Nơi Thanh Âm Dừng Lại


Những ngày tiếp theo ở nhà họ Dương thực sự là cảnh tù đày đối với Trần Thanh.

Vì để làm cho mẹ chồng vui lòng, ngày nào cô cũng hết mình dậy sớm cùng bà uống trà thêu thùa, thi thoảng còn phải ra ngoài diễn cảnh mẹ chồng nàng dâu cùng nhau dạo phố.
Trong khoảng thời gian này, việc không được cầm cọ vẽ làm Trần Thanh cực kì ngứa ngáy.

Cô rất muốn tìm cơ hội để trốn tới quán trà, mà ngặt nỗi có muốn tìm cũng không được.
Tuy khổ đau là thế, vậy nhưng những nỗ lực ra vẻ vợ hiền dâu thảo của cô cũng bắt đầu có chút thành quả.
Buổi sáng nọ, lúc mọi người đang dùng bữa thì người làm đem tuần san "Kim Phục" nổi đình đám của thành Giang Lâm tới.

Trong số mới phát hành, tờ báo dành hẳn trang nhất để ngợi ca về cuộc hôn nhân viên mãn của Trần Thanh và Dương Nhật Đình.

Thậm chí, người viết còn đề cập tới câu chuyện Dương Nhật Đình đi dự tiệc ở Bộ Tài chính đem theo khăn tay do chính vợ mình thêu.
Việc các tin đồn tạp nham trước đó được dẹp bỏ làm Tố Lam nhìn Trần Thanh bằng ánh mắt hoà hoãn hơn hẳn, thậm chí thi thoảng bà còn có lòng rủ cô đi xem kịch ở nhà hát.
Thế nhưng tình hình tốt đẹp hơn không có nghĩa tâm trạng của Trần Thanh cũng vậy.
Dương Nhật Đình bận bịu ở thương hội nên ngày nào cũng đi sớm về muộn, vứt cô ở nhà một mình tự đối phó với cha mẹ chồng.

Sau nửa tháng, sức chịu đựng của Trần Thanh đã đi tới giới hạn.
Một buổi sáng khi Dương Nhật Đình đang thay quần áo chuẩn bị đi công vụ, Trần Thanh bỗng nâng váy xông thẳng vào phòng thay đồ.

Lúc đó anh còn chưa mặc áo, nửa thân trên hoàn toàn trần trụi.

Vóc người anh không lực lưỡng như những sĩ quan quân đội, nhưng vì bình thường thích tập thể dục nên dáng dấp cũng không tệ, trông vào vô cùng khoẻ khoắn.
Thấy anh không mặc áo, bước chân vốn đang sục sôi khí thế của Trần Thanh liền tắt lịm.

Cô luống cuống dùng bàn tay che mắt mình lại.
Ban đầu Dương Nhật Đình còn hơi ngạc nhiên, song biểu cảm trên khuôn mặt dần được lấp đi bởi một nụ cười sáng láng.

Anh nói trêu: "Vợ thèm thuồng nhìn anh hay sao mà xông vào đây vậy?"
"Không phải." Cô phản bác, màu đỏ ngượng ngùng lan ra khắp tai: "Em muốn thương lượng một chuyện với cậu."

"Chuyện gì?" Dương Nhật Đình khoác áo sơ mi lên, thong dong đóng từng cúc áo.
Trần Thanh dùng tay che mắt lại, bên tai chỉ nghe thấy tiếng sột soạt của quần áo.

Cô bỏ qua sự ngượng ngùng lúc này rồi dùng giọng điệu đầy bất mãn nói với anh: "Cậu dẫn em tới quán trà được không?"
Có vẻ anh đã đoán trước được tình cảnh này, vì thế chỉ phì cười: "Không muốn ở nhà nữa à?"
Trần Thanh nào dám nói lời thật lòng, vì thế lí do chính đáng cô đều đã chuẩn bị đủ: "Để người làm tự lo liệu em không yên tâm, dù sao cũng phải ra dáng bà chủ chứ."
Nghe có vẻ rất đáng tuyên dương vì tinh thần trách nhiệm cao.
Dương Nhật Đình cài áo xong, anh không vội thắt cà vạt mà đeo đồng hồ lên trước.

Kim loại va vào nhau phát ra âm thanh lạch cạch, lành lạnh man mát hệt như giọng nói của anh: "Hôm nay ở thương hội bận việc quá, có lẽ anh không dẫn em đi được."
Trần Thanh nghe xong mà mặt ủ mày chau, tay đang bịt mắt buông thõng xuống.
"...Để anh bảo Lâm Hải dẫn em đi." Anh nói nốt.
Chỉ trong mấy giây, gương mặt trắng trẻo nào đó lập tức xuất hiện nét vui mừng.

Cô tựa như đứa trẻ nhận được sự cưng chiều, sung sướng đến nỗi nhảy cẫng lên.

Trần Thanh khấp khởi ôm lấy cánh tay của Dương Nhật Đình, hai mắt sáng rực hơn cả đèn ông sao đêm rằm tháng Tám: "Cậu là tuyệt nhất!"
Dương Nhật Đình nghe người khác khen anh nhiều rồi, cơ mà không hiểu sao nghe lời khen từ miệng cô anh lại thấy họ như mấy đứa nhóc con đang ca tụng nhau vậy.

Ý cười chẳng mấy chốc đã làm tan chảy sự nghiêm túc ở hai đầu lông mày của anh.
Cậu cả họ Dương được nước lấn tới, luồn tay qua vòng eo nhỏ kéo cô lại gần hơn.

Tay Trần Thanh lập tức chống lên ngực Dương Nhật Đình, ngăn bản thân không ngã vào người anh.
"Trốn nhà đi mà em vui như thế à?" Anh cúi đầu xuống, nửa nói đùa nửa hỏi thật.
"Em có trốn đâu." Cô bối rối biện bạch: "Cậu cho phép em đi đó thôi?"
"Thế em đi rồi có muốn về nhà nữa không? Hay lại làm một bà chủ tận tụy ngủ lại quán trà?" Dương Nhật Đình nói khẽ hơn, thoạt nhìn như đang thủ thỉ lời âm yếm vào tai cô.
Quả là một câu hỏi bẫy.
Hơi thở trầm ổn của người đàn ông quanh quẩn bên tai dần hâm nóng gò má cô.
Những ngày gần đây thi thoảng cậu cả họ Dương sẽ có vài hành động thân mật như thế, đương nhiên cũng khiến một người vô tư là Trần Thanh bắt đầu phải nghĩ nhiều.


Cô không thể không đánh giá rằng các cử chỉ ấy của anh quá mức điêu luyện, cứ như thể anh đã làm việc này cùng ai đó đến thành thạo vậy.
Trần Thanh khéo léo tránh thoát khỏi cái ôm của anh, mà Dương Nhật Đình không hề cố chấp giữ cố lại.

Cô ra dáng đáp lời: "Đương nhiên em phải về rồi.

Sao cậu lại hỏi câu hiển nhiên vậy chứ?"
"Vậy à..." Anh tùy ý tung hứng theo cô, dù cho dỏng tai lên nghe có không ít ẩn ý.
Dương Nhật Đình nhặt chiếc cà vạt màu lam đậm lên, đưa cho Trần Thanh: "Vợ giúp anh nốt được không?"
Anh đề nghị thế chủ yếu là muốn chọc cô, nhưng không ngờ Trần Thanh lại thực sự nhận lấy chiếc cà vạt đó.

Dương Nhật Đình đứng yên chờ cô lại gần, nhón chân bẻ ngược cổ áo sơ mi của anh lên.
Trong giây phút ấy, mắt anh rũ xuống, toàn bộ sự tập trung dồn hết lên gương mặt hồng hào xinh đẹp của người đối diện.

Hình như cô có nói gì đó như "Cậu đừng có thất hứa nhé" "Cậu nhớ lời đấy", mà ngặt nỗi trong anh chẳng ghi nhớ được điều gì.
Dương Nhật Đình nhìn cô mà không khỏi liên tưởng tới lời thoại trong một vở kịch mà anh từng xem.
"Hỡi chàng quân tử, vì sao một ánh mắt có thể khiến chàng đắm say? Vì sao một nụ cười có thể khiến trái tim chàng lỡ nhịp?"
Khi xem vở kịch đó anh chỉ thấy tư duy của tác giả quá đỗi thiển cận, không có chút góc nhìn thực tế nào.

Nếu đổi lại là mấy cô nữ sinh có lẽ sẽ thích thú hơn chút.

Thế mà bây giờ, người thiển cận là ai anh không thể nói rõ được.
Dương Nhật Đình chưa kịp bận lòng nhiều hơn thì Trần Thanh đã thắt cà vạt xong rồi.

Cô không thắt quá chặt vì sợ anh sẽ không thoải mái, làm xong việc còn rất chu đáo vuốt lại bộ quần áo cho thẳng thớm.
Dương Nhật Đình nhìn vào trong gương, thấy cà vạt được thắt một cách chỉn chu thì không khỏi tấm tắc: "Nếu biết em khéo thế này thì anh đã nhờ em sớm hơn rồi."
Trần Thanh hiếm khi nhận được lời khen chân thành đến thế, dù bé như hạt gạo nhưng cũng đủ làm cô xấu hổ.


Cô giả vờ bình tĩnh chắp hai tay ra sau lưng, trả lời: "Chỉ là thắt cà vạt thôi mà, người vợ khác làm được thì sao em không làm được?"
Lúc nói xong Trần Thanh chợt nhận ra mình hơi lỡ lời, cô lập tức im bặt.
Cô không muốn thể hiện bản thân là một người kiêu ngạo, càng sợ hãi hơn nếu sự kiêu ngạo đó là từ danh vị vợ của Dương Nhật Đình mà ra.

Bản thân cô luôn phải tự nhắc nhở địa vị mình ở đâu, thân phận mình thế nào để không bị hãm sâu vào chút khoảnh khắc ngọt ngào vụn vặt.

Tuy sự nuông chiều thái quá của Dương Nhật Đình khiến Trần Thanh rất hưởng thụ, song trong thâm tâm cô luôn lo sợ chỉ cần bản thân tiến thêm một bước nữa thôi, mọi thứ sẽ như lớp bong bóng xà phòng mong manh vỡ tan.
Cô thấy bản thân không khác người đi trên dây là mấy, mỗi ngày thức dậy hay mỗi phút giây tỉnh táo đều là sự trăn trở giữa được và mất.
Dương Nhật Đình cười cô bằng thanh âm đầy ấm áp, không nói thêm gì nữa.

Cả hai người ăn ý dừng cuộc nói chuyện, dẫu cho mỗi người có một loại tâm tư hoàn toàn khác biệt.
...
Cậu ba nhà họ Phùng rất thích đi xem Côn kịch, thậm chí còn nhận xét bản thân là một người vô cùng biết thưởng thức nghệ thuật.

Trong khi giới tư sản thành Giang Lâm đua theo trào lưu xem các sân khấu kịch phương Tây, Phùng Nam lại là một trong số ít người hiếm hoi tận hưởng các vở kịch truyền thống.
(1) Côn kịch (hay Côn khúc) là một thể loại hí kịch cổ nhất của nghệ thuật Ca kịch Trung Quốc, ra đời vào khoảng cuối thế kỉ XIV (khoảng cuối thời nhà Nguyên, đầu thời nhà Minh).
Hôm nay ở nhà hát trung ương có biểu diễn vở Hoán Sa Ký (*), anh ta vừa hay tin đã lập tức gác lại công việc để đi xem.

Lúc anh ta đến nhà hát, bước chân theo thói quen đi lên tầng dành cho khách quý, không ngờ lại gặp người quen ở đó.
(2) Hoán Sa Ký (浣纱记) là một trong những vở Côn kịch nổi tiếng, được chắp bút bởi Lương Thần Ngư.
"Tôi tưởng cậu chẳng bao giờ thích xem mấy thể loại này." Phùng Nam buông lời châm chọc, thả mình ngồi xuống chiếc ghế êm ái.
Dương Nhật Đình chậm chạp hút một hơi thuốc rồi nhả ra làn khói trắng đục, hai mắt thờ ơ dõi về sân khấu bên dưới.

Anh gõ nhẹ tàn thuốc vào trong gạt tàn, nhàn nhạt đáp lời: "Không thích thì vẫn phải phổ cập văn hoá chứ."
Bọn họ ngồi trên lầu cao nhất, cũng là chỗ tốt nhất để có thể theo dõi vở kịch.

Trong rạp chẳng có mấy người, những người đến xem Côn kịch chỉ có những vị quan khách đứng tuổi truyền thống.
Phùng Nam và Dương Nhật Đình quen nhau từ nhỏ, nói cho dễ nghe thì cũng được xem là bạn chí cốt.

Nhà họ Phùng làm trong quân đội, cha của Phùng Nam là Tham mưu trưởng nên rèn luyện anh ta chẳng khác lính tại ngũ là mấy.

Ngày còn nhỏ, mỗi lần bị cha giáo huấn là Phùng Nam sẽ tự động trốn sang nhà Dương Nhật Đình, giả vờ làm thân với anh để có thể tránh bị phạt.

Giả bộ cho nhiều cuối cùng lại trở thành thân thiết thật.

"Cậu mà cần mấy cái phổ cập văn hoá này à? Chẳng thà đi đến quân bộ tôi chạy vài vòng còn hơn." Phùng Nam bắt chước Dương Nhật Đình cũng đốt một điếu thuốc, khói thuốc mờ mịt nhanh chóng bao phủ khắp căn phòng.
Khán phòng đột ngột tối đèn, tiếng nhạc bên dưới bắt đầu xướng lên.
Chẳng mấy khi Phùng Nam không tập trung xem kịch, anh ta nói với người bên cạnh: "Tôi nghe nói dạo này có tin vợ chồng nhà ai tình cảm rạn nứt, chưa kịp xem có thật hay không thì đã lại nghe tin bọn họ vẫn đang yêu đương nồng thắm.

Quay qua quay lại còn hơn cả chong chóng nữa."
Lời châm biếm đó đương nhiên chẳng có chút sức nặng nào đối với Dương Nhật Đình, mà nếu có thì anh cũng chẳng có hơi sức đâu mà giải thích.

Nửa bên mặt của anh chìm trong bóng tối, nửa bên còn lại rơi vào vùng sáng nhá nhem của ánh đèn nhà hát, rất khó để bắt được sự thay đổi của cảm xúc.
Anh buồn cười đáp trả: "Từ khi nào Thiếu tá Phùng thích hóng chuyện thế? Quân đội đang không có việc gì để làm à?"
"Nào có." Phùng Nam vắt chân, điếu thuốc kẹp trong tay loé lên tàn lửa đỏ: "Tôi chỉ quan tâm bạn bè của mình thôi.

Duyên phận phức tạp, thời thế loạn lạc, tôi sợ chẳng bao lâu nữa cậu sẽ chuyển sang làm diễn viên."
Dương Nhật Đình im lặng một hồi, sau đó dụi tắt điếu thuốc.

Anh khẽ tựa vào ghế, nói bằng giọng không nhanh không chậm: "Có lẽ cũng sắp mở vở diễn rồi cũng nên."
Phùng Nam bật cười, quay sang nhìn anh: "Lần đầu tiên thấy cậu cả nhà họ Dương phiền lòng như thế, bỗng nhiên cậu làm tôi thấy sợ kết hôn rồi đấy."
Tiếng hát của người diễn nghệ ngày một vang dội, xen kẽ linh hoạt vào bản hoà âm đầy khí phách.
"Chút phiền lòng này đâu tính là gì." Anh cười nhạt.
Hai người đàn ông hiếm khi có dịp gặp nhau, vì thế mà cũng tán dóc nhiều hơn một chút.
Ai bảo đàn ông không bao giờ nói chuyện phiếm như phụ nữ? Có lẽ vì những người đó chưa từng bước nửa bước ra khỏi cửa nhà.

"Sắp tới sẽ có một đợt càn quét, mấy thuyền hàng ở cảng dễ bị tịch thu lắm.

Nghe nói là nghi ngờ có người nhập khẩu thuốc phiện để đưa vào trường học.

Cậu nhớ phải cẩn thận." Phùng Nam rót hai cốc rượu, đẩy một cốc sang cho Dương Nhật Đình.

Anh nhấc cốc rượu lên, cạn ly với Phùng Nam: "Cậu cũng thế.

Giữ sức khỏe cho tốt mà còn đi đánh giặc."
"Đánh giặc cái gì chứ." Phùng Nam đảo mắt: "Chẳng thà cho tôi cô tiểu thư nào đó để lăn lộn còn hơn."
"Chê cậu thô thiển đúng là chẳng sai bao giờ." Dương Nhật Đình khinh thường..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận