Những Bông Hồng Trong Thung

Tháng mười. Cơn mưa cuối mùa khiến trời chập choạng tối đã khá lạnh. Mưa dứt hạt, tôi lẳng lặng ra sau dẫn con Phi lên trước sân đóng xe, lau chùi cho ráo bớt nước mưa đọng trên xe, băng ghế, dù che. Khi tôi vào nhà lấy thêm áo ấm, mẹ tôi ngừng đan len ngẩng lên hỏi xem trời đã dứt hẳn mưa chưa. Tôi ậm ừ xỏ tay vào áo. Khi tôi quay lại thấy bà đang mở cửa nhìn ra ngoài trời. Gió thốc vào đẩy bung cánh cửa khiến bà hơi loạng choạng cố giấu cơn rùng mình.

- Mẹ! - Tôi xót xa gọi, cố nén lòng, ra vẻ cứng giọng - Mẹ ra cửa làm gì vậy?

- Mẹ xem trời đã tạnh mưa hẳn chưa.

- Con đã nói là tạnh rồi mà mẹ. Mai mốt mẹ đừng có đứng ngoài cửa để gió lùa, mẹ đang bệnh mà.

Tôi kéo khóa áo ấm đến ngập cổ rồi cầm cây roi bước ra ngoài nhảy lên xe tôi đã chuẩn bị xong trước đó một phút. "Hây!". Con Phi lóc cóc gõ móng chạy lên dốc.

- Mẹ giữ ấm nhé mẹ!

Tôi quay lại nói lớn. Mẹ tôi gật gật đầu. Bà vẫn thế, luôn xem tôi như một đứa trẻ con. Bà càng xem tôi như cậu bé tôi càng tỏ ra cứng cáp, mạnh mẽ. Lâu lắm rồi tôi không ôm mẹ dù tôi muốn như thế lắm. Lần cuối cùng tôi ôm mẹ đã hơn năm năm, đó là khi ba tôi mất. Mẹ tôi gần như không trụ nổi, ngất từng cơn trong vòng tay tôi. Sau đám tang ba, tôi cắm nhang trước di ảnh ông, thì thầm hứa sẽ thay ông chăm sóc cho mẹ.


- Mẹ, bây giờ con là người đàn ông duy nhất của nhà mình. Con sẽ không làm cho mẹ thất vọng đâu.

Mẹ tôi chỉ lặng lẽ nhìn di ảnh ba khi tôi nói câu đó. Hai ngày sau, khi biết điều tôi quyết định "không làm cho mẹ thất vọng" chính là bỏ thi đại học, bà gần như bừng tỉnh sau một cơn mê.

- Con chỉ là một cậu bé, lúc nào con cũng là bé con của mẹ, hiểu không Quân? Mẹ là mẹ, mẹ không bao giờ cho phép con nghỉ học. Bằng mọi cách con không thể để thua bạn bè... Mẹ đã hứa với ba là mẹ sẽ lo cho con...

Khi nói những câu này, bà như một con gà mái xù lông. Tôi thầm nói "Con cũng đã hứa với ba..." rồi tỏ vẻ thật cứng đầu. Mẹ và tôi bắt đầu những ngày tháng luôn tỏ ra mình rất vững chắc, cứng cáp, rằng chăm sóc người kia là nhiệm vụ của mình. Không ai muốn có hành động, cử chỉ nào mang nặng tình cảm mà luôn là những câu nói ngắn cụt, khô khốc. Tôi cũng muốn nói với mẹ những lời nói yêu thương, mềm mại hơn nhưng luôn sợ mình sẽ không kìm được cảm xúc. Tôi biết nếu chỉ cần yếu lòng một chút tôi sẽ trở lại là thằng bé con của mẹ và phải nghe theo mẹ mọi điều.

Hai mẹ con tôi bắt đầu "thương lượng" với nhau. Mùa hè năm đó tôi vẫn phải thi vào đại học, sau khi đi thi về tôi mới được phép đưa xe thổ mộ ra bờ hồ thay công việc của ba ngày xưa. Mẹ tôi cắm cúi đan len vì bà chẳng biết làm gì hơn.

Chiếc xe thổ mộ và con ngựa tạm thời cho một người quen thuê lại, tiền trả mỗi tuần không đáng là bao.

Sau hai tháng dồn sức cho việc ôn luyện, tôi gói ghém đồ về Sài Gòn đi thi đại học, tất nhiên là một mình. Đêm trước khi đi, tự tay mẹ tôi kiểm tra lại đồ đạc rồi đưa cho tôi một cọc tiền được xếp cẩn thận. Tôi cầm tiền, muốn cảm ơn mẹ nhưng thấy sến (sao lúc đó lại nghĩ vậy không biết?) nên chỉ nắm chặt vào tay. Hai đôi mắt nhìn nhau, cùng thảng thốt:


- Sao mẹ ốm quá vậy?

- Nhìn con kinh khủng quá!

Mẹ tôi dường như nhỏ tẹo lại, phùng phình với lớp áo ấm. Bà già hẳn đi, nhanh như đã qua mười năm. Tôi đọc trên khuôn mặt bà toàn nỗi lo, dằn vặt, day dứt, nhớ thương, bế tắc, hy vọng... Còn tôi chẳng biết lúc đó ra sao nhưng theo lời mẹ nói thì tôi gần như không còn sức lực gì. Mẹ căn dặn với những lời nửa ra lệnh nửa thiết tha tôi phải cố gắng làm bài thật tốt cho ba vui. Nhưng con chỉ còn có mẹ, con sẽ vì mẹ! Tôi gật đầu để bà an tâm.

Đề thi năm đó không khó với tôi, nhưng nếu mình đậu thì sẽ ra sao? Tôi nhớ lại khuôn mặt mẹ và câu nói của mọi người về những kỳ thi đại học cực kỳ khó khăn. Chưa chắc gì mày đã đậu, cứ làm hết mình thử xem sức tới đâu. Tôi đã làm bài thi hết sức mình, tò mò chờ đợi kết quả nhưng chẳng có mấy chút gì háo hức. Thi xong, trong đầu tôi chỉ còn những con số về tiền công của một cái áo len, số cái đan được trong tuần, số tiền đi chợ hàng ngày, tiền nước, tiền điện, tiền mua đồ đạc rối tung lên nhưng kết quả luôn rõ rệt. Việc đầu tiên tôi làm sau khi thi xong là lấy lại xe thổ mộ và ra bờ hồ đón khách du lịch. Mẹ tôi cũng quyết định mở một "sạp" hoa nho nhỏ gần trường đại học Đà Lạt, chỉ đơn giản là hai xô nhỏ đựng hoa hồng loại bét và loại khá hơn một chút, giá rất rẻ. Khi tôi hỏi sao lại bán hoa hồng ở đó, bà cười:

- Người ta thường tượng trưng hoa hồng là hoa tình yêu. Tụi sinh viên thích tặng hoa cho nhau, hoặc thích mua về cắm trong phòng cho thêm lãng mạn. Cứ nhìn thấy hoa hồng là nghĩ ngay đến tình yêu... tương tư cũng cắm hoa hồng được...

Tôi chẳng quan tâm tới ý nghĩa hay thông điệp của chúng, nhưng ngày nào tôi cũng hỏi mẹ bán được nhiều không? Ai mua của mẹ? Nam hay nữ nhiều hơn? Mua tặng hay mua cắm? Mẹ cười mỗi khi trả lời tôi, vẻ phấn khởi. Rồi bà hỏi công việc của tôi thế nào? Đã làm quen với hết mọi người ở bãi xe thổ mộ chưa? Khách có vui không?


- Con đang làm quen dần mẹ à.

Tôi trả lời na ná như nhau. Thật ra con trẻ quá nên hình như khách không thích. Anh Hải bảo cái mặt con nhìn giống con cù lần. Con không dám ra mời khách, mà có mời họ cũng lắc đầu. Mẹ ơi! Mẹ có cách nào cho con có nhiều khách không mẹ? Tôi chỉ muốn nấc nghẹn nhưng không thể nào nói với mẹ được. Đơn giản tôi là đàn ông và tôi phải chăm sóc cho mẹ, không thể để mẹ lo lắng thêm được. Anh Hải bảo rồi một thời gian con sẽ tự khôn ra. Ở bãi ai cũng hiền lành nhưng ai cũng vì miếng cơm manh áo.

- Không ai bắt nạt con vì có luật chung rồi mẹ, với lại ai cũng biết con là con của bố Trung mà.

Nhưng khi nào các xe chạy hết rồi mới đến lượt con. Tôi quay đi, tìm một câu gì đó để nói. Tôi không muốn mẹ thấy tôi bối rối với công việc mới.

Gần hai tuần sau, tôi tình cờ thấy mẹ khóc khi sáng sớm dậy xếp hoa hồng vào xô. Bà nâng niu đám hoa như chúng là những bông hoa có linh hồn. Lúc đó tôi mới nhận ra sáng nào trước khi đi mẹ cũng cắm một bông hồng trước di ảnh của ba. Tôi lục tìm trí nhớ. Chịu! Không thể nhớ ra lần nào ba tặng hoa cho mẹ, dù chỉ là những đóa hoa dại ven đường. Tôi thôi hỏi những câu hỏi ngốc nghếch làm khơi dậy nỗi buồn của mẹ còn mẹ vẫn hỏi thăm về công việc của tôi.

Cuối tháng, tôi đề nghị mẹ cùng ngồi tính xem hai mẹ con đã thu chi ra sao. Mẹ gạt phắt, bảo rằng tôi cứ đi làm khi tôi rảnh, kiếm được tiền thì đưa cho mẹ, cần tiền thì nói mẹ sẽ đưa. Mẹ không muốn chia sẻ gánh nặng với con, sao vậy mẹ? Chẳng lẽ mẹ chưa coi con là một người đàn ông? Tôi muốn vén gọn sợi tóc bạc đang lòa xòa trên mặt mẹ lên vành tai của bà. Mẹ có biết mẹ già đi nhiều lắm không? Ánh mắt cứng rắn của mẹ nhìn tôi. Sao mình cứ có những cảm xúc như trẻ con thế, sến quá! Tôi nhìn lại với ánh mắt quyết liệt không kém:

- Mẹ à, con muốn nói chuyện... thẳng thắn với mẹ... ý con là... con nghĩ mình không làm ra nhiều tiền, phải không mẹ?

Tôi nhìn bà như van nài bà hãy gật đầu. Mẹ tôi thoáng nghĩ rồi gật đầu xác nhận điều đó. Xong giọng bà rất cứng:


- Con biết điều đó rồi, nhưng mẹ chỉ muốn con giúp mẹ khi con rảnh, còn việc chính của con là học. Mẹ sẽ lo cho con.

- Nhưng bằng cách nào?

- Đó là chuyện của mẹ.

Kết thúc. Tôi thấy mình thất bại thảm hại khi chẳng nói được với mẹ ý của mình. Tôi thì nói như một thằng đàn ông - hy vọng là được thế - còn mẹ chỉ coi tôi là con nít. Cách duy nhất là phải để mẹ nhìn tôi như một người lớn đã. Vì vậy khi giấy báo nhập học về, tôi giấu biệt và nói với mẹ rằng tôi đã thi rớt. Mẹ tôi lặng người một chút rồi lập tức quay sang an ủi:

- Thôi con đừng buồn nữa, thi đại học chứ có phải thi lên lớp đâu. Sang năm mình thi tiếp, con sẽ vào đại học mà. Mẹ thấy người ta thi mãi mới đậu được. Con thì đúng lúc thi ba lại mất, cho nên...

- Dạ, sang năm thi tiếp, năm nay con ở nhà ôn thi, phụ mẹ kiếm tiền rồi để dành mẹ há?

Thấy tôi tươi tỉnh mẹ vui hẳn. Mẹ sợ tôi buồn, còn tôi cũng sợ mẹ buồn. Rốt cuộc cả hai đều cười với nhau nhưng tôi thừa biết đêm nào mẹ cũng trằn trọc, sáng mẹ thường lén khóc với những bông hồng, còn tôi thì đêm nào cũng ôm chặt mền quay cuồng với những tương lai chẳng biết về đâu.

Vậy mà cũng đã hơn năm năm rồi. Lẽ ra tôi có thể khác đi nếu như... nhưng cái cụm từ "nếu như" không thể trở thành hiện thực. Tôi thương mẹ tôi biết chừng nào. Cái dáng nhỏ bé của bà lọt giữa cánh cửa gió lùa nhìn theo mỗi khi tôi và con Phi chạy lên con dốc. Căn nhà gỗ be bé buồn ơi là buồn nằm dưới thung lũng, lẫn giữa màu xanh cỏ và cây. Tôi còn có bạn bè, còn có sư phụ, các huynh đệ, tiểu muội, và cả những du khách đôi khi vừa cà chớn vừa ngốc toẹt lẫn những du khách thật sự biết thế nào là rong chơi quanh bờ hồ với tiếng lóc cóc lóc cóc của xe thổ mộ. Còn mẹ tôi còn có gì?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui