1.
Hai Long ở nhà một tuần rồi trở lại nhà thờ Phát Diệm.
Thời gian 7 ngày trôi qua chắc cũng đủ để Ngô Đình Nhu thấy anh không có gì là vội vàng.
Cha Lê đồng ý để Hai Long gọi điện cho Nhu.
Đầu dây bên kia, giọng Nhu vang lên:
- Tôi nghe đây.
- Kính chào ông cố vấn. Tôi là Hai Long.
- Chào anh. Anh ở mô đó?
- Tôi đã trở về chỗ Đức cha. Cách đây một tuần, tôi đã nhờ đại tá Tung chuyển tới tổng thống và ông cố vấn hai lá thiệp của Đức cha Ngô Đình Thục.
- Tôi đã nhận được. Đức cha có mạnh giỏi không?
- Ngài rất khỏe.
- Mai mốt sẽ gặp anh. Tôi hiện chừ rất bận. Anh vẫn ở luôn chỗ Đức cha chớ?
- Dạ...
- Chúc anh khỏe.
- Chúc ông cố vấn khỏe.
Nhu buông máy.
Tại sao y có vẻ hững hờ...? Không phải chỉ có anh, mà y cũng tỏ ra không vội vàng. Y đã giục giã mình về sớm, bây giờ lại tỏ ra thủng thẳng. Vì sao? Anh không tìm được câu trả lời. Đã vậy mình cũng không cần chờ đợi ở đây. Ngay chiều hôm đó, Hai Long rời nhà thờ Phát Diệm sang Bình An.
2.
Từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, giám mục Lê[1] đã liên kết với quân đội viễn chinh Pháp, biến vùng đồng bào Công giáo ở Bùi Chu, Phát Diệm thành những pháo đài chống lại kháng chiến.
Hai giáo khu Bùi Chu - Phát Diệm có lực lượng vũ trang riêng, do quân đội Pháp trang bị vũ khí. Linh mục Hoàng[2] được giám mục Lê phong làm Tổng chỉ huy Tổng bộ tự vệ Công giáo Bùi Chu - Phát Diệm.
Cha Hoàng là người đứng ra làm "phép chết lành" cho đội quân tự vệ áo đen, được tổ chức chiến đấu để "mở rộng nước Chúa". Cha Hoàng thường lui tới với Cao ủy Pháp ở Hà Nội, quốc trưởng Bảo Đại hoặc thủ hiến Bắc Việt, bàn bạc những kế hoạch chống phá kháng chiến. Linh mục Hoàng và nhà sư Tuệ Chiếu là thủ lĩnh "Mặt trận liên tôn chống Cộng", âm mưu biến nhà thờ, chùa chiền thành những ổ gián điệp cho quân đội Pháp. Pháp và ngụy quyền đã cử cha Hoàng vào đoàn chủ tịch của "Ủy ban vận động Đại hội nhân dân toàn quốc" năm 1953. Cha Hoàng là thành viên trong ban cố vấn của phái đoàn "Quốc gia Việt Nam" tham dự Hội nghị Genève về Đông Dương năm 1954.
Trước ngày miền Bắc dược hoàn toàn giải phóng, cha Lê và cha Hoàng đã vận động hàng triệu đồng bào Công giáo ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, di cư vào Nam. Vào tới Nam Bộ, cha Hoàng liên kết ngay với Bảy Viễn, người cầm đầu lực lượng Bình Xuyên thân Pháp, kéo một số đông tự vệ Công giáo Bùi Chu - Phát Diệm cùng với khá đông tín đồ, về vùng Bình Xuyên, âm mưu lập vùng này thành một vùng có quân đội riêng như kiểu giáo khu Bùi Chu - Phát Diệm ở miền Bắc.
Diệm - Nhu thấy ngay mưu đồ nguy hiểm của cha Hoàng. Trong khi dẹp Bình Xuyên và cánh thân Pháp, Diệm ra lệnh bắt luôn cha Hoàng, đưa về quản thúc ở Bình An, một xứ đạo gần Chợ Lớn, luôn luôn cho người giám sát, theo dõi.
Trước sự đàn áp thẳng tay của Diệm, giáo dân đi theo cha, chạy thất tán, vệ sĩ bỏ cha Tổng chỉ huy. Cha Hoàng bắt đầu những ngày tàn tại một vùng đồng đất khô cằn, cỏ lác mọc đầy, không trồng trọt được cây trái, ít người lai vãng. Cha sống một cuộc đời trầm lặng, cô đơn và đầy uất hận.
Hai Long đến với cha Hoàng sau ngày Ngô Đình Diệm ra sắc lệnh, lực lượng tự vệ Bùi Chu - Phát Diệm đã tham gia chiến dấu chống Cộng, được coi là "cựu chiến binh Việt Nam". Cha Lê và cha Hoànng không bỏ lỡ cơ hội, lập tức tổ chức ra "Hội cựu tự vệ Công giáo Phát Diệm và cựu chiến binh Việt Nam". Những giáo dân đã theo cha Hoàng trước đây, những vệ sĩ áo đen lưu lạc khắp nơi kiếm sống, lục tục kéo về ghi tên nhập Hội. Cha Hoàng đang cần có nhiều cựu chiến binh để phô trương thanh thế, nên hễ là giáo dân di cư, ai muốn vào Hội cũng nhận, cũng cấp giấy tờ một cách không khó khăn. Nhiều giáo dân Phát Diệm vẫn chưa quên Hai Long, người thường có mặt bên các cha cố ở Hải Phòng, người đã tận tình giúp đỡ họ trong những ngày chờ đợi xuống tàu. Họ đều nghĩ Hai Long tất nhiên phải là người trong Hội để tiếp tục giúp đỡ cho giáo dân.
Hai Long nhanh chóng trở thành người ý hợp tâm đầu của cha Hoàng. Cha quý anh vì anh am hiểu giáo lý, kinh lễ, anh là người "biết làm chính trị", lại biết chuyện trò, hiểu tâm lý, và rất trọng, rất thương cha. Hai Long mang những trái cây ngon từ Sài Gòn vào biếu cha. Chiếc áo soutane đứt khuy, đôi bít tất rách của cha để vứt xó, được Hai Long đưa về nhà giặt giũ, khâu mạng lại, là ủi cẩn thận rồi đem lại cho cha dùng. Khi tuổi đã về chiều, con người thường nuối tiếc những ngày đã qua không bao giờ trở lại. Cha Hoàng không tìm được ai hơn Hai Long, để nghe cha ôn lại quá khứ. Hai Long ngồi nhìn cha với cặp mắt ngưỡng mộ, sùng kính, lắng nghe với niềm say mê không mệt mỏi những chuyện cha kể buổi này qua buổi khác, về thời kỳ vàng son của cha ở Bùi Chu - Phát Diệm.
Thấy người ùn ùn kéo về, tấp nập vào ra nhà thờ Bình An trước đây vắng vẻ, Hai Long bàn với cha:
- Cha đang bị bao vây, không nên để cựu chiến binh đi lại quá nhiều e liên lụy mà hỏng việc lớn.
Cha Hoàng nói:
- Cha chỉ có nguyện ước gom góp lại lực lượng tự vệ thành một tổ chức có vị trí trên chính trường miền Nam, buộc chính quyền Sài Gòn phải kiêng dè. Trước đây, họ lấn ép mình quá đáng.
- Con nghĩ rằng thời thế sẽ thay đổi, với lực lượng này, cha còn có thể đi xa hơn. Nhưng trước mắt, cần làm kín đáo để chờ thời cơ.
Cha Hoàng khen ý đó, khuyên giáo dân không nên lui tới nhiều, và trao cho Hai Long nhiệm vụ đi các nơi, bí mật móc nối những lực lượng cũ của mình...
Giữa lúc đó, Hai Long bị bọn Hiếu bắt.
Qua những lời chị Hai kể lại, Hai Long đã biết cha Hoàng những năm qua không hề quên mình. Đức cha Lê hai lần ra Huế vì việc của anh, chắc chắn là có sự bàn bạc của cha Hoàng. Lần này gặp lại cha, anh đem tới một món quà chắc chắn sẽ làm cha hài lòng: đó là đề nghị cầu thân của Ngô Đình Cẩn, muốn liên kết lực lượng của y với lực lượng Phát Diệm thành một sức mạnh nói chuyện với Ngô Đình Nhu. Anh sẽ trình bày để cha thấy là thời cơ sắp tới, ngôi sao "cha Tổng" sẽ xuất hiện trở lại trên chính trường rực rỡ không kém ngày xưa...
Hai Long ở nhà thờ Bình An được hai ngày, câu chuyện giữa anh và cha Hoàng dường như chỉ mới bắt đầu thì Lê Quang Tung đến tìm. Y xuất hiện với bộ quân phục đại tá, vẻ hấp tấp:
- Tôi từ nhà thờ Phát Diệm sang, đang lo không gặp ông phụ tá. Ông cố vấn cho tôi tới mời ông đến quan sát tại chỗ buổi gặp gỡ giữa ông cố vấn chính trị với phó tổng thống Mỹ Johnson, để ông phụ tá về báo cáo lại với cha Lê. Thời gian rất gấp! Nếu ông đồng ý, xin mời đi ngay cùng tôi. Tại đó bữa nay canh phòng rất cẩn mật.
Nhà thờ Bình An không có điện thoại, không thể xin ý kiến cha Lê. Hai Long vào báo cáo với cha Hoàng. Cha Hoàng nói:
- Người ta mời thì đi coi! Nhu có găng trì mấy cũng thua cha Lê.
Chiếc xe jeep lao nhanh về phía sân bay Tân Sơn Nhất. Thời gian qua chắc Nhu bận chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này, Hai Long nghĩ, Johnson sang lần này có âm mưu gì...?
Cờ "ba sọc" và cờ "sọc và sao" treo rợp nhà ga sân bay. Cảnh sát canh gác vòng trong vòng ngoài. Chúng giơ tay chào khi chiếc xe của Lê Quang Tung phóng qua. Sân bay đông nghịt người ra dón. Thảm nhung đỏ trải dài từ nhà ga ra tới chỗ máy bay hạ cánh.
Tung đưa Hai Long tới đứng cùng với những người đi tháp tùng cố vấn chính trị. Thoáng nhìn thấy Hai Long, Nhu rảo bước tới gặp. Bà Nhu, không hiểu sao, cũng nối gót đi theo chồng.
Hai Long đã nhiều lần nhìn thấy Lệ Xuân giữa đám đông, trên màn ảnh, hoặc trên báo chí. Nhưng đây là lần đầu anh giáp mặt với "đệ nhất phu nhân" của miền Nam. Bà ta quá trẻ so với chồng, đang ở tuổi hồi xuân, lộng lẫy trong bộ quần áo tiếp khách quý, đẹp một cách kiêu kỳ.
Hai Long cúi đầu chào Lệ Xuân rời quay lại bắt bàn tay ông cố vấn dang chìa ra.
Nhu nói rất nhanh:
- Anh theo dõi quan sát, rồi về trình với Đức cha. Ngày mai, tôi phải làm việc với phó tổng thống Mỹ. Bà nhà tôi sẽ cùng đi với bà phó tổng thống. Tôi nhờ anh đi theo giúp bà, có chuyện chi anh cứ trao đổi với bà.
Lệ Xuân đang chăm chú nhìn Hai Long, nghe chồng nhắc đến mình, bà ta vờ quay đi. Bà ta chắc anh phụ tá trẻ của Đức cha Lê sẽ sướng mê với ý kiến cửa ông chồng.
Nhu nói tiếp:
- Tôi sẽ lại cho Lê Quang Tung tới đón anh.
- Việc ngày mai, ông cố vấn cho tôi xin ý kiến cha.
Hai Long thoáng nhìn thấy Lệ Xuân, tuy qua quay đi nhưng vẫn theo dõi câu chuyện, hơi bĩu môi.
- OK! Tối nay, Tung sẽ liên lạc với anh. Vẫn ở chỗ cha chứ?
- Dạ.
Vợ chồng Nhu cùng quay ra chuẩn bị đón khách.
Buổi đón tiếp tại sân bay diễn ra một cách nồng nhiệt. Chủ khách đều tươi cười, thân thiết siết tay nhau. Hai phu nhân cũng vậy. Nhu sánh vai cùng Johnson đi duyệt đội quân danh dự. Lệ Xuân đứng bên bà phó tổng thống cao lớn, già nua trông giống như con búp bê xinh xắn đặt bên con bù nhìn thô kệch. Bà ta chuyện trò với bà phó tổng thống một cách hoạt bát và tự tin. Nhu dẫn phó tổng thống Mỹ đi giới thiệu với các quan chức ra đón. Johnson bắt tay khắp lượt rồi tươi cười giơ tay vẫy chào dân chúng đứng xếp hàng với những lá cờ Việt Nam cộng hòa và cờ Mỹ dọc sân bay.
Buổi tiếp đón tuy trọng thể nhưng cũng chỉ là những nghi lễ thông thường. Không biết Nhu có dụng ý gì mà lại mời mình tới, Hai Long tự hỏi trên đường trở về nhà thờ Phát Diệm.
Anh thuật lại với cha Lê những điều đã thấy ở sân bay, rồi hỏi:
- Con có nên đi cùng bà Nhu ngày mai không?
- Nhu mời đi cùng hắn thì đi chơi, còn đi với vợ hắn thì đi làm gì?
Buổi tối, khi Tung gọi điện thoại, Hai Long trả lời khước từ. Anh chắc việc này làm phật ý Nhu.
Mấy ngày sau, Lê Quang Tung mang tới cho Hai Long toàn bộ những văn bản cuộc hội đàm Diệm - Johnson, trong đó phó tổng thống Mỹ long trọng hứa sẽ tăng cường viện trợ mọi mặt cho Việt Nam cộng hòa, kèm theo một bộ ảnh ghi lại quá trình gặp gỡ giữa vợ chồng Nhu với vợ chồng Johnson. Hai Long thấy cũng có mình trong một vài tấm ảnh. Anh đã hiểu dụng ý của Nhu. Nhu muốn khoe quan hệ Diệm - Nhu với Mỹ vẫn đằm thắm, chứ không phải như cha Lê đã nhận xét.
Cha Lê xem xong, cười nhạt:
- Đón tiếp hữu nghị thế này, hội đàm thân mật thế này mà lật nhau lúc nào không hay đâu!... Đây là cái người ta đem cho mình, cái này cũng sẽ đăng báo. Còn cái người ta chưa cho mình, cái ấy mới quan trọng.
3.
Hai Long đã đánh giá được thái độ của Nhu đối với anh sau khi anh về Sài Gòn, không phải là sự hờ hững.
Y đã cho người thân tín đến gặp mình không chỉ một lần. Y đang rất cần đến sự giúp đỡ của anh. Y đã mời anh đến sân bay trong cuộc tiếp đón Johnson, vì y nghĩ khi về gặp cha Lê, anh sẽ nói lại những điều có lợi cho y. Việc y nhờ anh đi cùng Lệ Xuân, là một cử chỉ tỏ sự tin cậy, gây cảm tình. Nhưng điều quan trọng là Nhu đang làm ngược lại những lời khuyên cáo của anh. Nhu đang tìm mọi cách để cải thiện mối quan hệ giữa Việt Nam cộng hòa với Mỹ, cụ thể là quan hệ giữa Diệm - Nhu với Mỹ, và trước hết giữa Nhu với Mỹ. Anh đã nói với Nhu bữa trước, theo ý Đức cha, người Mỹ đang muốn gạt Nhu. Mời được phó tổng thống Mỹ sang đúng vào dịp này rất có lợi cho cá nhân của y. Trong triều đình họ Ngô, y là nhân vật số 2. Chính vợ chồng y, chứ không thể là ai khác, sẽ tiếp đón vợ chồng phó tổng thống Mỹ. Không những người trong nước mà cả thể giới sẽ biết ngay chuyện này. Những tin tức, tranh ảnh, văn kiện của cuộc hội đàm sẽ cải thiện vị trí của y trước mắt mọi người, sẽ là một đòn mạnh đánh vào cánh đối lập muốn lật đổ y, vì nghĩ là y không còn được Mỹ tin dùng. Y đã tính một nước cờ khá đúng. Dư luận chống đối ở Sài Gòn nhắm vào Nhu đã có phần xẹp đi trong những ngày qua. Anh dự tính sẽ làm gì trong cuộc gặp y mà anh tin rằng sẽ diễn ra nay mai.
Quả nhiên, chỉ mấy ngày sau, Lê Quang Tung lại đến nhà thờ Phát Diệm, tìm Hai Long. Lần này, y mời anh tới gặp ông cố vấn chính trị tại nơi làm việc. Trước khi đi, Hai Long nói với cha Lê:
- Con cần có danh nghĩa rõ ràng khi gặp ông Nhu. Mặc dù ông đã biết rõ con, nhưng con muốn xin Đức cha một thư giới thiệu con là người phụ tá của Đức cha.
- Cha nghĩ chẳng cần. Đối với cha, ông cố vấn chính trị chẳng là cái gì. Nhưng con đã muốn vậy, cha sẽ chiều ý.
Cha Lê viết một lá thư ngắn, bỏ phong bì dán lại, rồi trao cho Hai Long. Từ giờ phút này, anh đã chính thức là người phụ tá của cha Lê. Cha nhìn anh rồi bảo:
- Đến gặp "người ta" cũng nên ăn mặc cho đàng hoàng.
Hai Long về nhà, thay sơ mi trắng, đeo thêm chiếc cravat rồi lên xe đi với Tung.
4.
Lâu dài Norodom, do những viên đô đốc - toàn quyền Pháp xây dựng từ thế kỷ trước, nằm sâu trong một khuôn viên rộng, cây cối xanh tốt, với những ô cửa cuốn nặng nề, đã trở thành món quà của thực dân Pháp tặng cho chính quyền Sài Gòn sau ngày đội quân viễn chinh Pháp bại trận rút về nước. Ngô Đình Diệm đã đặt cho nó một cái tên mới là Dinh Độc Lập.
Đã bao lần Hai Long đi qua đây, ngắm nhìn cái vẻ thâm nghiêm của nó qua hàng rào sắt, với ước muốn một ngày kia mình sẽ lọt vào đây để làm những việc động trời. Người anh lâng lâng khi ngồi trên chiếc xe phóng qua những cánh cửa sắt đã được mở rộng, với những tên lính gác đứng nghiêm giơ tay chào. Một ý nghĩ chợt nhói lên: mình vẫn chưa bắt được liên lạc...
Viên đại tá dẫn Hai Long bước lên những bậc thềm đá qua một cái sân rộng, rồi vào một căn buồng ở phía bên trái của ngôi nhà. Đây là phòng tiếp khách riêng của ông cố vấn chính trị. Vẫn là những đồ đạc cũ của phủ Toàn quyền ngày xưa. Tủ và bàn ghế được đóng theo kiểu cung đình thời vua Louis, chạm trổ tinh vi, bóng lộn. Bức ảnh bà cố vấn với mái tóc bới cao, buông rèm trên trán, lồng khung kính treo trên tường, hơi lạc lõng. Về sau, Hai Long biết ông cố vấn mới cho treo tấm ảnh này khoảng một năm, khi bà cố vấn chê ông chồng có tuổi, không galant[3].
Chủ nhân chưa có mặt trong phòng. Viên sĩ quan nội thất, quần áo trắng bong như vừa lấy trong hộp ra, lễ phép báo cáo:
- Mời ngài ngồi chờ một chút. Ông cố vấn đang mắc việc.
Không biết có phải y bắt mình chờ đợi để xác định uy quyền không, Hai Long nghĩ. Anh rút lá thư của cha Lê đưa cho viên sĩ quan:
- Nhờ ông chuyền trước cho ông cố vấn thư giới thiệu của Đức cha Lê.
Anh lại tự xác định danh nghĩa của mình là người phụ tá của cha Lê trong cuộc nói chuyện. Về phẩm hàm tôn giáo, cha Lê ngang hàng với Thục, lại còn có uy tín và được nhiều người biết hơn cả Thục.
Nhu từ buồng trong bước ra, mặc chiếc áo nịt ngắn tay. Cách ăn mặc này làm y trẻ ra. Thái độ y cũng tươi tỉnh hơn ngày anh gặp ở gia đình Cẩn. Rõ ràng y tiếp Hai Long theo kiểu người nhà.
Nhu bỏ qua những thủ tục xã giao, vào việc ngay:
- Sau cuộc viếng thăm Việt Nam cộng hòa của phó tổng thống Mỹ, anh thấy có gì mới?
- Ông cố vấn đã đạt được một kết quả rất ngoạn mục. Dư luận về người Mỹ sắp bỏ rơi tổng thống và ông cố vấn xẹp đi. Một số người ở phía đối lập thấy phải xem xét lại chủ trương và hành động của mình.
- Chúng tôi mới giải quyết những vấn đề cơ bản ở thượng đỉnh. Trong năm nay, sẽ nhanh chóng cụ thể hóa thêm. Mỹ sắp cử sang nhiều phái đoàn để thực thi những thỏa thuận giữa tôi và phó tổng thống Mỹ.
- Ai cũng nghĩ là sẽ như vậy
- Như anh nói, đó là dư luận chung, còn ý kiến cha Lê? Những tài liệu tôi bảo Lê Quang Tung mang tới, anh có đưa trình cha không?
- Ngài đã xem toàn bộ tài liệu, kể cả những tấm ảnh...
Hai Long ngập ngừng, tỏ ra đang còn phân vân, muốn lựa lời. Làm cho y vui đủ rồi, giờ phải dội cho y một gáo nước lạnh.
- Ý cha có chỗ hơi khác...
- Khác thế nào, anh cứ nói. Tôi rất cần biết.
- Cha vẫn không tin là Mỹ thành thật. Đã hợp tác với Mỹ thì phải luôn luôn đề phòng... Nay phó tổng thống Mỹ qua Sài Gòn, có cam kết ủng hộ tổng thống chăng nữa, cũng là để xác định uy quyền của kẻ chi tiền. Kẻ nào chi tiền, kẻ ấy điều khiển. Mỹ sẽ trói buộc tổng thống chặt chẽ hơn nữa trong khi tổng thống và ông cố vấn lại không muốn hoàn toàn nộp mình cho Mỹ. Mâu thuẫn giữa Mỹ với tổng thống chưa phải đã được giải quyết. Ngài bảo những văn bản đã ký kết là để đăng báo, còn phía sau thế nào, chưa biết. Để rồi coi...
Nhu ngồi tay chống cằm, chăm chú lắng nghe.
- Trước sau, cha vẫn không tin người Mỹ. - Hai Long kết thúc.
Nhu ngồi ngay người lại, xoa xoa lòng bàn tay vào nhau.
- Cha rất sâu sắc... Nhưng tôi hỏi anh: chống Cộng mà không dựa vào Mỹ thì chống sao nổi?
- Ý cha là muốn chống Cộng kết quả, phải giữ đường lối trung lập. Nhiều quốc gia trên thế giới đã làm thế.
- Cha chủ trương trung lập ư?
- Từ lâu Đức cha vẫn chủ trương trung lập. Ngài đã từng khuyến cáo Bảo Đại theo đường lối trung lập, thân Pháp mà không chống Mỹ, còn tổng thống thân Mỹ lại chống Pháp. Như thế thì lực lượng chống Cộng của tổng thống không thể nào lớn mạnh. Nay tổng thống có sửa lại đường lối, thái độ đối với Pháp cũng muộn rồi!
- Theo ý cha thì nên chuyển theo hướng trung lập hay sửa thái độ đối với Pháp?
- Hai vấn đề ông cố vấn nói, theo cha chỉ là một. Đa số trong hàng giáo phẩm Việt Nam kiên nhẫn vận động tổng thống xét lại đường lối chống Pháp từ năm 1954 đến nay. Các linh mục dòng Thừa sai và Tòa thánh Vatican cũng vận động chính phủ Pháp nối tiếp mối quan hệ giữa hai bên Pháp và Việt Nam cộng hòa. Ông đã biết nhiều người như giám mục Jean Cassaigne ở Sài Gòn, giám mục Joseph Smith ở Métz, đức Hồng y Vio ở Vatican... đều có ý kiến dó. Cha Lê nói hình như ông cố vấn cũng đang cứu xét vấn đề này nhưng còn do dự nên về phía người Pháp, người ta cũng phải thận trọng. Tuy nhiên, Tòa thánh Vatican vẫn kiên trì khuyên Đức cha hòa giải với tổng thống để tạo điều kiện cho tổng thống xích lại gần Pháp và Tòa thánh... Cha đã chính thức giới thiệu tôi tiếp xúc với ông cố vấn hôm nay, để liệu bề khuyên ông cố vấn theo đường lối giáo hội.
Nhu chăm chăm nhìn một khoảng trống trên tường, vầng trán nhíu lại. Hai Long biết y vừa lắng nghe vừa tính toán giải quyết những vấn đề anh đang đặt ra.
- Những diều anh vừa cho biết rất quý. Anh cần làm cho cha thông cảm với tổng thống hơn nữa. Làm theo cách nào thì chắc anh biết rồi. Tuy nhiên, tôi còn muốn yêu cầu ở anh hơn. Anh phải giúp tôi nắm vững những vấn đề cụ thể. Cha vẫn cho rằng Mỹ không thành thật, chống chúng tôi, thì họ đang muốn gì, đang làm gì cụ thể? Họ có thể làm gì trong thời gian tới? Còn cha chủ trương trung lập, thì cha đang mưu tính gì ngoài việc trao cho anh tới đây tác động tôi và tổng thống? Thái độ của cha cố Pháp dòng Thừa sai Paris, của Vatican có thật đúng như cha đánh giá không? Nếu đúng, họ sẽ hành động tới đâu? Tôi muốn biết kịp thời tất cả những điều đó. Có tin gì gấp, anh gọi điện thoại ngay cho tôi, hoặc tới trực tiếp gặp tôi bất cứ lúc nào. Tôi sẽ trao nhiệm vụ cho Tung.
Nhu đã tự coi Hai Long như là người của mình. Y chỉ muốn biết thêm, mà không để lộ những suy tính của mình. Y đang cần lấp những lỗ hổng mà những cơ quan an ninh, mật vụ của y còn chưa lấp được.
Nhu nói tiếp:
- Về phần tôi, tôi cam kết yểm trợ cho anh tất cả những gì anh cần, để đạt những yêu cầu vừa rồi. Anh được tự do hành động, miễn sao hành động có kết quả.
5.
Hơn một tháng đã trôi qua kể từ ngày những tấm bưu thiếp được gửi đi.
Hai Long biết việc bắt liên lạc với trung tâm không thể nhanh chóng nhưng anh vẫn cảm thấy sốt ruột. Anh đã thực sự lọt vào cái mục tiêu mà từ lâu Trung tâm mong đợi. Nhưng bây giờ tổ chức đang cần gì ở anh, và anh làm cách nào di chuyển tới cấp trên những gì anh đã nắm được trong hai năm qua. Anh nghĩ rằng có nhiều điều cấp trên đang cần biết. Mỗi tin tức đều chỉ có giá trị trong thời gian nhất định, nhiều khi phải tính bằng từng ngày, từng giờ. Một tin tức quan trọng nhất cũng trở thành vô nghĩa nếu đã mất tính thời gian.
Hằng ngày, Hai Long lại tiếp tục những công việc giúp đỡ gia đình kiếm sống như trước đây. Sáng sớm, nếu bác Bảy không tới, anh dùng xe đạp đèo giúp vợ hai sọt rau ra chợ Thị Nghè. Buổi tối, anh chở vợ đi chợ Cầu Ông Lãnh, chờ chị mua rau quả chất đầy lên xe xích lô, hai vợ chồng theo xe cùng trở về nhà. Thời giờ còn lại, nếu không tới nhà thờ Phát Diệm, nhà thờ Bình An hay vào dinh Độc Lập, thì anh ra thư viện đọc sách. Anh cũng tranh thủ tự học củng cố thêm tiếng Anh, vì biết chỉ nay mai sẽ phải dùng nhiều ngoại ngữ này.
Hòe lại tới tìm anh. Lần này, họ gặp nhau tại một quán cà phê. Anh đã hiểu tâm trạng của một người ở vùng tạm chiếm, đã được tiếp xúc với cách mạng và tự mình đã có nhiều cống hiến. Hòe không muốn bỏ lỡ cơ hội của mình sau khi Hoàng đã hy sinh. Anh nhìn cách mạng bằng cặp mắt chân thành và ngây thơ. Anh chưa hiểu cuộc đấu tranh này vô cùng khắc nghiệt, và những nguyên tắc bí mật cần phải tuân thủ. Hòe muốn dược Hai Long trao ngay công tác. Hòe còn ngỏ ý muốn giúp đỡ Hai Long một ít tiền, vì anh mới được tha về, gia đình còn gặp quá nhiều khó khăn. Hai Long không muốn nói với Hòe bản thân mình cũng đang mất liên lạc, mình không được sử dụng người vào công tác khi chưa có quyết định của tổ chức, và mặc dù anh đã biết Hòe là đảng viên, nhưng trước khi nhận công tác này, Hòe vẫn phải được thẩm tra và tiếp tục thử thách. Anh chỉ nói với Hòe cứ củng cố chỗ đứng chân và chờ đợi. Anh lựa lời từ chối sự giúp đỡ về vật chất của Hòe, cố không để làm Hòe buồn. Anh đã biết Hòe cũng không dư dật gì. Ngày hai buổi đi làm về, Hòe vẫn phải tranh thủ viết báo thêm kiếm tiền chi tiêu cho gia đình. Nhưng anh cũng nhận thấy Hòe có một hoàn cảnh khá thuận lợi cho công tác. Đối với địch, lý lịch của Hòe rất rõ ràng. Hòe tuy đã bị bắt, nhưng những việc Hòe đã làm chỉ là vô tình. Hòe lại quen biết rất nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền, cũng như trong giới công thương. Anh hy vọng một ngày kia Hòe sẽ trở thành người cộng sự với mình trong công tác.
Hai Long cột mấy khúc gỗ vào xe đạp, treo những sọt rau đưa ra chợ. Chị Hai nhìn chồng với cặp mắt ái ngại:
- Bác Bảy mấy ngày nay lại yếu đau gì, không thấy đâu. Hay anh bỏ đó, ra cửa thấy chiếc xích lô nào đi qua thì thuê.
- Để mặc anh, mỗi sáng làm một cuốc thể dục thế này, cả ngày người lại thấy khỏe.
Vừa lúc đó, có tiếng bác Bảy ngoài cửa. Chị Hai mừng rỡ:
- Nhà em ra ngay đó!
Bác Bảy đi vào nhà. Chị Hai nói:
- Bác thiêng quá! Em vừa nhắc đến bác xong. Chỉ lo bác bệnh không đi hàng.
- Mấy ngày qua vô cao su. Năm nào dịp này cũng vô đó thăm mộ bà nó.
- Bác đi thăm mộ mà không nói để chúng em gửi cho bác gái nén hương.
- Cũng không tính trước đi ngày dó. Nhân cái xe hư phải đưa sửa mấy ngày, rãnh việc là đi luôn.
Chị Hai đã nói với Hai Long, mấy năm qua chị coi bác Bảy như người ruột thịt. Bác chở hàng cho chị bao giờ cũng chỉ lấy nửa tiền. Có khi bác cho chịu. Khi chị ốm, bác mang quà vào tận bệnh viện thăm. Bác còn cho vay cả tiền. Lúc trả nợ, bác nói cứ giữ lấy mà chi dùng, vì bác chưa cần tới. Chị nói: "Lúc gặp khó khăn mới thấy nhiều người tốt". Một lần Hai Long ngỏ lời cảm ơn, bác gạt đi: "Chú thím phải hy sinh nhiều, chớ tôi làm được cái chi?".
Trên đường ra chợ, tới một đoạn vắng người, những ngôi nhà hai bên hè cửa còn đóng kín mít, bác Bảy ngồi phía sau bỗng ghé đầu vào tai Hai Long nói nhỏ:
- Chú Hai mấy năm qua bị bệnh đau đầu đã chữa lành rồi hả? Chú lại tiếp tục đi dạy học chớ?
Hai Long sững sờ... Thì ra người anh cần tìm vẫn ở ngay bên cạnh!
- Dạ..., hết đau đầu rồi. Và lại tiếp tục đi dậy học.
Bác Bảy chạm tay vào vai anh, rồi áp vào ngực anh một mảnh giấy nhỏ.
6.
Tới đầu đường Trương Tấn Bửu, Hai Long dừng lại mua một bao thuốc lá. Đây là lần thứ ba, anh kiểm tra "đuôi".
Anh chuyển cái túi từ vai phải qua vai trái, báo dấu hiệu an toàn.
Anh tiếp tục đi thêm một quãng, đưa mắt tìm một ngôi nhà số lẻ bên kia đường. Đó là một ngôi nhà nhỏ hai tầng, ở hơi thụt vào bên trong so với những nhà khác, phía trước có hàng rào sắt. Mảnh giấy bác Bảy đưa cho anh sáng hôm qua, sau khi được xử lý kỹ thuật đã hiện lên nhưng quy ước và tín hiệu của cuộc gặp gỡ ngày hôm nay.
Hai Long nhìn lên lầu, nhận ra cánh của sổ mở một bên, phía trong có tấm màn gió mầu hồng. Dấu hiệu an toàn ở điểm hẹn. Hai Long kiểm tra "đuôi" một lần nữa trước khi sang đường.
Hai Long dừng lại trước cổng sắt, bỏ mũ cầm bên tay trái rồi bấm chuông.
Một cô gái mặc bộ đồ soa màu mận chín từ trong nhà đi ra, mắt liếc rất nhanh vào chiếc mũ và cái túi đeo bên vai trái anh, rồi hỏi:
- Thưa ông tìm ai?
- Đây có phải là nhà em Thanh không ạ?
- Ông dạy ở trường Hưng Đạo?
- Thưa, tôi dậy ở trường Bình An.
Cô gái bật đầu mở khóa cửa:
- Xin mời ông vô nhà.
Khi cả cánh cổng sắt và cửa ra vào của ngôi nhà đã khóa lại rồi, cô gái quay lại nói nhỏ với Hai Long:
- Anh đi thẳng vô buồng trong cùng, ổng đang chờ anh.
Một người đã hơi đứng tuổi, da ngăm ngăm, tóc vuốt ngược về phía sau, còn dáng dấp ngang tàng của một anh Hai Nam Bộ, đang ngồi uống trà trong căn buồng xép có cửa mở ra vườn.
- Tôi là A.22. - Hai Long tự giới thiệu.
Anh vội đứng dậy, bước ra ôm chầm lấy Hai Long rồi kéo lại bên bàn:
- Ngồi xuống dây, đồng chí Hai Long. Chúng tôi mong anh muốn chết luôn! Trung tâm vừa điện vô, anh viết bưu thiếp bắt liên lạc. Nhưng ở đây, chúng tôi vẫn theo dõi anh hàng ngày. Biết anh sốt ruột nhiều, nhưng cái trò công việc này vẫn phải có những bước không thể bỏ qua. Chúng tôi cũng rất trông mọi chuyện cho chóng xong, xong khi nào là lao vô kiếm anh luôn. Các cơ sở của ta đã báo cáo về anh, đã liên lạc được với cả anh Mười. Báo cáo xong với Trung tâm là tôi vô đây ngay. Tôi là Tám, Trung tâm biệt phái vô cứ sau khi anh Mười bị bắt. Uống trà đi, rồi chúng ta nói chuyện dài dài. Nghe các nơi báo cáo về anh, thì cũng chỉ chừng chừng. Không gặp nhau thế này làm sao hiểu rõ ngọn ngành.
Hai Long có câm giặc lúc này mình mới thật sự "trở về".
Anh báo cáo lại với đồng chí Tám toàn bộ quá trình từ khi bị bắt, lý do bị bắt, những chỉ thị của anh Mười đã được anh hiểu và vận dụng như thế nào để vừa thoát khỏi tình trạng giam cầm, vừa tạo thế mới tiếp tục đánh địch. Anh báo cáo về những mâu thuẫn trong lòng chế độ Sài Gòn, những mâu thuẫn giữa anh em nhà họ Ngô, âm mưu của Mỹ định đưa quân vào miền Nam Việt Nam, những mâu thuẫn đang nảy nở và phát triển giữa đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Anh báo cáo về tình hình bình phong của mình hiện nay, và tin rằng đã có điều kiện thu thập những tin tức chiến lược như nhiệm vụ của Trung tâm đã trao.
Đồng chí Tám hỏi kỹ về thái độ của Nhu, Cẩn, cha Lê và cha Hoàng đối với anh, về những gì còn đang đe dọa sự an toàn cửa anh. Sau đó, anh tập trung hỏi về những ý đồ và kế hoạch chiến lược mà Nhu đang dự định.
Anh Tám nói:
- Khi Trung tân đưa đồng chí về Tổng bộ tự vệ Phát Diệm là tính chuyện lâu dài, đợi thời. Tưởng ở với cha Lê và cha Hoàng thì yên, ngờ đâu đồng chí lại bị bắt. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may. Vì bị bắt mà lại có cơ hội lọt sớm vô dinh Độc Lập. Gặp khó khăn, biết vận dụng có sáng tạo chỉ thị của trên, xoay xở được như vậy là phải có tâm huyết, có nhiệt tình và có bản lãnh đó. Tuy bị bắt và bị lộ một phần, nhưng an toàn của đồng chí vẫn còn chưa bị uy hiếp, vì có bình phong tốt, và chỗ dựa trước mắt là Nhu, Cẩn. Nhiệm vụ của Trung tâm trao cho đồng chí bây giờ là tiếp tục đi sâu, thu thập tài liệu tin tức phục vụ cho chỉ đạo về chiến lược, và cả về chiến dịch. Đảng ta đã công khai phát động toàn dân chiến đấu để giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị nhận định Mỹ sẽ tiến thêm một bước can thiệp vũ trang vào miền Nam. Ta phải đẩy cuộc cách mạng tiến lên trong tình hình gay go phức tạp, cũng như trong tình hình có những chuyển biến mới có lợi. Nếu bám chắc được Nhu, Nhu chứ không phải Diệm, là sẽ biết địch đang muốn gì. Từ lâu, Nhu đã có ý đồ xây dựng những ấp chiến đấu theo kiểu Phát Diệm, Đồng Quan. Hắn đã làm thí điểm ở một số nơi. Ý đồ này rất nguy hiểm. Làm sao phải nắm vững ý đồ này, nhất là khi đã hình thành kế hoạch. Mâu thuẫn giữa Mỹ và ngụy quyền đang phát triển, cần làm sao khơi sâu thêm, kịp thời nắm khả năng chính biến sắp xảy ra, để ta tính việc của ta. Nhiệm vụ cụ thể trước mắt là như vậy. Có yêu cầu gì mới, Trung tâm sẽ chỉ thị thêm. Liệu Nhu có cho người theo dõi cậu không?
Chắc đồng chí ấy thử mình, Hai Long đáp:
- Những người đã vào dinh Độc Lập, không ai qua khỏi sự kiểm soát chặt chẽ hàng ngày của mật vụ, đối với Nhu đó là nguyên tắc.
- Cậu có cần phương tiện gì không, máy chụp ảnh, máy ghi âm cỡ nhỏ..., để bọn mình lo.
- Có lẽ chưa cần. Bọn mật vụ của Nhu, CIA thành thuộc những phương tiện này hơn ta. Tôi sẽ cố sử dụng trí nhớ.
- Gay đó! Loại văn bản này, sai một chữ, một dấu phết, cũng có thể trở thành rất nguy hiểm.
- Tôi đã hiểu tốt nhất là lấy được tờ sao nguyên bản, còn khi đã phải ghi chép lại, thì người cán bộ phải có trách nhiệm lớn với mỗi sai sót.
Đồng chí Tám nhìn Hai Long giây lát, rồi chuyển qua chuyện khác:
- Cậu nói bài học thời gian qua là lợi dụng và khai thác những mâu thuẫn trong hàng ngũ đối tượng, dùng toàn những thế "hờ" và lực "mượn" của các đối tượng mà đi lên, hay đó! Nhưng phải bám và dựa chắc vào Bình An và Phát Diệm. Cha Lê nói đúng: "tổng thống có đổ, đức cha vẫn còn!". Nhớ đây là một chủ trương lâu dài của Trung tâm.
Rồi đồng chí Tám nheo nheo mắt nhìn Hai Long, miệng hơi mỉm cười:
- Cậu làm lễ dược ở nhà thờ ông Cậu, thì "đường tu" tiến bộ nhiều rồi đó! Phải cố tu cho tròn quả phúc. Năng vô dinh Độc Lập, dừng có mà mê bà cố vấn chính trị đó. "Tu là cõi phúc, tình là dây oan"; cậu có thuộc Kiều không?
- Dạ, thuộc nằm lòng.
Đã khá lâu rồi, Hai Long mới có những giờ phút thực sự sống trong tình đồng chí.
---
[1] Tức Giám mục Lê Hữu Từ
[2] Tức Linh mục Hoàng Quỳnh
[3] hào hoa
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...