Những Vụ Án Trên Thế Giới

Hồi tháng 4/1994, trong lúc làm việc ở bãi rác tái chế tại thành phố San Diego, Mỹ, các công nhân phát hiện một túi nylon màu đen trong hộp giấy carton. Mở túi, họ thấy một đôi bàn tay đứt lìa. Vụ việc được nhóm công nhân gọi điện thoại tới cảnh sát.

Kết quả chụp X quang đôi bàn tay cho thấy, bộ phận cơ thể này của một nam giới trên 60 tuổi. Móng của ngón tay cái bên phải đã biến mất. Cảnh sát tới từng nhà xác và bệnh viện trong thành phố để tìm tử thi mất đôi bàn tay, nhưng họ không thấy bất kỳ xác người nào như vậy.

Đúng lúc ấy, người dân thông báo Don Harden, một cựu phi công Hải quân Mỹ, đã mất tích từ nhiều ngày qua. Con gái Don xác nhận ông mất móng trên ngón tay cái phải. Cảnh sát lấy dấu vân tay mà con gái Don cung cấp để đối chiếu với dấu vân từ đôi bàn tay trong túi nylon. Kết quả cho thấy chúng trùng khớp. Khi cảnh sát kiểm tra nhà của Don Harden, họ phát hiện nhiều dấu hiệu của một vụ trộm. Tivi, đầu VCR, lò vi sóng không còn trong nhà. Chiếc xe bán tải của cựu phi công cũng biến mất. Don thường dùng xe này để giao hàng hóa và đi chơi.

Ai đó đã lau sàn bếp và sàn buồng tắm bằng chất tẩy màu trắng. Tuy nhiên, vẫn còn một vết máu nhỏ đọng trên sàn bếp. Đổ luminol, loại hóa chất phát quang khi tương tác với sắt trong máu, các nhà điều tra thấy rất nhiều giọt máu từ bếp vào buồng tắm. Lượng máu trong buồng tắm còn lớn hơn so với trong bếp. Kết quả phân tích DNA cho thấy đó là máu của Don Harden. Các chuyên gia pháp y nhận định nạn nhân không thể sống sót vì mất quá nhiều máu.


Những lọ thuốc, bút và nhiều đồ lặt vặt trên một bàn trong nhà của Don Harden. Cựu phi công chuyển tới San Diego vài năm trước để sống gần hai con gái. Những người xung quanh nhận xét ông nghiêm khắc nhưng nhân hậu và thường xuyên thuê những người vô gia cư làm việc vặt trong nhà để họ có tiền sống qua ngày.

Chuyên gia pháp y phát hiện mô người ở vỉ tản nhiệt trong bếp. Ngày 27/3/1994, một ngày trước khi Don Harden mất tích, những người hàng xóm thấy Dale Whitmer, một trong những người vô gia cư mà ông cho phép sống trong ngôi nhà di động trong vườn, cầm một thứ gì đó được gói kỹ trong giấy báo và bước ra khỏi nhà của Don. Sau đó Dale đặt giói giấy vào ôtô.

Dale Whitmer, 41 tuổi, là người sống lang thang và thường xuyên say rượu. Tuy nhiên, anh ta chưa bao giờ gây gổ hay đánh người. Theo Dale, anh ta làm thuê cho Don trong nhiều năm và coi ông như cha. Tuy nhiên, nhiều người hàng xóm nghi ngờ câu nói đó. Họ kể rằng Dale hay phàn nàn về việc Don thường xuyên chế giễu anh ta. Khi cảnh sát yêu cầu người đàn ông này đối mặt với máy kiểm tra nói dối, anh ta từ chối.

Các nhà điều tra thấy nhiều dấu vân tay của Dale trong nhà nạn nhân. Nhưng vì anh ta thường xuyên vào nhà Don để làm việc vặt nên đương nhiên anh ta để lại dấu vân tay trong nhà và cảnh sát không thể dựa vào chúng để bắt anh ta.

Hơn một năm từ khi cựu phi công Hải quân Don Harden mất tích, Sở Cảnh sát San Diego nhận một lá thư nặc danh. Người viết lá thư khẳng định Dale Whitmer đã giết Don Harden, đồng thời mô tả khá chi tiết vụ án mạng. Theo người này, Dale đã đặt xác nạn nhân vào bồn tắm rồi phân ra thành nhiều bộ phận trước khi vứt ở mọi nơi.

Cảnh sát chưa bao giờ công bố việc hung thủ đặt xác Don trong bồn tắm với báo giới, nhưng người viết thư lại biết tình tiết này. Thực tế ấy cho thấy người viết thư biết rất rõ quá trình gây án của hung thủ, nhưng không muốn trực tiếp giúp cảnh sát và cũng không muốn lộ mặt.


Nhóm chuyên viên điều tra xem con dấu bưu điện để truy tìm nơi xuất xứ của lá thư. Người viết không dán tem lên phong bì. Lá thư được dập mã bưu điện. Đây là quy trình khá phổ biến đối với những thư không sử dụng tem ở Mỹ. Nhiều công ty, tổ chức có máy dập mã bưu điện riêng vì họ gửi nhiều thư hàng ngày.

Máy dập mã để lại một dãy số trên phong bì. Chẳng hạn, máy dập mã trong ảnh đóng dãy số 8060805. Đó là số đăng ký của máy. Nhưng trong trường hợp lá thư mà Sở Cảnh sát San Diego nhận, người viết phủ một chất gì đó lên dãy số hòng che giấu nguồn gốc.

Bằng cách cho thư vào máy so sánh quang phổ video, các nhà điều tra có thể xác định mã bưu điện bên dưới lớp hóa chất màu trắng. Từ mã bưu điện, họ tìm ra vị trí của máy dập mã. Chiếc máy nằm ở trụ sở công ty Davis Capital Management tại thành phố La Mesa, bang California. Chủ công ty là Mark Davis. Anh cũng là linh mục của một nhà thờ trong thành phố.

Mark Davis thừa nhận với cảnh sát rằng anh viết lá thư nặc danh và người nhờ anh viết là một cô gái. Tuy nhiên, Mark từ chối tiết lộ danh tính của cô gái vì cô yêu cầu anh giữ bí mật. Cơ quan công tố quyết định đưa Mark ra tòa. Khi thẩm phán buộc Mark phải cung cấp danh tính cô gái, anh nói rằng đó là Andrea, con gái của Dale Whitmer. Cảnh sát nhận thấy Andrea phải đấu tranh tư tưởng dữ dội trước khi tố cáo cha. Cô yêu cha nhưng cũng ghê tởm tội ác mà đấng sinh thành gây ra.


Nhờ lá thư của Andrea, cảnh sát có đủ chứng cứ để bắt Dale Whitmer vì tội giết người. Trong phiên xử hôm 15/9/1997, Andrea làm chứng chống lại người cha tội lỗi. Cô kể rằng Dale nghiện heroin và thường xuyên lấy trộm tài sản của người khác để thỏa mãn cơn nghiện. Khi thấy những biểu hiện khác thường của cha, Andrea âm thầm điều tra và phát hiện tội ác man rợn của Dale.

Con gái đầu của cựu phi công Don Harden phát biểu trong phiên tòa. Các công tố viên tin rằng, vì cần tiền để mua heroin, Dale đã bất ngờ tấn công Don khi ông rửa bát trong bếp. Sau đó hắn kéo ông vào bồn tắm rồi phân xác thành nhiều mảnh. Dale lấy lò vi sóng, tivi và đầu VCR của nạn nhân để bán. Hắn vứt các mảnh thi thể của người xấu số ở nhiều thùng rác tại thành phố San Diego và Mexico. Đôi bàn tay là hai bộ phận duy nhất trên cơ thể Don mà cảnh sát tìm thấy.

Điều khiến nhiều người không hài lòng trong phiên tòa là Dale Whitmer chỉ phải nhận mức án 15 năm tù. Sau phiên tòa, Hải quân Mỹ tổ chức lễ hỏa thiêu đôi bàn tay của Don Harden rồi rải tro xuống biển.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui