Pháo Đài Số

“Mọi người đâu cả rồi nhỉ” - Susan vừa tự hỏi vừa bước trên sàn nhà trung tâm Crypto lúc này không một bóng người. Có việc khẩn cấp mà thế này đây.

Mặc dù hầu hết các phòng ban của NSA đều có đầy đủ nhân viên làm việc suốt 7 ngày trong tuần, song thứ Bảy thường vẫn là một ngày im ắng ở Crypto. Những nhà toán học mật mã vốn là những người cặm cụi làm việc tới mức căng thẳng, do đó có một luật bất thành văn là họ sẽ được nghỉ mọi thứ Bảy chỉ trừ trong trường hợp khẩn cấp. Đối với NSA, các chuyên gia bẻ khoá mật mã chính là những của quý mà họ không dám mạo hiểm đánh mất.

Khi Susan đi ngang qua sàn nhà, bóng dáng to lớn của TRANSLTR hiện ra ở bên phải cô. Ngày hôm nay, tiếng động phát ra từ máy phát điện nằm 8 tầng bên dưới vang lên một cách kỳ lạ như báo trước điềm gì không may. Chưa bao giờ Susan thích ở lại Crypto sau giờ làm việc. Cảm giác khi đó giống như bị nhốt trong một cái lồng với những con quái vật quý hiếm tới từ tương lai. Cô mảo bước qua phía phòng ngài chỉ huy.

Nằm trên đỉnh một hệ thống những cầu thang nhỏ ở phía sau Crypto, phòng làm việc có tường bằng kính của ngài Strathmore có biệt danh là “chậu cá” vì hình dáng của nó mỗi khi những tấm rèm được kéo lên. Vừa bước đi ken két trên cầu thang, cô vừa nhìn lên tấm cửa dày bằng gỗ sồi của căn phòng.

Trên cánh cửa có hình con dấu của NSA - một con đại bàng trọc đầu dữ tợn quắp lấy chiếc chìa khoá kiểu ngày xưa. Ngồi đằng sau cánh cửa ấy là một trong những người đàn ông vĩ đại nhất mà cô từng biết.

Năm nay đã 56 tuổi, chỉ huy Strathmore đối với Susan cũng giống như một người cha vậy. Ông là người đã tuyển dụng cô, và cũng là người đã khiến NSA trở thành mái nhà của cô. Mười năm trước, khi Susan gia nhập NSA, Strathmore còn là giám đốc Phòng phát triển Crypto - nơi đào tạo những chuyên gia mật mã nam.

Mặc dù Strathmore chưa bao giờ dung thứ sự lạm dụng với bất cứ ai, ông đặc biệt quan tâm tới sự an toàn của nhân viên nữ duy nhất của mình. Khi bị hỏi về sự thiên vị này, ông chỉ trả lời đơn giản bằng một sự thật: Susan Fletcher chính là nhân viên tài năng nhất mà ông từng có, và ông không muốn để bất cứ ai quấy rối cô. Vậy mà có lần một gã chuyên gia đã dại dột thử đùa với quyết tâm của ngài chỉ huy.

Một buổi sáng khi cô mới đi làm chưa được một năm, tình cờ Susan có việc phải ghé qua phòng của những anh chàng chuyên gia mật mã trẻ để lấy một số giấy tờ. Khi đi ra cô chợt nhìn thấy tấm ảnh của mình dán trên bảng tin cơ quan. Cô lập tức tái mặt đi vì xấu hổ. Bức ảnh chụp cô nằm trên giường thật khêu gợi với độc một chiếc quần lót.

Khi mọi chuyện được làm rõ, hoá ra một anh chàng chuyên gia đã scan lại một tấm ảnh trên cuốn tạp chí dành cho người lớn và dùng phần mềm đồ hoạ cắt dán phần đầu của Susan lên thân người của một cô gái nào đó. Kỹ thuật ghép ảnh của anh này quả là tuyệt đỉnh.

Không may cho anh chàng đó, ngài chỉ huy Strathmore không hề thấy trò đùa này có gì là đáng cười. Hai giờ sau, một thông báo được truyền ra:

”NHÂN VIÊN CARL AUSTIN BỊ BUỘC THÔI VIỆC VÌ ĐÃ CÓ HÀNH VI XẤU“.

Kể từ đó trở đi, không còn ai dám chòng ghẹo gì cô nữa; Susan Fletcher đã trở thành cô gái vàng của ngài chỉ huy Strathmore.

Nhưng Ngài Strathmore không chỉ được những chuyên gia mật mã trẻ tuổi dưới quyền kính trọng; trước đó, ông đã từng được cấp trên để ý tới nhờ việc đề xuất những hoạt động tình báo chưa từng có ai thực hiện nhưng lại rất hiệu quả.

Khi được cất nhắc, ngài Trevor Strathmore lại được biết tới với khả năng phân tích ngắn gọn đầy sức thuyết phục của mình trong những tình huống rắc rối. Dường như ông có một khả năng phi thường để vượt qua những vấn đề phức tạp về đạo đức xung quanh các quyết định khó khăn của NSA và hành động hết sức quyết đoán vì đại cục. Không ai có thể nghi ngờ lòng yêu nước của ngài Strathmore.

Đối với các đồng nghiệp, ông luôn được coi là một công dân trung thành với Tổ quốc và có tài nhìn xa trông rộng… một con người đứng đắn giữa thế giới đầy rẫy những lọc lừa.

Trong những năm kể từ khi Susan gia nhập NSA, ngài Strathmore đã thăng cấp nhanh chóng từ giám đốc Phòng phát triển Crypto lên vị trí cao thứ nhì của toàn NSA.

Giờ đây trong NSA chỉ có một người duy nhất đứng trên Ngài chỉ huy Strathmore - Giám đốc Leland Fontaine, vị chúa tể huyền thoại của Puzzle Palace - người chưa ai từng gặp, ít ai từng nghe nói tới, nhưng tất cả mọi người đều nể sợ. Rất ít khi ông này và ngài Strathmore gặp gỡ trực tiếp.

Và cuộc gặp mặt của họ, nếu xảy ra, giống như khi những người khổng lồ chạm trán nhau. Ông Fontaine là một người khổng lồ trong những người khổng lồ, nhưng ngài Strathmore có vẻ như không lưu tâm tới điều đó. Ông nêu những ý kiến của mình và tranh luận với giám đốc bằng tất cả sự cẩn trọng của một võ sỹ quyền anh đang say sưa chiến đấu.

Thậm chí tới Tổng thống Hoa Kỳ cũng không dám thách thức ông Fontaine theo cái cách mà ngài Strathmore đã thách thức. Để làm được điều này, một người phải có khả năng “”trơ” với các đe doạ chính trị; hay trong trường hợp của ngài Strathmore: thái độ lạnh nhạt với chính trị.

Susan đã tới đầu cầu thang. Cô chưa kịp gõ thì bộ khoá điện tử trên cánh cửa phòng ngài Strathmore đã kêu lên rì rì. Cửa bật mở, ngài chỉ huy vẫy tay gọi cô vào.

- Cám ơn cô đã đến, Susan. Tôi nợ cô một lần nhé.

- Không sao đâu ạ! - Cô cười và ngồi xuống đối diện bàn của ông.

Ngài Strathmore là một người đàn ông có dáng cao, khá to béo.

Những đường nét bên ngoài có thể khiến người ta không thể ngờ rằng ông luôn đòi hỏi hiệu quả làm việc và vươn tới sự hoàn thiện.

Đôi mắt xám của ông cho thấy sự tự tin và cẩn trọng có được từ kinh nghiệm làm việc, nhưng hôm nay sao trông chúng dại đi và thật bất ổn.

- Nhìn sếp mệt mỏi quá - Susan nói.

- Ừ, không thể tệ hơn được - Ngài Strathmore thở dài.

Câu ấy đáng lẽ phải để mình nói mới đúng chứ, cô nghĩ thầm.


Chưa bao giờ Susan thấy ngài Strathmore trong tình trạng tồi tệ đến thế. Mái tóc mỏng màu xám của ông rối bù; mồ hôi trên trán ông vẫn nhỏ thành từng giọt mặc dù phòng đang chạy máy lạnh. Bộ comple của ông nhàu nát như vừa bị dùng làm bộ đồ ngủ vậy.

Ông ngồi sau một chiếc bàn hiện đại với hai ngăn kéo bàn phím và một màn hình máy tính. Căn phòng trông như một bãi chiến trường với những tờ giấy in từ máy tính ra vứt bừa bãi.

- Tuần này vất vả vậy sao, thưa sếp? - cô hỏi.

Ngài Strathmore nhún vai.

- Cũng bình thuullg thôi. EFF lúc nào cũng vây quanh tôi với hàng đống giấy tờ về quyền riêng tư công dân.

Susan lặng lẽ cười. EFF, Quỹ Mặt trận Điện tử (Electronics Frontier Foundation), là một liên minh toàn cầu của những người sử dụng máy tính. Họ đã lập nên một liên minh đòi quyền tự do công dân hết sức mạnh mẽ nhằm ủng hộ quyền tự do ngôn luận trên mạng Internet và tuyên truyền những người khác về tình hình thực tế và những mối đe doạ khi sống trong một thế giới điện tử.

Tổ chức này liên tục vận động chống lại cái mà họ gọi là “khả năng nghe trộm thông tin trong một chế độ chuyên chế của các cơ quan chính phủ” - đặc biệt là NSA. Thực sự EFF là một cái gai cần nhổ trong mắt ngài Strathmore.

- Có vẻ cũng giống như thường lệ thôi mà - cô nói - Vậy cái vụ “cực kỳ khẩn cấp” mà sếp khiến tôi phải rời khỏi bồn tắm để tới đây là gì thế?

Ngài Strathmore im lặng, lơ đãng xoa xoa cái đế tròn của chiếc máy tính được gắn trên bàn làm việc. Hồi lâu, ông nhìn thẳng vào Susan và hỏi:

- Thời gian lâu nhất mà cô đã từng thấy TRANSLTR cần để bẻ khoá mật mã là bao nhiêu?

Câu trả lời hoàn toàn làm Susan bất ngờ. Nó có vẻ chẳng có nghĩa lý gì cả. Chẳng lẽ vì nó mà cô được gọi tới đây sao?

- Ồ - Cô ngập ngừng - Cách đây mấy tháng bên COMINT đã chuyển cho chúng ta một đoạn mã mà phải mất khoảng một giờ mới phá được. Nhưng đoạn mã đó dài tới mức hài hước - khoảng 10 nghìn bit gì đó.

Ngài Strathmore lẩm bẩm.

- Một giờ à? Thế còn một số khảo sát biên mà chúng ta đã thực hiện thì sao?

Susan nhún vai.

- À, nếu sếp tính cả quá trình khảo sát thì rõ màng là lâu hơn rồi.

- Lâu hơn là bao nhiêu?

Susan không thể tưởng tượng được Strathmore đang muốn đề cập tới vấn đề gì.

- Ồ, thưa ngài, tháng 3 năm ngoái tôi phải giải quyết một chìa khoá dài một triệu bit có phân đoạn. Dù nó gồm hàm lặp sai quy tắc, các cơ chế làm việc có nhiều lỗi song

TRANSLTR vẫn phá được.

- Trong bao lâu?

- Ba giờ đồng hồ.

Ngài Strathmore nhướng mày.

- Ba giờ? Lâu thế cơ à?

Susan cau mặt hơi tự ái. Đã 3 năm nay, công việc của cô là tinh chỉnh cỗ máy bí mật nhất trên thế giới này; hầu hết các chương trình giúp TRANSLTR chạy nhanh tới như thế là do công của cô. Và trên thực tế thì chẳng mấy khi có đoạn mã dài một triệu bit xuất hiện.

- Thôi được - ngài Strathmore nói - Vậy là kể cả trong điều kiện khó khăn nhất, thời gian một đoạn mã trụ lại trong TRANSLTR tối đa là 3 giờ?

Susan gật đầu.


- Vâng, có thể xê dịch đôi chút.

Ngài Strathmore ngừng lại như thể sợ điều sắp nói ra sẽ làm ông phải hối tiếc. Cuối cùng ông nhìn lên.

- TRANSLTR đã gặp phải thứ gì đó… - ông không nói nữa.

Susan chờ đợi.

- Lâu hơn 3 giờ ư?

Ngài Strathmore gật đầu.

Cô nhìn có vẻ không quan tâm lắm.

- Một khảo sát mới à? Lại từ Phòng An ninh hệ thống phải không ạ?

Ngài Strathmore lắc đầu:

- Đó là một file từ bên ngoài.

Susan đợi ngài chỉ huy nói tiễp câu chốt của một câu chuyện cười nhưng ông chẳng nói gì hết.

- Một file từ bên ngoài à? Ngài có đùa không đấy?

- Đùa được thì đã tốt. TRANSLTR bắt đầu xử lý nó từ khoảng 11h rưỡi đêm qua mà đến giờ vẫn chưa phá được..

Susan như cứng lưỡi lại. Cô hết nhìn đồng hồ đeo tay rồi lại nhìn lên ngài Strathmore.

- Vẫn chưa phá được à? Hơn 15 giờ đồng hồ rồi?

Strathmore vươn người về phía trước xoay màn hình lại phía Susan. Trên nền màn hình chỉ có một màu đen ngòm trừ ô chữ nhỏ màu vàng nhấp nháy ở giữa.

THỜI GIAN XỬ LÝ: 15:09:33

CHÌA KHOÁ CẦN TÌM:…

Susan nhìn vào sửng sốt. Rõ ràng TRANSLTR đã làm việc liên tục hơn 15 giờ đồng hồ chỉ với một đoạn mã này. Cô biết chiêc máy tính có thể thử 30 triệu khoá trong vòng 1 giây - tức là 1 trăm tỷ mỗi giờ. Nếu TRANSLTR vẫn đang làm việc, có nghĩa là chìa khoá mật mã phải hết sức khổng lồ - dài tới hơn 10 tỷ số. Thật điên rồ.

- Không thể như thế được! - cô hét lên - - Sếp đã kiếm tra xem có lỗi không chưa? Hay TRANSLTR gặp trục trặc gì đó khi vận hành?

- Mọi điều kiện vẫn bình thường.

- Nhưng thế thì đoạn mã quá lớn…!

Ngài Strathmore lắc đầu.

- Một thuật toán thương mại chuẩn thôi. Chắc là 64 bit.

Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, Susan nhìn qua cửa sổ xuống cỗ máy TRANSLTR bên dưới. Với kinh nghiệm của mình, cô biết rằng nó có thể giải quyết một đoạn mã 64 bit trong chưa đầy 10 phút.


- Phải tìm cách giải thích hiện tượng này thôi!

Ngài Strathmore gật đầu.

- Có rồi đấy. Nhưng chắc không làm cô ưng ý đâu.

Nhìn Susan có vẻ bực bội.

- TRANSLTR bị hỏng?

- TRANSLTR vẫn bình thường.

- Hay nó dính virus?

Ngài Strathmore vẫn lắc đầu.

- Không phải virus đâu. Hãy nghe tôi đây này.

Susan vẫn chưả hết sửng sốt. Chưa bao giờ TRANSLTR mất quá một giờ để giải quyết một đoạn mã. Thường thì đoạn văn bản sẽ được bẻ khoá hoàn chỉnh và đưa tới máy in của ngài Strathmore chỉ sau vài phút. Cô liếc nhìn về phía chiếc máy in tốc độ cao phía sau bàn ông. Chẳng có gì ở đó cả.

- Susan… - Ngài Strathmore khẽ nói - Điều này chắc là đầu tiên sẽ khó chấp nhận, nhưng cứ lắng nghe tôi một chút nhé - ông cắn môi - Đoạn mã mà TRANSLTR đang cố giải ấy, nó chỉ có một không hai. Nó không giống với bất kỳ đoạn mã nào chúng ta từng gặp trước đây - ông ngập ngừng, dường như không thể nói được những từ định nói. - Đoạn mã này là không thể phá vỡ…

Susan nhìn ông chăm chú và gần như cười phá lên. Không thế phá vỡ? KHÔNG THỂ nghĩa là sao? Trên đời này không có đoạn mã nào là không thể phá vỡ - có những đoạn có thể mất nhiều thời gian hơn, nhưng tất cả đều có thể phá được. Lý thuyết toán học đã chứng minh sớm hay muộn thì TRANSLTR cũng sẽ đoán trúng chìa khoá cần tìm.

- Sếp nói gì cơ ạ?

- Đoạn mã này là không thể phá được - Ông nhắc lại rõ ràng.

”Không thể phá được?” Susan không thế tin được những từ như thế vừa được phát ngôn từ một người đã có 27 năm kinh nghiệm phân tích mật mã.

- Không thể phá được ư, thưa sếp - cô nói vẻ bực bội - Thế còn Nguyên lý Bergofsky thì sao?

Ngay từ khi mới đi làm Susan đã được học về Nguyên lý Bergofsky. Đây là nền tảng của công nghệ đoán thử - và - lỗi. Nó đồng thởi cũng là động lực để ngài Strathmore chế tạo TRANSLTR. Nguyên lý này phát biểu rõ ràng rằng nếu một máy tính thử đủ số lượng chìa khoá có khả năng thì đảm bảo là về mặt toán học, nó sẽ tìm được chìa khoá cần tìm. Sự an toàn của một mật mã không phải ở chỗ người ta không tìm được chìa khoá của nó mà là hầu hết mọi người không có đủ thời gian và thiết bị để thử tất cả các khả năng.

Ngài Strathmore lắc đầu:

- Nhưng đoạn mã này thì khác.

- Khác à? - Susan nhìn ngài chỉ huy đầy vẻ ngờ vực. Về mặt toán học, không thế tồn tại một đoạn mã không thế phá vỡ mà! Ông ấy biết điều đó!

Ngài Strathmore đưa tay lau mồ hôi trên đầu.

- Đây là sản phẩm của một thuật toán mã hoá hoàn toàn mới - một thuật toán mà chúng ta chưa thấy bao giờ.

Bây giờ Susan nhìn có vẻ còn hoang mang hơn nữa. Các thuật toán mã hoá chỉ là các công thức toán học, các phương pháp biến một đoạn văn bản thành một đoạn mã. Ngày nào các nhà toán học và các lập trình viên cũng tạo ra những thuật toán mới. Số lượng chúng trên thị trường có tới hàng trăm loại: PGP, Diffie-Hellman, ZIP, IDEA, El Gamal.

Công việc của TRANSLTR là bẻ khoá chúng hàng ngày, không có vấn đề gì cả. Đối với TRANSLTR tất cả các đoạn mã đều như nhau, bất kể chúng được viết bằng thuật toán nào.

- Tôi không hiểu - cô phân trần.

- Chúng ta không nói tới việc thiết kế đối chiếu một số hàm phức tạp, chúng ta nói về thử - và - lỗi. Tất cả các loại thuật toán PGP, Lucifer, DSA-không có vấn đề gì. Thuật toán cứ việc sản xuất ra những chìa khoá mà chúng nghĩ là an toàn, còn nhiệm vụ của TRANSLTR là kiên trì đoán cho tới khi ra thì thôi.

Ngài Strathmore trả lời với vẻ bình tĩnh của một ông thầy nhiều kinh nghiệm.

- Đúng rồi, Susan, TRANSLTR luôn tìm được chìa khoá - kể cả nó có lớn đến mấy đi nữa - ông ngừng một khoảnh khắc.. - Chỉ trừ khi…

Susan rất muốn chen vào, nhưng rõ ràng ngài Strathmore đang chuẩn bị nói một điều gì đó hết sức kinh khủng. Trừ khi gì?

- Trừ khi cỗ máy không biết khi nào đoạn mã đã được phá.

Susan choáng váng, suýt ngã khỏi ghế.

- Cái gì?


- Trừ khi máy tính đã đoán đúng chìa khoá song nó vẫn tiếp tục hoạt động bởi không biết rằng mình đã đoán đúng. - Nhìn ngài Strathmore thật thê thảm. - Tôi nghĩ thuật toán này đã tạo ra một văn bản gốc tuần hoàn.

Susan há hốc miệng.

Ý tưởng về văn bản gốc luân hồi lần đầu tiên xuất hiện trong một nghiên cứu rất khó hiểu thực hiện năm 1987 bởi một nhà toán học người Hungary tên là Josef Harne. Do các máy tính sử đụng phương pháp đoán thử - và - lỗi để phá mã bằng cách phân tích các đoạn văn bản gốc để tìm ra những tố hợp từ có nghĩa, Hame đã đề xuất một thuật toán mã hoá mà ngoài việc mã hoá còn có nhiệm vụ gắn đoạn văn bản gốc đã được bẻ khoá vào một biến số thời gian.

Trên lý thuyết, vòng tuần hoàn bất tận này đảm bảo máy tính tấn công sẽ không thể nhận ra các tổ hợp từ có nghĩa và do đó sẽ không biết được khi nào nó đã tìm đúng chìa khoá. Ý tướng này phần nào cũng giống với việc chinh phục sao Hoả - có thể thực hiện về mặt lý thuyết nhưng còn vượt xa khả năng con người trong hiện tại.

- Sếp lấy thứ này ở đâu vậy? - cô hỏi.

Ngài chỉ huy chậm rãi trả lời.

- Một lập trình viên bên ngoài đã viết nó.

- Cái gì cơ - Susan lại ngồi phịch xuống ghế của mình.

- Chúng ta đã có những lập trình viên giỏi nhất thế giới làm việc dưới kia rồi. Tất cả chúng ta cùng làm việc và chưa có ai tiếp cận được phương pháp viết một đoạn văn bản gốc tuần hoàn cả.

- Có phải ngài định nói có một gã vớ vẩn nào đó với một chiếc máy tính đã tìm ra cách viết không?

Ngài Strathmore hạ giọng, nhằm cố gắng làm cô bình tĩnh trở lại:

- Tôi không định coi người này là vớ vẩn đâu.

Susan như không lắng nghe ông. Cô vẫn tin rằng phải có vấn đề gì đó đã xảy ra: máy móc bị trục trặc, một con virus, hay bất cứ thứ gì trừ một đoạn mã không thế phá vỡ.

Ngài Strathmore nghiêm nghị nhìn cô.

- Đoạn mã này được viết nên bởi một trong những tài năng mật mã thông minh nhất mọi thời đại.

Chưa bao giờ Susan hoang mang đến thế; tất cả những tài năng mật mã hoá thông minh nhất mọi thời đại đã và đang làm việc trong cơ quan cô, và cô rõ ràng là chưa bao giờ nghe nói tới một thuật toán nào như thế này.

- Ai vậy? - cô hỏi ngài chỉ huy.

- Tôi chắc là cô đoán được mà - Ngài Strathmore nói.

- Anh ta, không thích NSA lắm đâu.

- Ồ thế thì cũng ít thôi! - cô nói vẻ châm biếm.

- Anh ta đã từng làm việc cho dự án TRANSLTR. Chính tôi đã phải sa thải anh ta vì vi phạm nguyên tắc làm việc và gần như gây ra một cơn ác mộng cho ngành tình báo.

Khuôn mặt Susan trở nên vô cảm trong một tích tắc trước khi trắng bệch đi.

- Lạy Chúa tôi…

Ngài Strathmore gật đầu.

- Suốt ngày anh ta khoe khoang về công trình của mình nhằm tìm ra một thuật toán khống chế được phương pháp đoán thử - và - lỗi.

- Như… Nhưng mà… - Susan lắp bắp không nên lời. - Tôi nghĩ hắn chỉ khoác lác thôi. Hắn làm được thật ư?

- Anh ta đã làm được. Anh ta chính là người viết nên những đoạn mã mãi mãi không thể bị phá vỡ.

Susan lặng đi một lúc.

- Nhưng… thế nghĩa là…

Ngài Strathmore nhìn thẳng vào mắt cô lạnh lùng.

- Đúng thế. Chính Ensei Tankado đã vô hiệu hoá TRANSLTR.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui