Lúc bắt tay vào khắc bia mới phát hiện ra không đủ đá.
Đi mua đá, bị đạo sĩ mù xem bói dưới lầu cản lại: “Nhạn cô nương, cô sắp gặp phải nạn thấy máu.”
Đạo sĩ mù rất đắt khách, mỗi ngày trước sạp hàng lão đều vây kín người, cũng thật khó cho lão vứt khách đang xem bói dở lại chạy tới cản đường ta.
Ta đồ rằng lão làm đạo sĩ thần thông ăn nên làm ra nổi tiếng gần xa khắp thành nhờ tài xem bói mà không kiếm được một cắc nào từ con ả sống trên lầu lão là ta nên không cam lòng.
Ta hỏi: “Tiêu tiền trừ nạn?”
“Không cần,” Đạo sĩ mù nói, “Tâm như nước lặng là được.”
Đoạn, lão xoay người tiếp tục buôn bán, không mảy may đòi ta lấy một đồng.
Đá xanh ở tây thành vẫn bán theo giá cũ, một tảng ba lượng bạc.
Lúc trở về, trông thấy Phương đồ tể đang giơ dao chặt thịt trước sạp, Phương nương tử đứng không xa sau lưng anh ta, trong lòng bế đứa con gái nhỏ bốn, năm tuổi, nhìn anh ta không chớp mắt.
Chập tối, mưa lại như thác đổ.
Ban đầu vẫn chỉ tí tách mưa phùn, một chốc sau thì gió nổi mây vần, tầng mây đen kịt đè nặng tòa thành như muốn ép gãy.
Ta thu ô giấy dầu bị gió thổi tả tơi, đi vào một quán rượu nhỏ ven đường tránh mưa.
Trong quán tửu khách thưa thớt, ngồi sau lưng ta là một thiếu niên áo đen lưng đeo đàn tam huyền, đang cúi đầu chậm rãi lau thanh đao mi tiêm trong tay.
Sắc trời âm u, ánh đao loe lóe, Thân hình cậu thiếu niên thẳng tắp, trên vạt áo có thể nhìn thấy vết máu nhạt mơ hồ, cây đàn tam huyền trên lưng như một thanh kiếm chọc trời.
Đao mi tiêm
Thiếu niên gọi tên tiểu nhị run lẩy bẩy không dám tới gần lại, thấp giọng nói: “Một lượng thiêu đao tử.”
Một lượng thiêu đao tử chỉ được một chén rượu, rất nhanh đã rót đầy một chén sứ trắng đặt trước mặt cậu.
Con phố vắng vẻ trước cửa quán bỗng chốc xuất hiện mấy chục tên áo đen che mặt, tay cầm đao kiếm từ từ sấn tới quán rượu.
Ba tửu khách vốn ngồi yên quanh thiếu niên chợt rút phắt kiếm, chầm chậm đi về phía cậu.
Lát về phải trả bạc cho đạo sĩ mù mới được, thật đúng là gặp phải nạn thấy máu.
Thiếu niên đứng dậy đặt cây đàn tam huyền lên bàn, ngửa đầu uống một ngụm rượu nhưng không uống cạn mà để lại nửa chén.
Cậu buông chén sứ trắng xuống, xách thanh đao mi tiêm lao thẳng vào màn mưa tầm tã.
Tức thì ánh đao bóng kiếm chớp lóa, tất cả cùng vung tay.
Ba tửu khách sau lưng thiếu niên nhào ra trước, nhắm thẳng vào lưng cậu, chớp mắt đã bị đao mi tiêm gạt bay trường kiếm trong tay, mỗi tên trúng một đao vào ngực, ngã ập ra sau.
Chỉ đình trệ một sát na thôi, thiếu niên đã bị mấy chục tên áo đen bao vây, ánh đao mi tiêm nhanh chóng bị vùi lấp trong bóng kiếm.
Người vây giết thiếu niên tuy bận áo đen che mặt song kiếm pháp sử dụng thì đều của mấy môn phái chính đạo, có vài tên bị đao mi tiêm rạch rách áo đen, lộ ra áo trắng bên trong.
Đao của thiếu niên rất nhanh rất chuẩn xác, ánh đao như một con én qua lại thoăn thoắt trong mưa đêm – vốn dĩ ta cứ tưởng đao của Tiết Vô Y là đao nhanh nhất ta từng thấy.
Rất nhiều năm sau khi nét mặt cậu đã sớm phai nhòa khỏi trí nhớ của ta, ta vẫn nhớ như in đao cậu, sắc bén mà chẳng buốt giá, mau lẹ mà chẳng ma mị, làm ta liên tưởng đến cánh hạc lẻ loi vượt ao lạnh chớm thu.
Trước đây, ta cũng từng mê mẩn đao quang kiếm ảnh, nhưng ông cụ không cho ta rờ vào vũ khí, thậm chí mỗi lần bắt gặp đao khách chạm trán địch thù đều không cho ta quan chiến, chỉ dạy ta khinh công và quyền thuật đơn giản.
“Nhạn Cửu, nếu là sát thủ, con nhất định sẽ là một sát khách xuất sắc.” Ông nói, “Con hờ hững với tất cả mọi người mọi chuyện xung quanh, chỉ si mê gần như cuồng nhiệt với đao kiếm lạnh lẽo.
Nhưng một sát khách giỏi chắc chắn không phải một người tốt, Nhạn Cửu, ta không hi vọng con trở nên như vậy.”
Ta không hiểu: “Con chỉ hiếu võ thôi mà, có phải muốn làm sát khách đâu.”
“Một khi động đến đao kiếm, con nhất định sẽ lựa chọn trở thành một sát khách.” Ông cụ nhìn vào mắt ta, “Soi gương xem mắt mình sáng nhường nào, bản thân con cũng chẳng biết trong xương cốt mình thích thân trong hiểm cảnh bao nhiêu đâu.”
Có lẽ ông nói đúng.
Cũng bởi vậy nên ta mới cùng đường với Tiết Vô Y, mới hào hứng đàm luận chuyện giang hồ với Tiết Vô Y, mới đứng trong quán rượu nhỏ nhìn không chớp mắt bóng đao ánh máu trong mưa to mà chẳng thấy sợ hãi.
Không đến nửa giờ, con phố trước quán rượu đã lại lần nữa vắng tanh.
Kẻ cuối cùng còn sống kinh ngạc nhìn đồng môn nằm la liệt và máu tươi chảy ròng ròng đầy đất, giơ kiếm cao giọng phẫn nộ quở trách thiếu niên: “Thạch Thu Phong, ngươi phản bội sư môn, vong ân phụ nghĩa, bôi nhọ chính đạo, chẳng những không biết đường hối cải mà còn sát hại đồng môn, rành rành phường lòng lang dạ sói, trời đất không dung!”
Thạch Thu Phong, thì ra cậu chính là “Thanh Bạch Nhãn” Thạch Thu Phong.
Thạch Thu Phong như thoáng sững người, chỉ một sát na, lầu hai quán rượu bỗng có ba tên áo đen lật mình nhảy xuống, ba thanh đoản kiếm đâm thẳng vào lưng cậu.
Thạch Thu Phong để mặc đệ tử chính đạo phía trước đánh trọng thương cánh tay trái của mình, nghiêng người né khỏi đòn tất sát sau lưng, tung cước đá bay đệ tử chính đạo, rùn thân tránh phi đao.
Ba tên áo đen này không giống nhóm đệ tử chính đạo lúc trước, thân pháp gian giảo quỷ quyệt, ám khí giăng kín nơi nơi, đều là sát khách hành tẩu trên mũi đao.
Thạch Thu Phong vứt đao dùng quyền, lần lượt bóp nát yết hầu ba tên sát khách trong vòng một chung trà.
Khăn che mặt của một người trong số đó tuột ra lúc mềm oặt ngã xuống đất, vậy mà lại chính là khuôn mặt của Phương đồ tể thật thà chất phác ta mới thấy lúc trước.
Tiểu ẩn ẩn vu dã, trung ẩn ẩn vu thị, đại ẩn ẩn vu triều1.
Trong phố phường ẩn náu vô số sát khách sống với thân phận người thường, giữa tiếng rao hàng tràn ngập sát cơ.
Không ai đáng tin, dẫu là một phụ nữ yếu đuối bụng mang dạ chửa cũng có thể khiến ta biến mất khỏi phố xá sầm uất không một tiếng động.
1 Thành ngữ ý rằng: người có tài ẩn thân nơi thế ngoại đào nguyên, mượn môi trường sống bỏ quên sự đời, gọi là tiểu ẩn; người chân chính có tài ẩn thân trong phố phường, đó mới là nơi tàng long ngọa hổ, gọi là trung ẩn; chỉ có nhân tài kiệt xuất mới ẩn thân trong triều đình, tuy tham gia chính trị ồn ào nhưng có thể đại trí giả ngu, dửng dưng hờ hững, ấy mới là ẩn sĩ thật sự.
Thạch Thu Phong nửa người đẫm máu, xách đao chậm rãi quay trở lại quán rượu, ngửa đầu uống nốt nửa chén rượu còn lại.
Cậu đeo cây đàn tam huyền lên, xoay người định rời đi, lơ đễnh liếc thấy tay tiểu nhị đang co ro bên bàn run từng chặp, như chợt nhớ ra điều gì, mò trong ngực áo lấy một miếng bạc vụn ra đưa cho hắn.
Tiểu nhị đầy mặt sợ hãi, hai tay run rẩy nhận bạc: “Khách… Khách quan đi… đi thong thả…”
Trong sát na Thạch Thu Phong xoay người, trong tay áo tiểu nhị phóng vụt một tia sáng lạnh.
Đây chính là lúc tháng ba ngày tám sức mới chưa sinh lực cũ đã cạn, khinh công của Thạch Thu Phong có cao cường hơn nữa cũng chẳng tránh nổi đòn này.
Ta nhặt cây đũa trên bàn lên đánh bay ám khí, đũa đâm lút vào ngực tiểu nhị, găm chặt hắn vào chân bàn.
Thạch Thu Phong quay đầu găm ánh mắt vào ta.
Ta cười: “Tôi đánh cược với người khác, người kia cá cậu không sống qua đêm nay.”
“Vậy còn chị?”
“Tôi cá cậu không sống qua đêm mai.”
Cậu cười: “Các chị thua chắc rồi.”
“… Chúng tôi?”
Thạch Thu Phong thu đao mi tiêm, xé vạt áo băng vết thương: “Cược thêm ván nữa không? Nếu tôi sống qua đêm mai, chị bảo hộ tôi ba ngày không chết.”
Cậu rất thông minh, không giống trong tưởng tượng của ta lắm – Ta vốn tưởng là một tên lỗ mãng xông pha bừa bãi hoặc một tay ngông cuồng hận đời.
Ta nhìn vết thương đầm đìa máu chảy trên người cậu: “Tay trái cậu phế rồi, tay phải bị trọng thương, còn gãy hai cái xương sườn nữa.”
“Tôi biết.” Cậu đeo cây đàn tam huyền lên, quay sang nhìn ta chăm chú, “Thế chị có cược không?”
Con ngươi cậu đen láy trong vắt, gợi cho ta nhớ đến lần đầu gặp Tiết Vô Y hơn mười năm trước, khi ấy hắn hãy còn là gã thiếu niên lưng đeo thanh đại đao tổ truyền, nghênh ngang đi vào thành Trường An, tuyên bố muốn hành hiệp trượng nghĩa.
“Được.” Ta nhận lời.
Cuộc sống ở thành Trường An quá tẻ nhạt, dù sao cũng phải tìm việc thú vị mà làm.
Trước khi cậu đi, ta hỏi cậu câu hỏi khiến ta khó hiểu nãy giờ: “Vì sao cậu giết ba tên sát khách kia mà chỉ đánh trọng thương đệ tử chính đạo?”
“Kẻ đáng chết không phải họ mà là đám chưởng môn tông chủ.” Cậu đáp.
Cây tam huyền trên lưng cậu như thanh kiếm chọc trời.
Ra khỏi quán rượu rồi ta mới nhận ra, mưa đã tạnh.
Lúc ta mang bia mộ đến nhà họ Phương, trong nhà lo sốt vó, Phương nương tử hoảng hốt khóc lóc hỏi ta có trông thấy người chồng đêm qua đi mà chẳng về của chị ta không.
Mặt chị ta đẫm lệ: “Nói là đi mua đậu phụ về mài nước cho A Niếp ăn mà sao không thấy về chứ?”
Mỗi ngày, trong thành Trường An đều có người chết vì đủ mọi nguyên do, trong đó chết nhanh nhất không một vết tích nhất là những sát khách tận hiến cho các thế lực phe phái.
Họ nở rộ trong góc tối, héo tàn nơi xó xỉnh.
Không ai để ý đến tính mạng của sát khách, thậm chí còn chẳng cho họ được thương tiếc sau khi qua đời.
Lúc ta chuẩn bị rời đi, cô con gái cả nhà họ Phương gọi lại.
“Chị biết cha em gặp chuyện phải không?” Cô bé không khóc, chỉ mở to cặp mắt sáng trong như nai con nhìn ta, “Đáng lẽ là cha em đến chỗ chị lấy bia mộ cho đại ca, nhưng chị lại đích thân đến.”
Ta không đáp.
“Cha em làm sao vậy? Ông ấy đang ở đâu?” Cô bé lại hỏi.
Dần dần, ánh sáng trong đôi mắt ấy xám xịt.
Cô bé không hỏi ta thêm nữa, xoay người ôm đứa em thơ bị bỏ quên một bên đang nức nở, nhẹ giọng an ủi người mẹ khóc rống trong tuyệt vọng.
Sau khi biết vụ cá cược giữa ta và Thạch Thu Phong, Tiết Vô Y bặt thinh hồi lâu, mãi sau mới cất tiếng: “Là cô tự rước phiền toái về đấy nhé, xảy ra chuyện đừng có tới tìm tôi.”
“Anh cảm thấy cậu ta thắng được?”
“Có thể.” Hắn nói, “Mọi việc đều có ngoại lệ.”
Khi rời đi, Tiết Vô Y ném cho ta một túi gấm: “Đại tiểu thư ốm yếu nhà họ Hoài mời cô qua đó.”
Trong túi gấm đựng một tờ giấy nhắn, chữ tiểu triện mai hoa khỏe khoắn mộc mạc: Giờ Thân một khắc, tầng chín tháp Đại Nhạn.
Tháp Đại Nhạn rất cao, có mười tầng, nghe nói đứng trên đỉnh tháp có thể chạm vào mây xanh.
Đây nguyên là một toà tháp phật bỏ hoang, mấy năm trước được gia chủ nhà họ Hoài bỏ một số tiền lớn mua lại lấy làm nơi tĩnh dưỡng cho cô con gái duy nhất Hoài Ngọc.
Gia chủ nhà họ Hoài tên Hoài Vô Nhai, sinh ra trong dân gian, thành danh thuở thiếu thời, mấy năm trước đã âm ỉ có thế chỉ điểm giang hồ, hôm nay lại càng lật tay làm mây trở tay thành mưa, cả giang hồ rộng lớn nằm trọn trong lòng bàn tay y.
Đáng tiếc, dưới gối chỉ có mỗi con gái Hoài Ngọc, năm nay vừa tròn mười bảy, trời sinh yếu ớt hư nhược, chớ bàn xằng kế thừa y bát nhà họ Hoài, chỉ e đến tập võ cũng bất khả thi.
Vậy nhưng Hoài Vô Nhai lại cứ một mực không chịu lập đại đệ tử có triển vọng nhất trong môn làm người kế vị.
Lúc ta gặp Hoài Ngọc ở tháp Đại Nhạn, cô ngồi trên xe lăn, tựa người bên song, lẳng lặng ngắm cảnh ngoài cửa sổ.
Mái tóc cô chấm eo, váy trắng dài quét đất, thân mình mảnh khảnh đau yếu như một đóa hoa trắng sắp lụi tàn, lung lay trong gió bấc.
Thấy ta tới một mình, cô hơi thất vọng: “Tiết đại hiệp không tới ạ?”
Ba tháng trước, Tiết Vô Y tình cờ cứu Hoài Ngọc bị kẻ địch nhà họ Hoài bắt cóc, hắn không muốn dính vào nhà họ Hoài, bèn nhận lời thực hiện ba yêu cầu của Hoài Ngọc để đổi lấy cô không la lên.
Với khả năng của Tiết Vô Y, ủy thác hắn giết người diệt khẩu chẳng phải chuyện khó nhọc gì, nào ngờ hai yêu cầu đầu của Hoài Ngọc đều chỉ là nhờ Tiết Vô Y tìm thợ khắc bia cho đệ tử nhà họ Hoài sau khi chết bị vứt xác ngoài đất hoang không ai nhặt.
Đây là yêu cầu cuối cùng Tiết Vô Y nhận lời với Hoài Ngọc.
Ta tưởng rằng cô sẽ yêu cầu Tiết Vô Y làm gì đó cho mình, hoặc giả, yêu cầu Tiết Vô Y cưới mình – ánh mắt cô nhìn Tiết Vô Y long lanh lấp lánh, thẳng thắn mà rực sáng như hoa nở trên gương mặt ốm bệnh tái nhợt của cô, làm ta nhìn cũng không khỏi động lòng.
Chẳng ngờ vẫn là mời ta khắc bia.
Trên mặt sàn đá trắng xếp ngay ngắn ba cỗ quan tài.
Hoài Ngọc không đề cập đến Tiết Vô Y nữa, chỉ mỉm cười với ta: “Nhạn cô nương, ba người này đều là đệ tử bị cha tôi phái ra ngoài đêm qua làm việc, sau khi chết, vì không ai nhặt xác cho nên bị ném vào nghĩa địa, tôi bảo người mang thi thể về, làm phiền chị khắc bia cho họ.”
Ta mở nắp quan tài, thi thể cuối cùng trong số đó là Phương đồ tể biệt tăm tung tích sau khi bị Thạch Thu Phong giết đêm qua.
Hắc bạch lưỡng đạo vốn cùng gốc rễ, xương thịt không tách lìa.
Chẳng hay nếu Hoài Ngọc biết ba cái xác này không phải đệ tử nhà họ Hoài mà là sát khách cha cô mời đi đối phó với Thạch Thu Phong, cô sẽ có cảm tưởng gì.
Ta ngẩng đầu nhìn cô: “Hoài cô nương, tiền công lần này không cần trả đâu.”
“Vì sao?” Cô hỏi.
Có lẽ là vì gương mặt đôn hậu chất phác của Phương đồ tể lúc đi xin bia hôm qua, có lẽ là vì đột nhiên nhớ đến đôi mắt xám xịt trong khoảnh khắc của cô con cả nhà họ Phương.
“Chỉ là cảm động trước tấm lòng lương thiện của cô nương mà thôi.” Ta nói.
Hoài Ngọc cười, nụ cười nhợt nhạt trong suốt.
Ta đẩy xe lăn của cô đến trước cửa sổ.
Bỗng nhớ ra đây là lần cuối cùng Tiết Vô Y nhận lời cô, từ nay về sau, chúng ta và vị đại tiểu thư nhà họ Hoài này sẽ chẳng gặp mặt nữa.
Có gặp lại, không phải người dưng kính nhau như khách thì cũng là kẻ địch rút dao nghênh diện.
Ta cúi đầu nhìn bờ vai gầy guộc của cô: “Cô nương có biết không, Tiết Vô Y chỉ là một sát khách, không phải đại hiệp gì.”
“Tôi biết.” Hoài Ngọc chẳng quay đầu lại, giọng lả tả như băng vụn, “Ai bảo sát khách không thể là đại hiệp? Đại hiệp không thể là sát khách?”
Ta buột miệng: “Vậy lệnh tôn thì sao?”
“Cha tôi?” Cô cười, “Cha tôi là người tốt nhất cõi đời này.”
“Tốt hơn cả Tiết Vô Y?”
“Phải.” Hai mắt cô tỏa sáng.
Ánh mắt sáng bừng và nụ cười trong suốt rạng rỡ của Hoài Ngọc cứ khiến ta chẳng cầm được động lòng, khiến ta nhớ đến ngọc lưu ly các quý nhân cẩn thận cất giấu, nhẹ tay nhẹ chân nâng niu trân trọng nơi lầu son gác tía, dễ vỡ nhưng đẹp khôn xiết.
Ta bỗng có phần hâm mộ cô.
Ta không nhớ đã bao giờ mình từng tin tưởng ai vô điều kiện như vậy chưa, có lẽ từng có với ông cụ, có lẽ cũng chưa từng.
Trên giang hồ, Hoài Vô Nhai ngửa tay là mây lật tay mưa, khuấy đảo biết bao người không được sống yên ổn, nhưng lại dùng tòa tháp Đại Nhạn ngăn cách với đời này cẩn trọng bảo vệ con gái thuần khiết như lưu ly.
Trên bàn đặt một bức tranh dang dở và hai bức thiếp chữ.
Bút mực màu vẽ bày chỉnh tề trên bàn, mực trong nghiên còn chưa khô hết.
Ta nhớ đến con chữ tiểu triện mai hoa xinh xắn trên tờ giấy nhắn đựng trong túi gấm kia, ngày nay, chẳng có mấy cô nương có thì giờ rảnh rỗi mà luyện thể chữ khó nhằn tốn thời gian như thế.
Góc tường đặt một cây đàn đã gãy thành hai nửa, dây đứt tản mát dưới đất.
Hoài Ngọc đẩy xe lăn đến góc tường, nhẹ nhàng vuốt ve cây đàn gãy trên đầu gối.
“Cha nói, tôi là con gái của Hoài Vô Nhai, sao có thể gảy cái thứ đẹp đẽ mà vô dụng, chỉ có tiểu thư khuê các mới thích này được.”
Ta nhìn khuôn mặt trắng bệch của cô: “Cây đàn này bị lệnh tôn đập gãy?”
“Không,” Cô cười, “Là tôi đập gãy.”
Cô đặt lại cây đàn gãy về góc tường, không liếc thêm lần nào nữa.
“Cha bảo tôi quan sát giang hồ nhiều hơn, nói tôi không tập võ được cũng không sao, biết chấp chưởng giang hồ là được rồi, những cái khác ông ấy sẽ giải quyết giúp tôi.” Hoài Ngọc đẩy cửa sổ, phóng mắt từ tầng chín tháp Đại Nhạn xuống xem cảnh nhộn nhịp bên dưới.
Trời nổi gió, mái tóc cô tung bay trong không trung.
“Nhưng Nhạn cô nương, rốt cuộc giang hồ là như thế nào?” Cô hỏi, đến cuối, ánh mắt lại sáng lên, “Có thật là tự tại thoải mái như trong thoại bản không? Tôi từng hỏi Tiết đại hiệp, chàng không trả lời tôi.
Tôi nhìn dáng vẻ chàng tự nhiên qua lại, vượt nóc băng tường, hẳn là vui sướng tự tại lắm.”
Thực ra, Hoài Ngọc rất hiểu giang hồ.
Lúc cô nói “Ai bảo sát khách không thể là đại hiệp? Đại hiệp không thể là sát khách?”, ta đã biết thực ra cô hiểu.
Huống chi giang hồ vốn cũng chẳng có định nghĩa chuẩn xác, trong mắt người giang hồ nó là thế nào thì giang hồ chính là thế ấy.
Chuông đồng treo góc hiên bị gió thổi ngân vang từng tiếng.
Đứng ở nơi chót vót như vậy mà bầu trời trên đầu còn cao xa hơn khi nhìn dưới đất.
“Tôi thích cô ưng trên đại mạc.” Cô nói, mắt sáng ngời trong vắt.
Ta nhớ được, trong bức họa dang dở trên bàn vẽ một con ưng tung cánh.
“Vì sao?” Ta hỏi.
“Tự do, vui vẻ.”
“Sai rồi, ưng không tự do, cũng không vui vẻ.”
“… Vì sao?”
“Ưng không bay ra được khoảng trời này, không chạy thoát được mũi tên thợ săn ưng, không tránh khỏi bị cóng bị đói.”
“Vậy ư?” Hoài Ngọc cười khẽ, nhìn bầu trời xanh như được gột rửa ngoài song, “Nhưng tôi rất muốn được bay như cô ưng một lần, nhất định vô cùng tự tại vui sướng.”
“Nhạn cô nương, chị có biết vì sao tôi chưa từng lên tầng chót tháp Đại Nhạn không?” Cô quay đầu nhìn ta cười, ánh nắng ngoài song xuyên qua nụ cười cô, nhợt nhạt trong suốt, “Tôi sợ mình thấy mây xanh thật rồi sẽ cầm lòng không đậu bay lên không về nữa.”
Ta và cô đều biết cô sẽ không làm vậy, vì cô là con gái của Hoài Vô Nhai.
“Hôm qua, rốt cuộc cha cũng lập đại sư huynh làm người kế thừa, sau này hẳn cha sẽ thả cho tôi ra ngoài đi lại.” Lúc gần đi, Hoài Ngọc đã nói vậy với ta.
Khi nói lời này, trong mắt cô chẳng mảy may nhuốm căm hận không cam, chỉ có thư thái vì được giải thoát.
Cô khẽ khàng hỏi: “Chúng ta còn gặp mặt nữa chứ?”
Không đợi ta hồi đáp, cô đã cướp lời: “Bảo trọng.”.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...