Ngày hôm nay lại giống như lần trước, trời vừa hửng sáng, bá quan dân chúng trong thành đã đổ xô ra Nam Huân môn đợi xa giá của Hoàng đế hồi thành. Chờ tới buổi chiều vẫn chưa thấy bóng dáng xe ngự đâu, Khai Phong phủ bèn mệnh hai tiểu sứ tới trai cung nghe ngóng tình hình. Sau khi được hai nguyên soái cho phép, tiểu sứ liền gặp được mấy người Hà Lịch, biết được chút tin tức. Lát sau, Hà Lịch giao cho tiểu sứ một phong thư, mệnh tiểu sứ đưa về Khai Phong phủ cùng chiếu thư của Triệu Hoàn. Tiểu sứ vừa qua khỏi cửa thì thư bị Tông Tuyển đứng chờ bên ngoài đoạt lấy, mở ra xem, chỉ thấy bên trên viết: "Nguyên soái Đại Kim lấy lí do vàng bạc chưa đủ, không cho phép ngự giá quay về. Sự tình khẩn cấp, chỉ biết dựa vào nhân dân mang lòng trung quân ái quốc chốn kinh thành, không kể giàu nghèo, ai có tiền bạc hãy mang hết tới phủ Khai Phong giao nộp."
Tông Tuyển đọc xong, nhàn nhạt liếc Hà Lịch đang lật đật chạy tới. Hà Lịch không nén nổi chột dạ, thận trọng ngẫm nghĩ xem nội dung trong thư có chỗ nào mang ý bất kính với Kim hay không, đối diện với Tông Tuyển không dám nói năng tùy tiện, chỉ sợ sệt khom người đợi y bày tỏ thái độ.
Tông Tuyển lại khẽ cười, nhét thư trở về phong bao đưa cho tiểu sứ, nói: "Mang về đi, chép thêm vài bản dán ở bảng thông báo trong thành."
Nội dung tờ thông báo công khai xin tiền bách tính này nhanh chóng được truyền đi khắp đường lớn ngõ nhỏ trong thành Biện Kinh. Người dân biết quốc khố đã trống rỗng, để Hoàng đế sớm ngày được quay về, rất nhiều người đã nghe lệnh gom góp toàn bộ tài sản trong nhà dâng lên, ngay cả bần nông ngày ngày trồng ruộng bữa đói bữa no cũng chủ động đóng góp hai lượng vàng, bảy lượng bạc. Thế nhưng chút tiền mọn này dồn lại vẫn chưa đủ số lượng, vì thế hai ngày sau, trên bảng thông báo trong thành lại xuất hiện một thông báo mới: "Ngự giá đã ba ngày chưa được ăn uống gì, nguyên soái Đại Kim trách vàng bạc quá ít, chưa chịu cho vua quay về. Nay Thượng thư tỉnh phái tòng quan khanh giám chia nhau đi khắp nơi, sẽ vào lục soát tận nhà dân."
Thượng thư tỉnh và hai mươi tư quan thị lang lại lục soát trong nhà quý tộc, tông thất, nội thị, tăng sư, nghệ nhân, ca kỹ, cuối cùng gom được ba mươi vạn lượng vàng, sáu trăm vạn lượng bạc, vẫn chưa đủ số lượng "xung vào quân quỹ" một ngàn vạn đĩnh vàng, hai ngàn vạn đĩnh bạc mà Kim yêu cầu. Khai Phong phủ đem vàng bạc đưa tới, lại uyển chuyển mở lời xin hai nguyên soái thả cho Hoàng đế, đại thần Tống quay về. Tông Vọng từ chối thẳng thừng, mắng: "Đám người Tống các ngươi thật phiền phức, chút chuyện cỏn con cũng làm không xong. Vàng bạc của dân chúng khó đòi đến thế sao? Hạn trong mười lăm ngày phải nộp hết cho quan phủ, nếu có kẻ có mà không nộp, bí mật cất giấu thì xử lý theo quân pháp. Những kẻ nói nhà không có tiền bạc kia, vậy trâm thoa trên đầu nữ tử người Tống là cái gì? Tịch thu hết lại, về sau không cho phép lấy vàng làm trang sức cài đầu nữa."
Tông Hàn cạnh bên cũng mất kiên nhẫn tiếp lời: "Quay về các ngươi tiếp tục lục soát thu gom vàng bạc trong kinh thành đưa tới, nếu thoái thác nói không đủ nữa rồi thì ta sẽ lập tức dẫn đại quân vào thành gom sạch."
Khai Phong phủ dựa theo ý hai nguyên soái lại viết thành thông cáo mới: "Nếu vàng bạc đã cạn kiệt, sẽ dẫn đại quân vào thành lục soát." Dân chúng trong thành thất sắc nhìn nhau, chỉ đành vâng mệnh đêm hết vật dụng vàng bạc trong nhà ra nộp hết lên.
Ngày thứ sáu sau khi Triệu Hoàn tới Thanh Thành là tiết Thượng Nguyên, Tông Vọng mời Triệu Hoàn và các đại thần tới Lưu Gia Tự nơi quân do y thống lĩnh hạ trại ngắm đèn. Trong chùa* bày hai vạn ngọn đèn, kiểu dáng tinh xảo, sáng rỡ cả khoảng sân, khiến đất trời băng giá cũng như được nhuộm một lớp sắc màu ấm áp, nếu không có quân Kim gươm đao sáng quắc đứng hai bên thì thực giống cảnh tượng thời thái bình thịnh thế.
(* Chữ "tự" trong "Lưu Gia Tự" có nghĩa là chùa.)
Thấy Triệu Hoàn say mê ngắm đèn, Tông Vọng bèn cười nói vói y: "Số đèn này nhìn có quen mắt không? Là ta lệnh cho Khai Phong phủ đưa đến... Tay chân bọn họ cũng thật nhanh nhẹn, ngày hôm qua vừa hạ lệnh, hôm nay đã đưa tới rồi."
Triệu Hoàn bối rối cười cười, nhất thời mất sạch hứng thú ngắm đèn, ủ dột ngồi xuống chỗ.
Tông Vọng bày ba bàn tiệc trong sảnh trên, sáu bàn ở sảnh dưới, trên đài có mấy chục ca kỹ giáo phường thổi sáo ca hát, náo nhiệt vô cùng. Sau khi khai yến, Tông Vọng cũng chỉ mải mê cùng đám người Tông Hàn, Tông Tuyển nâng ly chúc tụng, cốc chén va lanh canh lớn tiếng nói cười, căn bản không hề liếc nhìn Triệu Hoàn ngồi một bên cái nào. Triệu Hoàn thấy bọn họ vui vẻ uống rượu bèn có ý muốn nhắc lại việc nghị hòa, liên tục liếc nhìn hai nguyên soái, mà hai nguyên soái lại giả bộ không biết, cuối cùng Triệu Hoàn chỉ đành tự đứng lên kính mỗi nguyên soái một ly, thấy sắc mặt bọn họ không thay đổi mới lên tiếng: "Hôm nay bất ngờ được cơ hội tốt, cùng hai vị nguyên soái Đại Kim và chúng tướng quân đón tiết Thượng Nguyên, Triệu Hoàn cảm thấy may mắn vô cùng. Song tôi tới quân doanh Kim đã nhiều ngày, làm phiền nguyên soái đã lâu, trong lòng không yên tâm. Mà nay số lượng kinh phí cho quân đội tuy chưa đủ nhưng cũng đã đủ cho tướng sĩ Đại Kim sử dụng tạm một thời gian, vẫn mong nguyên soái cho tôi cáo từ, sau khi hồi kinh tôi nhất định sẽ tận lực đốc thốc quan viên kinh thành, nhanh chóng gom đủ số lượng quân phí đưa tới Thanh Thành."
Tông Hàn cầm ly rượu lạnh nhạt nói: "Tiền chưa trả xong lại đòi đi? Được, đưa Thái thượng hoàng nhà các ngươi đến đây, đổi cho ngươi quay về."
Tông Vọng cũng liếc xéo Triệu Hoàn: "Không sai. Nếu muốn rời đi, bảo cha ngươi dẫn theo các em gái của ngươi tới đây thế chỗ."
Các tướng Kim khác nghe vậy đều phá lên cười lớn, mà quân thần Tống cúi đầu xấu hổ không sao tả xiết, có người cả gan trừng mắt nhìn hai nguyên soái, song cũng đều phẫn nộ mà đành câm nín. Bi thương trào dâng trong lòng Triệu Hoàn, vành mắt đỏ lên thở dài nói: "Thái thượng hoàng phải làm con tin, kẻ làm con đau đớn khôn xiết. Đế cơ cải giá, thần dân đều cảm thấy nhục nhã! Lần trước tôi viết chiếu mệnh Khai Phong phủ cho Mậu Đức đế cơ tới hòa thân, nghe nói đã bị Thái thượng hoàng gạt đi ngay lập tức, tin tức truyền ra khiến toàn thành xôn xao. Tôi làm gì còn mặt mũi nhắc lại việc này!"
"Ha ha," Lại nghe thấy Tông Hàn cười khan hai tiếng, "Ngươi cũng sĩ diện thật đấy, còn sợ bị thần dân chê cười. Vậy nếu chúng ta thẳng thừng bắt luôn Thái thượng hoàng và đế cơ muội muội nhà ngươi đưa về Kim quốc, ngươi nói xem liệu có phải thần dân sẽ không cười nhạo nữa chăng?"
Triệu Hoàn bị y chì chiết, nhất thời nghẹn họng, hồi lâu không thốt nên lời. Tông Hàn Tông Vọng cũng không để ý tới y nữa, tiếp tục chè chén cùng anh em bạn bè.
Triệu Hoàn lặng lẽ rũ mắt ngồi, đột nhiên nghe thấy tiếng đàn sáo trên đài thay đổi, nhạc tấu chậm lại, sau đó một chuỗi tiếng đàn tỳ bà lảnh lót vang lên, thánh thót như chim ca hoa nở, châu rơi ngọc vụn, từ tiếng nhạc nghe ra được hẳn là "Khánh Tuyên Hòa".
Chúng nhân đều ngước mắt nhìn xem, thấy người chơi đàn là một nữ tử áo tím, dung mạo xinh đẹp, vóc người mảnh mai, áng chừng mười tám mười chín tuổi, lúc này đang nhắm mắt chuyên chú đánh đàn, khuôn mặt không biểu cảm, hoàn toàn không bận tâm tới ánh mắt của những người xung quanh.
Tông Vọng đắc ý giới thiệu với chúng nhân: "Ban nhạc giáo phường này là hôm nay ta bảo Khai Phong phủ đưa tới từ hoàng cung Biện Kinh. Người chơi đàn tỳ bà này nghe nói là tay đàn nổi tiếng được Thái thượng hoàng vô cùng yêu thích."
Chúng tướng Kim đều nhao nhao khen ngợi, vừa khen kỹ thuật chơi đàn của cô gái, vừa khen Tông Vọng làm việc nhanh chóng có hiệu quả.
Triệu Hoàn ngày thường không đam mê ca nhạc, không có chút hứng thú nào đối với nhạc kỹ của Phụ hoàng, gần chưa chưa từng lưu tâm chú ý tới bất kỳ người nào. Nay nghe Tông Vọng nói vậy cũng chỉ liếc nhìn một cái, nhớ tới việc nàng ta bị cưỡng ép đưa từ cung tới đây, trong lòng không nén nổi thê lương, vẫn cúi đầu buồn bã ngồi đó. Không ngờ cô gái chơi đàn tỳ bà đánh xong một khúc lại gác đàn, đứng dậy đi thẳng tới trước mặt Triệu Hoàn, thỉnh an nói: "Quan gia thánh cung vạn phúc."
Triệu Hoàn phất tay bảo nàng bình thân, lại đưa mắt nhìn nàng, đột nhiên cảm thấy có chút quen thuộc, bèn hỏi: "Có phải trẫm đã từng gặp ngươi ở đâu rồi không?"
Cô gái chơi đàn tỳ bà gật đầu, rưng rưng mỉm cười nói: "Nô tỳ và quan gia quả thực đã có duyên gặp gỡ một lần. Tháng Mười Hai năm Tuyên Hòa thứ bảy, sau khi Thái thượng hoàng quyết định nhường ngôi cho bệ hạ, từng mời quan gia vào yết kiến. Lúc ấy Thái thượng hoàng đã gọi tôi và một vị tỷ muội khác ra, muốn ban cho quan gia. Song quan gia chỉ liếc nhìn chúng tôi một cái, lập tức từ chối: 'Con cần bọn họ làm gì?'"
Triệu Hoàn cũng gật đầu, cảm khái nói: "À, trẫm nhớ ra rồi..." Lúc ấy Triệu Cát vì bất đắc dĩ nên mới phải nhường ngôi cho y, nghĩ tới việc cha con bất hòa, có ý muốn bù đắp lôi kéo, toan ban hai mỹ nhân cho y. Thế nhưng Triệu Hoàn vừa không háo sắc vừa ôm bất mãn tích tụ với phụ thân, kiên quyết từ chối không nhận.
Cô gái chơi đàn tỳ bà đáp: "Lúc ấy chúng tôi bị quan gia cự tuyệt, dĩ nhiên xấu hổ lúng túng vô cùng. Nhưng tôi chưa từng oán hận về việc này, ngược lại còn cảm thấy vui mừng: bậc quân vương không háo sắc ắt mang chí lớn, là phúc của muôn dân."
Triệu Hoàn càng nghe càng hổ thẹn, cười khổ nói: "Nay trẫm biến thành thế này, nhất định đã khiến ngươi thất vọng rồi."
Cô gái chơi đàn tỳ bà không đáp thẳng, chỉ nói: "Buổi chiều hôm nay lúc nô tỳ theo đội nhạc giáo phường ra khỏi thành có nghe thấy bách tính trong thành đang truyền nhau hát 'Thượng Nguyên hành' do tác giả nổi tiếng Hồ Xứ Hối mới sáng tác, đã để tâm ghi nhớ, xin quan gia cho phép tôi bây giờ được hát. Nếu quan gia nghe lọt tai, nô tỳ kiếp này đã không còn gì nuối tiếc."
Triệu Hoàn đồng ý, ôn hòa nói: "Ngươi hát đi."
Bởi thế cô gái chơi đàn tỳ bà quay về chỗ ngồi, ôm đàn lên gảy vài âm, sau đó bắt đầu đánh đàn hát: "Thượng Nguyên mây sầu giăng kín trời, chiều buồn nhẹ buông nổi gió tanh. Rồng ác hạ chân nơi thảm cỏ, chơi bời nhảy múa động hoàng cung. Trâm vàng thoa ngọc đều không tha, vơ vét gom vào rương báu. Thánh chủ thương dân dân càng đau, mọi rợ nghịch thiên trời không giận..."
Nghe thấy nàng ngang nhiên mắng chửi giặc ngoại xâm, những người Tống trong bàn tiệc đều rúng động, mặc dù cảm thấy hả hê, song vẫn biết tính mạng nàng khó mà giữ nổi, vừa nghe nhạc vừa bắt đầu lén lút quan sát phản ứng của người Kim.
Đám người Tông Hàn Tông Vọng mặc dù cũng đã học sơ chút tiếng Hán, song bài hát này chỉ nghe được láng máng. Có thể nghe hiểu chỉ có Tông Tuyển, Cao Khánh Duệ và mấy vị thông sự. Tông Tuyển và Cao Khánh Duệ liếc nhau, nhất thời chưa bày tỏ bất kì thái độ gì. Các vị thông sự khác thấy bọn họ chưa phản ứng cùng đều trầm mặc nghe tiếp.
Cô gái chơi đàn tỳ bà lại hát: "Trước nay ngôi lớn luôn khó truyền, cha già nhân nghĩa lại nhường con. Năm nhất năm hai kết liên minh, chưa đợi hiền thần nối Gia Hựu*. Dân thành đớn đau bụi lại dâng, đao kiếm chặn đường bắt phải theo. Thần long say ngủ trong thâm cốc, rắn rết mặc sức phá tan hoang. Triều đình trung hưng không chỗ dựa, đế hoàng đêm ngày chẳng an yên. Mao Toại** không được vào hàng sứ, thẹn thay nước Triệu nuôi nhân tài..."
(* Gia Hựu: Một niên hiệu dưới thời vua Tống Nhân Tông.
** Mao Toại: Người nước Triệu thời Chiến Quốc, nhân vật gắn với tích truyện "Mao Toại tự tiến cử". Ý nói người có tài năng nhưng không được trọng dụng, không cách nào cống hiến cho đời.)
Triệu Hoàn nghe tới đây cuối cùng cũng không nén nổi nữa, kéo tay áo che mặt gục xuống bàn bật khóc, những người Tống khác cũng rầu rĩ khóc than. Tông Hàn Tông Vọng nhìn ra khác lạ, vội hỏi Tông Tuyển Cao Khánh Duệ lời bài hát có ý nghĩa gì. Cao Khánh Duệ bắt đầu dịch lời bài hát ra cho hai người nghe, còn Tông Tuyển vẫn không nói một lời, tập trung nghe nàng ta hát tiếp.
Tiếng nhạc càng lúc càng dồn dập, cô gái chơi đàn tỳ bà nhíu mày nhìn thẳng vào chúng tướng Kim trên sảnh, thần sắc cũng trở nên phẫn nộ, ngón tay ngọc lướt như bay trên dây đàn, cao giọng hát: "Hôm nay quân chủ có về chăng, kinh thành ngoảnh đầu bi thương ngóng. Núi động biển gào rung đất trời, vạn nhà đốt hương ngập trời sương. Man di man di chớ vội mừng, thiện ác báo ứng chỉ chờ lúc!"
Chữ "lúc" vừa dứt, nàng ấn tay xuống dây đàn, tiếng tỳ bà cũng theo đó ngưng bặt. Gần như cùng lúc, Tông Tuyển đập bàn đứng lên, ra lệnh: "Bắt cô ta lại..."
Nào ngờ y chưa dứt lời trên đài đã vang lên một tiếng động lớn. Cô gái chơi đàn vẫn đang đứng nhìn y lạnh lùng cười, nhấc cây đàn đã bị đập vỡ lên, sau đó cúi đầu nhặt một mảnh vỡ sắc nhọn, nhanh như chớp rạch mạnh lên cuống họng chính mình.
Máu tươi tóe ra bốn phía. Những lính Kim đang muốn tiến lên bắt lấy nàng cũng có chút ngây sợ nhìn máu nóng từ cuống họng nàng ồng ộc phun ra như suối, không nén được lùi lại hai bước.
Cô gái đánh đàn tỳ bà vẫn cố gắng gượng dậy, đẩy hai nhạc kỹ đi tới toan dìu nàng ra, lại lảo đảo bước vài bước về phía Triệu Hoàn, ý cười nở rộ trên đôi môi xám nhợt: "Quan gia bảo trọng. Ngày sau Đông Sơn tái khởi, rửa nhục cho nước nhà..."
Cuối cùng nàng cũng kiệt sức gắng gượng, ngã phịch xuống bậc thềm, ngoài tứ chi vẫn thi thoảng co giật ra thì cơ thể đã không còn động đậy nữa.
Mở trừng mắt, không khép được môi, hồi lâu không nhắm nổi mắt. Triệu Hoàn không phân biệt được cảm xúc lúc này là đau đớn hay khiếp sợ, chỉ vô thức co về phía sau, giống như đang tránh né dòng máu nóng từ cổ nàng uốn lượn chảy về phía y.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...