính là Ngũ Tử Tư biến kiến trúc trong thành hô ứng với tự nhiên thiên, ‘âm dương điều hòa, tứ tự thuận lí, lưỡng dương dĩ thời, hàn thử ứng khí’, xây thêm lục bát môn và thủy bát môn*, tức bốn phía tường thành, mỗi phía mở hai cổng.”
(*) lục bát môn và thủy bát môn: cổng đi bằng đường bộ và đường thủy, bát môn nghĩa là cổng, lục là đất. Hình ảnh: 水八门.
“Lúc đó nước Ngô muốn thôn tính nước Việt, mà nước Việt ứng với ‘rắn’ trong Thập Nhị Cầm Tinh, do đó cổng Đông Nam có tên Xà Môn. Nước Ngô ứng với ‘rồng’, tức hướng Thìn, rồng vốn khắc rắn nên Ngô tất thắng Việt. Ngoài ra để duy trì cục diện ổn định, cổng Tây Nam gọi là Bàn Môn, hai cổng phía Bắc lần lượt là ‘Bình’, ‘Tề’ cho thấy họ muốn diệt nước Tề rồi.” Cô vẽ đại khái trên giấy, đưa Trịnh Thu Kiến xem: “Nước Sở nằm phía Tây Bắc, cổng Tây nước Ngô đặt là Phá Sở Môn, mục đích quá rõ ràng.”
Trịnh Thu Kiến suýt xoa, anh ta không ngờ còn dây mơ rễ má như vậy: “Nước Ngô diệt Việt, phá Sở, yên ổn xưng bá… Hóa ra đều liên quan đến phong thủy?”
Đường Cửu mỉm cười: “Cũng không hẳn, nếu không nhờ nước Ngô mưu tính và nỗ lực sẽ không thể thành công. Phong thuỷ chẳng phải yếu tố quyết định duy nhất.”
Trịnh Thu Kiến gật đầu.
Cô nói: “Thực ra bố cục của Ngũ Tử Tư chính là lợi dụng ‘Pháp thiên tượng địa, thường thủy tương thổ’.”
Giáo sư Trình nhìn dáng vẻ Trịnh Thu Kiến, không khỏi mỉm cười: “Chung quy lại, người xưa chú trọng sự hòa hợp giữa trời đất và con người, môi trường sống và việc xây thành phải phù hợp để con người sinh sống và sinh sôi.”
Đang trò chuyện thì Diệp Kỳ và Lý Dung bước vào, không biết xảy ra chuyện gì mà Lý Dung đỏ hoe mắt như vừa khóc xong, chẳng qua mọi người đều ăn ý coi như không biết. Diệp Kỳ đặt túi cơm hộp lên bàn: “Suất ăn giống nhau, trông khá phong phú.”
Giáo sư Trình cầm trước một hộp đưa cho Đường Cửu.
Đường Cửu cảm ơn nhận lấy: “Cháu mang về ăn đây.”
Ông bảo: “Lấy thêm trái cây đi.”
Đường Cửu tiện tay cầm một quả táo, đáp: “Vâng.”
Lý Dung cắn môi, cầm một hộp cơm, nhỏ giọng bảo: “Em cũng mang về chỗ ăn.”
Giáo sư Trình khẽ nhíu mày, dặn dò: “Nhớ kỹ lời thầy nói.”
Cô ta gật đầu, liếc Diệp Kỳ một cái rồi ra ngoài.
Do phải ăn cơm nên Đường Cửu không đóng cửa, giường cô tầng trên, còn Lý Dung ngại phiền nên ngủ ở dưới, lúc này cô đang ngồi ăn phía dưới giường. Diệp kỳ mua rất nhiều thức ăn, có khoai tây xào bò, thịt xào cần tây, đùi gà và cà tím kho tộ.
Đường Cửu thản nhiên gắp cà tím trước tiên dù cô vẫn thấy cà tím khó ăn.
Lý Dung ngồi đối diện cô, lóng ngóng cầm đôi đũa: “Xin lỗi cố vấn Đường, là tôi không hiểu chuyện.”
Đường Cửu hơi kinh ngạc nhíu mày, nuốt khoai tây mới nói: “Về sau không tái phạm nữa là được.”
Lý Dung cảm thấy nói chuyện với Đường Cửu rất mệt, bình thường không phải nên đáp ‘không sao’ ư?
Đường Cửu tiếp tục ăn cơm, còn lục balo lấy món dưa muối tình yêu Dung Dư Dương đặc biệt mang cho cô, cũng là món sở trường của dì Lưu.
Lý Dung hỏi: “Vậy cô sẽ không giận chó đánh mèo lên Diệp Kỳ chứ?”
Đường Cửu ăn dưa, bỗng cảm thấy cà tím cũng không quá khó nuốt: “Tôi và các cô không có bất cứ quan hệ nào, bất luận các cô tính toán gì thì tôi cũng chỉ tới hỗ trợ giáo sư Trình, xong việc sẽ đi, không gặp các cô thêm lần nào nữa. Dù sao…” Đường Cửu nhìn Lý Dung đang căng thẳng, cười rất ngọt ngào rồi nói hết câu: “Dù sao các cô và tôi không cùng một đẳng cấp.”
Lý Dung câm nín, sao lại có người mặt dày thế nhỉ?
Đường Cửu cảm giác nhìn biểu cảm của Lý Dung ăn cũng ngon hơn: “Các cô muốn đi theo giáo sư Trình thì đều phải biểu hiện thật tốt, thậm chí là nịnh nọt lấy lấy lòng. Còn tôi đây? Giáo sư Trình muốn tôi đi theo hỗ trợ sẽ dựa vào quan hệ để tìm tôi. Tôi thấy các cô khờ khạo nhưng không ngốc vì bằng cấp các cô không đến nỗi nào, chẳng qua tôi phát hiện có những người điểm cao mà năng lực phân tích quá kém. Nhìn giáo sư Trình chấp nhận chờ rất lâu nhưng vẫn muốn tôi đi cùng, chẳng lẽ các cô không biết, từ khi bắt đầu địa vị của chúng ta đã bất bình đẳng rồi sao?”
Nghe Đường Cửu nói xong, Lý Dung rất muốn phản bác song không biết phản bác thế nào. Cô ta chưa từng suy nghĩ cặn kẽ, càng không biết trong xã hội hiện đại vẫn còn người hùng hồn tỏ vẻ địa vị kẻ khác không bằng mình, thật sự quá vô liêm sỉ.
Đường Cửu vui vẻ cắn đùi gà: “Cho nên đừng trêu chọc tôi nữa.”
Đường Cửu dài dòng cũng vì xem tướng mạo Lý Dung, cô gái này không xấu, nhưng cả đời tổn thương vì tình, nếu bản thân không thông suốt thì tuổi già sẽ cô độc: “Hơn nữa… Có đôi khi chờ đợi là việc làm ngu ngốc nhất, không phải mọi sự chờ đợi đều được báo đáp.”
Lý Dung cảm giác Đường Cửu nhìn thấu mình, cô ta nắm chặt tay, đến lúc không cẩn thận bẻ gãy đũa mới bừng tỉnh. Cô ta quan sát Đường Cửu, thấy cô lại bắt đầu ăn cơm, dường như vừa rồi chỉ thuận miệng mà thôi.
Cô ăn xong liền dọn dẹp, trông Lý Dung vẫn đang ngẩn người Lý, không khuyên gì thêm.
Lý Dung chưa ăn được bao nhiêu, Đường Cửu đã ngồi khoanh chân ở giường trên, vừa cắn táo vừa gọi điện cho Dung Dư Dương. Bởi vì có người ngoài nên cô không gọi anh trai nhỏ, chỉ nói: “Sư phụ ăn cơm chưa?”
Dung Dư Dương đang ở trong phòng, còn Ngụy Cẩn ở bên ngoài vô cùng giận dữ. Anh ta vốn nhờ Dư Dương xem phong thuỷ giúp, sau khi xong việc bèn dẫn anh về nhà ăn cơm. Nào ngờ mẹ anh ta mời gia đình em họ đến chơi, hơn nữa cô em họ nằng nặc muốn bám Dung Dư Dương, khiến anh ta hết sức khó chịu.
Ngụy Cẩn chẳng ngại mẹ mà đuổi nhà em họ về, song mẹ anh ta vẫn không tự giác, muốn lôi kéo Dung Dư Dương trò chuyện. Lúc này, Ngụy Cẩn mới mới chính thức nổi đóa.
Chờ bên ngoài hết ầm ĩ, Ngụy Cẩn mới vào trong, vừa định nói xin lỗi thì phát hiện Dung Dư Dương đang ngồi cạnh cửa sổ gọi điện thoại. Không biết bên kia nói gì mà nét mặt anh rất ôn hòa, khóe miệng hơi cong lên gợn ý cười: “Ừ.”
Nhìn thái độ của Dung Dư Dương, Ngụy Cẩn đã đoán ra ai gọi. Anh ta nhún nhún vai đóng cửa, cầm đồ uống trong tủ lạnh đưa cho anh Lâm, hỏi nhỏ: “Bao lâu rồi?”
Anh Lâm mở lon nước uống một ngụm: “Từ lúc vào trong.”
Ngụy Cẩn cũng chuẩn bị cho mình một lon: “Mỗi lần nhìn biểu cảm cậu ấy gọi điện, tôi đều cảm thấy cậu ấy biến thành một người khác.”
Anh Lâm là người hiểu rõ nhất, Dung tiên sinh dẫu nhớ Đường Cửu cũng không chịu nói, còn giả bệnh: “Nhưng rất ngọt ngào, hạnh phúc.”
Ngụy Cẩn thoáng nhìn, không thừa nhận cũng không được. Thật sự rất ngọt, ngọt đến nỗi anh ta cũng muốn yêu đương rồi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...