“THỪA LÚC SÁNG SỚM VÀ CHIỀU TỐI MÁT TRỜI, CHÚNG TA RA NGOẠI THÀNH CƯỠI NGỰA GIẢI KHUÂY ĐI.”
Lại nói Lệ Ngọc Đường thường ngày không quản sự nhưng khá tín nhiệm Thân thị, với cả chuyện liên quan đến con gái Lệ Ngũ Tỷ, cũng tự lần ra được dấu hiệu, bèn giết lầm còn hơn bỏ sót, xa lánh Triệu Tín. Triệu Tín lại bị người gài bẫy thua sạch tiền, đành phải nhận lời hợp kế với Tôn Hữu, định câu Lục thị. Nào ngờ Niệm Lang còn nhỏ lại tinh ranh, thấy chuyện không ổn, dứt khoát dẫn họa về đông.
Triệu Tín và Tôn Hữu vốn tới vì tiền, lúc gặp Lục thị, thấy thị cũng dễ nhìn, Triệu Tín bèn hơi rục rịch, mà Tôn Hữu nói cũng đúng, ai bảo cưới vợ rồi thì không được nạp thiếp đâu? Nhưng Niệm Lang đã muốn ngăn trở, Triệu Tín thì sốt ruột, lại mới gặp Ngọc Tỷ, nàng mới mười hai mười ba tuổi, mơn mởn một nhành hoa, có của hồi môn, chẳng biết tốt gấp ngữ Lục thị con côi mẹ góa kia bao nhiêu lần. Với cả Ngọc Tỷ còn nhỏ, hẳn ít kinh nghiệm, chẳng rõ sự đời, là loại dễ động lòng, dễ cắn câu nhất.
Triệu Tín có Tôn Hữu trợ chiêu, lại thêm Niệm Lang giúp đỡ, vốn đã cho rằng chuyện dễ như trở bàn tay. Nhà họ Du và nhà họ Hồng ở rất gần nhau, ấy cũng là chẳng đặng đừng, trong cả con ngõ này chỉ có hai nhà Dương, Liễu vì ra riêng mà chuyển đi, hai nhà này vốn chẳng xa gì mấy, hai họ Hồng, Du mỗi bên lại mua một tòa, muốn cách ra xa một chút cũng không nổi. Nghĩ nhà họ Hồng không như phủ châu môn hộ sâm nghiêm, thị nữ mợ nuôi bao bọc luôn, trong ngoài chẳng liên lạc, lại có cả người canh gác. Nhà họ Hồng đương nhiên chẳng thể so được với châu phủ, thực sự rất tiện.
Lại chẳng hay Tú Anh có quan hệ với Thân thị, học được vô số mẹo dạy con gái. Nàng xuất thân nữ hộ, có những chuyện không lưu ý, được Thân thị nhắc liền để bụng. Trong lòng Thân thị đã nhận Ngọc Tỷ là vợ Cửu Ca, chỉ chờ qua đợt thi cử nhân năm sau của Hồng Khiêm, nếu đỗ sẽ cầu hôn ngay, còn bằng không, nếu chẳng còn ai khác, Thân Thị cũng sẽ nghiến răng cầu hôn nhà họ Hồng thay Cửu Ca. Đã nhận là con dâu, nghe Tú Anh hỏi cách dạy con, Thân thị đương nhiên biết gì nói tất.
Hai người bàn chuyện nuôi dạy con cái, càng thân thiết hơn, Thân thị nói với Tú Anh “Phủ quân coi trọng tú tài nhà em, còn cái ngữ như Triệu Tín, tuy nổi tiếng nhưng cũng chỉ là loại tốt mã giẻ cùi —– Trông khá nhưng lại không dùng được.” Tú Anh cũng kể lại chuyện Triệu Tín đến làm gia sư cho hàng xóm nàng: “Em cũng thấy gã và quả phụ nhà ấy sai sai. Nhà em cũng may áo mới tất mới cho thầy, nhưng không phải kiểu như thị, làm đỏm như kia, ôi chao, em không diễn tả được, nhưng đúng là không ổn thật.” Thân thị đáp: “Ấy cũng là chuyện bình thường.” Cũng không bàn nhiều về mấy thứ thị phi này, chỉ thầm ghi nhớ trong lòng, lại nghĩ tới Triệu Tín đã có tiền án, bèn dặn dò Tú Anh thêm đôi câu, rằng gã Triệu Tín này không phải người tốt. Tú Anh cũng hiểu ý, đáp: “Trong ngõ ấy, chỉ cần là gia đình có con gái, ai mà thèm nói chuyện với cái thứ ăn chơi đàn đúm kia?”
Vì chuyện này mà Tú Anh cứ nhắc gã không tốt trước mặt Ngọc Tỷ luôn, ai ngờ Ngọc Tỷ đã sớm khinh thường Triệu Tín. Từ nhỏ nàng đã được nuôi dạy để quản gia, không còn bốc đồng nữa, càng lớn thì càng không để lộ tâm tình lên mặt, nhưng bụng dạ lại lợi hại lắm thay. Lúc Hồng Khiêm ra ngoài sẽ dắt theo sai vặt, sau khi về nhà, Ngọc Tỷ thường gọi đến hỏi chuyện. Hoặc hỏi thẳng, hoặc bóng gió, biết rõ gã Triệu Tín này từng cà khựa cha mình, trong lòng đã ghi sẵn mối thù.
Tú Anh thấy Ngọc Tỷ ngày càng lớn, bắt đầu trông coi chặt hơn, phòng điều tiếng không hay, khó giải thích. Dù Ngọc Tỷ có đến nhà họ Trình thì cũng được cả một đám tôi tớ vây lại, chẳng hề ngó nghiêng, Triệu Tín không dễ ra tay. Đánh đàn mấy hôm, Lục thị nghe mà rơi lệ thở dài, còn nhà họ Hồng thì chẳng có lấy nửa người ra tặng khăn tay.
Đang lúc hết cách, ông trời lại trao cho gã một cơ hội. Triệu gia ngõ Hậu Đức muốn tục huyền. Từ lúc mất vợ, Triệu Đại Lang chịu tang vợ một năm, xả tang rồi cũng không nhắc đến chuyện lấy vợ kế, nhà mẹ Lâm thị hít một hơi ra chiều an tâm. Nào ngờ một hai năm trôi qua, Văn Lang đã lớn đến nỗi có thể thi tú tài, Triệu Đại Lang bỗng dưng muốn tục huyền. Chuyện khi trước quá ầm ĩ, nhà họ Lâm đuối lý, thực sự không cách nào can ngăn, muốn đưa tới một đứa em gái thay thế chị mình, nhà họ Triệu lại không chịu. Lâm gia không dám ầm ĩ đợt nữa, đành phải chấp nhận.
Triệu gia bên đây cầu hôn một cô hai mươi tuổi lỡ thì làm vợ kế, vì cha mất sớm mà phải tự lo việc nhà, nuôi sống mẹ già em trai nhỏ, thế mới trễ nãi chuyện cưới xin. Bây giờ chỉ đành làm vợ kế nhà người, của hồi môn đương nhiên cũng chẳng nhiều nhặn gì. Nhưng tính tình chịu khó, giản dị. Nhà họ Triệu ưng cái hiền lành của thị, không hay gây chuyện như ngữ nhà họ Lâm. Bên này Lâm gia trông sang, nhà mẹ của thị không bề thế, không dám khinh nhờn Văn Lang, cũng gượng gạo chấp nhận mối hôn sự này. Chuyện vợ trước vợ sau, tục đã định hai gia đình phải nhận thân thích. Lâm gia bịt mũi cố đồng ý, cô gái kia cũng đem quà thêu tới cửa kết nghĩa.
Bên này êm xuôi, bên kia bắt đầu chuẩn bị. Vì là vợ kế nên không quá kỹ càng, lo liệu cũng nhanh. Chẳng mấy ngày sau chòm xóm ngõ Hậu Đức đều đến uống rượu mừng, Lục thị tuổi trẻ ở góa, không tiện đến, nhận được thiệp mời bèn bảo Niệm Lang đi. Niệm Lang vừa khéo mời Triệu Tín đi cùng, bên này Lục thị thấy Niệm Lang không rời được Triệu Tín, còn tưởng hai người hợp ý nhau, chuyện cưới xin của mình có cơ hội. Lại chẳng biết cả hai người đều có ý đồ khác.
Ai nấy đều đến, nhà họ Hồng đương nhiên cũng phải đi, nhưng Tú Anh luôn theo sát Ngọc Tỷ, hai người kia cũng phải ngồi bàn đàn ông. Nhưng có một cách ăn may thế này: Ngọc Tỷ sẽ phải dẫn nha đầu theo, rất nhiều chuyện hỏng là hỏng từ nha đầu.
Niệm Lang bỏ ra một lượng bạc, sai tiểu tư nhà mình mua vài cành hoa lụa, một chiếc khăn tay, một thăng hạt dưa, lại thêm một mạch tiền, sai thư đồng của Triệu Tín cầm đi tặng Đóa Nhi.
Thư đồng này cũng dẻo miệng, gọi Đóa Nhi tới cung kính thưa: “Đại tỷ mạnh giỏi.” Đóa Nhi đang bận, nhà họ Triệu lộn xộn những người, trời lại nóng, nó vội về nhà lấy quạt cho Tú Anh Ngọc Tỷ, thấy một tiểu thư đồng thanh tú gọi mình, cũng tốt tính hỏi lại: “Cậu muốn gì?” Tiểu thư đồng đáp: “Chắn lối xin nói đôi lời, có việc van cầu.”
Đóa Nhi bảo: “Ta không phải người nhà này, chỉ đi theo tiểu thư đến làm khách thôi, cậu có chuyện gì thì tìm người nhà họ.” Dứt lời bèn giơ tay chỉ nha đầu nhà họ Triệu cho thư đồng này, mình thì cất bước định đi. Tiểu thư đồng này nom cũng thanh tú, ai thấy nó đều sẽ nán chân lại ngó thêm đôi lần, chưa từng ngờ rằng Đóa Nhi lại thẳng thừng nhanh chóng rời đi như vậy. Định đưa tay kéo người lại thì tóm hụt vào khoảng không, đành phải tìm cách khác.
Nó vốn cho rằng Đóa Nhi có vẻ thật thà, hẳn sẽ dễ nói chuyện, nào ngờ Đóa Nhi lại ngốc vượt trội. Chỉ đành tìm cơ hội khác, vừa khéo nhìn thấy Tiểu Trà, muốn bắt chuyện với cô. Lần này lại nịnh “Tỷ tỷ xinh thật”, rồi tặng quà cho Tiểu Trà. Tiểu Trà khôn khéo đến mức nào, cũng đã từng nhìn thấy nó đi theo Triệu Tín, lại biết Triệu Tín và Lục thị dây dưa với nhau. Thấy nó thế này, trong lòng thầm mắng, lại làm ra vẻ không hiểu: “Ta chả quen biết gì mi, không dưng xum xoe chẳng trộm thì cướp, còn nhiều lời nữa, ta gọi người giải thẳng mi lên quan.”
Một câu có nhiều cách diễn đạt khác nhau, ngữ điệu của Tiểu Trà lộ rõ vẻ không phải cố ý hù dọa nó mà là thực sự không thích, thư đồng này đành ngậm miệng lại. Về bẩm với Triệu Tín: “Hai con tiểu nha đầu đó đúng là không biết điều!” Niệm Lang nói: “Đến khi lang quân nhà mi lấy được tiểu thư chúng nó, thì bảo nàng ta xả giận giúp mi là được.” Lại hỏi Triệu Tín nên làm thế nào, Triệu Tín đáp: “Không biết, ta phải tìm người bàn bạc thôi.”
•••••
Vì bị giục nợ quá gắt, Triệu Tín dự cỗ mà bực mình, rượu lại bốc lên đầu, mượn cớ ra ngoài giải rượu, thực ra là đi tìm Tôn Hữu. Chuyện là do Tôn Hữu bày ra, cũng không nên để mình đến làm gia sư suông cho người ta, còn hắn thì thong dong bên ngoài. Hai người hẹn nhau ở một quán trà, chọn một gian nhã phòng gần cửa sổ ngồi xuống, không vội nói chuyện mà ngắm cảnh phố phường trước, lại khiến Triệu Tín nhìn thấy một người quen. Gã lướt mắt đã thấy Lại Tam, Lại Tam là chủ nợ của gã, vừa trông thấy hắn, Triệu Tín đã muốn trốn. Vì chuyện không liên quan tới mình, Tôn Hữu như dự trò vui: “Hai người họ sao lại đi chung với nhau thế?” Triệu Tín lén nhìn sang, là Lại Tam đang chào hỏi Hồng Khiêm.
Lại Tam là người biết điều, Hồng Khiêm giờ đã là tú tài, hắn đương nhiên không dám xưng huynh gọi đệ, nhưng gặp trên đường, bắt buộc phải tán gẫu vài câu. Triệu Tín là tên mù quáng, thấy cảnh ấy lại nghi ngờ Hồng Khiêm hợp mưu cùng Lại Tam hại gã. Thầm mắng Hồng Khiêm không ngay thẳng, cũng ngầm hạ quyết tâm, muốn đập nồi dìm thuyền.
Bên này Tôn Hữu nghe Triệu Tín nói muốn mua chuộc thị nữ nhà họ Hồng trộm vật có ấn ký thiếp thân của con gái người ta thì giật nảy người. Hắn xúi bẩy chuyện Triệu Tín và Lục thị, chỉ gọi là trêu ghẹo, không xem đó là to tát. Sau đó bảo Triệu Tín thả thính Ngọc Tỷ, cũng chỉ là “chuyện phong lưu tao nhã” thôi, còn việc trực tiếp trộm đồ người ta, Tôn Hữu không muốn làm. Nếu là thả thính đớp thính thì còn dễ giải thích, nhưng trộm đồ ấy à, sau này mà có lật ra, Triệu Tín đã là rể Hồng gia, nhà họ không tiện tính toán, còn quân sư quạt mo Tôn Hữu hắn đây lại bị túm đằng đầu.
Bèn bảo: “Đã thế, chi bằng cứ trộm của quả phụ kia, ông ra vào nhà đó dễ dàng, lấy đồ của ả, chẳng khó là bao? Ả hỏng danh tiếng, lại có đứa con riêng, nếu ầm ĩ lên thì ai chịu thiệt? Không gả cho ông thì biết phải làm sao?”
Triệu Tín cũng không đôi co với hắn, chỉ bảo Niệm Lang không bằng lòng, từ chối Tôn Hữu, sai thẳng thư đồng phải cầu xin Tiểu Trà cho bằng được. Tiểu Trà năm nay đã mười bốn tuổi, dần hiểu sự đời, cũng cảm thấy chủ tớ Triệu Tín không đáng tin, lúc đầu cô còn tưởng thư đồng này có ý với mình, tuy không thích mồm mép tép nhảy của cậu ta, nhưng cũng chẳng phải không thẹn thùng đắc ý. Song không dám nhận bất cứ một món gì, dù không nhận nhưng khi gặp lại không mắng cậu ta nữa. Dẫu sao lúc mới chớm yêu lại có một cậu chàng đẹp trai có ý với mình, dù mình có không thích người ta, trong lòng cũng ngọt ngào một tẹo, Tiểu Trà bèn bảo với thư đồng: “Lang quân nhà cậu chẳng ra người ra ngợm gì, cậu đúng là không có mắt nhìn. Gã văn không thông võ chẳng thạo, không tiền đồ, đến nhà còn không có lấy một căn, cậu theo hầu gã, tính hầu tới đâu?”
Thư đồng thấy cô nghĩ cho mình, còn tưởng đã thành sự, bèn cười đáp: “Chờ lang quân nhà ta và tiểu thư nhà nàng nên duyên thì có nhà ngay ấy mà, nàng và ta cũng…”
Tiểu Trà nghe rồi mới thấy cứ như bị ai đó mổ sọ rót nước tuyết vào, mặt mày trắng bệch, run giọng hỏi: “Chuyện cậu nói, là thật? Sao ta không biết?”
Vì muốn lợi dụng cô, thư đồng bèn lén kể cho nghe, cuối cùng còn bảo: “Lang quân nhà ta cũng là một người tao nhã, chẳng không hợp với tiểu thư nhà nàng ư?” Lại đem điển cố Hồng nương* ra so.
[*Nhân vật trong tác phẩm “Tây sương ký”.]
Cũng do thư đồng xem nhẹ chuyện này, bình thường ở cùng Triệu Tín, đến lầu xanh bao bận, Triệu Tín tán tỉnh hoa nương, các tiểu nha đầu cũng mắt đi mày lại với cậu ta, đâu cần phí sức? Hai ba câu đã đớp thính, dù không hời to thì cũng được chấm mút. Không ngờ hôm nay gặp gia đình đàng hoàng, chẳng những tiểu thư không phải người mà chúng có thể gặp mặt, mà đến cả nha đầu cũng khinh thường bọn chúng.
Tiểu Trà thầm nhủ trong lòng, vị Hồng nương mà ai ai cũng bảo là tốt kia, lại có thể giúp tiểu thư nhà mình quan hệ với một thư sinh trong khi chưa cưới gả gì, không thể gọi là người tốt. Tuy mẹ cô gái ấy cũng hứa hôn nhưng sau lại trở mặt, song dù hai người có tình đầu ý hợp đi chăng nữa, cũng không thể chưa cưới đã tằng tịu nhau. Mi chỉ đọc “Tây sương” chứ có biết trên đời còn có một “Hội chân ký”* không?
[*Là tác phẩm tiền thân cho sự ra đời của “Tây Sương ký”, cũng những nhân vật ấy, nhưng mà là bi kịch.]
Tiểu Trà đã có suy tính trong lòng, phỉnh phờ hỏi thư đồng cặn kẽ ngọn nguồn, sau khi tống cổ nó đi thì trở về nhà. Tú Anh và Ngọc Tỷ đang xem Kim Ca viết chữ, chẳng biết thằng nhóc này giống ai, biết nói nhưng lại không chịu mở miệng. Từ lúc nhóc biết nói, dù có dụ nhóc gọi cha mẹ bà, mỗi lần gặp cũng chỉ thưa một lần, ông muốn dụ nhóc gọi luôn mồm á, thôi đừng có mơ. Nhưng viết chữ thì, nhóc lại có thể viết hết lần này tới lần khác.
Ngọc Tỷ nắm tay Kim Ca viết từng nét, Tú Anh ngước mắt lên nhìn Tiểu Trà, thấy sắc mặt cô sai sai, bèn hỏi: “Sao vậy?” Tiểu Trà đưa mắt ra hiệu, Tú Anh gọi mợ Hồ bế Kim Ca ra ngoài, lại sai Tiểu Hỉ, Tiểu Lạc đứng canh trước cửa. Bấy giờ Tiểu Trà mới quỳ phịch xuống đất, kể tất tần tật mọi chuyện lại cho Tú Anh và Ngọc Tỷ nghe.
•••••
Tiểu Trà nắm rõ mưu đồ, thuật lại lý do Niệm Lang cho Triệu Tín mượn nhà cậu ta đánh đàn trèo tường, Triệu Tín muốn lợi dụng mình trộm đồ ra sao, rồi làm như vô tình nhặt được, muốn nói chuyện với Ngọc Tỷ, vân vân. Tú Anh cứ như bị ai giắt đầy pháo quanh người, đang muốn kích nổ thì Tiểu Trà vội vàng thưa: “Nương tử chớ lên tiếng, đồn ra ngoài thì người đời sẽ dèm pha tiểu thư thế nào đây?! Những chuyện này, không thể có chút liên quan gì đến tiểu thư!”
Ngọc Tỷ cũng sực tỉnh, mặt mày tái mét, bảo Tiểu Trà: “Chị đi mời cha đến đây!”
Trong phòng, Tú Anh kéo Ngọc Tỷ vào lòng, mắng Triệu Tín: “Nó đờm che mắt mỡ lấp tim rồi, nhìn nhầm gia đình mình cơ đấy!” Lại lớn tiếng mắng chửi đám trí thức, “Rặt một lũ rác rưởi, đã vô dụng không lọt được vào mắt ai lại chuyển ngay sang chế độ nằm mơ giữa ban ngày. Còn muốn viết lời nói mớ ra, mong tiểu thư nhà ai đó đọc được, tự nguyện sa đọa thành sự với nó cơ đấy!” Sau đó lại bảo Ngọc Tỷ: “Chân tình sẽ gặt chân tình, hai nha đầu của con đều rất tốt, phải đối xử hậu với chúng nó, thân thuộc rồi, lòng trung thành với con sẽ hơn hẳn tất cả.”
Hồng Khiêm đang luận văn với thầy Tô, Tiểu Trà mặt mày sốt ruột đến mời, còn tưởng đã xảy ra chuyện gì nghiêm trọng, thầy Tô cũng không phải loại không biết điều, bảo: “Để bản thảo lại, ta đọc lần nữa, trò đi đi.” Hồng Khiêm vừa đi vừa hỏi Tiểu Trà: “Rốt cuộc là chuyện gì?” Tiểu Trà đầu đầy mồ hôi, một mực lắc đầu, Hồng Khiêm càng thắc mắc hơn.
Đến phòng Tú Anh, thấy Tú Anh cứ ôm lấy Ngọc Tỷ mà khóc, Ngọc Tỷ thì xanh xám mặt mày, nom cực kỳ giận dữ. Tiểu Trà khép ngay cửa lại, Tú Anh chỉ rơi nước mắt suông chứ không dám gào lên, Ngọc Tỷ nói: “Tiểu Trà tỷ kể lại cha nghe.” Tiểu Trà bèn thuật lại tất tần tật cho Hồng Khiêm, càng nói càng lạnh người, ngước mắt lên nhìn, chỉ thấy Hồng Khiêm mặt mày không lộ giận dữ buồn vui, nhưng mắt đã híp lại từ lâu.
Ngọc Tỷ lại như đóng đinh tại chỗ, chết sống gì cũng chẳng rời. Hồng Khiêm ngồi bừa xuống ghế, hỏi: “Nàng và con tính thế nào?”
Tú Anh đáp: “Không thể ầm ĩ, tuy nhà mình trong sạch, nhưng đây là chuyện tiếng tăm của con gái, cứ hễ có người bàn tán những việc này là lại kèm vào tên con bé, thì có rửa cũng không sạch. Cái ngữ đáng chém ngàn đao này, rốt vẫn là tai họa, không diệt không xong, chỉ có ngàn ngày làm giặc, chứ chẳng ai ngàn dặm phòng giặc cả. Lại còn cái thằng con hoang chết trôi nhà ả đàn bà góa kia nữa! Lòng dạ độc ác đến nhường này!”
Hồng Khiêm lại nhìn sang Ngọc Tỷ, Ngọc Tỷ lạnh lùng bảo: “Nó muốn trèo tường cứ để nó trèo, chờ nó trèo tới đầu tường rồi mình hô ‘có trộm’, nhà bà góa bên kia hẳn sẽ có ai đó tỉnh ra. Làm ầm lên, thừa dịp hỗn loạn thì đập một gậy chết luôn, để mọi người biết nó muốn trèo tường nhà bà góa, cho chòm xóm láng giềng coi nó là giặc, vừa khéo thân bại danh liệt. Phủ quân sẽ không hỏi nhiều, dù có hỏi thì những chuyện lùm xùm giữa đêm thế này cũng chẳng rõ ràng được, vừa khéo chết không đối chứng!”
Tú Anh nghe mà ngẩn ngơ, chợt hỏi: “Vậy còn thằng con hoang nhà họ Du thì sao?! Nó và cái phường trai cò của mẹ nó còn sống ngày nào, ta bất an ngày đó! Hôm nay có thể gây ra những chuyện thế này, ngày sau chưa biết chừng còn nảy nòi ra cái thứ độc ác gì nữa đây.”
Ngọc Tỷ lại chẳng có sáng kiến nào, bèn nhìn sang Hồng Khiêm, Hồng Khiêm rũ mắt, nói: “Nó đã bất nhân, ta liền bất nghĩa, đánh chết một lượt là xong. Con trai bắt được bồ nhí của mẹ, hỗn chiến với gã, cùng chết. Chuyện này phải lên kế hoạch tỉ mỉ, không thể để lộ một chút tin tức gì. Chuyện cần phải tiến hành bí mật, Vua không giấu thì mất tôi, tôi để lộ thì mất mạng, giờ con đã hiểu câu này chưa?”
Ngọc Tỷ gật đầu, đoạn nghe Hồng Khiêm sắp xếp.
Bên này vừa lập xong kế sách, Tú Anh đã bảo Tiểu Trà: “Ngươi làm rất tốt, nhưng chuyện này không thể rêu rao, ta không thể thưởng công khai, sau này nếu ngươi có để mắt đến ai thì ta sẽ trả tự do cho, chuẩn bị cả một phần của hồi môn gả ngươi đi, mẹ ngươi ở chỗ ta, khắc có tiền dưỡng lão.” Tiểu Trà vội quỳ xuống tạ ơn, lại nói: “Tôi là người của tiểu thư, chỉ dốc lòng vì tiểu thư. Tiểu thư bảo gì thì là nấy.”
Hồng Khiêm cũng khen cô trung thành đáng tin, lại bảo Ngọc Tỷ: “Con đấy, phải xem nó là tâm phúc mà đối đãi.”
Ngọc Tỷ đáp: “Con biết mà, tâm phúc mà rời đi thì không sống nổi.”
Lập tức đặt ra kế hoạch, Tiểu Trà bảo thư đồng: “Lang quân nhà cậu tuấn tú, có điều ăn mặc không lịch sự cho lắm. Ta mách với cậu, nếu không có ý thì dừng tay ngay đây, còn nếu một lòng thì nên ăn vận cho đàng hoàng vào.” Lại mách Ngọc Tỷ thích phong cách nào, bảo nó về dặn Triệu Tín chỉnh trang y như thế, trong số ấy có những món trang sức mà Triệu Tín không có. Tiểu Trà vừa dứt lời thì nhà họ Du kia đã đem ra, Niệm Lang đòi mẹ cây trâm vàng phỏng theo kiểu trong cung mà cha nó để lại, bảo Triệu Tín cài lên, lại lén trộm một miếng ngọc bội Lam Điền loại tốt cho gã đeo. Đoạn dạy gã giắt một bức thư “Phượng cầu hoàng” vào người, chờ lúc xong việc thì để lại làm bằng chứng.
Nhưng lại không trèo tường. Giữa hai khu nhà có một đường ngách, mỗi bên đều có cửa nách đối diện với ngõ sau, ngõ sau thường ngày không ai đi lại, chỉ có những người dọn phân, dọn rác hoặc điểm canh mới sử dụng. Mõ điểm canh vừa vang lên, cửa nách bên này mở ra, chỉ chờ Tiểu Trà bên kia dẫn Ngọc Tỷ ra gặp Triệu Tín.
Bên kia Hồng Khiêm đã sắp xếp đâu ra đấy, bên này Triệu Tín vừa ló đầu ra, thì bên kia chẳng biết đâu lại chui ra người hét: “Có trộm.” Bốn phía đèn đuốc sáng rỡ, một đám người ồ ạt tràn ra, nhắm vào Triệu Tín mà đánh, đến thư đồng cũng bị đánh tới chẳng thốt nổi tiếng nào. Bên kia Niệm Lang hãy còn ở trong nhà chứ chẳng đi đâu xa, đến cả tiểu tư của Niệm Lang cũng bị đánh chung, Hồng Khiêm quất một gậy vào ót Niệm Lang, đánh đến đổ máu, mắt thấy nó chỉ còn hít vào mà không thở ra nữa mới nhét gậy vào tay Triệu Tín.
Triệu Tín bị đánh đến quýnh quáng, che mặt mông lung, chỉ biết gào: “Đừng đánh nữa! Ối!” Chưa dứt lời đã bị tẩn thêm một cái. Tay quơ loạn xạ, vừa khéo mò được một cây gậy thì huơ lộn xộn khắp nơi. Bọn gia đinh vừa đánh vừa to tiếng quát tháo, át mất giọng gã: “Đánh là đánh thằng trộm nhà mày, mày còn dám trả đòn.” Cũng chẳng nghe gã nói, chỉ việc đánh, đánh đến độ Triệu Tín tắt cả tiếng.
Bấy giờ chòm xóm khắp nơi đều giật thót, mỗi nhà gọi lấy vài người, cầm gậy ra đập trộm. Giữa đêm, ngõ tối, dù có đèn đuốc cũng chẳng rõ mặt ai, gã Triệu Tín này lại mặc đồ trắng muốt, vốn muốn làm bộ phóng khoáng, cả đám một mực “thăm hỏi” người gã, không đập gã thì còn đập ai?
Trong nhà họ Du bên này, Lục thị cũng giật mình tỉnh giấc, gọi Niệm Lang mãi mà không thưa, vội vã khoác thêm áo, cũng gọi gia đinh. Chạy tới cửa sau, thấy mọi người đang đập trộm, gia đinh cũng hứng lên, cầm gậy nhập bọn. Ả Lục thị này rốt cuộc cũng là mẹ Niệm Lang, thị thấy một người nằm dưới đất, cực giống con trai mình. Khi ấy cũng chẳng lo được nhiều như thế, sốt ruột bước tới xem thử, chẳng Niệm Lang thì còn ai vào đây? Tức thì gào khóc: “Thằng trộm ác độc, sao lại hại mạng con trai tao?”
Chòm xóm tuy không thân thiết gì với thị, nhưng nghĩ đến chuyện thị ở góa mà con trai lại bị thương thì cũng căm phẫn đôi phần, ra tay nặng hơn. Triệu Tín bị cả đám người đánh chết, thư đồng cũng không còn thở nữa. Bấy giờ mới đưa đèn lồng vào soi, hai cái xác nằm dưới đất là chủ tớ nhà Triệu Tín, bên kia chủ tớ Niệm Lang không được cứu chữa kịp thời, trong lúc hỗn loạn bị người ta đạp cho vô số cái, đến khi được Lục thị đỡ dậy, cơ thể đã từ ấm chuyển sang lạnh rồi.
Lục thị gào khóc om lên. Không ngờ chòm xóm dòm mãi mới nhận ra Triệu Tín, ánh mắt nhìn thị lại càng khác trước. Kỷ chủ bộ là người làm quan, lập tức ra lệnh khoanh xác chết lại, không cho sờ vào, lại sai người gác, chỉ chờ trời sáng báo lên nha môn, đoạn mời sư sãi đạo sĩ về cúng bái. Hồng Khiêm nghe chuyện thì cười lạnh, thầm bảo sống ta còn có thể chỉnh cho chết, chết rồi thì làm gì được ta? Cái phường chó lợn ấy, nên bị giam xuống mười tám tầng địa ngục, chỉ e Phật Tổ có đến cũng chẳng độ được chúng nó!
•••••
Lại nói Triệu Tín, Niệm Lang đều có tính toán riêng, một lòng muốn kéo Ngọc Tỷ xuống nước, không ngờ Tiểu Trà lại là đứa trung thành, chẳng những không nhận quà cáp mà còn thuật lại mọi chuyện cho chủ nhân. Ngọc Tỷ thừa hưởng sự cương trực của cụ Trình, phong phạm của Hồng Khiêm, Triệu Tín và Niệm Lang dám tính kế nàng, nàng lập tức tiễn chúng nó lên đường về với đất mẹ!
Hai kẻ này trong lúc rối ren đều đã bị đánh chết, bên nha môn phái chữ tác* đến, kiểm nghiệm xác chết. Phát hiện vết thương chí mạng của Niệm Lang nằm sau gáy, hung khí thì trong tay Triệu Tín. Triệu Tín bị loạn côn đánh chết, lại không nghiệm được là cây gậy nào. Hai tên tiểu tư thư đồng, cũng chết trong cơn lộn xộn, ấy là do chòm xóm “vì nghĩa phẫn nộ”. Lại vì mặt mày Triệu Tín bị đánh nát bét, chỉ loáng thoáng nhận ra được là người này, nhưng lục soát được trên người xác chết hai món trang sức đều có ký hiệu họ Du, cùng một bức “Phượng cầu hoàng”, là nét chữ của gã. Lại có lời chứng của lối xóm, biết được Lục thị thường may quần áo mới tặng gã.
[*Người khám nghiệm pháp y.]
Hồng Khiêm lại bảo: “Vì ở gần nhà cậu ta, nghe thấy tiếng vật lộn, đành phải ra xem thử. Lối xóm cũng đành ra giúp đỡ.” Mọi người đều khai thế, lại nói nhà họ Hồng ở gần nên ra trước, bọn tôi cách hơi xa nên đến sau, cũng chỉ do khoảng cách thôi.
Lại có người nói Niệm Lang không muốn gã Triệu Tín này cưới mẹ cậu ta. Bên này Tôn Hữu nghe được hung tin thì buột miệng: “Gã ta lại vì thằng bé nhà ấy không thích, để cưới ả đàn bà góa kia mà giết con trai người ta?” Lời này đồn ra, vừa khéo có thể làm nhân chứng. Trên công đường, Tôn Hữu thấy chuyện dính tới mạng người, bèn giấu đi vụ mình là kẻ xúi bẩy, sửa lời bảo Triệu Tín muốn cưới quả phụ nhà người, con trai thị lại không đồng ý. Thấy Hồng Khiêm cũng có mặt ở công đường, bèn nuốt chuyện bày mưu hại con gái chàng vào bụng, không dám lộ ra.
Huyện lệnh bên kia xem xét, không còn lầm lỡ gì, mà bài “Phượng cầu hoàng” kia đúng là do một tài tử vì muốn quyến rũ quả phụ mới viết nên, đúng là quá hợp với tình cảnh này. Lại có Lại Tam cầm giấy nợ Triệu Tín đã viết, đòi di vật của gã để trừ nợ. Huyện lệnh cảm thấy vì Triệu Tín nợ tiền đánh bạc nên mới muốn lừa tài sản của quả phụ, không ngờ Niệm Lang không chịu, bèn ra tay giết người.
Bất chấp Triệu Tín từng được Lệ Ngọc Đường coi trọng, dựa đúng theo kết quả kiểm nghiệm của chữ tác, lại vì Niệm Lang, Triệu Tín đều đã chết, vừa khéo kết án. Lục thị là quả phụ, bèn không liệt vào khoản “thông dâm”, huyện lệnh cũng chẳng phạt đánh phạt tù, không cần phán quyết. Bên này Lục thị mất con trai lại thành đàn bà mất nết, hết đường chối cãi, chính vì cây trâm và ngọc bội kia đều khá quý, Du thị là gia đình giàu có, hễ món gì quý thì đều khắc ký hiệu của Du gia.
Du Đại Lang nhà ấy nghe tin di vật của cha bị ả đàn bà kia cho bồ nhí, lập tức sai người đệ đơn, muốn đến đòi. Kiểm tra ngay công đường, đương nhiên nhận ra là đồ nhà mình. Lại ầm ĩ một trận to, lại đệ đơn kiện, đòi lại của cải từ tay Lục thị, đến nhà đang ở cũng siết, chỉ trả lại của hồi môn, gạch tên Lục thị trong gia phả. Gia đình Lục thị vốn nghèo túng, thế mới gả con gái đương độ xuân thì cho một lão già đã bước một chân vào quan tài làm vợ kế, thì làm sao có của hồi môn gì? Trắng tay đuổi cổ.
Vì em trai chết, Du Đại Lang thu hồi của cải, lại bảo Niệm Lang chết trẻ, chỉ lập đàn cúng bái vài lần ở nhà Lục thị đã vội vã tìm đất thiêu rồi chôn. Đoạn khóa tòa nhà này lại, vì đã xảy ra án mạng nên trong hai ba năm này khó mà cho thuê hay bán được.
Chuyện lại chưa chấm dứt, quan lại hai nơi châu huyện mắng sạch cả mười tám đời tổ tông nhà Triệu Tín, đến cả Lục thị cũng bị mắng ké vài câu như “Đồ độc ác không hiểu lòng con ruột”. Ông cho là do đâu? Chính vì vụ tố tụng liên quan đến mạng người này mà thành tích năm nay của họ lại bị ghi thêm một dòng. Những người làm quan, hờn nhất là trong phạm vi mình cai quản có kẻ sinh sự, vì kiểm tra khảo sát của bộ Lại ngoài việc nộp thuế, trấn an dân chúng trong địa phận, thu hút lưu vong, giáo hóa dân chúng để nhiều người đạt thành công danh thì khoản quan trọng nhất chính là, trong địa phận không nên để xảy ra chuyện phạm pháp.
Chỗ ông xảy ra một trăm vụ án, dù có phá được tất nhưng vẫn không bằng nơi chỉ xảy ra mười vụ phá tám. Giang Châu khi trước nghiêm trọng nhất chỉ có mấy vụ ăn trộm hoặc tranh gia sản, nào đã từng xảy ra án mạng? Một khi báo lên trên, mọi người không khỏi trầy trật. Không thể không chửi.
Lệ Ngọc Đường ngồi trong thư phòng mà than thở mãi, tự ghét mình đui mù nhìn nhầm người. Bên kia Hồng Khiêm cũng đau đầu, là vì Ngọc Tỷ không vui. Tuy đã kết thúc, nhưng Ngọc Tỷ trải qua chuyện này, trong lòng rốt lại cũng chẳng vui vẻ gì, Tú Anh thấy thế bèn bảo muốn dắt Ngọc Tỷ đến chùa Từ Độ dâng hương. Ngọc Tỷ đi một chuyến, mặt mày vẫn bình thản, nhưng đã không còn hồn nhiên như trước. Hồng Khiêm trông thấy thì đau lòng, bảo: “Thừa lúc sáng sớm và chiều tối mát trời, chúng ta ra ngoại thành cưỡi ngựa giải khuây đi.”
Tác giả spoil chương sau: Yêu sớm.
Kéo: *nghiêm túc-mode on* Thực ra thì tớ theo chủ nghĩa hòa bình, trong xã hội xưa thì chuyện giết người không nghiêm trọng như thời hiện đại, nhưng đó vẫn là tội danh. Tớ có lướt qua một số comt của các độc giả bên Trung, nhiều người nói cha con Hồng Khiêm quá ác, Triệu Tín đáng chết nhưng Niệm Lang thì không. Nhưng tớ lại nhớ có comt của một bạn, nội dung đại khái như này: “Niệm Lang bao nhiêu tuổi? Cùng lắm mười mấy, chưa cả thành niên. Giữa Ngọc Tỷ và Niệm Lang từng có thù như trời như biển ư? Theo tôi nhớ, chẳng qua lúc nhỏ cậu nói một câu, tôi đánh một cái, rồi vài lần hai đứa cà khựa nhau kiểu nít ranh hờn dỗi, mà đấy cũng toàn do Niệm Lang khơi mào trước, không phải sao? Chuyện chỉ có thế, Niệm Lang lại giữ mãi trong lòng, thù mãi không quên, đã vậy lại còn bày mưu tính kế hủy hoại sự trong sạch của con gái nhà người ta, xã hội hiện đại có lẽ không xem chuyện đó là gì, nhưng xin lỗi, ấy là thời xưa, thời chỉ cần một vật mờ ám thôi cũng đã có thể nhốt phụ nữ vào lồng thả trôi sông, chuyện Niệm Lang tính kế Ngọc Tỷ, ấy là hủy hoại cả đời. Có cô gái nào biết bản thân bị kẻ khác gài mưu hại đời mà không tức? Có người cha nào biết con gái như hoa như ngọc mình tất tả chăm nom hằng bấy năm bị loại người đáng tởm như vậy sắp bẫy mà không giận?”
Đó, sơ sơ là thế. Tớ lan man cả một mớ, chỉ là để bạn nào đọc rồi cảm thấy cha con Hồng Khiêm xử sự không thỏa có thể hiểu cho.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...