Triều Vũ bên này ngay từ đầu đã luôn tranh thủ liên lạc với Oán Quân của Quách Dược Sư, đặc biệt là Tần Tự Nguyên. Ông ta biết quân đội của triều Vũ thực lực không đủ đánh chính diện nên khiến Mật Trinh Ti xuất ra rất nhiều sức lực, dùng đủ các loại phương pháp khác nhau. Lần này đối với Mật Trinh Ti mà nói chính là một hồi đại thắng … Tin tức Quách Dược Sư và Thường Thắng Quân quy hàng truyền khắp toàn thành. Trong hai ngày này ở thành Biện Lương, đây đã trở thành đề tài câu chuyện tiêu điểm của mọi người trong lúc trà dư tửu hậu, đồng thời khi thúc đẩy chứng thực việc này, những người thuộc tầng đỉnh kim tự tháp của triều Vũ cũng đang cảm thụ được sự vui sướng của thành quả thắng lợi.
Gần một năm nay, người Kim tấn công hung mãnh, đã hạ gần một nửa đất đai của nước Liêu. Cứ tiếp tục như vậy, gần như có thể nói là đã đập vang tiếng chuông tang của nước Liêu. Trong triều Vũ, có nhiều kẻ thờ phụng đạo lý "Đắc đạo đa trợ thất đạo quả trợ
- Nhà cai trị biết theo chính đạo chính nghĩa thì được đa số dân chúng ủng hộ, còn kẻ bỏ mất chính nghĩa thì số người giúp đỡ rất là hiếm hoi", lúc này lôi kéo được Thường Thắng Quân tới liền coi đây là bằng chứng tốt nhất của đạo lý này.
Từ khi mới bắt đầu khai chiến, thế lực chủ chiến trong triều đình đã có khuynh hướng tương đối nghiêm trọng, nhưng vẫn còn một bộ phận người theo phái chủ hòa.
Mà trong phái chủ chiến cũng không phải là đoàn kết thành một khối, sau tình thế chiến cuộc liên tiếp bại trận, dần dần chia làm hai đám. Một đám yêu cầu quân đội ở tiền phương phải chiến đấu hăng hái để chiến thắng, phải thể hiện thực lực của chính mình, sau này mới dễ nói chuyện trong lúc đàm phán với người Kim. Một đám khác thì bởi vì liên tục chiến bại, liền bắt đầu cổ xúy bên ta phải bảo tồn thực lực, phải vận dụng binh pháp, ngồi chờ nhìn hai hổ đấu nhau, chờ đến khi cả Kim và Liêu đều bị thương, mới thuận thế được lợi.
Ngay từ đầu thì đã có cả hai cách nói nhưng chỉ có điều sau chiến cuộc biến hóa mới trở nên rõ ràng tách biệt nhau ra. Nhưng bất kể như thế nào, điểm mấu chốt của phái chủ chiến vẫn là phải thu phục U Châu, Yến Châu, ít nhất không thể khiến phái chủ hòa chiếm thượng phong. Khi tin Thường Thắng Quân quy hàng được xác định, tiếng hô của phe chủ hòa vẫn chiếm thượng phong. Lúc này phương bắc án binh bất động, Đồng Quán dẫn Cấm quân lên phía bắc, vẫn chưa khai chiến một lần nữa thì Quách Dược Sư đã đầu hàng, chính là phù hợp với vương đạo của Thiên triều thượng quốc. Đối với đại bộ phận mọi người mà nói, đây là dấu hiệu hưng thịnh lên của triều Vũ.
Tiếng hô nhiệt liệt, mọi người đồng lòng, mà các phương thức để chúc mừng lúc này đương nhiên chính là các loại yến hội, tụ hội. Hai ngày này, trong thành Biện Lương có đủ các loại tụ hội khiến các thương gia đều phát tài. Các thanh lâu, quán ăn cũng thu nhập tăng vọt. Mấy hội văn thơ cũng tiến hành rất sinh động. Ở Tĩnh Tư Viên, một vị tài tử tên là Vu Thiếu Nguyên đã sáng tác bài Vương Đạo Phú, được bầu là tác phẩm lớn hiếm có trong gần trăm năm nay. Có phong cách thời Đường, văn chương theo thể tứ lục (1), lưu loát thuyết minh tính tất yếu gây dựng lại thịnh thế của triều Vũ. Tài văn chương khiến mọi người đọc đều phải than thở khen ngợi không thôi.
Văn đạo hưng thịnh đương nhiên cũng có thể xem như biểu hiện của thế vận hưng thịnh, mọi người cũng sẽ không ai dị nghị điều này. Sau khi làm ra Vương Đạo Phú, vị Vu Thiếu Nguyên này lại được hoa khôi của kinh thành là Cơ Vãn Tình ưu ái.
Trong hai ngày này, chuyện này trở thành giai thoại lan truyền trong kinh thành. Y đã mơ hồ có xu thế sánh vai với tứ đại tài tử kinh sư là Chu Bang Ngạn, Trịnh Thúc Hòa, Vương Nguyên Thế và Tạ Đạo Tam.
Những việc thế này là phong cách lưu hành nhất ở thời đại này, mặc kệ ở đâu cũng đều không thể bỏ qua được. Chiều nay, trong Hữu tướng phủ (phủ Hữu thừa tướng) cũng có mấy người cầm Vương Đạo Phú truyền đọc và nghị luận. Đây là đông viện của Hữu tướng phủ, rất gần với thư phòng mà Tần Tự Nguyên luôn luôn làm việc. Trong phòng có rất nhiều sổ sách, công văn, cũng chứng minh mấy người này đều là phụ tá hoặc sư gia tín nhiệm của Tần Tự Nguyên. Trong đó có một người là hòa thượng trung niên bộ dạng anh tuấn. Ba người còn lại thì phân biệt là bộ dạng khoảng ba mươi tuổi, bốn mươi tuổi và năm mươi tuổi. Khí chất của ba người đều thành thục, điềm đạm, chắc chắn nhưng tuổi thì như thể viết rõ trên mặt, vừa nhìn khiến người ta đã có cảm giác như vậy.
- Lưu loát, đầy vẻ tự nhiên, phóng khoáng. Đây là bài văn được xưng là tài văn ngút trời của Vu Thiếu Nguyên … Năm nay mới chỉ khoảng hai mươi nhỉ. Nhưng thật ra khiến ta nhớ tới Vương Tử An …
Người vừa đọc xong bài phú liền nói chính là lão già khoảng năm mươi tuổi, vừa nói vừa gật đầu tán thưởng. Vương Tử An mà lão nói chính là Vương Bột trong Sơ Đường Tứ Kiệt (2) đã viết nên Đằng Vương Các Tự (3). Có thể làm phụ tá trong Hữu tướng phủ đều là hạng người có tài văn chương cao siêu. Vị lão nhân này có thể đem Vu Thiếu Nguyên so với Vương Tử An, đủ để chứng minh thành tựu của y.
Tuy nhiên sau khi nói như vậy, lão lập tức nhận được phản bác không đồng ý của người bên cạnh. Nam tử hơn ba mươi tuổi đang dựa vào bàn viết ở cách đó không xa nhíu mày, nói:
- Tài văn chương là tốt nhưng chỉ có điều hơi than thở, lập luận không đủ chắc.
Nếu chỉ có vương đạo chính khí đã có thể hưng quốc an bang … Ừ, tuy rằng cũng không phải là không hề có đạo lý, nhưng cứ như vậy thì, … Niên Công, chúng ta đang làm cái gì?
- Y mới hơn hai mươi, có tài văn chương là đủ rồi. Huống chi hưng quốc an bang vốn cũng nên lấy vương đạo là việc chính. Nói như vậy cũng không sai, ha ha … Chu Hải ngươi cần gì phải để ý.
Lão già được gọi là Niên Công cười cười.
Hòa thượng đang ngồi uống trà trước cửa sổ bên kia ngẩng đầu lên, nói:
- Nếu xét về tài văn chương có lẽ có thể sánh vai với Chu Mỹ Thành, tuy nhiên … Sợ là vẫn không thể so sánh với người sáng tác "Nhất dạ ngư long vũ" (4) đang tới đây nhỉ …
- Đó là dị nhân, không cần lấy ra so sánh.
Nam tử hơn ba mươi tuổi nói. Hòa thượng bên cửa sổ cười ha hả, gật đầu.
Trong mấy người này, người đàn ông trung niên khoảng bốn mươi tuổi có bộ dạng đôn hậu nhưng xem ra lại tương đối trầm mặc ít lời, mặc dù cũng nghe mấy người nói chuyện nhưng vẫn không tham dự vào. Thế nhưng nếu đưa ra bên ngoài, mấy người ngồi đây cũng đều có chút danh tiếng, thậm chí ở không ít địa phương còn có thể dọa người.
Lão già họ Nghiêu được xưng là Niên Công tên là Nghiêu Tổ Niên, khi còn trẻ từng là phụ tá của Tần Tự Nguyên. Lão có học thức uyên bác, tuy rằng lúc trước vẫn đi theo Tần Tự Nguyên nhưng trong quan trường và văn đàn đều có danh tiếng khá lớn. Sau khi Tần Tự Nguyên từ quan, ông vốn vẫn có thể cho lão một tiền đồ, thậm chí bản thân danh tiếng của lão cũng đủ để đi theo bất cứ kẻ nào, nhưng kể từ sau Hắc Thủy Chi Minh (hòa ước Hắc Thủy) (5) thì tâm tư công danh lợi lộc của lão đã phai nhạt. Lần này chỉ khi Tần Tự Nguyên phục chức, lão mới trở lại đây hỗ trợ làm việc.
Nam nhân khoảng bốn mươi tuổi tên là Kỷ Khôn. Y vốn là tôi tớ mà Tần Tự Nguyên thu nhận khi còn trẻ, sau đó theo Tần Tự Nguyên đọc sách, biết chữ, trở thành một trong mấy đệ tử ban đầu của Tần Tự Nguyên. Chỉ có điều người này không phải là quá am hiểu thơ từ văn chương mà luôn thiết thực làm việc và bố trí người khác làm việc. Thoạt nhìn tuy rằng bộ dạng đôn hậu, thậm chí có chút chất phác nhưng trên thực tế khi Tần Tự Nguyên quản lý Lại bộ, không ít người đều đã lĩnh giáo lòng lang dạ sói của người này. Năm xưa khi Tần Tự Nguyên bãi quan, ông không hy vọng y đi theo tới Giang Ninh để suy sụp thành một quản gia nên để y theo Mật Trinh Ti lên phương bắc. Sau khi Tần Tự Nguyên khôi phục, y mới trở về từ nước Liêu, xem ra cũng không có biến đổi quá lớn mà chỉ càng thêm trầm mặc hơn so với trước kia.
Nam tử khoảng ba mươi tuổi vốn cũng là đệ tử của Tần Tự Nguyên, họ Thành tên Phóng, tự là Chu Hải. Gã theo Tần Tự Nguyên học tập không lâu, chỉ có điều tính cách khá hận đời, rất có tài danh ở phủ Đại Danh. Ở kinh thành cũng có một số người biết gã. Những năm còn trẻ, gã cũng từng làm những bài thơ từ hay để tham gia lôi đài đấu với người khác ở hội văn nhân, cũng đã từng được làm khách trong màn của hoa khôi, thỉnh thoảng danh tiếng cũng từng xuất hiện trong tầm mắt của một số người. Chỉ có điều hiện tại, ở bất kể quan trường hay văn đàn thì gã đều không có thành tích quá lớn, mà chí hướng của gã cũng không phải ở đó. Sau khi Tần Tự Nguyên khôi phục liền kêu gã tới, gã liền đến đây.
Về phần hòa thượng kia mới chính thức được cho là đại danh lừng lẫy ở kinh thành. Người này có pháp danh Giác Minh, vốn là con trai của một Quận vương. Khi tuổi trẻ, dung mạo anh tuấn, tài hoa hơn người, sau đó lại quy y xuất gia khiến kinh thành chấn động một thời. Mặc dù tài học của y không uyên bác bằng Nghiêu Tổ Niên nhưng tài hoa thơ văn lại hơn hẳn ba người còn lại. Bởi vì y có thân phận xuất gia nên trong kinh thành không ai xếp y vào trong tứ đại tài tử nhưng thanh danh của y cũng không kém so với đám người Chu Bang Ngạn. Giác Minh thiền sư này tuy rằng xuất gia nhưng cũng không khổ tu mà là giao du rộng rãi, thích kết giao bằng hữu. Lúc này ở Hữu tướng phủ, y không phải là thân phận phụ tá mà là tính chất kết bạn.
Chiều nay Tần Tự Nguyên cũng không ở trong phủ. Mấy người hàn huyên một hồi thì có tôi tớ đi tới báo cáo sự tình với Kỷ Khôn. Kỷ Khôn đi ra ngoài một lát liền tươi cười mang theo một người đi vào. Nghiêu Tổ Niên nhìn thoáng qua lập tức mỉm cười:
- Bất Nhị, suýt nữa thì không nhận ra ngươi.
*******
1. Thể văn tứ lục: Thể văn tứ lục là một biến thể của lối cổ thi. Lối cổ thi có phong, nhã, tụng, phú, tỉ, hứng, phần nhiều là thể tỉ, thể hứng. Lối văn tứ lục thì chỉ ưa chuộng sự cầu kỳ, chạm trồ, dùng câu đối chọi cho hoa mỹ. Đời Hán, thể văn tứ lục rất hùng hồn, không có kể gì thanh luật cả, đó là lối văn tứ lục cổ thể. Đời Đường mới bắt theo thanh luật, văn từ rất hoa lệ. Đời Tống cứ nhân theo lối văn ấy, nhưng khí lực hơi kém. Từ đời Tống Nhân Tôn trở về sau, có Tô Đông Pha nghĩ ra một thể cách mới. Bài văn tứ lục không câu nệ hình thức, chọn lấy lời văn hoa diễm, chỉ cốt làm những câu đối nhau cho nhất khí, thành ra lối văn riêng một nhà. Đó cũng là một lần biến đổi của thể văn tứ lục. Từ đời Nguyên, đời Minh trở về sau, thể văn tứ lục ý tứ hàm xúc không bằng đời Đường, thể cách hùng hồn không bằng đời Tống, tưởng cũng là khí vận xui nên vậy.
Thể văn tứ lục nước ta thì theo thể văn đời Nguyên, đời Minh. Khoảng năm Hồng Đức, những bài văn tứ lục chép ở trong An Bang thi lục [1] đã từng được người Trung Hoa khen ngợi, xem đó cũng đủ biết được một phần. Ta thường xét những bài văn tứ lục từ đời Lý, đời Trần, đời Mạc và những bài biểu chương, chế sách đời Lê, thì bằng rằng trong khoảng trước sau đời Đoan Khánh[2] chính là một giai đoạn giao thời, trong đục, lên xuống. Từ đời Đoan Khánh trở về trước, những bài văn tứ lục có nhiều câu xuất sắc, mà đại ý, bố cục toàn bài đều có khí phách, không mấy bài kém lắm. Từ đời Đoan Khánh trở về sau, thì văn tứ lục đã thiên về lối phù phiếm tản mạn.
Đến đời Lê Trung hưng lại càng tệ, chỉ cầu kỳ từng câu một, còn nói đến thể văn trong hay đục, phù phiếm hay thiển cận, phiền phức hay khô khan, mà châm chước cho thật đúng mức thì ít thấy lắm.
Nguồn: wiki 2. Sơ Đường Tứ Kiệt: Thơ Đường có thể chia ra làm 4 giai đoạn: Sơ Đường (618 - 713), Thịnh Đường (713 - 766), Trung Đường (766 - 835), Vãn Đường (835 - 907).
Thời Sơ Đường, các nhà thơ mệnh danh là "Tứ kiệt" gồm Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân, Lạc Tân Vương và Vương Bột đã đổi được phần nào phong khí uỷ mị của thơ các triều đại trước.
3. Đằng Vương Các Tự:
Nam Xương cố quận, Hồng Đô tân phủ.
Tinh phân Dực Chẩn, địa tiếp Hành Lư.
Khâm tam giang nhi đới ngũ hồ, khống Man Kinh nhi dẫn Âu Việt.
Vật hoa thiên bảo, long quang xạ Ngưu Đẩu chi khư; Nhân kiệt địa linh, Từ Trĩ hạ Trần Phồn chi tháp.
Hùng châu vụ liệt, tuấn thái tinh trì, Đài hoàng chẩm Di Hạ chi giao, tân chủ tận đông nam chi mỹ.
Đô đốc Diêm công chi nhã vọng, khể kích dao lâm; Vũ Văn tân châu chi ý phạm, xiêm duy tạm trú.
Thập tuần hưu hạ, thắng hữu như vân; Thiên lý phùng nghinh, cao bằng mãn toạ.
Đằng giao khởi phụng, Mạnh học sĩ chi từ tông; Tử điện thanh sương, Vương tướng quân chi võ khố.
Gia quân tác tể, lộ xuất danh khu; Đồng tử hà tri, cung phùng thắng tiễn.
Thời duy cửu nguyệt, tự thuộc tam thu.
Lạo thuỷ tận nhi hàn đàm thanh, yên quang ngưng nhi mộ sơn tử.
Nghiễm tham phi ư thượng lộ, phỏng phong cảnh vu sùng a.
Lâm đế tử chi Trường Châu, đắc tiên nhân chi cựu quán.
Tằng đài tủng thuý, thượng xuất trùng tiêu; Phi các lưu đan, hạ lâm vô địa.
Hạc đinh phù chử, cùng đảo tự chi oanh hồi; Quế điện lan cung, liệt cương loan chi thể thế.
Phi tú thát, phủ điêu manh, Sơn nguyên khoáng kỳ doanh thị, xuyên trạch hu kỳ hãi chúc.
Lư diêm phác địa, chung minh đỉnh thực chi gia; Khả hạm mê tân, thanh tước hoàng long chi trục.
Hồng tiêu vũ tễ, thái triệt vân cù.
Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc.
Ngư chu xướng vãn, hưởng cùng Bành Lễ chi tân; Nhạn trận kinh hàn, thanh đoạn Hành Dương chi phố.
Dao khâm phủ sướng, dật hứng thuyên phi.
Sảng lại phát nhi thanh phong sinh, tiêm ca ngưng nhi bạch vân át.
Kỳ Viên lục trúc, khí lăng Bành Trạch chi tôn; Nghiệp thuỷ châu hoa, quang chiếu Lâm Xuyên chi bút.
Tứ mỹ cụ, nhị nan tinh.
Cùng thê miện vu trung thiên, cực ngu du ư hạ nhật.
Thiên cao địa huýnh, giác vũ trụ chi vô cùng; Hứng tận bi lai, thức doanh hư chi hữu số.
Vọng Trường An vu nhật hạ, chỉ Ngô Hội ư vân gian.
Địa thế cực nhi nam minh thâm, thiên trụ cao nhi bắc thần viễn.
Quan san nan việt, thuỳ bi thất lộ chi nhân ? Bình thuỷ tương phùng, tận thị tha hương chi khách.
Hoài đế hôn nhi bất kiến, phụng Tuyên thất dĩ hà niên ? Ta hồ! Thời vận bất tế, mệnh đồ đa suyễn.
Phùng Đường dị lão, Lý Quảng nan phong.
Khuất Giả Nghị vu Trường Sa, phi vô thánh chủ; Thoán Lương Hồng vu Hải Khúc, khởi phạp minh thời.
Sở lại quân tử an bần, đạt nhân tri mệnh.
Lão đương ích tráng, ninh tri bạch thủ chi tâm ? Cùng thả ích kiên, bất truỵ thanh vân chi chí.
Chước Tham tuyền nhi giác sảng, xử hạc triệt dĩ do hoan.
Bắc hải tuy xa, phù dao khả tiếp; Đông ngung dĩ thệ, tang du phi vãn.
Mạnh Thường cao khiết, không hoài báo quốc chi tâm; Nguyễn Tịch xướng cuồng, khởi hiệu cùng đồ chi khốc! Bột tam xích vi mệnh, nhất giới thư sinh.
Vô lộ thỉnh anh, đẳng Chung Quân chi nhược quán; Hữu hoài đầu bút, mộ Tông Xác chi trường phong.
Xả trâm hốt ư bách linh, phụng thần hôn ư vạn lý.
Phi Tạ gia chi bảo thụ, tiếp Mạnh thị chi phương lân.
Tha nhật xu đình, thao bồi Lý đối; Kim thần phủng duệ, hỉ thác Long môn.
Dương Ý bất phùng, phủ Lăng vân nhi tự tích; Chung Kỳ ký ngộ, tấu lưu thuỷ dĩ hà tàm ? Ô hô! Thắng địa bất thường, thịnh diên nan tái.
Lan Đình dĩ hĩ, Tử Trạch khâu khư.
Lâm biệt tặng ngôn, hạnh thừa ân ư vĩ tiễn; Đăng cao tác phú, thị sở vọng ư quần công.
Cảm kiệt bỉ thành, cung sơ đoản dẫn.
Nhất ngôn quân phú, tứ vận câu thành.
Thỉnh sái Phan giang, các khuynh lục hải vân nhĩ.
Đằng Vương cao các lâm giang chử, Bội ngọc minh loan bãi ca vũ.
Hoạ đống triêu phi Nam Phố vân, Châu liêm mộ quyển Tây Sơn vũ.
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du, Vật hoán tinh di kỷ độ thu.
Các trung đế tử kim hà tại ? Hạm ngoại trường giang không tự lưu.
Bài tự về gác Đằng Vương (Người dịch: Trần Trọng San)
(Đây là) quận cũ Nam Xương; phủ mới Hồng Đô.
Sao chia ngôi Dực, ngôi Chẩn; đất nối núi Hành, núi Lư.
Như cổ áo của ba sông, vòng đai của năm hồ; khuất phục đất Man Kinh, tiếp dẫn miền Âu Việt.
Vẻ rực rỡ của vật chính là đồ quý báu của trời; ánh sáng vằn rồng chiếu lên khu vực sao Đẩu sao Ngưu.
Bậc hào kiệt nơi người do khí linh tú của đất mà có; nhà cao sĩ Từ Trĩ hạ chiếc giường treo của Trần Phồn.
Chốn hùng châu như sương mù giải giăng; nguời anh tuấn như ngôi sao rong ruổi.
Đài, hào nằm gối lên giao giới vùng Di, Hạ; khách, chủ đều là những vẻ đẹp miền đông, nam.
Tiếng tăm tốt của đô đốc Diêm Bá Tự cùng với những khải kích đi đến miền xa.
Quan thái thú Vũ Văn Quân, là mô phạm của châu mới, tạm dừng xe tại chốn này.
Mười tuần nhàn rỗi, bạn tốt như mây.
Ngàn dặm đón chào, bạn hiền đầy chỗ.
Giao long vượt cao, phụng hoàng nổi dậy, đó là tài hoa của Mạnh học sĩ, ông tổ của từ chương.
Tia chớp tía, hạt sương trong, đó là tiết tháo của Vương tướng quân, nhà cai quản võ khố.
Nhân gia quân làm quan tể tại Giao Châu, tôi đi thăm miền nổi tiếng đó.
Kẻ đồng tử này đâu biết có việc chi, hân hạnh gặp buổi tiệc linh đình.
Lúc này đương là tháng chín, thuộc về ba thu.
Nước rãnh cạn, đầm lạch trong; ánh khói đọng, núi chiều tia.
Trông ngựa xe trên đường cái; hỏi phong cảnh nơi gò cao.
Đến miền Trường Châu của đế tử; tìm được quán cũ của người tiên.
Núi non cao biếc, nhô khỏi lớp mây; bóng gác bay, màu son chày, dưới không sát đất.
Bến hạc, bãi phù quanh co đến tận đảo cồn; điện quế, cung lan bày ra cái thể thế của núi non.
Mở rộng cửa tô; cúi xem cột chạm.
Đồng núi trông rộng khắp; sông đầm nhìn hãi kinh.
Cửa ngõ giăng mặt đất, đó là những nhà rung chuông, bày vạc.
Thuyền bè chật bến sông, trục vẽ chim sẻ xanh, rồng vàng.
Cầu vồng tan, cơn mưa tạnh; vẻ rực sáng, suốt đường mây.
Ráng chiều rơi xuống, cùng cái cò đơn chiếc đều bay; làn nước sông thu với bầu trời kéo dài một sắc.
Thuyền câu hát ban chiều, tiếng vang đến bến Bành Lễ.
Bầy nhạn kinh giá rét, tiếng kêu dứt bờ Hành Dương.
Khúc ngâm xa xôi sảng khoái; hứng thú phiêu dật bay nhanh.
Tiếng vui phát sinh, gió mát nổi dậy; ca nhẹ lắng chìm, mây trắng lưu lại.
Tre lục vườn Kỳ, khí lan chén rượu Bành Trạch.
Sắc đỏ sông Nghiệp, ánh soi ngọn bút Lâm Xuyên.
Sẵn bốn điều hay; đủ hai bậc tốt.
Ngắm trông khắp cả khoảng trời; vui chơi hết ngày nhàn rỗi.
Trời cao, đất xa, biết vũ trụ rộng vô cùng.
Hứng hết, buồn về, hiểu đầy vơi là có số.
Trông Trường An dưới mặt trời; trỏ Ngô Hội trong khoảng mây.
Thế đất tận cùng, biển Nam sâu thẳm; cột trời cao ngất, sao Bắc xa xôi.
Quan san khó vượt, nào ai sót thương người lạc lối ? Bèo nước gặp nhau, hết thảy đều là khách tha hương.
Tưởng nhớ chốn cửa vua, không trông thấy được; phụng chiếu nơi Tuyên Thất, chẳng biết năm nào.
Than ôi! Thời vận chẳng bình thường; đường đời nhiều ngang trái.
Phùng Đường dễ thành già cả; Lý Quảng khó được phong hầu.
Giả Nghị bị khuất nơi Trường Sa, chẳng phải không vua hiền thánh.
Lương Hồng phái náu miền Hải Khúc, đâu có thiếu thời quang minh.
Nhờ được: người quân tử vui cảnh nghèo; bậc đạt nhân biết rõ mệnh.
Tuổi già càng phải mạnh hơn, nên hiểu lòng ông đầu bạc.
Lúc cùng hãy nên thêm vững, không rớt chí đường mây xanh.
Uống nước suối Tham, lòng vẫn sáng; ở nơi cùng khổ, bụng còn vui.
Biển bắc tuy xa xôi, nhưng cưỡi gió có thể đi tới.
Đã để trôi qua lúc mặt trời mọc ở phương đông, nhưng khi bóng lặn khóm tang du, phải đâu đã muộn.
Mạnh Thường thanh cao, vẫn mang tấm lòng báo quốc.
Nguyễn Tịch rồ dại, há bắt chước tiếng khóc đường cùng.
Bột này là đứa nhỏ cao ba thước, một gã học trò.
Không có đường xin dải dây dài, như tuổi niên thiếu của Chung Quân.
Nhưng có hoài bão vứt cây bút, yêu mến cơn gió dài của Tông Xác.
Bỏ rơi trâm hốt ở trăm năm; theo việc thần hôn ngoài vạn dặm.
Tuy không phải là cây báu nhà họ Tạ; nhưng được ở gần hàng xóm tốt của họ Mạnh.
Ngày sau, tôi sẽ rảo bước trước sân, lạm phụ thêm lời đối đáp của ông Lý.
Sớm nay, nâng tay áo, vui mừng được gửi gắm họ tên tại cổng rồng.
Không còn được gặp Dương Ý, nên đọc thiên lăng vân mà tự tiếc.
Nhưng đã gặp Chung Kỳ, thì tấu khúc lưu thuỷ có hổ thẹn gì.
Than ôi! Chốn danh thắng chẳng thường tồn tại; bữa tiệc lớn khó gặp hai lần.
Lan Đình còn đâu nữa, Tử Trạch thành gò hoang.
Hân hạnh được thừa ân Diêm công trong bữa tiệc vĩ đại này, tôi viết lời tặng khi lâm biệt.
Còn như lên cao làm phú, đó là việc mong mỏi nơi các ông.
Xin dốc lòng thành quê kệch; cung kính làm bài tự ngắn.
Trước ngỏ một lời, sau bày tình ý; đồng thời bốn vận đều xong.
Mời rảy nước sông Phan, cùng làm cho nghiêng mây trong đất liền lẫn mây ngoài biển vậy.
Bên sông, đây gác Đằng Vương.
Múa ca đã tắt, ngọc vàng nào ai ? Cột rồng Nam Phố mây bay.
Rèm châu mưa cuốn ngàn Tây, sớm chiều.
In đầm, mây vẩn vơ trôi.
Tang thương vật đổi, sao dời mấy thâu.
Đằng vương trong gác giờ đâu ? Trường Giang nước vẫn chảy mau mé ngoài.
Con vua Đường Cao Tổ là Nguyên Anh được phong là Đằng Vương, xây cất gác này khi nhận chức thứ sử tại Hồng Châu. Năm Hàm Thuần thứ hai, thứ sử Hồng Châu là Diêm Bá Tự mở đại yến ở đây, sai con rể là Ngô Tử Chương chuẩn bị trước một bài tự để mang ra khoe với tân khách. Trong bữa tiệc, họ Diêm sai đem giấy bút ra mời khách làm văn, nhưng không ai dám nhận. Duy có Vương Bột không từ chối.
Họ Diêm sai người ngó bài của Vương Bột. Khi được nghe đến câu "Lạc hà dữ cô vụ tề phi" thì thán phục, khen là thiên tài, bèn thỉnh cầu Vương Bột tiếp tục hoàn thành bài tự.
Nguồn: Hán văn - Trần Trọng San
4. Nhất dạ ngư long vũ: Một câu trong bài "Thanh Ngọc Án" của Tân Khí Tật.
Mời các bạn xem lại chú giải của các chương trước hoặc tìm trên Google.
5. Hắc Thủy Chi Minh - hòa ước Hắc Thủy: Theo suy luận của dịch giả thì đây chính là Hòa ước Thiền Uyên.
Nếu theo đúng tiến trình lịch sử thì Hòa ước Thiền Uyên diễn ra ở triều Tống.
Mà Ninh Nghị xuyên việt tới triều Vũ cũng tương đương với niên đại của triều Tống trong thực tế. Các nhân vật của triều Vũ cũng chính là người của triều Tống trong thực tế. Có lẽ tác giả sửa Hòa ước Thiền Uyên thành Hòa ước Hắc Thủy để phù hợp với tình tiết trong truyện.
Về Hòa ước Thiền Uyên, mời các bạn tìm hiểu thêm bằng Google.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...