Nhu Phúc Đế Cơ


Triệu Cấu chậm rãi tiến vào, sau khi hành lễ với Triệu Hoàn liền lần nữa lặp lại yêu cầu xuất sứ trại Kim.

Triệu Hoàn thấy y chủ động đề đạt thì âm thầm thở phào, song tới lúc thật sự quyết định xuống chiếu chỉ, nhớ tới tình nghĩa huynh đệ, ngài vẫn khó tránh khỏi cảm thấy day dứt, áy náy nói với Triệu Cấu: "Cửu đệ, chuyến đi này vô cùng hệ trọng, nhất định phải cẩn thận.

Nếu không phải bị người Kim chèn ép thì trẫm cũng sẽ không đồng ý để đệ đệ mình mạo hiểm như thế.

Là do trẫm vô lực, đã liên lụy tới đệ."
Triệu Cấu kiên nghị đáp: "Kẻ địch đòi thân vương làm con tin, thần vì tông thất mà cống hiến, sao có thể trốn tránh đùn đẩy!"
Triệu Hoàn liên tiếp ngợi khen, sắc phong Triệu Cấu làm Quân tiền kế nghị sứ, Thiếu tể Trương Bang Xương làm Phó sứ, lại phái thêm hai ba quan lại cùng theo bọn họ tới trại Kim.

Lý Chuyết từ trại Kim quay về nghe nói vậy còn nói Triệu Cấu là kẻ tham công mà không lường được nguy hiểm, lặng lẽ kéo hắn qua một bên: "Nước Đại Kim sợ Tống triều sẽ bội tín, bởi thế mới đòi thân vương sau khi đưa bọn họ qua Hoàng Hà mới có thể quay về.

Điện hạ có biết việc này không?"
Triệu Cấu lạnh lùng liếc y, trịnh trọng nói: "Nay quốc gia lâm nạn, dẫu có phải lấy cái chết để báo quốc, cũng là việc nên làm."
Lời này thốt ra, kẻ nghe biến sắc, đều âm thầm bội phục lòng dũng cảm và chí khí của y.

Mà Lý Chuyết nghe xong liền đỏ bừng mặt, xấu hổ tới mức chỉ muốn chui xuống đất.

Triệu Cấu tạm thời chưa muốn thông báo cho mẫu thân, thế nhưng tin tức này quá khiến người ta phải khiếp sợ, chẳng bao lâu sau đã truyền đi khắp hoàng cung.

Vi Uyển dung mới nghe xong choáng váng chực ngất, lập tức đứng dậy lao về hướng cung Long Đức - tẩm cung của Thái thượng hoàng.

Gặp được Triệu Cát bèn quỳ sụp xuống dưới chân ông, nước mắt lã chã rơi cầu xin ông lệnh cho Triệu Hoàn thu hồi thành mệnh, xin đừng bắt Triệu Cấu đứa con trai duy nhất của bà tới trại giặc mạo hiểm tính mạng.

Thế nhưng Triệu Cát chỉ không ngừng thở ngắn than dài, an ủi bà rằng chuyến này đi mấy ngày là có thể quay về, đợi Triệu Cấu về rồi nhất định sẽ gia tăng phong thưởng, ban binh mã, thực quyền cho y.

Vi Uyển dung liều mạng lắc đầu, kiên trì khóc lóc cầu xin, nhưng Triệu Cát vẫn không đồng ý.


Bà quỳ trước ông, vừa dập đầu vừa khóc lóc: "Cầu xin người, Hoàng thượng!"
Bà không ngừng lặp đi lặp lại câu nói này, cho tới tận khi trán đã mơ hồ chảy máu, tóc tai rũ rượi, nằm sõng soài trên nền đất.

Mà Triệu Cát sau vài phen ngăn cản thấy bà không nghe cũng đành mặc kệ, xoay đầu đi ngắm nghiền mắt, không nói năng gì.

Đó là những gì mà Triệu Cấu trông thấy khi vội vã đuổi tới.

Y lặng lẽ đi tới đỡ mẫu thân dậy, nhẹ nhàng nói với bà: "Mẫu thân, là con tự mình xin đi, không liên quan gì tới Phụ hoàng.

Chúng ta đừng làm phiền người nữa, quay về thôi."
Vi Uyển dung vẫn đau lòng rơi lệ, không chịu rời đi.

Triệu Cát trông thấy con trai ở đây cũng cảm thấy áy náy, bèn khuyên bảo: "Cấu nhi rất dũng cảm, chuyến này đi lập đại công cho nước nhà, Uyển dung dạy con rất khéo, trẫm rất an lòng.

Nay tấn phong nàng làm Hiền phi Long Đức cung, sống ở mé bên tẩm cung của trẫm, nàng thấy thế nào?"
Vi Uyển dung thê lương đáp: "Hoàng thượng có 31 người con trai, nhưng thần thiếp chỉ có một mình Cấu nhi.

Thần thiếp yêu quý nó còn hơn cả tính mạng của mình, nếu lần này nó một đi không trở lại, thần thiếp cũng chẳng sống nổi nữa, còn cần những thứ danh phận hão huyền này làm chi? Nếu hoàng thượng khuyên nhủ được quan gia thu hồi thành mệnh thì dẫu có phế thần thiếp làm thứ dân, làm nô tỳ, thiếp cũng cam tâm tình nguyện."
Triệu Cát nghe xong vô cùng bối rối, còn Triệu Cấu lập tức khuyên ngăn: "Xin mẫu thân đừng nói vậy." Lại trịnh trọng quỳ xuống dập đầu trước Phụ hoàng: "Nhi thần thay mẫu thân khấu tạ ân điển của Phụ hoàng." Sau đó đứng lên, dìu mẫu thân đứng dậy, mỉm cười nói: "Mẫu thân, giờ người đã là Hiền phi rồi."
Được tấn phong làm phi vốn là tâm nguyện nhiều năm nay của Vi Uyển dung, thế nhưng chẳng ngờ lại đạt được trong hoàn cảnh này.

Lúc này bà không cảm nhận được chút hoan hỉ nào, chỉ càng cảm thấy trái tim quặn thắt, dựa vào con trai mà khóc tới đứt từng khúc ruột.

Triệu Cấu cũng nhẹ nhàng ôm lấy mẹ, trong lòng vừa buồn bã vừa thương cảm.

Y xin đi sứ, dĩ nhiên là bởi bầu nhiệt huyết sục sôi báo quốc, thế nhưng ít nhiều cũng là vì muốn thay đổi địa vị thấp hèn của mẫu thân bọn họ.

Từ nhỏ, y đã quen với việc trông thấy sự sầu bi và những giọt nước mắt của mẫu thân.


Còn giờ đây y đã lớn, y sẽ nghĩ cách bảo vệ mẫu thân, dựa vào năng lực của mình đổi lấy vinh dự mà bà đã khao khát suốt 10 năm, vạch ra một kế hoạch chi tiết, mà đi sứ Kim là bước đầu tiên.

Dẫu có là một ván cược chết chóc, y cũng nhất định phải giữ vững ý chí.

Trước khi lên đường, y trịnh trọng hứa với mẫu thân tiễn biệt: "Vì mẫu thân, con chắc chắn sẽ quay về." Sau đó tung mình lên thân ngựa, phi về hướng trại Kim, đầu không ngoảnh lại một lần.

Trái tim Vi Hiền phi thắt lại, yếu ớt khuỵu xuống giữa làn bụi đất mịt mù mà vó ngựa để lại, nước mắt nhạt nhòa rơi trên khuôn mặt đau khổ.

Tướng Kim Oát Ly Bất thấy Tống triều quả nhiên đã phái thân vương tới bèn ôm dạ đánh đòn phủ đầu, lấy danh nghĩa tiếp đón mà lệnh cho tinh binh tuốt đao sáng quắc đứng xếp hàng, dạt ra thành một lối nhỏ chừng một lí* cho bọn họ tiến vào.

Triệu Cấu thấy vậy cũng không kinh hãi, chỉ thong thả thúc ngựa vào trại, sau đó ung dung nhảy xuống khỏi lưng ngựa, sải bước về hướng soái trướng của Oát Ly Bất.

Hễ trông thấy có người mang ý ngăn cản, y liền lạnh lùng liếc nhìn, cho tới tận khi tất cả đều dạt ra hết mới tiếp tục tiến về phía trước.

Đám người Trương Bang Xương khép nép đi phía sau y, vừa đi vừa run.

(* Lí: Đơn vị đo lường cổ đại, một lí bằng khoảng 500 mét.)
Sau khi yết kiến Oát Ly Bất, đám người Trương Bang Xương vội vã cung kính trình minh thư cầu hòa của Triệu Hoàn lên, hành lễ xong lại quay về hướng Bắc bái tạ, thể hiện lòng tôn kính với Hoàng đế nước Kim, sau đó cẩn thận đứng sang một bên, không dám ho he gì nữa.

Trong cả đám người duy có Triệu Cấu không hành lễ với Oát Ly Bất, cũng không bái tạ, chỉ hiên ngang đứng đó, đợi Oát Ly Bất mời nhập tọa xong bèn tự nhiên ngồi xuống, bất luận Oát Ly Bất lớn tiếng uy hiếp hay âm trầm thăm dò cũng bình tĩnh đối đáp, mặt không đổi sắc, không lộ ra chút khiếp sợ nào.

Oát Ly Bất thấy y chẳng qua chỉ là một thiếu niên 19 tuổi mà vào trại giặc không sợ hãi, trong lòng cũng âm thầm nể phục, sau khi giữ bọn họ lưu lại trong trại bèn phía người ngày đêm canh giữ.

Trương Bang Xương đã kinh sợ nguyên một ngày, dò la hỏi Oát Ly Bất khi nào sẽ qua sông quay trở về Kim.

Oát Ly Bất thấy triều Tống mặc dù đã chấp nhận nghị hòa, thế nhưng vàng bạc được đưa tới trại trước mắt còn chưa đủ tới một phần mười số lượng mà nước Kim muốn, hơn nữa cũng chần chừ chưa tiến hành cắt đất, bởi thế không vội quay về nước, chỉ đều đặn ngày ngày phái kỵ binh đi tàn sát cướp bóc bên ngoài kinh thành.


Khác hoàn toàn với bọn Trương Bang Cơ, Triệu Cấu chưa từng hỏi ngày về, hàng ngày ngồi đọc sách trong trướng, ý vị nhàn tản.

Thi thoảng Oát Ly Bất lại vào trướng quan sát hành vi, thái độ của bọn họ, Triệu Cấu trông thấy cũng gật đầu làm lễ, thế nhưng không quá chú tâm tới hắn.

Một ngày kia, Oát Ly Bất lại tới trướng của Triệu Cấu.

Lại trông thấy Triệu Cấu đang đọc sách, hắn hỏi: "Ngươi đang đọc sách gì vậy?"
Triệu Cấu đáp: "Binh pháp Tôn Tử."
Oát Ly Bất cười lạnh: "Người Tống các ngươi toàn chỉ biết bàn việc binh trên giấy*, trên thực tế đến sức trói gà cũng không chặt.

Đừng nói tới việc dẫn binh ra trận, ngay đến năng lực giương cung săn bắn chắc cũng chẳng có."
(* Bàn việc binh trên giấy: Tích này xuất phát từ Triệu Quát - một vị tướng của nước Triệu thời Chiến Quốc.

Triệu Quát học binh pháp từ nhỏ, khi bàn chiến lược thì khẩu khí khó ai bì, thế nhưng khi thực sự dẫn binh ra trận lại gặp phải thất bại nặng nề.

Thành ngữ này đại ý muốn nói chỉ giỏi nói lý thuyết suông mà không biết thực hành.)
Triệu Cấu nghe vậy bèn ngẩng đầu lên nhìn hắn, trông thấy phía sau hắn có một cây cung sắt đen, bèn mỉm cười nói: "Nguyên soái có đồng ý cho ta mượn cung này xem một lát chăng?"
Oát Ly Bất cười ha hả: "Ngươi muốn kéo cây cung này? Cây cung này đã theo ta nhiều năm, chỉ kẻ phi phàm mới có thể sử dụng, ngay tới những tướng sĩ dũng mãnh nhất nước Kim cũng chưa chắc đã kéo được hết cỡ!" Vừa nói vừa tháo cây cung xuống, rút một mũi tên, đưa cho Triệu Cấu: "Cho ngươi mở mang tầm mắt.

Có điều cẩn thận đấy nhé, đừng làm gãy tay."
Triệu Cấu đứng dậy đón lấy, thoáng nhìn qua rồi giương cung lên, dùng lực, dây cung chầm chậm được kéo ra.

Dần dần đã kéo căng hết cỡ.

Mà nụ cười của Oát Ly Bất cũng theo đó tắt ngấm.

Triệu Cấu nhìn thẳng về phía trước, mím chặt môi, biểu cảm nghiêm túc.

Sau đó xoay người, trong khoảnh khắc đã ngắm thẳng mũi tên về phía Oát Ly Bất.

Oát Ly Bất bàng hoàng kinh hãi, lập tức nghiêng người né đi.


Triệu Cấu sảng khoái cười, ngẩng đầu giương cung lên trời, tay phải khẽ buông, mũi tên soàn soạt xé gió, xuyên thủng mái vòm, bay vút lên bầu trời.

Sau đó Triệu Cấu đặt cung tên xuống mặt bàn, lần nữa ngồi xuống, lại cầm sách lên lặng lẽ đọc.

Thời khắc này y một thân quần áo đơn giản, đai áo buông lỏng, tóc buộc lại bằng một sợi dây trắng, sắc diện tuấn lãng, dáng vẻ đọc sách tĩnh tại mà nhàn tản.

Cây cung kia lặng lẽ nằm trên mặt bàn, dường như chẳng có chút liên hệ nào với y vậy.

Oát Ly Bất đứng lặng hồi lâu, sau cùng mới nghĩ ra được một câu: "Ngươi thật sự là đệ đệ của hoàng đế Nam triều?"
Triệu Cấu gật đầu, rành mạch đáp: "Ta là con trai thứ chín của Giáo chủ Đạo quân Thái thượng hoàng đế, là cửu đệ của đương kim thánh thượng, Khang vương Triệu Cấu."
Oát Ly Bất lại nhìn y không chớp mắt thật lâu, sau đó cầm cung tên lên, im lặng rời đi.

Tới tháng Hai, Thượng thư hữu thừa Lý Cương thấy việc nghị hòa tuy đã thành song người Kim vẫn chưa chịu lui binh, bèn đệ trình tấu chương xin Triệu Hoàn phái binh tấn công trại Kim trong đêm, mục đích tiêu diệt hoàn toàn hoặc bức lui.

Triệu Hoàn bèn lệnh cho Hội kinh kỳ tuyên phủ ti đô thống chế Diêu Bình Trung dẫn quân tập kích trong đêm, chẳng ngờ người Kim đã nghe ngóng được từ trước, đã có chuẩn bị, hai quân giao tranh mỗi bên đều tổn thất, mà quân Kim cũng chưa chắc đã rút lui được như ý nguyện.

Oát Ly Bất thấy tuy đã giữ thân vương làm con tin mà Tống triều vẫn lén lút tập kích, nhất thời nộ khí bừng bừng, gọi sứ thần Tống vào trướng, hầm hè chất vấn Nam triều vì sao phá bỏ giao ước.

Trương Bang Xương sợ hãi tới mức mồ hôi lạnh toát ròng ròng, không dám hé răng nửa chữ, mà Triệu Cấu thần sắc bình thản ung dung đáp: "Bọn ta thân ở trại Kim, nào biết được sách lược trong triều, xin thứ lỗi cho Cấu không thể trả lời câu hỏi của nguyên soái."
Oát Ly Bất thấy y vẫn thản nhiên được trong tình huống này, lời nói hành động vẫn không kiêu ngạo không siểm nịnh, lại càng thêm nghi ngờ thân phận của y.

Sau khi tức giận đùng đùng xông khoát tay lệnh cho bọn họ lui, hắn bèn nói với chư tướng tả hữu: "Cái tên Khang vương này căn bản chẳng hề giống thân vương Nam triều chút nào, chắc chắn là hàng giả, giả mạo Khang vương tới đây làm con tin.

Nếu thật sự là con đẻ của tên Thái thượng hoàng nhát như cầy sấy đó thì vào trại địch làm sao có được lá gan mà ung dung tự tại như thế được? Chẳng trách hoàng đế Nam triều không hề quan tâm tới an nguy của hắn, lại dám phá bỏ hòa ước."
Bởi thế hắn bèn phái người thông báo cho Triệu Hoàn, đòi đổi một thân vương khác làm con tin.

Triệu Hoàn lại sau một phen đắn đo, chọn lựa, khuyên bảo, cuối cùng phái ngũ đệ Túc vương Xu vào trại Kim thay cho Khang vương Cấu.

Mấy ngày sau, Túc vương tới trại Kim, chính thức đồng ý việc cắt đất, đồng thời cũng mang tới chiếu thư của Triệu Hoàn, tấn phong Bang Xương làm Thái tể, tiếp tục ở lại trong trại Kim làm tin.

Oát Ly Bất bèn gật đầu đồng ý, thả Triệu Cấu quay về Biện Kinh..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui