Ôsin Nhà Bộ Trưởng

Cùng Hoa năm nay hai mươi tuổi.

Cùng Hoa sinh ra trên mảnh đất nghèo cằn cỗi sát biên cương. Đó là khu cách
mạng cũ và là khu dân tộc thiểu số, vô cùng nghèo khổ. Quê hương của
Cùng Hoa có tới ba phần tư số dân là người dân tộc thiểu số, nhưng tổng
kết lại thì đây cũng là điểm nổi bật nhất của khu vực này. Người dân địa phương có một bài vè vui là: “Giao thông bằng hai chân, trị an bằng con chó, thông tin bằng đường miệng, vui chơi bằng đôi tay”.

Mẹ Cùng Hoa qua đời từ rất sớm, trong nhà chỉ có cha của Cùng Hoa là Ngô Giải
Phóng và năm chị em gái sàn sàn tuổi nhau. Ngô Giải Phóng đặt cho năm cô con gái của mình năm cái tên rất dễ nghe: Kim Hoa, Ngân Hoa, Đào Hoa,
Mai Hoa, Cùng Hoa. Ngô Giải Phóng đặt tên hai cô con gái đầu là Kim Hoa
và Ngân Hoa là vì nhà nghèo quá, sợ nghèo nên phải đặt tên có vàng có
bạc, nhưng mấy cô con gái sau liên tục ra đời, nếu cứ đặt theo thứ tự là Kim, Ngân, Đồng, Thiết, Tích, không những càng ngày càng không đáng
tiền mà cũng không hợp lắm với tên con gái. Ngô Giải Phóng vốn lanh lợi, lại nghĩ ra cách đặt tên khác. Cô con gái thứ ba sinh vào mùa xuân nên
đặt là Đào Hoa, cô con gái thứ tư sinh vào mùa đông nên đặt là Mai Hoa.

Cô con gái thứ năm của Ngô Giải Phóng có tên là Cùng Hoa lại là vì một nguyên nhân khác.

Vợ Ngô Giải Phóng năm lần sinh con đều sinh ở nhà, trừ lần sinh Kim Hoa và Ngân Hoa có mời bà đỡ tới giúp, những cô con gái sau này đều tự đỡ vì
không muốn tốn tiền. Thứ nhất là vì bà sinh con đã quen, thứ hai là thai của bà nhỏ, không lớn như những đứa trẻ nhà thành phố nên lúc sinh cũng không tốn mấy sức. Do đó lúc sinh Đào Hoa và Mai Hoa, bà đều sinh ở
nhà, hơn nữa hai lần sinh con đều rất thuận lợi. Nhưng lúc sinh Cùng
Hoa, bà lại gặp trục trặc. Không biết vì giấy vệ sinh không sạch, hay vì kéo cắt rốn không được khử trùng triệt để nên bị băng huyết sau khi
sinh. Vì chút tiền ít ỏi có trong nhà khiến họ không đủ dũng khí đi tới
bệnh viện nên Ngô Giải Phóng đành để vợ nằm nhà vài ngày rồi tính sau,
tới lúc thấy vợ sắp không trụ được nữa, Ngô Giải Phóng mới vội vã tìm
người khiêng vợ tới trạm y tế xã. Bác sĩ xem xét bệnh tình xong nói,
điều kiện của trạm y tế quá sơ sài, thuốc men cũng không đủ nên phải lập tức đưa tới bệnh viện lớn xem thế nào, nhưng người bệnh đã bệnh tới mức này rồi mới đem đi chữa chỉ sợ bệnh viện lớn cũng phải trả về.

Ở trạm y tế về được một ngày, vợ Ngô Giải Phóng đã nhắm mắt xuôi tay.

Ngô Giải Phóng làm hậu sự cho vợ xong, nhìn mấy đứa con gái mất mẹ chen
chúc đứng trước mặt, không biết sau này phải sống như thế nào. Chỉ mười
ngày sau, Ngô Giải Phóng đã như già đi mười tuổi. Do vợ mất vì sinh con, nên ông gọi cô con gái cuối cùng không có mẹ là Cùng Hoa.

Những
ngày tháng sau này của Ngô Giải Phóng không còn niềm vui hay nỗi buồn.
Ngày nào ông cũng nhìn thấy mặt trời mọc lên ở đằng đông và lặn xuống ở
đằng tây, cứ như vậy suốt hai mươi năm trời.

Cùng Hoa lớn lên ở
cái thôn núi ấy bằng ăn gạo cứu tế của nhà nước, mặc quần áo quyên góp
của người thành phố suốt hai mươi năm ròng.

Trong con đường cuộc
đời hai mươi năm của Cùng Hoa, không có bất cứ việc gì kinh thiên động
địa, đáng khóc đáng cười. Nhưng có một sự thực không phải tranh cãi là,
Cùng Hoa bây giờ đã trở thành một cô gái trưởng thành và xinh đẹp. Cùng
Hoa ăn mặc đơn giản, không bao giờ biết trang điểm, nhưng không những
rất xinh đẹp mà lại còn khỏe mạnh.

Tất cả các cô gái sinh ra và
lớn lên ở nông thôn đều được trời phú cho sự khỏe mạnh. Từ nhỏ tới lớn
chưa bao giờ nhìn thấy các món đồ ăn nhanh mà người phương Tây gọi là
thực phẩm rác, bởi vậy họ không phải lo tới việc dậy thì sớm, hơn nữa,
không khí ở vùng núi không bị ô nhiễm bởi khói ô tô, xe máy nên họ không cần phải lo hàm lượng chì trong cơ thể mình vượt quá tiêu chuẩn. Từ nhỏ họ đều ăn rau là chính, không bao giờ có việc thừa dinh dưỡng, do đó
không giống như các cô gái thành phố, mất một đống tiền để đi giảm béo,
tập thể dục… Việc gì cũng có hai mặt của nó. Từ góc độ sức khỏe mà nói,
nghèo cũng có cái hay của nghèo. Mặc dù nếu so sánh cái hay của nghèo
với cái dở của nghèo, cái hay đó quả thực là vô cùng nhỏ bé.

Ba
ngày trước tết Nguyên đán, con trai của anh họ Ngô Giải Phóng, Đại Xuân
trở về. Đại Xuân đi làm thuê trong một thành phố lớn ở miền Nam, lần này về theo Đại Xuân còn có bạn gái của anh là Viên Quế Hương.

Đại
Xuân không mệt mỏi gì sau chặng đường về nhà xa vời vợi, ngày hôm sau đã đưa bạn gái tới thăm ông chú họ Ngô Giải Phóng. Đại Xuân tặng chú một
bao thuốc lá xong bèn giới thiệu bạn gái mình với chú:

- Chú, cô
ấy là bạn gái của cháu, Viên Quế Hương, người Quý Châu. Cô ấy làm cùng
trong tiểu khu của cháu. Cháu làm bảo vệ, cô ấy làm quét dọn.

Ngô Giải Phóng liếc mắt nhìn Viên Quế Hương, con gái Quý Châu nhỏ người, da ngăm ngăm, ngũ quan đoan chính. Con trai ở vùng núi chỉ cần tìm được vợ là được, không nên quá kén chọn. Ông hỏi Đại Xuân:

- Hai đứa vừa lòng nhau thì mau cưới đi thôi, bao giờ thì định tổ chức hả?

Câu trả lời của Đại Xuân làm Ngô Giải Phóng trố mắt:

- Lúc nào cưới còn chưa tính. Mà tổ chức hay không cũng không quan trọng, bọn cháu sống chung với nhau từ ba năm trước rồi.

- Thế làm sao được? Bọn mày không sợ người khác chê cười sao?

Đại Xuân kiên nhẫn giải thích với chú:

- Thời đại bây giờ khác rồi, thế giới bên ngoài thay đổi rất nhanh, càng
ngày càng thú vị hơn, không những có những người sống chung (anh ta và
Viên Quế Hương được coi là sống chung), còn có những người sống thử.
Trong thời gian sống thử, nếu bên nào thấy không hài lòng thì cũng giống như đi mua hàng không vừa ý có thể trả lại, hai bên chia tay nhau,
chẳng ai nợ ai cái gì. Đương nhiên có một số ít cô gái sau khi bị bạn
trai “đá”, tâm lí mất cân bằng, bám lấy người con trai đòi bồi thường
cho mình tuổi thanh xuân, nhưng cho dù cô gái đó có kiện lên tòa thì
cũng vô ích vì pháp luật không bảo vệ những người sống chung phi pháp.
Cơ thể người ta đã thử rồi, còn đòi tiền bồi thường cái quái gì? Chẳng
qua là vì cô gái đó muốn kiếm chác ít tiền, lần sau về nhà mua thêm vài
bộ quần áo mới để chuẩn bị cho lần sống thử tiếp theo mà thôi.

Ngô Giải Phóng vẫn cảm thấy không ổn:

- Con gái lớn tướng rồi còn sống thử với người khác thì ai người ta thèm nữa?

- Đàn ông thành phố bây giờ không quan tâm việc lấy vợ có còn là gái
trinh hay không. Những cô gái khoảng hai mươi tuổi nếu vẫn còn trinh thì sốt ruột lắm. Vì điều này chứng tỏ không có người đàn ông nào thích cô
ta.

Ngô Giải Phóng kinh ngạc không nói được thành lời.

Sự
xuất hiện của Đại Xuân khiến Cùng Hoa vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. Ngạc
nhiên là vì màn giới thiệu của Đại Xuân về việc sống chung, vui mừng là
vì lần này Đại Xuân mang về một chiếc ti vi màu 18 inch. Đây là hàng
secondhand bị người thành phố thải đi, Đại Xuân chỉ mất có hai trăm sáu
mươi tệ(1) để mua về. Đại Xuân nói ngày mai anh sẽ lắp ti vi và ăng ten, điều chỉnh lại ti vi rồi sẽ gọi Cùng Hoa tới xem đầu tiên. Cùng Hoa lớn bằng ngần này rồi mà chưa được xem ti vi bao giờ, với lại không thèm
xem ti vi đen trắng mà một phát được xem ngay ti vi màu nên vui mừng
lắm.

Đại Xuân nói đời sống văn hóa ở nông thôn nghèo nàn quá,
không thể chỉ mãi dừng ở mức “giải trí nhờ đôi tay” được, lần này anh
mua cho thầy anh chiếc ti vi màu để gia đình anh có chút dấu vết của
thời đại. Anh còn nói chỉ cần Cùng Hoa và thầy cô thích xem ti vi, lúc
nào tới xem cũng được.

Đại Xuân hỏi Ngô Giải Phóng:

- Chú, Cùng Hoa cũng không còn nhỏ nữa, đã tìm được đám nào chưa?

Mấy năm nay Ngô Giải Phóng lần lượt gả bốn cô con gái lớn đi, còn mỗi Cùng
Hoa là ở nhà, định tìm ai đó đồng ý đến ở rể để ông còn có chỗ nương tựa lúc tuổi già. Đại Xuân nói:

- Cách nghĩ của chú không sai. Có
điều cháu nghĩ là cho dù có ai đó chịu đến ở rể, nhưng nhà mình chỉ dựa
vào đất đồi để kiếm ăn, cả đời không thoát được khỏi chữ “nghèo”. Cháu

thấy hay là cho Cùng Hoa đi làm thuê, bao giờ vào thành phố làm thuê có
cái gốc rồi thì đón chú lên đó an hưởng tuổi già, chẳng hơn là kiếm
thằng rể rồi ở mãi cái xó nghèo này à? Đất ở đâu mà chẳng chôn được
người?

Ngô Giải Phóng chỉ cười cười khi nghe Đại Xuân nói vậy. Dù sao ông cũng già rồi, lại chẳng hiểu biết gì, chỉ biết ổ vàng ổ bạc
không bằng cái ổ nghèo của mình. Ông chưa nghèo tới mức tận cùng nên
không dám hạ quyết tâm vượt qua cái bước này.

Nhưng những lời nói của Đại Xuân lại khiến ý chí của Cùng Hoa lung lay. Cả đêm đó Cùng Hoa mất ngủ, cứ trăn trở cho đến sáng.

Ngày hôm sau, Cùng Hoa tới nhà Đại Xuân tìm anh. Đầu tiên cô muốn xem ti vi
của Đại Xuân đã lắp xong chưa để còn xem cho biết; nhưng cô cũng muốn
hỏi Đại Xuân về chuyện mà tối qua anh đã nói.

Đại Xuân vừa mới
lắp xong ăng ten cho ti vi, đang tuột khỏi mái nhà theo đường ống khói.
Anh nhìn thấy Cùng Hoa đứng trước nhà bèn hỏi:

- Cùng Hoa, sao không vào? Viên Quế Hương ở trong đấy, thầy anh cũng trong đấy.

- Em ở ngoài này xem anh lắp ăng ten. Em chờ anh xuống rồi cùng vào xem ti vi.

Cùng Hoa và Đại Xuân cùng vào trong nhà, ông Ngô Tân Sinh đang ngồi xem ti
vi. Ti vi đang có cuộc thi người mẫu bikini toàn quốc, những cô người
mẫu đều đeo một tấm biển đề số ngay bên hông, trong tiếng nhạc du dương, mặc bộ bikini nhỏ xíu lượn qua lượn lại trên cái sân khấu hình chữ T.
Những cô người mẫu đi ra phía trước sân khấu, chống tay lên hông đứng
một lát rồi quay người lắc mông đi vào đằng sau, người nào cũng đi y hệt như nhau.

Ngô Tân Sinh ở trong làng cũng được coi là người hiểu
biết nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên ông thấy một đám con gái ăn mặc hở hang như thế nên hai mắt mở to, miệng há hốc không ngậm lại nổi. Ông
không hiểu đám con gái này cứ đi qua đi lại như thế để làm gì, nhưng
nhìn bọn họ lắc hông thì thật là đã con mắt, chỉ tiếc là lúc này ông
không tìm được ai để nói chuyện nên mọi lời khen đành phải nuốt vào
trong bụng.

Cùng Hoa bước vào cửa thấy đám con gái trên ti vi bèn đỏ mặt:

- Anh Đại Xuân, sao đám con gái trên kia lại không mặc quần áo?

Đại Xuân và Viên Quế Hương đều đã ở thành phố nhiều năm, các kì thi bơi,
các bộ phim nước ngoài đều chiếu bọn đàn bà con gái mặc bikini nên đã
quen, không còn lạ lẫm gì nữa:

- Sao lại không mặc quần áo? Bọn họ toàn mặc quần áo bơi, gọi là bikini.

Viên Quế Hương đang làm việc nhà bèn chen vào một tiếng cười:

- Quần áo này tiết kiệm vải, mua một mét vải may được bảy, tám bộ.

Cùng Hoa lại hỏi:

- Anh Đại Xuân, thế con gái thành phố toàn mặc thế này hả? Mặc thế này ở đây thì xấu hổ chết mất.

- Bikini không phải là quần áo do người thành phố phát minh ra đâu, là nông thôn có trước, người thành phố học theo đấy chứ.

- Ở quê mình có bao giờ thấy quần áo này đâu.

- Quê mà anh nói không phải là ở Trung Quốc, là một hòn đảo tên là Bikini ở Thái Bình Dương cơ, con gái ở đảo đó toàn mặc quần áo che đúng ba vị
trí trên cơ thể để bơi dưới biển, sau đó người nước ngoài thấy thế bèn
lén học theo. Người Trung Quốc lại học theo người nước ngoài. - Đại Xuân tự hào giảng giải cho Cùng Hoa nghe những kiến thức mà anh học lỏm được trên thành phố.

Cùng Hoa thấy chiếc quần mà mấy cô người mẫu đó
mặc ngắn quá, chỉ là một miếng tam giác nhỏ bằng bàn tay, đủ che được
cái chỗ “ấy”, một sợi dây vải từ trên nối xuống, lọt hẳn vào trong khe
mông, cặp mông săn chắc trắng trẻo lộ ra trước mặt bàn dân thiên hạ.
Cùng Hoa thực sự không hiểu, lòng xấu hổ của họ đặt ở đâu nhỉ? Nhưng
Cùng Hoa thấy áo họ mặc thì tốt, mặc dù cái áo nhỏ quá làm lộ cả nửa bầu vú ra ngoài cũng không đẹp, nhưng con gái mà mặc kiểu áo này thì khi đi đường, hai bầu vú sẽ không nhảy lên như hai con thỏ nữa, rất là có tác
dụng. Cùng Hoa không biết chiếc áo này chỉ là chiếc áo ngực vô cùng bình thường. Trong số các quần áo gửi quyên góp cho những vùng quê nghèo,
không bao giờ người ta quyên góp áo ngực, bởi vậy cô chưa nhìn thấy và
cũng chưa từng dùng tới nó. Áo ngực là món đồ mà đàn bà thành phố ai
cũng có vài cái, áo ngực giặt sạch rồi thì treo lên cửa sổ để phơi. Cùng Hoa cũng muốn có áo ngực, nhưng trước mặt hai người đàn ông, cô ngượng
không dám nói.

Cùng Hoa thấy mấy cô người mẫu trên ti vi cứ ra ra vào vào, chẳng có gì mới mẻ, cô bèn gọi Đại Xuân ra ngoài nói chuyện
riêng với anh về kế hoạch và những tính toán của cô.

Đại Xuân theo Cùng Hoa ra đầu hè. Anh hỏi Cùng Hoa:

- Mày gọi anh ra đây có việc gì?

- Chuyện hôm qua anh nói ở nhà em là cho em ra thành phố làm thuê ấy, em
nghĩ cả một đêm, muốn nói những điều em nghĩ cho anh nghe, anh tính giúp em xem em nghĩ có đúng không?

Đại Xuân nói:

- Ừ. Chuyện
này chỉ sợ dăm câu ba lời không nói hết được. Em chờ ở đây, anh vào lấy
cái ghế dài ra, anh em mình ngồi xuống rồi nói.

Đại Xuân nhanh nhẹn bê cái ghế dài ra đặt ở đầu hè. Sau khi hai người đã ngồi xuống, Đại Xuân nói:

- Em có suy nghĩ gì? Nói ra xem.

Cùng Hoa nhìn lên cái cột ăng ten lớn trên nóc nhà Đại Xuân một lúc, rồi quay đầu lại nhìn Đại Xuân, nói:

- Em ở thôn này hai mươi năm nay, nhớ lại hai mươi năm nay sống cũng như
con gà, gà sống nhờ người cho ăn, em sống bằng gạo và quần áo cứu tế của nhà nước. Cứ sống như vậy, mặc dù không chết đói cũng không chết rét,
nhưng tương lai của em với của thầy em, u em cũng chẳng có gì khác nhau. Sống thế này chán lắm.

Đại Xuân nói:

- Mọi người ở làng
mình, có ai mà không sống như thế cả đời. Nhà khá giả hơn với nhà nghèo
hơn một chút cũng chẳng có gì khác nhau. Mọi người đều quen với cái
nghèo rồi, nghèo thì sống kiểu nghèo, cũng chẳng có ai cảm thấy có gì là không được. Dù sao trên thế giới này cũng nhiều người nghèo, ít người
giàu, ngay cả ở trong thành phố cũng không ít người nghèo như chúng ta,
cũng có người nghèo đến nỗi không được đi học, không được ăn thịt. Mấy
năm nay rất nhiều doanh nghiệp nhà nước bị phá sản, công nhân thất
nghiệp hàng triệu người. Họ ăn bằng tiền phúc lợi ở thành phố cũng chẳng khác gì chúng ta ăn gạo cứu tế ở nhà quê.

- Cái gì là ăn bằng tiền phúc lợi?

- Ở thành phố người ta quy định mức sống tối thiểu. Nhà nước đặt ra một
mức sống tối thiểu hàng tháng cho người thành phố, ví dụ hai, ba trăm
tệ. Thu nhập bình quân hàng tháng nhà em mà không đạt tới cái mức này
thì nhà nước sẽ bù thêm cho, đảm bảo em không bị chết đói, cái này cũng
chẳng khác gì phát gạo cứu tế cho người nhà quê chúng ta. Tiêu chuẩn
sống tối thiểu của người thành phố có vẻ nhiều hơn gạo cứu tế của mình,
nhưng thực ra nhà họ ở, nước họ uống rồi chi phí giao thông, than, ga,
điện thoại… cái gì cũng phải tự bỏ tiền ra, thức ăn ở thành phố cũng đắt hơn ở quê rất nhiều, tính như vậy mới thấy cuộc sống của họ cũng tương
tự như nhà mình.

Cùng Hoa không hiểu lắm:

- Thế sao họ không đi làm thêm kiếm tiền như anh? Họ là người thành phố gốc, tìm việc phải dễ hơn người nhà quê chứ.

- Công nhân thành phố kiêu ngạo lắm. Họ lớn tuổi rồi, trình độ văn hóa
lại thấp, các doanh nghiệp bây giờ đều thích tìm người trẻ, có trình độ

nên cố gắng để không phải nhận các công nhân thất nghiệp vào làm. Thanh
niên trẻ tuổi tìm việc ở thành phố cũng nhiều như kiến, họ làm sao mà
cạnh tranh được với bọn thanh niên chứ? Những việc còn lại đều là công
việc bẩn thỉu, nặng nhọc, họ lại không chịu làm. Giả sử họ mà tranh
giành làm những công việc này thì làm gì có chỗ cho bọn nhà quê chúng
mình.

Cùng Hoa lại hỏi:

- Bạn gái anh Viên Quế Hương làm nhân viên quét dọn ở thành phố thì làm những cái gì?

- Khu mà anh làm bảo vệ gọi là khu nhà giàu. Quế Hương làm nhân viên quét dọn, ngày nào cô ấy cũng phải dậy từ khi trời chưa sáng, quét dọn sạch
sẽ đường đi trong khu, đổ các thùng rác nhỏ vào một xe rác lớn. Quét dọn bên ngoài xong, còn phải quét hành lang, cầu thang, lau cửa kính. Khu
đó lớn lắm, mỗi lao công lại phụ trách một khu nhỏ hơn. Người thành phố
thích sạch sẽ, đường trong khu ngày nào cũng phải quét ba, bốn lần. Quế
Hương bận từ sáng tới tối, hôm nào về tới nhà cũng mệt rã rời.

Bây giờ Cùng Hoa cũng đã hiểu được một điểm, người nhà quê lên thành phố
mưu sinh quả là không dễ dàng gì, những người ở tầng lớp thấp nhất trong thành phố cũng không sung sướng là bao. Nhưng thế giới nhiều màu sắc mà hôm nay cô vừa nhìn thấy trên ti vi vẫn thu hút cô. Từ chiếc áo ngực
nhỏ bé, cô có thể hình dung ra được cuộc sống náo nhiệt nơi thị thành.
Sở dĩ cả đêm qua cô không thể ngủ được là do trong đầu cô tràn đầy hoang tưởng về cuộc sống nơi đô thị. Cô vẫn ước ao một ngày nào đó có thể hòa nhập vào với thế giới thành thị nhiều màu sắc ấy.

Cùng Hoa lại hỏi Đại Xuân:

- Ra thành phố làm thuê, ngoài làm bảo vệ với lao công thì còn làm gì được nữa?

- Người nhà quê ra thành phố có người đi quét rác, làm vệ sinh các chỗ
công cộng, đa số là làm phu hồ, còn có người bán hàng rong, tóm lại là
những việc vừa bẩn thỉu vừa nặng nhọc, những cô gái như em chắc chắn là
không làm được đâu.

- Trong thành phố không có việc gì phù hợp với em hả?

Đại Xuân bỗng nhớ ra cái gì đó:

- Anh nghĩ ra rồi, trong thành phố có một việc rất hợp với em.

- Việc gì?

- Làm ôsin.

- Làm ôsin là việc gì?

- Làm ôsin là làm việc nhà cho nhà chủ.

- Làm việc nhà cho nhà chủ? Em làm được.

- Tự tin thế? Anh thấy em được hay không còn chưa chắc.

- Tại sao?

- Nhà ở thành phố nhiều quy định lắm, cũng lắm đồ đạc. Em có biết dùng điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, ti vi, máy rửa bát không?

- Những cái này thì em không biết. Quy định của nhà thành phố thì em học
được, còn sử dụng mấy cái thứ đó thì em cũng có thể từ từ học. Trên đời
này chẳng có việc gì là không học được cả.

- Nói thế cũng đúng. Thế em thực sự muốn đi làm thuê hả?

- Ừ.

Đại Xuân cố ý trêu Cùng Hoa:

- Thầy em không tìm con rể nữa hả?

- Tìm con rể là ý của thầy em. Anh thấy em nói muốn lấy chồng khi nào hả?

- Anh chưa nghe em nói bao giờ, đùa em thôi. Làm gì mà nóng thế?

Cùng Hoa không vui:

- Em nói chuyện nghiêm túc với anh, anh lại còn đùa với em. Đại Xuân thấy Cùng Hoa nổi cáu vội vàng xua tay:

- Em nghĩ cả đêm, hạ quyết tâm đi ra thành phố làm thuê rồi đấy hả?

- Em muốn đi làm thuê thì sao?

- Em không qua được cửa của chú đâu. Thầy em muốn giữ em lại để có người chăm sóc, chú không nỡ cho em đi đâu.

- Chuyện của em em tự làm chủ. Chỉ cần em đã quyết tâm rồi thì thầy em
muốn ngăn cũng không được. Bây giờ thầy em vẫn chưa lớn tuổi lắm, vẫn
còn khỏe mạnh, không có ai ở nhà cũng vẫn tự biết chăm sóc cho bản thân. Nếu em không nhân lúc này lên thành phố một chuyến, vài năm nữa thầy
cần có người hầu hạ thì em có muốn đi cũng chẳng dám nữa.

- Em đã nói chuyện em muốn ra thành phố với thầy em chưa?

- Vẫn chưa nói. Thế nên mới phải tới bàn với anh trước. Em phải hỏi cho
rõ ràng chuyện ngoài đấy, tính toán xong xuôi rồi thì mới nói với thầy
em.

Qua những lời nói của Cùng Hoa, Đại Xuân rút ra kết luận, hôm nay Cùng Hoa tới tìm anh bàn chuyện đi làm thuê là đã suy nghĩ kĩ càng, không phải là ý thích nhất thời:

- Em định bao giờ nói cho thầy em biết?

- Mai là 30 tết rồi, để sang năm mới rồi nói. Lúc nào anh về thành phố?

- Anh mùng 5 đi.

- Sao anh đi gấp thế? Mang cả bạn gái về rồi thì còn gì ở thành phố mà lo? Sao không ở nhà thêm vài ngày?

- Ở thành phố đâu có núi vàng núi bạc, có gì đâu mà luyến tiếc. Chỉ là
anh phải về đi làm, mấy anh em phân công nhau trực tết, anh đi sớm để họ còn về nghỉ. Công ty bảo vệ chỉ cho bọn anh nghỉ mấy ngày thôi, nếu
nghỉ quá thì sẽ bị phạt.

- Anh ăn cơm của người ta nên bị người
ta quản lí. Anh không tự do bằng em. Lúc nào anh tới nhà em đả thông tư
tưởng cho thầy em với?

- Mồng 1 anh sang chúc tết chú rồi nhân tiện nói với chú về việc em đi thành phố làm thuê.

Cùng Hoa bỗng nhớ ra cái gì đó:

- Lúc tới nhà em, tốt nhất là anh đưa cả Viên Quế Hương đi cùng.

- Làm gì?

- Lúc anh nói chuyện với thầy em, kể thêm chuyện làm thuê của Quế Hương.
Quế Hương ở tận Quý Châu mà cũng ra thành phố làm thuê, sao em lại không đi được? Nói chuyện Quế Hương trước rồi nói với thầy em chuyện em đi
làm thuê sau, như thế sẽ tốt hơn.

Đại Xuân nghe rồi mỉm cười:


- Anh không biết là em lại khôn như thế.

Cùng Hoa thấy những điều cần nói đã nói hết, muốn hỏi đã hỏi hết, bèn đứng lên đi về.

Hôm sau là 30 tết, cả thôn vẫn sống yên bình như mọi ngày.

***

Chiều ngày mùng 1 tết, Đại Xuân và Viên Quế Hương cùng tới nhà Ngô Giải Phóng chúc tết.

Cùng Hoa mang nước lên cho mọi người, đem theo cả một đĩa hạt hướng dương,
đây là món quà đãi khách trong ngày tết của thôn Hạo Sơn. Ngô Giải Phóng mời Đại Xuân hút một điếu thuốc. Đại Xuân bình thường không hút thuốc,
nhưng hôm nay cũng hứng chí rút một điếu rồi châm lửa. Hút thuốc có thể
làm không khí buổi trò chuyện sôi nổi hơn. Nhiều câu chuyện cũng bắt đầu từ việc hút thuốc.

Ngô Giải Phóng vẫn còn nhớ tết năm ngoái Đại Xuân tặng ông hai điếu thuốc lá hiệu Trung Hoa:

- Đại Xuân, chú còn nhớ lần trước mày về thôn Hạo Sơn cho chú hai điếu
Trung Hoa, người thành phố có những ai đủ tiền để hút loại thuốc đắt đỏ
đấy?

- Có hai loại người thành phố hút được loại thuốc này. Một
loại là những ông chủ lớn đã phát tài. Trong số họ có không ít tỉ phú.
Họ có biệt thự, xe hơi, mua một chiếc xe hơi cao cấp phải mất mấy trăm
vạn tệ, thậm chí là hàng triệu tệ, mua một biệt thự phải mất hàng triệu
tệ, thậm chí là hàng chục triệu tệ, chú bảo bỏ ra tí tiền mua điếu thuốc Trung Hoa thì đáng là bao? Còn một loại người nữa là: Người hút thì
không mua, người mua thì không hút.

- Thế nào gọi là người hút thì không mua, người mua thì không hút?

- Các cán bộ có quyền trong tay và các lãnh đạo doanh nghiệp, họ hút
thuốc Trung Hoa nhưng không cần phải bỏ tiền ra mua, toàn là người khác
mang biếu cả, cái này gọi là hút nhưng không mua; những người mua thuốc
mang biếu các cán bộ, lãnh đạo, bản thân họ không đủ tiền hút Trung Hoa
nhưng vẫn phải mua, gọi là mua mà không hút.

Ngô Giải Phóng tỏ ra ngưỡng mộ:

- Tiền của người thành phố nhiều thật. Nếu tao có tiền, chỉ cần bằng cái ngón tay út của họ là đủ.

- Một ngón tay út của họ đủ cho chú tiêu cả đời không hết. Họ ăn một bữa cơm trong nhà hàng cũng mất mấy nghìn, mấy vạn tệ.

- Ăn vàng ăn bạc gì mà đắt thế?

- Nghe nói trong nhà hàng có vi cá, hải sâm, bào ngư, tổ yến, tôm hùm,
tóm lại toàn là những đồ quý hiếm cả. Cháu cũng chỉ mới nghe người ta
nói thôi chứ chưa nhìn thấy bao giờ, nên nó là cái gì cháu cũng không
nói được.

Nghe những lời của Đại Xuân, Ngô Giải Phóng như được mở rộng tầm mắt. Bây giờ ông mới biết, mặc dù mọi người đều là người Trung Quốc, nhưng cuộc sống lại khác nhau một trời một vực. Ông cảm thấy mình thật đáng thương:

- Các tỉ phú bây giờ giỏi thật. Một cọng lông trên người họ còn đáng giá hơn cả mình.

Thấy Ngô Giải Phóng nói vậy, Cùng Hoa không bỏ lỡ thời cơ, vội chen vào:

- Thầy, anh Đại Xuân ở ngoài làm ăn mấy năm trời, hiểu biết nhiều lắm.
Nếu mà anh ấy cứ ở mãi trong thôn Hạo Sơn, làm gì mà được như thế, thầy
nói có phải không? Chị Quế Hương từ tận Quý Châu xa xôi cũng tới, chẳng
phải là vì muốn mở mày mở mặt?

Ngô Giải Phóng không hiểu Cùng Hoa nói như vậy là vì muốn rào trước đón sau, thật thà nói:

- Tao sống mấy chục năm, đi xa nhất cũng chỉ ra tới thị trấn. Nhưng bên
ngoài có cái gì mà tao không biết. Song Đại Xuân với Quế Hương còn trẻ
tuổi, ra ngoài làm ăn cũng tốt, ít nhất thì cũng mở rộng được con mắt.

Đại Xuân tiếp lời Ngô Giải Phóng:

- Quê của Quế Hương ở Quý Châu, chỗ đó cũng nghèo như quê mình. Người ta
nói Quý Châu “không có ba thước đất bằng, không có ba ngày trời nắng,
không ai có ba lượng bạc”. Quế Hương hồi còn ở quê sống cũng vất vả lắm, sau này đi làm thuê mới khá khẩm hơn nhiều.

Cùng Hoa thấy Đại Xuân đã nói vào chuyện chính, bèn nói tiếp:

- Thầy, con cũng muốn lên thành phố đi làm thuê, thầy thấy được không?

Ngô Giải Phóng giật mình:

- Mày cũng muốn đi làm thuê?

- Vâng. Con không được hả?

- Mày chỉ là đứa con gái từ trước tới nay chưa ra khỏi cửa nhà, chỉ cần
ra khỏi cái huyện này, sợ rằng đông, tây, nam, bắc còn không phân biệt
được, làm sao mà làm thuê cho người ta?

Cùng Hoa không phục:

- Đường ở miệng còn gì. Con không biết đường thì chẳng nhẽ con lại không
biết hỏi đường? Quế Hương, năm xưa chị ra khỏi Quý Châu như thế nào?

Viên Quế Hương nói:

- Năm đó chị với mấy chị em ở Trại Tử cùng bắt xe khách tới Quý Dương
trước, mọi người mua vé tàu hỏa đi tới miền Nam, ngồi tàu hai ngày hai
đêm thì tới nơi. Bây giờ giao thông phát triển, đi đâu cũng tiện.

Ngô Giải Phóng không hề có chút chuẩn bị nào về tư tưởng trước việc Cùng
Hoa đòi đi thành phố, ông vẫn không nguôi ý định tìm chồng cho Cùng Hoa
để có người nương tựa tuổi già. Bởi vậy ông phải tìm đủ mọi lí do để
ngăn cản cô:

- Quế Hương đi cùng chị cùng em, trên đường có việc
gì thì còn giúp đỡ lẫn nhau, không lo bị lạc mất. Mày một mình ra ngoài
đi làm thuê, thầy làm sao mà yên tâm được? Chẳng phải Đại Xuân nói người xấu nhiều lắm sao? Thầy thấy mày cứ ở nhà cho yên ổn.

Cùng Hoa ngay lập tức lôi Đại Xuân vào cuộc:

- Anh Đại Xuân mùng 5 này là về thành phố, con đi cùng với anh Đại Xuân và chị Quế Hương thì không còn lo bị lạc nữa.

Đại Xuân thêm vào:

- Chú, nếu Cùng Hoa đi cùng bọn cháu, đảm bảo sẽ không bị lạc đâu.

Ngô Giải Phóng nghe Cùng Hoa và Đại Xuân nói như vậy, biết là hôm nay Đại
Xuân tới chúc tết còn có mục đích khác. Đại Xuân với Quế Hương hôm nay
đến là để làm thuyết khách cho Cùng Hoa, hơn nữa rất có thể bọn chúng đã bàn trước với nhau, kế hoạch tìm rể của ông có thể sắp tan thành bong
bóng, nhưng ông vẫn không chịu nhượng bộ dễ dàng:

- Cùng Hoa, u con mất sớm, nếu con lại ra ngoài làm thuê, để thầy thui thủi một mình thì thế nào?

Cùng Hoa nói:

- Con có đi luôn không về đâu. Lúc con không ở nhà, chị Kim Hoa ở gần
thầy nhất, bảo Kim Hoa thường xuyên về thăm thầy là được. Nếu con đi làm có cái gốc rồi, con đón thầy lên ở trên đấy cho sướng. Thầy, thầy thấy
được không?

Đại Xuân cũng góp vào:

- Chú, cháu thấy suy nghĩ của Cùng Hoa được đấy. Bao giờ Cùng Hoa phất, chú có thể lên thành phố sống với em nó rồi.

Không ai hiểu con bằng tấm lòng cha mẹ. Ngô Giải Phóng biết tính Cùng Hoa từ
nhỏ đã bướng bỉnh, cô không ngoan ngoãn như Kim Hoa. Ông biết chuyện đến nước này thì chỉ đành nhượng bộ:

- Đại Xuân mùng 5 đi hả, sao mà vội thế?

Đại Xuân giải thích cho Ngô Giải Phóng nghe lí do vì sao mình phải đi sớm.

Cùng Hoa thấy thầy mình không còn nói gì ngoài lề nữa, bèn đoán chắc là thầy không phản đối chuyện cô đi làm thuê nữa. Hôm nay cô đã thành công, ước mơ được đi làm thuê của cô thành sự thực rồi.

Đại Xuân và Quế
Hương ngồi chơi thêm một lúc, Đại Xuân lại kể cho Ngô Giải Phóng nghe
chuyện những ông nhà giàu nuôi thêm vợ hai, vợ ba. Ngô Giải Phóng nghe
thấy thế thở dài:

- Không ngờ mấy ông tỉ phú bây giờ cũng lấy vợ
bé, lại còn vợ hai, vợ ba nữa. Thời thế bây giờ thay đổi rồi, thay đổi
nhiều lắm rồi.


Mùng 2 tết, cô con gái lớn Kim Hoa lấy chồng cách
đó ba mươi dặm cùng anh con rể Tiểu Đường tới chúc tết Ngô Giải Phóng.
Kim Hoa đưa cả cậu con trai Đường Lượng năm tuổi tới thăm ông ngoại, Ngô Giải Phóng nhìn thấy thằng cháu ngoại nhanh nhảu, hoạt bát thì vui lắm. Tiểu Đường sau khi đưa quà chúc tết cho bố vợ, bèn ngồi xuống nói
chuyện với Ngô Giải Phóng. Ngô Giải Phóng nói tới chuyện hôm qua Cùng
Hoa đòi ra thành phố làm thuê. Mặc dù hôm qua ông miễn cưỡng đồng ý với
yêu cầu của Cùng Hoa, nhưng trong lòng vẫn không vừa ý. Ông muốn bảo Kim Hoa khuyên nhủ em vài câu, đừng có đứng núi này trông núi nọ, hi vọng
Cùng Hoa từ bỏ ý định ra thành phố.

Ngô Giải Phóng nói với Kim Hoa:

- Hôm qua lúc thằng Đại Xuân tới chúc tết, Cùng Hoa nói với thầy là nó
muốn đi làm thêm với Đại Xuân, Đại Xuân cũng nói giúp cho nó, thầy muốn
ngăn mà không ngăn được. Con bảo chuyện này phải làm thế nào?

Ai ngờ Kim Hoa cũng đứng về phía Cùng Hoa:

- Cùng Hoa ra ngoài làm thuê đương nhiên là tốt hơn cứ ở nhà mãi. Cả ngày ngồi trong nhà chờ, tiền sẽ rơi từ trên trời xuống chắc? Mấy năm nay
nếu không phải Tiểu Đường nhà con tới Tây An làm thuê, kiếm ít tiền thì
cả nhà làm sao mà sống được, làm sao mà nuôi được thằng bé này. Điều
kiện của bọn trẻ con bây giờ cao lắm, mỗi ngày chỉ có một bát cháo, một
cái bánh ngô thì không đủ đâu, bọn nó ăn ngon từ bé quen rồi.

Cùng Hoa thấy Kim Hoa ủng hộ việc mình đi làm thêm thì vui lắm:

- Chị, nhưng mà em đi rồi thì nhà còn mỗi mình thầy, chị phải thường xuyên về thăm thầy, xem thấy thiếu cái gì thì mua cho thầy.

Kim Hoa nhận lời ngay:

- Em cứ yên tâm đi đi. Chị sẽ thường xuyên sang thăm thầy. Chị cũng sẽ
dặn dò Ngân Hoa, Đào Hoa, Mai Hoa, lúc nào có thời gian thì chịu khó qua lại bên này.

Ngô Giải Phóng lại quay sang Tiểu Đường cầu cứu:

- Con thấy Cùng Hoa đi làm thuê có được không?

Tiểu Đường cũng tỏ ý tán thành, còn kể cho bố vợ nghe kinh nghiệm và hiểu
biết của mình khi ở Tây An, nào là tháp Đại Yến, tháp Tiểu Yến, rừng bia Tây An, Binh Mã Dũng của Tần Thủy Hoàng, bồn tắm của Dương Quý Phi…

Thấy ai cũng đứng về phía Cùng Hoa, đồng ý cho cô đi làm thuê, Ngô Giải
Phóng cảm thấy mình thật là đơn độc. Cùng Hoa đi làm thuê đã trở thành
sự thực không thể thay đổi được rồi.

Vì Kim Hoa và Tiểu Đường
buổi chiều phải ra về nên họ tranh thủ chút thời gian sang chúc tết Ngô
Tân Sinh. Có đến một năm nay Kim Hoa không gặp Đại Xuân nên bây giờ cô
rất muốn gặp anh, với lại nghe nói Đại Xuân đưa cả bạn gái người Quý
Châu về nên cô cũng muốn xem như thế nào. Cùng Hoa và gia đình chị gái
sang nhà Đại Xuân, để bố lủi thủi ở nhà.

Ngô Giải Phóng ở nhà suy nghĩ kĩ càng những lời Kim Hoa và Tiểu Đường vừa nói, lần này thì ông
hiểu ra một đạo lí: Thế giới hào hoa bên ngoài quá phong phú, thu hút
tất cả đám thanh niên bây giờ. Thôn Hạo Sơn giờ đây giống như một lão
già lọm khọm, đã không còn đủ sức giữ chân chúng lại.

Hai ngày
mùng 3 và mùng 4, Cùng Hoa bận chuẩn bị để đi làm thuê. Nghe Đại Xuân
dặn dò, Cùng Hoa phải chuẩn bị hai thứ rất quan trọng: Tới ủy ban xã xin một tờ giấy khai báo tạm vắng và một tờ giấy chứng minh chưa kết hôn.
Không có hai tờ giấy này, tới thành phố làm thủ tục gì cũng không được,
hơn nữa còn phải mang theo cả chứng minh thư của mình.

Ủy ban xã
không có thói quen nghỉ tết. Chiều mùng 3, Cùng Hoa đến thẳng nhà chủ
nhiệm ủy ban, sau một hồi trình bày với chủ nhiệm Ngô, ông không nói lời nào viết ngay cho Cùng Hoa hai tờ giấy mà cô yêu cầu. Giờ Cùng Hoa chỉ
còn phải chuẩn bị quần áo mang theo. Đại Xuân nói ngoài một số quần áo
mặc thay đổi và đồ lót, những cái gì cũ quá thì đừng mang, vào thành phố mua cái mới cũng được. Quần áo của Cùng Hoa vốn dĩ đã ít tới mức đáng
thương nên nhét tất cả vào cũng chỉ vừa một cái túi, nặng không quá ba
cân.

Ngô Giải Phóng luôn đứng cạnh Cùng Hoa khi cô sắp xếp đồ
đạc. Cùng Hoa là con gái út, cũng là cô con gái mà ông yêu thương nhất.
Ngày kia Cùng Hoa sẽ tới một thành phố mà ông chưa tới bao giờ, bước
chân vào một thế giới mà chưa biết trước tương lai, tuy là có Đại Xuân,
Viên Quế Hương ở cạnh, nhưng ông vẫn không thể yên tâm. Giả sử Cùng Hoa
có bất trắc gì, ông ở cách xa cô như vậy thì làm sao mà giúp đỡ được cho cô. Ngô Giải Phóng mặc dù đã phải chia tay với bốn cô con gái, nhưng họ đi lấy chồng, tương lai của họ có thể biết trước, còn tương lai của
Cùng Hoa vẫn mờ tịt phía trước, ông là cha, sao có thể không lo cho
được? Chỉ tiếc là lúc này Cùng Hoa không thể hiểu được tâm trạng lo lắng của ông.

Ngô Giải Phóng chờ Cùng Hoa sắp xếp mọi thứ xong xuôi
bèn gọi cô lại. Ông run rẩy lấy ra một cái túi nhỏ giắt ở đầu giường, mở túi ra thấy bên trong còn mấy cái bao lì xì nữa. Ngô Giải Phóng mở hết
mấy bao lì xì ra, trong đó có mấy tờ một trăm tệ. Ông đếm ra một nghìn
tệ rồi đưa cho Cùng Hoa:

- Cùng Hoa, số tiền này là khi các chị
con đi lấy chồng, nhà người ta mang tới. Mấy năm nay cho dù khó khăn thế nào, thầy cũng không nỡ động đến một đồng, định để cho tới lúc con lấy
chồng mới dùng, bây giờ có cần nữa không thầy cũng không biết. Lần này
con đi xa nhà, tốn kém tiền bạc, con cứ cầm trước một nghìn tệ, số còn
lại thầy giữ tiếp cho con, nếu ở ngoài con thấy không ổn thì cứ về với
thầy.

Những lời nói tràn đầy tình cảm của Ngô Giải Phóng khiến
khóe mắt Cùng Hoa ươn ướt, nước mắt cứ đầy lên rồi cuối cùng lăn xuống
má. Cùng Hoa nghẹn ngào. Cô gọi một tiếng thầy rồi nhào vào lòng Ngô
Giải Phóng, bật khóc nức nở. Cô hơi hối hận với quyết định đi làm thuê
của mình. Cô quyết định ngày mai cô sẽ không ra khỏi nhà nửa bước để ở
với thầy cô trọn một ngày trước khi lên đường.

***

Cho dù Ngô Giải Phóng và Cùng Hoa có muốn hay không, sáng sớm ngày mùng 5 vẫn tới như nó vốn dĩ phải thế.

Ngô Giải Phóng dậy từ rất sớm, ông muốn chuẩn bị bữa sáng và một ít lương
khô cho Cùng Hoa mang theo đi đường. Cùng Hoa đã ra cái giếng ở ngoài
thôn gánh nước, cô muốn trước khi đi, gánh đầy cho thầy lu nước để ở nhà dùng. Lúc Cùng Hoa gánh nước về, Ngô Giải Phóng đã nấu cháo xong, mấy
chiếc bánh ngô trong nồi cũng đã chín. Ngô Giải Phóng lấy bánh ngô ra
đĩa, múc cháo vào bát rồi lại cho thêm bát nước vào nồi, luộc thêm bốn
quả trứng gà. Ở nhà ông, chỉ có hai người được hưởng sự “đãi ngộ” đặc
biệt này: Đó là vợ ông khi sinh con, người còn lại là Cùng Hoa.

Ngô Giải Phóng đặt bốn quả trứng gà luộc xuống trước mặt Cùng Hoa nhưng
Cùng Hoa kiên quyết không chịu ăn, cô đẩy đĩa trứng ra trước mặt Ngô
Giải Phóng:

- Thầy, thầy lớn tuổi rồi, thầy ăn đi.

Ngô Giải Phóng lại đẩy mấy quả trứng cho Cùng Hoa:

- Đây là thầy nấu cho con. Con ăn đi cho lòng thầy vui. Thầy muốn ăn trứng gà thì ở nhà vẫn còn mà? Lát nữa thầy lại đi luộc.

Hai mắt Cùng Hoa lại ươn ướt. Cô biết thầy cô không nỡ luộc trứng gà ăn một mình đâu, hôm nay thầy muốn tiễn cô nên mới luộc trứng cho cô ăn, trong đó là tấm lòng thương con sâu sắc của thầy nên cuối cùng cô cũng ngoan
ngoãn ăn hết mấy quả trứng gà.

Thời khắc biệt li cuối cùng cũng
tới. Cùng Hoa xách cái túi nhỏ máy móc ra đứng giữa cửa nhà. Ngô Giải
Phóng đưa mấy cái bánh ngô đã được gói cẩn thận cho Cùng Hoa. Cùng Hoa
nhét mấy cái bánh vào túi hành lí. Cô đang chờ Đại Xuân và Viên Quế
Hương.

Một lúc sau, Đại Xuân và Viên Quế Hương kéo chiếc va li
hành lí có bánh xe tới gọi Cùng Hoa, Cùng Hoa thưa một tiếng rồi đi ra
khỏi nhà. Cô sợ dọc đường có kẻ cắp nên đưa túi tiền 1000 tệ cho Đại
Xuân, bảo Đại Xuân giấu vào trong va li của anh.

Ngô Tân Sinh và
vợ ông cũng ra tiễn con trai với con dâu. Họ cùng với Ngô Giải Phóng và
Cùng Hoa, sáu người cũng đi về phía con đường núi dẫn ra khỏi làng.

Đại Xuân và Cùng Hoa mấy lần khuyên ba người già quay về nhưng họ vẫn kiên quyết đòi tiễn thêm một đoạn nữa.

Họ đã đi một đoạn cách làng rất xa, Đại Xuân bèn đứng lại không đi nữa,
kiên quyết nói là không cần phải tiễn nữa, tới lúc Ngô Tân Sinh đồng ý
không tiễn nữa thì anh mới đi tiếp.

Bọn Đại Xuân đi được một
đoạn. Khi quay đầu lại nhìn, thấy ba người già vẫn đứng trong cơn gió
lạnh buốt của ngày đông, mắt dõi theo họ.

Hôm nay là một bước
ngoặt lớn trong cuộc đời của Cùng Hoa. Cô phải đi tới một thế giới mới,
một thế giới xa lạ nhưng cũng đầy thú vị.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui