Papillon - Người Tù Khổ Sai

Trong vòng năm tháng, tôi đã dần dần am hiểu tường tận từng góc ngách của Quần đảo. Kết luận hiện giờ của tôi là khu vườn ở cạnh nghĩa địa mà Carbonieri bạn tôi làm việc trước đây - bây giờ anh không ở đó nữa - là nơi chắc chắn nhất để đóng bè. Cho nên tôi yêu cầu Carbonieri trở lại khu vườn ấy, không xin thêm người phụ việc. Anh ta bằng lòng.

Nhờ có Dega xin cho, Carbonieri được trở về khu vườn cũ. Sáng hôm nay, khi đi qua nhà viên chỉ huy trại mới đổi đến, tay cầm một xâu lớn cá hồng, tôi nghe thấy anh tù trẻ làm gia đinh cho nhà này nói với một thiếu phụ:

- Thưa bà chỉ huy, anh này chính là người trước đây vẫn hàng ngày đem cá về cho bà Barrot đấy ạ.

Rồi tôi nghe người kia, một thiếu phụ tóc đen xinh đẹp, kiểu đàn bà Algérie, nước da màu đồng đỏ, nói với anh ta: "Thế ra anh là Papillon à". Đoạn quay ra phía tôi, người thiếu phụ nói:

- Tôi đã được ăn mấy con tôm he rất ngon của anh câu do bà Barrot biếu tôi. Anh vào nhà đi. Anh phải uống ly rượu vang nhắm với ít pho-mát sữa dê tôi vừa nhận được từ bên Pháp gửi sang.

- Cám ơn bà, thôi ạ, tôi không vào đâu.

- Sao thế? Anh vẫn vào với bà Barrot đấy thôi, sao anh lại không vào với tôi?

- Vì chính ông Barrot cho phép tôi vào nhà ông ấy.

- Papillon ạ, chồng tôi chỉ huy trại, còn tôi, tôi chỉ huy ở nhà... Anh cứ vào đi, đừng sợ.

Tôi cảm thấy cô thiếu phụ xinh đẹp này đã muốn gì là làm cho bằng được: một người như thế có thể rất hữu ích hoặc rất nguy hiểm.

Trong phòng ăn, bà chỉ huy mới dọn ra bàn cho tôi một đĩa giăm-bông hun khói và một lát pho-mát. Không chút kiểu cách, bà ta xuề xòa ngồi xuống trước mặt tôi, rót rượu vang cho tôi, rồi sau đó lại rót cà- phê, và cuối cùng là một ly rượu rhum Jamaique rất ngon. Bà nói:

- Papillon ạ, mặc dầu lúi búi vì phải sửa soạn ra đi và phải đón tiếp chúng tôi khi mới về, bà Barrot đã có đủ thì giờ để cho tôi biết được ít nhiều về anh. Tôi biết rằng bà ấy là người phụ nữ duy nhất trên Quần đảo được anh đem cá về cho. Tôi hy vọng rằng tôi sẽ được kế chân bà ấy hưởng cái ân huệ này của anh.

- Vì là bà ấy ốm, còn bà thì tôi thấy hình như rất khỏe mạnh.

- Tôi không biết nói dối, Papillon ạ. Đúng, tôi khỏe mạnh, nhưng tôi vốn sinh trưởng ở hải cảng cho nên chỉ thích ăn cá thôi. Tôi là người Oran. Chỉ một điều làm cho tôi thấy khó xử: tôi cũng được biết là anh không bao giờ bán cá lấy tiền. Cái này thì phiền quá.

Nói qua nói lại một lúc, cuối cùng rồi cũng đi đến chỗ thỏa thuận là tôi sẽ đem cá đến cho bà.

Một hôm tôi đem đến ba ki-lô cá hồng và sáu con tôm he, đang ngồi hút thuốc thì ông chỉ huy về. Trông thấy tôi, ông nói:

- Juliette à, anh đã bảo với em là ngoài chú gia đình ra không được cho một phạm nhân nào vào nhà kia mà.

Tôi vội đứng dậy, nhưng bà Juliette nói:

- Anh cứ ngồi yên. Phạm nhân này là người mà bà Barrot đã gửi gắm cho em trước khi ra đi. Vậy thì anh đừng có ý kiến gì cả. Ngoài anh này ra sẽ không có phạm nhân nào vào đây hết. Mặt khác, anh ta sẽ đưa cá cho em khi nào em cần.

- Thế thì được, - Ông chỉ huy nói. - Anh tên gì?

Tôi toan đứng dậy trả lời thì Juliette đặt bàn tay lên vai tôi bắt tôi ngồi xuống, nói:

- Đây là nhà của tôi. Ở đây ông chỉ huy không còn là ông chỉ huy nữa, mà là chồng tôi, ông Prouillet.

- Cám ơn bà. Tên tôi là Papillon.

- À! Tôi có nghe nói về anh và về cuộc vượt ngục của anh cách đây hơn ba năm từ bệnh viện Saint- Laurent du-Maroni. Vả lại một trong hai viên giám thị bị anh đánh ngất trong khi vượt ngục lại chính là cháu tôi và là cháu nhà tôi - người đang bảo hộ cho anh.

Đến đây, Juliette cười phá lên, tiếng cười trẻ trung và tươi mát.

- Thế ra anh là kẻ đã phang vào đầu Gaston à? Không sao, việc này sẽ không làm thay đổi tình hình đâu.

Ông chỉ huy vẫn chưa ngồi xuống, nói:

- Cái số án mạng xảy ra hàng năm trên Quần đảo thật khó tin nổi: nhiều hơn ở Đất liền nhiều. Anh có hiểu tại sao không Papillon?

- Thưa ông, vì ở đây anh em không vượt ngục được thành ra bẳn tính. Họ sống mãi với nhau hết năm này sang năm khác, cho nên lẽ tự nhiên là phải hình thành những tình bạn và những mối thù không có gì tiêu hủy được. Mặt khác, chỉ có không đầy năm phần trăm số thủ phạm bị phát hiện, cho nên kẻ giết người có thể tin gần chắc là mình sẽ không bị trừng phạt.

- Cách giải thích của anh rất lô-gích. Anh câu cá từ bao lâu rồi, và anh nhận loại lao công gì để có quyền đi câu như vậy?

- Tôi đổ thùng. Đến sáu giờ sáng tôi đã xong việc, sau đó tôi được đi câu.

- Suốt thời gian còn lại trong ngày à? - Juliette hỏi.

- Không, đến mười hai giờ trưa tôi phải về trại, ba giờ mới được ra cho đến sáu giờ chiều. Như thế rất phiền, vì tùy theo giờ thuỷ triều lên xuống, tôi có thể mất buổi câu.

- Anh cho Papillon một tờ giấy phép riêng, nghe anh? - Juliette quay về phía chồng nói. - Từ sáu giờ sáng đến sáu giờ chiều, như thế anh ta sẽ tha hồ câu cá.

- Xong ngay, - Ông chủ huy nói.

Tôi ra về, trong bụng mừng thầm, vì ba cái tiếng đồng hồ từ mười hai đến ba giờ chiều rất quý giá. Đó là giờ ngủ trưa, bọn giám thị đều ngủ, cho nên việc canh phòng có chiều lỏng lẻo.

Juliette đã chiếm lĩnh hoàn toàn cả việc đi câu của tôi lẫn bản thân tôi. Đến mức bà ta còn sai anh gia đinh đi xem thử tôi đang câu ở đâu để lấy cá về. Có những hôm anh ta đến, nói: "Bà chỉ huy bảo anh câu được gì đem hết về cho bà, vì hôm nay bà có khách, muốn làm món xúp tôm cá", hoặc đại loại như vậy. Nói tóm lại, bà ta quản lý hết thu hoạch của tôi, thậm chí còn dặn tôi câu cá này, cá nọ, hay phải lặn xuống biển bắt tôm càng. Điều đó có phương hại khá nhiều đối với thực đơn của tổ tôi, nhưng mặt khác, tôi được che chở hơn hết thảy mọi người. Bà ta còn có những kiểu quan tâm đặc biệt.

- Papillon, thủy triều lên lúc một giờ phải không?

- Thưa bà vâng.

- Thế thì trưa anh về đây ăn cơm nhé, khỏi về trại.

Thế là tôi ăn trưa ở nhà bà, hôm nào cũng ăn ở phòng ăn chứ không bao giờ ăn dưới bếp.

Bà ngồi đối diện với tôi, lấy thức ăn bỏ vào đĩa cho tôi và rót rượu cho tôi. Bà không được kín đáo tế nhị như bà Barrot. Nhiều lần bà hỏi dò tôi về dĩ vãng. Tôi luôn luôn phải tránh cái đề tài mà bà quan tâm hơn cả - cuộc sống của tôi ở Montmartre, chỉ kể thời thiếu niên và thơ ấu của mình. Trong khi đó ông chỉ huy nghỉ trưa trong phòng ngủ. Một buổi sáng câu được nhiều tôm, tôi về sớm, cầm hơn sáu chục con tôm càng ghé nhà bà. Bà mặc áo choàng tắm màu trắng, sau lưng có một cô đang cuốn tóc cho bà. Tôi chào, rồi biếu bà một tá tôm. Bà nói ngay:

- Không, anh cho tôi tất cơ. Có mấy con?

- Sáu chục ạ. - Hay quá, anh để cả đấy cho tôi. Anh và các bạn anh cần bao nhiêu cá?

- Tám con ạ.

- Thế thì anh giữ lấy tám con, còn bao nhiêu đưa cho cậu bé đem thả vào nước mát đi.

Tôi chẳng còn biết nói sao.

Xưa nay chưa bao giờ bà dùng đại từ "tu" nói với tôi, nhất là trước mặt một người đàn bà khác, vì người này thế nào cũng đi nói lại. Tôi ngượng quá, toan ra về, thì bà lại nói: "Ngồi yên đấy, uống tí rượu hồi đã. Chắc anh nóng lắm nhỉ?". Người đàn bà quyền uy này làm cho tôi bàng hoàng đến nỗi tôi ngồi đực ra. Tôi vừa chậm rãi nhắp rượu hồi vừa hút thuốc lá, người đàn bà kia chốc chốc lại liếc mắt về phía tôi. Bà chỉ huy nhìn vào cái gương đang cầm ở tay, biết ngay cô kia nhìn trộm tôi, liền nói "Bồ tôi đẹp trai đây chứ, Simone nhỉ? Các cô, cô nào cũng ghen với tôi, đúng không nào?" Thế là cả hai cười khúc khích. Tôi không còn biết độn thổ đi đường nào. Thế rồi tôi nói một cách ngu xuẩn: "Cũng may là thằng bồ của bà, như bà nói, không nguy hiểm lắm, vì trong tình cảnh của hắn, hắn không thể phải lòng ai để mà có bồ được".

- Thôi đi, chẳng lẽ anh dám nói anh không phải lòng tôi? - cô nàng Algérie nói - Chưa có ai thuần phục được con sư tử như anh, thế mà tôi muốn gì anh làm tất. Phải có lý do chứ Simone nhỉ?

- Tôi không biết là lý do gì, - Simone nói, - nhưng có một điều chắc chắn là đối với mọi người anh là một người hoang dã, chỉ riêng đối với bà chỉ huy là không thôi, Papillon ạ. Đến nỗi, có hôm anh vác dễ đến hơn mười lăm ki-lô cá, thế mà bà vợ Ông giám thị trưởng van nài anh bán cho hai con thôi anh cũng không chịu, bà ấy nói thế, hôm ấy bà ấy thèm đến chết được, vì lò không có thịt.

- Chà Simone, thế mà đến bây giờ cô mới kể cho tôi nghe.

- Thế chị cô biết hôm nọ anh ta nói cái gì với bà Kargueret không? Bà ta trông thấy anh cầm một mớ tôm và một con cá ngừ lớn: "Anh bán tôi con cá đi Papillon, hay nửa con cũng được. Anh cũng biết là dân Bretagne chúng tôi làm cá ngừ rất ngon mà?". Papillon nói: "Đâu phải chỉ có người Bretagne mới biết giá trị của nó? Rất nhiều người, kể cả dân Ardèche chúng tôi, mãi từ thời quân La-mã sang đã biết đây là món thượng đẳng". Thế là anh ta đi thẳng, chẳng bán gì cho bà ta cả.

Hai người đàn bà cười ngặt nghẽo.

Tôi ra về, trong lòng rất cáu, và đến tối tôi kể cho tổ nghe hết câu chuyện.

- Việc này rất nghiêm trọng, - Carbonieri nói. - Mụ ấy đưa cậu vào một tình thế rất nguy. Cậu nên đến đấy càng ít càng tốt, và chỉ khi nào cậu biết là có ông chỉ huy ở nhà.

Cả tổ đều tán thành ý ấy. Tôi nhất định phải làm theo ý Carbonieri.


Tôi vừa phát hiện ra được một anh thợ mộc người Valence. Nơi đó gần như là một quê hương của tôi, anh này đã giết một người kiểm lâm. Đó là một tay rất máu mê cờ bạc, lúc nào cũng nợ đìa ra: ban ngày hì hục làm đồ thủ công kiếm được bao nhiêu thì đến đêm nướng vào sòng bạc hết. Đã nhiều lần anh ta phải lấy đồ thủ công gán nợ. Thế là bị người ta bắt bí, một cái hộp gỗ quý trị giá ba trăm francs mà người ta chỉ trừ cho có trăm rưởi hay hai trăm bạc nợ. Tôi đã quyết định tấn công anh này. Một hôm gặp ở chỗ giặt áo quần, tôi nói với anh ta:

- Đêm nay tôi có chuyện muốn nói với anh. Tôi đợi anh ở nhà xí. Tôi sẽ ra hiệu.

Đêm ấy chúng tôi gặp riêng nhau, có thể nói chuyện không sợ ai quấy rầy. Tôi nói:

- Bourset này, chúng mình là đồng hương đấy cậu ạ.

- Đâu có! Đồng hương thế nào?

- Cậu không phải quê ở Valence sao?

- Đúng thế chứ.

- Tôi thì quê ở Ardèche, như vậy chúng mình là đồng hương.

- Thế rồi sao nữa? Có gì quan trọng đâu?

- Có cái quan trọng là tôi không muốn cậu bị người ta bóc lột khi cậu mắc nợ, tôi không chịu được khi thấy họ tính giá những đồ của cậu làm không được một nửa giá trị thật. Lần sau cậu đưa cho tôi, tôi sẽ trả cậu đúng giá. Có thế thôi.

- Cám ơn cậu, - Bourset nói.

Tôi luôn luôn can thiệp để giúp đỡ Bourset. Cậu ta thì luôn luôn cãi cọ với những tay cậu mắc nợ. Mọi sự đều yên ổn cho đến hôm cậu ta có chuyện nợ nần với Vicioli một tay kẻ cướp rừng ở đảo Corse, một trong những bạn tốt của tôi. Tôi biết chuyện là do Bourset đến mách với tôi rằng Vicioli đang dọa nạt cậu ta nếu cậu ta không trả số tiền bảy trăm francs đang mắc nợ. Bourset lại cho tôi biết là đang sắp sửa làm xong một cái bàn giấy nhỏ có ngăn bí mật, nhưng không dám chắc bao giờ xong hẳn, vì phải làm lén. Số là phạm nhân không được phép làm những thứ đồ quá lớn vì như vậy tốn nhiều gỗ. Tôi trả lời là để tôi xem có cách nào giúp cậu ta được không. Rồi với sự thỏa thuận của Vicioli, tôi dựng lên một màn kịch nhỏ: Vicioli phải thúc giục Bourset gắt vào, thậm chí dọa dẫm thật dữ. Tôi sẽ xông vào can thiệp như một vị cứu tinh. Mọi việc đều diễn ra đúng như đã dàn dựng.

Từ ngày ấy, cậu Bourset nhất nhất đều nghe tôi và tin tôi một cách tuyệt đối. Lần đầu tiên trong cuộc đời phạm nhân, cậu ta mới được yên thân. Bây giờ tôi mới quyết định thử thách số phận. Một hôm tôi nói với Bourset:

- Tôi có hai ngàn francs biếu cậu nếu cậu làm cho tôi một cái bè chở được hai người, gồm từng mảng rời có thể lắp nhanh được.

- Papillon ạ, tôi không đời nào chịu nhận làm một việc như thế cho bất kỳ ai, nhưng riêng với cậu, tôi sẵn sàng liều chịu hai năm cấm cố nếu bị lộ. Chỉ có điều là tôi không thể đưa những súc gỗ hơi lớn ra khỏi công xưởng được.

- Tôi đã có người.

- Ai?

- Hai anh em Đẩy xe, Naric và Quenier. Cậu định sao?

- Trước hết phải vẽ một đồ án đúng tỷ lệ, rồi làm từng bộ phận một, có khớp để lắp vào nhau thật chắc. Cái khó là tìm cho ra thứ gổ nổi thật nhẹ, vì gỗ ở đảo đều là loại gỗ cứng thả xuống nước không nổi được.

- Bao giờ cậu sẽ trả lời cho tôi biết?

- Ba hôm nữa.

- Cậu có muốn đi với tôi không?

- Không.

- Tại sao?

- Tại tôi sợ cá mập và sợ chết đuối.

- Cậu hứa là sẽ giúp tôi hết mình chứ?

- Tôi lấy mấy đứa con tôi ra mà thề với anh như vậy. Chỉ có điều là phải làm lâu đấy.

- Cậu nghe kỹ đây: ngay từ bây giờ tôi sẽ chuẩn bị bằng chứng bênh vực cho cậu phòng khi bị lộ. Tôi sẽ tự tay chép lại đồ án đóng bè trên giấy học sinh. Phía dưới tôi sẽ viết: "Bourset, nếu mày không muốn bị ám sát, mày phải đóng chiếc bè vẽ trên đây" sau đó tôi sẽ viết cho cậu những mảnh giấy dặn dò cách đóng từng bộ phận. Cứ xong được bộ phận nào, cậu sẽ đem ở nơi tôi sẽ dặn. Nó sẽ được đưa đi giấu ngay Cậu đừng tìm cách biết ai đến lấy và lấy vào lúc nào (ý này làm cho cậu ta thấy nhẹ bớt) như vậy tránh cho cậu khỏi bị tra tấn nếu bị bắt và dù có sao cậu cũng chỉ phải chịu hình phạt nhẹ nhất: chừng sáu tháng cấm cố thôi.

- Thế nếu chính cậu bị bắt thì sao?

- Nếu thế thì sẽ ngược lại. Tôi sẽ nhận tôi đã viết mấy mảnh giấy. Dĩ nhiên cậu phải giữ những mảnh giấy ấy. Nhất trí chưa?

- Tôi hứa như vậy. Cậu không sợ chứ?

- Không, bây giờ tôi không sợ nữa. Tôi thấy vui được giúp cậu..

Tôi chưa nói gì với ai hết. Tôi còn phải chờ Bourset trả lời về chuyện gỗ. Mãi đến một tuần sau, một tuần dài dằng dặc tưởng không bao giờ hết, tôi mới có dịp nói chuyện riêng với Bourset ở thư viện. Ngoài hai chúng tôi ra không có ai ở đấy. Đó là vào buổi sáng chủ nhật. Ở ngoài sân đang có đám bạc lớn, gần tám mươi người đánh và ngần ấy người đứng xem. Lập tức Bourset làm cho tôi thấy ấm lòng:

- Cái khó nhất là làm sao chắc có được đủ gỗ nhẹ và khô. Tôi đã nghĩ được cách làm một cái khung bằng gỗ nẹp chặt dừa khô, còn nguyên cả thớ vỏ, cố nhiên. Không có gì nhẹ bằng thớ vỏ dừa, mà nước lại không thấm vào được. Khi bè đóng xong, chính anh phải lo kiếm cho đủ dừa để nhét vào khung. Vậy thì mai tôi làm mảng đầu tiên. Mất độ ba ngày. Từ thứ năm cậu cho một trong hai anh em Đẩy xe đến lấy. Tôi sẽ không bao giờ bắt đầu làm thêm một mảng trước khi cái đó ra khỏi xưởng. Tôi đã vẽ đồ án rồi đây, cậu chép lại đi rồi viết thêm mảnh giấy như cậu đã hẹn. Cậu đã nói chuyện với anh em nhà ấy chưa?

- Chưa, tôi còn chờ cậu trả lời đã chứ.

- Thế thì tôi trả lời rồi đấy: được.

- Cám ơn Bourset, tôi không biết lấy gì cảm ơn cậu Thôi, năm trăm francs đây, cậu cầm lấy.

Bourset nhìn thẳng vào mắt tôi nói:

- Không, cậu giữ lấy tiền. Đến đất liền cậu sẽ cần đến để vượt tiếp. Từ hôm nay tôi sẽ không đánh bạc cho đến khi nào cậu ra đi. Làm một ít đồ thủ công, tôi sẽ có đủ tiền mua thuốc lá và bít-tết.

- Tại sao cậu không chịu cầm?

- Vì việc này dù có trả một vạn francs tôi cũng không làm đâu. Việc quá nguy hiểm cho tôi, dù đã có đề phòng bất trắc. Chỉ có làm không công mới làm được. Cậu đã cứu tôi, cậu là người duy nhất đã dang tay ra giúp đỡ tôi. Tôi có sợ thật, nhưng tôi rất sung sướng được giúp cậu trở lại cuộc sống tự do.

Trong khi ngồi chép lại đồ án, tôi thấy hổ thẹn trước sự cao thượng lớn lao mà ngây thơ của Bourset. Cậu ta không chút hồ nghi rằng những cử chỉ tốt đẹp của tôi đối với cậu là có tính toán vụ lợi. Để khỏi khinh rẻ bản thân, tôi buộc lòng phải tự nhủ rằng tôi phải vượt ngục bằng bất cứ giá nào, dù cái giá đó là tình thế éo le và không phải bao giờ cũng tốt đẹp. Đêm hôm ấy tôi nói chuyện với Naric, biệt hiệu Xúp Nhừ, để sau đó cậu ta nói lại với ông em rể. Naric nói, không chút phân vân:

- Cậu cứ để tôi lo việc đưa các mảng bè ra khỏi công xưởng. Chỉ có điều là cậu đừng sốt ruột, vì chỉ khi nào có dịp đưa vật liệu cồng kềnh ra khỏi xưởng để làm công trình xây cất trên đảo mới nhân thể đưa luôn đồ của cậu ra. Dù sao tôi cũng hứa với cậu là sẽ không bao giờ để lỡ một dịp nào.

Thế là ổn rồi. Chỉ còn phải nói chuyện với Matthieu Carbonieri, vì tôi muốn cùng vượt ngục với chính anh ta. Anh ta đồng ý trăm phần trăm.

- Matthieu à, tôi đã tìm được người làm bè, đã tìm được người đưa từng mảng bè ra khỏi công xưởng. Phần cậu là tìm xem trong khu vườn có chỗ nào giấu được bè không.

- Không được đâu. Đây là vườn rau, nguy hiểm lắm, vì ban đêm có những thằng gác mò vào ăn trộm rau quả. Nếu chúng nó đi đúng vào chỗ giấu, cảm thấy dưới đất rỗng thì hỏng hết. Tôi sẽ làm một cái hốc trong bức tường bằng cách lấy ra một phiến đá lớn rồi khoét sâu vào trong. Mỗi khi nhận một mảng bè, tôi sẽ giở hòn đá ra, giấu vào hốc rồi đặt lại hòn đá như cũ

- Đưa thẳng các mảng đến vườn cậu được không?

- Không được. Làm như vậy quá nguy hiểm. Hai anh em Đẩy Xe không có lý do gì vào vườn của tôi. Tốt hơn cả là thu xếp cho họ mỗi lần đem đến một nơi khác không quá xa vườn của tôi.

- Nhất trí.

Mọi việc đều có vẻ ổn. Còn mấy quả dừa khô. Tôi nghĩ xem có cách nào chuẩn bị một số dừa đủ dùng mà không lộ liễu quá. Tôi cảm thấy mình đang sống lại.

Chỉ còn một việc là nói chuyện với Galgani và Grandet. Tôi không có quyền giấu họ, vì họ có thể bị buộc tội là đồng lõa với tôi. Bình thường ra, tôi phải chính thức ra khỏi tổ của họ để sống một mình. Khi tôi nói cho họ biết là tôi đang chuẩn bị một cuộc vượt ngục cho nên phải tách ra khỏi tổ, họ mắng cho tôi một trận và dứt khoát không chịu. "Cậu hãy lên đường càng sớm càng tốt. Còn chúng tớ thì khỏi lo, sẽ có cách. Trong khi chờ đợi cậu cứ ở với chúng tớ, chúng tớ có còn non dại gì đâu". Cuộc chuẩn bị đã tiến hành được hơn một tháng. Tôi đã nhận được bảy mảng bè, trong đó có hai mảng lớn. Tôi đã đến xem bức tường của Matthieu có khoét hốc để giấu bè. Không thể nhận thấy phiến đá đã bị tháo ra, vì cậu ta đã cẩn thận lấy rêu trát vào các khe hở. Chỗ giấu thật hoàn hảo, nhưng tôi thấy cái hốc hơi chật chưa chắc chứa hết được tất cả. Tuy vậy, cứ như hiện nay thì vẫn còn đủ chỗ.

Cái ý thức là mình đang chuẩn bị vượt ngục khích lệ tinh thần tôi dữ dội. Tôi chưa bao giờ ăn nhiều và ngon miệng như thế, và chế độ ăn cá giữ cho cơ thể tôi hoàn hảo. Thêm vào đấy, mỗi buổi sáng tôi tập thể dục hai tiếng đồng hồ trên các mỏm đá. Tôi tập chân nhiều hơn, và khi câu cá tay đã hoạt động nhiều. Tôi nghĩ ra cách tập chân như sau: Tôi đi ra biển xa hơn khi tôi đứng câu, dể cho sóng xô vào đùi. Để đón sóng và giữ thăng bằng, tôi gồng các cơ bắp chân và đùi. Kết quả rất tốt. Juliette, tức bà chỉ huy, vẫn rất niềm nở đối với tôi. Nhưng bà đã để ý thấy rằng chỉ khi nào có chồng bà ở nhà tôi mới vào. Bà đã nói thẳng với tôi là bà nhận thấy thế, và để cho tôi khỏi ngượng ngập, bà phân trần với tôi rằng cái hôm có cô Simone đến quấn tóc cho bà là bà nói đùa cho vui thôi. Tuy vậy, cô Simone vẫn hay ra đứng trên con đường tôi đi câu về, và mỗi lần gặp tôi cô đều có đôi lời thăm hỏi thân ái về sức khỏe và tinh thần của tôi. Vậy là mọi sự đều tốt lành.

Bourset tận dụng mọi cơ hội để làm bè cho tôi. Công việc bắt đầu thế là đã được hai tháng rưỡi. Chỗ giữ bè đã chật ních, như tôi đã dự kiến trước đây. Chỉ còn thiếu hai mảng dài nhất, một mảng dài hai mét, mảng kia dài mét rưỡi. Hai mảng này không lọt được vào hốc. Nhìn về phía nghĩa trang, tôi trông thấy một ngôi mộ mới. Đó là mộ của vợ một cảnh binh, mới chết tuần trước. Trên mộ có đặt một bó hoa héo tồi tàn. Người giữ nghĩa trang là một phạm nhân già mù lòa có biệt hiệu là Bố già. Suốt ngày ông già ngồi dưới bóng một cây dừa mọc ở góc đối diện của nghĩa trang; ngồi đấy ông ta không thể nhìn thấy ngôi mộ ấy, mà nếu có ai đến gần ngôi mộ ông ta cũng không nhìn thấy được. Tôi nảy ra cái ý dùng ngôi mộ này để lắp bè và nhét thật nhiều dừa vào cái thứ khung gỗ mà anh thợ mộc đã đóng. Hết khoảng ba mươi đến ba mươi bốn quả: so với số dừa đã dự kiến thì ít hơn nhiều. Tôi đã kiếm được hơn năm mươi quả, đặt rải rác ở nhiều nơi, mỗi nơi một ít. Chỉ riêng trong sân nhà Juliette đã được một tá rồi. Anh tù gia đình tưởng tôi gửi tạm đấy để sau này ép dầu.

Được tin viên cảnh binh chồng người đàn bà mới chết có việc phải đi lên đất liền, tôi quyết định bới lên một phần đất bỏ ra khỏi huyệt, đến chỗ đặt quan tài mới thôi. Matthieu Carhonieri ngồi trên bức tường của anh ta, gác cho tôi đào. Đầu anh ta đội một chiếc khăn mùi soa trắng bốn góc thắt nút lại. Bên cạnh có một chiếc khăn đỏ, cũng thắt nút ở bốn góc. Không có gì thì cứ đội khăn trắng. Thấy ai đến thì đội khăn đỏ lên, dù là ai cũng thế. Công việc này cực kỳ nguy hiểm. Cũng may là chỉ mất một buổi chiều và một đêm. Tôi không phải đào đến tận quan tài, vì tôi phải khoét rộng cái huyệt ra cho vừa chiều rộng của chiếc bè: một mét hai có dôi ra một ít. Tôi có cảm giác thời gian trôi qua chậm quá, và cái khăn đỏ đã mấy lần hiện ra. Cuối cùng, sáng hôm nay tôi đã làm xong.

Cái huyệt được phủ bằng lá dừa chặt lại, làm thành một thứ sàn khá chắc. Bên trên phủ đất, đắp xung quanh lại thành một cái rìa nhỏ. Trông hầu như không có gì khả nghi. Thần kinh tôi căng thẳng đến tột độ rồi. Cuộc chuẩn bị vượt ngục này đã kéo dài ba tháng. Được buộc kỹ và có đánh số đâu vào đấy, tất cả các bộ phận bằng gỗ của chiếc bè đã được đưa ra khỏi chỗ giấu. Bây giờ nó nằm phía trên quan tài của người đàn bà đã khuất, được lớp đất phủ trên sàn lá dừa che kỹ. Trong cái hốc ở trên tường, chúng tôi đã để ba cái bao bột và một sợi dây dài ba mét để làm buồm, một cái chai đựng diêm và vỏ quẹt, một tá hộp sữa, chỉ có thế thôi. - Bourset càng ngày càng nôn nao, bứt rứt. Cứ như thể chính anh ta sẽ ra đi chứ không phải tôi. Naric lấy làm tiếc là hồi tôi hỏi anh ta đã từ chối. Nếu hồi ấy anh đồng ý thì chúng tôi đã tính chuyện đóng một chiếc bè cho ba người đi chứ không phải hai.

Bấy giờ là mùa mưa, ngày nào cũng mưa cả, điều đó tiện lợi cho tôi những khi tôi đi "thăm mộ"; lúc ấy tôi đã lắp gần xong cái bè. Còn thiếu hai thanh gờ của khung gỗ. Tôi đã chuyển dần mấy chục quả dừa về gần khu vườn của bạn tôi. Có thể đến lấy dừa một cách dễ dàng và không có gì nguy hiểm trong trại trâu. Không bao giờ các bạn tôi hỏi tôi đã chuẩn bị đến đâu rồi. Chỉ thỉnh thoáng họ mới nói: "ổn chứ?" - "ổn". – "Hơi lâu, cậu nhỉ? - "Làm nhanh hơn thì có cơ hỏng hết". Chỉ thế thôi. Khi tôi đến lấy mấy quả dừa để tạm ở sân nhà Juliette, bà ta trông thấy và đã cho tôi một mẻ hết hồn.


- Này anh Papillon, anh bắt đầu làm dầu dừa đấy à? Sao không làm ngay trong sân này? Ở đây có cái chày vồ để đập dừa ra, tôi sẽ cho anh mượn cái nổi lớn trong nhà để đựng cùi dừa.

- Tôi thấy làm ở trại tiện hơn.

- Lạ thật. Ở trại bất tiện thì có.

Nhưng nghĩ một lát, bà ta lại nói:

- Anh có muốn tôi nói thật không? Tôi không tin là anh lại đi làm dầu dừa đâu.

Tôi lạnh toát cả người, Juliette lại nói:

- Trước hết anh việc gì phải làm dầu dừa, trong khi anh có thể lấy bao nhiêu dầu ô-liu của tôi cũng được? Mấy quả dừa kia để làm một cái gì khác kia, đúng không?

Tôi toát mồ hôi hột. Ngay từ đầu tôi đã chờ bà ta ném ra hai tiếng "vượt ngục". Tôi nghẹn cả thở. Tôi nói với Juliette:

- Thưa bà, chuyện này lẽ ra tôi phải giữ bí mật đến cùng, nhưng tôi thấy bà tò mò sốt ruột muốn biết quá, cho nên tôi đành phải làm hỏng món quà bất ngờ mà tôi đã định dành cho bà. Nhưng đã thế này thì tôi chỉ có thể hở cho bà biết rằng mấy quá dừa lớn này đã được chọn để làm một thứ đồ chơi rất xinh mà bà sẽ rất thích. Hiện nay tôi chỉ có thể nói đến đấy thôi.

Tôi đã thắng, vì thấy Juliette trả lời:

- Papillon ạ, anh đừng vì tôi mà bày vẽ những việc làm anh mất thì giờ, và nhất là tôi cấm anh không được phí tiền để làm cho tôi một thứ quà cáp gì đặc biệt. Tôi thành thật cám ơn anh đã nghĩ đến việc đó, nhưng anh chớ có làm như vậy, tôi thiết tha yêu cầu anh đấy.

- Thôi được, để tôi xem đã.

Thật hú vía! Tôi lập tức xin Juliette một ly rượu hồi, điều mà tôi chưa bao giờ làm. Bà không nhận thấy vẻ thảng thốt của tôi, thật may.

Thượng đế nhân từ đang đứng về phía tôi. Hôm nào trời cũng mưa, nhất là về chiều và đêm. Tôi lo nước ngấm qua lớp đất mỏng làm lộ lớp lá dừa đan. Matthieu phải trông chừng thường xuyên, hễ thấy đất trôi đi là đắp lại ngay. Chắc ở phía dưới ngập nước hết rồi. Tôi và Matthieu lôi lớp lá dừa lên: nước chảy xuống đã gần đến nắp quan tài. Tình thế thật nguy kịch. Gần đấy có một ngôi mộ chôn hai đứa trẻ đã chết từ lâu lắm. Một hôm chúng tôi cạy phiến đá trên mộ, tôi chui xuống dùng một thanh sắt ngắn đục lớp xi măng ở chỗ thấp nhất về phía ngôi mộ giấu bè. Lớp xi măng vỡ rồi, tôi vừa cầm thanh sắt cắm xuống đất thì một tia nước phọt lên. Nước từ ngôi mộ bên kia chảy sang cái huyệt này. Khi nước đã lên đến đâu gối tôi bước ra ngoài. Chúng tôi đặt phiến đá trở lại chỗ cũ và gắn xung quanh bằng mát-tit trắng (do Narie kiếm giùm). Biện pháp này đã làm cho lượng nước bên ngôi mộ giấu bè của chúng tôi bớt được một nửa.

Tối hôm ấy Carbonien nói với tôi:

- Không biết đến bao giờ mới hết những chuyện phiền toái vì chuyến vượt ngục này.

- Gần xong rồi mà, Matthieu!

- "Gần" rồi hả? Cũng mong như thế.

Thật chúng tôi như đang ngồi trên đống than hồng.

Sáng hôm sau, tôi ra bến. Tôi đã yêu cầu Charpar mua cho tôi hai ki-lô cá để đến trưa tôi sẽ ra lấy. Tôi trở lên vườn Carbomeri. Gần đến, tôi trông thấy ba cái mũ cối trắng. Tại sao lại có ba tên cảnh sát trong vườn? Chúng nó lục soát gì chăng? Thật là việc không bình thường. Tôi chưa bao giờ thấy có ba tên cảnh sát đến vườn Carbomeri. Tôi đợi một giờ đồng hồ, rồi sốt ruột quá không chịu được nữa, tôi quyết định đi tới tận nơi xem thừ có việc gì xảy ra. Tôi cứ ngang nhiên đi trên con đường dẫn đến khu vườn. Mấy tên cảnh sát đứng nhìn tôi đi tới. Tôi đã đến cách họ khoảng hai mươi mét, lòng bồn chồn hồi hộp, thì thấy Matthieu đội chiếc khăn trắng lên đầu. Tôi thở hắt ra, và có đủ thì giờ trấn tính lại trước khi đến tận chỗ mấy người kia đứng.

- Chào các ông giám thị. Chào Matthieu. Tôi đến lấy quả đu đủ cậu hứa cho tôi.

- Tiếc quá Papillon ạ, sáng nay tớ đi lấy sào để cắm cho cây đỗ leo, khi về mới thấy mất quả đu đủ. Nhưng chỉ bốn năm hôm nữa lại có quả chín, bây giờ cũng đã có mấy quả vàng vàng rồi. Thưa các ông giám thị, sao ạ, các ông có lấy một ít rau xà lách, mấy quả cà chua mí lại mấy củ cải cho các bà ở nhà không ạ?

- Khu vườn của anh trông nom khá lắm Carbonieri ạ tôi có lời khen anh đấy, - một viên cảnh sát nói.

Họ nhận mấy mớ xà lách, cà chua và củ cải rồi ra về. Tôi ra về trước họ một chút cho họ thấy tôi không có chuyện riêng gì phải bàn với Carbonieri, không quên mang theo hai cây xà lách.

Tôi đi ngang qua nghĩa địa. Ngôi mộ bị mưa xói lở cả lớp đất phủ bên trên. Đứng cách mười bước, tôi trông thấy rõ lớp lá dừa trồi lên. Đến thế này mà chúng tôi chưa bị lộ thì quả là Chúa phù hộ cho. Đêm đêm gió thổi ào ào như quỷ dữ, tràn qua ngọn đồi trên đảo với những tiếng gầm thét điên dại, chốc chốc lại đổ cả mưa rào. Mong sao cứ thế này mãi: đây là một thời tiết lý tưởng để vượt ngục, nhưng đối với ngôi mộ thì lại khác. Súc gỗ lớn nhất của chiếc bè, cái súc dài hai mét ấy đã được đưa đến hầm mộ một cách xuôi lọt, để nhập bọn với các bộ phận khác của bè. Tôi lại còn lắp thử nó vào nữa là khác, nó ăn khớp vào một cách sít sao mà dễ dàng, không phải tốn sức gì cả.

Bourset chạy lên tận trên trại để hỏi xem tôi đã nhận được cái bộ phận quan trọng hàng đầu ấy chưa: nó quan trọng thật, nhưng lại cồng kềnh quá xá. Nghe nói đâu đấy đều ổn cả, anh ta mừng quýnh. Anh ta có vẻ như không tin là nó lại có thể đến tay tôi được. Tôi hỏi:

- Cậu có ngờ vực gì không? Cậu nghĩ là có ai biết được à? Cậu có hở ra với ai không? Trả lời đi!

- Không, tuyệt nhiên không?

-Thế nhưng cậu vẫn có vẻ lo âu vì một điều gì đó. Cậu nói đi!

- Tôi chỉ có một cảm giác khó chịu vì cái nhìn quá tò mò như có ý soi mói của một gã tên là Bébert Celier. Tôi thấy hình như hắn đã nhìn thấy Naric lấy súc gỗ dưới cái bàn thợ mộc bỏ vào cái thùng ton-nô đựng vôi rồi mang đi. Mắt hắn dõi theo Naric ra đến tận cửa xưởng. Hai anh em Đẩy Xe sắp phải quét vôi một dãy nhà trong trại. Tôi lo là vì thế đấy.

Tôi hỏi Grandet:

- Cái anh Bébert Celier ấy ở khối ta đấy, vậy ắt không phải là một thằng phản trắc.

Grandet nói:

- Tay này vốn là tù được giao cho sở Công chánh. Cậu thử hình dung mà xem: hắn đã từng đánh nhau trong một tiểu đoàn trừng giới ở châu Phi, một tay cứng đầu đã nếm mùi đủ các thứ nhà pha của quân đội ở Maroc và ở Algérie, chuyên gây sự đánh nhau, đấu dao loại sừng sỏ, một tay pê- đê cuồng nhiệt, lại máu mê cờ bạc nữa. Hắn chưa bao giờ sống ngoài xã hội như một thường dân. Kết luận: đó là một thằng vô lại, cực kỳ nguy hiểm. Trại khổ sai chính là cả cuộc đời của hắn. Nếu cậu nghi hắn thực sự, thì hãy đi bước trước đi: hãy ám sát hắn ngay đêm nay, để hắn không có thì giờ tố giác cậu nếu hắn có ý định ấy.

- Không có gì chứng minh rằng hắn là một thằng chỉ điểm.

- Đúng thế, - Galgani nói, - nhưng cũng không có gì chứng minh hắn là một thằng khá. Cậu thừa biết loại phạm nhân như hắn chúa ghét những cuộc vượt ngục. Nó làm đảo lộn quá nhiều cái nếp sinh hoạt yên ổn và có nền nếp của bọn chúng. Về bất cứ việc gì khác thì chúng không bao giờ tố giác, nhưng chuyện vượt ngục thì khác, biết đâu đấy?

Tôi hỏi ý kiến Matthieu Carbonieri. Anh ta tán thành cái ý kiến là phải giết hắn ngay đêm nay. Anh ta định đích thân làm việc đó. Tôi có một hành động sai lầm là đã ngăn cản anh ta. Tôi không thể chấp nhận việc giết một con người mà chỉ căn cứ vào những hiện tượng bề ngoài. Dù là tự mình giết hay để cho người khác giết, tôi cũng thấy ghê tay quá. Nếu nhỡ Bourset tưởng tượng ra những chuyện anh ta vừa kể thì sao? Vì quá lo sợ, anh ta có thể thần hồn nát thần tính mà thành ra hoang tưởng cũng nên. Tôi hỏi Naric:

- Xúp nhừ này, cậu có thấy Bébert Celier có cái gì khác thường không?

- Tôi thì không. Khi đi ra, tôi vác cái thùng trên vai để thằng giữ chìa khóa đừng trông thấy trong thùng có gì. Theo chiến thuật đã quy ước, tôi phải đứng ngay trước mặt thằng giữ chìa khóa, không đặt cái thùng ton-nô xuống, cho đến khi anh rể tôi ra đến cửa. Như thế là để thằng A-rập thấy rõ tôi không vội vã muốn ra ngay: hắn sẽ không sinh nghi mà đòi khám cái thùng. Nhưng sau đó anh rể tôi nói là thấy thằng Bébert Celier quan sát chúng tôi một cách chăm chú.

- Ý kiến của anh ra sao?

- Vì bộ phận này rất quan trọng, và chỉ nhìn qua cũng biết đó là một bộ phận của một chiếc bè, cho nên anh rể tôi lo sợ quá mà trông gà hóa cuốc.

- Tôi cũng nghĩ như vậy. Thôi chuyện này không nói nữa.

Còn lại bộ phận cuối cùng, trước khi đưa ra phải chú ý xem Bébert Celier ở đâu. Cứ đề phòng hắn ta như đối với một tên ác.

Suốt đêm ấy tôi mê mải đánh bài Marseillaise. Tôi được bảy ngàn francs. Tôi càng đánh bừa lại càng được. Đến bốn giờ rưỡi sáng, tôi thôi đánh bài, nói là phải đi làm cỏ-vê đổ thùng. Tôi để cho cậu da đen Matinique làm một mình. Mưa đã tạnh. Trong bóng đêm hãy còn tối mịt, tôi đi ra nghĩa trang. Tôi lấy chân san lại đất trên ngôi mộ, vì tôi tìm không ra cái xẻng, nhưng với đôi giày của tôi, công việc cũng tạm ổn. Đến bây giờ, khi tôi xuống biển câu cá, trời đã nắng ráo, rất đẹp. Tôi đi về phía mũi đá phía nam đảo Royale, nơi tôi đã định cho bè xuống nước. Nước biển dâng cao, động mạnh. Tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi có cảm giác là sẽ rất khó làm cho bè tách ra khỏi bờ mà bờ mà không bị sóng hắt trở lại, xô mạnh, vào đá. Tôi câu một mớ cá hồng đá dễ đến hơi năm ki-lô. Rửa sạch mớ cá xong, tôi không câu nữa. Tôi rất lo, nhất là lại đang mệt vì canh bạc trắng đêm. Ngồi trong bóng rợp, tôi ôn lại cái thời gian hơn ba tháng chuẩn bị vừa qua, tự nhủ rằng sự căng thẳng kéo dài đã sắp kết thúc, rồi nghĩ đến trường hợp Celier, tôi kết luận lại một lần nữa là mình không có quyền ám sát hắn.

Tôi đến gặp Matthieu. Đằng bên bức tường của khu vườn, có thể trông rõ ngôi mộ. Trên lối đi vào mộ có đất rải rác. Đến trưa Carbonieri sẽ sang quét sạch nó đi. Tôi đi qua nhà Juliette, cho bà một nửa số cá vừa câu được Bà ta nói:

- Papillon ơi, đêm qua tôi chiêm bao chuyện dữ quá: tôi mơ thấy anh máu me đầm đìa, rồi lại thấy anh bị xiềng xích. Anh đừng làm gì dại dột nhé. Nhỡ anh có làm sao thì tôi sẽ đau khổ quá sức. Giấc chiêm bao làm cho tôi xúc động đến nỗi đến bây giờ tôi cũng chưa buồn rửa mặt chải đầu gì cả. Tôi lấy ống nhòm tìm xem anh đang câu cá ở đâu, mà chẳng thấy. Chỗ cá này anh câu ở đâu thế?

- Ở bên kia đảo. Cho nên bà không nhìn thấy được

- Tại sao anh lại phải câu xa thế, ở một nơi mà tôi không thể dùng ống nhòm nhìn tới được? Nhỡ bị sóng cuốn đi thì sao? Sẽ không có ai trông thấy để mà vớt anh lên trước khi cá mập đớp mất.

- Ồ, xin bà đừng quan trọng hóa đi qua như thế.

- Anh cho tôi là tôi quan trọng hóa! Bây giờ tôi cấm anh câu ở phía bên kia đảo đấy. Nếu anh không nghe, tôi sẽ bảo người ta rút giấy phép đi câu của anh.

- Kìa, bà phải biết điều một chút chứ. Để bà vui lòng, từ nay tôi sẽ nói cho anh tù làm ở nhà bà biết tôi câu ở chỗ nào.

- Thôi được. Nhưng sao trông anh mệt mỏi thế?

- Vâng, tôi hơi mệt thật. Tôi sẽ về trại nằm một lát


- Được. Nhưng đến bốn giờ tôi đợi anh đến uống cà phê đấy nhé. Anh đến chứ?

- Vâng xin hẹn đến chiều, chào bà tôi về.

Chỉ còn thiếu có thế nữa thôi để làm cho tôi bình tâm lại sao? Giấc chiêm bao của Juliette! Làm như thể tôi chưa đủ rối trí với những vấn đề gay cấn trong cõi thực, còn phải thêm những vấn đề trong cõi mộng nữa?

Bourset nói là anh ta có cảm giác bị theo dõi thực sự. Chúng tôi đợi cái bộ phận cuối cùng của bè - cái mảng dài một mét rưỡi - đã mươi lăm hôm naỵ Naric và Quenier nói không thấy có gì bất thường, nhưng Bourset vẫn không chịu làm cái bộ phận kia. Giả sử nó không có năm cái khớp phải đục chính xác từng ly, Matthieu có thể đem ra vườn làm. Đằng này những cái khớp ấy phải lắp cho sít năm đường nẹp của chiếc bè. Vì Naric và Quenier đang phải sửa chữa ngôi nhà nguyện của trại cho nên có thể dễ dàng đưa ra đưa vào rất nhiều vật tư trong xưởng. Hơn thế nữa, thỉnh thoảng họ lại được dùng một chiếc xe trâu nhỏ. Phải lợi dụng cho được dịp may này. Bourset bị chúng tôi thúc giục quá đành phải làm một cách miễn cưỡng. Một hôm anh ta nói là biết chắc có người đã lấy cái mảng bè ra xem rồi để lại chỗ cũ. Chỉ còn một cái khớp phải đục ở đầu mút. Mọi người quyết định là anh ta phải đục cho xong, rồi giấu cái màng dưới tấm ván ở bàn mộc, ở trên để một sợi tóc để xem thứ có ai động đến không.

Bourset đục cái khớp, rồi đến sáu giờ anh ta ra khỏi xưởng sau cùng, sau khi đã biết chắc là trong xưởng chỉ còn tên gác. Cái mảng bè đã để ở chỗ quy định với sợi tóc đánh dấu. Đến mười hai giờ trưa tôi có mặt ở trại, chờ những người làm ở xưởng tới, cả thảy tám mươi người. Naric và Quenier đều có mặt, nhưng Bourset thì không thấy đâu. Một phạm nhân người Đức đến trao cho tôi một mảnh giấy dán kỹ. Có thể thấy rõ là chưa có ai bóc ra. Tôi đọc: "Sợi tóc không còn ở đấy nữa: đã có kẻ sờ đến cái mảng. Tôi đã xin tên gác cho tôi ở lại làm việc trong giờ nghỉ trưa để làm cho xong cái tráp bằng gỗ hồng tâm tôi đang làm dở. Hắn đã cho phép. Tôi sẽ lấy cái mảng để vào chỗ để dụng cụ của Naric. Anh nói cho họ biết đi. Đến ba giờ họ phải đưa ngay súc gỗ đi. May ra thằng cha đang theo dõi cái mảng bè chưa kịp trở tay". Naric và Quenier đồng ý. Họ sẽ ra đứng ở hàng đầu đám thợ làm ở xưởng. Trước khi mọi người, vào hết, hai người sẽ bày chuyện đánh nhau ở gần trước cửa. Chúng tôi đã nhờ hai người đồng hương với Carbonieri làm giúp việc này. Đó là hai người Corse ở Montmartre: Massani và Santini. Họ không hề hỏi tại sao phải thế: miễn chúng tôi cần là được rồi, sẵn sàng ngay. Naric và Quenier sẽ lợi dụng thời cơ ấy để trở ra nhanh, mang theo một vật liệu gì đấy, làm như thể họ đang vội đi làm và không quan tâm đến vụ đánh nhau.

Chúng tôi đều nhất trí rằng hãy còn một khả năng cứu vãn. Nếu chuyến này thành công, tôi phải án binh bất động một hai tháng, vì chắc chắn là đã có một hay nhiều người biết là có ai đang chuẩn bị một chiếc bè. Cứ để cho họ tìm xem ai chuẩn bị, và bè giấu ở đâu. Đã đến hai giờ rưỡi, các bạn tôi chuẩn bị hành động. Từ lúc điểm danh đến lúc xuất phát đi công trường phải mất ba mươi phút. Họ bắt đầu đi. Bébert Celier đứng ở khoảng giữa đoàn người xếp thành hai mươi hàng tư. Naric và Quenier đi đầu, Massani và Santini ở hàng thứ mười hai, Bébert Celier ở hàng thứ mười. Tôi nghĩ như thế rất tiện, vì khi Naric lấy các thứ gỗ này nọ trong đó có cả cái mảng bè, những người kia chưa vào hết trong xưởng. Bébert sẽ gần vào đến cửa xưởng. Khi cuộc ẩu đả nổ ra, vì mọi người sẽ la ó om xòm lên, lẽ tự nhiên là mọi người, trong đó có Bébert, sẽ quay lại nhìn. Đến bốn giờ, mọi việc đã diễn ra êm xuôi, cái mảng bè đã được giấu dưới một đống vật liệu để trong nhà thờ. Họ chưa đưa ra khỏi nhà thờ được, nhưng để tạm ở đấy cũng rất ổn.

Tôi ghé chỗ Juliette, nhưng bà ta không có ở nhà. Khi quay về, tôi đi ngang sân trước nhà ban Quản trị. Tôi trông thấy Massani và Santini đang đứng trong bóng râm đợi vào xà lim. Cái này chúng tôi đều biết trước. Tôi đi qua chỗ họ, hỏi:

- Bao nhiêu?

- Tám ngày - Santini đáp.

Một tên cảnh binh người Corse nói:

- Đồng hương mà lại đi đánh nhau, khỉ thật!

Tôi về trại. Sáu giờ, Bourset rạng rỡ lên, nói với tôi:

- Cứ như thể mình đang bị ung thư mà bỗng dưng bác sĩ cho biết là đã chẩn bệnh nhầm, chứ mình chẳng có bệnh gì cả..

Carbonieri và các bạn tôi đều đắc thắng. Họ khen ngợi tôi về cách tổ chức công chuyện. Naric và Quenier cũng đều thỏa thuê. Mọi sự đều ổn cả. Tôi ngủ thẳng giấc cho đến sáng. Tuy hồi tối mấy tay cờ bạc đã đến mời tôi đánh. Tôi nói dối là nhức đầu. Thật ra tôi buồn ngủ đến chết đi được, nhưng tôi hài lòng và mừng rỡ vì sắp thành công đến nơi rồi. Cái khó khăn nhất thế là đã vượt qua được. Sáng nay Matthieu đã giấu tạm cái bộ phận cuối cùng trong hốc tường. Lúc bấy giờ ông già gác nghĩa địa đang quét những lối đi phía ngôi mộ giấu bè. Lúc này mà mon men đến đó thì dễ lộ lắm. Sáng sớm nào cũng vậy, từ lúc tờ mờ tôi đã đến nghĩa địa dùng xẻng gỗ đắp lại đất trên ngôi mộ, cố làm thật nhanh. Tôi dùng chổi quét sạch lối đi, rồi nhanh chóng quay về đổ thùng, giấu chổi và xẻng trong góc nhà xí.

Kể từ lúc bắt đầu chuẩn bị cho đến nay đã đúng bốn tháng, và chúng tôi nhận được bộ phận cuối cùng của chiếc bè đã được chín hôm. Trời không còn mưa hàng ngày nữa, và nhiều hôm trời lạnh suốt cả đêm. Tất cả các giác quan của tôi đều luôn luôn trong tình trạng báo động, để chuẩn bị cho hai cái giờ G sắp tới: trước tiên là lấy cái bộ phận trứ danh kia trong vườn Matthieu rồi lắp chiếc bè cho thật khớp. Việc này chỉ có thể làm ban ngày. Sau đó là lên đường. Việc này không thể tiếp luôn sau việc kia, vì khi lấy bè ra rồi còn phải nhét dừa và lương thực vào.

Hôm qua tôi đã kể hết cho Castelli nghe và cho bác ta biết tình hình hiện tại. Bác ta mừng cho tôi là đã gần đạt đến đích. Bác nói:

- Bây giờ là tiết trăng non.

- Tôi biết.

- Vậy thì lúc nửa đêm không sợ có trăng nước ròng là vào mười giờ, vậy giờ tốt nhất để hạ thủy vào hai giờ sáng. Carbonieri và tôi đã quyết định làm gấp. Sáng mai chín giờ, lắp xong bộ phận cuối cùng của bè. Đến đêm là vượt ngục.

Sáng hôm sau, chúng tôi hành động rất ăn ý với nhau. Tôi đi qua khu vườn, đến nghĩa địa, chống xẻng nhảy ra tường. Trong khi tôi dùng xẻng gạt đất trên mộ địa, Matthieu lấy phiến đá ra và đem cái bộ phận bè mới giấu vào đấy sang cho tôi. Chúng tôi cùng giở lớp lá dừa đan để sang một bên. Chiếc bè hiện ra, dính đất nham nhở, nhưng tình trạng hoàn hảo. Chúng tôi đưa bè ra khỏi mộ, vì để lắp thêm bộ phận cuối cùng, bên cạnh phải có chỗ rộng. Chúng tôi lắp năm đường nẹp vào thanh gỗ có năm khớp. Muốn chặt chúng tôi phải lấy đá gõ. Chúng tôi đã lắp xong đâu vào đấy, đăng đặt bè vào chỗ cũ, thì một tên cảnh sát hiện ra, tay lăm lăm khẩu súng trường.

- Đứng im, không chết ngay!

Chúng tôi buông cái bè xuống, giơ hai tay lên trời. Tôi nhận ra mặt tên cảnh sát. Đó là viên giám thị trưởng của xưởng thợ.

- Các anh đừng kháng cự mà dại. Các anh bị bắt quả tang. Các anh hãy chấp nhận như thế và ít ra cũng phải lo cứu lấy tính mạng: mạng các anh bây giờ treo trên sợi tóc, vì tôi chỉ muốn cho các anh một băng. Thôi, đi tay vẫn để nguyên thế!

Đi ra nhà ban chỉ huy. Khi đi qua cổng nghĩa địa, chúng tôi gặp một thằng A-rập giữ chìa khóa. Tên cảnh sát nói với hắn:

- Mohamed, cám ơn cậu đã giúp tôi. Sáng mai ghé tôi tôi sẽ đưa cái ấy cho... món quà tôi đã hứa thưởng cậu ấy mà.

- Cám ơn sếp, - thằng A-rập nói. - Tôi sẽ đến, nhưng sếp ạ. Bébert Celier cũng phải trả công cho tôi chứ, phải không ạ?

- Chuyện này hai cậu dàn xếp với nhau, - tên cảnh sát nói.

Tôi hỏi hắn:

- Chính Bébert Celier đã chơi chúng tôi, phải không sếp?

- Không phải tôi nói chuyện này với các anh đâu đấy nhé.

- Cũng thế thôi, chuyện này biết được cũng hay.

Vẫn chĩa súng vào chúng tôi, tên cảnh sát nói:

- Mohamed, lục soát chúng đi.

Thằng A-rập rút con dao tôi giắt ở thắt lưng, cả con dao của Matthieu nữa. Tôi nói với hắn:

- Mohamed này, anh tài thật đấy. Anh làm thế nào mà biết được thế?

- Ngày nào tôi cũng leo lên ngọn cây dừa đằng kia để xem các anh giấu chiếc bè ở đâu.

- Ai bày cho anh làm như thế?

- Đầu tiên là Bébert Celier, sau là ông giám thị Bruet.

- Đi thôi, nói nhiều quá rồi đấy, - tên cảnh sát nói. - Bây giờ các anh có thể bỏ tay xuống, và đi nhanh lên.

Đoạn đường bốn trăm mét mà chúng tôi đi để đến trụ sở ban chỉ huy tôi có cảm giác là đoạn đường dài nhất trong đời tôi. Tôi đã sụm hẳn. Bấy nhiêu hơi sức dốc ra rồi cuối cùng chuốc lấy một thất bại thảm hại như thế. Trời ơi, sao Người nỡ tàn nhẫn đối với tôi như vậy? Thật là một cảnh điếm nhục khi chúng tôi đến Ban chỉ huy Trại, vì trên đường đi chúng tôi lần lượt gặp những tên cảnh binh: họ liền nối gót theo tên đang chĩa súng vào chúng tôi, thành thử khi đến nơi đã thành một tốp bảy tám tên đi sau lưng chúng tôi. Viên chỉ huy, được tên giữ khóa người A-rập chạy về báo trước, đang đứng trước cửa ban chỉ huy cùng với Dega và năm viên giám thị trưởng.

- Có chuyện gì thế, ông Bruet? - viên chỉ huy hỏi.

- Có chuyện là tôi đã bắt quả tang hai người này đang cất giấu một chiếc bè hình như đã đóng xong.

- Papillon, anh có cần nói gì không?

- Không. Tôi sẽ khai trước hội đồng thẩm vấn.

- Đưa hai người vào xà-lim.

Tôi bị nhốt vào một căn xà-lim có một khung cửa sổ bịt kín đối diện với cửa ra vào Ban chỉ huy. Căn xà-lim tối om, nhưng tôi nghe được tiếng nói của những người qua lại trước trụ sở Ban chỉ huy. Các sự việc diễn ra rất nhanh. Đến ba giờ họ cho chúng tôi ra và khóa tay chúng tôi lại. Trong phòng có lập một thứ tòa án: chỉ huy trại, phó chỉ huy, giám thị trưởng. Một viên cảnh binh làm chân lục sự. Ngồi riêng sau một cái bàn đặt cách xa nhóm kia, Dega cầm cây bút chì, chắc hắn là để ghi lại những lời vấn đáp sắp tới.

- Charrière và Carbonieri, các người hãy lắng nghe bản báo cáo của ông Bruet về các người: "Tôi, Bruet Auguste, giám thị trưởng, quản đốc công xưởng Quần đảo Salut, xin khởi tố hai phạm nhân khổ sai là Charrière và Carbonieri về tội lấy trộm, lạm dụng vật liệu thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Tôi tố cáo phạm nhân thợ mộc Bourset về tội đồng lõa. Tôi thấy có cơ sở để khẳng định rằng hai phạm nhân Naric và Quenier cũng phạm tội đồng lõa. Tôi xin nói thêm rằng tôi đã bắt được quả tang Charnère và Carbonicri đang xâm phạm ngôi mộ của bà Privat mà họ dùng làm nơi cất giấu chiếc bè của họ".

- Các anh nói sao đây? - Viên chỉ huy trại hỏi.

- Trước hết, Carbonieri chẳng có dính dáng gì vào đây cả. Chiếc bè được thiết kế để chở có một người, tức là tôi. Chẳng qua tôi đã bắt Carbonieri phải giúp tôi giở lớp lá dừa đan trên mộ, vì việc này tôi không thể làm lấy một mình. Vậy thì Carbonieri không hề phạm tội lạm dụng và lấy cắp vật tư của Nhà nước, mà cũng không hề phạm tội đồng lõa vượt ngục, vì cuộc vượt ngục chưa hề được thực hiện. Bourset là một nạn nhân bị buộc phải hành động vì bị dọa giết. Còn Naric và Quenier thì tôi hầu như không hề quen. Tôi xin quả quyết là họ không hề dính líu đến việc này.

- Người chỉ điểm của tôi nói khác kia, - viêm giám thị nói.

- Tên Bébert Celier, người đã chỉ điểm cho ông, rất có thể lợi dụng việc này đế trả thù một vài người nào đấy bằng cách nói điêu cho họ. Làm sao có thể tin lời một tên chỉ điểm?

Viên chỉ huy nói:

- Tóm lại, anh bị tố cáo chính thức là đã lấy trộm và lạm dụng vật tư của Nhà nước, xâm phạm mộ phần và mưu toan vượt ngục. Anh ký vào văn bản đi.

- Tôi chỉ ký khi nào trong văn bản đã thêm lời tôi khai về Carbonieri, Bourset và hai anh em rể Naric và Quenier.

- Đồng ý.

- Các ông viết thêm vào đi. Tôi sẽ ký.

Tôi không thể diễn đạt rõ ràng tất cả những gì đã diễn ra trong tâm trí tôi kể từ khi công việc bị bại lộ vào phút cuối ấy. Tôi như đã phát điên trong xà lim này, tôi ăn chẳng được, tôi không đi lại, nhưng tôi hút thuốc liên hồi, hết điếu này sang điếu khác. Cũng may là Dega tiếp tế thuốc lá cho tôi đầy đủ. Hôm nào chúng tôi cũng được một giờ đi dạo vào buổi sáng, trong khoảng sân của các xà lim trừng giới, dưới ánh nắng. Sáng nay ông chỉ huy trại có đến nói chuyện vôi tôi. Kể cũng lạ: nếu cuộc vượt ngục thành công, ông chính là người bị thiệt hại nặng nề nhất, thế mà chính ông lại là người tức giận tôi ít nhất. Ông ta mỉm cười kể cho tôi nghe rằng vợ ông có nói là một người bị giam mà còn giữ được tư cách dĩ nhiên là phải tìm cách vượt ngục.

Rất khéo léo, ông ta lái câu chuyện như thế nào để tôi xác nhận phần đóng góp của Carbonierị Tôi có cảm giác là tôi đã thuyết phục được ông, cho ông thấy rõ rằng Carbonieri ở vào cái thế không thể nào từ chối khi tôi nhờ giúp tôi một tay trong việc tháo giở lớp lá dừa bên trên ngôi mộ. Bourset đã xuất trình bức thư đe dọa và tấm đồ án do tôi làm. Về phần tôi thì ông chỉ huy hoàn toàn tin là mọi việc diễn ra đúng như tôi đã khai. Tôi hỏi ông ta xem theo ý ông thì cái tội lấy trộm vật tư kia liệu có thể xử đến mấy năm. Ông nói: "Mười tám tháng là cùng". Nói tóm lại, tôi dần dần leo trở lên cái dốc bờ vực mà tôi đã lăn xuống. Tôi có nhận được mấy chữ của Chatal, người y tá. Anh ta cho tôi biết rằng Bébert Celier hiện nay nằm một phòng cách biệt ở bệnh viện, đang được cứu xét miễn giam vì một kết quả chẩn bệnh ít có: áp xe gan. Chắc đây là một cách dàn xếp giữa ban Quản trị và ông bác sĩ để che chở cho hắn tránh khỏi những hành động trả thù.

Căn xà-lim của tôi không bao giờ bị khám, họ cũng không lần nào khám người tôi. Tôi lợi dụng tình hình đó để nhờ các bạn tuồn vào cho tôi một con dao. Tôi nói với Naric và Quenier là họ phải yêu cầu một cuộc đối chất giữa viên giám thị công xưởng, Bébert Celier, anh thợ mộc và tôi, đệ lên viên chỉ huy trại một lời thỉnh cầu là sau cuộc đối chất này ông sẽ quyết định cách xử lý mà ông thấy là thích đáng đối với họ: hoặc giam cầm, hoặc trừng giới, hoặc cho đi lại tự do trong trại. Trong buổi đi dạo hôm nay, Naric nói với tôi rằng chỉ huy trại đã đồng ý. Cuộc đối chất sẽ diễn ra lúc mười giờ sáng mai. Dự buổi này sẽ có một giám thị trưởng làm chức năng dự thẩm. suốt đêm hôm ấy tôi tìm cách tự can gián, vì tôi có ý định giết Bébert Celier. Nhưng tôi không sao tự can ngăn được. Không, con người ấy mà được miễn giam vì đã có công phát hiện vụ vượt ngục, rồi sau đó, xuất phát từ Đất Liền, hắn lại có thể lên đường vượt ngục nữa, như thể để thưởng công vì đã ngăn chặn tôi vượt ngục, thì thật quá ư bất công. Phải, nhưng mày có thể bị xử tử, vì người ta có thể coi là mày có chủ định từ trước. Tôi đếch cần. Đó là kết luận của tôi, vì tôi quá tuyệt vọng.

Bốn tháng trời hy vọng, vui mừng, lo sợ, suy nghĩ, phát minh, để rồi đến khi đã sắp thành đạt thì bỗng dưng thất bại thảm hại như vậy chỉ vì miệng lưỡi một thằng chỉ điểm. Ra sao thì ra, mai tôi sẽ tìm cách giết Celier cho bằng được. Cách duy nhất để khỏi bị xử tử là làm thế nào để hắn rút dao ra trước. Muốn thế, tôi phải làm thế nào cho hắn thấy rõ là con dao của tôi cũng đã mở. Chắc chắn là thấy thế hắn phải rút dao ra ngay. Việc này phải làm trước cuộc đối chất một chút, hay ngay sau đó. Tôi không thể giết hắn trong khi đang đối chất, vì như thế có nguy cơ là một tên cảnh sát có thể rút súng bắn tôi ngay. Tôi trông mong vào cái thói cẩu thả kinh niên của bọn cảnh sát. Suốt đêm tôi vật lộn với ý nghĩ trên đây. Tôi không sao trấn áp được nó. Quả thật, trong đời có những điều không thể nào tha thứ được. Tôi biết rằng con người ta không có quyền tự mình đứng ra xét xử người đời, nhưng đó là nói về những người thuộc một đẳng cấp xã hội khác kia. Làm sao có thể chấp nhận rằng có thể không nghĩ đến việc trừng phạt thật đích đáng một con người đáng ghê tởm như thế. Tôi không hề làm điều gì có hại cho tên tù trại lính ấy, thậm chí hắn cũng không hề quen biết gì tôi. Như vậy là hắn đã tự dưng xử phạt tôi x năm cấm cố một cách hoàn toàn vô cớ. Hắn đã tìm cách chôn sống tôi để mưu cầu được miễn giam. Không, nhất định không? Tôi không thể nào lại để cho hắn được hưởng thành quả của cái hành động đáng buồn nôn của hắn. Không thể được! Tôi cảm thấy mình chỉ có chết. Thôi, chết thì chết, nhưng hắn cũng phải chết, mà phải chết khổ chết sở hơn cả tôi nữa. Nhưng nếu mày bị xử tử, thì thử hỏi chết vì một con người đê tiện như thế có phải là ngu dại không? Cuối cùng tôi chỉ hứa được với bản thân có một điều: nếu hắn không rút dao ra, tôi sẽ không giết hắn.

Suốt đêm ấy tôi không ngủ. Tôi hút hết cả một bao thuốc lá sợi xám. Đến sáu giờ sáng, lúc họ đưa cà phê vào tôi chỉ còn hai điếu. Thần kinh tôi căng thắng đến nỗi ngay trước mặt tên gác, tôi nói với người đưa cà- phê (điều này xưa nay cấm):

- Cậu có thể cho tôi mấy điếu thuốc hay một ít thuốc lá sợi không... nếu sếp đây cho phép? Thưa sếp, tôi kiệt quệ lắm rồi.

- Ừ!, anh cứ cho Papillon đi, nếu anh có sẵn. Tôi thì không hút thuốc. Tôi thành thực phiền lòng cho anh, Papillon ạ. Là người Corse, tôi thương con người và ghét những việc làm khốn nạn.

Mười giờ kém mười lăm, tôi đang đứng ngoài sân đợi lúc vào phòng. Naric, Quenier, Bourset, Carbonieri đều có mặt ở đây. Viên cảnh sát gác chúng tôi là Antartaglia, người vừa gặp tôi khi đưa cà phê vào. Hắn nói chuyện với Carbonieri bằng tiếng Corse. Tôi nghe cũng hiểu được ý hắn nói là việc vừa rồi thật đáng tiếc, và Carbonieri có thể bị ba năm cấm cố. Lúc ấy cánh cửa mở ra và tên A-rập leo dừa, tên A-rập gác cửa xưởng và Bébert Celier bước vào sân. Nhìn thấy tôi, hắn hơi chùn bước lại, nhưng tên gác đi kèm hắn nói:

- Đi tới, đứng sang một bên kia, bên phải ấy. Antartaglia, đừng để cho chúng nó trao đổi gì với nhau.


Thế là hắn và tôi đứng cách nhau không đầy hai mét. Antartaglia nói:

- Giữa hai nhóm cấm nói với nhau.

Carbonieri lúc bấy giờ vẫn nói chuyện bằng tiếng Corse với viên cảnh sát đồng hương đang giám thị cả hai nhóm.

Viên cảnh sát cúi xuống buộc lại dây giày, tôi ra hiệu cho Matthieu đứng nhích ra phía trước một chút. Cậu ta hiểu ngay. Cậu đưa mắt nhìn Bébert Celier và nhổ bọt về phía hắn. Khi viên cảnh sát đứng thẳng lên, Carborneri cứ nói chuyện với hắn không ngớt miệng, thu hút được sự chú ý của hắn đến mức tôi bước lên một bước mà hắn không hề nhận thấy. Tôi buông cho con dao từ ống áo tụt xuống và cầm vào tay. Chỉ có Celier có thể trông thấy. Nhanh như cắt, hắn rút con dao đã mở sẵn trong túi quần đâm một nhát trúng vào bắp tay phải của tôi. Tôi thì lại thuận tay trái. Tôi đâm thẳng vào ngực hắn một nhát ngập đến tận chuôi. Một tiếng "A-ãch!" nghe như tiếng đã thú, rồi hắn rơi phịch xuống đất. Antartaglia rút súng lục cầm tay nói với tôi:

- Cậu lùi ra, lùi ra ngaỵ Chớ đâm thêm, không tôi buộc lòng phải bắn.

Carbonieri lại gần Celier, lấy chân chạm thử vào đầu hắn, rồi nói hai tiếng Corse. Tôi nghe cũng hiểu: hắn chết rồi. Viên cảnh sát nói:

- Cậu đưa đao đây..

Tôi đưa con dao, hắn đút súng vào bao, đi ra cánh cửa sắt gõ mấy tiếng. Một tên gác mở cửa ra. Viên cảnh sát nói:

- Cho cáng vào khiêng một xác chết.

- Ai vừa chết thế? - tên gác hỏi.

- Bébert Celier.

- Thế à? Thế mà tôi cứ tưởng là Papillon.

Họ lại nhốt chúng tôi vào xà-lim. Cuộc đối chất thế là phải bãi.

Trước khi vào hành lang Carbonieri nói với tôi:

- Papi, tội nghiệp cậu quá, lần này thì cậu lãnh đủ.

- Ừ, nhưng tớ vẫn còn sống, còn nó thì ngoẻo rồi.

Viên cảnh sát trở lại một mình, mở cửa rất khẽ khàng rồi nói với tôi, giọng vẫn còn xúc động:

- Đấm vào cửa mấy cái đi, kêu là bị thương. Chính hắn đã tấn công trước, tôi trông thấy rõ ràng. - Đoạn hắn khép cửa lại.

Mấy cái gã cảnh sát Corse ấy ghê thật: hoặc xấu tất, hoặc tốt cả. Tôi đập cửa, kêu: "Tôi bị thương rồi, phải đưa tôi vào bệnh viện băng bó chứ"

Viên cảnh sát trở lại với viên giám thị trưởng của khu trừng giới.

- Anh làm sao? Có việc gì mà làm ồn lên thế?

- Thưa sếp, tôi bị thương mà.

- À! Anh bị thương phỏng? Tôi tưởng hắn đâm có trúng đâu?

- Bắp thịt tay phải của tôi bị đứt rồi.

- Mở ra, viên cảnh sát kia nói.

Cửa mở, tôi bước ra. Quả bắp thịt bị cắt đứt, hở hoác ra.

- Khóa tay hắn lại, đưa sang bệnh viện. Không được để hắn nằm lại bệnh viện, bất cứ với lý do gì. Băng bó xong, phải đưa về đây ngay.

Khi chúng tôi ra ngoài, có đến mười tên cảnh sát với cả ông chỉ huy trại nữa. Viên giám thị công xưởng nói với tôi:

- Quân giết người!

Tôi chưa kịp đáp thì ông chỉ huy đã nói với hắn:

- Giám thị Bruet, ông im đi, Papillon đã bị hắn tấn công trước.

- Khó tin lắm, - Bruet nói.

- Tôi có trông thấy, và tôi sẽ làm chứng, - Antartaglia nói. - Và thưa ông Bruet, xin ông biết cho rằng một người Corse không nói dối bao giờ.

Ở bệnh viện, Chatal gọi bác sĩ đến. Ông ta khâu vết thương cho tôi mà không cho thuốc mê hay gây tê gì cả, rồi đính cho tôi tám cái kẹp, không nói với tôi một lời. Tôi thì cắn răng chịu đau, không một tiếng kêu than. Cuối cùng, bác sĩ nói:

- Hết thuốc tê rồi, cho nên tôi không thể tiêm cho anh đỡ đau được. - Đoạn ông ta nói thêm - Việc anh vừa làm chẳng tốt chút nào.

- Ồ, bác sĩ cũng biết đấy: đàng nào thì với cái áp- xe gan ấy hắn cũng chẳng sống được bao lăm nữa.

Câu trả lời bất ngờ của tôi làm cho ông bác sĩ đớ người ra. Cuộc thẩm vấn vẫn tiếp tục. Phần trách nhiệm của Bourset bị gạt ra hoàn toàn. Mọi người đều thừa nhận cậu ấy bị đe dọa đến tính mạng, sợ quá phải làm theo. Tôi cũng góp phần làm cho họ tin như vậy. Đối với Naric và Quenier cũng không có bằng chứng gì là họ can phạm hay đồng lõa. Chỉ còn lại tôi và Carbonieri. Đối với Carbonieri, họ gạt bỏ lời buộc tội lấy trộm và lạm dụng vật tư của Nhà nước. Chỉ còn tội đồng lõa trong việc mưu toan vượt ngục. Qúa lắm cũng chỉ sáu tháng là cùng.

Đối vôi tôi thì tình thế đâm ra phức tạp Thật vậy, bất chấp những nhân chứng bênh vực tôi, viên giám thị lãnh nhiệm vụ thẩm vấn vẫn không chịu thừa nhận đây là trường hợp tự vệ chính đáng. Dega đã được xem cả tập hồ sơ, bác ta quyết định rằng mặc dầu viên dự thẩm rất quyết tâm trị tội, họ cũng không thể nào xử tử tôi được, vì tôi đã bị thương trước khi hành động. Bên buộc tội có một căn cứ để vịn vào mà đòi xử tôi thật nặng: hai tên A-rập giữ chìa khóa đều khai rằng tôi đã rút dao ra trước. Cuộc thẩm vấn đã xong. Tôi đợi ngày đi Saint-Laurent dự phiên xử của tòa án binh. Suốt ngày tôi chỉ hút thuốc, hầu như không đi lại trong xà-lim. Người ta cho tôi một giờ đi dạo vào buổi chiều. Không một lần nào viên chỉ huy trại hay bọn giám thị, trừ viên giám thị công xưởng đã là dự thẩm trong cuộc thẩm vấn vừa qua, có thái độ thù địch đối với tôi. Đến thứ sáu là tôi phải giải đi Saint-Laurent.

Sáng thứ tư,lúc mười giờ, tôi đi dạo trong sân đã gần hai tiếng đồng hồ thì viên chỉ huy trại. gọi tôi lại, nói: "Anh đi theo tôi". Tôi theo ông ta ra khỏi sân trại, không có ai đi kèm theo. Tôi hỏi ông chỉ huy xem ông đưa tôi đi đâu nhưng ông chi lẳng lặng bước tiếp trên con đường xuống dốc dẫn về nhà ông. Dọc đường ông ta nói:

- Nhà tôi muốn gặp anh một lát trước khi anh đi. Tôi không cho ai áp giải anh, vì nhà tôi sẽ bị một ấn tượng không hay nếu trông thấy anh bị một viên cảnh sát có súng đi kèm theo. Tôi hy vọng anh sẽ có thái độ đúng mực.

- Thưa thiếu tá vâng.

Chúng tôi đã đến nhà ông chỉ huỵ Ông nói với Juliette: "Anh đưa người được em che chở về cho em đây như anh đã hứa. Em cũng biết là anh phải đưa anh ta về trại trước mười hai giờ trưa. Em có được gần một tiếng đồng hồ để nói chuyện anh ta". Đoạn ông ta lui vào nhà trong một cách tế nhị. Juliette đến gần tôi và đặt bàn tay lên vai tôi, mắt nhìn thẳng vào mắt tôi. Đôi mắt đen láy của bà càng sáng hơn mọi khi, vì giờ đây nước mắt bà đã ra long lanh sau đôi hàng mi đen và dài. Cũng may là bà đủ tự chủ để cầm nước mắt lại.

- Anh thật là điên rồ, anh bạn của tôi ạ. Giá anh nói cho tôi biết là anh muốn ra đi, tôi tin là tôi sẽ có cách làm cho mọi việc được dễ dàng hơn. Tôi đã xin nhà tôi cố cứu giúp anh hết lòng, nhưng nhà tôi nói là tiếc thay ông ấy không có đủ quyền. Tôi gọi anh đến trước hết là thấy rõ tình trạng anh ra sao. Tôi khâm phục lòng can đảm của anh, tôi thấy anh còn đáng trọng hơn là trước đây tôi vẫn nghĩ. Với lại trước đây tôi cũng muốn được đền bù lại những gì anh đã cho tôi một cách hào phóng trong bấy nhiêu tháng trời. Đây, anh cầm lấy một ngàn francs, tôi chỉ cho anh được có thế. Tôi lấy làm tiếc là không thể làm gì hơn.

- Bà ơi, xin bà nghe tôi, tôi không cần tiền đâu. Tôi van bà, bà nên hiểu là tôi không thể nhận được, vì theo tôi, làm như thế là làm vẩn đục tình bạn của chúng ta.

Đoạn tôi đẩy hai tờ giấy năm trăm mà bà chỉ huy đã rộng lòng biếu tôi.

- Tôi van bà đừng nài tôi.

- Thôi, tùy anh vậy, - Juliette nói. - Uống một chút rượu hồi nhẹ nhé?

Và trong hơn một tiếng đồng hồ, người đàn bà đáng ngưỡng mộ ấy không ngớt nói với tôi những lời lẽ dịu dàng, nhân ái.

Bà ta tin rằng tôi sẽ được trắng án về cái tội đã giết tên Bébert đểu cáng ấy và chỉ phải ngồi tù cấm cố mười tám tháng cho đến hai năm vì mấy tội kia.

Khi từ giã, Juliette xiết chặt tay tôi hồi lâu trong đôi tay bà, và nói: "Tạm biệt anh, chúc anh may mắn nhiều" đoạn khóc òa lên. Ông chỉ huy đưa tôi về khu trừng giới. Dọc đường tôi nói:

- Thưa thiếu tá, thiếu tá có được người vợ cao quý nhất trên đời này.

- Tôi biết, Papillon ạ, cô ấy sinh ra không phải để sống ở đây, những gì diễn ra ở đây quá tàn nhẫn đối với cô ấy. Nhưng biết làm thế nào được? Thôi, cũng chỉ bốn năm nữa tôi đã về hưu rồi.

- Nhân lúc này chỉ có ông và tôi, tôi cũng xin cảm ơn ông đã cố làm sao cho người ta đối xử với tôi tử tế, mặc dầu nếu tôi thành công, việc ấy sẽ gây cho ông những chuyện hết sức phiền hà.

- Phải, anh có thể làm cho tôi đau đầu hết sức. Tuy vậy, anh có muốn tôi nói với anh điều này không? Anh xứng đáng được hưởng thành công trong chuyến vượt ngục.

Đến cổng khu trừng giới, ông nói thêm:

- Từ biệt anh, Papillon. Cầu Chúa phù hộ anh, anh sẽ cần đấy.

- Từ biệt thiếu tá.

Đúng, tôi sẽ cần Chúa phù hộ vì tòa án binh do một thiếu tá hiến binh bốn lon chủ tọa đã tỏ ra cực kỳ khắc nghiệt. Ba năm về tội lấy trộm và lạm dụng vật tư của Nhà nước, xâm phạm mộ phần và mưu toan vượt ngục, năm năm về tội giết tên Celier. Tổng cộng là tám năm cấm cố. Giả sử tôi không bị thương, chắc chắn là cái tòa án ấy đã xử tử tôi rồi. Cái tòa án đã xử tôi nghiệt ngã như vậy lại tỏ ra khoan dung đối với một phạm nhân Ba Lan tên là Dandowsky vừa phạm tội giết hai người. Hắn chỉ bị năm năm, tuy vụ án mạng hiển nhiên là đã được tính toán từ trước. Dandowsky là một người thợ bánh mì, chỉ chuyên làm men bột nở. Hắn chỉ làm việc từ ba đến bốn giờ sáng. Vì lò bánh mì ở ngay bến, đối diện với biển, cho nên bao nhiêu thì giờ rỗi hắn đều dành cho việc đi câu. Tính tình điềm đạm, nói tiếng Pháp không được sõi, hắn chẳng giao du với ai. Người tù khổ sai chung thân này dồn hết tình thương yêu trìu mến cho một con mèo đen có đôi mắt xanh biết như màu ngọc bích.

Con mèo đối với hắn như một người ruột rà thân thiết, cùng ăn cùng ngủ với nhau, mỗi khi hắn đi làm con mèo đi theo hắn như một con chó, để cho hắn có bạn. Nói tóm lại, giữa người và vật có cả một mối tình đằm thắm. Còn như nếu trời nắng quá mà không có nơi nào có bóng râm gần chỗ câu cá, nó trở về lò bánh mì một mình leo lên võng của bạn nằm chờ. Đến mười hai giờ trưa, khi nghe chuông điểm, nó liền ra đón anh bạn Ba Lan và nháy nhót bên con cá con mà anh ta treo ở đầu sợi chỉ, dứ dứ cho con mèo vờn cho đến khi nó chụp được. Tốp thợ bánh mì ở chung một gian phòng lớn kê bên lò bánh mì. Một hôm, hai người tù khổ sai tên là Corrazi và Angelo mời Dandowsky ăn món xi-vê thỏ do Corrazi nấu: mỗi tuần anh này đều nấu xi-vê thỏ chén một lần. Dandowsky ngồi xuống ăn với họ, nhân thể góp một chai rượu vang để nhắm với thịt thỏ.

Tối hôm ấy con mèo không về. Anh Ba Lan tìm khắp nơi mà chẳng thấy. Một tuần đã trôi qua, mà con mèo vẫn chẳng thấy đâu. Dandowsky buồn lắm: sinh vật duy nhất mà anh yêu thương và cũng yêu thương anh một cách đằm thắm như vậy bỗng dưng đã biến đi một cách thật khó hiểu. Được biết nỗi đau buồn vô hạn của Dandowsky, vợ một viên giám thị đem biếu anh ta một con mèo con. Dandowsky liền đuổi nó đi, và phẫn uất hỏi bà ta: làm sao bà ta lại đang tâm nghĩ rằng anh có thể yêu thương một con mèo khác được. Anh ta nói rằng đó là một sự xúc phạm nặng nề đối với hương hồn của người bạn đã khuất của anh. Một hôm tên Corrazi đánh một cậu bé học nghề làm bánh mì, đồng thời chuyên đưa bánh mì vào trại. Cậu ta không ở chung với tốp thợ bánh mì, mà thuộc phiên chế của trại. Vốn tính thù dai, cậu bé tìm gặp Dandowsky nói:

- Anh ạ, cái con thỏ mà Corrazi và Angelo mời anh ăn ấy, chính là con mèo của anh đấy.

- Chứng cớ đâu? - anh Ba Lan túm cổ cậu bé quát.

- Dưới gốc cây xoài ở chênh chếch phía sau cái lán để xuồng, tôi đã nhìn thấy Corrazi chôn da con mèo của anh đấy.

Như một người điên, anh Ba Lan ra đấy xem, và quả nhiên tìm thấy bộ da.

Anh ta nhặt bộ da và cái đầu đều đã bắt đầu thối rữa, đem ra biển rửa sạch, phơi ra nắng cho khô rồi lấy vải sạch bọc lại và đem chôn ở một nơi khô ráo, chôn rõ sâu để cho kiến khỏi ăn. Chính anh ta kể lại với tôi như vậy. Đêm hôm ấy, dưới ánh đèn dầu hỏa, trên một cái ghế dài rất nặng ở phòng ăn của thợ bánh mì, Corrazi và Engelo ngồi cạnh nhau đánh một ván belote tay bốn. Dandowsky là một người đàn ông trạc bốn mươi, vóc người tầm thước, vạm vỡ, rộng vai, rất khỏe. Anh ta đã chuẩn bị một cái gậy lớn bằng gỗ lim nặng như sắt. Từ phía sau bước vào, anh ta chẳng nói chẳng rằng giáng lên đầu mỗi đứa một đòn khủng khiếp. Hai cái sọ vỡ tung ra như hai quả lựu, óc chảy cả xuống đất. Như điên như dại, Dandowsky chưa hả, còn hốt óc hai kẻ thù phết lên tường nữa. Cả căn phòng nhầy nhụa những máu và óc người. Trong khi tôi không được ngài thiếu tá hiến binh, chánh án tòa án binh, thông cảm, thì Dandowsky tuy đã giết hai mạng một lúc có chủ định hắn hoi, lại may mắn được ngài thông cảm, đến mức chỉ bị xử có năm năm cấm cố


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui