Hai năm trước khi chủ tớ Nhiếp Vân Trúc, Hồ Đào rời Kim Phong lâu. Hai người phải cố gắng bươn chải làm đủ loại công việc kiếm sống. Mặc dù thân nhau như tỷ muội nhưng chủ tớ vẫn cứ là chủ tớ, phần lớn việc nhà đều do Hồ Đào đảm trách, Nhiếp Vân Trúc chỉ làm một số chuyện đơn giản. Hàng ngày thêu thùa gấm vóc, có khi thêu mấy đôi hài, lâu lâu lại đi Kim Phong lâu dạy đàn để duy trì cuộc sống gia đình. Nàng lựa chọn việc thêu thùa vì ưa thích, nên sản phẩm tạo ra có chất lượng nhưng lại tốn quá nhiều thời gian và chi phí, kết quả là kiếm không được bao nhiêu tiền.
Tháng trước Hồ Đào ngã bệnh, Nhiếp Vân Trúc không thể không đảm nhiệm việc nhà, phải nấu ăn mấy món đơn giản, giặt giũ quần áo, dù trước đây không quen làm những vẫn phải làm, chỉ là không được sạch như Hồ Đào giặt. Trước trung thu mấy ngày, nàng có mua một con gà mái để bồi bổ thân thể cho Hồ Đào, đến lúc muốn cắt tiết lại nhốt gà vào trong một cái sọt rồi chọc liên tục vào nó.
Bắt được gà mà không dám giết, lại để gà chạy mất, đuổi theo bị té xuống sông, dao cắt tiết gà bị mất, còn khiến cho người có lòng hảo tâm kéo mình lên bờ phải chịu liên lụy: người ta vớt mình lên, vậy mà phản ứng đầu tiên của mình sau khi tỉnh lại là đánh đối phương một bạt tai. Ngày thứ hai tới mò dao, lại để đối phương nhìn thấy, còn giúp mình giết gà..
Xưa nay nàng vốn là cô gái thong dong bình tĩnh, nhiều năm trong thanh lâu cũng gặp phải rất nhiều dạng người, hình tượng bản thân nàng vẫn luôn được coi trọng. Ai ngờ lần này tất cả những chuyện mất mặt đều bị người khác chứng kiến, nghĩ mà thấy xấu hổ. Mấy ngày trước nàng sinh bệnh như Hồ Đào, may mà nhiễm phong hàn không nặng, nhưng cũng phải sau Trung thu mới khỏe lại. Vị ân công kia đến tên mình cũng quên hỏi. Hô Diên Lôi Phong.. không biết có phải là Hô Diên Lôi Phong không, ai ngờ hôm nay ở chỗ này tình cờ gặp lại.
Trước đây, Nhiếp Vân Trúc từng gặp gỡ qua rất nhiều người, nam nhân trẻ tuổi này khoảng hai mươi, xem ra cũng có chút văn khí. Nhưng ngẫm lại hành động người này có vẻ khác thường, lời nói hay hành vi cũng vậy, trông cứ có vẻ như hờ hững tùy hứng. Từ lúc cứu mình, bị mình cho một bạt tai cho đến sau này giúp mình giết gà, lúc nói chuyện, khi rời đi đều là như vậy. Lúc này Nhiếp Vân Trúc đi theo thấy gã hình như muốn mua than củi, nhưng sau khi gã nhìn than củi rồi trò chuyện cùng ông chủ vài câu thì dường như không phải.
Thời tiết đã cuối thu, mùa đông dần đến, phần lớn mọi người đều muốn mua than, nên cũng có nhiều nơi bán. Cửa hàng này buộc than lại thành từng túi từng túi, nam tử kia sau khi nói chuyện cùng ông chủ cửa hàng, liền đem một túi than đổ xuống mặt đất, cầm cái túi ngồi xổm mà chọn từng viên từng viên. Than được gã chọn không nhiều, gã lại còn vẽ trên mặt đất vài lần rồi mới cho vào trong túi. Chủ quán cũng không giận, chỉ hiếu kỳ dò hỏi vài câu rồi kệ cho gã lựa chọn.
Quan sát một lát, Nhiếp Vân Trúc mới từ phía sau tiến tới, đến ngang đối phương thì dừng lại, khom người xuống:
- Ân công?
- Hả?”
Nam tử quay đầu liếc một cái, liền nhận ra nàng:
- Ồ, là cô à, trùng hợp nhỉ.
Tay gã lúc này vẫn chuyên tâm chọn than củi.
Hành động và lời nói gã đều có chút kỳ quái. Văn hóa Nho gia tới giờ đã phát triển đến đỉnh điểm, các loại lễ nghi ứng đối khá là phức tạp. Nam nhân bình thường khi gặp một nữ nhân đi tới, không thể không đứng thẳng ghìm hơi, dùng dáng vẻ tao nhã để đợi, phong cách nho nhã này đã trở thành thói quen của toàn xã hội. Nhưng cách nói chuyện tùy ý: “Ồ, là cô à, trùng hợp nhỉ..” này Nhiếp Vân Trúc lần đầu tiên gặp phải, nhưng vẫn có cảm giác rất tự nhiên.
Nàng hơi sững sờ, mở to hai mắt, sau đó thu gấu váy ngồi xuống bên cạnh.
- Ân công..
- Ài, chẳng qua chỉ là giết con gà mà thôi. Chuyện chẳng to tát gì, không cần gọi ta là ân công.
Nam tử cười phất tay một cái, thuận miệng nói.
- Chẳng lẽ trong lòng ân công chỉ nhớ được chuyện giết gà, mà không nhớ chuyện vớt thiếp từ dưới sông lên sao?
- A..
Đối phương ngẩn người rồi mới có phản ứng trở lại. Nhiếp Vân Trúc không nhịn được mà bật cười, hai người lúc này ngồi song song trước đống than củi, Nhiếp Vân Trúc nghiêng đầu nhìn gã:
- Thiếp thân tên là Nhiếp Vân Trúc.
Nàng hơi dừng lại một chút, xác định đối phương có vẻ nhớ được cái tên này rồi mới hỏi:
- Danh tính của ân công có phải là Hô Diên Lôi Phong không?
- Hô.. Hô Diên Lôi Phong..
Nhất thời, vẻ mặt nam tử như là bị co rút vài lần, trông rất phức tạp, rồi sau đó bật cười:
- Ha ha, Ninh Nghị.
Gã nói rõ hơn:
- Ninh Nghị, Ninh Lập Hằng.
Nghe tới cái tên này, Nhiếp Vân Trúc cũng ngây ngẩn cả người.
“Bài Thủy điệu ca đầu..”
“Người đó tên Ninh Nghị, tự Lập Hằng..”
“Ở rể ở Tô phủ..”
“Có lẽ là hạng người bỏ tiền mua thơ để mua danh chuộc tiếng..”
Cảm giác kinh diễm khi đọc bài thơ trong Kim Phong lâu đến giờ vẫn quanh quẩn trong đầu nàng, lúc đám nữ hài bàn tán cũng loáng thoáng nhắc tới Ninh Nghị-Ninh Lập Hằng. Vốn nàng chỉ hân thưởng câu từ, chưa kịp tiêu hóa sức hút của bài thơ nên không tiện bàn luận xôm tụ với mọi người. Bởi vậy cái tên kia đối với nàng mà nói là vô vị, không đáng để nhớ tới. Nhưng lúc này, đầu óc của nàng lại thêm một lần choáng váng.
Nàng sửng sốt hồi lâu rồi mới có phản ứng:
- Ninh công tử.. mua chỗ than củi này về làm gì vậy?
- Ừ, để viết chữ thôi.
Ninh Nghị gõ gõ tấm ván gỗ được sơn trắng xuống đất, sau đó cầm một mẩu than viết xuống một chữ Nhiếp. Đại khái gã định thuận tay viết cái tên Nhiếp Vân Trúc vừa nghe, nhưng sau khi viết xong nét cuối của chữ Nhiếp thì dừng lại một chút, đoán chừng viết tên người ta như vậy có vẻ hơi mạo phạm nên gã thoáng đổi sang viết hai chữ Ninh Nghị.
Chữ được viết theo kiểu chữ Khải, bút lực hùng hồn mạnh mẽ, viết xong nét cuối cùng mẩu than cũng bị nén vỡ. Nhiếp Vân Trúc có hiểu biết nhất định về thư pháp nên trong lòng thoáng so sánh, thủ pháp cầm than củi cùng cầm bút lông khác nhau, nếu tự mình cầm than mà viết, nét chữ nhất định kém xa tít tắp. Gã có thể dùng than củi mà tiện tay viết thành như vậy thì lý giải về thư pháp sợ đã là chuyên gia rồi.
Ở thời đại này, thơ từ và thư pháp vẫn còn có điểm chung. Phần lớn những người có tạo nghệ thâm hậu trong thư pháp được xưng tụng là đại Nho, nếu có kém cũng không kém bao nhiêu. Người có thể viết ra chữ như vậy, việc sáng tác ra bản Thủy điệu ca đầu cũng chẳng có gì phải nghi ngờ.
“Quả nhiên phần lớn lời đồn là không thể tin được.”
Nhiếp Vân Trúc thầm nghĩ.
Nàng nào có biết, Ninh Nghị chỉ nhìn thấy người khác dùng bút lông, còn viết chữ nghệ thuật bằng phấn hay bằng bút máy gã đã luyện qua. Về sau có được thân phận và địa vị nên tâm cảnh cũng được tôn lên, chữ viết ra có thêm phần khí thế. Lúc này nhìn hai chữ kia thấy đã thụt lùi đôi chút, nhưng tổng thể cũng đủ để khiến nhiều người thán phục.
Luyện chữ cũng không phải một sớm một chiều mà thành, mấy chữ khó lão sư viết cũng không thể để đám học sinh khổ luyện bút lông cả ngày.
- Lên lớp giảng bài, có thể dùng bảng trắng này viết chữ. Chữ viết rồi có thể lau, dùng bàn cát nét viết không rõ ràng, lại phải quét tới quét lui. Hơn nữa bàn cát đặt ngang làm học sinh nhìn cũng mệt, bảng này có thể dựng lên hoặc treo thẳng.
- Lớp học.. học đường? Ninh công tử là tiên sinh ở học đường sao?
- Ừ, một học đường nho nhỏ. Dạy mấy đứa học sinh ngốc đọc sách viết chữ ấy mà..
- A.. Ninh công tử, mẩu than này có được không?
Trong thanh lâu quán xá đều phải học tập nghệ thuật giao tiếp sao cho có thể xã giao một cách tự nhiên nhất. Chỉ cần có chuẩn bị, Nhiếp Vân Trúc tự tin có thể trò chuyện tự nhiên với bất kể người nào mà không cảm thấy lúng túng. Lần nói chuyện này cũng rất tự nhiên, nhưng sự tự nhiên này không phải từ nàng mà ngược lại: là do thái độ của đối phương. Hai người cùng chọn những viên than, chỉ chốc lát đã đầy cái túi vải nhỏ, hai tay cũng đen thui. Lúc trả tiền Ninh Nghị trả mười văn tiền cho cái túi than.
- Chủ quán rất hiểu chuyện, chừng ấy than cái mà chỉ thu mười mấy văn.
Ra tới cửa, Nhiếp Vân Trúc bình luận.
- A, làm phiền người ta cũng là không tốt. Chắc là nghe ta nói sẽ dùng nó trong học đường nên mới cho chọn lựa đấy, dùng thân phận lão sư đi gạt người đúng là tốt thật.
- Lần sau công tử muốn mua, chi bằng mua vài túi về nhà mà chọn. Biết đâu trong nhà lại cần dùng, cũng tiết kiệm được số tiền này.
- Ha ha, lần sau ta sẽ không tới chọn nữa, để đám học sinh tự mình chọn mấy viên phù hợp mang tới học đường thôi.
Chốc lát sau, hai người rửa tay ở bến sông Tần Hoài. Một người ôm tấm ván gỗ và túi than củi, một người cầm túi vải cùng gói thuốc, một trước một sau cùng đi tới. Nhiếp Vân Trúc lại nói đến chuyện ngã xuống sông được gã cứu, Ninh Nghị chỉ phất tay một cái ý nói không phải chuyện lớn gì, hời hợt mà cho qua chuyện.
Hai người thỉnh thoảng lại trò chuyện vài câu, bầu không khí tự nhiên tới mức lạ kỳ. Hai người cùng đi một đoạn, chậm sau một bước chân, Nhiếp Vân Trúc nghĩ đến ý cảnh của bài Thủy Điệu ca đầu rồi chợt cảm thấy: chắc chỉ có người hào hiệp thong dong tới bậc này mới có thể viết ra lời thơ hay tới vậy.
Cứ như vậy đi tới chỗ khúc cua của bờ sông, Ninh Nghị mới dừng lại nói lời từ biệt. Sóng bên sông dập dềnh, liễu một màu xanh ngắt, một tòa trà lầu cùng mấy tiểu điếm tọa lạc. Bên cạnh trà lầu có một cái bàn cờ nhỏ, hai lão già đang ở đó an nhàn đánh cờ, một người toàn thân tơ lụa, khá là cao quý.
Nàng hướng về đối phương hành lễ rồi nói lời từ biệt, nói được mấy câu thì hơi ngừng một lúc rồi cất bước mà đi. Đối phương cũng tiến về chỗ không xa phía trước, chính là hướng tới bàn cờ ở bên trà lầu. Hai vị lão nhân hình như có quen biết với gã, cười nói mấy câu, nàng mơ hồ nghe thấy tiếng của gã truyền đến:
- Mấy ngày nay bị hai vị làm hại thật thê thảm.. Buổi sáng hôm nay, Ngu Tử Hưng lại chạy đến tìm ta..
Nàng định bước tiếp nhưng cuối cùng vẫn quay đầu lại. Nam tử đang ngồi ở đó xem cờ, tay cầm chén trà nhẹ nhàng uống một hớp. Giữa hai người chưa gặp mặt nhiều, không cần nói nguyên do, thành Giang Ninh to như vậy, ngày sau có gặp lại hay không cũng là chuyện khó nói. Đối phương nói chuyện như một người không màng tới công danh lợi lộc, so với những tài tử danh sĩ mà nàng đã gặp thì quả thực là hiếm thấy, một đường tự do tự tại, hào hiệp phóng khoáng, không lễ nghi phiền phức khiến người đời cảm thấy vướng bận, phiền hà. Đơn giản là có khí khái văn nhân. Văn nhân bây giờ mở lời ra là quân tử, nhưng phong thái quân tử hẳn phải là thế này mới đúng.
Có thể sau này sẽ không còn gặp lại, đối phương cũng không ghi nhớ những “ân tình” kia trong lòng, chẳng qua bóng hình này, có lẽ nàng sẽ mãi ghi tạc trong lòng.
Ninh Nghị Ninh Lập Hằng..
Nhiếp Vân Trúc cứ mang theo suy nghĩ đó mà đi về nhà
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...